BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Kinh nghiệm du hành trên đất Ấn

Tỳ khưu Indacanda


Nhắc lại cho các bạn lời dạy của cổ nhân có lẽ cũng hơi thừa, nhưng chúng tôi hy vọng rằng một vài kinh nghiệm của bản thân trong thời gian chưa đầy hai tháng qua ở xứ Ấn Độ sẽ giúp cho các bạn rút tỉa được điều gì đó bổ ích.

CHUẨN BỊ TRƯỚC KHI DU HÀNH

Khi quyết định đi du lịch một xứ sở nào, cách dễ dàng và đơn giản nhất là các bạn tham gia một Tour Du Lịch được quảng cáo trên các phương tiện truyền thông và chỉ chuẩn bị sẵn sàng túi tiền để đóng góp đồng thời đem theo một số ít tiền để tiêu vặt và mua sắm. Lẽ dĩ nhiên, bạn phải chi phí một số tiền gọi là tiền services cho các Tour Du Lịch đó, nhưng bù đắp lại các bạn không phải lo lắng nhiều và chỉ việc thực hành theo sự sắp xếp của nhân viên hướng dẫn. Tiền nào của đó, các bạn sẽ được phục vụ tương xứng với số tiền mà các bạn đã bỏ ra. Nhưng đi du lịch theo lối đó, có lẽ các bạn sẽ không có được những kỷ niệm thú vị khó quên trong đời.

Nếu du lịch theo dạng "Tây ba-lô", theo ý chúng tôi các bạn nên tìm mua các cuốn sách "Traveler Guide" nói về các xứ sở mà các bạn muốn đến. Có nhiều cuốn sách chỉ dẫn rất chi tiết và các bạn chỉ cần đi theo sự hướng dẫn của tác giả từ việc ngụ đêm ở đâu, ăn uống nơi nào, thậm chí giá cả các phương tiện đi lại và các mặt hàng thông dụng hoặc các sản phẩm kỷ niệm nữa. Thêm vào đó, các vật dụng cá nhân như túi ngủ, thuốc men, sổ tay, bút, đèn pin, v.v... tất nhiên làđiều không thể thiếu. Nếu các bạn đem theo các dụng cụ dùng điện thì cần để ý sự khác biệt về voltage; bản thân chúng tôi tuy đã đem theo một bộ phận biến điện nhưng do lơ đễnh cũng đã bị cháy một adaptor dùng cho Zip Drive.

CHUYẾN ĐI ẤN ĐỘ

Phần chúng tôi vì là Phật tử nên đã chọn Ấn Độ làm đích để lên đường đi du lịch. Đây là lần đầu tiên ra nước ngoài một mình nên chúng tôi cũng có phần ngại ngùng và đã liên lạc trước với một Tour Du Lịch được tổ chức tại New Delhi vào khoảng đầu tháng 12 năm 2001. Các thành viên tham gia phải đến đúng ngày tại New Delhi và phải tự túc lấy các phần visa hoặc vé máy bay khứ hồi Mỹ – Ấn Độ. Về phần xin visa đi Ấn Độ, bản thân chúng tôi vốn lo xa nên xin rất sớm, kết quả visa cho được sáu tháng nhưng trên thực tế chúng tôi chỉ còn có bốn tháng vì giá trị của visa được tính từ ngày ký. Đây là kinh nghiệm đầu tiên mà chúng tôi đã trải qua vì bản thân chúng tôi muốn được kéo dài thời gian thăm viếng các Phật tích mà chúng tôi đã được học hỏi qua các kinh điển. Đối với các bạn có sự ràng buộc với công việc làm ăn và thời gian nghỉ phép hàng năm ngắn hạn thì đây không phải là vấn đề phải quan tâm vì các bạn chỉ du lịch một thời gian ngắn.

Khi chúng tôi đã hoàn tất về phần visa và có vé máy bay trong tay thì sự kiện khủng bố vào ngày 11 tháng 9 năm 2001 ở Newyork khiến Tour Du Lịch của chúng tôi bị hủy bỏ vì những người hứa tham dự đều bỏ cuộc. Nhiều người khuyên chúng tôi nên thay đổi chương trình và hãy ở lại Mỹ vì Ấn Độ gần với Afghanistan, e rằng có chuyện không tốt xảy ra. Phần tiếc tiền đã đóng visa và mua vé máy bay; hơn nữa chúng tôi quan niệm rằng nếu mạng số đã tận thì ở đâu cũng thế thôi. Thêm vào đó, bản thân chúng tôi mong mỏi được đi thăm viếng xứ Phật đã lâu nên đành phải trở thành người Du Lịch Ba Lô bất đắc dĩ. Nhờ vậy nên chúng tôi mới có chuyện để kể lại với các bạn ngày hôm nay.

NGÔN NGỮ SỬ DỤNG Ở ẤN ĐỘ

Có nhiều thứ ngôn ngữ đang được sử dụng trên toàn lãnh thổ Ấn Độ tuy rằng ngôn ngữ chính là Hindi (xin đừng lầm lẫn với Hindu là tôn giáo chính của Ấn Độ, hơn 90% dân Ấn Độ theo tôn giáo này). Tiếng Hindi đang được sử dụng có nhiều lối phát âm và có sự khác biệt lớn giữa ngôn ngữ chính thống và ngôn ngữ bình dân. Bản thân chúng tôi có học Hindi 2 năm ở trường University of Washington, nhưng khi qua đây đành phải học lại từ chính dân bản xứ, đặc biệt là các thành ngữ thông dụng không thể tìm thấy trong sách vở. Về vấn đề phát âm, có những địa phương người bản xứ có thể hiểu được ý chúng tôi muốn diễn đạt, điều này quả thật là thú vị. Nhưng cũng có những vùng cũng nói tiếng Hindi, nhưng chúng tôi phải thông qua một người thứ ba thông dịch lại, thường là những người có học thức. Còn chuyện nghe tiếng Hindi thì có nhiều khó khăn hơn (lẽ dĩ nhiên). Nếu người bản xứ nói chậm hoặc xử dụng các thành ngữ quen thuộc thì chúng tôi còn đoán ra được; nhưng khi họ nói nhanh hoặc bỏ bớt từ trong câu thì chúng tôi đành chịu thua. Cũng may, Anh văn vẫn là ngôn ngữ để trao đổi ở Ấn Độ đặc biệt ở các thành phố lớn. Tuy nhiên lối phát âm Anh ngữ của họ khó nghe lắm nhất là những lần tiếp xúc ban đầu; nhưng trái lại, những người Ấn Độ biết tiếng Anh có thể hiểu được các bạn tương đối dễ dàng. Kinh nghiệm của chúng tôi lúc sử dụng Anh văn để trao đổi thì càng nói đơn giản càng tốt, vì ngôn ngữ là để giao tiếp và khi trao đổi nếu cuộc đối thoại được thông suốt là bạn đã sử dụng đúng chức năng của ngôn ngữ.

PHI TRƯỜNG QUỐC TẾ INDIRA GANDHI Ở NEW DELHI

Máy bay từ các nước ngoài đến New Delhi thường hạ cánh vào ban đêm (các bạn cũng có thể mua vé máy bay đến các thành phố lớn khác như Bombai hoặc Calcutta chẳng hạn). Chuyến bay của chúng tôi đi từ Seattle qua ngã Seoul và đến New Delhi vào lúc 11 giờ 55 phút của ngày 23 tháng 11 năm 2001. Cũng nhờ có một vài người bạn trước đây ở Việt Nam đang theo học chương trình Hậu đại học tại trường Đại Học New Delhi chịu khó thức đêm ra tận phi trường để đón rước nên chúng tôi không gặp việc gì trở ngại. Thủ tục hải quan ở Ấn Độ lúc vào rất dễ dàng, không phải bị khám xét gì. Tuy vậy, việc hoàn tất giấy tờ cũng mất hơn một tiếng đồng hồ vì hệ thống tổ chức và các trang thiết bị không được hiện đại như xứ Mỹ.

Về chuyện rời phi trường để đi đến chỗ nghỉ đêm của bản thân chúng tôi thì không có chuyện gì xảy ra vì các bạn của chúng tôi đã thuê bao một chiếc taxi quen thuộc để đi đón và đưa chúng tôi về nhà. Tuy nhiên, có hai câu chuyện cần phải kể lại để các bạn suy nghiệm:

1) Một sinh viên tu sĩ đến từ Việt Nam có sẵn địa chỉ của một người bạn ở New Delhi nên thuê taxi để đi về nhà bạn vào lúc nửa đêm. Ai ngờ đâu được nữa đường tài xế đổi ý bảo rằng khu vực ấy nguy hiểm không dám đi đến vào lúc tối trời nên đã đưa vị thầy ấy vào một khách sạn bảo ngủ đêm ở đó rồi mai sáng hãy về nhà. Tên của khách sạn ấy là Ashoka nên vị thầy ấy nghĩ rằng chủ khách sạn phải là Phật tử nên mạnh dạn vào thuê phòng. Đến khi biết được tiền phòng là 25 USD cọng thêm 25 USD tạm ứng mới hởi ơi, tổng cộng vị thầy ấy phải trả cho người quản lý khách sạn là 50 USD (Đối với các bạn ở Mỹ, có thể số tiền trên là nhỏ nhoi, nhưng đối với sinh viên tu sĩ VN đi du học tự túc 50 USD là một số tiền lớn, và với số tiền ấy các bạn có thể thuê một gian phòng để ở trong một tháng ở New Delhi). Lúc lên phòng, vì quá giận nên vị thầy ấy đã quăng bỏ tấm giấy biên lai. Rốt cuộc sáng hôm sau lúc trả phòng, tiền tạm ứng không lấy lại được vì biên lai không còn và phải tốn thêm một lần tiền taxi nữa để đến được nhà bạn.

2) Một sinh viên tu sĩ khác cũng đã đưa địa chỉ cho tài xế taxi để đi về nhà bạn. Nhưng do đến New Delhi lần đầu tiên, không biết đường đi, nên đã được bác tài đưa đến một khu vực vắng vẻ rồi trấn lột chỉ còn một bộ đồ lót dính thân, rồi phải trải qua một đêm lạnh cóng ở ngoài trời – khoảng 6 độ C để chờ đến sáng mới hỏi đường để lết bộ về đến nhà bạn.

Do đó, khi đến phi trường quốc tế ở New Delhi, các bạn nên thuê xe trả tiền trước ở bên trong phi trường do chính phủ tổ chức – các bạn sẽ có biên nhận nhưng chỉ nên giao biên nhận ấy cho tài xế lúc đã đến đúng địa chỉ mà các bạn muốn đến; nhưng vẫn có lời khuyên là hãy nên chịu khó ngồi chờ ở phòng đợi của phi trường chờ đến sáng hôm sau hãy tính.

Về vấn đề đổi tiền Rupi ở phi trường, có lẽ ở bất cứ phi trường của các quốc gia khác cũng vậy, các bạn chỉ nên đổi một số rất ít vừa đủ để sử dụng tạm thời, rồi sau đó tìm đến một ngân hàng lớn của chính phủ để hạn chế sự mất mát vì đổi tiền ở phi trường hối đoái thường thấp hơn chút đỉnh. Sẽ có những người bản xứ đến với bạn gạ đổi tiền theo giá chợ đen cao hơn hối đoái của ngân hàng, tốt hơn nên tránh xa họ vì đó là điều bị nghiêm cấm bởi luật pháp Ấn Độ và có thể bạn sẽ nhận được tiền giả, không sử dụng được. Nếu các bạn đi chuyến bay qua đường Thái Lan, trong lúc chờ đợi chuyến bay chuyển tiếp thì hãy nên tránh xa các Internet shop ở trong phi trường vì đã có những người phải trả đến 20 USD cho một email nhắn tin ngắn ngủi.

ĐỜI SỐNG Ở NEW DELHI

New Delhi là một thành phố có mật độ dân cư đông đúc và môi trường ô nhiễm được xếp vào hạng cao trên thế giới. Mồi lần bản thân có công việc phải đi ra đường, đến lúc trở về nhà thì hai lỗ mũi của chúng tôi đều đen thui và đầy cáu bẩn. Các đường phố nhỏ thì có nhiều rác rưởi và ven lộ còn là nơi để phóng uế tự nhiên.

điều mà chúng tôi lưu ý là các cây Pipal, chúng ta gọi là cây Bồ Đề, mọc rất nhiều ở các nơi trong xứ Ấn Độ này. Nhiều cây mọc lấn cả đường đi nhưng vẫn không ai dám chặt bỏ vì nghe đâu sẽ bị chính phủ phạt. Một điểm đặc biệt khác là các chú bò rất tự tại ngay ở trong thành phố, đặc biệt là lúc các chú đi lại trong các đường phố nhỏ. Các chú còn thoải mái "trút bầu tâm sự" ở giữa đường lúc cần thiết; cho nên khi đi đường các bạn nên chịu khó nhìn xuống đất một chút. Đa số dân Ấn Độ không ăn thịt cá và sống theo triết lý "ahimsa = không sát hại" nên chim chóc bay lượn thoải mái và các chú chó hoang được tự do sống trong các công viên, không bị ai bắt để làm "cầy tơ bảy món" cả. Bảo vệ súc vật đã trở thành tập quán của người bản xứ. Lúc đi đường, nếu các bạn bị các chú chó hoang quấy rầy, đừng đánh đập chúng vì các bạn sẽ gặp rắc rối lớn với dân địa phương.

CÁC PHƯƠNG TIỆN DI CHUYỂN

Chúng tôi đến Ấn Độ để chiêm bái các Phật tích và đã hoàn thành mục đích của chuyến đi. Chuyến đi đã trải qua nhiều khó nhọc và chúng tôi cũng đã có được những bài học quý giá về phương tiện di chuyển ở xứ này. Trong vòng một tháng trời, chúng tôi đã đi qua nhiều địa phương thuộc xứ Ấn Độ: Agra để viếng Taj Mahal (một trong Bảy Kỳ quan của thế giới), và các nơi Phật tích chính ở vùng Đông Bắc như Gaya, Bodh Gaya, Rajgir, Patna, Vaishali, Varanasi, Sarnath, Kushinaga, Gorakhpur, Sonauli để vượt biên giới sang Nepal, rồi về lại Ấn Độ để đi Kapilavastu, Sravasti, sau đó là Balrumpur và Gonda để trở về lại New Delhi. Chúng tôi đã sử dụng nhiều phương tiện như là tàu hỏa, xe buýt liên tỉnh, rickshaw, auto rickshaw, hoặc thuê bao taxi, v.v... nên cũng có chút kinh nghiệm về việc sử dụng các phương tiện giao thông ở xứ này. Phương tiện hàng không nội địa thì chúng tôi chưa xử dụng đến, nhưng nếu cần mua vé máy bay thì nên nhờ đến các trạm dịch vụ là tiện nhất (lúc đi dạo phố nếu thấy các trạm đó nên ghé lại xin 1 business card của họ để liên lạc bằng điện thoại lúc cần thiết, họ sẽ đem vé đến tận nơi ở của các bạn).

Ấn Độ là xứ thuộc địa của Anh Quốc trước đây nên việc đi lại được xử dụng là ở phía bên tay trái, khác hẳn ở Mỹ và Việt Nam. Điều này nên lưu ý lúc đi bộ dạo phố hoặc băng ngang đường lộ. Giờ chỉ xin đề cập trong phạm vi New Delhi: Ở thủ đô, phương tiện được xử dụng cũng đa dạng như Việt Nam: Xe đạp, xe gắn máy như Vespa hoặc mô tô, các xe tải chở hàng các loại lớn nhỏ, xe hơi tư nhân cũng có nhiều. Về việc đi lại trong phạm vi thủ đô New Delhi, các bạn có thể sử dụng nhiều phương tiện giao thông khác nhau tùy mục đích:

1) Rickshaw: giống như xe xích lô của Việt Nam chỉ khác là khách ngồi ở phía sau; ghế có thể ngồi được 2 người với hành lý một cách thoải mái. Giá cả thì cũng rẻ và cũng nên trả giá trước lúc lên ngồi xe. Các người đạp xe Richshaw thường không biết tiếng Anh nên bạn hãy dùng "body language" là thượng sách. Tiện nhất mua 1 tấm bản đồ thành phố rồi chỉ nơi muốn đến, còn giá cả thì ra hiệu bằng tay. Richshaw thường được xử dụng cho các đoạn đường ngắn, trung bình 1 Km phải trả khoảng 5 Rupi ( khoảng 1/10 USD).

2) Auto Rickshaw: cũng gần giống như xe lam ở Việt Nam. Phía sau ngồi được 3 người thoải mái, nếu cần thiết có thể ngồi thêm 2 người bên cạnh bác tài. Giá cả cũng phải hỏi trước, một người thì phải trả giá căn bản, thêm người thì trả thêm chút đỉnh tính theo đầu người. Loại Auto Rickshaw này được sử dụng gas để giảm sự ô nhiễm, và cũng có đồng hồ để tính cây số nhưng các bác tài không bao giờ xử dụng. Đôi lúc khi xuống xe, chúng tôi thường bị kèo nài thêm chút đỉnh nhưng các bạn đừng quan tâm chuyện ấy, vì người Ấn Độ đa số đều hiền lành, họ kèo nài thêm chỉ vì khách đi xe là người ngoại quốc.

3) Xe buýt: Hệ thống xe buýt ở New Delhi cũng rất hiệu quả và có nhiều tuyến đường, giá cả lại rẻ và hợp lý vì do chính phủ quản lý, được trả theo đoạn đường đi xa hay gần. Trên xe buýt, thông thường bên tay phải dành cho người nam, bên trái ưu tiên cho người nữ. Lúc xe vắng khách thì ngồi đâu cũng được. Nếu xe đông phải đứng thì phải cẩn thận vật dụng cá nhân. Cho đến nay chúng tôi vẫn chưa tìm được bản đồ chỉ dẫn về hệ thống xe buýt nên chỉ thuộc lòng số hiệu của một số tuyến đường để đi đến những địa điểm chính.

4) Taxi: chúng tôi chỉ thuê taxi lúc đi viếng các Thánh địa ở xa không tiện sử dụng phương tiện công công thông qua các trung tâm cho thuê xe nên giá cả được quy định rõ ràng; nếu thuê xe trực tiếp với tài xế thì phải mặc cả. Còn việc sử dụng taxi để đi lại trong thành phố thì chưa chúng tôi chưa sử dụng lần nào. Có người quen cho biết rằng nếu đi thăm viếng các thắng cảnh chính của thành phố New Delhi trong ngày (8 tiếng đồng hồ) chỉ cần trả khoảng 500 Rupi, tức là hơn 10 USD một chút, tính ra như vậy cũng rẻ.

5) Ngoài ra, ở New Delhi còn có các phương tiện đi lại khác như xe Sumo, xe ngựa, v.v., nhưng không được phổ biến lắm và cũng không có xe đạp thồ hoặc Honda ôm như ở Việt Nam.

CHỢ BÚA VÀ CÁC HÀNG TẠP HÓA

Về chuyện thương trường, 1 USD tương đương khoảng 46 đến 49 Rupi tùy theo hối đoái từng ngày. Đi chợ thì phải biết giá để mặc cả. Có con buôn nói thách rất cao đến 5 lần, như món hàng chỉ 20 rupi nhưng lại ra giá đến 100 rupi nhưng cũng có những con buôn lại nói giá nhất định không chịu bớt một rupi nào; các bạn cũng đừng tin vào các cửa hàng lớn là nói đúng giá biểu. Việc mua sắm đôi lúc cũng phiền toái, vì phải mặc cả qua lại. Nhiều lúc chúng tôi đổi ý không mua nữa và bỏ đi thì bị kêu lại vì họ đồng ý bán. Giả bộ bỏ đi đôi lúc có hiệu quả, đôi lúc không có tác dụng. Khi đi mua sắm, cách đơn giản nhất là nếu bản thân cảm thấy thích vật gì thì hãy thử trả giá thấp hơn chút đỉnh và nếu phù hợp túi tiền thì nên chấp nhận. Khi đã mua rồi, nếu biết được rằng mình lỡ mua phải giá cao thì cũng đừng nghĩ đến nữa. Đã nhiều lần, chúng tôi thử trả một nửa giá thì các con buôn thường hay chắp hai tay xá dài có ý trêu chọc. Nếu có bạn bè sống đã lâu và có kinh nghiệm ở New Delhi để hỏi giá cả trước lúc đi mua sắm thì có phần tiện lợi hơn.

Nói chung, hệ thống chợ búa và các sạp hàng tạp hóa cũng giống như ở Việt Nam. Chỉ có điều khác là các cửa hàng và chợ búa thường mở cửa và nhóm họp rất trể, khoảng 10 giờ sáng và kéo dài cho đến khoảng 10 giờ khuya, mặc dầu hệ thống hành chánh thường được quy định sớm hơn vào 8 hoặc 9 giờ sáng đến 4 hoặc 5 giờ chiều. Một điều khác biệt là hầu như các công việc mua bán kinh doanh đều do người nam phụ trách. Phụ nữ đa số ở nhà lo việc bếp núc và chăm sóc con cái.

Tóm lại, cuộc sống ở Ấn Độ cũng không khác Việt Nam bao nhiêu, như chúng tôi được biết trước đây khi chưa di trú sang xứ Mỹ. Ở đâu cũng có kẻ giàu người nghèo; có những khu biệt thự cao sang thì cũng có những khu nhà ổ chuột; có kẻ ăn sung mặc sướng thì cũng có những kẻ phải gối đất nằm sương ở vệ đường; có người tốt thì cũng có kẻ xấu sống xen lẫn vào, v.v. Cuộc đời này vốn bất toàn mà!

Đi du lịch ở nước ngoài để thấy, để biết, và tích lũy thêm vốn sống làm người. Nếu có khả năng thì thâu thập thêm một ngôn ngữ thì càng tốt vì biết thêm một ngôn ngữ có thể ví như mở được cánh cửa để bước vào một chân trời mới đầy thú vị.

New Delhi, ngày 14 tháng 01 năm 2001
Tỳ khưu Indacanda

-ooOoo-


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 15-03-2008