BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Làm cha mẹ là sự tu tập

M.T.


Trời đã vào Thu, không khí chung quanh hơi lạnh, mặc dù vậy phần lớn những lá xanh vẫn chưa chịu đổi màu ngay cả trên vùng núi đồi tại West Virginia; có lẽ vì chúng vừa được hưởng thêm nhiều trận mưa khá lớn hồi cuối hè nên vẫn còn rất nhiều năng lượng. Tôi dừng lại nhìn ra khu vườn nhỏ của trung tâm sau khi vừa đi thiền hành về với tăng thân. Cũng những cây táo, lê và vườn rau thật tươi đó, nhưng hôm nay tôi cảm thấy nó có hơi khác hơn mọi lần trước. Cảm giác ấy đã đến ngay từ lúc tôi bắt đầu đặt chân bước cho buổi thiền hành, quán chiếu thêm thì tôi nhận thấy có lẽ đây là lần đầu tiên tôi đi tham dự khóa tu nhiều ngày mà không có những người thân nhất của tôi cùng đi theo. Những hình ảnh các con, cháu nắm tay nhau đi thiền hành phía trước, những nụ cười thích thú khi thả xe chạy xuống con đồi nhỏ phía trước ngôi trường làng, và những bài thiền ca mà các con cùng hát với chúng tôi vẫn còn vang đâu đây.

Tôi càng nhớ đến chúng và cảm nhận rằng thời gian và công sức nuôi dưỡng các con mình cũng giống hệt như là tôi đang đi dự một khóa tu cuối tuần vậy. Chỉ khác là khóa tu nuôi con thì nó kéo dài đến 18 năm hay đôi khi còn lâu hơn nữa. Nghĩ đến khoảng thời gian đó tôi tự nhủ, nếu mà thật sự có khóa tu lâu như vậy thì mình phải làm sao? Chỉ có vài ngày tu tập ở đây thôi mà còn thấy lâu và không hoàn toàn giữ vững chánh niệm, thì 18 năm dài chắc là tôi càng phải thực tập nhiều, nhiều lắm. Vì khóa tu tập dài hạn nầy sẽ biến đổi không lường theo từng giây, từng phút, chứ không phải chỉ có ngồi thiền, đi kinh hành, nghe pháp thoại, pháp đàm, thiền trà... mà thôi. Ðối với tôi có lẽ đây là một công án hơi khó cho những bậc cư sĩ làm cha mẹ.

Tôi còn nhớ những lần đầu tham dự khóa tu, nào là phải dậy sớm ngồi thiền, chân tê và đầu óc thì nghĩ ngợi lung tung, và lại còn buồn ngủ nữa. Thêm vào lại còn phải ăn chay, không được nói chuyện nhiều hay đùa cợt, đi kinh hành... rất là nhiều những thực tập mới. Nhưng nghĩ lại, so với làm Cha Mẹ thì chúng không thấm vào đâu cả, trái lại nó đã giúp cho tôi thật nhiều trong quá trình nuôi dưỡng và dạy dỗ con mình. Những sự thực tập sống trong chánh niệm, sống trong hiện tại, biết dừng lại quán chiếu, học tha thứ bao dung, hiểu thế nào là vô minh, nhất là theo dõi hơi thở... trong những khóa tu, được tôi đem áp dụng ngay vào đời sống hằng ngày ở nhà, nhất là trong lúc sinh hoạt hay dạy dỗ các con. Tôi đã thấy rõ ràng hiệu quả không những cho riêng tôi mà ngay cả đến các con mình nữa.

Chúng ta gần như không một ai thật sự có dịp tham dự một khóa huấn luyện riêng để dạy cách làm Cha Mẹ như thế nào cả. Mặc dù sách vở về vấn đề này thì nhiều lắm, nhưng tôi nghĩ mỗi gia đình sẽ chạm trán với mỗi kinh nghiệm khác nhau. Ðây là một trách nhiệm thiêng liêng đòi hỏi thật nhiều thử thách, nhiều nhẫn nại, đầy tha thứ, và rất là nhức đầu, nhức tim trong việc làm cha mẹ. Nó là cây thước để ta đo tim, đo óc của mình, đo sự quan hệ huyết thống của cha mẹ với con cái, đo lường sự thực tập thương, hiểu và tha thứ của mình. Khi thực tập sống trong chánh niệm, tôi cảm thấy nó thật sự giúp tôi dừng lại và nhìn sâu vào mình, vào con, vào không gian, thời gian và vào sự việc sắp, đang, và đã xảy ra giữa mình với con. Những lúc tranh chấp (thử thách sức kiên nhẩn), xin xỏ (thử thách lòng từ bi), lỗi lầm (lòng tha thứ), khi buồn, lúc vui, lúc ốm đau (vô thường)... là những lúc ta sẽ thực sự thấy được sự thực tập của mình đã được bao nhiêu. Tôi thấy sự giải quyết và phán xét của tôi lúc đó đã xuất phát từ bên trong, đi kèm với sự thực tập thương yêu và hiểu biết đến cho các con của mình.

Những kinh nghiệm ta có hôm qua, sẽ không bảo đảm là ta cũng có thể sử dụng tốt đẹp cho hôm nay. Vì thế chúng ta lúc nào cũng phải sống trong giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây, để cảm nghiệm được những gì đang xảy ra chung quanh ta. Mỗi giây mỗi phút đều khác hẳn nhau, và cách thức của Anh/Chị có thể sẽ không thích ứng vào trường hợp của riêng tôi, vì thế chúng ta phải dùng trí tuệ và sự thực tập thiền quán để quán chiếu trường hợp của mình, chia xẻ tình thương đến các con để thấy và hiểu chúng sâu hơn.

Làm Cha Mẹ trong tỉnh thức sẽ là một gia tài mà theo tôi nó thật sự quý giá hơn tất cả của cải mà mình có thể để lại cho con, như nhà lầu, xe hơi đẹp, học trường nổi tiếng... Tôi thấy những gì ta học hỏi được trong kinh sách, cũng như trong lúc thực tập, đều có thể đem ra áp dụng ở mọi nơi, mọi hoàn cảnh trong gia đình mình. Chúng ta là những tấm gương cho các con mình soi sáng, như Thầy thường nói: chúng ta sống như thế nào, đối xử nhau ra sao, ăn uống cái gì, cách nói, cách cười... tất cả sẽ đều thâm nhập vào chúng cả. Các bạn thử nghĩ lại xem có phải vậy không? Và cái gia tài tâm linh nầy sẽ vĩnh viễn đi theo chúng và giúp chúng có một cuộc sống tâm linh đầy trí tuệ, hạnh kiểm tốt, biết thương người, và chắc chắn sẽ giúp chúng thành công hơn trong mọi mặt.

Xin chia xẻ với các bạn vài điều mà tôi tự hứa sẽ cố gắng nương theo và thực tập công việc làm cha mẹ trong tỉnh thức như sau:

- Tôi sẽ cố gắng vun bồi những hạt giống chánh niệm trong tôi, để có thể mở rộng lòng thương và sự hiểu biết đến cho các con mình.

- Tôi hiểu rằng làm cha mẹ trong tỉnh thức sẽ giúp tôi mở mang thêm trí tuệ, tình thương yêu và sự hiểu biết, hầu đem lại cho các con tôi những gì tốt đẹp nhất mà bậc làm cha mẹ có thể trao truyền lại cho con do sự thực tập chánh niệm.

- Tôi sẽ nhìn sâu, đối xử, và chấp nhận mỗi đứa con mình như chúng là, chứ không phải theo kỳ vọng của tôi.

- Tôi sẽ cố gắng hết sức để thấy và hiểu nhu cầu cũng như đòi hỏi của mỗi đứa con bằng một trái tim mở rộng.

- Tôi sẽ thực tập hạnh tha thứ và lòng thương đồng đều và vô điều kiện đến cho từng đứa con mình.

- Và, tôi sẽ cố gắng sẽ thực tập những điều nầy trong từng giây phút.

Ðây tôi không phải chỉ muốn chia xẻ đến các bạn đã có con, mà ngay cả các bạn sắp và sẽ làm cha mẹ, vì càng thực tập đều và sớm chừng nào thì đương nhiên kết quả sẽ đến mau chừng đó. Vì vậy chúng ta hãy cùng nhau bắt đầu ngay bây giờ nhé bạn.

M.T.


Source: Sinh Thức web page, http://www.sinhthuc.org/  


[Trở về trang Thư Mục]