BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Vị Giảng Sư

Tỳ kheo Chánh Minh


Hơn 25 thế kỷ trôi qua, lời dạy của Đấng Giác Ngộ vẫn tuôn chảy vào dòng sống nhân sinh và đã trở thành giáo pháp của một trong những tôn giáo lớn của nhân loại. Công tác hoằng pháp đã đóng một vai trò quan trọng trong sự nghiệp duy trì Phật đạo, điều này không thể phủ nhận, đồng thời nêu lên chỗ đứng đặc biệt của vị giảng sư.

"Hỡi này các sứ giả Như Lai, hãy ra đi mỗi người một hướng, đừng đi một hướng hai người, hãy mang lợi ích đến quần sinh”.

Lời dạy trên của Đấng Giác Ngộ, khởi điểm cho cuộc chinh phục thế gian, một cuộc chinh phục không bằng uy quyền vũ lực, không bằng vó ngựa trường chinh với thanh gươm sắc máu, mà chinh phục bằng dòng nước từ bi, bằng ánh sáng trí tuệ.

Ánh sáng chân lý xua đuổi tối tăm, đưa chúng sanh quay về cội nguồn giác ngộ, dòng nước từ bi rửa sạch những oan khiên, xoa dịu những đau khổ trần đời, giúp chúng sanh sống hài hòa trong vùng an lạc. Từ vực sâu tuyệt vọng đau khổ đã trổi lên ca khúc khải hoàn giải thoát, giải thoát hận thù, giải thoát ô nhiễm, giải thoát trầm luân.

Theo sau Đức Phật là những vị hiền Thánh xuất hiện và nhịp bước hoằng dương Giáo pháp của quý Ngài không hề mệt mỏi, nối tiếp truyền thừa cho đến hôm nay và mãi đến ngàn sau.

A. Hành trang vị giảng sư.

Sự nghiệp hoằng pháp phải có con người hoằng pháp, đó là vị giảng sư. Vị giảng sư như cánh hoa tươi thắm trong tâm hồn người con Phật, vị ấy đánh thức dậy niềm tin chừ đã ngủ yên, làm hồi sinh những mầm thánh thiện đã một thời dường như chìm trong quên lãng, đã xua đuổi những muộn phiền qua pháp âm vi diệu của Đấng Từ Tôn.

Trong lãnh vực hoằng pháp, vị giảng sư là một nhân tố cần thiết, có một vai trò quan trọng nhất. Sự nghiệp hoằng pháp được vững mạnh hay không là tùy thuộc vào vị giảng sư.

1. Văn học Phật giáo.

Đây là một hành trang không thể thiếu được của vị giảng sư trên đường hoằng pháp.

a- Phật học:

Là nói đến Tam tạng Giáo điển, vị giảng sư nghe nhiều nhớ nhiều, thuộc lòng từng câu từng chữ. Đây là phương diện tri thức có tính cách như trùng tuyên giáo điển.

Ở một góc độ nào đó, Phật học giúp cho người nghe tin tưởng vào lời của vị giảng sư vì có căn cội nguồn gốc rõ ràng, là "nói có sách mách có chứng".

Mặt khác, chính sự thuộc lòng giáo điển đã góp phần tích cực vào sự nghiệp duy trì Phật ngôn không bị sai lạc, bảo tồn một di sản tinh thần quý báu của nhân loại (cho dù vị ấy không hiểu hết ý nghĩa Phật ngôn).

"Này Tỷ kheo ! Có năm pháp đưa đến diệu pháp an trú, không hỗn lọan không biến mất. Thế nào là năm?

Ở đây, này các Tỷ kheo, các Tỷ kheo thuộc lòng kinh điển được nắm giử tốt đẹp, với những văn cú được phối trí chân chánh, và ý nghĩa được hướng dẫn chân chánh. Đây là pháp thứ nhất, này các Tỷ kheo đưa đến diệu pháp an trú, không hỗn loạn …"(Tăng chi Kinh 3- 177).

Trong bộ Dīpavamsa (Đảo sử) có ghi câu chuyện như vầy:

Khi đại hạn hán phát sanh trên đảo Lankā, có 60 vị Tỷ kheo bị kẹt trên đảo, 60 vị bàn với nhau rằng: "Đại hạn đã phát sanh, chúng ta không thể sang bên kia bờ biển. Vậy chúng ta hãy cùng nhau gìn giữ Tam tạng Pháp bảo đi”. Thế là, cả 60 vị tinh cần học thuộc lòng Tam tạng, cho dù thân bị sự đói hành hạ.

Có câu hỏi rằng: "Nền tảng của Phật giáo là Pháp học hay Pháp hành?".

Các vị Giảng sư đã tìm những đoạn kinh dẫn chứng cho quan điểm "Pháp học là nền tảng Phật giáo". Sự hành pháp bao giờ cũng phải nương vào Pháp học, bao giờ Pháp học rực sáng, bấy giờ Pháp hành mới rực sáng và Đạo quả, Níp bàn hiển lộ. Nói cách khác, chúng sanh không hành pháp thì Đạo quả, Níp bàn không hiện khởi, nhưng khi ấy còn Pháp học thì vẫn còn Phật giáo, trái lại khi không còn Pháp học thì cả Pháp hành lẫn Phật giáo cũng không còn.

Như thế, trong việc hoằng pháp, vị giảng sư không thể xem nhẹ Phật học.

b-Học Phật.

Đây là lãnh vực của thiên tư. Cũng câu kinh như thế, một người sẽ nghĩ đơn thuần, trái lại người thứ hai hiểu sâu xa, hiểu nhiều khía cạnh. Vị giảng sư hiểu rõ Phật ngôn, tùy theo điều kiện thực tại sẽ diễn đạt Phật lý qua ngôn ngữ riêng mà mình đã hiểu ý nghĩa.

Điển hình như Ngài Assaji, Ngài hiểu lý nhân quả qua bài kinh "Chuyển pháp luân"và Ngài diễn đạt bằng ngôn ngữ riêng của mình khi gặp đạo sĩ Upatissa.

"Các pháp phát sanh do nhân
Đấng Như Lai đã chỉ rõ nhân ấy
Ngài chỉ dạy phương pháp trừ diệt nhân ấy
Đó là lời dạy của vị Đại Sa môn”.

Kệ ngôn trên đã trở thành một giai thoại nổi tiếng trong Phật giáo, đồng thời mang ánh sáng chân lý đến cho hai vị đạo sĩ Upatissa cùng Kolita, lập nền tảng cho hai vị này trở thành Thượng thủ Thinh văn về sau.

Học Phật có hai cách: học nhiều nhưng hiểu chẳng bao nhiêu, cách học này chẳng khác nào như nước ruộng mênh mông hà lãng. Nhìn đâu cũng thấy nước mà chẳng sâu bao nhiêu, chẳng khác nào hình ảnh của gả Trư Bát Giới trệu trạo nuốt trộng quả nhân sâm, chẳng biết hương vị ngon ngọt của quả nhân sâm là gì.

Về cách học này, Đức Phật dạy: "Như cái muỗng nằm trong nồi canh".

Học ít nhưng suy tư, nghiền ngẫm để nhận thức những điểm thù diệu của Phật ngôn. Ví như nước dòng sông tuy hẹp mà sâu thẳm hay giống như người "ăn gạo lức muối mè"của thuật dưỡng sinh.

Tổ Huệ Năng chỉ nghe kinh Kim Cang, ấy vậy mà...

Cách học này, Đức Phật ví như "lưỡi nếm vật thực, dù chỉ là chút ít".

Tuy nhiên, cách học này có nhược điểm: dễ dẫn đến những quan kiến sai lầm, do suy tư lệch lạc. Do đó, chính sự học hỏi nhiều Phật ngôn giúp cho giảng sư thoát ra những lầm lẫn khi suy nghiệm pháp. Cả hai cách học Phật bổ túc lẫn nhau, làm giàu hành trang kiến thức cho vị giảng sư, học thật nhiều rồi suy nghiệm kỹ từng câu kinh văn, hoặc bài kinh này sẽ bổ túc cho bài kinh kia để hoàn bích kiến thức Phật học.

Thành tựu được một vi giảng sư, quả thật không phải dễ dàng, không phải một sớm một chiều mà có được.

Những môn học thế tục xã hội có cần thiết có vị giảng sư không?

Ngày nay tri thức nhân loại phát triển rất phong phú trên những mô hình đa dạng, một số từ ngữ cổ dường như không còn thích hợp và trở nên tối nghĩa với người nghe.

Theo ý tôi, vị giảng sư cần cập nhật hóa ngôn từ cùng những thông tin đại chúng, để làm giàu tri thức của mình, điều quan trọng là luôn giữ được “gốc Phật lý”, “dĩ văn tải đạo”chứ đừng “mượn đạo phô diễn văn chương”.

Chúng ta thấy rất rõ điều này trong thời Đức Phật, các vị “sứ giả Như Lai”nhanh chóng đưa ánh sáng chân lý vào các tầng lớp người dân Ấn, nhất là giai cấp trí thức, vì trước đó các Ngài là những vị am tường kinh Veda (Phệ đà), là những vị Bà la môn tài giỏi, tất cả những giáo thuyết thời ấy các Ngài nắm rất vững. Khi thành đạt chân lý cứu cánh “giải thoát khổ”, các Ngài đã phân tích, bình luận những giáo thuyết bên ngòai Phật Đạo, điều đúng điều sai được nêu bày rõ ràng, nhờ thế sức thuyết phục của các Ngài rất cao, người có trí tâm phục khẩu phục và trở thành môn đồ của Đức Phật.

Khéo léo ứng dụng nền tri thức, ngôn từ hiện tại để diễn đạt Phật ngôn, đem chân lý đi vào ngự trị trong tâm của đại chúng. Đó là nét sáng tạo của vị giảng sư trong việc hoằng dương giáo pháp.

2. Tư cách đạo đức.

Thuyết phục người không phải chỉ bằng lời nói hoa mỹ suông, cần phải tạo sự cảm phục trong tâm người người đối diện.

Không phải chỉ vì nói nhiều, nói hay mà bạn có thể thu phục được nhân tâm, nếu không có nền tảng đạo đức thì lời nói của bạn chỉ là sáo rổng, quần chúng sẽ mỉm cười "biết nói mà không biết làm", hoặc là "tao phách của cổ nhân". Chính tư cách đạo đức là sự thu phục lòng người bền vững nhất.

Đức Phật không tán thán những vị Sa môn nói pháp hay mà không hành. Ngài đã dạy: "Dạy người như thế nào hãy hành như thế ấy".

Thử tưởng tượng, vị giảng sư giảng về năm giới, nhưng chính bản thân lại vi phạm vào năm giới, giảng về bố thí, xả ly nhưng bản thân thì tham lam, tích lũy… thì những lời này sẽ có giá trị bao nhiêu? sẽ thuyết phục được những ai ?

Có rất nhiều trường hợp vị giảng sư không cần nói pháp, giảng pháp nhưng chính tư cách đạo đức của vị ấy đã mang niềm tin Phật pháp đi thẳng vào tâm người. Sự truyền bá Phật pháp không bằng lời nhưng bằng hành động, quả thật vững chắc vô cùng.

Ở đây, cũng cần lưu ý, tư cách đạo đức khác với tư cách tình cảm. Tư cách đạo đức mang đến một niềm tin cùng sự kính trọng Phật pháp. Còn tình cảm chỉ mang lại niềm tin một cách nhất thời.

Có cảm tình mới đi đến, có đi đến mới ngồi xuống lắng tai nghe pháp, có nghe pháp mới phát sinh niềm tin, có niềm tin mới thực hành pháp, có thực hành pháp mới nhận thức được tinh hoa Phật pháp. Vị giảng sư thành công trong sứ mệnh hoằng pháp qua phương án cảm tình, nhưng phương án này xét ra không bền vững bằng phương án đạo đức. Một ngày nào đó, người kia bất mãn, đánh mất tình cảm thì niềm tin Phật pháp nơi họ cũng không còn và có thể họ quay lưng với Phật pháp vĩnh viễn, thậm chí có thể xuyên tạc Phật giáo.

Chính tư cách đạo đức của vị giảng sư đã tô điểm cho Phật pháp thêm tươi đẹp và gìn giữ đức tin người. Tạo niềm tin cho người không khó, cái khó là giữ được niềm tin ấy không mất.

Trong thời Đức Phật, cũng có vị Tỷ kheo Upananda (là anh em chú bác với Đức Phật), vị này có biệt tài thuyết rất hay, nhưng thiếu tư cách đạo đức và có những học giới được Đức Phật chế định từ Tỷ kheo Upananda là nguyên nhân.

"Dạy người như thế nào phải hành như thế đó” xem ra cũng là một tiêu chuẩn của vị giảng sư. Nhưng đó có phải là một đòi hỏi quá cao không ?

- Không, mà là một tiêu chuẩn cần phải có cho vị giảng sư, một yêu cầu đúng nghĩa. Giảng sư dạy người giử giới, vị ấy đang giử giới, dạy Phật tử hành thiền, vị ấy đang hành thiền, dạy Phật tử xả ly thì vị ấy cũng thực hành hạnh xả ly…

Tóm lại, đạo đức và trí tuệ là hai mảnh hành trang thiết yếu của vị giảng sư trong sứ mệnh hoằng dương Phật pháp.

B. Phương thức giảng pháp

Thuyết giảng Phật ngôn là một nghệ thuật, phải tùy thời tùy đối tượng.

Là pháp tốt nhưng khi giảng không đúng đối tượng sẽ bị phản tác dụng, chẳng những không thu phục được người, trái lại còn bị người xa lánh.

Đức Phật có dạy:

"Này các Tỷ kheo! Nói về tín với người không tin là ác thuyết.
Nói về giới với người ác giới là ác thuyết.
Nói về nghe nhiều với người ít nghe là ác thuyết.
Nói về Bố thí với người xan tham là ác thuyết.
Nói về trí tuệ với người ác tuệ là ác thuyết".
(Tăng chi kinh 2- 181)

Như thế rõ ràng giảng pháp không đơn giản chút nào cả, giảng sư phải nhạy bén nắm bắt thực tại, đôi khi chỉ một lời nói đúng thời mang lại kết quả tốt đẹp, không cần phải dông dài vô ích.

Chúng sanh đa dạng nên trong hội chúng có nhiều thành phần: giới trí thức cũng có, giới bình dân cũng có, thương nhân, công chức…. Làm thế nào người nghe hòa hợp với nhau, trí thức nghe không chán, người bình dân dễ lãnh hội; quả thật là một nghệ thuật và Đức Phật đã chỉ ra năm chi phần của vị giảng sư.

a. Thuyết pháp tuần tự: là thuyết theo thứ tự lý kinh, không bỏ sót lý kinh, không đi lạc đề.

b. Thuyết pháp với mắt nhìn vào pháp: là dùng những lý lẽ giúp dễ hiểu, dễ nhận thức, để giúp người nghe lãnh hội được pháp.

c. Thuyết pháp vì lòng từ mẫn: là có tâm bác ái, giúp cho người nghe có được sự lợi ích.

d. Thuyết pháp không phải vì tài vật: là không chú tâm đến lợi lộc, chỉ mong cho người nghe được thoát khổ.

e. Không làm thương tổn đến mình và người khác: là không khen tặng mình chê bai người khác.
(Tăng chi 3. 184)

Năm chi phần trên xem như khuôn mẫu của vị giảng pháp.

Thuyết giảng pháp không cần phải tìm những từ ngữ cầu kỳ, văn hoa bóng bẩy, càng cầu kỳ, văn hoa bóng bẩy bao nhiêu càng xa lìa Phật pháp bấy nhiêu. Giảng pháp bằng ngọn lửa pháp trong tâm, bằng sự thành thật mong đại chúng lãnh hội được pháp, đại chúng hiểu pháp sẽ hành pháp. Có hành pháp sẽ nhận thức được lợi ích, người ấy sẽ trở thành một cận sự Pháp bảo vững chắc và vị giảng sư mỉm cười mãn nguyện.

"Ai thuyết pháp cần phải liễu giải nghĩa và cần phải liễu giải pháp.
Ai nghe pháp cần phải liễu giải nghĩa và cần phải liễu giải pháp.
Ai thuyết pháp và ai nghe pháp, cả hai cần phải liễu giải nghĩa và cần phải liễu giải pháp.
Cả ba trường hợp này, này các Tỷ kheo là một cuộc pháp thoại được diễn tiến có lợi ích.”
(Tăng chi kinh 1- 151).

Có nhiều giảng sư luyện giọng, luyện văn cho bài pháp thêm sinh động, đó cũng là điều tốt, nhưng khi giảng pháp thiếu chất lửa nội tâm thì bài pháp trở thành bài luận mẫu được soạn sẵn.

Chính chi phần "thuyết pháp vì lòng từ mẫn"đã tạo thành ngọn lửa niềm tin trong tâm vị giảng sư cùng thính chúng và cả hai cùng hòa lẫn vào nhau thành một. Cho dù vị giảng sư không văn hoa bay bướm, thính chúng vẫn hân hoan đón nhận lý pháp, miển sao văn trong sáng dễ hiểu, giọng rõ ràng minh bạch.

Vị giảng sư như cánh hoa sen trong biển lửa, vì lợi ích quần sanh dấn thân vào muôn ngàn chướng ngại, không nệ hà hang cùng ngỏ hẽm, không câu nệ vùng đất xa xôi hiểm trở. Mang từng thông điệp từ bi, từng ánh đuốc trí tuệ trao đến người hữu duyên, công hạnh ấy lấy chi so sánh được.

Thử nhìn lại đất Việt, một trung tâm Phật giáo Luy Lâu đã định hình thời Sĩ Nhiếp, trước cả trung tâm Phật giáo Bành Thành, Lạc Dương. Mâu Tử người Hán đã học Phật pháp tại nơi này và tác phẩm Lý hoặc luận nổi tiếng, góp phần vào sự nghiệp hoằng pháp. Danh tăng Khương Tăng Hội hấp thụ Phật học cũng từ Luy Lâu, để rồi “chấn tích Đông du”khai mở nền Phật Đạo nơi Kiến Nghiệp…

Nhưng ai đã mang ánh sáng Phật pháp từ Ấn Độ xa xôi truyền vào đất Việt? Ai đã vượt trùng dương sóng gió, mang ánh đạo vàng phổ cập đến vùng đất viễn đông này? Không biết.

Các Ngài đến rồi ra đi như bóng chim không lưu lại vết tích giữa hư không lồng lộng. Vượt muôn ngàn sóng gió hiểm nguy chỉ với mục đích “hoằng pháp lợi sinh”, mang lợi ích đến tha nhân. Có thế thôi.

Đẹp làm sao hình ảnh những sứ giả Như Lai.

Và vị giảng sư luôn ghi nhớ hình ảnh này trong tâm, trên bước đường “hoằng pháp lợi sinh” vậy.

Trích: Nội San CHUYỂN PHÁP LUÂN, 01-2004, GHPGVN.

-ooOoo-


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 12-02-2004

Vi Giang Su
BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Vị Giảng Sư

Tỳ kheo Chánh Minh


Hơn 25 thế kỷ trôi qua, lời dạy của Đấng Giác Ngộ vẫn tuôn chảy vào dòng sống nhân sinh và đã trở thành giáo pháp của một trong những tôn giáo lớn của nhân loại. Công tác hoằng pháp đã đóng một vai trò quan trọng trong sự nghiệp duy trì Phật đạo, điều này không thể phủ nhận, đồng thời nêu lên chỗ đứng đặc biệt của vị giảng sư.

"Hỡi này các sứ giả Như Lai, hãy ra đi mỗi người một hướng, đừng đi một hướng hai người, hãy mang lợi ích đến quần sinh”.

Lời dạy trên của Đấng Giác Ngộ, khởi điểm cho cuộc chinh phục thế gian, một cuộc chinh phục không bằng uy quyền vũ lực, không bằng vó ngựa trường chinh với thanh gươm sắc máu, mà chinh phục bằng dòng nước từ bi, bằng ánh sáng trí tuệ.

Ánh sáng chân lý xua đuổi tối tăm, đưa chúng sanh quay về cội nguồn giác ngộ, dòng nước từ bi rửa sạch những oan khiên, xoa dịu những đau khổ trần đời, giúp chúng sanh sống hài hòa trong vùng an lạc. Từ vực sâu tuyệt vọng đau khổ đã trổi lên ca khúc khải hoàn giải thoát, giải thoát hận thù, giải thoát ô nhiễm, giải thoát trầm luân.

Theo sau Đức Phật là những vị hiền Thánh xuất hiện và nhịp bước hoằng dương Giáo pháp của quý Ngài không hề mệt mỏi, nối tiếp truyền thừa cho đến hôm nay và mãi đến ngàn sau.

A. Hành trang vị giảng sư.

Sự nghiệp hoằng pháp phải có con người hoằng pháp, đó là vị giảng sư. Vị giảng sư như cánh hoa tươi thắm trong tâm hồn người con Phật, vị ấy đánh thức dậy niềm tin chừ đã ngủ yên, làm hồi sinh những mầm thánh thiện đã một thời dường như chìm trong quên lãng, đã xua đuổi những muộn phiền qua pháp âm vi diệu của Đấng Từ Tôn.

Trong lãnh vực hoằng pháp, vị giảng sư là một nhân tố cần thiết, có một vai trò quan trọng nhất. Sự nghiệp hoằng pháp được vững mạnh hay không là tùy thuộc vào vị giảng sư.

1. Văn học Phật giáo.

Đây là một hành trang không thể thiếu được của vị giảng sư trên đường hoằng pháp.

a- Phật học:

Là nói đến Tam tạng Giáo điển, vị giảng sư nghe nhiều nhớ nhiều, thuộc lòng từng câu từng chữ. Đây là phương diện tri thức có tính cách như trùng tuyên giáo điển.

Ở một góc độ nào đó, Phật học giúp cho người nghe tin tưởng vào lời của vị giảng sư vì có căn cội nguồn gốc rõ ràng, là "nói có sách mách có chứng".

Mặt khác, chính sự thuộc lòng giáo điển đã góp phần tích cực vào sự nghiệp duy trì Phật ngôn không bị sai lạc, bảo tồn một di sản tinh thần quý báu của nhân loại (cho dù vị ấy không hiểu hết ý nghĩa Phật ngôn).

"Này Tỷ kheo ! Có năm pháp đưa đến diệu pháp an trú, không hỗn lọan không biến mất. Thế nào là năm?

Ở đây, này các Tỷ kheo, các Tỷ kheo thuộc lòng kinh điển được nắm giử tốt đẹp, với những văn cú được phối trí chân chánh, và ý nghĩa được hướng dẫn chân chánh. Đây là pháp thứ nhất, này các Tỷ kheo đưa đến diệu pháp an trú, không hỗn loạn …"(Tăng chi Kinh 3- 177).

Trong bộ Dīpavamsa (Đảo sử) có ghi câu chuyện như vầy:

Khi đại hạn hán phát sanh trên đảo Lankā, có 60 vị Tỷ kheo bị kẹt trên đảo, 60 vị bàn với nhau rằng: "Đại hạn đã phát sanh, chúng ta không thể sang bên kia bờ biển. Vậy chúng ta hãy cùng nhau gìn giữ Tam tạng Pháp bảo đi”. Thế là, cả 60 vị tinh cần học thuộc lòng Tam tạng, cho dù thân bị sự đói hành hạ.

Có câu hỏi rằng: "Nền tảng của Phật giáo là Pháp học hay Pháp hành?".

Các vị Giảng sư đã tìm những đoạn kinh dẫn chứng cho quan điểm "Pháp học là nền tảng Phật giáo". Sự hành pháp bao giờ cũng phải nương vào Pháp học, bao giờ Pháp học rực sáng, bấy giờ Pháp hành mới rực sáng và Đạo quả, Níp bàn hiển lộ. Nói cách khác, chúng sanh không hành pháp thì Đạo quả, Níp bàn không hiện khởi, nhưng khi ấy còn Pháp học thì vẫn còn Phật giáo, trái lại khi không còn Pháp học thì cả Pháp hành lẫn Phật giáo cũng không còn.

Như thế, trong việc hoằng pháp, vị giảng sư không thể xem nhẹ Phật học.

b-Học Phật.

Đây là lãnh vực của thiên tư. Cũng câu kinh như thế, một người sẽ nghĩ đơn thuần, trái lại người thứ hai hiểu sâu xa, hiểu nhiều khía cạnh. Vị giảng sư hiểu rõ Phật ngôn, tùy theo điều kiện thực tại sẽ diễn đạt Phật lý qua ngôn ngữ riêng mà mình đã hiểu ý nghĩa.

Điển hình như Ngài Assaji, Ngài hiểu lý nhân quả qua bài kinh "Chuyển pháp luân"và Ngài diễn đạt bằng ngôn ngữ riêng của mình khi gặp đạo sĩ Upatissa.

"Các pháp phát sanh do nhân
Đấng Như Lai đã chỉ rõ nhân ấy
Ngài chỉ dạy phương pháp trừ diệt nhân ấy
Đó là lời dạy của vị Đại Sa môn”.

Kệ ngôn trên đã trở thành một giai thoại nổi tiếng trong Phật giáo, đồng thời mang ánh sáng chân lý đến cho hai vị đạo sĩ Upatissa cùng Kolita, lập nền tảng cho hai vị này trở thành Thượng thủ Thinh văn về sau.

Học Phật có hai cách: học nhiều nhưng hiểu chẳng bao nhiêu, cách học này chẳng khác nào như nước ruộng mênh mông hà lãng. Nhìn đâu cũng thấy nước mà chẳng sâu bao nhiêu, chẳng khác nào hình ảnh của gả Trư Bát Giới trệu trạo nuốt trộng quả nhân sâm, chẳng biết hương vị ngon ngọt của quả nhân sâm là gì.

Về cách học này, Đức Phật dạy: "Như cái muỗng nằm trong nồi canh".

Học ít nhưng suy tư, nghiền ngẫm để nhận thức những điểm thù diệu của Phật ngôn. Ví như nước dòng sông tuy hẹp mà sâu thẳm hay giống như người "ăn gạo lức muối mè"của thuật dưỡng sinh.

Tổ Huệ Năng chỉ nghe kinh Kim Cang, ấy vậy mà...

Cách học này, Đức Phật ví như "lưỡi nếm vật thực, dù chỉ là chút ít".

Tuy nhiên, cách học này có nhược điểm: dễ dẫn đến những quan kiến sai lầm, do suy tư lệch lạc. Do đó, chính sự học hỏi nhiều Phật ngôn giúp cho giảng sư thoát ra những lầm lẫn khi suy nghiệm pháp. Cả hai cách học Phật bổ túc lẫn nhau, làm giàu hành trang kiến thức cho vị giảng sư, học thật nhiều rồi suy nghiệm kỹ từng câu kinh văn, hoặc bài kinh này sẽ bổ túc cho bài kinh kia để hoàn bích kiến thức Phật học.

Thành tựu được một vi giảng sư, quả thật không phải dễ dàng, không phải một sớm một chiều mà có được.

Những môn học thế tục xã hội có cần thiết có vị giảng sư không?

Ngày nay tri thức nhân loại phát triển rất phong phú trên những mô hình đa dạng, một số từ ngữ cổ dường như không còn thích hợp và trở nên tối nghĩa với người nghe.

Theo ý tôi, vị giảng sư cần cập nhật hóa ngôn từ cùng những thông tin đại chúng, để làm giàu tri thức của mình, điều quan trọng là luôn giữ được “gốc Phật lý”, “dĩ văn tải đạo”chứ đừng “mượn đạo phô diễn văn chương”.

Chúng ta thấy rất rõ điều này trong thời Đức Phật, các vị “sứ giả Như Lai”nhanh chóng đưa ánh sáng chân lý vào các tầng lớp người dân Ấn, nhất là giai cấp trí thức, vì trước đó các Ngài là những vị am tường kinh Veda (Phệ đà), là những vị Bà la môn tài giỏi, tất cả những giáo thuyết thời ấy các Ngài nắm rất vững. Khi thành đạt chân lý cứu cánh “giải thoát khổ”, các Ngài đã phân tích, bình luận những giáo thuyết bên ngòai Phật Đạo, điều đúng điều sai được nêu bày rõ ràng, nhờ thế sức thuyết phục của các Ngài rất cao, người có trí tâm phục khẩu phục và trở thành môn đồ của Đức Phật.

Khéo léo ứng dụng nền tri thức, ngôn từ hiện tại để diễn đạt Phật ngôn, đem chân lý đi vào ngự trị trong tâm của đại chúng. Đó là nét sáng tạo của vị giảng sư trong việc hoằng dương giáo pháp.

2. Tư cách đạo đức.

Thuyết phục người không phải chỉ bằng lời nói hoa mỹ suông, cần phải tạo sự cảm phục trong tâm người người đối diện.

Không phải chỉ vì nói nhiều, nói hay mà bạn có thể thu phục được nhân tâm, nếu không có nền tảng đạo đức thì lời nói của bạn chỉ là sáo rổng, quần chúng sẽ mỉm cười "biết nói mà không biết làm", hoặc là "tao phách của cổ nhân". Chính tư cách đạo đức là sự thu phục lòng người bền vững nhất.

Đức Phật không tán thán những vị Sa môn nói pháp hay mà không hành. Ngài đã dạy: "Dạy người như thế nào hãy hành như thế ấy".

Thử tưởng tượng, vị giảng sư giảng về năm giới, nhưng chính bản thân lại vi phạm vào năm giới, giảng về bố thí, xả ly nhưng bản thân thì tham lam, tích lũy… thì những lời này sẽ có giá trị bao nhiêu? sẽ thuyết phục được những ai ?

Có rất nhiều trường hợp vị giảng sư không cần nói pháp, giảng pháp nhưng chính tư cách đạo đức của vị ấy đã mang niềm tin Phật pháp đi thẳng vào tâm người. Sự truyền bá Phật pháp không bằng lời nhưng bằng hành động, quả thật vững chắc vô cùng.

Ở đây, cũng cần lưu ý, tư cách đạo đức khác với tư cách tình cảm. Tư cách đạo đức mang đến một niềm tin cùng sự kính trọng Phật pháp. Còn tình cảm chỉ mang lại niềm tin một cách nhất thời.

Có cảm tình mới đi đến, có đi đến mới ngồi xuống lắng tai nghe pháp, có nghe pháp mới phát sinh niềm tin, có niềm tin mới thực hành pháp, có thực hành pháp mới nhận thức được tinh hoa Phật pháp. Vị giảng sư thành công trong sứ mệnh hoằng pháp qua phương án cảm tình, nhưng phương án này xét ra không bền vững bằng phương án đạo đức. Một ngày nào đó, người kia bất mãn, đánh mất tình cảm thì niềm tin Phật pháp nơi họ cũng không còn và có thể họ quay lưng với Phật pháp vĩnh viễn, thậm chí có thể xuyên tạc Phật giáo.

Chính tư cách đạo đức của vị giảng sư đã tô điểm cho Phật pháp thêm tươi đẹp và gìn giữ đức tin người. Tạo niềm tin cho người không khó, cái khó là giữ được niềm tin ấy không mất.

Trong thời Đức Phật, cũng có vị Tỷ kheo Upananda (là anh em chú bác với Đức Phật), vị này có biệt tài thuyết rất hay, nhưng thiếu tư cách đạo đức và có những học giới được Đức Phật chế định từ Tỷ kheo Upananda là nguyên nhân.

"Dạy người như thế nào phải hành như thế đó” xem ra cũng là một tiêu chuẩn của vị giảng sư. Nhưng đó có phải là một đòi hỏi quá cao không ?

- Không, mà là một tiêu chuẩn cần phải có cho vị giảng sư, một yêu cầu đúng nghĩa. Giảng sư dạy người giử giới, vị ấy đang giử giới, dạy Phật tử hành thiền, vị ấy đang hành thiền, dạy Phật tử xả ly thì vị ấy cũng thực hành hạnh xả ly…

Tóm lại, đạo đức và trí tuệ là hai mảnh hành trang thiết yếu của vị giảng sư trong sứ mệnh hoằng dương Phật pháp.

B. Phương thức giảng pháp

Thuyết giảng Phật ngôn là một nghệ thuật, phải tùy thời tùy đối tượng.

Là pháp tốt nhưng khi giảng không đúng đối tượng sẽ bị phản tác dụng, chẳng những không thu phục được người, trái lại còn bị người xa lánh.

Đức Phật có dạy:

"Này các Tỷ kheo! Nói về tín với người không tin là ác thuyết.
Nói về giới với người ác giới là ác thuyết.
Nói về nghe nhiều với người ít nghe là ác thuyết.
Nói về Bố thí với người xan tham là ác thuyết.
Nói về trí tuệ với người ác tuệ là ác thuyết".
(Tăng chi kinh 2- 181)

Như thế rõ ràng giảng pháp không đơn giản chút nào cả, giảng sư phải nhạy bén nắm bắt thực tại, đôi khi chỉ một lời nói đúng thời mang lại kết quả tốt đẹp, không cần phải dông dài vô ích.

Chúng sanh đa dạng nên trong hội chúng có nhiều thành phần: giới trí thức cũng có, giới bình dân cũng có, thương nhân, công chức…. Làm thế nào người nghe hòa hợp với nhau, trí thức nghe không chán, người bình dân dễ lãnh hội; quả thật là một nghệ thuật và Đức Phật đã chỉ ra năm chi phần của vị giảng sư.

a. Thuyết pháp tuần tự: là thuyết theo thứ tự lý kinh, không bỏ sót lý kinh, không đi lạc đề.

b. Thuyết pháp với mắt nhìn vào pháp: là dùng những lý lẽ giúp dễ hiểu, dễ nhận thức, để giúp người nghe lãnh hội được pháp.

c. Thuyết pháp vì lòng từ mẫn: là có tâm bác ái, giúp cho người nghe có được sự lợi ích.

d. Thuyết pháp không phải vì tài vật: là không chú tâm đến lợi lộc, chỉ mong cho người nghe được thoát khổ.

e. Không làm thương tổn đến mình và người khác: là không khen tặng mình chê bai người khác.
(Tăng chi 3. 184)

Năm chi phần trên xem như khuôn mẫu của vị giảng pháp.

Thuyết giảng pháp không cần phải tìm những từ ngữ cầu kỳ, văn hoa bóng bẩy, càng cầu kỳ, văn hoa bóng bẩy bao nhiêu càng xa lìa Phật pháp bấy nhiêu. Giảng pháp bằng ngọn lửa pháp trong tâm, bằng sự thành thật mong đại chúng lãnh hội được pháp, đại chúng hiểu pháp sẽ hành pháp. Có hành pháp sẽ nhận thức được lợi ích, người ấy sẽ trở thành một cận sự Pháp bảo vững chắc và vị giảng sư mỉm cười mãn nguyện.

"Ai thuyết pháp cần phải liễu giải nghĩa và cần phải liễu giải pháp.
Ai nghe pháp cần phải liễu giải nghĩa và cần phải liễu giải pháp.
Ai thuyết pháp và ai nghe pháp, cả hai cần phải liễu giải nghĩa và cần phải liễu giải pháp.
Cả ba trường hợp này, này các Tỷ kheo là một cuộc pháp thoại được diễn tiến có lợi ích.”
(Tăng chi kinh 1- 151).

Có nhiều giảng sư luyện giọng, luyện văn cho bài pháp thêm sinh động, đó cũng là điều tốt, nhưng khi giảng pháp thiếu chất lửa nội tâm thì bài pháp trở thành bài luận mẫu được soạn sẵn.

Chính chi phần "thuyết pháp vì lòng từ mẫn"đã tạo thành ngọn lửa niềm tin trong tâm vị giảng sư cùng thính chúng và cả hai cùng hòa lẫn vào nhau thành một. Cho dù vị giảng sư không văn hoa bay bướm, thính chúng vẫn hân hoan đón nhận lý pháp, miển sao văn trong sáng dễ hiểu, giọng rõ ràng minh bạch.

Vị giảng sư như cánh hoa sen trong biển lửa, vì lợi ích quần sanh dấn thân vào muôn ngàn chướng ngại, không nệ hà hang cùng ngỏ hẽm, không câu nệ vùng đất xa xôi hiểm trở. Mang từng thông điệp từ bi, từng ánh đuốc trí tuệ trao đến người hữu duyên, công hạnh ấy lấy chi so sánh được.

Thử nhìn lại đất Việt, một trung tâm Phật giáo Luy Lâu đã định hình thời Sĩ Nhiếp, trước cả trung tâm Phật giáo Bành Thành, Lạc Dương. Mâu Tử người Hán đã học Phật pháp tại nơi này và tác phẩm Lý hoặc luận nổi tiếng, góp phần vào sự nghiệp hoằng pháp. Danh tăng Khương Tăng Hội hấp thụ Phật học cũng từ Luy Lâu, để rồi “chấn tích Đông du”khai mở nền Phật Đạo nơi Kiến Nghiệp…

Nhưng ai đã mang ánh sáng Phật pháp từ Ấn Độ xa xôi truyền vào đất Việt? Ai đã vượt trùng dương sóng gió, mang ánh đạo vàng phổ cập đến vùng đất viễn đông này? Không biết.

Các Ngài đến rồi ra đi như bóng chim không lưu lại vết tích giữa hư không lồng lộng. Vượt muôn ngàn sóng gió hiểm nguy chỉ với mục đích “hoằng pháp lợi sinh”, mang lợi ích đến tha nhân. Có thế thôi.

Đẹp làm sao hình ảnh những sứ giả Như Lai.

Và vị giảng sư luôn ghi nhớ hình ảnh này trong tâm, trên bước đường “hoằng pháp lợi sinh” vậy.

Trích: Nội San CHUYỂN PHÁP LUÂN, 01-2004, GHPGVN.

-ooOoo-


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 12-02-2004