BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times
font
Như chúng ta biết, Thái Lan được mệnh danh là "Mảnh đất của những chiếc y vàng". Bất cứ nơi đâu trên quốc gia này, ta cũng thấy rất nhiều Tăng sĩ Phật giáo phất phới với những tấm y vàng. Cụm từ "Mảnh đất của những chiếc y vàng" phát xuất từ đó.Ðây chính là quốc gia duy nhất có hệ thống hiến pháp quy định rằng Vua phải là một Phật tử, và theo truyền thống này vua là người ủng hộ chánh pháp. Và cũng chính nơi đây, Phật pháp đã ăn sâu và thấm nhuần hoàn toàn vào đời sống người dân. Ðã từ lâu Phật giáo được xem là Quốc giáo của nước này, vì hơn 95% dân số là Phật tử.
Phật giáo du nhập đầu tiên vào Thái là Phật giáo Nguyên thủy (Phật giáo Nam truyền) vào khoảng năm 329 trước Công nguyên. Sau đó vào khoảng năm 700 sau Tây lịch, Phật giáo Bắc truyền mới đến soi sáng đến vùng đất này. Tuy nhiên, vào năm 1000 sau Tây lịch, Phật giáo Nam truyền được du nhập trở lại từ Miến điện. Vào năm 1253 sau Tây lịch, các Tăng sĩ Thái sang Tích Lan cung thỉnh Kinh tạng Pali cũng như thỉnh cầu cao Tăng Tích Lan sang Thái truyền đạo. Từ đó tất cả Vua Thái đều theo Phật giáo Nam truyền và đưa Phật giáo Nam truyền lên hàng quốc giáo.
"Wat" (Tu viện), xã hội và cư sĩ
Từ "Wat" bao gồm hai ý nghiã Tu viện (monastery) và chùa tháp (temple). Những ngôi chùa đẹp đẽ, huyền bí của đất nước này không phải là những di tích quá khứ. Dân chúng đến chùa không vì mục đích thưởng ngoạn mà vì họ sùng đạo. Trong thời cận đại, tu viện đã trở thành nơi cung cấp trường lớp duy nhất cho nhiều thôn làng. Tu viện vừa là nơi lễ hội cũng vừa là trung tâm của những hoạt động xã hội khác, được quần chúng ủng hộ rất nhiệt tình. Mỗi buổi sáng khi các Tăng sĩ đắp y vàng mang bát đi khất thực khắp đây đó, là quâàn chúng dâng cúng thức ăn. Tu viện ở Thái không những là thánh địa mà còn là trung tâm văn hóa nữa. Nói chung, Tu viện Phật giáo bao giờ cũng là nơi duy trì và phát huy đời sống tinh thần và văn hóa trên đất nước này, ngay cả trong nhưnõg thời loạn lạc nhất. Trong khuôn viên Tu viện còn có một khu riêng biệt để làm giàn hỏa thiêu người quá cố. Tu viện ở đây là một tổng thể kiến trúc bao gồm Ðiện Phật, giảng đường, phòng ở cho khách hành hương cũng như khách lạ, nhà xí và hàng trăm cốc nhỏ bằng gỗ và bằng gạch dành cho Tăng sĩ. Tu viện vừa được thành lập như trung tâm nghệ thuật, kiến trúc Thái vừa là cơ sở hạ tầng quan trọng nhất của đời sống thôn dân. Ðời sống xã hội của cộng đồng nông thôn gắn liền mật thiết đến tu viện. Ngoài việc thực hiện những hoạt động Phật giáo, tu viện còn phục vụ quần chúng như một trung tâm giải trí, trạm xá, học đường, trung tâm cộng đồng, viện dưỡng lão, trại tế bần, dịch vụ công tác và phúc lợi xã hội, đồng hồ báo giờ của nông thôn, nhà điều dưỡng, thông tấn xã và trung tâm thông tin.
Ngoài việc tự mình nghiên cứu, học tập kinh điển giáo pháp và tuân giữ giới luật nói chung, Tăng sĩ còn được xem là bạn hữu, là triết gia và là người hướng đạo của quần chúng. Việc thuyết giảng trực tiếp cho đại chúng hoặc thuyết trên đài truyền thanh là một trong những cách chung nhất giúp cho nhà sư đẩy mạnh sự bền vững đạo đức trong những thành viên khác nhau của xã hội. Có lẽ không phải không thích hợp để lập lại rằng Phật giáo rất coi trọng sự cần thiết về việc phải sống một đời sống đạo đức thiện lành để đạt được hạnh phúc trong đời này và cả đời sau.
Trong hầu hết các buổi lễ hội dân gian hay dân tộc, dù là riêng tư hay mang tính chất cộng đồng, vai trò của Tăng sĩ trong các công việc hay đồng tham gia hay đọc kinh cầu nguyện là không thể thiếu được. Thật ra, trong đời sống của người Phật tử Thái, từ khi sanh cho đến lúc chết, Tăng sĩ là những người cho dân chúng hướng về để nương tựa đạo đức. Chính tu viện là nơi quần chúng tụ tập và trao đổi kinh nghiệm trong tình thân hữu. Các buổi tiết lễ tôn giáo tổ chức ở tu viện luôn luôn có những hoạt động xã hội đi kèm theo. Ðó là những dịp cho quần chúng, đặc biệt là thanh niên vui hưởng tiệc tùng, vui chơi và tham gia lễ hội. Phương diện phục vụ tôn giáo này giúp cho quần chúng thư giản và thỏa mãn những nhu cầu giải trí tinh thần cao hơn.
Tăng sĩ đóng vai trò lãnh đạo trong tất cả mọi lĩnh vực hoạt động của quốc gia, như là lĩnh vực tôn giáo, lĩnh vực giáo dục và lĩnh vực xã hội. Hiện hữu trên suốt 2500 năm, Phật giáo đã tạo nên những mối liên hệ mật thiết với cộng đồng cư sĩ. Tu viện Phật giáo là những trung tâm học thuật và giáo dục, trong đó các tăng sĩ là thầy giáo. Tăng sĩ còn tình nguyện tham gia phục vụ xã hội, đem lại lợi lạc cho quần chúng cả vật chất lẫn tinh thần, như là: khuyên nhủ và giúp đỡ những gia đình lâm vào hoàn cảnh khó khăn và bất hạnh; giải hòa những mối tranh chấp cá nhân và chăm sóc thuốc men cho quần chúng.
Phật giáo chắc chắn đã hình thành một bộ luật hoàn chỉnh và nghiêm khắc về giới luật cho giới tu sĩ, hay tăng đoàn nhưng bao giờ cũng vẫn khoan dung cho người cư cĩ. Người Phật tử phải biết tuân giữ chuẩn mực đạo đức của năm giới (pancasìla): không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu. Nhờ năm nguyên lý đạo đức này, người cư sĩ không mất tự chủ. Năm giới được tuân giữ như một bộ luật, một quy luật đạo đức khắc sâu sự tiết chế, lòng từ thiện và thể hiện lòng từ với tất cả chúng sanh. Ngoài ra, người cư sĩ còn thực hành hạnh Ba-la-mật nhưng không quá nghiêm khắc như tăng sĩ. Cư sĩ cũng phải "đọc, ghi chú cẩn thận và học tập" triết lý của bậc Ðạo Sư (Ðức Phật).
Giữa người cư sĩ và tăng đoàn Phật giáo ở Thái lan có sự cộng tác mật thiết. Sự cộng tác này phát triển đến mức khá sâu là do mỗi gia đình Thái đều có một vài thành viên phục vụ khá lâu trong tăng đoàn. Ðối với quần chúng, tấm y vàng là biểu trưng cho bậc Ðạo Sư, và Tỳ-kheo là người duy trì và phát huy chánh pháp. Làm các việc thiện (kusala kamma) cũng là vấn đề quan trọng trong giáo pháp Phật giáo. Do đó ý tưởng về việc thực hiện công đức đã ăn sâu trong tâm hồn người Phật tử. Có rất nhiều cách làm thiện hoặc tạo công đức giữa những người Phật tử Thái. Người dân đạt được công đức mỗi khi cúng dường thực phẩm cho vị sư khất thực, hoặc đóng góp vào bất kỳ một buổi lễ hội nào.
Việc thọ đại giới, cho dù trong một thời gian ngắn, ắt hẳn sẽ mang lại nhiều công đức. Ai chưa từng làm tu sĩ, được xem là người "chưa chính chắn" hoặc "chưa trưởng thành". Người đó sẽ bị dư luận đàm tiếu là một người thiếu giáo dục hay chưa hoàn thiện, không phải là "trưởng tử của Như lai"ụ. Người chưa từng "làm sư" sẽ khó kiếm vợ, vì gia đình thuần Phật giáo sẽ tìm hiểu xem anh có thật sự đứng đắn và xứng đáng để trở thành một người chồng hoặc một người rễ hay không? Người nào đã trãi qua đời sống tăng sĩ và quay về cuộc sống tại gia được gọi là "thit", một hình thức viết tắc của từ Pali na ná với tiếng Hindi là Pandita, có nghĩa là một học giả hay hiền giả.
Theo niềm tin quần chúng, một người con trở thành Sa-di tập sự hay Tỳ-kheo là một tác nhân thần kỳ cứu giúp cha mẹ ra khỏi địa ngục khi cha mẹ qua đời. Một Sa-di tập sự có thể cứu mẹ ra khỏi khổ cảnh ở đời sau và một Tỳ-kheo sẽ có thể cứu cha ra khỏi khổ cảnh như vậy. Do đó, các bậc cha mẹ đều mong muốn có được ít nhất là môảt người con xuất gia làm Sa-di tập sự hoặc tốt hơn nữa là làm Tỳ-kheo. Ðiều này chỉ có thể xảy ra, khi người con không lập gia đình. Nếu anh ta lập gia đình, thì tất cả công đức sẽ dồn về người vợ chứ không phải cho cha mẹ và hơn thế nữa, anh ta sẽ nghĩ về người vợ trẻ nhiều hơn về tôn giáo.
Ðiều tối quan trọng đối với người Phật tử Thái, Tăng sĩ cũng như cư sĩ là duy trì và phát huy mối quan hệ của họ và thành tín hoàn tất bổn phận lẫn nhau để Phật pháp và đoàn thể Phật giáo có thể tồn tại. Trong kinh tạng Pàli, đức Phật dạy:
"Khi Như Lai nhập diệt, các Tỳ-kheo, thiện nam tín nữ hãy sống tôn trọng và vâng lời bậc Ðạo Sư, sống tôn trọng và vâng lời Pháp, sống tôn trọng và vâng lời chúng Tăng, sống tôn trọng và vâng lời học pháp, sống tôn trọng và vâng lời lẫn nhau. Ðây là nhân, đây là duyên giúp diệu pháp được tồn tại lâu dài".
Mối quan hệ giữa tăng sĩ và cư sĩ này dựa trên nền tảng giúp đỡ và phụ thuộc lẫn nhau, như lời đức Phật dạy:
"Này các Thầy Tỳ-kheo, gia chủ và Bà-la-môn là những người hữu ích nhất đối với các Thầy vì họ ủng hộ các Thầy y phục, thức ăn, chỗ ở và dược phẩm trị bịnh. Này các ThầyTỳ-kheo, đối với họ, các Thầy cũng là người hữu ích nhất trong việc giảng dạy họ giáo pháp và giới luật. Do đó, này các Thầy Tỳ-kheo, đời sống thánh thiện này tồn tại trong sự hỗ tương đối lưu".
Tóm lại, có thể nói rằng, Dân tộc Thái thực sự hưởng được niềm phúc lạc tôn giáo. Ðối với họ, những buổi tiết lễ tôn giáo vừa là những buổi lễ thiêng liêng vừa là những buổi họp mặt thân mật và vui chơi giải trí. Ðối với quảng đại quần chúng, Phật giáo có đủ điều kiện giúp họ nhận ra được, đặt trọn niềm tin và vui hưởng niềm phúc lạc tôn giáo.
Dịch từ "Proceedings of the International Buddhist Conference", trang 155-159
Thích nữ Vân Liên dịch
thichnuvanlien@yahoo.com
Source: Buddhism Today, http://members.xoom.com/budtoday/