BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Sáu pháp tạo nên sự hòa hợp trong đời sống cộng đồng

Thích Huệ Nghĩa


Là một phương pháp mà từ thời Ðức Phật đã áp dụng làm kim chỉ nam trong Tăng đoàn, đã đem lại hiệu quả ổn định trong nếp sinh hoạt của người xuất gia, cho đến ngày nay nó vẫn là giá trị tuyệt đối và thiết thực với những ai thực hành theo đó. Ðó là phương pháp Lục Hòa, chúng ta hãy tìm hiểu nó như thế nào?

Trước tiên chúng ta hiểu thế nào là Lục Hòa? Ðó là sáu phương pháp hòa kính cư xử với nhau trong sự hòa hợp từ vật chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm. Là sáu điều hòa hợp đem đến lợi lạc và an vui cho chúng ta.

1/- Thân hòa đồng trụ (Thân hòa cùng ở)

Tức là sống chung một gia đình, một tập thể v.v... phải hòa thuận, đoàn kết, thương yêu nhau. Vì sống trong một gia đình nếu gia đình ấy cứ tối ngày đánh lộn, không biết đoàn kết thương yêu nhau thì sự chia ly, khổ đau sẽ luôn luôn hiện hữu đến với gia đình ấy. Xa hơn nữa là ngoài xã hội, nếu xã hội ấy không biết tôn trọng lẫn nhau, quý mến nhau thì xã hội ấy lúc nào cũng tội ác gia tăng, con người trở nên độc ác, hiềm khích lẫn nhau, sự chung sống nơi ấy không được yên ổn, từ sự không yên ổn dẫn đến nhiều nổi khổ khác dấy khởi v.v.. Sống chung trong một đất nước, mà đất nước ấy luôn luôn lúc nào cũng bất ổn, biểu tình, bạo động làm cho các nhà lãnh đạo phải đau đầu, người dân khốn khổ v.v.. thì quốc gia ấy sớm muộn gì cũng xảy ra cảnh huynh đệ tương tàn, đầu rơi máu chảy. Vì thế sự hòa thuận, cùng sống chung trong một môi trường là rất cần thiết, đem lại sự bình yên, thịnh trị, nhân dân được ấm no, hạnh phúc.

2/- Khẩu hòa vô tranh (lời nói hòa hiệp, không tranh cải nhau)

Lời nói phải được giữ gìn, ôn hòa, nhã nhặn, không được rầy rà cải cọ. Có người đã hơn thua từng câu nói để dẫn đến cảnh anh em xa lìa, vợ chồng ly tán, cha con thành thù nghịch. Cũng vì một lời nói không hòa, phĩ báng lẫn nhau mà dẫn đến nhiều quốc gia lâm vào cảnh chiến tranh và hiện nay nó đang là nổi thống khổ của các dân tộc trên thế giới. Cho nên ông bà ta có dạy: "Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau" hoặc Trang Tử có câu: "Trước khi nói nên uốn lưởi bảy lần". Ðược như thế thì sự an lạc sẽ đến với mình và cộng đồng xã hội. Cho nên có câu:

"Miệng ta là cánh hoa sen
Một khi hé nở, một phen thơm lừng
Tiếng ta là gió mùa xuân
Một khi thổi nhẹ muôn dân mát lòng",

3/- Ý hòa đồng duyệt (Tâm ý cùng vui)

Trong Ðạo Phật, khi nói đến ý thì nó được xem là quan trọng nhất, vì nó là đầu mối cho thân và miệng hành động cho nên duy thức học gọi ý là: "Công vi thủ, tội vi khôi", nếu xét về công, thì đứng đầu, xét về tội thì cũng đứng trước.

Bởi vậy từ gia đình cho đến đoàn thể, xã hội mỗi người cẩn thận trong ý tứ, nếu ý hiền hòa, cởi mở thì thân và lời nói dễ giữ được hòa khí. Trái lại nếu ý tứ bất hòa, thì sự hòa ấy như lớp sơn tô lên gổ mục. Nên Phật dạy "Không chấp người, không chấp ta, đạt đến sự vô chấp thì mới thật sự hòa thuận với nhau". Hòa thuận bằng thái độ vô chấp là hình thức khác của hạnh hỷ xã, nghĩa là bỏ ra ngoài những buồn, giận mà kẻ khác gây tạo.

4/- Giới hòa đồng tu (Giới hòa cùng tu)

Ðối với Phật tử tại gia cũng như xuất gia thì Ðức Phật chế ra năm giới để ngăn chặn những hành vi ác, bất thiện và nó là năm giới căn bản để giúp cho chúng ta có một đời sống an ổn, đúng chánh pháp. Nói rộng ra bất kỳ trong một gia đình, một đoàn thể, một xã hội v.v... bao giờ cũng lấy kỷ luật, nội quy làm đầu. Vì sao vậy? Vì nếu trong một gia đình không có phép tắc, không có kỷ cương, thì người thân đôi khi là người thù, cha con mất tình nghĩa, sự tôn trọng lẫn nhau không còn nữa mà thay vào đó là những sự thù hận, ghét bỏ v.v... cũng vậy đối với xã hội, quốc gia nếu không có kỷ luật thì xã hội ấy, quốc gia ấy sẽ hỗn loạn, con người sống vô đạo đức, tội ác gia tăng v.v... Ðó là nói đến giới hòa.

5/- Kiến hòa đồng giải (Thấy biết cùng nhau giải bài)

Khi chúng ta sống chung trong một gia đình, tập thể, xã hội v... khi thấy biết điều gì hay phải chỉ bảo, giải bày cho người khác cùng hiểu, lòng ích kỷ hẹp hòi là nguyên nhân của sự xung đột, chiến tranh, không thông cảm cho nhau.

Ðức Phật dạy ví như con voi chúng ta là những kẻ mù. Nếu tổng hợp được các ý nghĩa đó, chúng ta có thể hiểu một cách chính xác hơn. Ðiều hành một quốc gia, chúng ta vạch rõ đường hướng kinh tế v.v... cho mọi người cùng hiểu và thực hiện tốt đẹp. Ðó cũng là "Kiến hòa đồng giải". Ngoài các trường lớp chính qui, chúng ta còn thấy những lớp học tình thương, lớp bổ túc văn hóa v.v... phải chăng xã hội đã đi đúng lời Phật dạy một cách tốt đẹp, còn rất nhiều điều để chúng ta hòa thuận giãi bày cho nhau.

6/- Lợi hòa đồng quân (Quyền lợi cũng chia đều nhau)

Có tài lợi vật thực, đồ dùng phải phân chia cho cân nhau hay cùng nhau thọ dụng, không được chiếm làm của riêng hay giành phần nhiều về minh. Ðức phật dạy: "Có tài lợi, nên tùy thuận chia sớt cho nhau". Vì chúng ta hiểu rằng cuộc đời là vô thường, giàu sang phú quý trong nhân gian, như hạt sương đọng trên cành hoa, thì chắc chắn sự chênh lệch giữa giàu và nghèo sẽ bớt đi nhiều lắm, nhân loại sẽ bớt xung đột nhau hơn. Ðức Phật nói: "Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ và dòng nước mắt cùng mặn". Sở dĩ có sự giàu nghèo là do sự sai biệt bởi nhân quả, hãy gieo nhân bố thí để có kết quả giàu sang. Chúng ta thường nghe "Nhường cơm xẻ áo", "Tổ chức lương thực thế giới" "Hội Từ Thiện" v.v... Ðó là đã thể hiện được tinh thần của "Lợi hòa đồng quân".

Như vậy, nếu chúng ta thực hành một cách triệt để 6 điều Hòa Kính này thì chắc chắn trong một đoàn thể, gia đình sẽ hòa thuận, hạnh phúc, xã hội được an hòa, thịnh vượng, thế giới hòa bình, an lạc.

-oOo-


Source: Buddhism Today, http://members.nbci.com/budtoday/


[Trở về trang Thư Mục]