BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times
font
"Pháp Phật sâu mầu
chẳng gì hơn, Pháp Phật sâu mầu làm sao! Ðó là những định luật của thiên nhiên quanh ta, trùm phủ ta. Nếu ta có thể cảm nhận được pháp là sâu mầu, vẹn toàn, ta là người may mắn biết bao vì còn tìm ra được trong vũ trụ này một điều hoàn toàn duy nhất. Ngoài ra, không có gì hoàn hảo, cũng không có gì gần đến chỗ hoàn hảo. Nếu ta có thể đặt hết cả lòng tin yêu vào Pháp, tin tưởng mãnh liệt vào sự sâu mầu, hoàn hảo của Pháp thì ta đã tìm ra được những gì không thể so sánh, nghĩ bàn. Nhưng hiểu được nghĩa của pháp hoàn toàn tùy thuộc vào từng cá nhân. Dù Phật đã giảng Pháp bằng lòng từ bi đối với chúng sanh, nhưng ta phải tự hiểu bằng chính cái nhìn nội tâm của mình. "Trăm ngàn muôn kiếp" có nghĩa là không bao giờ ta quên Phật Pháp, ta cảm nhận Pháp trong từng giây phút. Sự cảm nhận này giúp ta kiểm soát từng hành động, lời nói của mình trước khi chúng trở thành lời nói, hành động không hay. Khi chúng ta nhận thấy mình có những tánh thiện, hãy nuôi dưỡng chúng; với tánh xấu, ta phải chuyển đổi, thay bằng tánh tốt. Khi ta tin và nghĩ tất cả mọi suy nghĩ của mình đều đúng, tức là ta không biết Pháp. Không có gì hoàn toàn đúng, chỉ là những cái đến rồi đi của sự việc. Ta cũng không cần Ðức Phật phải còn tại thế mới có thể hành theo giáo lý của Ngài. Có người cảm thấy cần phải gặp thầy, tốt hay pháp tu hoàn hảo mới có thể tu được. Ðiều đó khó thể có được, các pháp thay đổi không ngừng, không có gì cố định. Khi ta bám víu vào đó, coi chúng là ngã, hay ngã sở, thì ta sẽ nghe theo bất cứ điều gì tâm bảo ta, không phân biệt phải trái. Ta sẽ bám víu vào thân, cảm thọ, suy tưởng, coi đó là ta, là của ta. Ðiều ta cần làm là hãy nép qua một bên, làm người quan sát tất cả mọi chuyển biến trong ta. Hiểu được Pháp, ta sẽ biết hướng vào nội tâm của mình. Khi ta đến với Phật Pháp, không phải là để chiêm ngưỡng chánh điện, bái lạy hình tượng Phật trên tòa sen, mà là để cảm nhận vạn pháp tràn dâng trong ta. Cấu uế cũng như sự thanh tịnh đầy trong tâm trí ta. Các pháp là các vị thầy của ta, đều đến rồi đi, chẳng bao giờ dừng. Tất cả những giờ phút tỉnh thức của ta đều có thể là những vị thầy truyền pháp cao siêu, nếu ta biết nhìn chúng như thế. Tâm ta luôn bận rộn nhớ tưởng, dự tính điều này, điều nọ, mơ mộng phán đoán. Chúng ta cũng có thể khiến thân mình bận rộn bằng cách khiến nó lượm những hòn đá nhỏ, liệng xuống hồ nước cả ngày như thế. Nhưng ta thấy làm thế là vô ích, lãng phí sức lực, nên ta khiến nó làm những việc lợi ích hơn. Ta cũng có thể làm như thế với tâm. Thay vì suy nghĩ điều này, thứ kia, khiến cho bao nhiêu phiền não trổi dậy, ta cần hướng tâm đến những việc làm hữu ích hơn, như là quán chiếu về những cái ta ghét, những thứ ta thương, các ái dục, cũng như lòng sân hận, tư tưởng quan điểm của ta. Khi tâm tự quán chiếu, nó không tạo tác các pháp. Nó không thể làm cả hai việc cùng một lúc. Và càng quán sát, tâm càng trở nên khách quan hơn. Ðó là lý do tại sao Ðức Phật dạy rằng chánh niệm là phương cách hữu hiệu nhất để làm cho tâm được thanh tịnh. Sự quán sát rõ ràng, không ngừng nghỉ của các hiện tượng (pháp) dấy khởi, dần dần sẽ cho ta thấy chúng chỉ là kết quả của những biến động của thân tâm. Nhưng muốn được như thế ta phải là một quan sát viên cần mẫn, nếu không ta sẽ khó thể nhận biết những khía cạnh này của thân tâm, và sẽ không thể biết pháp luôn chuyển hoá, dù ta bước vào con đường đạo. Hơn nữa, mỗi người phải tự cảm nhận Phật Pháp cho riêng mình, chúng ta có thể đọc tụng kinh điển, nghe thuyết giảng, nhưng nếu ta không tự thân theo dõi, quán sát những sự ứng hiện của vạn pháp, ta sẽ không thể hiểu Pháp của Ðức Phật. Vì Pháp chỉ có thể được hiểu bằng nội tâm sâu lắng của riêng mỗi chúng sanh. Mỗi người phải tự trải qua kinh nghiệm đó. Thiền quán giúp ta soi rõ nội tâm để biết tại sao ta ưa thích điều này, ghét bỏ điều kia. Chỉ có như thế mới giúp ta hiểu được pháp. Thiền quán cũng giúp ta có khái niệm rõ ràng về Vô thường (anicaa), vì những điều ta thích hay không thích đều luôn thay đổi. Ta sẽ thấy cả thân và tâm đều làm ta Ðau khổ (dukkha). Khi tâm ta không vận hành bằng một sự tỉnh thức trong sáng, thấu đáo, nó sẽ tạo nên đau khổ. Chỉ có những tâm trong sạch, không tính toán là tránh được nhiều phiền não, khổ đau. Thân có thể gây đau khổ cho ta bằng nhiều cách vì thân không bao giờ chịu ngồi yên. Biết rõ điều đó, sẽ cho ta thêm nghị lực để tự tìm hiểu Pháp cho chính mình. Trí tuệ phát xuất từ bên trong, bằng chính những kinh nghiệm hiểu biết của bản thân mỗi người. Chỉ có kiến thức hay nghe từ người khác không chưa đủ. Trí tuệ cũng đồng nghĩa với sự trưởng thành, nhưng không do tuổi tác đem lại. Tuy rằng một số kinh nghiệm sống cũng có ích, nhưng không phải là điều kiện tất yếu. Trí tuệ là sự hiểu biết của nội tâm, tạo cho ta niềm tự tin. Ta không cần phải có sự tán thán, khen thưởng của bất cứ ai, chỉ tự chính ta biết mình như thế. Ði theo con đường Ðạo cũng giống như đi trên sợi dây cheo leo. Ta phải khéo léo để giữ cân bằng, vì mỗi lần hụt bước là mỗi lần nguy hiểm cho tính mạng. Khi mới bắt đầu, ta còn chưa biết cách giữ thăng bằng, ta nghiêng qua ngả lại, quay bên nọ bên kia. Ta cảm thấy bị hạn chế, gò bó trên sợi dây đó, không được sống, chạy nhảy theo ý mình. Vì để đi được trên sợi dây đó, ta cần rất nhiều chánh niệm. Những sự ràng buộc lúc đầu khiến ta cảm thấy khó chịu, nhưng sau này nó giúp ta đi được trọn con đường. Cũng thế, muốn giữ được Chánh Pháp trong tâm, ta cần phải luôn tỉnh thức. Sự tỉnh thức đó giúp ta nhận ra "Pháp Phật sâu mầu chẳng gì hơn". Không có của cải thế gian nào có thể sánh với giá trị của Phật Pháp. Và mỗi chúng ta đều có thể làm chủ của báu vật vô giá này. Chúng ta có duyên lành mới được gặp Phật Pháp. Mỗi sáng khi thức dậy, hãy tự nhắc nhở mình rằng: Do duyên lành từ nhiều kiếp, ta mới được tu học theo Giáo Lý của Ðức Phật. Diệu Liên dịch -oOo- |
Source: LotusNet Production, http://www.lotuspro.net/