BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with Unicode Times font |
Tại sao không có hoà bình?
Hòa thượng Dhammananda
Thích Quảng Bảo dịch
Con
người thường quên rằng mình có một trái tim. Con người cũng thường quên
rằng nếu mình đối xử với thế giới một cách tử tế thì thế giới sẽ đối xử tử
tế lại với mình. Chúng ta đang sống trong một thế giới của những sự mâu thuẫn thực sự kinh hoàng. Một mặt, con người sợ chiến tranh; mặt khác, họ chuẩn bị cho chiến tranh với một sự điên cuồng. Họ sinh ra dư thừa, song họ phân phát khổ đau. Thế giới ngày càng trở nên đông đúc, nhưng con người ngày càng trở nên cô lập và ngày càng cảm thấy cô đơn. Nhân loại đang sống gần gũi với nhau trong một đại gia đình, song mỗi cá nhân lại có nhu cầu tìm một chỗ đứng cho bản thân mình ngày càng nhiều hơn so với trước đây, và thường bị tách biệt khỏi những người láng giềng của anh ta. Sự hiểu biết và thành thật với nhau đang ngày càng thiếu đi trầm trọng. Con người không thể tin tưởng lẫn nhau cho dù người kia có tốt thế nào đi nữa. Khi tổ chức Liên Hiệp Quốc được hình thành sau những nỗi kinh hoàng của cuộc Đại chiến thế giới thứ hai, những vị đứng đầu của tổ chức họp lại để ký kết một hiến chương đồng ý với lời mở đầu sau đây: "Bởi vì chính trong tâm của con người mà chiến tranh bắt đầu, chính trong tâm con người mà thành lũy bảo vệ hòa bình phải được xây dựng. Chính quan điểm này được nhấn mạnh trong bài kệ đầu tiên của bản kinh Pháp Cú: (PC-01) Niềm tin rằng con đường duy nhất để đánh lại bạo lực là bằng cách áp dụng nhiều quyền lực hơn đã đưa đến sự xung đột vũ trang giữa các quốc gia lớn mạnh với nhau. Và sự cạnh tranh tăng cường vũ khí trang bị cho chiến tranh đã đưa đến nguy cơ hủy diệt hoàn toàn sự sống con người. Nếu chúng ta không làm gì để ngăn chặn hành động đó, thì cuộc chiến kế tiếp sẽ là sự kết thúc của thế giới nơi mà sẽ không có những kẻ chiến thắng và cũng không có nạn nhân của chiến tranh. Chỉ còn lại những xác chết ngổn ngang trên chiến trường.
Đó là lời khuyên của Đức Phật cho những ai chủ trương và theo đuổi một học thuyết về sự đối kháng, sân hận và cho những ai dẫn dắt nhân loại vào chiến tranh và chống lại nhau bằng bạo lực. Nhiều người cho rằng lời khuyên của Đức Phật là hãy chuyển hóa ác thành thiện là một lời khuyên không thiết thực. Trên thực tế, đó là một phương pháp đúng đắn duy nhất để giải quyết vấn đề. Phương pháp này được một Bậc Đạo Sư vĩ đại giới thiệu thông qua sự chứng nghiệm bản thân của Ngài. Bởi vì con người thường kiêu căng và ngã mạn, con người miễn cưỡng trong việc chuyển hóa cái ác thành cái thiện... Thậm chí có một số người nghĩ rằng sự tử tế, từ tâm và lịch thiệp là thuộc nữ tính, là hèn nhát chứ không phải tính khí nam nhi! Nhưng tác hại sẽ như thế nào nếu chúng ta giải quyết những vấn đề của mình và mang lại niềm hạnh phúc và an lạc cho mọi người bằng cách chấp nhận phương pháp đầy tính văn hóa này và bằng cách hy sinh sự kiêu căng ngã mạn đầy sự hiểm nguy của chúng ta? Tinh thần khoan dung độ lượng phải được thực hành nếu hòa bình phải đến với nhân loại trên trái đất này. Quyền lực và sự ép buộc sẽ chỉ tạo ra thái độ không khoan dung. Để thiết lập hòa bình và hài hòa giữa con người với nhau, mỗi một người trước tiên phải học tập phương pháp thực hành nhằm đưa đến sự chấm dứt của tham lam, sân hận và si mê, nguồn gốc của tất cả các tham vọng quyền lực đầy tội lỗi. Nếu nhân loại có thể diệt tận tất cả những thế lực xấu xa trên thì khoan dung và hòa bình sẽ xuất hiện nơi thế giới bất an này. Với người Phật tử, những người đi theo con đường của Đức Phật từ bi, chúng ta phải có một nhiệm vụ đặc biệt là hãy cùng nhau hoạt động nhằm thiết lập nền hòa bình cho thế giới và chỉ cho những người khác một tấm gương để noi theo bằng cách noi theo lời khuyên của Bậc Đạo Sư: "Ai cũng sợ hình phạt; Ai cũng sợ sự chết; Lấy mình làm ví dụ; không giết không bảo giết" (Pháp Cú – 129). Hòa bình có thể luôn luôn đạt được, nhưng phương pháp để đạt được hòa bình không chỉ bằng cách cầu nguyện và lễ nghi. Hòa bình là kết quả của sự sống hài hòa giữa con người với đồng loại và môi trường sống xung quanh. Nền tảng hòa bình mà ai đó cố đưa ra giới thiệu bằng bạo lực không phải là một nền hòa bình vĩnh viễn lâu dài. Hòa bình không thể hiện hữu trên thế giới này mà không có việc thực hành hạnh khoan dung. Để khoan dung, độ lượng, con người không nên cho phép trạng thái tâm sân hận và ganh tỵ ngự trị trong tâm mình. Đức Phật dạy: "Kẻ thù hại kẻ thù; oan gia hại oan gia, không bằng tâm hướng tà, gây ác cho tự thân". (Pháp Cú -42). Phật giáo là một tôn giáo khoan dung bởi vì Phật giáo chủ trương một cuộc sống tự kiềm chế. Phật giáo dạy một cuộc sống được căn cứ vào không chỉ những giới luật mà còn căn cứ vào những nguyên lý. Phật giáo không bao giờ hành quyết hay ngược đãi với những ai mang trong mình một tín ngưỡng khác biệt. Giáo lý như thế không cần thiết đối với bất kỳ một ai phải gán cho chính anh ta một nhãn hiệu "Phật tử" để thực hành những nguyên lý cao thượng của tôn giáo này. Cuộc đời như một tấm gương và nếu chúng ta nhìn vào tấm gương với một gương mặt mỉm cười, thì chúng ta có thể nhìn thấy chân diện mục của chính mình, một gương mặt tươi cười tuyệt mỹ. Trái lại, nếu nhìn vào tấm gương với một gương mặt dài ngoằng thì nhất định chúng ta sẽ nhìn thấy sự xấu xa của gương mặt. Tương tự như vậy, nếu chúng ta đối xử với thế giới tử tế, nhã nhặn thì thế giới chắc chắn sẽ đối xử lại chúng ta một cách tử tế. Hãy học hạnh an lạc, hòa bình nơi chính bản thân mình và thế giới cũng sẽ hòa bình với chúng ta. Tâm con người bị nhiễm nhiều sự giả dối về bản ngã đến mức độ không muốn chấp nhận những yếu điểm của mình. Con người sẽ cố tìm ra một lý do nào đó nhằm thỏa mãn hành động của anh ta và tạo ra một sự vô minh mà mình không nhìn thấy. Nếu một ai đó thực sự muốn được tự do giải thoát, thì anh ta phải can đảm chấp nhận những yếu điểm của mình. Đức Phật dạy: "Lỗi người khác thì dễ nhìn thấy còn lỗi của chính mình thì thực sự khó nhìn thấy" . -ooOoo- (Trích Nguyệt san Giác Ngộ, số 85, 2003) |
Chân thành cám ơn anh Pháp Đăng đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 04-2003)
[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 05-05-2003