BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with Unicode Times font |
Những nhận định về Bát chánh đạo
Thích Trí Lộc
Thứ nhất, Bát chánh
đạo là giáo lý vô cùng căn
bản và rất quan trọng trong kho tàng Chánh pháp của
đạo Phật, pháp môn này tóm thâu toàn
bộ tinh hoa giáo pháp của đức Phật: Sau bốn
mươi chín năm hoằng pháp độ sanh hoàn toàn viên mãn,
đức Phật đã nhập Niết Bàn, toàn bộ
những lời dạy của đức Phật được các đệ tử của
Ngài kiết tập trong Tam tạng Thánh
điển (Kinh, Luật và Luận). Các phương pháp tu tập diệt khổ
được nêu qua con số tiêu biểu là Tám
vạn bốn ngàn pháp môn tu tập, toàn bộ các pháp môn ấy
được đúc kết qua Đạo đế, tức là Ba
mươi bảy trợ đạo phẩm, và Bát chánh
đạo chính là sự tổng hợp
đúc kết một cách tuyệt vời toàn bộ các
phương pháp tu tập ấy: Chánh niệm trong Bát chánh
đạo chính là nội dung của Tứ niệm xứ;
Chánh tinh tấn là nội dung của Tứ chánh cần; chánh niệm cũng chính là niệm
căn niệm lực của ngũ căn, ngũ lực; là
Niệm giác chi trong bảy giác chi. Chánh tư duy là trạch pháp giác chi;
chánh kiến là tuệ căn, tuệ lực; chánh định là
hỷ, khinh an, định và Xả giác chi. Tứ
như ý túc (dục, tinh tấn, tâm định và
tư duy định) chính là chánh tinh tấn,
chánh niệm, chánh định và chánh tư
duy. Vì mối tương quan mật thiết trên, nên khi trình bày về Đạo đế, có khi đức Thế Tôn trình bày về ba mươi bảy trợ đạo phẩm, cũng có khi đức Phật trình bày về Bát chánh đạo. Điểm chú ý thứ hai là các chi phần trong Bát chánh đạo có mối tương quan mật thiết, khắn khít với nhau, bổ sung cho nhau, mỗi chi phần đều có mối tương hệ biện chứng, hổ tương với các chi phần còn lại. Vì lý do đó, khi hành giả hành trì pháp môn này, hành giả có thể ứng dụng một, hai hay tám chi phần cùng một lúc: "Bát chánh đạo không phải là tám con đường, cũng không phải là con đường chia làm tám giai đoạn nối tiếp nhau từ xa xưa đưa đến mục tiêu, mà giống như tám sợi dây thừng do tám tao nhuệ se lại." [1] Điểm chú ý thứ ba, vì là pháp môn căn bản nên Bát chánh đạo có mối tương quan mật thiết với các giáo lý khác, cụ thể nhất là Tam vô lậu học (Giới,định, tuệ). Đức Phật dạy: "Hiền giả Visakha, Tám thánh đạo không bao gồm trong ba uẩn, nhưng ba uẩn bao gồm được cả Tám thánh đạo: “Bất cứ chánh ngữ nào, chánh nghiệp nào, chánh mạng nào đều thuộc giới uẩn. Bất cứ chánh tinh tấn nào, chánh niệm nào, chánh định nào đều thuộc định uẩn. Bất cứ chánh kiến nào, chánh tư duy nào đều thuộc tuệ uẩn.”[2] Các chi phần chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng được xếp chung vì có tính chất chung loại: lời nói, hành vi cuộc sống và nghề nghiệp đều biểu hiện ở thân và khẩu. Vì vậy chúng được xếp hạng vào nhóm Giới. Các chi phần chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định được xếp chung vì đây là tiến trình nổ lực thanh lọc tâm cho được lắng trong, thanh tịnh cho nên được xếp vào nhóm Định. Các chi phần chánh kiến và chánh tư duy thuộc về sự nhận xét và quan sát của khối óc một cách đúng đắn, như thật nên được xếp vào nhóm tuệ. Như vậy tiến trính tu học của ba môn học vô lậu, giải thoát chính là tiến trình tu tập của Bát chánh đạo. Điểm nhận xét thứ tư, Bát chánh đạo là con đường trung đạo, xa lìa hai cực đoan, hai lối sống: lối sống xa hoa thụ hưởng vật dục một cách thái quá và lối sống ép xác, khổ hạnh, hành hạ thân xác. Đây không chỉ là con đường trung đạo, mà còn là con đường tốt nhất, con đường duy nhất để thăng hoa trên lộ trình giải thoát: "Từ những bài kinh Phật cổ xưa nhất đã cho chúng ta thấy rằng đức Phật không phải là vị thầy xu hướng theo bên này hoặc bên kia, vì con đường của Ngài là trực lộ. Ngài tránh mọi cực đoan lợi dưỡng hay khổ hạnh, thường kiến hay đoạn kiến, vô nhân thuyết hay định mệnh thuyết, hoặc bất kỳ chi phần nào khác có khuynh hướng về cực đoan. Pháp hành của Ngài như đã giải thích trong bài pháp đầu tiên (Chuyển pháp luân) là Trung đạo. Đó là lời dạy có ý nghĩa trực tiếp trên cuộc sống của kiếp nhân sinh, một áp dụng thực tiển trong toàn bộ lời dạy của bậc Đạo sư…. Đây là con đường duy nhất dẫn tới tuyệt đỉnh của đời sống hiền thiện. Chúng sanh từ cấp độ tâm linh thấp thỏi được thăng hoa ngày càng cao hơn. Đó là tiến trình tu tập tuần tự về lời nói, hành động và nếp suy nghĩ để tạo ra chánh trí mà đỉnh cao là sự viên mãn giác ngộ và chứng đắc Niết Bàn. Đó là con đường dành cho tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, giai cấp hay tín ngưỡng, một con đường cần được trau dồi, tu tập từng giây phút trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta."[3] Điểm nhận xét thứ năm, Bát chánh đạo luôn được xem là con đường cổ xưa, con đường truyền thống mà chư Phật, chư vị Bồ-tát, chư vị A-la-hán đã đi, đã đạt được đạo quả giác ngộ. Cho đến hàng chúng sanh phàm phu phải đủ can đảm dứt bỏ mọi tham ái bổn hữu của mình, xoay lưng lại với những đam mê thế tục và từng bước thực thi con đường “Cổ xưa” để tìm về Bảo sở: "Quả thực, xoay lưng lại với những thói quen cổ hữu, xoay lưng lại với những tư duy hành động đã lâu đời thâm nhiễm là điều rất khó. Tuy nhiên, nếu người muốn vượt qua những nổi lo chồng chất của đời sống phàm tục này, hoặc muốn đạt đến chân hạnh phúc và giải thoát, họ phải từng bước quay lưng lại với những điều dường như thân thương và hợp lý đó, để bước lên con đường mà các bậc Chánh đẳng Chánh giác thuở xưa đã đi qua và để lại Đạo lộ xưa cổ. Chính nhờ từng bước tiến theo đạo lộ xưa cổ đó mà người ta đi đến giải thoát. Chúng ta không thể đạt đến giải thoát ngay tức thời được, ví như đại dương xuôi xuống dần dần, pháp và luật của đức Phật cũng vậy. Có những học pháp tuần tự, những việc phải làm tuần tự và những pháp hành cũng đi tuần tự. Mọi lời hướng dẫn thực tiễn được đức Phật đưa ra nhằm loại trừ xung đột nội tâm do những bất toại nguyện từ cuộc sống và để đạt đến sự an lạc, hạnh phúc cuối cùng đều được tìm thấy trong Bát chánh đạo.”[4] Điểm đặc biệt là trong Bát chánh đạo, đức Phật nhấn mạnh đến tầm quan trọng của trí tuệ hay nhận thức đúng đắn, vì thế Ngài trình bày chánh kiến và chánh tư duy trong vị trí đầu tiên của giáo lý này. Chánh kiến là cái thấy đúng đắn, là nhận thức chân chánh có vai trò quan trọng trong đời sống mỗi người, vì nó hướng dẫn mọi hành vi và nếp sống con người theo Bát chánh đạo. Chính vì lý do này mà mở đầu cuốn Một Giọt Logic, luận sư Dharmakirti đã khẳng định: “Tất cả mọi thành công của con người đều bắt nguồn từ nhận thức đúng đắn”. Cũng chính vì tầm quan trọng vô cùng đó mà người con Phật đã khẳng định sự nghiệp của mình là trí tuệ: "Duy tuệ thị nghiệp". Vì là giáo lý căn bản của Phật giáo, nên Bát chánh đạo có vai trò rất quan trọng trong tiến trình tu tập. Tầm quan trọng của giáo lý này đã được đức Phật khẳng định với du sĩ Subbhadha khi vị này hỏi rằng: Bạch đức Thế Tôn, con từng tham vấn nhiều vị đạo sư của nhiều tôn phái, vị nào cũng cho là giáo pháp của họ, con đường của họ là đúng nhất, là hay nhất, tốt nhất và tu tập theo con đường ấy sẽ đưa đến giải thoát bất tử. Vì vậy con càng hoang mang không biết phải tin vào vị đạo sư nào, giáo phái nào? Đức Thế Tôn dạy: “ Này Subbhadha! Trong bất luận giáo đoàn nào nếu không có Bát chánh đạo thì cũng không có hạng nhất đẳng Sa môn (Tu-đà-hoàn), cũng không có nhị đẳng Sa môn (Tư-đà-hàm), tam đẳng Sa môn (A-na-hàm), hay tứ đẳng Sa môn (A-la-hán). Trong giáo đoàn nào có Bát chánh đạo, này Subbhadha, thì sẽ có nhất đẳng Sa môn, nhị đẳng Sa môn, tam đẳng Sa môn và tứ đẳng Sa môn. Bát chánh đạo là con đường duy nhất.”[5] Chú thích: [1] Con Đường Cũ Xa Xưa - Giảng Luận Về
Bát Chánh Đạo - Phạm Kim Khánh – Buddha Sasana:
http://www.budsas.org -ooOoo- |
Source: Đàm thoại Phật giáo, http://phapthoai.net/
[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 15-07-2006