BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with Unicode Times font |
TU HẠNH CON RÙA
Hòa thượng Siêu Việt
Thưa quý vị, Hôm nay là lễ dâng y tại chùa Từ Quang, tuy đang còn bệnh duyên, nhưng do vì Chư Tăng cùng Phật tử thỉnh cầu, tôi cố gắng giảng thời Pháp này. Hôm nay, tôi xin đề cập đến thời Pháp: “Tu theo hạnh con rùa". Điều này đã được Ngài Na tiên (Nāgasena) trả lời cho vua Milanda trong quyển Mi Tiên vấn đáp do Cố Hòa Thượng Giới Nghiêm phiên dịch. Năm chi của con rùa đó là: 1- Rùa sống trong nước: Rùa là loài thủy tộc, sống trong nước, tuy có thể sống trên đất cạn, nhưng phần lớn thì sống trong nước. Nước có năng lực giải trừ nóng bức của thân, giúp người lữ hành không bị khát. Cũng vậy, hành giả cần an trú tâm vào sự mát mẻ để giải trừ nóng bức của tâm, sự mát mẻ của tâm chính là Tâm từ, Đức Phật dạy các bậc Tỳ khưu nên nuôi dưỡng Tâm từ, con rùa ám chỉ cái tâm, chính Tâm từ đưa hành giả vào cảnh giới Phạm thiên, gọi là phạm trú. Chính Tâm từ giúp cho giới hạnh được tốt đẹp. Người có tâm từ, thân sẽ không hành hạ đánh đập chúng sanh khác, khẩu sẽ không nói những lời hung hăng, độc ác. Bởi Thân - khẩu được điều hành do ý, ý có từ tâm thì thân, khẩu làm sao có thể buông lung, phóng túng hành ác được. Lại nữa, chính Tâm từ đã giải đi oan trái, câu chuyện nàng Uttarā con gái ông Trưởng giả Punna bị cô Sirimā tạt dầu sôi vào người, nhưng nhờ nàng Uttarā tâm an trú trong từ bi nên nàng vô hại, cuối cùng chính nàng dẫn dắt nàng Sirimā cùng dường đến Đức Thế Tôn, nghe Pháp từ nơi Ngài, nàng Sirimā chứng đắc đạo quả Tu Đà Hườn. Hai người vợ của một Trưởng giả vì oan trái nhau, nên sát hại lẫn nhau từ kiếp này sang kiếp khác. Đến thời Đức Phật, một cô sanh làm Dạ xoa hai lần ăn con mình, lần thứ ba, Dạ xoa sắp ăn đứa bé sơ sinh cùng người mẹ, nhưng may mắn cô thiếu nữ chạy vào chùa Kỳ Viên, Đức Phật thuyết lên sự oan trái của hai người trong quá khứ, rồi Ngài nói kệ ngôn:
Cả Dạ xoa cùng cô thiếu nữ đều chứng quả Dự lưu. Do đó, Tâm từ là một pháp môn tốt đẹp trong Phật giáo, hành giả cần phải tu tập hay nuôi dưỡng Tâm từ trong tâm. Nước giúp người lữ hành giải trừ sự khác, hành giả khi an trú Tâm từ, sẽ rải tâm từ đến tất cả chúng sanh, đem lại an laïc cho người và trời. Chính Trưởng lão Subhūti, khi đi bát Ngài an trú vào Tâm từ, giúp cho những Phật tử đặt vật thực vào bát của Ngài tăng thêm quả phước. Tuy nhiên, lòng từ bi này phải đi đôi với trí tuệ, nếu chỉ thiên về từ bi mà không có trí tuệ cũng đem lại phiền não cho mình. Như thấy người bịnh nằm vất vả ngoài đường, quý vị thương xót là từ bi, đem vào nhà để chăm sóc, chẳng ngờ người đó giả vờ bịnh, lợi dụng lòng từ bi của quý vị, thừa lúc quý vị sơ ý lấy hết đồ đạc, khi ấy phiền não lại phát sanh. Còn chỉ thiên về trí không cũng không đủ, như những người chế tạo ra vũ khí, súng đạn, những người này có trí, nhưng không có lòng từ bi nên trí này hướng về điều ác. 2- Rùa ở trong nước, khi ló đầu lên mặt nước, nếu nhìn thấy có người, vội lặn xuống. Nghĩa là tâm hành giả khi phát hiện ra phiền não như con rùa nhìn thấy người lạ, hãy an trú tâm vào Thiền cảnh như con rùa chìm trở lại trong nước. Những người đang tu tập nên tìm chỗ thanh vắng, để tâm luôn được an tịnh. Nhưng phần đông lại trái ngược, thấy chỗ nào đông thì tìm đến xem cho biết “cái gì". Chúng ta thấy rằng: Các bậc Thánh nhân như Đức Phật chẳng hạn, Ngài đắc đạo Vô Thượng Chánh Giác ở nơi thanh vắng, Ngài khuyến dạy chư Tăng nên tìm nơi thanh vắng mà tu hành. Lẽ thường, ở nơi thanh vắng ít có sự va chạm, ít va chạm thì phiền não khó có cơ hội sanh lên. Còn như ở nơi đô hội với sắc, thinh, hương, vị, xúc muôn màu muôn vẻ, đó là điều kiện khiến phiền não sanh lên. Con rùa nổi lên thấy người lạ, lập tức lặc xuống nói lên ý nghĩa: "Hành giả luôn luôn có sự ghi nhớ biết mình", khi phiền não phát sanh, lập tức diệt ngay bằng cách an trú vào Thiền cảnh. Phiền não đó, cụ thể là phiền não gì? Chính là phiền não dục hay rộng hơn chính là năm pháp che lấp. Chính đề mục thiền, hay Thiền cảnh có năng lực áp chế những phiền não ấy, đưa tâm trở lại trạng thái an lạc, mát mẻ. Chữ Kilesa chỉ cho phiền não, là những pháp nào "đốt nóng tâm, làm cho tâm trở nên khó chịu". Khi an trú tâm vào thiền cảnh, tâm không còn khó chịu, nóng bức. 3- Rùa khi lên khỏi nước, không nhìn thấy người hoặc thú, thì phơi mình nơi bãi cát. Điều này mang ý nghĩa: Khi tâm lìa thiền cảnh, trở lại sinh hoạt hằng ngày như đi, đứng, nằm, ngồi… nên phơi trong chánh tinh tấn. Tức là hành giả luôn giữ tâm trong thân hành động, lời nói, không cho các ác pháp chưa sinh được sinh lên, không cho các ác pháp đang có được tăng trưởng mà phải làm cho ác pháp này tiêu trừ. Làm cho các thiện pháp chưa sanh được sanh lên, làm cho thiện pháp đang có được tăng trưởng. Hình ảnh con rùa phơi mình trong nắng, nói lên ý nghĩa: "hành giả thiêu đốt phiền não trong các oai nghi". Nhưng tại sao phải thiêu đốt phiền não? Vì rằng phiền não (nhất là phiền não ái) là gốc của luân hồi, phiền não luân hồi là duyên cho nghiệp luân hồi, có nghiệp luân hồi tất có quả luân hồi. Thế là sinh tử triền miên lại tiếp diễn. Trừ diệt một phiền não nào, tất là rút ngắn dòng luân hồi, đến khi trừ diệt được phiền não ái, xem như gốc rễ bị chặt đứt, gãy lìa. Chính vì không có chánh tinh tấn để tiêu diệt phiền não ái, nên phần đông chúng ta “gì cũng khóc". Vắng xa nhau, nhớ nhung rồi buồn: Khóc! Gặp lại nhau, vui quá: khóc! gặp sự trái ý nghịch lòng: khóc! Buồn tủi thân phận: khóc! Tức tối nói không được: khóc!….Cho nên nói "Đời là biển lệ, đời là những giọt nước mắt không khô". 4- Rùa thường đào đất rồi nằm trong đó. Rùa rất sợ nóng, nên thường đào cát rồi nằm bên dưới. Cái gì là nóng? Chính là danh lợi, tiếng khen chê ở đời, con rùa đào hố ẩn bên dưới, để cái nóng ở bên trên. Cũng vậy, hành giả không màng đến danh lợi, tiếng chê khen của đời, lui về nơi hang, động, núi rừng. Trưởng lão Upasena (em của Trưởng lão Sārīputta) khi xuất gia thường ở rừng, mặt y củ rách (phấn tảo y) và đi bát khất thực. Ngài có dạy rằng: "tỳ khưu cần ở nơi thanh vắng, xa lìa nơi náo động, chỉ mong thoát khỏi luân hồi”. 5- Rùa khi nghe tiếng động, lập tức thu mình vào mai. Ý nghĩa này là: Hành giả luôn giữ tâm không bị xao động trong sáu trần cảnh là: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Các trần cảnh này là "động”của cái tâm, cái tâm cần phải giữ “tịnh”như con rùa nghe tiếng động rút bốn chân cùng đầu vào mai, bốn chân cùng đầu con rùa ám chỉ ngũ căn: Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân. Năm căn này gặp năm cảnh trần sẽ là điều kiện phát sanh cảm thọ vui hoặc khổ. Thọ vui dẫn đến đắm nhiễm trong tham, thọ khổ dẫn đến đắm chìm trong sân. Nếu ngũ trần không tiếp xúc với ngũ căn thì khổ- vui không có, khổ vui trong ngũ trần không có, thì ô nhiễm trong ngũ trần không có. Đây là pháp thu thúc lục căn: Hành giả khi tiếp xúc với cảnh trần, luôn luôn có sự ghi nhớ biết mình, gìn giữ ý không cho rơi vào tham dục hay bất bình, sân hận. Thật ra, tâm chúng ta vì không nhìn thấy cái khổ của luân hồi, chúng ta chỉ biết cái khổ luân hồ qua kinh điển. Do đó, trong tâm luôn tàn ẩn cái "ái", nên người Phật tử khi làm phước cầu nguyện xin được làm Chư thiên, làm người được giàu sang… Khi ấy đã bị tà kiến che lấp rồi, tại sao vậy? Vì có làm người giàu sang, xinh đẹp hay Chư thiên, Phạm thiên chăng nữa, cũng đều khổ. Mà người tu theo Phật phải mong cho hết khổ. Cần nên nguyện "giải thoát khổ", đó mới là Chánh kiến. Thưa quý vị, Trong cuộc lễ dâng y hôm nay, tôi đề cập đến năm chi của con rùa mà người tu Phật cần hành theo để nhanh chóng đạt được mục đích giải thoát khổ. Tóm lại là:
Thưa quý vị, Thời Pháp hôm nay chúng tôi xin dừng lại ở đây. Xin hồi hướng phước báu này đến toàn thể quý vị. NAM BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT. -ooOoo- Trích: Nội San CHUYỂN PHÁP LUÂN, 01-2004, GHPGVN. |
[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 12-02-2004