BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Suy niệm về ý nghĩa phụng thờ Ðức Phật

Thích Phước Ðạt


Sự kiện Ðức Phật Bổn Sư Thích Ca ra đời là sự kiện có một không hai trong lịch sử loài người. Bằng con đường tự thân tu tập, tự thân chứng ngộ giải thoát, Ngài đã lên đường thuyết pháp độ sanh, trao truyền chánh pháp cho mọi chúng sanh, ở mọi nơi. Hay nói khác đi, Ðức Phật đã xây dựng vương quốc trí tuệ (Dhammacakha-pavattana), hình thành ngôi Tam Bảo với mục đích là vì hạnh phúc an lạc cho chư Thiên và loài Người.

Trong ý nghĩa đó, hình ảnh Phật, Pháp, Tăng là hình ảnh hội tụ đầy đủ: một con người đã và đang trở thành bậc giác ngộ giải thoát; pháp môn tu tập "Giới, Ðịnh, Tuệ"- con đường dẫn đến chứng đạt chân lý đã đang được vị ấy giới thiệu, thuyết giảng, và tất nhiên chính vị ấy đang hành trì để thể nhập vào dòng sống tuệ giác Vô thượng Bồ đề. Xem ra, việc tôn trí thờ phụng hình ảnh Ðức Phật trong các ngôi chùa, tự viện, tịnh thất, bảo tháp, tư gia để chiêm bái, lễ lạy chính là việc làm đem Ðức Phật từ trong tận đáy lòng mỗi cá thể ra bên ngoài để cung nghinh vào nơi thiêng liêng nhất mà phụng sự ngôi Tam bảo cao quý. Từ đây, cứ mỗi lần nghiêng mình năm vóc sát đất thành tâm kính lễ Tam bảo là mỗi lần chúng ta suy niệm về Ngài để đánh thức Tuệ giác, ngõ hầu thực thi con đường giác ngộ mà Ðức Phật mà các bậc Thánh đã đi qua.

Từ sau khi Ðức Phật nhập Niết bàn, việc tôn trí hình ảnh Ðức Thế Tôn bằng tranh, tượng để phụng thờ chiêm bái, đảnh lễ đã hiện hữu khắp nơi. Từ Ðông sang Tây, từ Bắc chí Nam, đâu đâu cũng có chân dung Ngài hiện diện ở nơi tôn nghiêm nhất. Ngay tại nước ta, không phải ngẫu nhiên mà mô hình:"Ðất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt"từ thuở xưa được thiết lập, xây dựng, phát triển trên khắp mọi miền đất nước qua từng giai đoạn thời kỳ để trang nghiêm quốc độ. Ðây chính là công trình kiến tạo môi trường sống an lành, xây dựng mẫu người trí tuệ, giàu lòng yêu thương trong nếp sống đạo đức Phật giáo bằng giai trình thực nghiệm tâm linh Giới-Ðịnh-Tuệ. Có rất nhiều bản kinh trong Nikaya (*) ghi lại sự chứng đạt chân lý tối hậu này rất rõ. Ðó là hình ảnh Ðức Phật Thích Ca - một con người cụ thể, nhờ công phu tu tập bản thân, Ngài đã trở thành bậc Chánh đẳng giác, Trầm tư về pháp thoại giữa Bà-la-môn Dona và Ðức Phật trong kinh Tăng Chi II, chúng ta mới thẩm thấu hết ý nghĩa tại sao chúng ta phải tôn trí thờ phụng Ðức Phật để đảnh lễ, cúng dường, chiêm bái. Kinh ghi lại, Bà-la-môn Dona đã hỏi Thế Tôn khi thấy dấu chân Ngài đầy đủ chi tiết bánh xe pháp luân khác thường:

-"Có phải Ngài là một vị Tiên, Ngài sẽ là Càn thát bà. Ngài sẽ là Dạ xoa, Ngài sẽ là loài Người?".

Và Ðức Thế Tôn đã trả lời:

-"Này Bà-la-môn, đối với những người chưa đoạn tận các lậu hoặc, ta có thể là chư Thiên với các lậu hoặc đã đoạn tận, được chặt đứt từ gốc rễ, được làm thành như cây Ta la, được làm cho không thể hiện hữu, được làm cho không thể sanh khởi trong tương lai. Này Bà-la-môn, đối với những người chưa đoạn tận các lậu hoặc. Ta có thể là Càn thát bà, Ta có thể là Dạ xoa, Ta có thể là loài Người, với các lậu hoặc đã đoạn tận, được chặt đứt từ gốc rễ, được làm thành như cây Ta la, được làm không thể hiện hữu, được làm không thể sinh khởi trong tương lai...".

Như vậy, tuỳ theo cấp độ tu chứng, đoạn trừ lậu hoặc của mỗi chúng sanh được đề cập mà Ðức Phật được gọi là chư Thiên, là Càn thát bà, là Dạ xoa, là Người trong ý niệm đã đoạn tận tất cả lậu hoặc. Thế thì, Ðức Phật cũng hiện thân một con người như mọi người, nhưng con người lậu hoặc đã được rũ sạch nhờ công phu tu tập:

--"Ví như này, Bà-la-môn, bông sen xanh, bông sen hồng hay bông sen trắng sanh ra trong nước, lớn lên trong nước, vươn lên khỏi nước và đứng thẳng, không bị thấm nước. Cũng vậy, Bà-la-môn, sanh ra trong đời, lớn lên trong đời, Ta sống chinh phục đời, không bị đời thấm ướt. Này Bà-la-môn, Ta là Phật hãy như vậy thọ trì"

Thế nên, Ðức Phật từ trong cõi lòng chúng ta, sẽ được tôn trí trang nghiêm trên ngôi bảo điện tại chùa, tại bửu tháp hay tại tư gia để phụng thờ, đảnh lễ cúng dường mọi nơi, mọi lúc. Chỉ có như vậy, tự tánh Bồ đề giác ngộ mới được hiển bày để tự thân giải thoát, chứng đạt chân lý như Ðức Phật đã từng chứng ngộ ngay giữa cõi đời này.

Mỗi lần chiêm nghiệm về Ðức Phật là mỗi lần nhớ nghĩ về công hạnh của Ngài, giaó pháp của Ngài để thực thi hành trì, thể nhập vào dòng sống thánh thiện tuệ giác vô thượng. Hay nói cách khác, mỗi lần lễ lạy, suy niệm về Ngài là mỗi lần cung nghinh Ðức Phật đang thờ tự tại chùa, tại bửu tháp hay tại tư gia vào nội tâm chính mình để tự thân dõng mãnh tinh tấn hành trì giaó pháp đoạn tận khổ đau mà Ðức Phật đã giảng dạy. Vấn đề tối hậu là tự thân mỗi người cần phải tự tu, tự hành trì chánh pháp, quyết định cho sự thăng chứng, giải thoát. Kinh Tương Ưng III, Ðức Phật dạy: "Hãy sống tự mình làm hòn đảo cho chính mình, này các Tỳ kheo, hãy nương tựa chính mình, không nương tựa ai khác. Hãy lấy chánh pháp làm hòn đảo, hãy lấy pháp làm nơi nương tựa, không nương tựa một ai khác ". Ðấy chính là nếp sống hướng thượng, thường xuyên đánh thức tuệ giác, quán chiếu các pháp để phân biệt pháp nào là thiện cần phải hành trì, pháp nào bất thiện cần phải đoạn tận để chứng đạt và an trú, thiết lập lòng tịnh tín đối với tự thân như Ðức Thế Tôn đã từng dạy các Kalama:

"Này các Kalama, chớ có tin vì nghe truyền thuyết, chớ có tin vì theo truyền thống, chớ có tin vì nghe người ta nói, chớ có tin vì được kinh tạng truyền tụng, chớ có tin vì nhân lý luận, chớ có tin vì nhân suy luận, chớ có tin sau khi suy tư về những sự kiện, điều kiện, chớ có tin theo thiên kiến, định kiến, chớ có tin vì thấy thích hợp, chớ có tin vì vị Sa môn là bậc Ðạo sư của mình. Nhưng này Kalama, khi nào tự mình biết rõ như sau: Các pháp này là bất thiện, các pháp này là có tội. Các pháp này bị người trí chỉ trích, các pháp này nếu thực hiện và chấp thuận, đưa đến bất hạnh khổ đau. Thời này Kalama, hãy từ bỏ chúng... Nhưng này Kalama, khi nào tự mình biết như sau: Các pháp này là thiện, các pháp này là không có tội. Các pháp này được người trí tán thán, các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến hạnh phúc an lạc, thời này các Kalama, hãy chứng đạt và an trú".

Tất nhiên, Giới Ðịnh Tuệ là con đường đưa đến sự giải thoát, chứng nhập Niết bàn. Mỗi bước đi của Giới, Ðịnh, Tuệ là mỗi bước đi ra ngoài vùng tâm lý rối loạn tâm linh, làm hiển bày chủng tử Phật tánh vốn có nơi mỗi người. Tự đây tự thân từng cá thể sống và tu tập, thành tựu pháp chánh hạnh, từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, biết làm quý, có lòng từ, sống biết thương xót tất cả chúng sanh và các loài hữu tình; từ bỏ lấy của không cho, tránh xa lấy của không cho, chỉ lấy những vật đã cho, tự sống thanh tịnh, không có trộm cướp, từ bỏ sống không phạm hạnh, sống phạm hạnh; từ bỏ dâm dục, sống không dâm dục; từ bỏ nói láo, nói lời chân thật, nói đúng chánh pháp, từ bỏ nếp sống ăn phi thời, ăn đúng thời, từ bỏ nếp sống hưởng dục, sống nếp sống tri túc...

Và như thế việc thờ phụng Ðức Phật có ý nghĩa vô cùng vô cùng quan trọng trong bước đường thăng chứng, giác ngộ với hàng đệ tử tại gia hay xuất gia. Việc tôn trí Phật đài, xây dựng Phật tích vườn Lâm Tỳ Ni Phật đản sanh, thành đạo, nhập Niết bàn tại các chùa tự viện hay vào các dịp lễ lớn của Phật giáo cũng không ngoài ý tưởng nói trên. Vấn đề còn lại thiết nghĩ mỗi người chúng ta là tự thân tu tập, tự thân hành trì theo chánh pháp của Ðức Phật, nhất định chúng ta sẽ giác ngộ thành Phật./.

(Tuần báo Giác Ngộ số 163, 05/1999)

(*) Các đoạn kinh được trích dẫn trong bài viết từ kinh Trung Bộ, Tăng Chi, Tương Ưng thuộc Ðại tạng kinh Việt Nam do viện nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành

-oOo-


Source: LotusNet Productions, http://www.lotuspro.net/ 


[Trở về trang Thư Mục]