BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with Unicode Times font |
Làm thế nào để chọn cho mình một tôn giáo chân chính?
Hòa thượng K. Sri Dhammananda
Phước Lượng dịch
Thời
Đức Phật còn tại thế, ở Ấn
Độ có một không khí sinh hoạt hào hứng
trong lĩnh vực tri thức. Thời ấy, một số những nhà trí thức lỗi lạc bậc
nhất mà thế giới đã từng
được biết đến, tham gia năng động vào
các cuộc tranh luận tôn giáo. Những vấn nạn như: Có tồn tại một Sáng tạo
chủ chăng? Có phải không có một Sáng tạo chủ?
Có hay không một linh hồn tồn tại? Có phải thế giới không có sự khởi đầu
hay có một sự khởi đầu?, là một số chủ
đề được tranh luận sôi nổi bởi những bậc tài trí thiện xảo nhất
thời bấy giờ. Và dĩ nhiên cũng như ngày nay vậy, mỗi người
đều tuyên bố rằng chỉ có họ là có
đủ thẩm quyền để trả lời, và bất cứ ai
không theo họ thì sẽ bị trừng phạt và có thể bị
đọa vào
địa ngục! Tất nhiên mọi nỗ lực tìm cầu chân lý như vậy chỉ
để tạo thêm sự mê muội mà thôi. (Bấy
giờ) có một nhóm những thanh niên trẻ nhiệt tâm kêu gọi người dân làng
Ka-la-ma đến tham kiến Đức Phật và
trình bày với Ngài về những hoang mang của họ. Họ hỏi Ngài, người ta nên
làm gì trước khi chấp nhận hay từ chối một lời dạy.
Lời khuyên của Đức Phật như đã được ghi lại trong bài kinh Ka-la-ma là không nên chấp nhận bất kỳ một điều gì, chỉ vì điều đó được dựa vào truyền thuyết, truyền thống hay được đồn đại. Thường thì người ta phát khởi niềm tin sau khi nghe người khác. Họ chấp nhận một cách thiếu suy nghĩ những gì mà người khác rao giảng về tôn giáo hay những gì được thuật lại trong kinh điển của họ. Hầu hết người ta hiếm khi chịu khó để thẩm xét, tìm hiểu xem liệu những gì được nói đến là chân thật hay hư vọng. Thái độ hời hợt này rất là khó hiểu, đặc biệt trong thời hiện đại này, khi có một nền giáo dục khoa học dạy người ta đừng bao giờ chấp nhận bất kỳ một điều gì mà điều đó không thể được giải thích một cách hợp lý. (Vậy mà) ngày nay vẫn có rất nhiều thanh niên có học thức (cũng) chỉ biết dùng cảm tính hay lòng sùng tín của họ mà không sử dụng ý thức, lý trí. Trong bài kinh Ka-la-ma, Đức Phật đưa ra lời khuyên hết sức phóng khoáng cho những thanh niên biết thế nào để chấp nhận một tôn giáo bằng thái độ lý trí. Khi những người trẻ này không thể quyết định làm sao để chọn một tôn giáo chân chính, họ liền tìm đến Đức Phật để thỉnh cầu lời khuyên nhủ. Họ thưa với Ngài rằng vì có nhiều nhóm tôn giáo giới thiệu tôn giáo của mình theo nhiều cách khác nhau, nên họ bị hoang mang và không thể hiểu được đâu là sự thật. Những thanh niên này có thể được mô tả theo thuật từ hiện đại như là những nhà tư tưởng phóng khoáng hay những người tìm cầu chân lý. Đó là lý do tại sao họ quyết định thảo luận vấn đề này với Đức Phật. Họ thỉnh cầu Ngài chỉ ra cho họ một số hướng dẫn để giúp họ tìm được một "tôn giáo lý trí" mà qua đó họ có thể tìm thấy được chân lý. Để đáp lời thỉnh cầu thành khẩn của họ, Đức Phật không tuyên bố, rằng giáo pháp là lời dạy có giá trị duy nhất và bất cứ ai tin vào một điều gì khác sẽ đọa vào địa ngục. Thay vào đó, Ngài đưa ra một số lời khuyên để họ tự suy ngẫm. Đức Phật chưa bao giờ khuyến tấn người ta chấp nhận một tôn giáo chỉ dựa vào đức tin duy nhất, ngược lại Ngài khuyên họ nên thẩm xét và tìm hiểu sự tình mà không nên có tâm thành kiến. Ngài cũng không khuyến khích người ta chỉ dùng cảm tính và lòng sùng kính mộ đạo dựa trên đức tin mù quáng để chấp nhận một tôn giáo. Đó là lý do tại sao tôn giáo được y cứ trên lời dạy của Ngài thường được mô tả là một "tôn giáo lý trí"(rational religion). Nó cũng được biết đến như là một "tôn giáo khai phóng và khoa học" (freedom and reason). Chúng ta không nên chấp nhận bất kỳ điều gì chỉ bằng đức tin và cảm tính để hành trì theo một tôn giáo. Chúng ta không nên chấp nhận một tôn giáo chỉ vì tôn giáo ấy xoa dịu nỗi lo sợ khờ khạo của chúng ta về những gì sẽ xảy đến với chúng ta khi chúng ta chết hoặc bị đe dọa với hỏa ngục nếu chúng ta không chấp nhận lời dạy này hay lời dạy kia. Tôn giáo phải được chấp nhận bằng sự lựa chọn tự do. Mỗi người nên chấp nhận một tôn giáo bằng sự hiểu biết mà không phải vì luật lệ được áp đặt bởi uy lực cai trị của kẻ cầm quyền hay quyền lực siêu nhiên. Cần phải có một niềm tin có lý trí và mang tính cách cá nhân đối với tôn giáo được chấp nhận. Người ta có thể tạo ra bất kỳ lời tuyên bố huyênh hoang về tôn giáo của họ bằng cách thổi phồng hàng loạt những sự kiện nhằm gây ảnh hưởng đến người khác. Sau đó họ có thể quảng bá chúng như là những bức thông điệp thánh thiện để cổ xúy đức tin và thuyết phục. Nhưng chúng ta cần phải đọc những chủ đề này với đầu óc phân tích bằng cách dùng ý thức khách quan và sức mạnh lý trí. Đó là lý do mà Đức Phật khuyên chúng ta đừng nên vội vàng chấp nhận bất cứ điều gì thuộc về truyền thuyết, truyền thống, hay chỉ là truyền tụng. Con người thực hành một số truyền thống được y cứ vào tín ngưỡng, tập tục hay lối sống cộng đồng nơi họ đang sống. Tuy nhiên, một số truyền thống lại rất quan trọng và có ý nghĩa. Do vậy, Đức Phật không phải hoàn toàn phản đối tất cả mọi truyền thống, mà Ngài khuyên chúng ta nên cẩn thận thẩm xét, liệu một sự thực hành nào đó có ý nghĩa hay không. Chúng ta cần phải thừa nhận rằng có một số truyền thống trở nên cổ hủ, lỗi thời và vô nghĩa sau một giai đoạn tồn tại. Điều này có thể là vì có rất nhiều những truyền thống được giới thiệu và thực hành bởi con người sơ khai, khả năng hiểu biết về cuộc đời và thiên nhiên của họ vào thời kỳ ấy hết sức giới hạn. Tuy nhiên ngày nay, khi chúng ta dùng học vấn và kiến thức khoa học hiện đại về vũ trụ, chúng ta sẽ hiểu rõ được bản chất tín ngưỡng của họ. Tín ngưỡng mà con người sơ khai thực hành liên quan đến mặt trời, mặt trăng và các vì sao, địa cầu, gió mưa, sấm chớp, động đất được dựa vào các nỗ lực của họ để giải thích những hiện tượng kinh hãi bề ngoài này. Họ tuyên truyền những hình ảnh và sự kiện ấy như là những vị thần hay các hành động của một vị thần với quyền năng siêu nhiên. Bằng kiến thức khoa học hiện đại ngày nay, chúng ta có thể lý giải thích đáng những hiện tượng thiên nhiên kinh hãi ấy. Điều này lý giải tại sao Đức Phật dạy, "Đừng vội chấp nhận những gì chỉ được nghe nói. Đừng nỗ lực chứng minh hành vi phi lý của mình bằng cách nói rằng đây là truyền thống của chúng ta và bắt buộc chúng ta phải chấp nhận nó". Chúng ta không nên tin vào tín lý dị đoan hay giáo điều chỉ vì thế hệ đi trước đã tin. Đây không phải muốn nói rằng chúng ta không biết tôn trọng thế hệ đi trước, nhưng chúng ta cần phải thích ứng với thời đại. Chúng ta nên duy trì những tập tục tín ngưỡng tương hợp với quan điểm và giá trị của thời đại, và nên từ bỏ điều gì thấy không cần thiết hay không còn thích hợp bởi vì thời gian đã thay đổi. Bằng lối tư duy này, chúng ta sẽ có thể sống một cuộc đời tiến bộ và lành mạnh hơn (richer lives). Cách đây một thế hệ, có vị giáo sĩ người Anh (giáo sĩ Tin Lành) đưa ra một thành ngữ lấp lửng/ba phải, rằng"Thiên Chúa của những khoảng cách" (God of the gaps) để biện lý rằng những gì chúng ta không hiểu được thì quy về cho Thiên Chúa. Nhưng khi tầm hiểu biết của chúng ta về thế giới được mở mang, thì quyền năng của Thiên Chúa cũng theo đó mà mất đi. Ai cũng thích thú nghe những câu chuyện kể. Có lẽ đó là lý do vì sao người ta lại tin vào những điều chỉ được nghe nói. Giả sử rằng một trăm người đã chứng kiến một sự kiện nào đó và khi mỗi người thuật lại sự kiện này cho người khác nghe, anh ta sẽ kể theo nhiều cách khác nhau bằng cách thêm vào nhiều điều và thổi phồng những chi tiết. Anh ta sẽ "thêm mắm dặm muối" ("adds more salt and spice") để tạo cho câu chuyện thêm ly kỳ và hấp dẫn. Nói chung, mỗi người sẽ kể lại câu chuyện như thể anh ta là người duy nhất có thể kể với người khác về những gì thực sự đã xảy ra. Đây là bản chất của những câu chuyện mà người ta sáng tạo ra và tuyên truyền. Khi bạn đọc những câu chuyện từ một tôn giáo nào đó, xin lưu ý rằng hầu hết những lời giải thích trong những câu chuyện ấy chỉ là để tô điểm cho những sự kiện nhỏ nhặt nhằm mê hoặc con người. Nếu không thì sẽ chẳng có gì cho họ rêu rao với người khác và cũng không ai để ý đến họ nữa. Tuy nhiên, cũng có nhiều câu chuyện có thể rất hữu ích. Những câu chuyện như vậy có ý nghĩa trong việc chuyển tải những bài học đạo đức. Kinh văn Phật giáo là kho tàng vĩ đại chứa đựng nhiều câu chuyện như vậy. Nhưng dù sao thì đó vẫn chỉ là những câu chuyện đơn thuần. Chúng ta không nên tin vào những câu chuyện ấy như thể là chân lý cứu cánh. Chúng ta không nên như những đứa trẻ ngây thơ tin rằng loài sói nuốt sống những bà lão và nói được tiếng nói của loài người! Theo đức tin của họ, người ta có thể nói về nhiều loại thần diệu, các nam thần, nữ thần, thiên thần và quyền năng của họ. Hầu hết người ta có chiều hướng chấp nhận những điều ấy ngay mà không cần đến một sự kiểm chứng nào, nhưng theo Đức Phật thì chúng ta không nên vội vàng tin tưởng vào bất cứ điều gì bởi vì những người thuật chuyện cho chúng ta có khi chỉ là những kẻ tự lừa dối mình. Phần nhiều người đời vẫn còn si mê và khả năng hiểu biết về chân lý của họ thì thấp kém. Rất ít người hiểu được vấn đề một cách đúng đắn. Làm sao kẻ mù lòa lại có thể dẫn lối được cho kẻ mù quáng? Do vậy mà có câu nói khác rằng, "Chàng Jack mắt chột có thể là vua trong vương triều của những kẻ mù" (A one-eyed Jack can be a king in a kingdom of the blind). Một số người chỉ có thể hiểu được sự thật một phần. Chúng ta phải ý thức trong việc đặt niềm tin tuyệt đối của mình nơi họ. Kế đến, Đức Phật khuyến cáo chúng ta đừng vội tin vào điều gì, chỉ vì điều đó được ghi lại trong kinh điển hay thánh thư. Người ta luôn nói rằng tất cả những thông điệp ghi lại trong Thánh kinh được truyền đạt trực tiếp bởi Thượng đế của họ. Ngày nay, họ nỗ lực giới thiệu những cuốn sách ấy như những bức thông điệp đến từ thiên đường. Thật khó tin rằng họ đã nhận bức thông điệp này từ thiên đường và sao chép lại trong Thánh kinh của họ chỉ cách nay vài thế kỷ. Tại sao những điều mặc khải này lại không được thực hiện trước đó? (Lưu ý rằng tuổi của hành tinh này là bốn tỷ rưỡi năm). Tại sao những bức thông điệp ấy lại chỉ được mặc khải cho một vài cá nhân được ân huệ nào đó thôi? Chắc chắn việc làm đó sẽ có nhiều hiệu quả hơn nếu tập hợp nhiều người lại tại một địa điểm và mặc khải chân lý cho số đông hơn là cậy vào một người để thực hiện mục vụ. Thậm chí còn hiệu quả hơn nữa là tại sao các thánh thần của họ lại không nên hóa hiện trong thân thể vật lý vào những dịp lễ quan trọng thỉnh thoảng trong năm để chứng minh cho sự tồn tại của mình? Làm theo cách như vậy thì chắc chắn họ sẽ không gặp phải rắc rối gì trong nỗ lực cải đạo thế giới! Người Phật tử không nỗ lực giới thiệu lời dạy của Đức Phật như một bức thông điệp mang tính thần thánh, và họ truyền bá giáo pháp mà chẳng dùng đến bất kỳ hình thức quyền năng huyền bí nào. Theo Đức Phật, chúng ta không nên chấp nhận, ngay đến cả lời dạy của Ngài như đã được ghi lại trong kinh điển, một cách mù quáng và thiếu sự hiểu biết đúng đắn. Đây là phương cách phóng khoáng khác thường mà Đức Phật đã dạy. Mặc dù Ngài chưa bao giờ tuyên bố rằng giới Phật tử là những người được chọn lựa của một vị thần, nhưng Ngài đã mang đến một sự tin cậy lớn lao cho tri thức nhân loại. Phương pháp tối ưu cho một người có lý trí tuân thủ là phải xem xét cẩn thận trước khi anh ta chấp nhận hay từ chối điều gì. Cần nghiên cứu, suy tư, thẩm xét cho đến khi bạn nhận ra thực chất của vấn đề ấy là gì. Nếu bạn chấp nhận bằng cách chỉ lệ thuộc vào uy quyền hoặc vào Thánh kinh, thì bạn sẽ không bao giờ tìm thấy được chân lý cho chính bạn. "Đừng tin vào lý luận suông" (logic and argument alone) là lời khuyên khác của Đức Phật. Chớ nghĩ rằng tài năng lý luận của bạn là tuyệt đối. Nếu không, bạn sẽ trở nên kiêu mạn và không chịu lắng nghe người khác - người biết nhiều hơn bạn. Thông thường, chúng ta khuyên mọi người nên dùng ý thức suy luận của họ. Đúng vậy, nhờ biết sử dụng các giác quan và tâm thức giới hạn của mình, con người khác loài cầm thú ở chỗ biết suy luận sự việc cho chính mình. Ngay cả những đứa trẻ con và người ít học cũng biết dùng sức mạnh lý luận tùy theo độ tuổi, sự chín chắn, học vấn và tầm hiểu biết của chúng. Nhưng năng lực lý luận này biến đổi theo sự trưởng thành, kiến thức và kinh nghiệm từng trải. Lại nữa, hình thức lý luận này chịu sự biến đổi theo thời gian. Sự thừa nhận của con người đối với những ý niệm cũng thay đổi theo thời gian. Theo cách lập luận như thế, thì không có sự phân tích sau cùng hay chân lý tối hậu. Vì chúng ta không có sự lựa chọn nào khác, nên chúng ta đành phải sử dụng ý thức luận lý hết sức giới hạn của mình từ lúc sơ khởi cho đến khi chúng ta đạt đến một mức độ hiểu biết đúng đắn. Mục đích là nhằm phát huy liên tục tâm thức của mình để sẵn sàng học hỏi người khác mà không quy phục trước niềm tin mù quáng. Nhờ sự thể hiện chính mình với nhiều lối tư duy khác nhau, nhờ việc để cho niềm tin của chúng ta được đối diện với thử thách, và bằng cách luôn duy trì một đầu óc cởi mở, chúng ta sẽ mở mang được tầm hiểu biết về bản thân và thế giới xung quanh. Đức Phật đã tham học với nhiều vị thầy trước khi Ngài đạt đến giác ngộ sau cùng. Tuy thế, Ngài không phải chấp nhận tất cả những điều mà những vị thầy ấy đã dạy. Thay vì, Ngài dùng suy luận cá nhân của mình để tìm hiểu chân lý. Và khi Ngài đạt đến giác ngộ, Ngài cũng chưa từng có thái độ cáu gắt hay đe dọa những ai không đồng ý với lời dạy của Ngài. Bây giờ chúng ta hãy xét đến vấn đề luận lý (logic) hay tranh biện (argument). Bất cứ khi nào chúng ta nghĩ rằng có những vấn đề nhất định nào đó là có thể chấp nhận được đối với chúng ta, thì chúng ta nói đó là hợp lý (logical), đúng đắn. Thực sự thì nghệ thuật luận lý là một công cụ quan trọng cho sự tranh biện (argument). Luận lý có thể được sử dụng bởi những nhà hùng biện tài ba - người vận dụng trí thông minh kết hợp với sự lanh lợi, ngụy xảo. Người có tài ăn nói thì có thể thao túng được sự thật và sự công bằng, và có thể đánh bại kẻ khác. Chẳng hạn như những luật sư biện luận trong tòa án. Nhiều nhóm tôn giáo khác nhau biện luận để chứng tỏ rằng tôn giáo của họ cao đẹp hơn tôn giáo người khác. Lập luận của họ được dựa vào năng khiếu và khả năng để diễn đạt quan điểm của họ, nhưng thực chất những lời biện luận ấy không cần thiết là phải quan tâm đến chân lý. Đây là bản chất của sự biện luận. Để đạt đến chân lý, Đức Phật khuyên chúng ta đừng bị dao động bởi những lời lẽ biện luận hay luận lý mà nên sử dụng sự thẩm xét khách quan. Khi người ta bắt đầu việc biện luận, tất nhiên là cảm xúc của họ cũng sinh khởi theo và điều này dẫn đến sự tranh biện sân hận, đầy kích động. Rồi thì, bản ngã đổ thêm dầu vào lửa (egoism adds more fire) cho cuộc đấu khẩu này. Kết cục, cuộc tranh luận tạo ra kẻ thù vì rằng ai cũng muốn bảo vệ lập trường quan điểm của mình là đúng. Vì thế, không ai lại đi cổ xúy chân lý của một tôn giáo thông qua biện luận. Đây là một lời khuyên quan trọng khác của Đức Phật. Tiếp theo, Đức Phật khuyên đừng chấp nhận bất kỳ một điều gì như là chân lý tuyệt đối do vì tầm ảnh hưởng của ai đó (upon one’s own influence). Điều này đề cập đến niềm tin cho rằng đức tin được nhìn nhận như là chân lý bằng sức tưởng tượng hời hợt. Mặc dù chúng ta vẫn còn nhiều nghi ngờ trong tâm mình, nhưng chúng ta lại thừa nhận những điều nào đó như là chân lý sau một sự tìm hiểu giới hạn. Bởi vì tâm trí chúng ta bị đánh lừa bởi dục vọng và xúc cảm (emotional feelings), nên thái độ tâm lý này tạo ra sự si mê. Và vì chúng ta cũng có cái vô minh nội tại nơi mình. Mọi người đều đau khổ do vô minh và ảo tưởng. Những cấu nhiễm tâm lý này che lấp tâm trí rồi trở nên có thành kiến (biased) và không thể phân biệt được giữa sự thật và ảo tưởng. Như một hệ quả, chúng ta tin tưởng bảo thủ, rằng chỉ có niềm tin của chúng ta là đúng. Lời khuyên của Đức Phật là đừng vội đi đến kết luận bằng cách dùng cảm xúc mà nên tham khảo nhiều thông tin và sự kiểm chứng trước khi tiến đến kết luận về sự việc. Điều này có nghĩa là chúng ta phải sẵn sàng lắng nghe những gì người khác đã nói. Có lẽ chúng có thể làm sáng tỏ những nghi ngờ và giúp chúng ta nhận ra được ảo tưởng về những gì chúng ta tin như thể là đúng. Một minh chứng cho việc này là trước đây người ta cho rằng mặt trời quay quanh trái đất, vật thể mà họ đã từng tin là có hình dẹt, trông giống như một đồng tiền. Luận điểm đó được y cứ vào kiến thức nông cạn của họ, nhưng họ sẵn sàng thiêu sống bất cứ ai dám trình bày quan điểm trái nghịch. Nhờ vào Đấng Giác ngộ của chúng ta, Phật giáo không có những trang sử đen tối như thế trong lịch sử của giáo hội, lịch sử mà ở đó không có sự kiện rằng con người không được phép phản đối những điều phi lý. Đây là lý do tại sao nhiều trường phái Phật giáo cùng tồn tại trong hòa ái mà không có hành động lên án, kích bác lẫn nhau. Dựa vào sự hướng dẫn minh bạch của Đức Phật, người Phật tử tôn trọng quyền tin theo những quan điểm dị biệt của người khác. Lời khuyên tiếp theo của Đức Phật là đừng chấp nhận bất kỳ điều gì, chỉ vì điều đó nghe như có vẻ là đúng (appears to be true). Khi bạn quan sát sự việc và nghe lời giải thích của người khác, bạn chỉ nắm giữ tướng trạng biểu hiện bên ngoài (external appearance) của đối tượng mà không vận dụng kiến thức thấu đáo của mình. Đôi khi những ý niệm hay sự đồng điệu mà bạn gán cho đối tượng lại quá xa vời với chân lý nội tại của nó. Nên cố gắng nhìn sự thể theo một viễn cảnh xác thực. Phật giáo được biết như là nền Giáo thuyết Phân tích (Doctrine of Analysis). Chỉ bằng sự phân tích thì chúng ta mới có thể hiểu được những gì thực sự thiết định nên sự vật và bằng cách nào mà các yếu tố và năng lượng hoạt động, và làm thế nào chúng tồn tại, tại sao chúng biến đổi và hoại diệt. Nếu bạn thực sự kiểm chứng được bản chất của những điều này thì bạn sẽ nhận ra, rằng mọi hiện hữu là vô thường, và rằng việc chấp thủ vào những đối tượng như thế có thể tạo thêm nỗi thất vọng. Lại nữa, khi được nhìn theo viễn cảnh chân thực thì bạn sẽ nhận thấy, rằng chẳng có ý nghĩa gì trong việc đấu tranh về quan điểm khi mà với sự phân tích sau cùng, tất cả chỉ là ảo giác. Người Phật tử không bị cuốn hút vào việc tranh luận liên hệ đến vấn đề khi nào thì thế giới sẽ chấm dứt bởi vì họ hiểu, rằng rốt cục thì các pháp hữu vi (compouded things) sẽ biến hoại. Khi đó thế giới sẽ chấm dứt. Không có nghi ngờ gì về sự thật ấy cả. Sự chấm dứt của thế giới (theo Đức Phật) sẽ chỉ là một sự kiện kịch tính về một điều gì đó xảy ra trong sự hiện hữu hàng ngày của chúng ta. Và thiên văn học hiện đại cho chúng ta biết rằng sự phân hủy của các hành tinh vẫn thường xuyên xảy ra trong vũ trụ. "Không truy tìm quá khứ, chẳng nghĩ đến tương lai, an trú trong hiện tại. Vì vậy được an lạc thanh thản (Đức Phật)". Khi chúng ta hiểu được thực tế này, thì sự hoại diệt của thế giới không có gì là quá khủng khiếp, hay đáng lo ngại. Đức Phật vì thế đã khuyên chúng đệ tử của Ngài không nên dựa vào kinh nghiệm tư biện (thiếu thực tế) của một ai đó (để làm thành định kiến của mình) (rely upon one’s speculative experience). Sau khi nghe hay đọc những lý thuyết nào đó, người ta dễ dàng đi đến những kết luận và duy trì những niềm tin này. Họ nhất mực không muốn thay đổi quan điểm bởi vì chính tâm thức họ đã tạo lập nên, hoặc giả là vì trước kia đã "cải đạo" theo một niềm tin nào đó rồi. Họ được cảnh cáo là sẽ bị thiêu đốt trong địa ngục nếu họ thay đổi đức tin của họ. Vì vô minh và sợ hãi, những người đáng thương này sống trong tâm trạng hạnh phúc giả tạo, nghĩ rằng tội lỗi của họ sẽ được tha thứ một cách thần diệu. Lời khuyên của Đức Phật là không nên vội vàng tạo ra lời kết luận để đoán quyết liệu những niềm tin như thế có đúng hay không. Người ta có thể khám phá ra nhiều điều trong thế giới này, nhưng đối với họ, việc nhận ra được chân lý hay thực tại của các pháp hữu vi lại là điều hết sức khó khăn. Chúng ta không nên dựa vào những lời đồn đại mang tính tư biện để nắm bắt chân lý. Chúng ta có thể chấp nhận những điều nào đó như là cơ sở để tiến hành một sự thẩm xét mà sự thẩm xét đó sẽ làm thỏa mãn được tâm thức hiếu kỳ. Những quyết định mà chúng ta đưa ra thông qua suy biện có thể được ví như những quyết định của những người mù sờ voi. Mỗi người có lời phán quyết riêng của mình liên hệ đến những gì mà họ nghĩ về con voi. Đối với mỗi người, những gì anh ta nói đều là đúng. Mặc dù nhiều người có thể nhìn thấy sự việc biết rằng những người mù đều nói sai, nhưng trong thâm tâm, họ vẫn nghĩ mình là đúng. Cũng vậy, đừng giống như tục ngữ "ếch ngồi đáy giếng" ("frog under a conconut shell") không nghĩ là có một thế giới bao la muôn màu nào khác ngoài những gì nó có thể thấy được. Chúng ta bị mù quáng bởi các lậu hoặc. Đó là nguyên nhân khiến chúng ta không thể nhận diện được chân lý. Điều đó lý giải tại sao người khác có thể dẫn dắt chúng ta vào con đường sai lạc và thuyết phục chúng ta một cách dễ dàng. Chúng ta phải luôn thay đổi niềm tin mà chúng ta nhận lầm là chân lý vì chúng ta không nắm bắt được cái tối hậu từ niềm tin ấy. Người ta luôn thay đổi nhãn hiệu tôn giáo của họ với thời gian bởi vì họ rất dễ bị tác động bởi cảm xúc. Một khi chúng ta đã nhận thức được sự thật rốt ráo rồi, thì chúng ta chẳng bao giờ cần thay đổi, dưới bất kỳ hoàn cảnh nào nữa bởi vì ở trong chân lý tối hậu thì không có gì để thay đổi nữa cả, nó là tuyệt đối rồi. Chúng ta không nên thay đổi quan điểm của mình chỉ vì chúng ta quá khâm phục (impressed) tài năng được thể hiện bề ngoài (seeming ability) của người khác là lời khuyên khác của Đức Phật đối với những thanh niên làng Ka-la-ma. Nhiều người có khả năng gây ấn tượng cho các bạn bằng lối ứng xử và khả năng biểu hiện bề ngoài của họ để thực hiện một ý đồ gì đó. Ví dụ, liệu các bạn có thể tin mù quáng vào cô gái trong chương trình quảng cáo trên truyền hình, người nói với bạn rằng bạn cũng có thể trở nên đẹp như cô ta, có hàm răng trắng đẹp như răng cô ta nếu các bạn sử dụng một loại kem đánh răng nào đó hay không? Dĩ nhiên là không rồi. Các bạn sẽ không chấp nhận những gì cô ta quảng cáo mà không có sự kiểm chứng cẩn thận giá trị hợp lý về những lời quảng cáo của cô gái. Điều đó cũng giống như những người có khiếu ăn nói đến gõ cửa nhà các bạn và kể với các bạn những câu chuyện đầy tính mê hoặc về cái "chân lý" của họ. Họ có thể nói về nhiều vị đạo sư, nhiều bậc thầy tâm linh, và nhiều vị thiền sư. Họ cũng sẽ thích dùng lối cường điệu để chứng tỏ quyền năng của các bậc thầy của họ nhằm thuyết phục các bạn. Nếu các bạn chấp nhận bừa bãi lời rêu rao của họ như là chân lý, thì các bạn vẫn còn tiếp tục duy trì quan điểm đầy dao động và nông cạn vì các bạn chưa xác lập được sự tin tưởng hoàn toàn. Các bạn có thể theo họ vì niềm tin tưởng vào một điều gì đó, nhưng rồi một ngày, các bạn sẽ trở nên thất vọng vì các bạn chưa chấp nhận vấn đề bằng sự hiểu biết và kinh nghiệm của các bạn. Và vì vậy, khi các bạn gặp một bậc thầy nào khác gây nhiều ấn tượng hơn thì các bạn sẽ từ bỏ người thầy lúc đầu. Do vậy, hãy kiểm chứng lời khuyên của Đức Phật. Hãy tư duy phương cách giảng dạy của Ngài sau đây để xem giá trị hợp tình, hợp lý và hợp khoa học như thế nào. "Đừng nghe người khác với đức tin mù quáng. Tất nhiên là cần phải lắng nghe họ, nhưng phải tỉnh giác và lắng nghe với tâm thức cởi mở. Các vị không nên phó thác học vấn và trí thông minh của mình cho những ai khác khi lắng nghe họ. Họ có thể cố tình khơi gợi cảm xúc của các vị và thuyết phục tâm trí các vị tùy theo nhu cầu ham muốn thế tục của các vị để làm thỏa mãn khát khao của các vị. Nhưng mục đích của họ ở đây không nhất thiết là để khai mở chân lý." Đừng chấp nhận bất cứ điều gì, chỉ vì xét rằng (vì) điều ấy được tuyên thuyết bởi "bậc đạo sư của chúng ta" là lời khuyên sau cùng của Đức Phật trong sự kiện này. Các bạn có bao giờ nghe bất kỳ một bậc thầy tôn giáo nào khác đã từng thổ lộ những lời như thế không? Tất cả những bậc thầy tôn giáo khác đều tuyên bố rằng "Ta là đấng có quyền năng duy nhất. Hãy theo ta, tin thờ ta, cầu nguyện ta, nếu không ngươi không có được ân huệ cứu rỗi." Họ cũng tuyên bố rằng "Ngươi không được thờ cúng thánh thần hay bậc đạo sư ngoại giáo nào khác". Nên để tâm suy tư một chút để hiểu rõ thái độ sau đây của Đức Phật. Ngài dạy, "Đừng nương tựa một cách mê muội vào vị đạo sư của mình. Vị ấy có thể là nhà sáng lập một tôn giáo hay bậc thầy hướng dẫn tâm linh nổi tiếng, tuy thế người ta không nên vội vàng phát huy sự gắn bó của mình với vị ấy". Lời dạy này cho thấy Đức Phật đã tạo ra được sự tín nhiệm chân thật như thế nào cho trí tuệ con người và giúp họ biết vận dụng ý chí tự do mà không phải tùy thuộc vào người khác. Đức Phật dạy, "Bất cứ ai đều có thể trở thành vị đạo sư của chính mình". Đức Phật có thể truyền dạy cho chúng ta rằng Ngài là Bậc Giác ngộ duy nhất, và rằng chúng đệ tử của Ngài không nên sùng tín mê muội bất kỳ vị thần hay bậc thầy ngoại đạo nào. Tuy nhiên, Ngài không hứa hẹn với tín đồ của Ngài rằng họ có thể dễ dàng đi lên Thiên đường hay đạt đến Niết bàn nếu họ mê mờ thờ cúng Ngài. Nếu chúng ta thực hành theo một tôn giáo đơn giản bằng cách nương dựa vào bậc đạo sư không thôi, thì chúng ta sẽ không bao giờ giác ngộ được chân lý. Không nhận ra được sự thật của tôn giáo mà chúng ta đang thực hành theo thì chúng ta có thể trở thành nạn nhân của một tín lý mù quáng và ràng buộc tự do tư tưởng của chúng ta, và rồi trở thành những kẻ nô lệ cho một bậc thầy cá biệt, đi kỳ thị chống đối những bậc thầy khác. Cần phải ý thức rằng chúng ta không nên nương tựa vào người khác vì sự giải thoát của bản thân. Nhưng chúng ta cần phải tôn trọng bất cứ bậc thầy tôn giáo nào chân chính và đáng kính trọng. Có nhiều bậc thầy tôn giáo có khả năng dạy chúng ta những gì nên làm để đạt được giải thoát của mình, nhưng không phải vị này lại có thể cứu độ được người khác. Nó không giống như việc cứu sống một mạng sống khi gặp cảnh lâm nguy. Đây là sự giải thoát hoàn toàn khỏi những cấu nhiễm tinh thần và khổ đau trần thế. Đó là lý do tại sao chúng ta phải tự lực thực hành để đạt đến giải thoát hay tự do mỹ mãn theo lời khuyên của các bậc thầy tôn giáo. Đức Phật dạy, "Không ai có thể cứu vớt chúng ta bằng chính bản thân m ình. Chư Phật chỉ là người dẫn đường".Bạn có thể nghĩ một nhà lãnh đạo tôn giáo nào đó đã nói lên điều này không? Đó là tư tưởng khai phóng mà chúng ta chỉ có được trong Phật giáo. * Đ ây là toàn bộ mười lời khuyên của Đức Phật cho những thanh niên làng Kalama đến gặp Ngài để tham vấn về việc làm sao để chấp nhận một tôn giáo và làm thế nào để xác định đâu là một tôn giáo chân chính. Lời khuyên của Ngài là: "Chớ ích kỷ và đừng là kẻ nô lệ cho người khác; Chớ làm bất cứ điều gì chỉ vì lợi mình mà nên quan tâm đến mọi người cần được quan tâm". Ngài nói với họ rằng chư vị có thể lĩnh hội được ý nghĩa này tuỳ theo kinh nghiệm cá nhân của mình. Ngài cũng nói rằng giữa những lối thực hành và niềm tin khác nhau, thì có vài điều nhất định nào đó là tốt cho người này nhưng lại không tốt đối với người khác. Và ngược lại, có những điều nhất định nào đó thì tốt đối với người khác nhưng lại không tốt đối với những người còn lại. Trước khi định làm bất cứ một việc gì, chư vị cần phải lưu tâm đến cả hai khía cạnh; thuận lợi và bất lợi xảy ra với chư vị. Vì vậy, Đức Phật đã đưa ra cho chúng ta một tư tưởng hoàn toàn khai phóng để chọn lựa một tôn giáo chân chíánh theo niềm tin vững chắc của chính mình.Đạo Phật l à một tôn giáo dạy cho người ta hiểu được, rằng con người không phải vì tôn giáo mà tôn giáo phải là công cụ để phục vụ lợi ích con người (man is not for religion but that religion is for man) để tạo ra tính hữu dụng của nó. Tôn giáo có thể được ví như chiếc xuồng giúp người qua sông. Một khi qua đến bờ bên kia rồi thì người ta có thể vứt bỏ nó và tiếp tục cuộc hành trình. Người ta nên dùng tôn giáo để cải thiện cuộc đời và để thể nghiệm sự tự do, an lạc và hạnh phúc. Phật giáo là một tôn giáo mà chúng ta có thể nương tựa để sống an lạc và giúp cho người khác cũng được sống an lạc. Trong khi thực hành theo tôn giáo này, chúng ta vẫn có quyền để tôn trọng những người theo tôn giáo khác. Nếu như thực sự khó có thể tôn trọng hành vi và thái độ kỳ thị của họ thì ít nhất chúng ta cũng cần có sự khoan dung, không để mình bị lôi cuốn vào những xung đột sắc tộc, tôn giáo. Có rất ít tôn giáo dạy cho tín đồ của họ tiếp nhận thái độ khoan dung, rộng lượng này.Dịch từ: Voice of Buddhism, Buddhist Society,
Singapore, -ooOoo- |
Source: http://www.chuyenphapluan.com
[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 01-06-2005