BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Con Ðường Hạnh Phúc

Thích Kiến Hạnh


Sau cuộc chiến đấu kỳ diệu, phi thường kéo dài hơn sáu năm, không có một sự hỗ trợ bên ngoài, không được hướng dẫn của một năng lực siêu phàm nào, cô độc một mình và chỉ nương mình vào trí tuệ cùng sự nổ lực của tự thân, Sa môn Gotama, đã đoạn tận toàn bộ tham sân si, đoạn tận khổ uẩn. Cuối cùng, Ngài đã chứng ngộ được thực tướng của các pháp và đã trở thành một vị Phật, một đấng toàn giác.

Như lời đức Phật dạy, chân lý mà Ngài đã giác ngộ và chứng đắc - không phải là là một sự tình cờ may rủi, cũng không phải được mặc khải bởi một năng lực siêu nhiên, mà đó là kết quả của một quá trình tự nổ lực tu tập; tự mình khám phá ra. Chơn lý ấy đã được tự thân đức Phật thực chứng qua quá trình chiêm nghiệm trước thực tế khổ đau của con người.

Theo Ngài, tất cả những thành tựu ấy đều hoàn toàn là do nổ lực và trí tuệ của con người. Con người, và chỉ có con người mới có khả năng thể nhập được chân lý để trở thành một vị Phật. Chơn lý mà Ngài đã thực chứng và giảng dạy cho chúng ta hành trì, ấy là con đường Trung đạo, bao gồm ba pháp Giới - Ðịnh - Tuệ.

Giới Ðịnh Tuệ là con đường, là phương pháp mà đức Phật đã chứng đắc và giảng dạy cho chúng ta để chúng ta có thể nương theo đó mà tu tập, tự giải thoát ra khỏi mọi khổ đau; mọi sự trói buộc của phiền não, để cuối cùng có thể thành tựu được mục tiêu giải thoát tối hậu. Ðức Phật không bao giờ tự xem mình là" Ðấng cứu thế", có quyền năng trừng phạt hay cứu vớt kẻ khác bằng ơn huệ của mình. Ngài dạy: "Các ngươi hãy làm công việc của các ngươi, đức Như Lai chỉ là bậc Ðạo sư chỉ dạy con đường".

Ngài luôn khích lệ những ai hoan hỹ và tự nguyện bước theo những dấu chân của Ngài. Thái độ cầu khẩn, ỷ lại, nương tựa tha nhân, thậm chí là thần linh, đều luôn luôn bị đức Phật chỉ trích. Trong giáo lý của Ngài, vị trí của con người là tối thượng, cuộc sống khổ đau hay hạnh phúc đều do con người tự chịu trách nhiệm và tạo lập lấy. Ngài dạy: "Này các Tỳ kheo, các thầy hãy là ngọn đuốc của chính mình, hãy là nương tựa của chính mình. Các thầy đừng phó thác vào một chốn dung thân nào khác, hãy lấy chánh pháp làm ngọn đèn, làm nơi nương tựa".

Ðức Phật đã minh định rõ ràng mối tương quan giữa Ngài đối với hàng môn đồ. Ngài đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tự mình nhận lãnh trọn vẹn trách nhiệm là khổ đau hay hạnh phúc của tự thân. Do vậy, đi trên con đường, đi đúng con đường giải thoát là phần của người đệ tử chân thành muốn thoát ra khỏi những bất hạnh của cuộc sống, của con người để đạt đến chân hạnh phúc tối hậu. Nhưng muốn đi trên con đường ấy, muốn đi đúng trên con đường ấy, người hành trì phải hiểu đúng, biết đúng (Chánh Kiến - Chánh Tư duy), mới có thể thành tựu được kết quả do con đường ấy mang lại, như là lời đức Phật dạy: "Các Tỳ kheo, Ta nói rằng sự diệt trừ các kiết sử, cấu uế và đoạn tận khổ đau là dành cho người biết và người thấy, không phải là dành cho người không biết không thấy".

Ðến với đạo Phật, vấn đề quan trọng không phải là đến và tin, mà phải là đến để thấy và biết. Vì một niềm tin nếu không được xây dựng trên cái thấy, cái biết đúng pháp (tức Chánh Kiến - Chánh Tư duy), thì niềm tin ấy sẽ là niềm tin mù quáng và tiêu cực, không mang đến sự đoạn tận khổ đau.

Là người Phật tử, chúng ta phải nhận thức rõ ràng rằng, không phải chỉ có niềm tin suông vào đức Phật là mình sẽ có thể trở nên trong sạch hay thanh tịnh, mà niềm tin ấy cần phải đặt trên nền tảng của trí tuệ. Không ai - dù là đức Phật - có đủ quyền năng để gột rửa bợn nhơ, cấu uế của kẻ khác. Nói một cách chính xác hơn, không ai làm cho kẻ khác được thanh tịnh hay cấu uế, nhơ bẩn.

Ðức Thế Tôn đã dạy:

" Chỉ có ta làm điều tội lỗi,
Chỉ có ta làm cho ta ô nhiễm,
Chỉ có ta tránh điều tội lỗi,
Chỉ có ta gột rửa cho ta,
Trong sạch hay ô nhiễm là tự nơi ta,
Không ai có thể làm cho người khác trong sạch ".

Ðối với đạo Phật, một hành giả đi tìm kiếm chơn lý, tìm hạnh phúc, cần phải xác định lòng tin của mình trên căn bản của cái thấy đúng và biết đúng, không tin bất cứ điều gì khi những điều ấy chưa được xét đoán kỹ càng, suy luận cẩn thận. Như thế, khi chúng ta đã đặt lòng tin vào Phật pháp, đã lấy chánh pháp làm ngọn đèn làm nơi nương tựa cho tự thân, thì việc tìm hiểu, nghiên cứu, học hỏi và hành trì giáo lý Giới Ðịnh Tuệ - là một việc làm cần thiết và chơn chánh đối với chúng ta.

Khi chúng ta hiểu đúng, biết đúng và hành trì đúng con đường giải thoát này, thì hạnh phúc có mặt trên từng bước đi của mỗi chúng ta.

Mùa Hạ năm 2000

-oOo-


Source: Ðạo Phật Ngày Nay, http://members.nbci.com/budtoday


[Trở về trang Thư Mục]