BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Chư ni trước thời Di mẫu Mahàpajàpatì

Liz Williams
Thích Nữ Liên Hiếu dịch

[1]


Lời người dịch: Chúng tôi dịch tài liệu này nhằm mục đích để tự thân tìm hiểu cách nhìn và thái độ của phụ nữ Phương Tây về vấn đề phụ nữ không được quyền thọ giới cụ túc trong một số nước theo truyền thống Theravàda như Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cam-pu-chia, và Việt Nam, cũng như một vài nước ngay cả theo truyền thống Mahàyàna như Tây Tạng, Mông Cổ. Ngoài ra, bài dịch này cũng cung cấp thêm cho độc giả một số thông tin và luận chứng về sự kiện có phải chư Ni có trước thời Di Mẫu Mahàpajàpatì (Ma-ha-ba-xà-ba-đề) hay không để giới học giả Việt Nam rộng đường trao đổi và đóng góp đối với vấn đề này.

Bài này được trích dịch từ nguyên tác: A WHISPER IN THE SILENCE: NUNS BEFORE MAHÀPAJÀPATÌ ? của Bà Liz Williams, một nghiên cứu sinh của trường Đại Học Sunderland (thuộc phía Bắc nước Anh),  được tuyển đăng trong tạp chí Buddhist Studies Review do  Rusell Webb làm Tổng biên tập và chủ tịch, Hoà Thượng Thích Huyền Vi làm  cố vấn tinh thần, Volume 17, No. 2, xuất bản tại Anh quốc, năm 2000, pp. 167-173.

Các học giả và chư Tăng xưa nay đều công nhận câu chuyện trong chương 10 của tác phẩm Cullavagga [2] (Tiểu Phẩm) về việc gia nhập Tăng đoàn của nữ giới là chứng cứ về thái độ bất đắc dĩ hay ít nhất là sự lưỡng lự của Đức Phật khi chấp nhận nữ giới trở thành các Tỳ-kheo-ni. Tuy nhiên, tôi viện dẫn một bằng chứng thuộc văn bản học để ủng hộ ý tưởng cho rằng đă có các vị Tỳ-kheo-ni trước khi Bà Mahàpajàpatì (Ma-ha-ba-xà-ba-đề) cầu xin thọ giới. Và trong Therìgàthà [Trưởng Lão Ni Kệ] có bằng chứng cho chúng ta thấy rằng chư Tỳ-kheo-ni thỉnh thoảng được chính Đức Phật truyền giới hầu như cũng giống như chư Tăng bằng cách důng thể thức "Ehi bhikkhunì" (Hãy đến đây, Tỳ-kheo-ni). Những gì mà tôi đang gợi ý ở đây là những tranh luận đă cho rằng Đức Phật lưỡng lự truyền giới cho phụ nữ là sai lầm, và do đó, dựa vào lý do này để loại trừ phụ nữ ra khỏi Tăng đoàn, không cho thọ giới cụ túc là điều không thuyết phục và vô lý.

Vậy, dựa trên cơ sở nào nói rằng Đức Phật miễn cưỡng [khi nhận chư ni vào Tăng đoàn] ? Chư Tăng và nhiều học giả đưa ra lời giải thích rất phổ biến [3] là đầu tiên Đức Phật từ chối và sau đó nhờ sự can thiệp của tôn giả Ànanda mà Đức Phật dịu lại và cho phép nữ giới có cơ hội theo đuổi đời sống thánh thiện. Hơn nữa, điều này được thực hiện  với điều kiện là Bà Mahàpajàpatì và tất cả những người theo Bà phải chấp nhận 8 điều luật nặng nề (garudhamma), những điều luật này buộc họ phải lệ thuộc  vào chư Tỳ-kheo. Câu chuyện thọ giới vẫn còn được thuật lại chi tiết trong các trường đại học và trong các tu viện, và biện hộ rằng việc loại trừ nữ giới ra khỏi Tăng đoàn Theravàda và không cho thọ giới cụ túc hiện nay là điều có thể chấp nhận được. Nếu Đức Phật bất đắc dĩ mới cho nữ giới xuất gia thì có một sự biện minh nào đó về việc loại trừ này. Sự giải thích đoạn luật này (Vin. II. 253) đã bị thâm nhiễm đến nỗi mà các học giả của Phật giáo xưa nay, nam cũng như nữ, Phật tử hay không phải Phật tử tiếp tục lập lại câu chuyện như là lời dạy của Phật giáo. Do đó, mặc dù nhiều người trong nhóm học giả này rất thông thạo những kinh điển gốc và chắc chắn quen thuộc với truyền thống kinh điển lập đi lập lại lời thỉnh cầu ba lần trước khi được chấp nhận, dường như họ không thể hay không muốn chấp nhận những nguyên tắc bình đẳng của Đức Phật, ví dụ trong Mahàparinibbàna Sutta (D. II, 195) [4]. Có lẽ đây là bài Kinh toàn diện nhất bao gồm những giáo lý căn bản của Phật giáo. Trong Kinh này, Đức Phật nói dứt khoát với Ác Ma (Màra) rằng Ngài sẽ không nhập Niết-bàn cho đến khi nào tứ chúng đệ tử của Ngài chưa thông đạt giáo lý và chưa có thể truyền dạy lại cho người khác. Tứ chúng trong đó bao gồm Tỳ-kheo-ni, cũng như nữ cư sĩ. Lời phát biểu này được Đức Phật nói chẳng bao lâu sau khi Đức Phật thành đạo và được lập lại trước ba tháng Ngài nhập Niết-bàn tối hậu. Điều này ngụ ý rằng Đức Phật đă biết Ngài sẽ thâu nhận nữ giới chẳng bao lâu khi Ngài đạt được giải thoát:

"Này Ác Ma, ta sẽ không nhập Niết-bàn tối hậu khi ta chưa có chư ni và nữ cư sĩ hoàn hảo..." [5]

Lại nữa, trong Dakkhinavibhanga Sutta, (The Exposition of Offerings, trong Majhima Nikàya - Kinh Phân Biệt Cúng Dường, Trung Bộ, II. 253, p. 1103)[6] có một chứng cứ có thể Bà Mahàpajàpatì không phải là vị ni đầu tiên. Trong kinh  này Mahàpajàpatì đi đến Đức Phật và cầu xin  Ngài nhận một bộ y mới mà chính bà se chỉ và dệt, đặc biệt dành cho Ngài. Đức Phật từ chối và nói rằng:

"Này Gotami, hãy cúng dường Tăng chúng. Bà cúng dường Tăng chúng, thì việc cúng dường đó sẽ đến cả Ta và cả Tăng  chúng nữa." [7]

Bà lập lại lời cầu xin lần thứ hai, rồi lần thứ ba như trước, y như thể thức theo thông lệ [8]. Đức Phật từ chối ba lần. Về điểm này, trong Kinh Phân Biệt Cúng Dường [9], tôn giả Ànanda thay mặt Bà can thiệp như tôn giả đã làm được ghi lại trong câu chuyện thọ giới thuộc chương 10 của Cullavagga (Vin. II. 254). Tôn giả nhắc lại Đức Phật về sự giúp đỡ của Mahàpajàpatì đối với Ngài. Bà là vú nuôi, là dưỡng mẫu, và đã nuôi nấng Ngài khi mẹ Ngài qua đời. Rồi tôn giả Ànanda giải thích sự mang ơn của Bà Mahàpajàpatì đối với Đức Phật, nhờ Đức Phật mà Bà giữ 5 giới. Điều này rõ ràng ngụ ý rằng sự kiện này diễn ra trước khi Bà Mahàpajàpatì được gia nhập vào Tăng đoàn. Nhiều sa-di trong Tăng đoàn đă tuân giữ 10 giới, và rất nhiều người đã thọ cụ túc giới. Như vậy, mặc dù Bà được miêu tả như một cư sĩ, nhưng rõ ràng rằng Bà đã chứng được thánh quả Dự Lưu. Tôn giả Ànanda nói:

"Chính nhờ Đức Thế Tôn, Bà Mahàpajàpatì Gotamì có đầy đủ lňng tịnh tín bất động đối với đức Phật, đầy đủ lňng tịnh tín bất động đối với Pháp, đầy đủ lňng tịnh tín bất động đối với chúng Tăng, đầy đủ các giới luật làm bậc Thánh hoan hỷ." [10]

Bốn điều này là bốn nhân tố của bậc Dự Lưu, Kinh này muốn nói lên rằng Bà Mahàpajàpatì đã đạt được mức độ phát triển tâm linh, cũng như nhiều nam nữ cư sĩ  được đề cập trong nhiều kinh cũng có thể đạt được quả vị này. Phần sau trong bài Kinh Phân Biệt Cúng Dường [11], (The Exposition of Offerings, M.II. 255, pp. 1103-1105) Đức Phật  giải thích 14 loại cúng dường cá nhân, 7 loại cúng dường Tăng chúng. Ngài trình bày trật tự thứ lớp công đức cúng dường (punna) nhờ sự cúng dường đến:

Cả hai chúng (Sangha) với sự hiện diện của Đức Phật là bậc tối thượng.
Cả hai chúng sau khi Đức Phật diệt độ.
Chúng Tỳ-kheo.
Chúng Tỳ-kheo-ni.
Một nhóm Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni.
Một nhóm Tỳ-kheo.
Một nhóm Tỳ-kheo-ni.

Nếu Bà vẫn còn là một cư sĩ, thì như đã trình bày sự kiện ở trên, Bà chỉ thọ trì 5 giới, và nếu câu chuyện xuất gia là chính xác thì sẽ không có chư Tỳ-kheo-ni [trước thời Bà]. Điều này dường như có một cứ liệu là đương thời đă có chư ni trước khi Mahàpajàpatì cầu xin xuất gia. Chỉ có một cách giải thích khác là câu chuyện trong Kinh Phân Biệt Cúng Dường có thể bị đồng hoá với câu chuyện của người khác. Câu chuyện xuất gia trong chương 10 của Cullavagga xem như thể nó được những người biên tập sau này thêm vào. Không giống như các vị Tỳ-kheo, giới luật của họ được quy định  sau khi gia nhập tăng đoàn, như trong Luật tạng đă đề cập. Như chúng ta đă thấy dường nhu khắp trong Luật tạng, giới luật (Vinaya) của chư Tỳ-kheo-ni  được chế định trước khi chư Ni  xin vào tăng đoàn. Một vài điều luật cũng được quy định cho Tỳ-kheo-ni  trước khi  chưa vi phạm, đó cũng là một điều khác nữa không hợp lý.

Dường như mọi người hết sức miễn cưỡng khi thừa nhận rằng Đức Phật đă nâng vai trò thứ yếu của nữ giới trong cơ cấu xã hội mà vai trò này được cho là thích hợp với họ. Chắc chắn rằng một trong những khả năng của bậc giác ngộ là có thể nhìn vấn đề vượt thoát thành kiến của con người. Tại sao những Phật tử - những người tôn kính Đức Phật như bậc gương mẫu tối thượng về hành động đạo đức và tâm linh, lại tiếp tục không nhìn ra và phủ nhận phương diện giác ngộ này của Ngài?

Trong bản sớ giải của Trưởng Lão Ni Kệ,[12] hầu hết chư ni đều được đề cập đến việc thọ giới của họ một cách nào đó. Trong 73 bài kệ, có 24 bài kệ được diễn tả chư ni đến xin thọ giới ở trú xứ ni, 22 bài kệ nói về sự xuất gia của chư ni với sự chứng minh của Tôn Ni  Mahàpajàpatì. Một số trường hợp đề cập là sau khi họ nghe Đức Phật thuyết pháp và được Ngài chỉ dạy đi đến trú xứ của chư Tỳ-kheo-ni để cầu xin được thọ giới. Chỉ có hai trường hợp của nàng Vaddha-Màtà (ThigA. 171)[13] và nàng Ambapàlì (ThigA. 207), nói rằng họ xuất gia sau khi nghe pháp từ  một vị Tỳ-kheo  là con trai của họ. Không có một trường hợp nào đề cập đến việc họ xin thọ cụ túc giới (Upasampadà) từ chư Tỳ-kheo. Mặc dù lời tranh luận từ sự im lặng không thể được xem như là bằng chứng có căn cứ. Trong việc biên tập 73 câu chuyện này, nếu việc thọ giới của Tỳ-kheo-ni như trong chương 10 của Cullavagga đã trình bày  thật sự cần thiết [sự chứng minh của] Tỳ-kheo, thì theo tỷ lệ trung bình ít nhất có một vài trường hợp sẽ đề cập đến các vị Tỳ-kheo.

Câu chuyện đầu tiên trong Trưởng Lão Ni Kệ, có một vị ni vô danh nào đó (Kệ số1), vị ni này được nói là đã chứng quả A-na-hàm (Anàgàmì) trong khi cô còn cư sĩ. Cô được người chồng dẫn đến Tôn Ni  Mahàpajàpatì  để xin xuất gia, ông thưa rằng:

"Kính nhờ quý Tôn Ni cho cô xuất gia. Và Tôn Ni Mahàpajàpatì đã chấp nhận cho vào ni đoàn" [14]

Câu chuyện này được trình bày tương tự như bản sớ giải Trưởng Lão Ni Kệ của Ngài Dhammapàla, bản dịch được Hội Thánh Điển Pàli (The Pali Text Society) xuất bản gần đây, nói rằng:

"Như nam cư sĩ Visakhà đã tổ chức một lễ lớn với sự chứng minh của Tôn Ni  Mahàpajàpatì  để đưa vợ mình là cô Dhammadinà đi xuất gia y như câu chuyện của vị ni cô vô danh ở trên, và nói rằng: "Thưa Tôn Ni, xin cho vợ tôi xuất gia." Rồi Tôn Ni  Mahàpajàpatì chấp nhận cho cô xuất gia và thọ giới cụ túc."[15]

Vị Tỳ-kheo-ni Bhaddà Kunlakesà trước kia là một tín đồ của Kỳ-na giáo, cả hai bản dịch Trưởng Lão Ni Kệ của K. N Norman và Bà C. A. F. Rhys Davids, kệ số 109 đề cập chính Đức Phật truyền đại giới cho cô:

"Quỳ gối, ta đảnh lễ,
Đối diện, ta chắp tay,
Hăy đến này Bhaddà,
Ta được thọ đại giới." [16]

Nguyên bản tiếng Anh của Norman như sau:

Low my knee, I worshiped with both hands.
Adoring, "Come Bhaddà!" the Master said.
Thereby to me was ordination given.

Bản dịch tiếng Anh của Bà Rhys Davids, xem hậu chú [17]. Sớ giải của Ngài Dhammapàla cho thêm chi tiết bài kệ này như sau: "Này Bhaddà, hãy đến trú xứ của Tỳ-kheo-ni cầu xin xuất gia và thọ cụ túc giới" [18]

Ở đây, ta thấy không có chứng cứ nào về việc xuất gia và thọ cụ túc giới của Bhaddà. Rồi Dhammapàla giải thích một cách  dài dòng rằng không có một hình thức xuất gia "Ehi bhikkhu.nì"(Hãy đến đây, Tỷ-kheo-ni) tương đương với cách thọ giới của Tỳ-kheo. Sự giải thích của ông dường như chỉ phủ nhận một cái gì đó mà không thích hợp với ông, đó là Đức Phật truyền giới cho nữ giới giống như nam giới, ám chỉ địa vị của nữ giới không đồng đẳng với nam giới. Quan điểm của ông là như vậy.

Vẫn còn nhiều trường hợp khác nữa  mà không thể nào chấp nhận được hoặc không thể xảy ra [19].

Kể cả câu "Hãy đến đây, Tỷ-kheo-ni" trong Bhikkhu.nì-Vibha"nga (Vin. IV. 214) ông cũng bỏ qua không giải thích,  và nói rằng:

- Nó không phải là một cách diễn đạt để làm sáng tỏ sự hiện hữu độc lập về thọ cụ túc giới của chư Tỳ-kheo-ni  bằng [thể thức, Liz Williams] "Hãy đến đây, Tỷ-kheo-ni" bởi vì không có vị Tỳ-kheo-ni  nào [được cho phép, Liz Williams] thọ giới cụ túc trong hình thức này [20].

Điều này chỉ là lý lẽ lẩn  quẩn không cung cấp thêm được cứ liệu hoặc lý lẽ gì để ủng hộ luận điệu của ông. Tôi muốn lập luận rằng đoạn nói về Tỳ-kheo-ni Bhaddà Kundalakesà vừa chứng minh là chư Tỳ-kheo-ni  thật sự thỉnh thoảng được thọ cụ túc giới giống như thể thức "Hãy đến đây, Tỳ-kheo!" như của các vị Tỳ-kheo.

Sử ghi rằng Ngài Dhammapàla sống ở Nam Ấn Độ vào thế kỷ thứ VI TL, do đó, niên đại bản sớ giải của Ngài hầu như sau Đức Phật  nhập Niết-bàn một thiên niên kỷ. Quan điểm và thái độ của Ngài đối với phụ nữ rõ ràng đã nhuốm màu do bối cảnh lịch sử xã hội mà Ngài đang sống. Bà Blackstone [21] trong phần bàn luận về thái độ ghê tởm và phản đối về thân thể và những chức năng của nó trong Trưởng Lão Ni Kệ hoặc trong Trưởng Lão Tăng Kệ, đă cho rằng: "những thân thể đó không chỉ cho một giới tính cụ thể nào, nhưng bản sớ giải lại mệnh danh chúng thuộc về nữ giới.(p. 64).

Như vậy, ngay từ buổi đầu  ở trong Tăng đoàn, chẳng bao lâu sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn và những thế kỷ sau, nữ giới bị phủ nhận vị trí, sự tôn trọng rồi cho rằng quan điểm này  được Đức Phật chấp nhận. Sự cảnh giác và lo sợ sự thành tựu của phụ nữ đã ngấm qua nhiều thế kỷ cho đến ngày nay, và vẫn được phản ảnh qua việc phụ nữ thiếu cơ hội để thực hiện niềm khát vọng của họ, và dâng tặng những đóng góp có ý nghĩa, có giá trị cho Tăng đoàn Theravàda./.

CHÚ THÍCH

[1] Bài viết này được trích từ luận án Tiến Sĩ chưa hoàn tất, với đề tài: "Women's Ordination in Theravàda Buddhism: Ancient Evidence  and Modern Debates" (Vấn Đề Thọ Giới của Nữ Giới trong Phật Giáo Nguyên Thuỷ: Chứng Cứ  Xa Xưa  và Tranh Luận Hiện Nay).

[2] Tập thứ 5 trong 6 tập của Luật tạng Pàli do I. B Horner dịch (chú thích của người dịch).

 [3] Bhikkhu Khantipàlo, Banner of the Arahants, Kandy 1979, p. 133; Rita Gross, Buddhism After Patriarchy, A Feminist History, Analysis and Reconstruction of Buddhism, Albany, NY 1993, p.221.

[4] Tương đương với bản dịch Kinh Đại Bát Niết Bàn, Trường Bộ Kinh, tập II, trang 539 (chú thích của người dịch).

[5] Na tàvaham pàpima parinibbàyisami yàva me bhikhiniyo na sàvika bhavissanti viyatà.. pe…(D. II. 105). Bản tiếng Anh  trích từ The Long Discourses of the Buddha, A Translation of the Dìgha Nikàya của Maurice Walshe,  Boston 1995 (first Published as Thus have I Heard  in 1987), p. 246.

[6] Tương đương bản tiếng Việt: Kinh Trung Bộ, tập III, Kinh Phân Biệt Cúng Dường, tr. 569  (ghi chú của người dịch).

[7] Kinh Trung Bộ, tập III, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam ấn hành, 1992., p. 570. Bản dịch của HT. Thích Minh Châu có khác chút đỉnh: "Này Gotami, hãy cúng dường tăng chúng. Bà cúng dường Tăng chúng, thời cả Ta sẽ được cung kính, và cả Tăng chúng cũng vậy. (ghi chú của người dịch).

[8] Một người nam muốn xuất gia cũng lập lại ba lần, một sa-di (Sàmanera) xin thọ giới cụ túc (upasampadà) cầu xin ba lần, người cư sĩ tại gia thọ giới cũng đọc ba lần; do đó để cầu xin một việc gì ba lần, là một cách xác định rõ ràng, không phải biểu hiện  sự miễn cưỡng,  mà đó là một truyền thống kinh điển đă được công nhận, không phải trường hợp riêng biệt cho sự cầu thỉnh của Bà Mahàpajàpatì mà cho tất cả những phụ nữ muốn xuất gia.

[9] Tất cả những tài liệu kinh sau được lấy từ  bản dịch The Middle Length Discourses of the Buddha: (A New Translation of the Majjhima Nikàya, Boston 1995) của Bhikkhu Nànamoli và Bhikkhu Bodhi.

[10] HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trung Bộ, tập III, tr. 571. (Viện Nghiên Cứu Phật học Việt Nam ấn hành, 1992), (ghi chú của người dịch).

[11] Tương đương với bản dịch Kinh Trung Bộ, tập III của HT. Thích Minh Châu, trang 573-575 (chú thích của người dịch).

[12] William Pruitt (tr.) The Commentary on the Verses of the Therì (Therìgàthà-Atthakathà Paramattadìpanì VI) by Àcarya Dhammapàla , PTS, 1998.

[13] Viết tắt của: Therìgàthà-Atthakathà Paramattadìpanì: Sớ Giải các bài Kệ của Trưởng Lão Ni  Kệ. (chú thích của người dịch).

[14] Mrs C.A.F. Rhys Daivids and K. R. Norman, Poems of the Early Buddhist Nuns (Psalms of the Sisters) Revised Version, (Elders Verses II) Revised Version, Pàli Text Society, 1997, p. 7.

[15] William Pruitt, Therìgàthà Atthakathà Paramattadìpanì VI., , như  ? trên, p. 10.

[16] Bản tiếng Anh của Bà Rhys Davids cùng tác phẩm đã dẫn, bản Việt dịch Trưởng  Lão Ni Kệ của HT. Thích Minh Châu, tr. 213.  (Tu Thư Phật Học Vạn hạnh ấn hành, 1982).

[17] Having  bent the knee, having pay homage to him, I stood with cupped hands face to face with him, "Come Bhaddaa!" he said to me; that was my ordination

[18] Pruitt, The Commentary on the Verses of the Therìs (Therìgàthà-Athakathà Paramattadìpanì)  by Acarya Dhammapàla, PTS, 1998, p. 106.

[19] Cùng tác phẩm trên, p. 380.

[20] Cùng tác phẩm trên, p. 379.

[21] Bàn luận về những thái độ đối với thân thể trong Trưởng Lăo Ni Kệ hay Trưởng Lão Tăng Kệ; xem Kathryn R. Blackstone, Women in the Footsteps of the Buddha (Struggle for Liberation in the Therìgàtha), Richmond, Surrey, 1998.

-ooOoo-

Source: Đạo Phật Ngày Nay, http://www.buddhismtoday.com


[Trở về trang Thư Mục]
updated: 24-08-2001