BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Phật Giáo Và Các Vấn Ðề Thời Ðại

Tiến sĩ G. P. Malalasekera
Lệ Tâm dịch


Phật giáo đặt sự giải thoát hay Niết-bàn trong tầm tay của con người. Ðiều này quan trọng, vì giải thoát không phải là một món quà ở bên ngoài đưa tới, mà chính do sự nỗ lực của bản thân. Không ai có thể tu tập và loại trừ phiền não giùm cho ai được, ngoại trừ chính mình. Nói cách khác, trong Phật giáo vị trí của đấng cứu rỗ, phán xét tội lỗi hay ban ơn cho người khác, hoàn toàn không có chỗ đứng.

* * *

1. Chư Thiên

Phật giáo thừa nhận có nhiều chư thiên (Devas). Tuy nhiên không ai trong số chư thiên này có thọ mạng thường hằng vĩnh viễn. Các chư thiên cư trú ở nhiều cõi, có nhiều loại chư thiên có thọ mạng dài hơn các hàng chư thiên khác. Mặc dù không ai trong số họ là tối cao nhưng có một số vị có những năng lực siêu nhiên đặc biệt và luôn ban phát lòng từ mặc dù chúng ta không có cầu nguyện hay tế lễ các vị ấy. Theo Phật giáo, Phật tử có thể hồi hướng công đức và ban rãi lòng từ tới những người cầu mong sự che chở.

Chư thiên ở cõi trời có thể kéo dài tuổi thọ của họ tùy theo nghiệp thiêĩn mà họ đã làm trong kiếp trước và khi họ tích tụ được nhiều công đức, họ sẽ được an trú trong cõi trời và được sanh vào một thế giới nhất định. Hầu hết chư thiên là những đệ tử của Ðức Phật. Dù sao chăng nữa, chư thiên thì không may mắn bằng loài người, bởi vì chỉ có con người mới có nhiều cơ hội tạo thiện nghiệp hơn ở những chúng sanh sống ở cõi trời. Và ngay cả con người có thể hồi hướng công đức do thiện nghiệp mà họ có được đến chư thiên.

2. Hồi Hướng Công Ðức

Hồi hướng công đức là một phần lời dạy của Ðức Phật. Người làm việc thiện hồi hướng và mong ước rằng: "kính mong người nầy hay chúng sanh nầyẨ hưởng được công đức của những việc làm từ thiện của chúng tôi." Việc hồi hướng thực sự trở nên hiệu quả khi người nhận biết việc tốt và hoan hỷ theo đó. Ðây gọi là tùy hỷ (Anumodana). Chúng ta có thể tùy hỷ việc thiện, ngay cả không cần biết đến ai là người làm việc thiệĩn đó. Nói cách khác, khi một người tùy hỷ việc thiện của một người khác hoặc biết hoặc không biết ai là là người làm thiện thì tâm của người này được trong sáng thanh tịnh và phát sanh ra nhiều công đức cho chính người đó. Lòng tùy hỷ luôn được phát sanh từ người có thiện chí. Do đó việc hồi hướng công đức chính là một thiện nghiệp và làm tăng thêm năng lực "công đức" cho các thiện nghiệp đã thực hiện. Bằng cách này, người hồi hướng công đức thực sự không mất gì cả mà ngược lại còn tăng thêm công đức.

Có nhiều chư thiên có năng lực lớn, và được xem là những vị hộ pháp trong Phật giáo. Mỗi Phật quốc có các chư thiên riêng biệt, vốn có ảnh hưởng lớn và trong đó có một số chư thiên có thể ứng hiện bất cứ nơi nào. Nhiều chư thiên địa phương được vay mượn từ những tôn giáo khác, chủ yếu là từ Ấn giáo. Trong các nước theo Phật giáo Nguyên thủy như ở Miến Ðiện, Phật tử đã cho rằng Ngài Nát là vị thần hộ mạng của người dân Miến. Mặt khác, ở Nhật Bản người ta cũng cầu khẩn rất nhiều vị Bồ-tát.

Có nhiều đền miếu để thờ cúng những chư thiên này. Ở đó người mộ đạo dâng cúng hoa quả, bày tỏ tâm tôn kính, tán tụng, cầu nguyện để được chư thiên gia hộ. Người ta không đem súc vật để tế lễ. Hình thức thờ cúng này đã ảnh hưởng rất lớn từ đa thần giáo của Ấn Ðộ. Ðiều này tương ứng với những gì Ðức Phật đã dạy khi Ngài tuyên bố rằng trong lúc căng thẳng, lo sợ, người ta nghĩ đến đi đâu đó thiêng liêng để tìm sự che chở. Nhưng phần lớn sự mong cầu che chở gia hộ đều liên quan tới các công việc thế tục. Tuy nhiên người Phật tử chân chánh không tin vào sự thờ cúng chư thiên vì họ tin vào năng lực tự thăng tiến tâm linh của mình.

3. Niềm Tin

Câu hỏi thường đặt ra là niềm tin (Saddha) trong Phật giáo như thế nào? Ðiều này có lẽ hữu ích để chúng ta nhớ đến trong kinh gốc Pali không có từ tương đương với thuật từ "Buddhist." Có nhiều hạng người được phân chia tùy theo cấp độ phát triển tâm linh của họ. Như trong kinh nói có bốn hạng người:

a. Người bình thường (puthujjana)
b. Người tốt (kdyanajjana)
c. Người cao thượng (ariya)
d. Người hoàn hảo (arahat)

Nhiều bản kinh đã giới thiệu về những Phật tử đã quy y tam bảo (Phật, Pháp, Tăng). Trong Phật giáo, không có các hình thức nghi lễ "Baptism" mặc dù có những thể thức rập khuôn do các Phật tử dùng để bày tỏ việc quy y của mình với ý nghĩa đơn thuần rằng người mộ đạo chấp nhận Ðức Phật là bậc đạo sư của mình, Pháp là chân lý sống của mình và Tăng là bậc mô phạm của đời sống thánh thiện, là gương mẫu cho nhân gian.

Phẩm chất "niềm tin" của người Phật tử là sự chấp nhận hay tin tưởng bằng trí tuệ rằng quy y Tam Bảo là nơi đáng nương tựa. Khái niệm "đức tin mù quáng" không hề có trong Phật giáo. Ðức Phật đồng ý rằng có những đạo sư, có phương pháp tu tập do bậc đạo sư đó thuyết giảng và có nhiều đệ tử theo để sống theo phương pháp đó. Mỗi người hoàn toàn tự do để lựa chọn, và không có hạn chế trong sự lựa chọn. Thật ra, có những trường hợp khi những tín đồ của các bậc đạo sư khác khước từ họ và mong mỏi quay về với Phật nhưng Ðức Phật thường khuyên ngăn họ phải suy nghĩ kỹ lưỡng. Ngay cả khi trường hợp họ quá xác quyết, đức Phật vẫn khuyên họ tiếp tục cung kính những bậc thầy trước của họ. Ðây là tính khoan dung thông cảm sâu xa của Ðức Phật.

Ðoạn kinh nổi tiếng trong bài kinh Kalama đã chứng minh sự kiện tự do lựa chọn này. Ðiều này tuyên bố dứt khoát rằng không có điều gì được chấp nhận chỉ vì các duyên cớ truyền thống hoặc uy quyền của bậc đạo sư, hoặc vì đó là quan điểm của số đông, của người thông thái hoặc người khác. Mọi điều phải được cân nhắc xem xét và đánh giá xem đúng hay sai. Nếu đã thấy rõ là sai thì họ từ bỏ triệt để. Sự hoài nghi không được xem là một tội lỗi mà trái lại còn được khuyến khích trong Phật giáo.

4. Chánh Kiến Và Tà Kiến

Phật giáo không có định nghĩa đặc biệt cho hai thuật từ chánh kiến (sammaditthi) và tà kiến (micchadithi). Hai từ này chỉ cho quan điểm đúng hay sai về bản chất của các sự vật hiện tượng. Không có quan điểm nào được coi là quan trọng hơn hoặc tối ưu hơn. Tự do tư tưởng là chân giá trị của con người. Ngay cả giá trị của những lời do chính Ðức Phật tuyên bố cũng có thể bị đặt thành vấn đề. Ðức Phật tuyên bố không có thẩm quyền trong giáo lý của Ngài, ngoại trừ chính kinh nghiệm bản thân của Ngài. Quyền uy chỉ thực sự là quyền uy khi chính chân lý sở hữu, chân lý tự xác nhận chân giá trị của nó. Chân lý như vậy có năng lực lớn, năng lực thần thông (saccakiriya), như trong các Truyện Bổn Sanh đã nói. Ðây là một phần di sản văn hóa của Phật giáo cống hiến cho nhân loại. Vì vậy, từ "saddha" nên được dịch là tự tin, tin tưởng, tin chắc, hơn là ý nghĩa trung thành, bởi vì trong khái niệm Saddha không có ý nghĩa trung thành nào cả.

5. Hạnh Phúc Của Chúng Sanh

Phương thức sống do Ðức Phật chỉ dạy không mang ý nghĩa riêng biệt chỉ dành cho người sống đời sống tu viện. Sự thật là khi người xuất gia tu tập tâm không chấp thủ ngã pháp để đạt đến Niết-bàn thì dĩ nhiên họ sẽ chứng đạt nhanh hơn người cư sĩ. Song hoàn toàn sai nếu nói rằng chỉ có người xuất gia mới có thể giải thoát hoàn toàn, còn người cư sĩ tại gia thì không có thể đạt được như vậy. Các pháp thoại của Ðức Phật bao gồm phần lớn các chỉ dẫn mà Ðức Phật dạy cho các thầy Tỳ-kheo bởi vì chúng Tỳ-kheo là đối tượng chính của Ðức Phật. Nhưng cũng có vô số các pháp thoại khác dạy cho giới cư sĩ. Ðôi khi đối tượng nghe pháp chỉ là một người mà thôi nhưng Ðức Phật vẫn từ bi ban bố.

Pháp thoại của Ðức Phật được gọi là thiết lập quy tắc chân chánh. Ngài đã nâng cao khái niệm về sự an lạc và hạnh phúc cho tất cả chúng sanh, mà không có bất kỳ sự phân biệt thiên vị nào cả. Tất cả "vì lòng thương tưởng đối với đời." Như chúng ta biết, đó chính là lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, ý tưởng khái quát về điều thiện được đưa ra, đã làm xúc động không chỉ những con người trên thế giới này mà còn chung cho tất cả chúng sanh ở khắp vũ trụ. Ðiều đó cũng được mô tả như là một bài học mang đến kết quả trong đời sống, không bị trì hoãn , có thể hiểu và áp dụng được ở mọi lúc.

6. Ðặc Tính Chung Của Nhân Loại

Ðức Phật dạy các điều thiết yếùu không chỉ cho việc tu tập nội tâm của từng cá nhân vì hạnh phúc của nhân loại mà còn cho sự cải thiện đời sống xã hội. Vì vậy, Ngài thuyết giảng về đặc tánh chung nhất của nhân loại, bất kể màu da chủng tộc hoặc các đặc tính sinh lý khác (ngay cả trong trường hợp của loài vật) và tạo ra một cuộc cách mạng loại bỏ các hệ thống giai cấp mà đang rất thịnh hành tại Ấn Ðộ thời bấy giờ. Ðể biểu lộ khái niệm đồng nhất của nhân loại, Ðức Phật đã khơi dậy mối đồng cảm không những của giai cấp vua chúa, quý tộc, thương gia, mà còn với giai cấp cùng đinh, người xin ăn, kẻ cướp và gái mãi dâm.

Ðức Phật thiết lập tăng đoàn cho mọi tầng lớp xã hội, bất kể nguồn gốc xuất thân của họ. Ðức Phật hoan nghênh mọi người gia nhận tăng đoàn. Ngài chăm sóc người bịnh và kẻ nghèo túng, an ủi người bất hạnh và mang hạnh phúc đến cho người khốn khổ. Người ta đã nói rằng bệnh viện đầu tiên trong lịch sử được tổ chức dưới sự hướng dẫn trực tiếp của Ðức Phật. [Ðiều đó hoàn toàn đúng]. Ngài không rời bỏ thế gian sau khi giác ngộ, sống 45 năm trong cộng đồng và giúp đỡ mọi người không ngừng nghỉ.

7. Dân Chủ

Ðức Phật đánh giá cao sự tự do cá nhân, tự do tư tưởng và tự do bày tỏ ý kiến một cách dân chủ. Phật giáo không mâu thuẫn với những gì đã phơi bày (giữa giáo lý và thực hành). Tăng đoàn được xem là thể chế dân chủ xưa nhất trên thế giới và đã được thành lập làm kiểu mẫu cho các tổ chức xã hội bao gồm các thể chế chính trị. Xã hội lý tưởng mà Phật giáo đã vạch ra hoàn toàn dân chủ, làm việc vì lợi ích tinh thần lẫn vật chất cho mọi người, bảo đảm tự do cá nhân, tôn giáo, chính trị cũng như ổn định và phát triển kinh tế.

8. Lợi Ích Kinh Tế

Kế hoạch lợi ích kinh tế được nhấn mạnh rõ ràng như một phần trách nhiệm của những người lãnh đạo quốc gia. Ðức Phật nói rằng "khi mà lợi ích kinh tế được áp dụng thích hợp thì dân chúng sẽ răm rắp tuân thủ và sẽ không còn lo lắng về mặt này nữa, thu nhập quốc gia sẽ gia tăng, đất nước sẽ hoàn toàn thanh bình và phồn thịnh. Mọi người chung hưởng hạnh phúc, ca múa với trẻ con, và khi ngủ không cần phải đóng cửa."

Trong Mahavastu Ðức Phật dạy: "Thế gian dựa trên hai nền tảng: sự đạt được giàu có và giữ gìn những gì đã đạt được. Vì vậy, để có được sự giàu có và để bảo tồn những gì đã có, vị ấy phải nỗ lực kiên trì trong phạm vi chân chính."

9. Làm Chủ Tài Sản

Quyền sở hữu công cộng được ban phát trong nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt trong các nước có tự do dân chủ. Như chúng ta biết, đây là tính nhất quán đầu tiên và xuyên suốt trong việc ứng dụng nguyên lý sở hữu công cộng trong một cộng đồng hoặc xã hội cụ thể. Ðiều này trong luật tạng có đề cập và luật tạng chỉ đạo tăng đoàn Phật giáo. Ở đóù, các động và bất động sản có giá trị đều được giữ gìn trong sự giao phó chung, quyền lợi chung mà không có bất kỳ sự ép buộc nào. Ðời sống trong tăng già là đời sống đoàn thể dựa trên nguyên lý đồng tự nguyện, tự giác.

10. Phật Giáo Và Nhân Loại

Từ những gì đã nói ở trên cho thấy rằng Phật giáo rất gần gũi với đời sống con người trên thế giới này. Ðạo Phật thật sự là tôn giáo của cuộc đời. Ðức Phật mô tả lời dạy của mình như là sanditthika nghĩa là chủ yếu liên quan với cuộc đời và thế gian này. Ngay cả trạng thái hạnh phúc cao nhất là Niết-bàn, cũng có thể thực hiện được chính ngay trong đời này. Ðiều này nhấn mạnh vào sự cần thiết để biến đổi hiện tại trở nên tốt đẹp hơn. Quá khứ đã qua, tương lai chưa đến, chỉ có hiện tại là hiện hữu. Hiện tại và tương lai sắp đến đều chỉ tùy thuộc hoàn toàn vào giây phút này của chúng ta.

Phật giáo không coi thế gian này như một nhà tù mà trong đó con người phải tìm cách thoát ra để lên cõi trời. Tốt hơn hết là nên xây thiên đàng ở trên mặt đất. Người Phật tử không phải là một nhà duy vật, cũng không coi thường những tiến bộ của văn minh vật chất. Vấn đề của người Phật tử không phải là việc chọn lựa giữa những ý thức và tinh thần mà là việc làm chủ tinh thần. Lý tưởng Phật giáo nhằm thiết lập sự thăng bằng giữa trong và ngoài, giữa bên ngoài thiên nhiên, thế giới xung quanh, và tiến trình tâm linh ngang qua việc chế ngự lòng ích kỷ-tự ngã. Ðối với vị ấy, đời sống là một cuộc phiêu lưu lớn, một cuộc mạo hiểm và một cuộc dạo chơi. Vấn đề chính yếu là làm thế nào để biến cái thú vị lớn lao nhất của cuộc dạo chơi đó thành hay dẫn đến hạnh phúc tối hậu.

11. Hoàn Thiện

Lý tưởng Phật giáo là lý tưởng của A-la-hán, nghĩa là sự hoàn thiện. Ðể đạt đến lý tưởng này, tất cả các yếu tố ngăn cản lợi ích đó phải được gỡ bỏ, không chỉ chính mình mà còn cho tất cả chúng hữu tình. Người Phật tử không thể tìm cầu lợi ích cá nhân, bất chấp đến lợi ích của những người khác. Lợi ích bản thân có liên hệ mật thiết với lợi ích thế nhân. Từ đó Ðức Phật đã dạy rằng: người tốt phải là sabba-panabhế tahitanukampi, nghĩa là liên quan mật thiết với các hoạt động tích cực vì an lạc hạnh phúc không chỉ cho loài người mà còn cho tất cả chúng hữu tình.

Bất cứ ở đâu Phật giáo cũng tìm thấy hướng đi cho mình, luôn đặt trọng tâm vào hướng phát triển văn hóa, văn minh bằng các đức tánh tố như lòng bao dung, nhân ái, cảm thông và hiểu biết. Hai đức tính song đôi bi (karuna) và trí (panna) đã hình thành nên hai nguyên tắc chủ đạo của triết lý Phật giáo.

12. Thế Giới Hiện Ðại

Nét đặc trưng của thế giới hiện đại là sự tăng tốc và độ lớn của tiến trình thay đổi. Ngày nay chúng ta chứng kiến những thay đổi kinh ngạc trong cuộc cách mạng hoàn toàn của tất cả những thể chế nhân sự thuộc mọi lãnh vực hoạt động của con người. Sự toàn cầu hóa đang phát triển nhanh đến chóng mặt.

Những thuận lợi này đã mang đến sự giải phóng cho con người trong nhiều phương diện. Chúng đã tạo cho chúng ta lợi ích trí thức và xã hội to lớn và từ các phương tiện đó con người xóa trừ được nạn nghèo đói, mù chữ... Các xã hội liên kết chặt chẻ với nhau hơn trước và tạo mối tương quan nhiều hơn cho nhu cầu đòi hỏi của con người...

Trong mọi trường hợp chúng ta không thể ngăn chặn nổi sự phát triển của thế giới. Nó sẽ luôn luôn thay đổi. Ðức Phật nói vì sự thay đổi là yếu tố căn bản của cuộc sống. Không có cuộc cách mạng nào có thể dập tắt chính sự thay đổi này. Thay đổi là một nét đẹp thẩm mỹ vì nếu không có sự chuyển đổi liên tục thì cuộc cách mạng hôm qua sẽ trở thành quy ước của ngày nay, và quy ước ngày nay sẽ trở thành chuyên chế của ngày mai.

Toàn bộ sự tồn tại của con người gắn chặt với sự thay đổi. Ðây là nơi con người hiện đại phải tìm đến Phật giáo. Ðó là việc thích đáng nhất trong thời đại này. Phật giáo chấp nhận sự thay đổi. Thật ra điều này được xây dựng trên chân lý về sự vận động thay đổi liên tục. Chúng ta phải biết để vượt qua các dòng sông đang chảy. Chúng ta phải trau giồi phẩm chất của sự thích nghi, khả năng thích ứng và uyển chuyển. Một sát na mà chúng ta đi đến kết luận cứng nhắc và phủ nhận các quan điểm khác là một sát na chúng ta đã ngăn chặn sự thông minh của mình. Quan điểm của chúng ta sẽ trở nên chấp chặt trong giáo điều; và giáo điều làm cho ta ngoan cố bướng bỉnh. Rồi thách thức mới sẽ kêu gọi các đáp ứng mới, cho nên nếu mỗi cá nhân khéo léo uyển chuyển trong các giáo điều của mình thì toàn bộ cộng đồng sẽ trở thành một xã hội mở mang và làm cho đời sống tốt đẹp hơn.

13. Các Vấn Ðề Nhân Loại Ðang Ðối Mặt

Các vấn đề mà nhân loại đang đối mặt thì rất nhiều như: lương thực, kinh doanh, lao động, tiền lương, thất nghiệp, cơ hội không đồng đều, khoảng trống giữa có và không có Ẩ Chúng dường như rất phức tạp như chúng thực sự đang phức tạp nhưng khát vọng của người bình thường thật ra chỉ là một điều giản dị. Vị ấy chỉ ứơc ao được sống trong an bình và hạnh phúc trong sự tự do kiến tạo một thế giới nhỏ bé của riêng mình và trong khả năng của mình.

Vị ấy cũng cần tình bằng hữu, yêu thương và hiểu biết; và điều gì đó mang đến hy vọng cho chính họ và con cái của họ, cho cả đời sống này và đời sống kế tiếp. Trong nhiều quốc gia trên thế giới ngay cả những nhu cầu căn bản này cũng chưa có thì làm sao có đến những nhu cầu khác. Khắp nơi đầy dẫy sự bất công và nguy hiểm. Sự không bảo đảm và an toàn đã trở thành tai họa cực kỳ phổ biến cả trong giới giàu sang và nghèo hèn, thỉnh thoảng phát sinh sự lãnh đạm thờ ơ, lo âu căng thẳng và quay cuồng. Khoa học đã thất vọng để tìm ra bí quyết của hạnh phúc. "Sự chinh phục thiên nhiên" đã không thành công trong việc đem đến thịnh vượng hay hòa bình. Ðiều này không ngạc nhiên đối với chúng ta, bởi vì Ðức Phật đã từng dạy rằng hạnh phúc được tìm thấy trong đời sống hòa hợp với "các pháp" nghĩa là với thiên nhiên, với vẻ đẹp và với sự cao quý của nó. Thế nhưng toàn thể nhân loại ngày nay thì bất hạnh và khốn khổ.

Tình trạng này ngày càng trở nên càng phức tạp hơn và hầu như không có giải pháp. Nhưng nếu chúng ta xem xét vấn đề một cáhc cẩn thận kỷ lưỡng, với kiến thức và hiểu biết, chúng ta sẽ nhận thức rằng các rắc rối hiện đại ngày, trên căn bản, không khác với những rắc rối triền miên (sanh, lão, bịnh, tử) đã làm khổ sở con người ở mọi thời và mọi nơi. So với những rắc rối của người xưa thì những rắc rối hiệĩn đại của chúng ta thật sự gia tăng về số lượng và phạm vi hơn.

Như chúng ta đã biết Ðức Phật dạy không có điều gì xảy ra mà không có nguyên nhân. Một khi nguyên nhân đã được nghiên cứu và nhận dạng, thì các giải pháp có thể được tìm thấy. Người ta thường cho rằng những lời dạy của bậc thánh xưa như Ðức Phật thì quá đơn giản không thể đủ hiệu quả giúp chúng ta giải quyết những vấn đề cực kỳ rắc rối mà ảnh hưởng cá nhân và xã hội đương thời. Thật ra thông điệp của Ðức Phật giảng về các tình huống cơ bản của con người và điều này khiến cho thông điệp của Ðức Phật rất hợp thời và bất diệt. Ðây là kim chỉ nam cho mọi hành động của ba nghiệp thân khẩu ý. Mỗi thế hệ kế tiếp có thể và phải phát hiện lại sự thích hợp của thông tin để giải quyết các vấn đề của chính thời đại mình.

14. Hạnh Phúc Tối Thượng

Ðức Phật dạy rằng hạnh phúc tối thượng là an lạc, và không thể có hạnh phúc chân thật nếu không có an lạc. Thế gian đang điên cuồng với sợ hãi và đe dọa của chiến tranh. Nhiều quốc gia bị lôi cuốn vào chiến tranh đã trở thành những kho vũ khí kinh khủng, để duy trì sự thương mại và lợi nhuận từ việc mua bán sự chết chóc và diệt chủng. Do ý thức hệ đối lập, không chỉ binh sĩ mà còn hàng ngàn đàn ông, đàn bà, trẻ con vô tội đã bị thảm sát và thiệt hại về nhân mạng, vật chất và tinh thần không thể tính được. Không có điều gì có thể tránh khỏi sự điên cuồng kinh khiếp của chiến tranh và rồi cuối cùng sẽ là gì? Ðức Phật dạy rằng: "Sân hận không bao giờ được dập tắt bởi sân hận, mà chỉ bởi lòng từ bi mà thôi." Hơn nữa, "Chiến thắng phát sanh hận thù, vì xâm lăng mang đến đau khổ." Trong nhiều quốc gia khác trên thế giới hiện nay, mây đen chiến tranh bao phủ gần kề. Không gian tràn đầy bạo lực của thân khẩu ý.

Ðây là công việc của tôn giáo - tất cả tôn giáo. Chỉ có tôn giáo mới có tác động thiết thưc làm thay đổi lòng người. Tôn giáo không phải là hình thức tín ngưỡng và những bài giảng pháp suông mà đời sống thánh thiện và định tĩnh nội tâm bên trong đều là kết quả từ tâm buông xã hoàn toàn. Chính điều này mới có tác động chính đến lòng người.

15. Nguồn Gốc Của Chiến Tranh

Ðức Phật dạy rằng cách duy nhất để đạt an lạc là loại trừ nguồn gốc chiến tranh - tham, sân, si. Ngày nay thế giới đã phân chia con người thành những ý thức hệ khác nhau, với khối ý thức hệ của mình thì người ta đã cống hiến tất cả tâm và lực vào việc mua bán thô bạo, độc ác, tiêu cực chết chóc của chiến tranh. Thế giới sẽ có hòa bình nếu các dân tộc và quốc gia từ bỏ lòng tham ích kỷ, từ bỏ tính kiêu ngạo về chủng tộc và làm trong sạch tâm tham muốn về quyền sở hữu và sức mạnh. Sự phân chia ý thức hệ thường gây ra mâu thuẫn. Ýù thức hệ có nhiều hình thức khác nhau - chính trị, kinh tế, tôn giáo, xã hội và giáo dục. Ý thức hệ trốn tránh thực tại. Nó khiến con người hung ác và nó cột chặt con người vào sự nô lệ trong của điên cuồng và bạo động.

Sự mâu thuẩn ý thức hệ được sanh ra trong tâm con người là kết qủa của sự căng thẳng và chiến tranh. Nếu các xung đột này được loại bỏ thì nhân loại có thể tràn đầy tư tưởng hòa hợp và hòa bình. Ðức Phật tuyên bố rằng tâm là cội nguồn, là yếu tố chủ đạo tất cả, thiện hoặc ác. Khi tâm được thanh lọc các điều xấu, an lạc hạnh phúc sẽ ngự trị khắp nơi.

Tôn giáo, nếu là tôn giáo thực sự, sẽ lấy toàn bộ con người làm trung tâm chứ không chỉ ở một vài khía cạnh nào đó của đời sống. Một con người tốt nghĩa là một người có tôn giáo, biết rằng sẽ không có hạnh phúc, hòa bình trên trái đất sự nghèo đói, bất công, đàn áp, luật pháp không minh bạch, sự phân biệt chủng tộc, sự bất lực của xã hội, nỗi sợ đang gặm nhắm, sự nghi ngờ lẫn nhau đang còn ngự trị tồn tại. Lòng tự trọng rất cần thiết cho hạnh phúc cũng giống như thức ăn, bởi lẽ không có lòng tự trọng thì không có cơ hội để đạt tới sự phát triển hoàn thiện của nhân cách.

16. Vấn Ðề Của Thế Giới

Những vấn đề đối mặt nhân loại hôm nay và đe dọa cơ cấu con người là những vấn đề toàn cầu. Vấn đề này không cô lập riêng biệĩt ở vùng, miền nào mà là chung của toàn thế giới. Vì vậy giải pháp phải tìm kiếm phải hướng đến phạm vi thế giới. Ðiều này bao gồm các khái niệm mới về chúng ta- mối quan hệ thuộc con người, không những chỉ có trong gia đình, nhà, làng, thành phố, quốc gia mà là rộng ra trong bối cảnh của toàn thế giới. Cần giáo dục nam nữ về các vấn đề xấu xa của chủ nghĩa hẹp hòi, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, màu da và tín ngưỡng. Tính không bao dung, kiêu ngạo và sự cố chấp mù quáng chỉ nhằm để chống đối, dèm pha các dân tộc, các văn hóa, tôn giáo và các cách sống khác với mình. Những điều này phải được loại bỏ nếu chúng ta mong muốn hòa bình chung cho toàn thế giới.

17. Quá Khứ Xấu Xa

Trong nhiều phương diện, phải thừa nhận rằng tôn giáo có những quá khứ tội lỗi mà cần phải được chuộc tội. Sự thuyết giảng của tôn giáo thường trình bày các tình trạng khẩn cấp của chính trị quốc gia và địa phương cũng như những kế hoạch bất chính cho sự bành trướng và xâm lược. Trong thời đại trước đây, phần lớn nội chiến cũng là chiến tranh tôn giáo (thánh chiến). Tôn giáo cũng thường xuyên tự giấu nhẹm nó với các chi tiết của giáo điều và nghi lễ, các vấn đề về tổ chức giáo hội và tính hoàn hảo của các thánh kinh và tăng lữ. Chính tính hẹp hòi này đã làm giảm đi số lượng của tăng lữ, đền thờ và đang trông chờ các đầu tư để thành lập lại.

18. Thế Tục Hóa

Con người hiện đại có quyền yêu cầu những gì tôn giáo có thể giúp đỡ nhân loại trong thời đại này. Họ đã khẳng định rằng tôn giáo nào phục vụ cho mục đích riêng thì hãy để tôn giáo đó chết. Ðây là nguyên nhân chính cho sự thế tục hóa mà tôn giáo ở khắp mọi nơi phải đối mặt. Vì những vấn đề này nảy sinh từ sự thế tục thì ít nhiều sẽ phổ biến tới toàn thể tôn giáo trên thế giới

Tuy nhiên việc đáng quan tâm là những vấn đề có liên quan tới giới trẻ trên thế giới đang có nhiều mối nghi ngờ về các thếù hệ cha anh và những nhà lãnh đạo của các tôn giáo. Mối hoài nghi này đặt trọng tâm chính yếu xung quanh các bạo lực phổ biến trong nhiều hoạt động của giới trẻ và sự kiện thanh niên với thiếu nữ dùng chất kích thích và ma túy. Cả hai yếu tố này dường như là triệu chứng của căn bịnh trầm kha. Cũng giống như tất cả các bịnh khác phải là kết quả của những nguyên nhân nào. Chúng ta phải tìm ra cho được nguyên nhân này khi trước khi chúng ta nghĩ cách điều trị thế nào.

19. Giai Tầng Văn Hóa

Hầu hết các quốc gia trong thế giới hiện đại dường như có ba giai tầng văn hóa rõ ràng:

(i) Văn hóa truyền thống trong quan điểm bảo tồn đạo đức mà cũng được gọi là nền văn hóa tiêu chuẩn cố gắng để duy trì các giá trị cổ xưa đã được trắc nghiệm bằng thực tế.

(ii) Văn hóa hiện đại trong quan điểm tự do, xã hội kỹ thuật hiện đại phát triển, văn hóa này cố gắng thích nghi với những thay đổi đang xảy ra quanh nó với tốc độ nhanh khủng khiếp.

(iii) Tạm gọi là văn hóa đối lập, đại diện cho tâm tưởng của một số thanh niên hip-pi tóc dài bù sù đang đặt vấn đề về lòng tin và giá trị, với thiên hướng thích nhạc Rock, quan hệ tình dục tự do, đắm mình trong ma túy, trở lại kiểu sống cộng đồng bộ lạc, sống với tự nhiên mà chúng gọi là "vẻ đẹp tuyệt đối."

Nhóm văn hóa đối lập này nói chung bị hai nhóm văn hóa trên kinh sợ và ghê tởm. Tuy nhiên, có những người sau khi đã nghiên cứu tỉ mỉ về nhóm văn hóa đối lập này, vẫn cho rằng quan niệm phổ biến ưa thích này là sai lầm thiển cận và hành vi phi chính thống của chúng chỉ là một phương tiện phản đối mà hoàn toàn do định kiến và sự tự hưởng thụ thúc đẩy.

Vì vậy như những gì đã được trình bày ở trên, cái gì nên được coi là quan điểm tôn giáo đối với con người ở thời hiện đại? Ai là người được tìm thấy ở mọi nơi trong phạm vi lớn hoặc nhỏ? Chắc chắn rằng, đó phải là thái độ bao dung và thông cảm, nhưng trên hết có lẽ là thái độ hiểu biết, uyển chuyển và thích nghi.

Chúng ta nên nhớ rằng một số nhà lãnh đạo tôn giáo đã có cuộc cải tổ nội bộ. Chẳng hạn Ðức Phật là một trong những nhà đại cách mạng trong lịch sử nhân loại. Ngài đã phủ nhận mọi sự nhân danh mà cacù tôn giáo dựa vào và đã đề ra một định hướng tôn giáo hoàn toàn mới. Ngài đã phủ nhận tính thẩm quyền của các kinh Vệ đà và quyền năng của giáo hội Ấn Giáo. Ngài đã bác bỏ ảo tưởng cho rằng các vấn đề nhân loại có thể được giải quyết bởi việc tế lễ và bùa chú. Ngài là kẻ thù của hệ thống giai cấp mà trên đó toàn bộ cấu trúc xã hội Ấn Ðộ dựa vào. Ngài bị bôi nhọ, khủng bố. Mọi thứ đều nhắm vào Ngài, bởi vì ngài đã đứng trên lẻ phải, công bằng mà cải tổ cách mạng tại toàn bộ hệ thống phân chia giai cấp đó.

20. Các Ðặc Tính Nổi Bật

Suốt 2500 năm lịch sử, Phật giáo đã liên tục đối mặt với nhiều thách thức. Tính uyển chuyển và bao dung là một trong những đặc tính nổi bật của Phật giáo. Phật giáo không có phân chia giai cấp và giáo điều khắc khe. Các nền văn hóa và văn minh đã chứng minh ảnh hưởng tính nhân bản của Phật giáo đối với nhân loại và Phật giáo ngày càng phát triển trên thế giới. Thông điệp Phật giáo cho con người hiện đại vẫn còn hiệu nghiệm như lúc Ðức Phật còn tại thế. Phật giáo không có hứa hẹn rằng có thể làm giảm hết bịnh khổ của nhân sinh trong những phương cách nền tảng nào đó với các tổ chức xã hội rộng lớn. Trong sự phủ nhận bất kỳ tội lỗi vốn có của con người, Phật giáo tuyên bố rằng sự giải thoát là công việc cá nhân và chỉ có thể đạt được do đức hạnh và sự tu dưỡng tâm linh. Toàn bộ lời dạy của Ðức Phật đã được Ngài tóm tắt như sau:

"Tránh làm các điều ác,
Vâng giữ các điều lành,
Làm thanh tịnh tâm ý,
Ðây là lời Phật dạy."

21. Chủ Nghĩa Thực Dân

Suốt 4,5 thế kỷ vừa qua, Phật giáo ở các nước thuộc địa châu Á đã bị khổ đau bởi các cuộc chiến tranh cả trong lẫn ngoài và bởi những người đi theo tôn giáo khác tìm cách phá hoại Phật giáo. Tăng đoàn Phật giáo đã cố gắng giữ sự sống còn của giáo lý và đã được sự ủng hộ của những người có quyền thế thì nay đã bị yếu kém và rối loạn như là kết quả của những thế lực đàn áp Phật giáo.

Nhưng nhìn chung tình hình Phật giáo ngày một sáng sủa hơn. Cộng đồng Phật giáo đã thành lập những tổ chức như: Hội Hữu Nghị Phật Giáo Thế Giới (WFB), Hội Ðồng Tăng Già Thế Giới (WSC), đã kết hợp đại thừa và nguyên thủy Phật giáo để cùng chung một chương trình hành động. Vấn đề lớn của nạn thất học và nghèo đói trong quần chúng Phật giáo cũng được vượt qua phần nào. Tăng đoàn cũng được giáo dục để tiếp thu những nhu cầu hiện đại. Phật giáo không bao giờ là một tôn giáo thụ động và cứng nhắc mà Phật giáo là một trong những năng lực văn hóa vĩ đại nhất của thế giới.

* * *

[Dịch từ nguyên tác tiếng Anh "Buddhism and Problems of the Modern Age", của giáo sự tiến sĩ G.P.Malalasekera đăng trong tuyển tập Gems of Buddhist Wisdom (Những Viên Ngọc Trí Tuệ của Phật Giáo), do CBBEF xuất bản tại Ðài Loan, năm 1997, trang 69-88]

-ooOoo-


Source: Ðạo Phật Ngày Nay, http://www.buddhismtoday.com/


[Trở về trang Thư Mục]