BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Vài ghi chú khi đọc kinh điển (2)

Bình Anson


 (Phần 2 - tiếp theo Phần 1, bài viết đầu năm 2008)

1. Nguồn gốc của tạng Thắng pháp

Vài ghi nhận khi đọc phần mở đầu của cuốn Atthasalini, Chú giải Bộ Pháp tụ, của Luận sư Buddhaghosa (Phật Âm), Tk Thiện Minh dịch Việt:

Trong 3 tháng hạ, Đức Phật ngự tại cung trời Tavatimsa (Tam Thập Tam) giảng Thắng pháp (Abhidhamma, A tỳ đàm, Vi diệu pháp) cho chư thiên (trong đó, có thân mẫu ngài Bồ tát). Hằng ngày, Đức Phật tạo ra một hình hài thứ nhì, xuống địa cầu đi khất thực tại thành Sankassa, gần hồ Anottata, thuộc bộ tộc Uttarakuru. Sau khi thọ thực và nghỉ trưa, Đức Phật tóm tắt lại cho Trưởng lão Sariputta (Xá lợi phất) về các điểm chính mà Ngài đã giảng cho chư Thiên.

Sau đó, Ngài Sariputta giảng rộng ra cho 500 vị Tỳ khưu; và về sau này, kết tập lại thành 6 bộ Thắng pháp. Bố cục, sắp xếp các bộ này là do Ngài Sariputta đặt ra. Đó là:

1) Dhammasangani (Pháp tụ)
2) Vibhanga (Phân tích)
3) Dhatukatha (Chất ngữ)
4) Puggalapannatti (Nhân chế định)
5) Yamaka (Song đối)
6) Patthana (Vị trí)

Ngoài ra, theo Ngài Buddhaghosa, Đức Phật đưa ra một bảng đề mục (mātikā, khung sườn, dàn bài) và tiên đoán về sau này sẽ có người khai triển thành bộ thứ 7 là Kathavatthu (Thuyết luận sự). Vào thời vua A dục, 218 năm sau khi Đức Phật bát niết bàn, Ngài Moggali Tissa (Mộc kiền liên Đế tu) ngồi tham thiền giữa hội chúng 1000 vị tỳ khưu và suy giải ra toàn bộ cuốn này.

Như vậy -- căn cứ theo sự giải thích của Luận sư Buddhaghosa trong cuốn Atthasalini -- tạng Thắng pháp như đã được kết tập và lưu truyền cho đến ngày nay, thật ra, không phải là tập hợp các bài giảng của Đức Phật về A tỳ đàm, mà là tập hợp các bài giảng của Ngài Sariputta và Ngài Moggali Tissa.

Ngài Sariputta sắp xếp các bài giảng trong 6 bộ. Còn bộ thứ 7 (Thuyết luận sự) là tổng hợp các bài giảng của Ngài Moggali Tissa.

Bảy bộ này kết hợp thành tạng Thắng pháp hay tạng Vi diệu pháp của Tam tạng kinh điển Pali.

2. A tỳ đàm của Nhất thiết hữu bộ (Hán tạng)

Không phải chỉ có Trưởng lão bộ (Theravada) là có tạng A tỳ đàm, ngày nay được lưu truyền trong Tam tạng Pali. Trong thời gian 500 năm sau khi Đức Phật bát niết bàn, các bộ phái Phật giáo khác cũng có các phát triển về A tỳ đàm, nhưng ngày nay các tài liệu đó đã bị thất truyền. Duy chỉ còn tạng A tỳ đàm của Hữu bộ, mặc dù nguyên bản Sanskrit đã thất truyền nhưng vẫn còn tồn tại các bản dịch Tạng văn và Hán văn.

Tạng A tỳ đàm của Hữu bộ, trong Tập 26 của Đại tạng kinh Đại Chính tân tu (Hán tạng),  gồm có:

* A Tỳ Đạt Ma Tập Dị Môn Túc (Abhidharma-samgiti-paryàyàpàda): Tác giả là Tôn giả Xá Lợi Tử (No. 1536, T26, 20 quyển, Pháp sư Huyền Tráng dịch ra Hán văn).

* A Tỳ Đạt Ma Pháp Uẩn Túc (Abhidharma-skandha-pàda): Tác giả là Tôn giả Đại Mục Kiền Liên (No. 1537, T26, 12 quyển, Pháp sư Huyền Tráng dịch ra Hán văn).

* Thi Thiết (Prajnapati-sàstra): tác giả là Tôn giả Ca Chiên Diên (?) (No. 1538, T26, 7 quyển, Đại sư Pháp Hộ dịch ra Hán văn).

* A Tỳ Đạt Ma Thức Thân Túc (Abhidharma-vijnàna-kàyapàda): Tác giả là Tôn giả Đề Bà Thiết Ma (sinh sau Phật nhập Niết bàn khoảng 100 năm) No. 1539, T26, 16 quyển, Pháp sư Huyền Tráng dịch ra Hán văn).

* A Tỳ Đạt Ma Giới Thân Túc (Abhidharma-dhàtu-kàyapàda): Tác giả là Tôn giả Thế Hữu (No. 1540, T26, 3 quyển, Pháp sư Huyền Tráng dịch ra Hán văn). Cùng một tác phẩm, nhưng bản Hán dịch được thực hiện sớm hơn, do hai Đại sư Cầu Na Bạt Đạ La và Bồ Đề Da Xá dịch vào đời Lưu Tống (420-478) mang tên "Luận Chúng Sự Phần A Tỳ Đàm" (No. 1541, T26, 12 quyển).

* A Tỳ Đạt Ma Bát Kiền Độ: tác giả là Tôn giả Ca Chiên Diên Tử (No. 1543, T26, 30 quyển, Đại sư Tăng Già Đề Bà và Trúc Phật Niệm dịch ra Hán văn). Đây là bản dị dịch (và dịch trước) tác phẩm luận "A Tỳ Đạt Ma Phát Trí" (Abhidharma-jnànaprasthàna). Chữ Kiền độ (Skandha) là từ phiên âm, dịch ý là Tụ (Tích tụ).

3. Ba tạng, Năm bộ, Chín thể 

Đọc Chú giải Tiểu tụng (Khuddakapatha Atthakatha), Luận sư Buddhaghosa, Tk Nanamoli dịch Anh, Tk Thiện Minh dịch Việt:

- Nếu nói về Tạng (pitaka), có 3 tạng: Kinh, Luật, và Thắng pháp.

- Nếu nói về Bộ (nikāya), có 5 bộ: Trường bộ, Trung bộ, Tương ưng, Tăng chi, và Tiểu bộ. Đặc biệt ghi nhận ở đây là Ngài Buddhaghosa xếp tạng Luật và tạng Thắng pháp vào Tiểu bộ.

- Nếu nói về Thể loại (anga, phần), Ngài chia ra 9 loại: khế kinh (sutta), ứng tụng (geyya), ký thuyết (veyyākarana), kệ ngôn (gāthā), cảm hứng ngữ (udāna), như thị thuyết (itivuttaka), bổn sinh (jataka), vị tằng hữu (abbhūtadhamma), phương quảng (vedalla). Trong đó, các bài giảng về Thắng pháp - A tỳ đàm được xếp vào loại ký thuyết.

- Nếu nói về Pháp uẩn (dhammakkhanda, đoạn pháp, đơn vị pháp, dhamma unit), có 84.000 pháp uẩn, trong đó, 2.000-3.000 đoạn pháp là A tỳ đàm.

4. Tinh thần Vô Ngã trong lối xưng hô tiếng Việt

Nghe chư Tăng trong diễn đàn PalTalk bàn luận về chữ Tathagata (Như Lai) mà Đức Phật thường dùng để dùng để tự xưng, thay vì dùng đại danh từ ngôi thứ nhất, Ngài dùng Tathagata là ngôi thứ ba để tự xưng, người viết liên tưởng đến một bài khảo cứu khá lâu của một học giả Tây phương về ngôn ngữ VN, trong đó, người Việt cũng không có đại danh từ ngôi thứ nhất (tương đương với "I" hay "me" của tiếng Anh) để tự xưng. Các chữ: tôi, ta, tớ, anh, em, chị, v.v., thật ra, cho chính xác, đều thuộc về ngôi thứ ba.

Xin đọc thêm: Vietnamese mode of self-reference: A model of Buddhist egology, Steven W. Laycock (1994), http://www.budsas.org/ebud/ebdha124.htm 

5. Bàn về chữ Minh, Trí, Tuệ

(1) Bàn về chữ Minh:

‘Minh” thường dùng để dịch chữ “vijjā”, “Trí” dùng để dịch chữ “ñāna”, và “Tuệ” dùng để dịch chữ “paññā”. Tuy nhiên, đó chỉ là một nhận xét đầu tiên, không phải hoàn toàn tuyệt đối như thế. Các chữ này đôi khi dùng lẫn lộn với nhau, trong Pāli cũng như trong Hán Việt.

Trước hết, hãy thử bàn về chữ Minh:

- Avijjā: vô minh
- Tevijjā: tam minh (túc mạng minh, sinh tử minh, lậu tận minh), có khi cũng gọi là Trí, vì ñāna cũng được dùng đến.
- Vijjā-carana: minh hạnh (một trong 9 danh hiệu Phật)

Trong chữ Hán, có nhiều cách viết chữ Minh, và vì thế mang nhiều ý nghĩa khác nhau:

- Minh (bộ Nhật): Nhật là mặt trời hay ban ngày, cho nên chữ Minh này có nghĩa là sáng, sáng tỏ, ngay thẳng, rõ ràng, v.v. và là chữ ta thường gặp trong kinh sách: minh quang, minh trí, chứng minh, phân minh, minh bạch, minh tinh, văn minh, khải minh, tam minh, v.v. Chiết tự: Minh = Nhật + Nguyệt.

- Minh (bộ Kim): Kim là hiện tại, và chữ Minh này có nghĩa là ghi nhớ không quên, như chữ “minh tâm” (ghi khắc trong lòng). Chữ này ít gặp.

- Minh (bộ Mãnh): Mãnh là 1 thứ hộp để chứa các đồ vật khác, hay các loại chén đĩa. Chữ Minh này có nghĩa là thề nguyện, lời thề, thề thốt cùng làm bạn, chung nhóm với nhau. Từ đó sinh ra các chữ: đồng minh, liên minh, minh ước.

- Minh (bộ Mịch): Mịch là bao trùm, đậy lại, viết ra như 1 cái nắp đậy. Chữ Minh này có nghĩa là u ám, ngu tối, sâu tối, sâu ngầm, cõi âm, cõi chết … như chữ: u minh (rừng U Minh ở Cà Mau), minh minh (2 chữ minh, càng thêm u tối, chỗ hồn ma ở), minh khí (đồ vàng mã chôn theo người chết).

- Minh (bộ Thủy): biển, trận mưa nhỏ, như “Nam minh”: biển Nam. Chữ này ít gặp.

- Minh (bộ Trùng): một thứ sâu ăn lúa.

- Minh (bộ Thảo): Thảo là cỏ, ở đây, Minh là 1 loại cỏ.

- Minh (bộ Điểu): Điểu là chim. Chữ Minh này có nghĩa là gáy, hót, phát ra âm thanh, gõ, có tiếng tăm, … Như: kê minh (gà gáy), lôi minh (sấm vang), minh la (đáng phèn la), minh tạ (bày tỏ lòng tạ ơn), minh khiêm (có tiếng tăm về khiêm nhường). Ghi chú thêm: “viên minh” nếu viết theo chữ này là tiếng kêu của con vượn (viên, thuộc bộ Khuyển, là con vượn), “viên minh” viết theo bộ Nhật có nghĩa là có trí sáng suốt tròn đủ (viên, thuộc bộ Vi, ở đây là tròn, tròn đủ).

(2) Bàn về chữ Trí:

Trong Hán Việt, Trí có nhiều nghĩa:

- Trí (bộ Nhật): thông minh, hiểu biết, khôn. Đây là chữ Trí thường dùng trong kinh sách (đại trí, hiền trí, trí tuệ). Chiết tự: Trí = Tri + Nhật.

- Trí (bộ Võng): thả, phóng thích, bỏ đi, đặt để (bài trí, phối trí, bố trí, vị trí).

- Trí (bộ Chí): suy cho cùng, hết lòng, truyền đạt, trả lại, ý hướng (nhất trí: đồng lòng, đồng ý).

- Trí (bộ Mịch): tỉ mỉ, khít khao.

(3) Bàn về chữ Tuệ:

Người miền Nam thường dùng chữ Huệ, và có khi dùng cả Tuệ và Huệ. Thí dụ: trí tuệ, Lục tổ Huệ Năng, phước huệ song tu, giới định tuệ, v.v.

- Tuệ (bộ Tâm): sáng trí, hiểu biết tường tận. Đây là chữ thường thấy nhất trong kinh sách (trí tuệ, tuệ nhãn, tuệ giác, v.v.). Chiết tự: Tuệ = Tuệ (cái chổi, 11 nét) + Tâm.

- Tuệ (bộ Kí): cái chổi quét nhà (tuệ tinh: sao chổi).

- Tuệ (bộ Hòa): bông lúa, hoa đèn.

- Tuệ (bộ Mộc): cái áo quan nhỏ.

- Tuệ (bộ Trúc): cái chổi.

Xin ghi nhận ở đây là trong 3 chữ liên hệ đến sự hiểu biết, thông minh, thông thái dùng trong kinh sách, chữ Trí và Minh dựa theo bộ Nhật, chữ Tuệ dựa vào bộ Tâm. Phải chăng đây là một dụng ý cao thâm của các vị học giả Hán học ngày xưa, nếu Tâm không tốt, không dùng cái chổi để quét dọn sạch sẽ, thì làm sao có Tuệ?

-ooOoo-


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 07-09-2008