BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with Unicode Times font |
Lý Duyên Khởi
Hòa thượng Nyanatiloka
Bình Anson lược dịch
Tiếng Pāli
của lý Duyên khởi hay Duyên sinh là PATICCASAMUPPĀDA.
Đây là thuyết về duyên tánh của tất cả
hiện tượng vật lý - tâm lý (tâm-vật). Thuyết nầy cùng với thuyết Vô ngã (anattā)
lập thành điều kiện thiết yếu để có thể học
tập và thực chứng lời dạy của Đức
Phật. Nó chỉ cho thấy tính cách lệ thuộc lẫn nhau, có điều kiện tính, của
một dòng liên tục, không gián đoạn,
gồm những hiện tượng tâm-vật của sự hiện hữu, mà thông thường
được gọi là "cái tôi", con người, con
vật, vv. Trong khi lý thuyết Vô ngã được trình bày bằng cách phân tích, chia chẻ sự hiện hữu thành các yếu tố cấu tạo ra nó, cho đến tận cùng chỉ còn là những hiện tượng trống rỗng, phi thực thể, thì lý Duyên khởi, ngược lại, được trình bày bằng lối tổng hợp, và chỉ rõ ràng mọi hiện tượng, kỳ thực, đều tương quan với nhau, làm "duyên" (điều kiện) cho nhau bằng cách nầy hay cách khác. Thật vậy, toàn bộ Tạng A-tỳ-đàm (Abhidhamma-Pitaka) chỉ đề cập hai giáo thuyết: tính chất Hiện tượng - nghĩa là vô ngã tính; và tính chất Duyên sinh, của mọi sự hiện hữu. Giáo thuyết đầu hay phương pháp phân tích, được áp dụng trong Bộ Pháp Tụ (Dhammasangani), bộ sách đầu tiên của Tạng A-tỳ-đàm; giáo thuyết sau hay phương pháp tổng hợp, áp dụng trong Bộ Vị Trí (Patthāna), bộ sách cuối cùng của Tạng A-tỳ-đàm. * Mặc dù chủ đề nầy thường được nhiều học giả Tây phương bàn luận, nhưng phần đông thường hiểu lầm ý nghĩa và mục đích chân chính của lý Duyên khởi, và ngay cả những thuật ngữ chỉ 12 chi phần cũng thường bị diễn dịch sai. Công thức của lý Duyên khởi được trình bày như sau: - "Vô minh duyên hành": Do vô minh, các hành có điều kiện để sinh ra. Hành là những tư tâm sở (cetanā) hay ý chí đưa đến tái sinh, còn gọi là hành nghiệp. - "Hành duyên thức": Do hành nghiệp (trong đời quá khứ) mà thức (hiện tại) có điều kiện phát sinh. - "Thức duyên danh sắc": Do thức, các hiện tượng tâm-vật lý có điều kiện phát sinh. - "Danh sắc duyên lục nhập": Do danh sắc, các căn (5 căn vật lý và ý căn) có điều kiện phát sinh. - "Lục nhập duyên xúc": Do lục nhập, ấn tượng cảm quan (hay xúc) có điều kiện phát sinh. - "Xúc duyên thọ": Do xúc, cảm thọ có điều kiện phát sinh. - "Thọ duyên ái": Do thọ, tham ái có điều kiện phát sinh. - "Ái duyên thủ": Do ái, chấp thủ có điều kiện phát sinh. - "Thủ duyên hữu": Do thủ, mà hữu có điều kiện phát sinh. Hữu là tiến trình năng động và thụ động của đời sống, gồm Nghiệp hữu (nghiệp đưa đến tái sinh, Kamma-bhava) và Sinh hữu (hậu quả của nghiệp hữu, Upapatti-bhava). - "Hữu duyên sinh": Do nghiệp hữu mà có tiến trình tái sinh. - "Sinh duyên già chết": Do tái sinh mà già chết (sầu, bi, khổ, ưu, não) có điều kiện phát khởi. Như thế, toàn bộ khổ uẩn nầy lại tái sinh khởi trong tương lai. Ðồ biểu dưới đây chỉ rõ tương quan duyên khởi giữa 3 đời kế tiếp:
1. "Vô minh duyên hành": Các nghiệp thiện, bất thiện về thân, ngữ, ý, đều do vô minh mà sinh khởi. "Hành" nghĩa là các tư tâm sở (cetanā, tác ý) thiện và bất thiện, những hành động cố ý, tóm lại là "Nghiệp". Cần trình bày ở đây rằng "nghiệp" (kamma) trong Phật giáo chỉ là một thuật ngữ có nghĩa là những hành động cố ý, thiện hay ác, đem lại hậu quả trong hiện tại, hoặc làm nhân cho số phận và sự tái sinh trong tương lai. Nghiệp không bao giờ có nghĩa là "hậu quả của hành động", như nhiều học giả Tây phương thường hiểu lầm. Bằng cách nào nghiệp hành được phát sinh do duyên vô minh? Về bất thiện nghiệp tương ưng với tham, sân hay si, các nghiệp hành nầy có điều kiện (duyên) là vô minh tương ưng bất ly với chúng, luôn luôn trong mọi trường hợp. Vậy, vô minh là một duyên cho các bất thiện hành (nghiệp), qua câu sinh duyên (sahajāta-paccaya), tương ưng duyên (sampayutta-paccaya), hữu duyên (atthi-paccaya) vv. Hơn nữa, vô minh đối với bất thiện nghiệp còn là một duyên như thân y duyên (upanissaya-paccaya), chẳng hạn như khi vô minh đi kèm với tham, xúi giục một người phạm các tội ác như giết người, trộm cắp, tà dâm, vv. Trong trường hợp ấy, vô minh là một duyên "tự nhiên thân y" (pakati-upanissaya-paccaya). Nó cũng có thể trở thành một "sở duyên thân y" (ārammanūpanissaya-paccaya), duyên của tư tưởng chúng ta. Ðiều nầy xảy ra như trường hợp có người nhớ lại một tình trạng vô minh về trước, phối hợp với khoái lạc, và khi hồi tưởng như thế, các bất thiện pháp khởi lên, như dục tham, sầu, ưu, vv. Với các nghiệp (hành) thiện, thì vô minh chỉ có thể làm một điều kiện gọi là thân y duyên, chứ không bao giờ làm câu sinh duyên, vv. bởi vì thiện tâm vào lúc hành thiện đương nhiên không thể tương ưng với bất cứ một bất thiện pháp nào, như vô minh. Vô minh là một duyên, kể như "tự nhiên thân y duyên" (pakatupanissaya), chẳng hạn một người bị vô minh và thói khoe khoang thúc đẩy mà nổ lực để đắc các thiền, và cuối cùng nhờ kiên trì cũng đạt các thiện tâm ấy. Vô minh cũng có thể là thân y duyên cho các nghiệp thiện, kể như "sở duyên thân y", thí dụ một người tư duy về vô minh là căn để của mọi đau khổ trên đời, và cuối cùng đạt đến tuệ giác và nhập vào một trong bốn thánh đạo. 2. "Hành duyên thức": Câu nầy dạy rằng các hành, (nghiệp) thiện và bất thiện, là nguyên nhân cho sự tái sinh trong tương lai ở một sinh thú hay cõi (gati) thích hợp. Hành nghiệp đời trước tạo điều kiện cho sự khởi sinh trong bụng mẹ một tập hợp danh sắc mới, gồm 5 uẩn, ở đây được biểu trưng bằng Thức. Nhưng tất cả những dị thục thức (vipāka) như vậy (như nhãn thức, nhĩ thức, vv.) cũng như tất cả tâm pháp tương ưng (thọ, vv.) đều là vô ký về phương diện nghiệp. Cần hiểu rằng ngay từ sát-na đầu tiên nhập thai mẹ, dị thục thức của bào thai đã hoạt động rồi. Ðể giải tỏa ngộ nhận của vài học giả Tây phương về lý Duyên khởi như "kinh nghiệm cá nhân về một sát-na nghiệp duy nhất" và ngộ nhận về tính cách "đồng thời" của cả 12 chi phần, ở đây, cần phải xác định rõ rằng lý Duyên khởi phải được hiểu như gồm 3 đời kế tiếp; và điều nầy không những phù hợp với các trường phái Phật Giáo khác nhau, và với tất cả các luận giải cổ điển, mà còn phù hợp với giải thích có ghi trong kinh tạng. Thí dụ, trong Tương Ưng Nhân Duyên (Tương Ưng XII, 51) có ghi: "Khi Vô minh (1) và Thủ (9) chấm dứt, thì không có Hành nghiệp (2=10), dù là công đức, phi công đức, hay bất động - phước hành, phi phước hành và bất đồng hành - được phát sinh, và như vậy không có Thức (3=11) nào sẽ khởi lên trở lại trong một mẫu thai mới". Và thêm vào đó: "Bởi vì, nếu Thức không tái xuất hiện trong mẫu thai, thì trong trường hợp ấy, Danh sắc (4) có sinh khởi không?" Xin xem đồ biểu ở trên. Mục đích của Đức Phật khi giảng dạy Duyên khởi là để chứng minh cho nhân loại đau khổ thấy rằng, làm thế nào do duyên vô minh và bị mê hoặc mà cuộc tồn sinh và khổ đau hiện tại đã phát sinh, và thế nào, do sự diệt tận của vô minh, và từ đó ái diệt và thủ diệt, mà không còn sự tái sinh nào sẽ tiếp theo, và như vậy sự đứng dừng của tiến trình hiện hữu được thực hiện, và cùng với sự dừng lại ấy là sự chấm dứt mọi đau khổ. 3. "Thức duyên danh sắc": Câu nầy có nghĩa là nếu không có Thức thì không thể có tiến trình hiện hữu gồm tâm lý - vật lý. Danh (hay Tâm, nāma) ở đây cần được hiểu là các tâm pháp dị thục như là thọ, tưởng, hành (cetanā, ở đây chỉ cho phi nghiệp hành), xúc, tác ý (Trung Bộ, 9; Tương Ưng XII, 2). Có bảy tâm sở (cetasika) căn bản tương ứng với mỗi tâm: thọ, tưởng, hành, xúc, tác ý, mạng và định. Sắc (rūpa) ở đây có nghĩa là bốn nguyên tố vật chất (dhātu, giới: đất, nước, lửa, gió) và 24 sở tạo sắc (upādā-rūpa), theo A-tỳ-đàm. Danh hay Tâm luôn luôn do duyên thức: Thức là một duyên kể như câu sinh (sahajāta), hỗ tương (aññamañña), tương ưng (sampayutta) vv. cho Tâm, vì 4 tâm uẩn luôn luôn hợp thành một đơn vị bất khả phân. Thức đối với Sắc là một duyên kể như câu sinh, chỉ vào lúc sát-na nhập thai, còn sau đó là một duyên như Hậu sinh duyên (pacchājāta-paccaya) và Thực duyên (āhāra). Cũng như cơn đói tiếp tục khởi lên là một duyên và là một chỗ y cứ cho thân xác đã sinh từ trước, thức khởi lên sau đó cũng là một duyên và chỗ sở y cho sự duy trì của thân tiền sinh. 4. "Danh sắc duyên lục nhập": Sáu Nhập hay Sáu Xứ chỉ 5 giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) và ý xứ (manāyatana), tức là tâm thức. Tâm (danh) đối với 5 sắc xứ (5 giác quan, āyatana) là một duyên theo kiểu Hậu sinh duyên. Tâm, nghĩa là thọ, vv. với nghĩa là ý xứ - vì luôn luôn tương ưng với nhau, không rời - là một duyên theo kiểu câu sinh duyên. Sắc, ở đây là 4 giới (4 đại), đối với 5 sắc xứ hay giác quan, là một duyên kể như Thân y duyên. Sắc với nghĩa là 5 căn vật lý, đối với ý xứ là một duyên kể như thân y và tiền sinh (purejāta-paccaya). 5. "Lục nhập duyên xúc": Nếu không có 5 giác quan thì không thể có cảm giác, và nếu không có ý xứ thì không có ấn tượng của Tâm. Như vậy, 5 giác quan - mắt, tai, vv. - đối với 5 ấn tượng tương ứng là một duyên, kể như thân y (nissaya) và tiền sinh (purejāta), còn ý xứ đối với ấn tượng tâm là một duyên kể như câu sinh, tương ưng, hỗ tương. 6. "Xúc duyên thọ": Các ấn tượng cảm quan và ý thức đối với cảm giác tương ưng, là một duyên kể như câu sinh, tương ưng, hỗ tương. 7. "Thọ duyên ái": Bất cứ cảm giác nào, dù dễ chịu, khó chịu hay trung tính, thuộc thân hay tâm, quá khứ hay vị lai, đều có thể trở thành một duyên, theo kiểu Thân y duyên, loại Sở duyên thân y, cho tham ái. Ngay cả cảm giác đau đớn thuộc vật lý và tâm lý cũng có thể trở thành một Sở duyên thân y cho khát ái - do cái khát vọng muốn thoát ly khỏi cảm giác đau đớn ấy. 8. "Ái duyên thủ": Thủ được giải thích là một dạng tăng cường của khát ái. Có 4 loại thủ: i) Dục thủ (kāmūpādāna): Bám vào sắc dục; ii) Kiến thủ (ditthūpādāna): Chấp thủ vào tà kiến; iii) Giới cấm thủ (sīlabbatūpādāna): Chấp thủ vào nghi thức; iv) Ngã luận thủ (attavādūpādāna): Chấp thủ vào niềm tin có một bản ngã. Dục ái đối với dục thủ là một duyên "tự nhiên thân y". Ðối với kiến thủ, giới cấm thủ và ngã luận thủ, thì ái là một duyên, theo kiểu câu sinh, hỗ tương, nhân duyên vv. Nó cũng có thể là một duyên tự nhiên thân y. Chẳng hạn, do khát vọng tái sinh lên trời vv. mà người ta có thể bám lấy những nghi thức, lễ tục, với hy vọng đạt được đối tượng khát ái của họ bằng cách đó. 9. "Thủ duyên hữu": Các nghiệp hữu thiện và bất thiện, cũng như quả dị thục có tính cách thụ động - tiến trình tái sinh, đều bao hàm trong "Hữu" nầy. Nghiệp hữu gồm 5 nhân: vô minh, hành, ái, thủ, và tiến trình tạo nghiệp (xem số 1, 2, 8, 9, 10 ở đồ biểu). Sinh hữu gồm 5 nghiệp dị thục (xem số 3, 4, 5, 6, 7 ở đồ biểu). Tiến trình tạo nghiệp ở đây, nói cho đúng, là một thuật ngữ để chỉ chung các tư tâm sở tạo nghiệp và tất cả tâm sở tương ưng, trong khi vòng khoen thứ 2 (Hành) chỉ có tiêu biểu cho nghiệp tích lũy từ trước. Nhưng cả hai Hành và Hữu, thật ra, cũng chỉ cho một thứ, tức là nghiệp làm nhân cho Tái sinh, như ta sẽ thấy dưới đây. Thủ có thể là một thân y duyên cho nhiều loại nghiệp thiện và bất thiện. Chẳng hạn Dục thủ có thể là một duyên thân y tự nhiên cho sát sinh, trộm cướp, tà dâm, tà ngữ, tà niệm vv. Giới cấm thủ có thể đưa đến tự mãn, cuồng tín, tàn bạo vv. Thủ đối với ác nghiệp tương ưng, cũng là một duyên theo kiểu câu sinh, tương ưng, hỗ tương. 10. "Hữu duyên sinh": Do nghiệp hữu thiện hay bất thiện mà có "Sinh hữu" hay tiến trình tái sinh. Câu số 2 và 10, như đã trình bày, thật ra cùng chỉ một điều là nghiệp làm nhân cho tái sinh, nói cách khác, tư tâm sở (tác ý) là hạt giống, từ đó khởi lên lên đời sống mới, cũng như từ hột xoài khởi lên cây xoài mới. Ở đây, 5 nghiệp nhân (vô minh, hành, ái, thủ, hữu) thuộc đời quá khứ là điều kiện cho những nghiệp quả trong đời hiện tại; và 5 nghiệp nhân trong hiện tại là điều kiện cho 5 nghiệp quả (dị thục - thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ) của đời kế tiếp (xem đồ biểu ở trên). Như trong Thanh Tịnh Ðạo XVII có ghi:
Trong tiến trình biến chuyển liên tục của hiện tượng tâm-vật nầy, không có một cái gì truyền từ một sát-na nầy đến sát-na kế tiếp. Vì thế, không có một thực thể trường tồn hay bản ngã, cái tôi, ở trong tiến trình hiện hữu để luân chuyển từ đời nầy đến đời sau. "Không có một con người hay một linh hồn nào đi từ đời trước đến đời nầy; tuy vậy, bào thai hiện tại không thể hiện hữu nếu không có những nhân duyên đi trước" (Thanh Tịnh Ðạo XVII). "Có thể chứng minh điều nầy bằng nhiều ví dụ, như tiếng vang, ánh sáng ngọn đèn, dấu ấn, hay hình ảnh do gương phản chiếu" (Thanh Tịnh Ðạo XVII). "Người nào không biết gì về các pháp do duyên sinh, và không hiểu rằng nghiệp (hành) là do vô minh sinh ra, vv. thì sẽ nghĩ rằng chính cái ngã của mình biết hoặc không biết, hành động và sai khiến hành động, và chính cái ngã ấy khởi lên vào lúc tái sinh. Hoặc người ấy cho rằng các nguyên tử, hay một vị Tạo hóa, với sự trợ giúp của tiến trình thai nghén, đã hình thành cái thân nầy, hay chính cái ngã có các căn gây cảm thọ, ước muốn, chấp thủ, tiếp tục và tái hiện hữu trong một sự thọ sinh mới. Hoặc người ấy cho rằng tất cả loài hữu tình sinh ra do định mệnh, hay tình cờ ngẫu nhiên sinh ra" (Thanh Tịnh Ðạo XVII). Ở đây, khi nghe nói đạo Phật dạy rằng bất cứ gì trong thế gian đều do duyên sinh, có một số người có thể đi đến kết luận là đạo Phật giảng dạy một loại định mệnh thuyết, và con người không có ý chí tự do, hoặc ý chí là không tự do. Vấn đề "con người có một ý chí tự do hay không" thì, thật ra, không cần thiết đối với người Phật tử, vì người ấy biết rằng ngoài những hiện tượng tâm-vật hằng biến chuyển nầy, không có một thực thể nào gọi là "con người" cả, và danh xưng "con người" cũng chỉ là một giả danh, không tương ứng với một thực tại nào. Và vấn đề "ý chí có tự do hay không" cũng phải được dẹp bỏ, vì ý chí hay "hành" là một hiện tượng tâm chỉ chớp lên trong một sát-na, và như vậy, nó không có một hiện hữu kế tục từ trong sát-na trước. Về một sự việc không hiện hữu, hay chưa hiện hữu, ta không thể hỏi nó có tự do hay không tự do. Câu hỏi duy nhất có thể chấp nhận là: Sự phát sinh của "ý chí" có vượt ngoài duyên sinh, hay nó cũng là duyên sinh? Nhưng câu hỏi đó cũng có thể áp dụng cho tất cả tâm pháp khác, và các hiện tượng vật lý nữa; nói cách khác, là cho tất cả mọi sự kiện, tất cả sự sinh khởi của bất cứ cái gì. Và câu trả lời sẽ là: Dù là ý chí sinh, hay cảm thọ sinh, hay bất cứ tâm pháp hay sắc pháp nào sinh, thì sự sinh khởi của bất cứ việc gì cũng đều tùy thuộc vào các duyên (điều kiện); và nếu không có duyên, thì không bao giờ có cái gì có thể sinh ra hay hiện hữu được. Theo đạo Phật, mọi sự thuộc tâm lý hay vật lý xảy ra phù hợp với các định luật và các điều kiện (duyên). Nếu không như vậy, thì chỉ có một mớ hỗn độn càn khôn và sự ngẫu nhiên mù quáng. Nhưng điều nầy không thể xảy ra, và nó mâu thuẫn với mọi định luật của tư tưởng. 11. "Sinh duyên già chết": Nếu không có sinh ra thì không thể có già chết, không có nỗi đau đớn và khổ não. Như vậy, Tái sinh đối với Già chết là một duyên, kể như Thân y duyên. * Ðức Phật đã dạy (Trường Bộ, 15): "Nầy Anandā, giáo pháp Duyên khởi này rất thâm sâu, thật sự thâm sâu. Chính vì không thông hiểu giáo pháp này mà thế gian giống như một cuộn chỉ rối ren, một tổ chim, một bụi rậm lau lách, và không thể thoát khỏi các đọa xứ, cõi dữ, phải chịu khổ đau trong vòng luân hồi sinh tử." Trong một đoạn kinh khác (Trung Bộ, 28), Ngài dạy rằng: "Người nào hiểu được lý Duyên khởi, là hiểu Pháp; và người nào hiểu được Pháp, là hiểu lý Duyên khởi" . * Trích: Nyanatiloka Maha Thera, "Buddhist Dictionary" (Tự điển Phật học), Sri Lanka, 1970. -ooOoo- |
[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 20-08-2004