BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Ðôi nét về Phật giáo tại Trung Hoa

Thích Nguyên Tạng


Trung Hoa (còn gọi là Trung quốc) là một quốc gia nằm ở vùng Trung và Ðông Á. Diện tích: 9,6 triệu km2, dân số: 1,139 tỉ người (1992). Thủ đô: Bắc Kinh. Thành phố lớn nhất: Thượng Hải. Trung Hoa hiện nay là nước đông dân nhất trên thế giới. Là một quốc gia có nền văn minh cổ đại và có nhiều phát minh khoa học đóng góp cho sự tiến bộ của nhân loại. Ngành kinh tế chính: nông công nghiệp. Nguồn tài nguyên thiên nhiên rất phong phú: than đá, dầu mỏ, quặng sắt, quặng kim... các ngành công nghiệp rất đa dạng, đặc biệt phát triển các ngành công nghiệp nhẹ và thủ công nghiệp. Phật giáo là một trong ba tôn giáo chính ở Trung Hoa.

1. Con đường và niên đại Phật giáo du nhập vào Trung Hoa (thời Hậu Hán, 25-220 TL):

Theo sử liệu cho thấy Phật giáo được giới thiệu đến Trung Hoa do các nhà buôn hay các nhà sư truyền giáo người Ấn qua các ngã đường biển và đường bộ. Về đường biển thì xuất phát từ các hải cảng vùng Nam Ấn rồi qua ngã Sri Lanka, Nam Dương để vào hải cảng Quảng Ðông. Về đường bộ, còn gọi là con đường tơ lụa (Silk road) nối liền Ðông Tây, di chuyển bằng lạc đà, xuất phát từ miền Ðông Bắc Ấn, rồi băng qua các sa mạc ở Trung Á để tới Lạc Dương (Loyang, thủ đô của nhà Hán), Trung Hoa.

Theo biên niên sử thì Phật giáo truyền đến Trung Hoa vào thế kỷ thứ 2 trước Tây Lịch từ Trung Á nhằm niên hiệu Nguyên Thọ đời vua Ai Ðế nhà Tiền Hán, nhưng Phật giáo không truyền bá rộng rãi cho đến năm 65 Tây lịch, dưới triều vua Minh Ðế (Ming Ti, niên hiệu Vĩnh Bình thứ 10 nhà Hậu Hán, 25-220 TL), thì Phật giáo mới bắt đầu cấm rễ và phát triển ở Trung Hoa. Vì muốn thần dân tu học Phật pháp nên vua Minh Ðế đã cử một phái đoàn gồm 18 người đến Thiên Trúc để thỉnh cầu hai Thiền sư người Ấn là Ca Diếp Ma Ðằng (Kàsyapama'tanga) và Trúc Pháp Lan (Dharmaraksa) đến Trung Hoa hoằng pháp. Hai vị Tăng người Ấn này đã mang đến Trung Hoa bộ Kinh Bốn Mươi Hai Chương (Sutra in 42 Sections) và trú ngụ tại Chùa Bạch Mã (Pai-ma-ssu, ngôi chùa đầu tiên ở Trung Hoa do vua Minh Ðế xây dựng, đến nay vẫn còn) ở Lạc Dương để hoằng dương Phật Pháp.

Tiếp theo sau hai ngài Ca Diếp Ma Ðằng và Trúc Pháp Lan, những nhà truyền giáo khác đến Trung Hoa là ngài An Thế Cao (An Shih-Kao), là người An Tức (Parthian, thuộc Bắc Ấn), ngài Chi Lâu Ca Sấm (Lokaksema), ngài Trúc Phật Sóc (Sangha Buddha) đến Trung Hoa vào năm 148 TL, mang theo nhiều Kinh Ðại thừa để phổ biến nơi vùng đất mới này.

2. Phật giáo Trung Hoa, thời kỳ hình thành:

Phật giáo đã thành hình và đã truyền bá rộng rãi trong dân chúng Trung Hoa dưới triều đại nhà Hán, nhưng Phật giáo trong thời kỳ này mang màu sắc pha tạp của Nho giáo và các tín ngưỡng dân gian (folk beliefs) cho dù các tư tưởng căn bản Phật giáo như Duyên sinh vô ngã, Giới định huệ, Nhân quả, nghiệp báo... đã được truyền dạy ngay từ buổi đầu. Chính ngay trong thời nhà Hán, Lão giáo (Taoism) và Phật giáo đã chính thức kết hợp hài hòa để mang đến ích lợi thiết thực cho người dân. Từ vua chúa đến thần dân đều tin và phụng thờ Phật Thích Ca và Lão Tử trên cùng một bàn thờ. Những bản kinh Phật được chuyển dịch ra Hoa ngữ đều dùng những từ ngữ của đạo Lão để giúp cho người dân dễ hiểu vào giáo lý Ðạo Phật.

Sau triều đại nhà Hán, Phật giáo đã bắt đầu ảnh hưởng vào nền văn hóa và văn chương của Trung Hoa.

3. Phật giáo trong thời kỳ Tam quốc (220-280 TL):

Sau khi nhà Hậu Hán sụp đổ, Trung quốc chia ra thành 3 nước, đó là nước Ngụy, Thục và Ngô. Phật giáo trong thời đại này chỉ phổ biến ở hai nước Ngụy và Ngô. Tại nước Ngụy, với sự xuất hiện của ngài Ðàm Ma Ca La (Dharmakàla) và ngài Ðàm Ðế đã giúp cho không khí phiên dịch Luật tạng bắt đầu khởi sắc. Hai bộ luật được chuyển dịch ra Hán ngữ trong thời kỳ là Tăng Kỳ Giới Bản và Ðàm Vô Ðức Yết Ma.

Trong khi tại nước Ngô thì có các ngài Khương Tăng Hội (Kang Seng Hui), một thiền sư người nước Khương Cư (Sogdiane, nay thuộc nước U-dơ-bếch, Liên xô cũ), ngài từng xuất gia và tu học tại Việt Nam trước khi sang Trung Hoa hoằng pháp. Ngài đến nước Ngô năm 247 (nhằm vào năm thứ 10, niên hiệu Xích Ô. Tại nơi này ngài đã thành lập trung tâm hoằng pháp Kiến Sơ, tổ chức đại giới đàn và độ người xuất gia. Tiếp đó ngài được vua Ngô Tôn Quyền ủng hộ để xây dựng Chùa Kiến Sơ và ngôi chùa này về sau đã trở thành trung tâm hoằng pháp nổi tiếng qua các triều đại như Tây Tấn, Tống, Tề, Lương, Trần, Tùy. Ngôi chùa đã từng đổi tên như Trường Khánh Tự, Phụng Hiến Tự, Thiên Hỷ Tự.....

4. Phật giáo Trung Hoa, thời Tây Tấn (265-316 TL):

Khởi đầu nhà Tây Tấn, Tư Mã Viêm lên xưng đế và đóng đô ở Lạc Dương, nhưng mãi đến năm 280, sau khi đánh tan nhà Ngô, nhà Tấn mới thống nhất được đất nước. Trong thời kỳ này, có nhiều bậc danh tăng xuất hiện để phiên dịch Kinh điển ra Hán ngữ. Ðáng chú ý là ngài Ðàm Ma La Sát (Dharmaraksa, Trúc Pháp Hộ), người đã chuyển ngữ nhiều bộ kinh quan trọng như Kinh Pháp Hoa (Saddharma-pundarika Sutra), một bộ Kinh Ðại thừa nổi tiếng mà về sau Tông Thiên Thai lấy làm kim chỉ nam để tu tập. Ngài còn dịch thêm bốn bộ kinh khác là Kinh Bát Nhã (Prajnaparamita), Kinh Duy Ma Cật (Vimalakirtidesa, kinh này về sau được ngài Cưu Ma La Thập dịch lại), Kinh Thủ Lăng Nghiêm (Surangama Sutra), Kinh A Di Ðà (Sukhavati-vyuha Sutra).

5. Phật giáo Trung Hoa, thời Ðông Tấn (317-420 TL):

Mở đầu nhà Ðông Tấn, Tư Mã Duệ xưng đế ở Kiến Xương. Phật giáo trong thời kỳ này được xem là phát triển trên cả hai phương diện cả hình thức tín ngưỡng lẫn tư tưởng triết học. Có nhiều danh tăng đến từ Ấn Ðộ và đặc biệt là ngay tại Trung Hoa lại xuất hiện nhiều tăng sĩ tài ba để đóng góp cho công trình phiên dịch và truyền bá Chánh Pháp. Nổi bật nhất là ngài Cưu Ma La Thập (Kumarajiva, 344-413), được người đời tôn xưng là Tam Tạng Pháp sư, người có công phiên dịch nhiều bộ kinh đại thừa từ Phạn ra Hán. Các dịch phẩm chính của ngài là: Kinh A Di Ðà (Amitabha Sutra, dịch năm 402), Kinh Pháp Hoa (Lotus Sutra, 406), Kinh Duy Ma Cật (Vimalakirtinirdesa, 406), Kinh Kim Cang (Vajracchedika Sutra, 407), Luận đại Trí Ðộ (Mahaprajnaparamita-Sastra, 412), Thập Nhị Môn Luận (Dvàdasadvara Sastra, 409).

Trong khi ở miền Nam thì có ngài Pháp Hiển (Fa Hsien, 337-422), một nhà chiêm bái Phật tích (399-314) và phiên dịch kinh điển. Ngài đã vượt qua sa mạc Gobi và Hy Mã lạp sơn để tới Tây vức, ngài dành 6 năm để học chữ Phạn và chiêm bái, sau đó thỉnh kinh trở về Trung Hoa. Chính sự thành công của ngài đã gợi cảm hứng cho ngài Huyền Trang hai trăm năm sau cũng lên đường đi Tây Trúc thỉnh kinh. Các dịch phẩm quan trọng của ngài gồm có: Kinh Ðại Niết Bàn (Mahaparinirvàna Sutra), và Luật Tạng (Vinaya-Pitaka), đáng kể nhất là tác phẩm Phật quốc ký (Fo kuo chi/ Record of the Buddhist countries) được xem là bộ sách giá trị ghi chép về lịch sử và văn hóa của Phật giáo Ấn Ðộ trong thế kỷ thứ 4 và 5.

Sau thời đại nhà Ðông Tấn, Trung Hoa lại tiếp tục chia đôi đất nước thành Nam và Bắc triều (420-588) cho nên Phật giáo cũng như vận nước thăng trầm theo thời gian.

6. Phật giáo ở miền Nam Trung Hoa:

Nam phần Trung Hoa [có các nước Tống (420), Tề (479), Lương (502), Trần-Tùy (589)] do các vua chúa người Hoa thống trị, đang trong thời điểm không thỏa mãn với triết học của Nho giáo, nên đã chuyển hướng, quan tâm đến giáo lý của đạo Phật. Do đó, chẳng bao lâu, Phật giáo đã ảnh hưởng sâu rộng từ cung đình cho đến làng xã Trung Hoa. Các bậc danh tăng xuất hiện trong thời kỳ này có các ngài như Tăng Già Bạt Ðà La (Shanghabhadra), Tăng Tuệ, Huyền Xướng (nước Tề), nước Tống có ngài Cầu Na Bạt Ðà La (Gunabhadra), Cương Lương Da Xá (Kàlayàsas), nước Lương với sự trị vì của Lương Võ Ðế, một ông vua tín ngưỡng Phật pháp nên trong thời kỳ này Phật giáo phát triển rất mạnh, nhiều kinh sách được phiên dịch và ấn hành, các danh tăng tại nước này có các ngài Bồ Ðề Ðạt Ma (Bodhidharma) Tăng Già Bà La (Sanghapàla), Ba La Mật Ða (Paramàntha)....

7. Phật giáo ở miền Bắc Trung Hoa:

Miền Bắc Trung Hoa [gồm các nước Bắc Ngụy (439),về sau chia thành Ðông Ngụy (534) và Tây Ngụy (535) theo sau triều Ðông Ngụy là Bắc Tề (550), và kế tiếp Tây Ngụy là Bắc Chu (536)], không do các vua chúa người Hoa trị vì, họ không theo Nho giáo, nên rất ủng hộ Phật giáo. Tuy nhiên, Phật giáo cũng đã trải qua hai kỳ pháp nạn dưới triều vua Thái Võ Ðế (thuộc nhà Bắc Ngụy, 466 TL) và vua Võ Ðế (triều đại Bắc Chu, 560 TL) nên Phật giáo tưởng có lúc đã tàn lụi nơi miền Bắc. Nhưng do có nhiều tăng sĩ đến từ Ấn Ðộ đã giúp phục hưng Phật pháp tại nơi này. Vào cuối thế kỷ thứ 4 TL, 90% dân số miền Bắc Trung Hoa (sát với Trung Á và con đường lụa) là Phật tử. Và từ nơi đây, Phật giáo đã truyền bá đi Triều Tiên, Nhật Bản và nhiều quốc gia láng giềng khác.

Trong hai thế kỷ 5 và 6 TL, các Tông phái Phật giáo Ấn độ bắt đầu truyền đến Trung Hoa, đặc biệt trong thời kỳ này các tông phái mới cũng được phát sinh tại xứ sở này. Phật giáo đã trở nên ảnh hưởng mạnh trong giới trí thức và có quyền lực ở Trung Hoa, chùa chiền được vua chúa và nhân dân thi đua xây dựng trên khắp đất nước. Do đó không có gì ngạc nhiên, khi triều đại nhà Tùy (581-618) lên ngôi sau khi thống nhất đất nước, Phật giáo đã trở thành quốc giáo (state religion) của đất nước này.

8. Phật giáo Trung Hoa, thời kỳ phát triển:

8.1 Thời đại nhà Tùy (581-618):

Thời kỳ vàng son của Phật giáo Trung Hoa tập trung vào triều đại nhà Tùy (Sui, 581-618), đây là thời kỳ kiết thiết Phật giáo Trung Hoa. Dưới triều đại nhà Tùy có nhiều vị vua kính ngưỡng và hộ trì Phật giáo như vua Tùy Văn Ðế và vua Tùy Dạng Ðế nên Phật giáo đã phát triển rất nhanh. Chùa chiền được xây dựng khắp mọi nơi, người dân mến mộ đạo và phát tâm xuất gia ngày càng đông, ngay cả vua Tùy Dạng Ðế cũng đến quy y và thọ Bồ tát giới với ngài Trí Khải ở núi Thiên Thai và tổ chức cúng dường 1.000 vị tăng. Các danh tăng có công hoằng pháp và phiên dịch kinh điển trong thời kỳ này là các ngài Ðạt Ma cấp Ða (Dharmagupta); Na Liên Ðề Xá (Nàrendrayasas); ngài Xà La Quật Ða (Jnanagupta)..v.v.

8.2 Thời đại nhà Ðường (618-907, Mậu dần- Ðinh Mão):

Mặc dù phần lớn các vua nhà Ðường luôn là tín đồ của đạo Lão. Nhiều vị vua ủng hộ Phật pháp vì thuận theo lòng dân, nhưng cũng có vua thẳng tay đàn áp PG, vì cho rằng PG không bao giờ có thể thay thế được Nho giáo và Lão giáo, chẳng hạn vào năm 845 TL, vua Võ Tôn (Wu-tsung) , đã mở chiến dịch khủng bố PG. Theo sử liệu ghi nhận có trên 40.000 tự viện bị phá hủy và 260.500 tăng ni bị buộc phải hoàn tục. Tuy nhiên, đó chỉ là một khúc quanh của lịch sử PGTH, thời gian còn lại của nhà Ðường là phục hưng và có thể nói PGTH trong thời kỳ này được phát triển toàn diện từ kiến thiết hạ tầng đến học thuật tông phái, triết học và nghệ thuật. Và những thành công rực rỡ của PGTH trong thời kỳ đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống tu học không những trong phạm vi đương đại mà còn kéo dài đến tận các thế kỷ sau , không những chỉ ảnh hưởng trong nước mà còn truyền bá ra các quốc gia PG lân cận nữa.

Các bậc danh tăng thạc đức xuất hiện trong thời kỳ như ngài Pháp Tạng của Hoa Nghiêm tông , ngài Ðạo Tuyên của Luật tông, ngài Huệ Năng của Thiền tông, ngài Kim Cương Trí của Mật Tông, và đặc biệt có ngài Huyền Trang (Hsuan-tsang, 600-664) , đã lên đường đến Tây Trúc để chiêm bái, học hỏi trong 16 năm và mang về cho TH nhiều tài liệu Kinh sách quý giá trong thời kỳ này. Tác phẩm Ðại Ðường Tây Vực Ký (Ta-t'ang hsiyu chi) của ngài đã trở thành tư liệu nghiên cứu lịch sử, văn bản học văn hiến học vô giá cho thời đại hôm nay ; các công trình nghiên cứu phiên dịch và sáng tác của ngài như Kinh Bát Nhã (Prajnaparamita sutra, 600 quyển), A-tỳ-đạt-ma-câu-xá-luận,(Abhidharma-kosa-sastra ) , Duy Thức tam Thập Tụng Luận (Trimshika- sastra) Nhị Thập Tụng Luận (Vimsatikakarika-sastra) , Du Già Sư Ðịa Luận (Yogacaryabhùmi-sastra) hay Thành Duy Thức Luận ( Vijinaptimatrata- sastra, tác phẩm sáng tác).... đã trở thành một công trình văn hóa của toàn nhân loại.

Một nhà dịch thuật kinh điển khác trong thời kỳ này là ngài Nghĩa Tịnh (I-ching, 635-713), là một nhà chiêm bái và phiên dịch kinh điển quan trong của PGTH. Năm 617, ngài lên đường hành hương sang Ấn Ðộ bằng đường biển và lưu lại nơi ấy 20 năm. Tại đại học Nalanda ngài đã theo học giáo nghĩa của cả hai hệ thống tư tưởng Tiểu thừa (Hinayana) và Ðại thừa (Mahayana) và tiếp đó ngài bắt đầu chuyễn ngữ những ả kinh sách quan trọng ra Hán ngữ. Năm 695, ngài trở về TH và mang theo 400 Kinh sách các loại. Tại quê nhà với sự hợp tác của ngài Thực Xoa Nan Ðà (Sikshananda), ngài tiếp tục công việc nghiên cứu và dịch thuật của mình. Các dịch phẩm quan trọng của ngài là Ðại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh (Buddhavatamsaka sutra) và Luật tạng (Vinaya-pitaka) của phái Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ Tì-nại-da (Mulasarvastivada) và trên 50 dịch phẩm quan trọng khác.

Cùng với Cũng trong thời điểm này có nhiều tông phái PG ra đời tại TH để sánh vai với các trường phái học thuật xứ sở này, để cùng nhau mang lại ích lợi và phát triển tâm linh cho người dân. Các tông phái đáng chú ý là Tịnh Ðộ tông, Thiền tông, Thiên Thai tông, Hoa Nghiêm tông..v.v...

8.3 Các Tông phái Phật giáo Trung Hoa:

* Luật Tông (Lu-tsung /  Vinaya): là một trong những Tông Phái chính của Phật giáo Trung Hoa. Tông này theo khuynh hướng bảo thủ giống như truyền thống ở các nước ở Nam Á, được ngài Ðạo Tuyên (Tao-hsuan, 596-667) dựa vào bộ Tứ Phần Luật (The Vinaya in Four Parts, bản dịch của ngài Buddhayashas) mà thành lập vào thời đại nhà Ðường. Chủ trương của tông là nghiêm trì giới luật để tiến đến Phật quả. Ðây là một tông phái kiểu mẫu nhất để lập lại trật tự và giữ vững quy cũ thiền môn của Phật giáo Trung Hoa.

* Câu xá Tông (Kosha-tsung /  Realistic): Tông này phát xuất từ một ý tưởng trong luận bản A Tỳ Ðạt Ma Câu Xá (Abhidharma-kosha sastra) của ngài Thế Thân (Vasubandhu, 316-396) là em của đại sư Vô Trước (Asanga) và từng là một học giả lừng danh của phái Nhất Thiết Hữu Bộ (Sarvastivada/ All things exist, một trong 18 tông phái của Phật giáo Tiểu Thừa ). A Tỳ Ðạt Ma Câu Xá luận [ được ngài Chân Ðế dịch (Paramàrtha, 563-567), nhưng về sau được ngài Huyền Trang dịch lại] là một luận bản phê bình đại cương về hệ thống triết học A Tỳ Ðàm (Abhidharma) của Tiểu Thừa. Tông này được thành lập không bao lâu thì sát nhập vào Tam Luận Tông.

* Tam Luận Tông (San-lun-tsung /  Three Treatises): do ngài Cưu Ma La Thập thành lập. Tông này phát xuất từ phái Trung Quán ở Ấn Ðộ, một trường phái phát triển của Ðại sư Long Thọ (Nararjuna). Giáo lý tông này cũng nhấn mạnh đến tự tánh không của vạn pháp. Như tên gọi của tông này, Tam Luận, tức là dựa vào ba bộ luận chính, Trung Quán Luận (Madhyamika), Thập Nhị Môn Luận (Dvadasamuka Sastra) của Ngài Long Thọ, và Bách luận (Shata sastra) của Ngài Thánh Thiên (Aryadeva).

* Pháp Tướng Tông (Fa-tsiang-tsung /  Idealist): bắt nguồn từ trường phái Du Già(Yogacara) của Ấn Ðộ, một tông phái của Phật giáo phát triển có mặt từ năm 167 TL tại Ấn. Tại Trung Hoa do ngài Huyền Trang dựa theo bộ Nhị Thập Tụng luận (Vimsatikàkàrikà) mà thành lập.

* Mật Tông (Mi-tsung / Tantric): do ngài Thiện Vô Úy (Subhakarasimha, 637-735) thành lập vào năm 716. Vị tông chủ của giáo phái này là Ðức Ðại Nhật Như Lai (Mahavairocana), hành giả của giáo phái này tu theo lời dạy trong bộ Ðại Nhật Kinh (Mahavairocana sutra, do ngài Thiện Vô Úy dịch ). Người kế thừa tông này là ngài Kim Cương Trí (Vajrabodhi, 670-741) người Ấn, đến Trung Hoa vào năm 720 và ngài Bất Không Kim Cương (Amoghavajra,705-774, người Ấn), hai ngài có công giải thích kinh Ðại Nhật, lập đàn tràng Mandala và nhiều lễ nghi khác để hướng dẫn đồ chúng thực hành. Tông này chỉ hoạt động gần 100 năm thì bị thay thế bởi Lạt Ma giáo của Tây Tạng.

* Hoa Nghiêm Tông (Hua Yen /  Flower Adornment): do ngài Tu-Shun (557-640) dựa vào Kinh Hoa Nghiêm (Avatamsaka Sutra) để lập tông. Nhưnng ngài Pháp Tạng (Fa-Ts'ang, 643-712 TL, gốc người Soghdian nhưng sinh tai Trường An,Trung Hoa, là tổ thứ 3 của Hoa Nghiêm tông) đã có công xiển dương tông này. Ngài Pháp Tạng trước đó từng là thành viên trong ban phiên dịch của pháp sư Huyền Trang, ngài đã tâm đắc và dẹp tan mọi ảo mộng về duy tâm sau khi đọc Kinh Hoa Nghiêm. Hoàng Hậu Võ Tắc Thiên (trị vì năm 690-705) rất sùng mộ tông này nên vào năm 704 đã thỉnh cầu ngài Pháp Tạng vào cung đình để thuyết giảng Kinh Hoa Nghiêm. Các vị tổ thừa kế tông này là ngài Chih-Yen (602-668), Ch'eng-Kuan, 738-838) và Kuei-feng Tsung-mi (780-841). Tiếp đó tông này phát triển rất mạnh ở Trung Hoa. Tông này tôn thờ và thực hành pháp hạnh của đức Phật Tỳ Lô Xá Na.

* Thiên Thai Tông (T'ien-T'ai / White Lotus): còn được gọi là Pháp Hoa Tông, một trong những tông phái chính của Phật giáo Trung Hoa được Ngài Trí Khải (Chih-i, 538-597 TL, thường được gọi là Thiên Thai Ðại Sư) dựa vào giáo lý Kinh Pháp Hoa (Saddharma-pundarika) mà lập tông tại núi Thiên Thai vào năm 575 (nơi đây hiện còn ngôi chùa Quốc Thanh do chính Ngài Trí Khải xây dựng vào năm 601, được xem là thánh tích quan trọng của Phật giáo Trung Hoa). Trí Khải đại sư là tác giả của trên ba mươi luận bản nổi tiếng như Pháp Hoa Huyền Nghĩa (Fa-hua hsuan-tsan), Pháp Hoa Văn Cú (Fa-hua Wen Chu), Ma Ha Chỉ Quán (Mo-ho-chih-kuan)... các vị tổ trong dòng truyền thừa tông này là Kuan-ting, Fa-hua, T'ien-kung, Tso-ch'i, Ch'an-jan và ngài Tao-Sui, người có công giới thiệu tông này đến Nhật bản vào thế kỷ thứ 9.

* Tịnh Ðộ Tông (Ch'ing-t'u / Pureland): đây là một tông phái rất phổ biến ở các quốc gia Bắc phương Phật giáo, có nguồn gốc từ thế kỷ thứ hai Tây lịch tại Ấn Ðộ. Tông này dựa vào giáo lý của Kinh Vô Lượng Thọ (Sukhavativyuha) và Kinh A Di Ðà (Amitabha-sutra). Cả hai bộ Kinh này đều mô tả về một cõi giới ở phía Tây, nơi những hành giả tu tập theo tông này sẽ tái sinh sau khi bỏ báo thân ở cõi Ta Bà như là một kết quả từ niềm tín tâm nơi Ðức Phật Di Ðà và tu tập nhiều thiện nghiệp. Vị Tông chủ của phái này là Ðức Phật A Di Ðà hay Ðức Phật có ánh sáng vô lượng (unlimited light Buddha).Tại Trung Hoa, tông này do Tô Huệ Viễn (Hui-Yuan,334-416) khai sáng vào năm 402, nhưng đến khi Ngài Ðàm Loan (476-542) thời nhà Ngụy mới chính thức hình thành và đến đời ngài Ðạo Trác (562-645) thời nhà Ðường mới phát triển toàn diện và truyền bá khắp Trung Hoa.

* Thiền Tông (Ch'an / Zen): là một tông phái đặc biệt và thành tựu nhất của Phật giáo Trung Hoa. Thiền bắt nguồn từ thời Phật Thích Ca, rồi được Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma (Bodhidharma, 470 - 536, là sơ tổ của dòng Thiền Trung Hoa), con của vua Chí Cương, thuộc dòng Sát Ðế Lợi, nước Quốc Hương, Nam Thiên Trúc, vùng Cao nguyên Dekkan, miền Nam Ấn Ðộ. Ngài là Tổ sư thiền tông đời thứ 28 của Ấn Ðộ. Năm 526 vâng lời Thầy Prajnatara (Tổ thứ 27), ngài đến Trung Hoa để hoằng pháp. Tại Trung Hoa lúc đầu thiền bị ảnh hưởng mạnh mẽ của đạo Lão và Khổng. Thiền chỉ độc lập và nổi tiếng từ thế kỷ thứ bảy, tức phải đợi đến đời tổ Huệ Năng (Hui Neng, 638-713, tổ thứ sáu) thì tông này mới được truyền bá rộng rãi và đã trở thành một tông phái chính cho tới ngày nay.  Các bộ kinh chính của tông này là: Kinh Lăng Già (Lankavatara), Kinh Bát Nhã (Heart sutra), Kinh Duy Ma Cật (Vimalakirtinirdesa), Kinh Kim Cương Bát Nhã (Vajracchedika), và về sau có thêm bộ Pháp Bảo Ðàn Kinh của lục tổ Huệ Năng nữa.

9. Phật giáo Trung Hoa, thời kỳ suy vi và chấn hưng:

Sau cuộc đàn áp dã man dưới triều đại vua Võ Tôn vào năm 845. Cả Thiên Thai Tông và Hoa Nghiêm Tông đều bị tàn lụi vì sự đơn độc của hai tông phái này. Thiền và Tịnh Ðộ tông với nhiều tín đồ, được sống sót, phục hồi và tìm lại chỗ đứng trong xã hội Khổng Mạnh.

9.1 Triều đại nhà Nguyên (1215-1368):

Mật giáo của Phật giáo Tây Tạng được giới thiệu đến miền Bắc Trung Hoa nơi được sự đở đầu của hoàng gia sau khi Mông cổ xâm lăng Trung Hoa, nhưng phần lớn theo khuynh hướng chính trị hơn là tôn giáo. Trong thời kỳ này đại tạng Kinh của Tây Tạng được truyền đến Trung Hoa và được chuyển dịch sang Hán ngữ.

9.2 Triều đại nhà Minh (Ming,1368-1662):

Khởi đầu từ vua Chu Yuan Chang, một vị vua rất kính ngưỡng Ðức Phật Di Lặc (Maitrya Buddha), nên hết lòng ủng hộ Thiền và Tịnh Ðộ tông. Do đó trong thời kỳ này hai tông phái chính trên đã phục hưng và phát triển mạnh và không những truyền bá rộng khắp Trung Hoa.

9.3 Triều đại nhà Thanh (Ch'ing, 1662-1911):

Phật giáo tiếp tục phát triển, nhất là Mật tông của Tây Tạng được hoàng gia bảo trợ nên có nhiều ưu thế hơn. Các hoàng đế Thuận Trị, Khang Hy, Ung Chính, Càn Long là những ông vua hết lòng hộ trì Phật pháp và bảo trợ nhiều công trình Phật sự để đời như cho khắc in ba Ðại Tạng Kinh Trung Hoa. Tuy nhiên cuộc nổi loạn vào các năm 1851-64 ở miền Nam Trung Hoa do vua Manchu của nhà Thanh cầm đầu, đã tạo ra một cuộc khủng bố khốc liệt đối với Phật giáo, kết quả nhiều tự viện bị hủy diệt và tịch thu. Sau đó, Phật giáo Trung Hoa phải cầu viện Phật giáo Nhật bản trợ giúp để phục hồi.

9.4 Thời kỳ chấn hưng (1911- ):

Ðầu thế kỷ 20 là thời điểm chấn hưng Phật giáo Trung Hoa. Sau cuộc cách mạng Tân Hợi năm 1911 đã tạo ra một làn sóng mới về dân chủ tự do cho nhân dân Trung Hoa thoát khỏi ách thống trị của chế độ phong kiến. Năm 1912, Tổng Hội Phật Giáo Trung Hoa (Chinese Buddhist Association) ra đời tại Thượng Hải, một năm sau đó một hội khác ra mắt tại Bắc Kinh là Trung Ương Phật giáo Công Hội. Ðến năm 1922, công cuộc chấn hưng Phật giáo đã lên cao với sự lãnh đạo phong trào tích cực của Ðại sư Thái Hư (T'ai-Hsu, 1890-1947), người khai sáng Hội Phật giáo Trung Hoa (Buddhist Society of China) có hơn 5 triệu thành viên trên khắp đất nước. Mở đầu ngài cho thành lập Phật học viện Pháp Tạng (Fa t'sang Buddhist School), ngài nhấn mạnh rằng chương trình dạy được kết hợp hài hòa giữa Phật học và khoa học để thu hút giới thanh niên trí thức, kết quả là học viên theo học rất đông.

Không những Ðại sư Thái Hư chăm lo chấn hưng nền Phật giáo trong nước mà ngài còn có nhiều đóng góp để chấn hưng Phật giáo thế giới. Chẳng hạn, năm 1924, ngài tổ chức Hội nghị Phật giáo thế giới (World Buddhist Conference) tại Lô Sơn, Trung Hoa. Năm 1925, ngài tổ chức Hội nghị Phật giáo Ðông Á (East Asian Buddhist Conference) ở Tokyo, Nhật bản. Và từ năm 1928, ngài bắt đầu các chuyến đi hoằng pháp ở các nước ở phương Tây. Ngài đã trở thành một trong những nhà truyền giáo người châu Á đầu tiên đến diễn thuyết tại Pháp, Ðức, Anh và Mỹ quốc, riêng tại Pháp, vào 1931, ngài đã cho xây dựng một Học viện Phật giáo tại Pari để hướng dẫn quần chúng Tây phương học Phật.

Nhìn chung với sự góp sức chấn hưng của các Ðại sư Thái Sư và sự ủng hộ của chính phủ Trung Hoa, Phật giáo đã nhanh chóng phục hưng về mọi phương diện từ kiết thiết trùng tu cơ sở cho đến văn hóa nghệ thuật, in ấn kinh điển. Phong trào chấn hưng Phật giáo tại Trung Hoa lúc ấy đã ảnh hưởng và lan tỏa đến các nước làng giềng như Nhật bản, Triều tiên và Việt Nam.

10. Lời kết:

Vào đầu thế kỷ 20, Phật giáo Trung Hoa phải chịu trải qua một thời kỳ cải cách để có thể thích hợp trào lưu mới của xã hội, những tưởng vận mệnh Phật giáo đã thoát khỏi tai ách của thời cuộc, nhưng không bao lâu sau đó, Phật giáo Trung Hoa lại tiếp tục bị tàn phá trầm trọng qua cuộc chiến Trung-Nhật (1940-1945), rồi tiếp đó là cuộc cách mạng văn hóa nội bộ (1966-1976), Phật giáo Trung Hoa đã trở thành nạn nhân của các cuộc đàn áp vô căn cứ của chính sách đổi mới lạ lùng này.

Từ năm 1976 đến nay, tuy chính phủ Trung Hoa có nhiều chính sách cởi mở hơn để khôi phục lại Phật giáo, nhưng nhìn chung, Phật giáo Trung Hoa vẫn chưa lấy lại được sinh khí của mình như thuở nào. Tất cả phải đợi chờ đến một cuộc đổi mới khác trong một tương lai gần./.

-oOo-

Tài liệu tham khảo:

Daisaku Ikeda, "The Flower of Chinese Buddhism", Weatherhill, New York, 1997.
Peter Harvey, "An Introduction to Buddhism, teachings, history and practices", Cambridge University Press, London,1997.
William E. Soothill & Lewis Hodous, "A Dictionary of Chinese Buddhist Terms", Motilal Banarsidass Publishers, Delhi, India, 1997.
Andrew Skilton, "A Concise History of Buddhism", Windhorse Publications, 1994.
John Snelling, "The Buddhist Handbook, the complete guide to Buddhist Schools, Teachings, Practice and History", Inner Traditions, Canada, 1992.
Most Ven. Thich Huyen Ton, "Lịch Văn Hiến năm ngàn năm", Melbourne, Úc Châu, 1990.


Source: Quang-Duc Web Page, http://www.quangduc.org


[Trở về trang Thư Mục]