BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with Unicode Times font |
Vẫn một niềm tin
Thích Giác Viên
Hạnh
phúc nuôi dưỡng cuộc sống. Hạnh phúc là năng lượng của siêng năng, của tha
thứ bao dung, buông xả, chờ đợi sự tỉnh ngộ của người thân, viễn ly cái ác
và khổ đau. Con người thương nhau thì hạnh phúc, tự nguyện chăm sóc nhau. Nhưng hạnh phúc của con người thường nặng tính chất vướng mắc, nên chứa sẵn sức tàn phá, tùy nồng độ yêu thương, tùy cường độ đam mê, đặc biệt là hạnh phúc lứa đôi. Đam mê là dao động, buộc ràng cả thân lẫn tâm. Do vậy, siêng năng từ hạnh phúc này thường đánh mất chất lượng đúng đắn chân thực, gọi là tà tinh tấn, tức là sự siêng năng lạc hướng. Ở trường hợp khác, lúc thương kính cuộc sống, thấy cục đá giữa đường, lắm xe cộ ngược xuôi, mình nhặt đi thì hạnh phúc có mặt tức thì. Hạnh phúc này có chiều hướng xa lìa ích kỷ, vướng mắc. Siêng năng từ hạnh phúc này có tính chất đúng đắn chân thực hơn. Tuy vậy, làm việc thiện này, nếu có tâm mong được hưởng hạnh phúc, muốn người khác biết đến, hoặc thích thú với hạnh phúc do việc thiện đem lại, thì sự siêng năng trong sáng hơn này, vẫn biểu hiện tính vướng mắc đau khổ của nó. Chính vị ấy trong lúc áp dụng giáo lý nhân quả nghiệp báo, chưa thực sự hiểu đúng thực chất giáo lý này. Nhân quả nghiệp báo dạy, có gieo nhân là có kết quả tùy thuộc nhân duyên trung gian vô tận; ngay trong nhân vừa gieo, quả vừa gặt, các nhân duyên hỗ trợ, tất cả cũng đều là nhân - duyên - quả, cũng đều vô ngã, nên đồng một lúc với gieo nhân gặt quả, thì tâm lượng buông xả có mặt, rời xa vướng mắc chờ đợi, mới đúng với giáo lý nhân quả nghiệp báo. Do vậy, hạnh phúc từ dục vọng thì có sự tàn phá đã đành, mà hạnh phúc tuy có giảm thiểu dục vọng, song vẫn còn vướng mắc, thì cũng có sự tàn phá; có trường hợp không tỉnh giác được như vậy, thì sự tàn phá lại quá lớn, mà lắm khi chúng ta chưa được sách tấn lưu tâm. Từ đây, chúng ta thấy rõ hơn, khổ đau từ dục vọng lớn đến mức nào. Chính vì thế Đức Như Lai ân cần hướng dẫn, nếu hành giả chánh niệm tỉnh giác về khổ đau, về hạnh phúc từ dục vọng, về hạnh phúc giảm thiểu dục vọng nhưng còn vướng mắc, thì tất cả đều phơi bày thực chất, bấy giờ hành giả đang đối diện với sự thực (Khổ Tập đế), nên hành giả vượt thoát, chuyển hóa chúng, có an lạc hiện tiền (hiện tại lạc trú) tùy theo cấp độ dụng tâm. Tư tưởng có khổ đau mới có an lạc phải chăng một cách cần hiểu như thế này? Như vậy hành giả không thể đầu hàng, chống lại, thây kệ hay né tránh trốn chạy, mà cần đối diện với cuộc đời bằng tuệ giác chánh niệm, thì cuộc đời là mầu nhiệm thân thương với bao thay đổi thăng trầm. Nhưng nhờ đâu chúng ta dễ cảm nhận ra, dễ ổn định, dễ rung cảm rằng: dục vọng là khổ đau, giảm dục vọng mà còn vướng mắc cũng vẫn còn khổ đau, để rồi tự thân và khích lệ tha nhân sống nếp sống hiền thiện, cùng một lúc vượt thoát dần chấp thủ một cách miệt mài đầy chánh niệm tỉnh giác? Đức Thế Tôn chỉ dạy: "Cái này có, vì cái kia có...; cái này diệt, vì cái kia diệt...". Hay: "Do duyên vô minh mà có hành (cho đến) do duyên sinh mà có lão tử sầu bi khổ ưu não". "Do duyên vô minh diệt mà hành diệt (cho đến) do duyên sinh diệt mà lão tử sầu bi khổ ưu não chấm dứt". Chúng ta tạm hiểu ý lời dạy ấy như sau, rằng: nước có mặt là do H2 + O có mặt. Hoặc do duyên lòng ích kỷ (là lười biếng, là sự thiếu tỉnh giác) mà sự thây kệ cục đá nằm giữa đường xe cộ ngược xuôi sinh khởi, là tai nạn phát sinh. Tâm ích kỷ, thiếu tỉnh giác là vô minh. Thây kệ cục đá... là hành, tức là ác nghiệp. Nghiệp ác là đau khổ. Tai nạn xe cộ là tiếp tục chịu khổ đau (sinh lão tử sầu bi). Toàn bộ khối đau khổ có mặt. Giảm ích kỷ (giảm vô minh), hành giả lượm cục đá là hành, là nghiệp thiện, đó là an lạc, là thiện báo. Không vướng việc thiện... là vô minh diệt, bấy giờ lượm cục đá là hành động duy tác, là an lạc chấm dứt khổ đau sinh tử giữa cuộc đời này. Nội dung duyên khởi ở trên lại cho chúng ta thấy, nước (H2O) có mặt là có với một tổng hợp không chỉ hydro và oxy đơn lẻ, mà còn tổng hợp những gì ngoài chúng nữa, như không gian, điều kiện xúc tác... Vô minh có mặt là có mặt với một tổng hợp cả những gì ngoài tổng hợp vô minh, đó là toàn bộ cuộc đời đau khổ. Vô minh vắng mặt là cuộc đời chấm dứt khổ đau. Pháp Cú dạy: "Tâm dẫn đầu các pháp Tâm ý cũng là nhân duyên quả, song nó là nhân duyên chủ động, biểu hiện khổ đau hay an lạc... Như vậy, nội dung duyên khởi chỉ ra rằng: mọi cái hợp tan làm nên nhau, có trong nhau (không gian), để có mặt, tồn tại và hủy diệt (thời gian). Ba giai đoạn có mặt, tồn tại và hủy diệt đều tương quan nhau, xuất hiện cùng lúc. Vừa có mặt vừa tồn tại và vừa hủy diệt. Thế thì một cái có đủ mọi cái. Một cái có mặt trong mọi cái. Mọi cái đều có mặt, song không có cái nào tự nói lên nó là gì, hay nó không là gì. Như trong số học, "âm (-) vô cực và dương (+) vô cực" là gì, là bao nhiêu? Tất cả chỉ là sự vận hành của nhân - duyên - quả, là nhân duyên quả. Trong nhân, duyên hay quả cũng là nhân duyên quả nên gọi là trùng trùng nhân quả. Trong đạo lý này, tâm lý cũng là nhân duyên quả, nhưng có tác dụng nổi bật là biểu hiện khổ lạc hay vượt thoát khổ lạc. Cái mà không thể khẳng định hay phủ định, nên tuy có mặt, song không thể nắm bắt được dưới bất kỳ hình thức nào qua tư duy, nhìn ngắm, diễn đạt hay điểm mặt chỉ ra... Do vậy, cái hình tướng nào về một hiện hữu do tư duy (hữu ngã) tạo ra đều không đúng với tự thân của hiện hữu ấy, nên Bát Nhã gọi là Không (rỗng không trong mọi cái có mặt), là vô tướng (các tướng Có, Không như mình tưởng đều sai lầm). Nhưng chính nơi cái rỗng, vô tướng ấy, có đầy đủ mọi cái rỗng không, đầy đủ các tướng vô tướng, thuật ngữ Phật học gọi là đương thể tức không, nhằm khích lệ, đánh thức hành giả cảm nhận rằng: Không ngay lúc đang Có, vô tướng ở nơi cái đang biểu hiện, để hành giả tỉnh giác về chấp thủ Có Không v.v... Cảm nhận này tuy chưa giúp hành giả bao nhiêu để thấy sự thật của hiện hữu, song đã có hương vị sự thật, hướng về sự thật, gần với sự thật phần nào, nên có an lạc đầy khích lệ, do vậy hành giả cần phải tỉnh thức để rời vướng mắc khác, đó là vướng mắc vào khái niệm đúng đắn. Sự sống hay sự thật không thể nắm bắt bằng các giác quan thường tình, nghĩa là vốn không thể thương, ghét hay dửng dưng như chúng ta đang có. Nhưng ở đời, có ai thoát được thương, ghét hay dửng dưng đâu? Nghĩa là ai cũng linh cảm thấy rằng, có một cái gì đó thật sự "Có" để được nắm bắt, để mà thương, ghét, dửng dưng, và lại đinh ninh rằng đây là lẽ sống chân thực, không còn gì khác nữa, không còn gì nữa. Đó là sự bế tắc của đời sống con người. Đến đây, chúng ta có thể cảm nhận rằng, nhận thức của sự sống đời thường sai lệch hẳn so với sự thực chính nó. Nhận thức sai lệch đó là vô minh, dục vọng, hay giảm thiểu dục vọng (hiền thiện) mà còn vướng mắc (vô minh). Chính điểm này giúp chúng ta biết rằng và chấp nhận rằng: dục vọng là khổ đau, mà hiền thiện còn vướng mắc cũng còn khổ đau. Sinh tử luân hồi tức thì và mãi mãi, tuy có lạc khổ khác nhau. Sự sống là "chung", là tương quan nhân - duyên - quả. Ai sống "riêng" là khổ, dù có thương yêu, huống gì là ghét bỏ! Thương, ghét là vô minh, là ảo tưởng tự phịa ra một hình dạng nào đó, được gọi là "tôi", là "của tôi", là ngã chấp, là khái niệm mà không phải là thực tại, không phải là cuộc đời chính nó. Ai sống "chung" thì vượt thoát thương ghét dửng dưng, đó là Từ bi, là buông xả (Trí tuệ). Kinh Trung Đạo Nhân Duyên dạy: "Người không bị kẹt vào chấp và thủ thì không còn nắm giữ, kế đạt và vọng tưởng về cái ngã nữa. Người ấy biết cái khổ khi có điều kiện phát sinh thì nó phát sinh, khi hết điều kiện tồn tại thì nó tiêu diệt. Người ấy không còn nghi hoặc gì nữa cả. Cái thấy của người ấy không do bị ảnh hưởng của kẻ khác mà có, trái lại do chính người ấy tự đạt được. Cái thấy ấy gọi là Chánh kiến". Những cảm nhận trên đây, chỉ mới là khái niệm, nhưng là ánh sáng kỳ diệu giữa cuộc đời mải mê chấp thủ; trong bước sơ khởi, tâm hành giả rung động khi nghe đạo lý ấy, liền sống nếp sống hiền thiện vượt thoát chấp thủ với chánh niệm tỉnh giác, bằng tất cả khả năng của mình. Chúng ta có thể tạm tư duy thêm vài khía cạnh tiêu biểu từ đạo lý duyên khởi vừa trình bày đơn giản ở trên, để vận dụng vào mọi sinh hoạt hàng ngày, góp nhặt và làm giàu thêm chất liệu yêu thương. 1. Vô ngã Hành giả cảm nhận hay thấy rõ mọi hiện hữu tương quan trong suốt cả thời gian lẫn không gian, không có một cái gì thực sự tự có, tức là không có một cái gì như là một bản ngã mà tư tưởng đã tưởng ra. Toàn bộ chỉ là nhân duyên quả vận hành, mà nhân duyên quả tâm lý là năng lượng nổi bật biểu hiện mọi hình thái khổ đau hay an lạc... "Cái khổ khi có điều kiện phát sinh thì nó phát sinh, khi hết điều kiện tồn tại thì nó tiêu diệt". Tất cả đều duyên sinh vô ngã, như đoạn kinh sau đây diễn đạt rõ thêm: "Một ngày nọ, Đại đức Kassapa đến hỏi Đức Thế Tôn: - Bạch Đức Thế Tôn, phải chăng đau khổ do ta tạo nên? - Không phải vậy, Kassapa. - Bạch Đức Thế Tôn, thế thì đau khổ do kẻ khác tạo ra? - Này Kassapa, cũng không phải vậy. - Bạch Đức Thế Tôn, có lẽ đau khổ ngẫu nhiên phát sinh? - Này Kassapa, Như Lai không hề chủ trương như thế. - Bạch Đức Thế Tôn, có lẽ nào Ngài dạy không có đau khổ hay sao? - Không, Kassapa, Như Lai xác nhận có đau khổ. - Bạch Đức Thế Tôn, phải chăng Ngài không thấy và không biết đau khổ? - Này Kassapa, quả thật Như Lai đã từng thấy và biết đau khổ. - Bạch Đức Thế Tôn, một đàng Ngài dạy đau khổ không do ta tạo nên, không do kẻ khác tạo nên, cũng không ngẫu nhiên phát khởi; một đằng Ngài xác nhận có đau khổ và Ngài đã từng kinh nghiệm đau khổ. Thật là bất khả tư nghị, kính xin Đức Thế Tôn mở lòng khai thị cho đệ tử. - Này Kassapa, ai bảo rằng người hành động là kẻ nhận lấy kết quả, tức là nói rằng đau khổ của một chúng sinh do chính chúng sinh ấy tạo ra. Đó chỉ là thường kiến. Ai bảo rằng một người hành động, một người gặt quả, tức là bảo rằng đau khổ của một chúng sinh do chúng sinh khác tạo ra. Đó cũng là đoạn kiến. Này Kassapa, không theo hai biên kiến đó, Như Lai chủ trương rằng: "Vì bị chi phối bởi tham lam, sân hận, si mê mà nghiệp hình thành, đó là căn nguyên của mọi đau khổ. Đoạn diệt được tham, sân, si, tức là hủy diệt động lực hình thành của nghiệp và mọi đau khổ phải chấm dứt" (Viên Minh - Con đường hạnh phúc - tr. 80-82). Chính do vô minh mà tạo nghiệp và thọ báo. Ở đây mọi hình tướng như bản ngã, thường kiến, đoạn kiến, ngẫu nhiên... tựa như các hình ảnh trong chiêm bao, được gọi là tưởng, ảo tưởng, điên đảo vọng tưởng. Ảo tưởng nên đau khổ, mà chẳng thực biết đau khổ, nên đau khổ dài dài, sinh tử triền miên. Nhận ra lẽ thực này đúng mức, thì ảo tưởng vô minh tạo nghiệp chấm dứt, đau khổ chấm dứt, lúc ấy mới biết rõ khổ đau là khổ đau. Vậy Đức Phật dạy: "Đây là khổ", có nghĩa: đây là sự thực của cái thấy chấm dứt khổ đau, có gì là bi quan lạc quan, đó là tuyên bố của sự giải thoát hoàn toàn. Đây là chánh kiến vô lậu. Cho rằng ngẫu nhiên thì sống đời vô nghĩa. Phủ nhận nhân quả thì sống đời liều lĩnh. Hiểu lầm nhân quả, chắc chắn chưa thoát được khổ đau. Nhân duyên quả là vô ngã, nhưng chưa thể nhập mà tưởng đã là vô ngã, vị ấy muốn tỏ ra phá chấp, bằng cách sống buông xuôi, không bỏ ác làm lành cùng với đoạn trừ chấp thủ, thì quả là ác độc khổ đau. 2. Từ bi Vô ngã là Từ bi, thấy duyên sinh vô ngã là cái thấy khiến hành giả tận tụy với cuộc đời bao la đầy ân sâu nghĩa nặng, đầy thân thương mầu nhiệm mà tỉnh giác, không khởi một niệm tổn thương nào với bất cứ gì ở đời. Hành giả phục vụ dưỡng nuôi, thấy được khổ đau hay hạnh phúc của một người là tương quan cùng khắp mà tỉnh giác rời xa vướng mắc. Thương ghét, dửng dưng là vướng mắc, là tổn thương. "Thương nhau mà lại bằng mười phụ nhau" (Truyện Kiều). Từ bi là phục vụ, làm lợi ích cho đời, cùng lúc với sự xa rời vướng mắc, là chuyển hóa thân tâm. Lợi tha là tự lợi. 3. Chánh niệm tỉnh giác (vô nguyện) Chánh kiến là buông xả, là tận tụy với cuộc sống, là tỉnh giác trong mọi hành xử một cách tinh chuyên mà thanh thản; nhận diện đơn thuần, ứng xử thích hợp mà không can thiệp vào bất cứ gì ở đời: Nhậm tha pháp tánh châu lưu, mạc đoạn mạc tục (Cảnh sách - Tổ Quy Sơn). Đây là chánh niệm tỉnh giác, là chánh kiến, là chánh tinh tấn, hay đây là diễn tiến, vận hành tâm lý với các chi phần Bát chánh đạo, đạo đế, từ bi và trí tuệ cùng có mặt trong lộ trình sống của hành giả từ cạn đến sâu, từ phàm đến Thánh, biểu hiện lời dạy của Đức Thế Tôn qua nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc sống. Ở kinh Tứ Niệm Xứ, Đức Như Lai dạy hành giả: lúc giận thì biết giận, lúc không giận thì biết là không giận, đi đứng nằm ngồi đều tỉnh giác. Biết ở đây là chánh niệm tỉnh giác, có mặt chánh kiến, chánh tinh tấn..., có mặt nội dung duyên sinh, vô ngã, từ bi, đó là Giới - Định - Tuệ. Lời dạy của Đức Thế Tôn thật đơn giản mà thật đầy đủ nội dung thánh thiện, tốt đẹp, cần thiết, để hành giả thực hành từ cạn đến sâu, từ an lạc nhẹ nhàng tức thì, đến thấy rõ thực chất của thân tâm và cuộc đời. Ngài luôn nhắc nhở: nhiệt tâm tinh cần, chánh niệm tỉnh giác, trừ thế tham ưu. "Trừ thế tham ưu" là vượt thoát mọi đam mê hay ghét bỏ đối với bất cứ gì ở đời, giản đơn là vượt thoát thương ghét, nhưng mà sống với, đó là "chánh niệm tỉnh giác", đó là từ bi. Đây là Chánh kiến, là Trung đạo, là Duyên sinh vô ngã. Như thế, chúng ta có thể tạm khái niệm rằng, nếu ứng dụng đúng pháp, thì thực hành một phương pháp tức là có tương quan với các phương pháp khác. Như quán vô thường là có mặt của chánh niệm tỉnh giác, có mặt của nội dung từ bi. Lúc thay đổi phương pháp là có tính đối trị tâm lý, chứ không mang tính cách hơn kém. Điểm khởi đầu là đích đến. Nội dung chánh pháp là tương quan xuyên suốt. Hiệu quả do ứng dụng giáo pháp khác nhau là do căn cơ, do tâm lượng đón nhận, do cách sống với của hành giả sai khác, mà không do lời dạy của Đức Thế Tôn. Do vậy, giáo pháp Như Lai đầy đủ tính hòa hợp, chuyển hóa, giải thoát mọi bế tắc trong ngoài. Lúc nào có bất hòa phân chia là do hành giả mà thôi. Chẳng hạn, giáo lý nhân quả nghiệp báo dạy rằng: làm thiện có quả báo thiện. Nhân hiền thiện quả an lạc, đều là nhân duyên quả, là duyên sinh vô ngã, là phục vụ mà buông xả, là trí tuệ từ bi. Ai bỏ ác làm lành mà chờ hưởng quả là chưa rõ giáo lý nhân quả nghiệp báo. Giáo lý Nhân quả dạy: Có nhân, có quả mà không có cái "Tôi" ở đó, là vượt thoát đoạn kiến, thường kiến... Vậy hành giả phải học hiểu đúng, để "đặt tâm đúng hướng", nương tựa pháp và tự thân hành trì, chứ không thể vay mượn gì khác, nương tựa gì khác. "Đương tựa quy y, quy y ư pháp, vật tha quy y" (nương tựa nơi pháp, nương tựa nơi chính mình, không nương tựa nơi gì khác - Nikàya Àgama). Chẳng hạn, hành giả chánh niệm tỉnh giác trong mọi oai nghi và tâm hành, thì khi tiếp xúc với rừng, hành giả không hút thuốc. Nếu thói quen quá nặng, nhờ tỉnh giác, hành giả biết rõ nguy hại của thuốc lá, có thể giảm hút dần dần. Nhờ chánh niệm, hành giả không bị cám dỗ bởi lợi nhuận cỏn con trước mắt, nên không đốt rừng lấy ong bừa bãi, lại biết khai thác rừng hay các tài nguyên khác ở rừng có kế hoạch, có kỹ thuật chu toàn, không mở du lịch hướng ngoại một cách thiếu cân nhắc... thì làm sao rừng U Minh Thượng, U Minh Hạ phải cháy một cách dễ dàng, làm mất một tài nguyên quý hiếm của đất nước? Phải biết "du lịch" hướng nội mới thấy được cái đẹp kỳ diệu của thiên nhiên khắp nơi, ngay cả nơi mình đang ở, cái đẹp không qua sự ấn định của tư duy. Chánh niệm tỉnh giác là an lạc hiện tại, có độ lượng bao dung, biết sống hòa bình và chuyển hóa mọi cảm thọ, vượt thoát mọi ý niệm phe nhóm, ý niệm bá quyền, cực đoan, thì làm gì có khủng bố, làm gì có 700 người Ấn Độ và Hồi giáo phải chết thê thảm trong vòng một tháng, làm gì có sự thanh trừng nội bộ nhân danh bác ái hay thương yêu v.v... Tự thân chánh niệm tỉnh giác cho hành giả biết cần phải làm gì giữa cuộc đời nhiều hưởng thụ, tàn phá, mà ít phục vụ xây dựng này, như: Không xả rác bừa bãi, biết thu gom xử lý thích ứng và tiết kiệm để hạn chế rác thải (như đi chợ xách giỏ, không dùng bao bì ni-lông để đựng thức ăn...). Làm như thế không do sợ hãi hay quyền lợi, mà do thấy lẽ tương quan. Các nước văn minh xử lý rác tốt, nhưng nếu không thấy và thực hành giáo lý duyên khởi, thì không thực sự chấm dứt khổ đau. Các nước chậm tiến mà thực tập duyên khởi, cần thấy được giá trị kỳ diệu của đất nước mình. Chánh niệm tỉnh giác giúp nhà giáo dạy học là trao truyền an lạc đúng pháp cho học sinh, mới đủ đánh động vào trái tim của học sinh cá biệt, nuôi lớn nhanh chóng các em ngoan hiền, tăng trưởng sự tinh chuyên và niềm trân quý nghề nghiệp, truyền thông tốt đẹp và hiệu quả với đồng nghiệp và cấp trên. Nhờ thế, không những chuyển hóa được sự khiếm khuyết của kiến thức, mà còn chuyển hóa luôn các tiêu cực thô tế của tâm linh ở học sinh, gia đình và xã hội. Thông minh là nhờ chăm học, nhưng thông minh nhờ hiền thiện và rời vướng mắc lớn hơn nhiều. Đây là phương pháp giúp cho những vấn nạn ở học đường giảm thiểu và chấm dứt. Ở cấp mẫu giáo, nhà trẻ, cô giáo, bảo mẫu và ban lãnh đạo có chánh niệm tỉnh giác sẽ tạo nên ấm cúng hài hòa, mỗi người thực tập nâng đỡ đồng nghiệp mà không đặt điều kiện, thì công việc có nhiều bao nhiêu cũng giải quyết thỏa đáng, nhẹ nhàng an lạc thấm vào ánh mắt, nụ cười, thức ăn, lời nói, làn da, nhờ đây các cháu cảm nhận hạnh phúc không qua ngõ tư duy. Lại nữa, mỗi lần tiếp xúc với phụ huynh, đặc biệt là qua các buổi họp mặt, nhân viên nhà trường trao truyền nội dung sống nói trên bằng ngôn ngữ đời thường, về các mặt như: y phục, phong thái cư xử, nói năng có chuyển tải đạo lý chân thực, thì trái tim phụ huynh vốn có thiện cảm với nhà trường, nay được mở ra dưới năng lượng an lạc viễn ly, nhờ thế, các phụ huynh sẽ thay đổi cách sống ngày một tốt hơn qua mọi sinh hoạt, nhất là lúc đưa đón cháu, nên sẽ có an lạc hơn. Như thế, nhà trường và gia đình hợp lực giáo dục tuổi thơ cách sống hiền thiện thâm sâu ngay từ thuở đầu đời. Trong những lần đi cứu trợ bão lụt v.v..., thành viên của đoàn thực tập chánh niệm mọi lúc, kể cả lúc ăn uống. Ai không bận phát quà..., cùng nhau thu gom rác, chăm sóc trẻ thơ trong phạm vi có thể; người đại diện trao đổi giáo lý với bà con..., những việc làm ấy mới có tác dụng nhiều và lâu dài, có thể giúp bà con ra khỏi khó khăn kinh tế và tâm linh, và lại là năng lượng giúp hạn chế thiên tai v.v... Món quà đem biếu hay sự miễn phí ở mẫu giáo từ thiện, bỗng trở thành một cần câu kỳ diệu. Trong xu thế hiện tại, có nhiều sự kiện làm tổn thương cuộc sống. Tuy đã biết và ra sức hạn chế, song con người khó đạt như ý muốn một cách dễ dàng. Tuy vậy, có những lĩnh vực chúng ta dễ làm hơn, mà tác dụng giúp ích cho đời lớn lao, chẳng hạn như trồng rừng hay tùy hỷ trồng rừng, bảo vệ cây xanh ở đường phố, công viên... Có rừng là thêm oxy để thở, giảm nhiệt độ nóng bức, thiên tai bão lụt giảm, chống xói mòn, làm chậm tiến độ hoang hóa đất đai, có nơi trú ẩn cho các loài thú hoang dã, nước ngầm tăng trưởng, và có tài nguyên cho ngày mai v.v... Chúng ta cần chánh niệm tỉnh giác qua mọi lĩnh vực khác nữa, để góp phần nuôi dưỡng cuộc đời lớn lao hơn. "Nếp sống từ bi là nếp sống cao đẹp nhất". Có an lạc đúng pháp, con người sẽ thoát khỏi cô đơn, không còn bị cám dỗ dễ dàng bởi cách phục sức thiếu kín đáo, ăn nhậu, cờ bạc, tham nhũng, ma túy, không tham gia xã hội đen, hay các cuộc khủng bố chiến tranh khốc liệt. Nhờ vậy con người thoát khỏi sự sống đầy thác loạn đau thương, bảo vệ được quê hương yêu dấu cả ngoài lẫn trong. Nhưng thường chúng ta còn những tiêu cực, nên hay phản ứng trước mọi giao tiếp. Thế là sự thông thương giữa chúng ta với cuộc sống bị bít lấp. Nương vào hơi thở..., thiết lập chánh niệm, ghi nhận phản ứng đang có mặt như: giận, vui..., thân tâm chúng ta nhẹ nhàng, nhờ đó sự truyền thông được tái lập, như mạch máu tắc nghẽn được lưu thông. Tâm tư nhẹ nhàng, chúng ta dễ chấp nhận đối tượng, dễ thấy ra ưu điểm của đối tượng, khiến chúng ta tiếp xúc được với đối tượng. Lúc tiếp xúc, chúng ta có thể thấy: (a) Chúng ta hiểu lầm, đối tượng tốt chứ không như chúng ta tưởng. Chúng ta hạnh phúc và tìm cách chuộc lỗi, bình an cho cả hai bên. (b) Chúng ta nhận thức tương đối chính xác thì có thể: - Đối tượng chấp nhận và xin lỗi. Chúng ta và đối tượng có hạnh phúc hơn. - Đối tượng thừa nhận, có thể không thừa nhận, nhưng vẫn bảo thủ, không sửa đổi, thì chúng ta hạnh phúc nhờ có chánh niệm tỉnh giác, thương kính niềm đau khổ do sự vụng về của đối tượng. Tuy chưa được chuyển hóa, đối tượng vẫn đón nhận được sự nuôi dưỡng mà lắm khi chưa tinh tế nhận ra mà thôi. Chúng ta luôn luôn tỉnh giác với tất cả mọi tình huống của thân tâm trong những lần tiếp xúc trao đổi trên, việc làm này gọi là đối diện với sự thực cuộc sống dưới mọi hoàn cảnh. Sự thực ấy giải thoát chúng ta. Khổ đau hay hạnh phúc, chúng ta chánh niệm tỉnh giác thì đều có an lạc, nên pháp của Như Lai được gọi là pháp ly dục, ly tham, là diệu pháp, có đủ khả năng đem đến hạnh phúc chung. Đây là nét giáo dục đặc thù toàn diện của chánh pháp giữa dòng đời đầy tranh chấp, tỵ hiềm - những cái đã từng bít lấp mọi truyền thông mầu nhiệm bởi các ảo tưởng của vô minh. Mọi người đều là nạn nhân của vô minh. Nương vào giáo pháp, ai cũng có thể là chủ nhân của sự sống, ai cũng có thể vững chãi thảnh thơi. Hành giả chánh niệm tỉnh giác chế tác và trao truyền an lạc, kể cả những lúc bận rộn lao nhọc, ốm đau nguy hiểm, đồng thời vẫn thiết lập nếp sống viễn ly, độc cư giữa cuộc đời sóng gió xôn xao. Tăng chúng xuất gia, hay Tăng thân gia đình, mỗi người tùy điều kiện mà thay đổi, đóng một số vai trò, hay toàn bộ, hoặc nhiều hơn các vai trò trong các ví dụ tiêu biểu ở trên, như là bảo mẫu, là thầy cô giáo, là ân nhân, là người thọ ân... mà thể hiện cách sống bằng chánh niệm tỉnh giác. Ngoài tác dụng kỳ diệu như đã tạm trình bày, chúng ta còn có tình thầy trò, huynh đệ, tình ruột thịt, tình yêu vợ chồng, con cái, lại chung sống gần gũi nhau hơn..., nên chúng ta có điều kiện thuận lợi hơn để nâng đỡ nhau trong thực tập chuẩn mực, sâu sắc hơn, dễ biến những gì vốn ích kỷ, đam mê trói buộc - vì ý niệm "của" quá gần gũi, đau thương - thành nguồn sống trong sáng, xả buông, giúp nhau cùng biểu lộ chất thánh nhiệm mầu, dù khổ đau tiêu cực vẫn còn một mức độ nào đó. Đây là mô hình "Đạo Phật thiết thực", "Phật hóa gia đình" giữa cuộc đời nạy. Sống hạnh phúc là cống hiến hết mình mà không mảy may hệ lụy, là từ bi và trí tuệ. Nội dung này gọi là Phật hay đạo Phật. Vậy, đạo Phật không thể dùng các hình thức khái niệm của tư duy đời thường để hiểu. Có thể nói đạo Phật không phải là một tổ chức đời thường, không phải là một tổ chức xoay lưng đối nghịch với đời thường. Đạo Phật là bất cứ gì ở đời này, hết lòng xây dựng mà hoàn toàn vô nhiễm viễn ly. Nội dung này được sống ngay ở hiện tại, tại đây: "Hãy quán chiếu sự sống Thế mà có đủ năng lượng chuyển hóa quá khứ, và đồng thời kiến thiết thực sự cho tương lai đầy đủ mọi mặt, một cách thanh thản nhẹ nhàng. Đây là sự sống giảm thiểu, xóa sạch mọi chia rẽ, tàn phá, thù hận, khổ đau, kiến tạo xã hội thực sự tiến bộ văn minh. Xã hội ấy có ngay trong tự thân của sự sống, chẳng phải do ai làm ra. Đạo Phật chỉ ra điều này để mọi người đừng biến mình trở thành một cái gì khác, mà hãy là chính mình, tức là chính cuộc đời này như chính nó xưa nay. -ooOoo- |
[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 20-05-2003