BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Việc dịch kinh ở Trung Quốc thời xưa

Hạnh Cơ


Người Trung-quốc dùng từ "DỊCH KINH" để chỉ chung cho công việc phiên dịch Tam Tạng giáo điển (Kinh Luật Luận) từ Phạn văn (đôi khi cũng có Tạng văn) ra Hán văn.

Các công trình dịch kinh ở Trung-quốc thời xưa, hầu hết là do chiếu chỉ của vua, cho nên, sau tên dịch giả, thường có thêm ba chữ "phụng chiếu dịch" (vâng chiếu chỉ của vua mà dịch), như: "Diêu Tần Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập phụng chiếu dịch". (Hiện nay, khi in lại các bản kinh này, hai chữ "phụng chiếu" thường bị bỏ đi, như: "Diêu Tần Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập dịch".) Và như vậy, công tác dịch kinh cũng được triều đình bảo trợ. Triều đình đã cho xây cất những cơ sở rộng lớn, qui mô, để chuyên dùng cho công việc này. Nói chung, nơi phiên dịch kinh điển, gọi là "dịch trường".

Thường thì việc dịch kinh không phải chỉ do một người, cho nên, trong một viện dịch kinh, triều đình đã cho thành lập một hội đồng phiên dịch, gồm toàn các vị cao tăng ưu tú. Một vị pháp sư tinh thông cả Tam Tạng, giỏi cả Phạn văn lẫn Hán văn, được cử làm chủ tịch của hội đồng phiên dịch, và được xưng là "Tam Tạng Pháp Sư" . Trong hội đồng phiên dịch, vị này được gọi là "Dịch chủ"; dưới vị này còn có tám vị pháp sư phụ tá, chuyên trách tám phần vụ khác nhau. Cả chín vị cao tăng trong hội đồng phiên dịch ấy được gọi là "dịch trường cửu vị". Tên gọi và nhiệm vụ của chín vị này như sau:

1) Dịch chủ: vị Tam Tạng Pháp Sư đứng đầu hội đồng phiên dịch, ngồi ở ghế chủ tọa, tuyên đọc Phạn văn của bộ kinh được phiên dịch;
2) Chứng nghĩa: vị pháp sư ngồi bên trái vị Dịch chủ, có nhiệm vụ thẩm tra, đánh giá Phạn văn, hoặc xét đoán văn dịch có chính xác hay không;
3) Chứng văn: vị pháp sư ngồi bên phải vị Dịch chủ, có nhiệm vụ thẩm xét Phạn văn mà vị Dịch chủ tuyên đọc là đúng, hay có chỗ nào sai sót;
4) Thơ tự: cũng gọi là "Thơ tự Phạn học tăng", là vị pháp sư có nhiệm vụ nghe đọc Phạn văn, rồi theo âm tiếng Phạn mà viết thật đúng ra chữ Hán;
5) Bút thọ: vị pháp sư giữ nhiệm vụ dịch âm Phạn ra Hán văn;
6) Chuyết văn: vị pháp sư giữ nhiệm vụ nối kết văn tự làm thành câu;
7) Tham dịch: cũng gọi là "Chứng Phạn ngữ", là vị pháp sư giữ nhiệm vụ đối chiếu giữa Phạn văn và Hán văn, coi chỗ nào đúng, chỗ nào sai;
8) San định: là vị pháp sư giữ việc cắt bỏ những lời rườm rà để ổn định ý nghĩa;
9) Nhuận văn: vị pháp sư giữ việc tu sức văn từ cho sáng sủa, đẹp đẽ.

Xem thế thì tất cả chín vị pháp sư trong hội đồng phiên dịch, đều thông hiểu tường tận cả hai ngôn ngữ Phạn và Hán. Họ đều được triều đình kính trọng và bảo hộ, cúng dường mọi thứ tiện nghi cần thiết, được coi như quan chức của triều đình, cho nên đều được gọi là "dịch quan".

Dù hội đồng phiên dịch gồm có chín vị, nhưng thường thì chỉ có vị dịch chủ đứng tên dịch giả của bộ kinh được phiên dịch. Lịch sử Phật giáo Trung-quốc từng nêu lên quí vị sau đây, được coi là những vị dịch chủ trọng yếu ở Trung-quốc: Đời Hậu Hán (25-220) có An Thế Cao (người nước An-tức); đời Tam-quốc (220-280) có Chi Khiêm (người nước Nguyệt-thị); đời Tây Tấn (265-316) có Trúc Pháp Hộ (người huyện Đôn-hoàng); đời Đông Tấn (317-419) có Đạo An (người Trung-quốc); đời Hậu Tần (384-417) có Cưu Ma La Thập (người nước Qui-tư); đời Lưu Tống (420-479) có Cầu Na Bạt Đà La (người Trung Ấn-độ); đời Lương Trần (502-589) có Chân Đế (người Tây Bắc Ấn-độ); đời Bắc Ngụy (386-534) có Bồ Đề Lưu Chi (người Bắc Ấn-độ); đời Bắc Châu (559-581) có Xà Na Quật Đa (người Bắc Ấn-độ); đời Đường (618-907) có Huyền Trang (người Trung-quốc), Địa Bà Ha La (người Trung Ấn-độ), Thật Xoa Nan Đà (người nước Vu-điền), Nghĩa Tịnh (người Trung-quốc), Kim Cang Trí (người Nam Ấn-độ), Thiện Vô Úy (người Trung Ấn-độ), Bất Không (người Bắc Ấn-độ); đời Tống (960- 1279) có Pháp Thiên (người Trung Ấn-độ), Pháp Hiền (người nước Ca-thấp-di-la), Thi Hộ (người nước Ô-điền-nẵng); v.v... Lại trong quí vị Tam Tạng Pháp Sư dịch chủ trên đây, bốn vị được chọn là trứ danh nhất (được sử gọi là "tứ đại dịch kinh gia" ): Cưu Ma La Thập, Chân Đế, Huyền Trang, và Bất Không (có thuyết thay Bất Không bằng Nghĩa Tịnh).

Các kinh luận chỉ được dịch một lần thì gọi là "đơn dịch" ; được dịch nhiều lần (nhiều người dịch trùng một nguyên bản) thì gọi là "trùng dịch, dị dịch", hay "đồng bản dị dịch" . Những bản dịch không đề tên dịch giả, gọi là "thất dịch" .

Những dịch phẩm từ ngài Huyền Trang (thế kỉ thứ 7) trở về sau, gọi là "tân dịch"; trước đó thì gọi là "cựu dịch"; -- đôi khi, những dịch phẩm có trước ngài Cưu Ma La Thập (thế kỉ thứ 4), được gọi là "cổ dịch".

Liên quan đến việc dịch kinh từ Phạn văn ra Hán văn, ngài Đạo An (312-385) đời Đông Tấn (317-419) có đề ra "năm sự kiện dễ làm mất nguyên ý" (ngũ thất, hay ngũ thất bản) trong khi dịch kinh:

1) Do văn pháp khác nhau nên văn từ giữa nguyên ngữ (tức Phạn ngữ) và Hán ngữ đảo ngược.
2) Văn thể của nguyên điển (tức Phạn điển) chất phác, rất ít tu sức ngữ; trong khi đó, Hán ngữ thì chuộng nhiều tu sức ngữ.
3) Nguyên điển thường có nhiều câu nói lặp đi lặp lại nhiều lần, rất là phiền toái; khi dịch ra Hán ngữ phải bỏ bớt những câu trùng lặp đó.
4) Trong kinh văn nguyên điển thường xen lẫn những lời chú giải; trong văn Hán dịch thì lược bỏ những lời chú giải này.
5) Nguyên điển nói xong một sự việc, khi nói sự việc kế tiếp, thường lặp đi lặp lại văn từ đã nói trong sự việc trước; trong văn Hán dịch, những phần trùng lặp như thế, thường được lược bỏ đi.

Đó là năm sự trạng dễ làm mất nguyên ý trong khi dịch kinh. Ngài cũng lại đưa ra "ba sự kiện khó khăn" (tam bất dị) trong khi dịch kinh:

1) Thánh điển được thành lập dựa trên ngữ ngôn và phong tục của người đương thời, nhưng rồi vật đổi sao dời, thời tục biến đổi, nếu muốn thích hợp với thời đại thì sự phiên dịch quả thật là khó!
2) Không luận khoảng cách giữa thánh nhân và phàm phu nhiều hay ít, mà muốn cho pháp âm vi diệu của thánh nhân từ ngàn xưa, thích hợp với phong tục của chúng phàm ngu hậu thế, thì sự phiên dịch quả thật là khó!
3) Khi tôn giả A Nan đọc tụng lại kinh điển (trong kì kết tập lần thứ nhất), thời gian cách Phật tại thế không lâu, rồi sau đó, trải qua vô số sự hiệu đính, ghi chép của các bậc thánh tăng, từ đó mà thánh giáo mới được lưu truyền; người đời sau nếu đem cái kiến thức thiển cận mà dịch kinh, dù có muôn phần cẩn thận, cũng không thể nào tránh khỏi sai lầm; cho nên biết, sự dịch kinh quả thật là khó!

Năm sự kiện dễ làm mất nguyên ý và ba sự kiện khó khăn trong khi dịch kinh do ngài Đạo An đưa ra trên đây, được gọi chung là "ngũ thất tam bất dị" (năm mất ba không dễ).

Ngài Huyền Trang (602?-664) đời Đường (618-907) lại đưa ra " năm trường hợp không phiên dịch" (tức là không dịch nghĩa, chỉ phiên âm, từ Phạn ngữ ra Hán ngữ):

1) Những lời nói bí mật, như "đà-la-ni", không phiên dịch.
2) Những từ hàm nhiều ý nghĩa, như "bà-già-phạm", không phiên dịch.
3) Những vật gì không thấy có ở Trung-quốc, như cây "diêm-phù", không phiên dịch.
4) Những từ đã được dịch âm ở thời "cổ dịch" trước kia, mọi người đã dùng quen, như "a-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề" , không phiên dịch.
5) Những từ mà người vừa nghe liền phát thiện tâm, như "bát-nhã" , vừa nghe liền sinh lòng tin tưởng, nếu dịch ra thành "trí tuệ" thì sợ người ta xem nhẹ; vì tôn trọng cho nên không phiên dịch.

Đạo tràng dịch kinh (dịch trường) được gọi là "dịch kinh viện". Nhưng cũng phải trải qua một thời gian dài, Trung-quốc mới lập được các dịch kinh viện qui mô hoàn bị. Tương truyền, công việc dịch kinh ở Trung-quốc bắt đầu từ khoảng niên hiệu Vĩnh-bình (58-75), thời vua Linh Đế, nhà Đông Hán (25-220). Đó là thời kì sơ khai, dịch kinh viện chưa được thành lập. Việc dịch kinh lúc đó được thực hiện tại chùa Bạch-mã, trong thành Lạc-dương. Thời Tam-quốc (220-280), vua Tôn Quyền (222- 252) của nước Ngô đã xây chùa Kiến-sơ (năm 247) tại kinh đô Kiến-nghiệp (Nam-kinh), thỉnh thiền sư Khương Tăng Hội (?-280) từ Giao-châu sang trụ trì và dịch kinh. Đời Tấn (255-419), các ngài Đạo An (312?-385), Cưu Ma La Thập (344?-413?), v.v... dịch kinh tại chùa Ngũ-trùng ở Trường-an. Thời Nam-triều (420-589), các chùa Kì-hoàn ở Kiến-khang (Nam-kinh), Vĩnh-ninh ở Lạc-dương, Tứ-thiên-vương ở Trường-an, v.v... được dùng làm đạo tràng dịch kinh. Năm 606, vua Dạng Đế (605-618) nhà Tùy (581-619) cho xây cất Phiên-kinh viện trong vườn Thượng-lâm ở Lạc-dương; đó là đạo tràng dịch kinh riêng biệt đầu tiên được thiết lập. Năm 648, vua Thái Tông (627-649) nhà Đường lại cho xây Phiên-kinh viện ở phía Tây Bắc chùa Đại-từ-ân ở Trường-an để chuyên dùng cho việc dịch kinh. Đến đời Tống (960-1279), vua Thái Tông (976-997) đã cho xây Dịch-kinh viện; sau đó lại đổi thành Truyền-pháp viện; và lập Ấn-kinh viện ngay bên cạnh để in kinh sách.

Đó là đại lược về công việc phiên dịch Tam Tạng giáo điển ở Trung-quốc.

-ooOoo-

Source: Buddha Home, http://www.buddhahome.net 


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 22-07-2003

Dich kinh Trung quoc
BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Việc dịch kinh ở Trung Quốc thời xưa

Hạnh Cơ


Người Trung-quốc dùng từ "DỊCH KINH" để chỉ chung cho công việc phiên dịch Tam Tạng giáo điển (Kinh Luật Luận) từ Phạn văn (đôi khi cũng có Tạng văn) ra Hán văn.

Các công trình dịch kinh ở Trung-quốc thời xưa, hầu hết là do chiếu chỉ của vua, cho nên, sau tên dịch giả, thường có thêm ba chữ "phụng chiếu dịch" (vâng chiếu chỉ của vua mà dịch), như: "Diêu Tần Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập phụng chiếu dịch". (Hiện nay, khi in lại các bản kinh này, hai chữ "phụng chiếu" thường bị bỏ đi, như: "Diêu Tần Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập dịch".) Và như vậy, công tác dịch kinh cũng được triều đình bảo trợ. Triều đình đã cho xây cất những cơ sở rộng lớn, qui mô, để chuyên dùng cho công việc này. Nói chung, nơi phiên dịch kinh điển, gọi là "dịch trường".

Thường thì việc dịch kinh không phải chỉ do một người, cho nên, trong một viện dịch kinh, triều đình đã cho thành lập một hội đồng phiên dịch, gồm toàn các vị cao tăng ưu tú. Một vị pháp sư tinh thông cả Tam Tạng, giỏi cả Phạn văn lẫn Hán văn, được cử làm chủ tịch của hội đồng phiên dịch, và được xưng là "Tam Tạng Pháp Sư" . Trong hội đồng phiên dịch, vị này được gọi là "Dịch chủ"; dưới vị này còn có tám vị pháp sư phụ tá, chuyên trách tám phần vụ khác nhau. Cả chín vị cao tăng trong hội đồng phiên dịch ấy được gọi là "dịch trường cửu vị". Tên gọi và nhiệm vụ của chín vị này như sau:

1) Dịch chủ: vị Tam Tạng Pháp Sư đứng đầu hội đồng phiên dịch, ngồi ở ghế chủ tọa, tuyên đọc Phạn văn của bộ kinh được phiên dịch;
2) Chứng nghĩa: vị pháp sư ngồi bên trái vị Dịch chủ, có nhiệm vụ thẩm tra, đánh giá Phạn văn, hoặc xét đoán văn dịch có chính xác hay không;
3) Chứng văn: vị pháp sư ngồi bên phải vị Dịch chủ, có nhiệm vụ thẩm xét Phạn văn mà vị Dịch chủ tuyên đọc là đúng, hay có chỗ nào sai sót;
4) Thơ tự: cũng gọi là "Thơ tự Phạn học tăng", là vị pháp sư có nhiệm vụ nghe đọc Phạn văn, rồi theo âm tiếng Phạn mà viết thật đúng ra chữ Hán;
5) Bút thọ: vị pháp sư giữ nhiệm vụ dịch âm Phạn ra Hán văn;
6) Chuyết văn: vị pháp sư giữ nhiệm vụ nối kết văn tự làm thành câu;
7) Tham dịch: cũng gọi là "Chứng Phạn ngữ", là vị pháp sư giữ nhiệm vụ đối chiếu giữa Phạn văn và Hán văn, coi chỗ nào đúng, chỗ nào sai;
8) San định: là vị pháp sư giữ việc cắt bỏ những lời rườm rà để ổn định ý nghĩa;
9) Nhuận văn: vị pháp sư giữ việc tu sức văn từ cho sáng sủa, đẹp đẽ.

Xem thế thì tất cả chín vị pháp sư trong hội đồng phiên dịch, đều thông hiểu tường tận cả hai ngôn ngữ Phạn và Hán. Họ đều được triều đình kính trọng và bảo hộ, cúng dường mọi thứ tiện nghi cần thiết, được coi như quan chức của triều đình, cho nên đều được gọi là "dịch quan".

Dù hội đồng phiên dịch gồm có chín vị, nhưng thường thì chỉ có vị dịch chủ đứng tên dịch giả của bộ kinh được phiên dịch. Lịch sử Phật giáo Trung-quốc từng nêu lên quí vị sau đây, được coi là những vị dịch chủ trọng yếu ở Trung-quốc: Đời Hậu Hán (25-220) có An Thế Cao (người nước An-tức); đời Tam-quốc (220-280) có Chi Khiêm (người nước Nguyệt-thị); đời Tây Tấn (265-316) có Trúc Pháp Hộ (người huyện Đôn-hoàng); đời Đông Tấn (317-419) có Đạo An (người Trung-quốc); đời Hậu Tần (384-417) có Cưu Ma La Thập (người nước Qui-tư); đời Lưu Tống (420-479) có Cầu Na Bạt Đà La (người Trung Ấn-độ); đời Lương Trần (502-589) có Chân Đế (người Tây Bắc Ấn-độ); đời Bắc Ngụy (386-534) có Bồ Đề Lưu Chi (người Bắc Ấn-độ); đời Bắc Châu (559-581) có Xà Na Quật Đa (người Bắc Ấn-độ); đời Đường (618-907) có Huyền Trang (người Trung-quốc), Địa Bà Ha La (người Trung Ấn-độ), Thật Xoa Nan Đà (người nước Vu-điền), Nghĩa Tịnh (người Trung-quốc), Kim Cang Trí (người Nam Ấn-độ), Thiện Vô Úy (người Trung Ấn-độ), Bất Không (người Bắc Ấn-độ); đời Tống (960- 1279) có Pháp Thiên (người Trung Ấn-độ), Pháp Hiền (người nước Ca-thấp-di-la), Thi Hộ (người nước Ô-điền-nẵng); v.v... Lại trong quí vị Tam Tạng Pháp Sư dịch chủ trên đây, bốn vị được chọn là trứ danh nhất (được sử gọi là "tứ đại dịch kinh gia" ): Cưu Ma La Thập, Chân Đế, Huyền Trang, và Bất Không (có thuyết thay Bất Không bằng Nghĩa Tịnh).

Các kinh luận chỉ được dịch một lần thì gọi là "đơn dịch" ; được dịch nhiều lần (nhiều người dịch trùng một nguyên bản) thì gọi là "trùng dịch, dị dịch", hay "đồng bản dị dịch" . Những bản dịch không đề tên dịch giả, gọi là "thất dịch" .

Những dịch phẩm từ ngài Huyền Trang (thế kỉ thứ 7) trở về sau, gọi là "tân dịch"; trước đó thì gọi là "cựu dịch"; -- đôi khi, những dịch phẩm có trước ngài Cưu Ma La Thập (thế kỉ thứ 4), được gọi là "cổ dịch".

Liên quan đến việc dịch kinh từ Phạn văn ra Hán văn, ngài Đạo An (312-385) đời Đông Tấn (317-419) có đề ra "năm sự kiện dễ làm mất nguyên ý" (ngũ thất, hay ngũ thất bản) trong khi dịch kinh:

1) Do văn pháp khác nhau nên văn từ giữa nguyên ngữ (tức Phạn ngữ) và Hán ngữ đảo ngược.
2) Văn thể của nguyên điển (tức Phạn điển) chất phác, rất ít tu sức ngữ; trong khi đó, Hán ngữ thì chuộng nhiều tu sức ngữ.
3) Nguyên điển thường có nhiều câu nói lặp đi lặp lại nhiều lần, rất là phiền toái; khi dịch ra Hán ngữ phải bỏ bớt những câu trùng lặp đó.
4) Trong kinh văn nguyên điển thường xen lẫn những lời chú giải; trong văn Hán dịch thì lược bỏ những lời chú giải này.
5) Nguyên điển nói xong một sự việc, khi nói sự việc kế tiếp, thường lặp đi lặp lại văn từ đã nói trong sự việc trước; trong văn Hán dịch, những phần trùng lặp như thế, thường được lược bỏ đi.

Đó là năm sự trạng dễ làm mất nguyên ý trong khi dịch kinh. Ngài cũng lại đưa ra "ba sự kiện khó khăn" (tam bất dị) trong khi dịch kinh:

1) Thánh điển được thành lập dựa trên ngữ ngôn và phong tục của người đương thời, nhưng rồi vật đổi sao dời, thời tục biến đổi, nếu muốn thích hợp với thời đại thì sự phiên dịch quả thật là khó!
2) Không luận khoảng cách giữa thánh nhân và phàm phu nhiều hay ít, mà muốn cho pháp âm vi diệu của thánh nhân từ ngàn xưa, thích hợp với phong tục của chúng phàm ngu hậu thế, thì sự phiên dịch quả thật là khó!
3) Khi tôn giả A Nan đọc tụng lại kinh điển (trong kì kết tập lần thứ nhất), thời gian cách Phật tại thế không lâu, rồi sau đó, trải qua vô số sự hiệu đính, ghi chép của các bậc thánh tăng, từ đó mà thánh giáo mới được lưu truyền; người đời sau nếu đem cái kiến thức thiển cận mà dịch kinh, dù có muôn phần cẩn thận, cũng không thể nào tránh khỏi sai lầm; cho nên biết, sự dịch kinh quả thật là khó!

Năm sự kiện dễ làm mất nguyên ý và ba sự kiện khó khăn trong khi dịch kinh do ngài Đạo An đưa ra trên đây, được gọi chung là "ngũ thất tam bất dị" (năm mất ba không dễ).

Ngài Huyền Trang (602?-664) đời Đường (618-907) lại đưa ra " năm trường hợp không phiên dịch" (tức là không dịch nghĩa, chỉ phiên âm, từ Phạn ngữ ra Hán ngữ):

1) Những lời nói bí mật, như "đà-la-ni", không phiên dịch.
2) Những từ hàm nhiều ý nghĩa, như "bà-già-phạm", không phiên dịch.
3) Những vật gì không thấy có ở Trung-quốc, như cây "diêm-phù", không phiên dịch.
4) Những từ đã được dịch âm ở thời "cổ dịch" trước kia, mọi người đã dùng quen, như "a-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề" , không phiên dịch.
5) Những từ mà người vừa nghe liền phát thiện tâm, như "bát-nhã" , vừa nghe liền sinh lòng tin tưởng, nếu dịch ra thành "trí tuệ" thì sợ người ta xem nhẹ; vì tôn trọng cho nên không phiên dịch.

Đạo tràng dịch kinh (dịch trường) được gọi là "dịch kinh viện". Nhưng cũng phải trải qua một thời gian dài, Trung-quốc mới lập được các dịch kinh viện qui mô hoàn bị. Tương truyền, công việc dịch kinh ở Trung-quốc bắt đầu từ khoảng niên hiệu Vĩnh-bình (58-75), thời vua Linh Đế, nhà Đông Hán (25-220). Đó là thời kì sơ khai, dịch kinh viện chưa được thành lập. Việc dịch kinh lúc đó được thực hiện tại chùa Bạch-mã, trong thành Lạc-dương. Thời Tam-quốc (220-280), vua Tôn Quyền (222- 252) của nước Ngô đã xây chùa Kiến-sơ (năm 247) tại kinh đô Kiến-nghiệp (Nam-kinh), thỉnh thiền sư Khương Tăng Hội (?-280) từ Giao-châu sang trụ trì và dịch kinh. Đời Tấn (255-419), các ngài Đạo An (312?-385), Cưu Ma La Thập (344?-413?), v.v... dịch kinh tại chùa Ngũ-trùng ở Trường-an. Thời Nam-triều (420-589), các chùa Kì-hoàn ở Kiến-khang (Nam-kinh), Vĩnh-ninh ở Lạc-dương, Tứ-thiên-vương ở Trường-an, v.v... được dùng làm đạo tràng dịch kinh. Năm 606, vua Dạng Đế (605-618) nhà Tùy (581-619) cho xây cất Phiên-kinh viện trong vườn Thượng-lâm ở Lạc-dương; đó là đạo tràng dịch kinh riêng biệt đầu tiên được thiết lập. Năm 648, vua Thái Tông (627-649) nhà Đường lại cho xây Phiên-kinh viện ở phía Tây Bắc chùa Đại-từ-ân ở Trường-an để chuyên dùng cho việc dịch kinh. Đến đời Tống (960-1279), vua Thái Tông (976-997) đã cho xây Dịch-kinh viện; sau đó lại đổi thành Truyền-pháp viện; và lập Ấn-kinh viện ngay bên cạnh để in kinh sách.

Đó là đại lược về công việc phiên dịch Tam Tạng giáo điển ở Trung-quốc.

-ooOoo-

Source: Buddha Home, http://www.buddhahome.net 


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 22-07-2003