BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with Unicode Times font |
Chân giá trị của Phật giáo trong xã hội ngày nay
Sona Kanti Barua
Nguyên Thiều dịch
Xã hội hôm nay
đang trải qua những biến đổi lớn trên
các lĩnh vực kinh tế, thương mại, quan hệ quốc tế v.v... với bao hệ tư
tưởng cùng những ngộ nhận đáng tiếc. Sự tiến
bộ của khoa học đã mang lại những thành tựu
đáng kể, con người đang thích thú trong đời
sống vật chất xa hoa và đang tự khẳng
định quyền lực bằng vũ khí của chính mình. Hàng loạt các thiết bị
dẫn đến chết chóc và hủy diệt khủng
khiếp đang được sản xuất, loài người
vẫn còn sống trong sợ hãi, ngờ vực, trong những trạng thái căng
thẳng do chính mình tạo ra, đôi khi họ
lại thách thức, chống đối nhau như hoang thú trong rừng sâu. Nhìn
những thực trạng bi ai trên, thi hào Rabindranath Tagore, người
được giải Nobel văn chương, đã khấn
nguyện với Đức Phật, Đấng Đại Từ Bi như sau: "Thế giới hôm nay hoang mê, Thuở xưa Đức Phật đã từng nói: "Mong rằng con tim ta lắng nghe tiếng thổn thức sầu bi như đóa sen mở rộng lòng đón nhận ánh bình minh rực rỡ. Chớ để cho ánh mặt trời chói chang làm khô đi những giọt nước mắt khổ lụy trước khi ta lau chúng trên đôi mắt của người sầu đau. Hãy để cho mỗi giọt nước mắt nóng bỏng của thế nhân rơi trên tim ta và đọng lại ở đó, đừng lau chúng cho đến khi nào khổ đau ấy tự đoạn diệt". Sức mạnh của con người vốn nằm trong lòng từ bi. Khi người ta chưa từ bỏ sự tàn bạo thì họ không thể nào nhận chân được một sự thật mà chính Đức Phật luôn ca ngợi đó là sân hận phải được chinh phục bằng tinh thần bất bạo động. Nếu loài người không tuân thủ lời giáo huấn này trong đời sống chính trị và xã hội thì tội lỗi sẽ không bị tận diệt, ngọn lửa hoài nghi giữa các quốc gia sẽ không bị lụi tàn. Những tội ác khủng khiếp tại các nhà tù, cũng như những nét cau mày sợ sệt trong các doanh trại quân đội sẽ làm cho cuộc sống căng thẳng thêm, rồi đau khổ vẫn lan tràn bất tận. Do vậy, giờ đây chính là lúc thích hợp nhất mà con người phải nương tựa nơi Đức Phật - Người đang tìm đến những kẻ điên rồ muốn tìm kiếm thành công bằng con đường bạo lực để khuyên họ nên dùng lòng từ để chinh phục thù hận. Với ngọn đèn tình thương trên tay, Đức Phật khuyên mọi người hãy tự mình đến với Chánh pháp để thấy được sự thật của kiếp nhân sinh. Ngài dạy rằng: "Các con đừng nên sợ hãi, đừng nương tựa vào quyền lực của người khác, hãy dùng ngọn đèn Chánh pháp của Như Lai để chiếu sáng tâm thức của chính mình, để trực nhận chính mình và để thành tựu chánh tri kiến". Đức Thế Tôn cũng đã từng dạy: "Có một con đường đưa đến hòa bình, hận thù không thể diệt hận thù, chỉ có tình thương, lòng từ bi mới nhiếp phục được hận thù. Đây là quan điểm về nền hòa bình trên vũ trụ của Như Lai. Những ai thương tưởng đến Như Lai thì hãy thể hiện tình thương đó bằng cách thương yêu tất cả chúng sinh. Người nào chinh phục được lòng tham là người đó trở thành người chiến thắng toàn mãn. Mọi người đều yêu chuộng tự do và công lý, đừng nên xâm phạm đến quyền tự do của người khác". Trong Phật giáo: tôn giáo, triết học, đạo đức học, tâm lý học và xã hội học được thể hiện như một hệ thống tư tưởng tổng hợp nhất có liên hệ trực tiếp đến những khát vọng của xã hội hôm nay. Tóm lại, đạo Phật là một hệ thống minh triết có thể áp dụng vào mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội. Một trong những mục tiêu của Phật giáo là giúp đỡ con người thông qua việc phát triển sự tỉnh thức nội tại và những nỗ lực hành trì cao cả của mỗi cá nhân để trực nhận và phát triển tiềm năng kỳ diệu nhất của mỗi người. Mục tiêu này không hề tạo nên một tương phản nào đối với mục tiêu của nền giáo dục hiện đại. Mục tiêu của nền giáo dục hiện đại là phát triển các năng khiếu, năng lực, sở trường của mỗi người thông qua việc cung cấp tri thức và những kinh nghiệm hữu ích cho học sinh. Trong khi các nhà giáo dục và tâm lý chưa thể giải thích tại sao con người có những năng khiếu và khả năng riêng biệt thì Phật giáo đã đưa ra lời giải thích thông tuệ rằng: những yếu tố riêng biệt đó chính là kết quả của những nghiệp nhân trong đời trước. Đức Phật đã xác chứng rằng Duyên khởi là giáo lý nền tảng trong giáo pháp của Ngài: "Khi cái này sinh thì cái kia sinh; khi cái này diệt thì cái kia diệt". KINH TẾ HỌC PHẬT GIÁO Khi sự phát triển kinh tế được quan tâm đúng mức thì Phật giáo là một yếu tố quan trọng hỗ trợ cho sự phát triển đó. Người Phật tử phải nhận ra một sự thật là nếu nền kinh tế không phát triển đúng mức để đáp ứng các nhu cầu xã hội thì xã hội chúng ta sẽ bị trì trệ và lạc hậu. Để tránh sự tụt hậu này, chúng ta phải xây dựng một nền kinh tế vững mạnh và phồn thịnh giống như các quốc gia văn minh trên thế giới. Chúng ta không thể nào quên được phương thức kiến tạo một nền kinh tế vững mạnh trong cuộc sống hiện tại được trình bày trong các kinh điển Phật giáo, đặc biệt là bốn yếu tố liên hệ đến nền kinh tế quốc nội trong kinh Vyaggapajja. Bốn yếu tố liên hệ đến sự tăng trưởng kinh tế mà Đức Phật đã đưa ra là: (1) Tạo ra của cải vật chất nhờ sự kiên trì học tập và siêng năng lao động; (2) Giữ gìn tốt những tài sản hợp pháp; (3) Hợp tác, làm ăn với những người đúng đắn và (4) Khéo quân bình giữa thu nhập và chi tiêu. Bên cạnh việc đưa ra phương thức xây dựng một nền kinh tế vững mạnh như trên, Đức Phật cũng dạy rằng những ai muốn đạt được sự thành công về kinh tế trong đời mình thì tuyệt đối phải tránh xa những tác nhân nguy hiểm đưa đến sự suy tàn, diệt vong đó là sự tham đắm dục lạc, rượu chè, cờ bạc và kết bạn với kẻ xấu. Khi mô hình kinh tế vững mạnh do Ngài đưa ra được áp dụng thì xã hội ổn định, con người có mức sống cao hơn, lúc đó mức độ tội ác và tệ nạn xã hội sẽ giảm xuống nhanh chóng. Vấn đề này được thể hiện trong kinh Cứu La Đàn Đầu (Kutadanta): Đức Phật hỏi Bà la môn Kutadanta về phương pháp tế lễ và Ngài khuyên ông ta nên quan tâm đến sự phát triển kinh tế trong làng của mình thay vì việc sát sinh tế lễ để đối phó với các tệ nạn đang diễn ra trong xã hội như: tội ác, tội phạm, trộm cướp v.v... Đức Phật cũng cho rằng hình thức tra tấn hay mức án tử hình không hẳn là phương pháp hữu hiệu để ngăn chặn tội ác. Bằng cách giúp đỡ việc phát triển kinh tế thì mức độ tội ác chắc chắn sẽ giảm xuống bởi vì khi nền kinh tế phát triển, sản phẩm được tạo ra nhiều, tạo công ăn việc làm, đời sống được cải thiện và lúc đó các tệ nạn xã hội sẽ tự biến mất. Khi được giảng dạy như thế, Bà la môn Kutadanta liền từ bỏ việc sát sinh để cúng tế, chăm lo việc phát triển kinh tế của làng mình và mức độ tội ác trong làng đã giảm xuống nhanh chóng. THỰC TRẠNG XÃ HỘI Về cơ bản, đời sống của người Phật tử bắt đầu từ việc thực hiện các bổn phận đạo đức và đây cũng là một yêu cầu thiết thực trong xã hội hiện tại. Đời sống đạo hạnh được thể hiện ngay trong thực tế xã hội. Chẳng hạn những giới căn bản như năm giới là những nhân tố tích cực để thành tựu năm đức. Một ví dụ khác là việc ứng dụng trí tuệ Phật pháp vào thực tiễn xã hội được thể hiện trong kinh Thiện Sanh, kinh này tán thán Thiện Sanh, con trai của một gia chủ. Trong kinh này, Đức Phật đã giải thích chi tiết sáu bổn phận mang tính gia đình và xã hội mà một người công dân phải tuân thủ để từ đó mỗi người biết tôn trọng cá tính của người khác, xây dựng những mối quan hệ an lạc và nồng ấm trong cộng đồng xã hội phức tạp, xây dựng một xã hội mà ở đó cha mẹ và con cái, thầy và trò, chồng và vợ, chủ và tớ, bạn bè đồng môn cùng tôn kính lẫn nhau, cùng sống trong hòa thuận, gắn bó, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, và cuối cùng Đức Phật cũng dạy về những trách nhiệm tương quan giữa những người cư sĩ và các vị Tỷ kheo. Nhận xét về kinh Thiện Sanh, một quyển kinh dạy về đạo đức luân lý xã hội, giáo sư Rhys Davids tỏ ra rất thán phục và đánh giá cao kinh này, và ông xem đây là một quyển kinh chuẩn mực thể hiện sự đóng góp vào giá trị xã hội và tinh thần bình đẳng của Phật giáo trong xã hội ngày nay. PHẬT GIÁO CÓ THỂ GIẢI QUYẾT CÁC VẤN ĐỀ KHÓ KHĂN TRONG XÃ HỘI NGÀY NAY Qua bức thông điệp của Đức Phật, chúng ta thấy rằng điều thiết yếu hiện nay là phải có một cách nhìn đúng đắn về các vấn đề cá nhân, xã hội và quốc tế. Sự tiến bộ của khoa học đã mang lại nhiều lợi ích cho nhân loại, nhưng trong sự tiến bộ ấy vẫn còn thiếu vắng một cái gì đó, đôi khi sự tiến bộ ấy cũng dẫn đến những hiểm họa khôn lường. Có một yếu tố tinh thần có thể khôi phục lại những sức mạnh mà những khám phá khoa học không thể tìm ra. Yếu tố tinh thần hay con đường tâm linh ấy đã được Jawaharlal Nehru, vị Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ, đề cập như sau: "Từ xung đột và chiến tranh, người ta không thể tìm ra một con đường mới để cứu độ nhân loại ngoại trừ con đường mà ngày xưa một Bậc Đạo sư vĩ đại nhất đã chỉ ra cho thế giới. Vị Đạo sư ấy chính là Đức Phật Gotama". Thông thường chúng ta biểu hiện lòng yêu mến đối với các bằng hữu của mình nhưng khuynh hướng chính trị xã hội thường tạo nên những mối nghi ngờ, sân hận giữa con người với nhau. Theo khuynh hướng đó, chúng ta thường xem đồng nghiệp là kẻ thù và sẵn sàng kết án cái mà chúng ta cho là điều xấu của người đó. Với sự phát triển công nghệ và sự gia tăng tài sản quốc gia, con người dần dần quên đi tính cương trực và lại cố giữ lại những nghi ngờ xấu xa đối với đồng nghiệp của mình trong cuộc sống hiện tại. Người ta khó có thể nhận ra mối quan hệ khắng khít thắm thiết giữa mình và đồng nghiệp. Và chúng ta có thể tìm ra lời giải đáp cho vấn đề này trong hệ thống nhân thể luận của Phật giáo. Phật giáo luôn nỗ lực xây dựng những mối quan hệ của nhân loại bằng cách khơi nguồn những giá trị luân lý đạo đức cao đẹp của loài người. Phật giáo giúp chúng ta khám phá ra bản chất đặc trưng của thế giới là vô thường, vô ngã và khổ đau. Một khi con người chưa nhận thức đúng đắn ba nguyên lý này của thế giới thì họ vẫn còn khao khát về một đời sống vĩnh cửu ảo tưởng tách biệt bởi bản chất của sự vật. Khát vọng mông muội đó không những tạo nên khổ đau cho người ấy mà còn khiến người khác cũng bị đau khổ theo. Làm sao khổ đau của nhân loại có thể tan biến? Làm sao có thể mang lại nền hòa bình và niềm hạnh phúc trường cửu cho xã hội hôm nay? Những câu hỏi muôn thuở này chính là những thao thức của Phật giáo. Phật giáo đã đưa ra lời giải đáp thỏa đáng cho những vấn đề này qua tám vạn bốn ngàn pháp môn được giảng dạy trong các kinh điển, các pháp thoại, các thi kệ. Chúng ta có thể biết rằng trong 84.000 pháp môn đó thì phần lớn do Đức Phật giảng dạy và một phần nhỏ còn lại do các đệ tử kiệt xuất của Ngài đưa ra. Trong thế giới tối tăm sầu khổ, giáo lý của Đức Phật luôn tỏa sáng rực rỡ suốt 25 thế kỷ qua. Giờ đây vẫn chưa phải là muộn màng để chúng ta thực nghiệm giáo lý ấy hầu xây dựng tương lai của chúng ta tươi đẹp và hạnh phúc hơn. Chưa bao giờ trong lịch sử, bức thông điệp của Đức Phật lại thiết thực hơn đối với thời đại hạt nhân trong xã hội ngày nay i (Trích dịch từ The Value of Buddhism to Present Day Society) Trích: Nguyệt san Giác Ngộ, số 86-87, 2003 -ooOoo- |
[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 12-03-2004