BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Vu Lan 2006: Biết ơn và Báo ơn

Thích Chân Tuệ
Cơ sở Phật học Tịnh Quang Canada


NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

Trong bầu không khí trang nghiêm, thanh tịnh và hoan hỷ, nhân dịp kỷ niệm Lễ Vu Lan, vào ngày rằm tháng 7 trung ngươn mỗi năm, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu sơ lược ý nghĩa thực tiển của ngày đại lễ này.

Theo truyền thống Phật giáo, theo sự tích của Tôn giả Mục Kiền Liên, việc tổ chức ngày đại lễ Vu Lan hằng năm nhằm mục đích nhắc nhở hạnh hiếu thảo đối với Cha Mẹ, tạo cuộc sống an lạc và hạnh phúc. Phàm làm người ai cũng có Mẹ, có Cha. Công lao của Mẹ sanh ra, công ơn của Cha nuôi dưỡng cho đến ngày khôn lớn, có thể sánh như non cao biển rộng, không có cách chi chúng ta báo đền ơn nghĩa lớn lao này một cách trọn vẹn được. Một khi trở thành bậc làm Cha làm Mẹ, chúng ta càng suy nghĩ, càng thấm thía công ơn lớn lao này của Cha Mẹ chúng ta trước đây. Muốn làm người cho xứng đáng với danh xưng "con người", dù là Phật tử, hay không phải là Phật tử, chúng ta nên "biết ơn" khi nhận sự giúp đỡ về mặt vật chất hay tinh thần, dù lớn hay nhỏ, từ bất cứ ai, và nên nhớ "báo ơn" trong khả năng và hoàn cảnh của chúng ta. Đối với trọng ơn sanh dưỡng, khi Mẹ Cha còn hiện tiền, chúng ta phải nên "biết ơn và báo ơn" về hai phương diện: vật chất và tinh thần.

Về phương diện vật chất, chúng ta phải nên chăm sóc một cách chu đáo các bậc đã sanh thành và dưỡng dục chúng ta nên người. Từ việc ăn uống, ngủ nghỉ, ốm đau, trước đây Cha Mẹ đã biết bao khổ nhọc, lo lắng cho chúng ta đầy đủ, từ lúc mới sanh ra đời, đến tuổi thơ ấu, và cho đến ngày nay, chúng ta trưởng thành, phải nên biết bổn phận báo đền một cách chân thành, đừng nên lẫn tránh, lơ là, đừng nên giao phó bổn phận này cho người khác làm, dù là giao cho anh chị em, hay giao cho xã hội gánh vác giùm mình. Chúng ta làm như thế nào đối với Cha Mẹ, thì sau này con cái noi gương đó, đối xử với chúng ta tương tự như thế đó. Cổ nhân có dạy: Muốn người khác đối xử với mình thế nào, chúng ta nên đối xử với người khác thế ấy. Đối với người khác còn nên cư xử như vậy, huống là đối với Cha Mẹ của chúng ta!

Về phương diện tinh thần, chúng ta phải nên thường xuyên thăm viếng, đừng để cho Cha Mẹ phải trải qua những cảm giác cô đơn, thất vọng, buồn tủi hay lo sợ. Chúng ta nên biết cách sống sao cho được an lạc hạnh phúc với Cha Mẹ lúc hiện tiền và sống sao cho an lạc hạnh phúc với trách nhiệm của bậc làm Cha Mẹ sau này. Được trực tiếp báo đền ơn sanh dưỡng của Mẹ Cha là phước báu vô lượng của chúng ta, nhất là ở nơi quê người, cuộc sống hết sức bận rộn, thời gian hiếm hoi, nhân tâm điên đảo, lòng người quên mất cội nguồn. Nếu không được diễm phúc này, chúng ta cũng có thể báo đền ơn sanh dưỡng của Mẹ Cha một cách gián tiếp, như gửi tiền tài về quê nhà, để người thân bên cạnh có thêm phương tiện chăm lo cho Mẹ Cha chu tất hơn một chút, và thường xuyên thăm hỏi bằng thư từ hay điện thoại.

Hơn thế nữa, ngoài phương diện vật chất và tinh thần theo thế gian, cách báo đáp theo đúng chánh pháp của người biết tu theo Phật, dù tại gia hay xuất gia, là bản thân tinh tấn tu học và luôn luôn giúp đỡ Cha Mẹ biết tu theo Phật. Tu theo Phật nghĩa là không làm các việc ác, siêng làm các điều lành và giữ tâm ý trong sạch. Do đó, chúng ta đừng nên cung cấp, hay thỏa mãn các nhu cầu theo ý muốn sai trái, hay ý thức vô minh, để tạo thêm tội nghiệp cho Cha Mẹ. Những việc ác là các việc lợi mình hại người, các hành động hay lời nói gây thiệt hại cho người về vật chất cũng như tinh thần. Thí dụ như vu oan giá họa, vu khống cáo gian cho người, vì tư thù hay ganh tị đố kyï, thậm chí vì muốn kiếm tiền bạc triệu! Thí dụ như vì vô tình hay cố ý gièm pha, nói xấu người khác, tuyên truyền những tin đồn có hại thanh danh người khác. Trái lại, chúng ta nên khuyến khích Cha Mẹ làm các việc phước thiện, cứu người giúp đời, tu nhân tích phước, khai ngộ chân lý, và chuyên tâm tỉnh thức. Tất cả hành động, lời nói, hay tư tưởng đều công minh, chính trực, lợi mình và lợi người, để luôn luôn giữ được bản tâm thanh tịnh.

Chúng ta là những Phật tử, dù tại gia hay xuất gia, đều phải "tu phước và tu tuệ". Cha Mẹ chính là ruộng phước tốt nhứt để chúng ta gieo trồng những hạt giống tốt cho chính bản thân và cho thế hệ sau này. Trong kinh sách có dạy: Phụ mẫu hiện tiền như Phật tại thế, hoặc: phụng sự chúng sanh, trong đó có Mẹ Cha của chúng ta, là cúng dường chư Phật, chính là nghĩa đó vậy. Do đó, chúng ta phải "biết ơn và báo ơn", hết lòng chăm sóc Cha Mẹ hiện tiền, trước khi vào chùa tu phước hay cầu phước! Đừng nên đợi đến khi Cha Mẹ qua đời, vào chùa làm lễ cầu siêu, cầu khẩn, vái van Cha Mẹ có linh thiêng về phù hộ cho gia đạo của mình bình an và làm ăn phát tài! Người không "biết ơn và báo ơn" đối với Cha Mẹ, dù bất cứ lý do nào, thì làm sao có thể cư xử tốt với những người khác trong xã hội.

Tuy nhiên, các bậc Cha Mẹ hiện nay nên cảm thông hoàn cảnh của con cái nơi xứ người, đừng nên mong cầu sự hiếu thảo theo quan niệm của thời đại xa xưa trước đây. Các bậc Cha Mẹ nên có tâm bao dung, rộng lượng, tha thứ và hiểu biết, đối xử với con cái với tâm bình đẳng, không phân biệt người con này có hiếu, người con kia bất hiếu, thương người con nào vừa lòng vừa ý, yêu người con nào thành công vinh hiển, ghét bỏ người con nào nghịch ý, chán chê người con nào thất bại nghèo khó. Nếu các bậc Cha Mẹ nhận được sự hiếu thảo như ý nơi con cái của mình, thì biết đó là phước đức của đời mình, và tiếp tục tu phước thêm nữa. Bằng không, các bậc Cha Mẹ nên tu nhân tích đức, biết mình kém phước thiếu đức, đừng nên oán trời trách đất, đừng nên than vãn, bêu riếu, rủa xả, chửi mắng, lên án, kết tội, hay xa lánh, từ bỏ con cái chính mình. Được như vậy, tâm của chúng ta an nhiên tự tại, bình tỉnh thản nhiên trong mọi hoàn cảnh, dù thuận lòng hay nghịch ý.

Tóm lại, dù hoàn cảnh như thế nào, chúng ta là những Phật tử, dù tại gia hay xuất gia, biết đi chùa làm công quả, biết "tu phước và tu tuệ", đều nên cố gắng tu tập theo đúng chánh pháp để đạt giác ngộ và giải thoát. Thực hành tâm bất tùy phân biệt là chánh pháp, trưởng dưỡng tâm từ bi để cảm thông và tha thứ đối với mọi người, kể cả với con cái chính mình. Sống hạnh phúc vì mình và vì người, không chứa chấp tâm sân hận, hết lòng với người thân và mọi người, hiện tại không hối hận, ra đi không hối tiếc. Tu tập theo đúng chánh pháp và hồi hướng công đức này cho Cha Mẹ nhiều đời vãng sanh tịnh độ, Cha Mẹ hiện tiền tăng long phước thọ và con cái chính mình an nhiên tự tại. Chúng ta nhất tâm cầu nguyện cho Phật pháp trường tồn, thế giới thanh bình, chúng sanh an lạc. Được như vậy, chúng ta đã báo đền ơn sanh thành dưỡng dục của Cha Mẹ, báo đền ơn Tam Bảo mười phương, báo đền ơn quốc gia và xã hội. Đây mới chính là cốt tủy của đạo Phật, mới là mục đích cứu kính của ngày đại lễ Vu Lan hằng năm.

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

Tỳ khưu Thích Chân Tuệ
Cơ sở Phật học Tịnh Quang Canada
Email: cutranlacdao@yahoo.com
http://www.cosophathoctinhquangcanada.org/

-ooOoo-


[Trở về trang Thư Mục]
last updated:
15-07-2006