BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Phật Học Phổ Thông

Tứ Nhiếp Pháp

Hòa thượng Thích Thiện Hoa


A. Mở Ðề

Tu hạnh lợi tha nhiếp hóa chúng sinh là bổn phận của Bồ Tát. Ðức Phật ra đời nhằm mục đích cứu đôĩ chúng sinh ra khỏi vòng sanh tử luân hồi.

Người Phật tử theo dấu chân Phật tất phải tập làm những gì đức Phật đã làm. Trong khi tu hành, Phật tử không bao giờ nên quá chú trọng đến mình mà quên người, không nên chỉ lo giác ngộ cho mình mà không tìm cách giác ngộ cho người. Trong đạo Phật, mình với người là một khối, mình không khác người, không thể phân chia ra được. Càng lo tự lợi chừng nào lại càng đi ngược với sự tu hành chừng ấy. Trái lại, càng hy sinh cho người, càng chú trọng đến lợi tha, lại càng mau chứng ngộ chừng ấy.

Phật có vô lượng phương pháp cứu độ chúng sanh, chúng ta muốn áp dụng phương pháp nào cũng được. Song muốn có kết quả cụ thể, chúng ta phải tùy theo căn cơ, hoài bão của chúng sanh mà lựa pháp môn tu hạnh lợi tha. Ðối với người đồng loại, chúng tôi tưởng không có phương pháp nào có hiệu quả thiết thực lợi ích cho người và làm cho người cảm hóa sâu xa bằng pháp môn Tứ nhiếp pháp.

B. Chánh Ðề

I. Ðịnh Nghĩa: Tứ nhiếp pháp là gì? Tức là bốn phương pháp lợi tha để nhiếp phục chúng sanh quay về với Phật pháp. Bốn phương pháp đó là:

- Bố thí nhiếp
- Ái ngũ nhiếp
- Lợi hành nhiếp
- Ðồng sự nhiếp

II. Hành Tướng Của Tứ Nhiếp Pháp

1. Bố thí nhiếp: Một xã hội tốt đẹp hay xấu xa, hòa bình hay hỗn loạn không phải là không nguyên nhân. Nguyên nhân của hỗn loạn xấu xa chính là lòng ích kỷ. Nhân loại đang quằn quại trong khổ đau, những cảnh nồi da xáo thịt, tái diễn hằng ngày là do đâu, nếu không phải chính là lòng tham lam ích kỷ?

Ðạo Phật là đạo từ bi, nghĩa là cứu khổ. Mà những nỗi khổ lớn của con người là gì? Ðó là sự thiếu thốn về vật chất sự mê mờ về tinh thần, và lòng lo sợ về đủ mọi thứ, như lo sợ mất tiền của, mất thân mạng, gặp tai biến v.v...

Vậy người có lòng từ bi, muốn cứu khổ thì trước tiên phải xả bỏ tánh ích kỷ, phải cho mọi người những gì mình có, phải cho những gì người khác mong muốn. Nghĩa là phải làm hạnh bố thí. Do sự bố thí ấy mà mình cảm phục được người chung quanh, mà người chung quanh mới gần gũi thân mến mình và mong cầu học đạo giải thoát. Bố thí có 3 lối: Tài thí, Pháp thí và Vô úy thí.

a) Tài thí: Tài là tiền của. tài thí là đem tiền của mà bố thí, để cứu vớt người đồng loại thoát khỏi đau khổ. Cảnh khổ của chúng sinh về vật chất không thể kể xiết: người thiếu cơm, kẻ thiếu áo, người thiếu thuốc thang, kẻ thiếu nơi nương náu... Ðứng trước bao cảnh khổ ấy, người Phật tử không thể nào an nhiên hưởng sự sung sướng riêng được, mà trái lại thấy mình có bổn phận xuất của, ra công giúp kẻ nghèo khổ, thiếu hụt.

Ðừng viện cớ, hay tự an ủi, mình nghèo không có của tiền giúp đỡ người chung quanh. Thật ra miễn là mình có từ tâm hay không, chứ không phải mình hoàn toàn thiếu phương tiện để giúp đỡ người khác. Một chén cơm vẫn có thể chia hai được, một manh chiếu vẫn còn đủ chỗ cho thêm một người nằm được. Người ta thường nói: "chật bụng chớ chật chi nhà", là thế. Người triệu phú đem cho năm, bảy ngàn bạc không làm cho người ta cảm phục, quý mến bằng người nghèo chỉ có hai bộ quần áo, mà đem cho bớt đi một bộ.

b) Pháp thí: Pháp là giáo pháp, là những lời dạy, những giáo lý của đức Phật và các bậc Thánh Hiền Tăng, là Tam tạng Kinh điển. Pháp thí là đem những giáo pháp quý báu ấy mà bố0thí, giảng dạy cho chúng sinh.

Chúng sinh đang mê mẫn, xoay vần trong sáu cõi, gây nghiệp rồi thọ báo, khác nào tỉnh mộng rồi lại mơ. Trong lúc mộng nào biết có mơ, cứ lăn lộn vào đường ái, như bướm đâm đầu vào đèn. Vì thế, đức Phật mới đem giáo pháp ra giảng dạy khiến cho chúng sinh ra khỏi biển khổ luân hồi.

Pháp của Phật nhiều vô số lượng, cao nhiêu cũng có, thấp bao nhiêu cũng có, đủ cỡ, đủ loại chomọi căn cơ. Dù người nước nào, bực nào, căn cơ cao hay thấp, sáng hay tối, một khi nghe đến pháp của Phật, tùy sức đều được hiểu cả. Nên trong kinh cí câu: "Phật thuyết nhất âm, chúng sinh tùy loại các đắc giải".

Chúng ta đừng viện cớ mình còn kém Phật pháp, không thể làm công việc thí pháp được. Như trên dã nói, Pháp Phật có vô số lượng pháp môn, nếu không biết được pháp môn cao thâm, thì cũng biết được pháp môn thông thường. Mỗi Phật tử ít ra cũng biết tụng kinh, niệm Phật, lễ Phật, ăn chay. Chúng ta đem những điều ấy chỉ bảo cho người, thế cũng là thí pháp rồi. Nếu làm những điều ấy với tấm lòng chan thật, hoan hỷ, cố mong sao cho người chung quanh đi đến với đạo để được lợi ích, thì sự thí pháp ấy còn đáng quí hơn là giảng những giáo lý cao với một thái độ dửng dưng hay tự cao tự đại.

Tuy thế, đã là Phật tử thì chúng ta có bổn phận phải luôn luôn trao dồi, học hỏi để biết rộng hiểu nhiều, hầu tự giải thoát và để công việc thí pháp của chúng ta được hiệu quả hơn, phổ biến rộng rãi hơn và ứng dụng trong mọi trường hợp.

Thí pháp càng lan rộng, thì người xu hướng về với Phật pháp càng nhiều và cõi đời càng bớt đau khổ.

c) Vô úy thí: Vô úy là không sợ hãi. Vô úy thí là đem cái không sợ mà thí cho chúng sinh. Sự sợ hãi là một tâm trạng rất thông thường của chúng sinh trong cõi đời giả tạm và đầy đau khổ này. Vậy người có lòng từ bi, phải cố gắng làm sao cho chúng sinh chung quanh có được sự bình tĩnh, yên ổn của tâm hồn, không hoang mang lo lắng, sợ hãi.

Vô úy thí, không phải chỉ những người có can đảm, có tài năng, có uy quyền mới làm được. Hằng ngày chung quanh ta, biết bao người đang ở trong cảnh sợ hãi; nếu thật chúng ta có lòng từ muốn giúp đỡ cho họ khỏi sợ hãi thì không có lúc nào là không thẻ làm được: một đứa bé đang kinh hãi trước hàm răng của con chó dữ; một bà lão lo sợ bị xe cán không dám băng qua đường nhiều xe cộ; một thiếu nữ đi đêm "sợ ma"; một htí sinh run rẩy trước giờ vấn đáp v.v...đó là bao nhiêu cơ hội mà chúng ta có thể thi hành pháp Vô úy thí. gặp người bị tai nạn, ta đem tài năng hay thế lực ra đùm bọc, che chở, cho họ khỏi sợ hãi; gặp người đau ốm, lo sợ thần chết mang đi, ta lấy luật vô thường giảng giải cho họ và bảo họ niệm đức Quan Thế Âm Bồ Tát hay Phật A Di Ðà v.v... đó là Vô úy thí.

Tóm lại, bố thí là do lòng từ bi vô hạn mà làm. Nó có một phạm vi rộng rãi vô cùng. Khi nào còn có chúng sanh đau khổ thì ta còn bố thí.

Hình thức cao nhất của bố thí là bố thí Ba la mật, nghĩa là bố thí rất nhiều mà không thấy mình có bố thí; bố thí mà không phân biệt thân sơ, không chấp ta, người, thù, bạn; bố thí mà không chấp số lượng những vật thí. Như thế là ta đã thành tựu pháp "Tam luân không tịch" về bố thí. Khi ấy, bố thí không còn là một việc làm phúc hay ban ân nữa, mà chính là một việc tự nhiên, không thể bỏ qua được như ăn, như uống, như một bổn phận nhất định hàng ngày.

Vậy đã là Phật tử thì không thể nào không thi hành pháp bố thí được. Sự thi hành này tùy phương tiện, tài năng, thẻ lực của mình, và ở trong hoàn cảnh nào cũng làm được, chứ không phải đợi có đủ một số điều kiện nào đó mới làm được. Miễn là ta càng cố gắng giúp ích, cứu khổ cho người được chừng nào thì quí chừng ấy.

2. Ái ngữ nhiếp: Ái ngữ nhiếp là tùy theo căn cơ tánh chúng sanh mà khôn khéo nói năng, an ủi, khuyên lơn, nhân thế khiến cho họ sinh lòng thân mến, cảm phục, rồi từ đó họ mới theo ta mà học đạo.

Ở đời phần nhiều người ỷ của, cậy quyền, đối với mọi người dùng lời không tao nhã, nên làm cho người chung quanh chán ghét. Một khi họ không yêu mến, cảm phục, thì tuy trước mặt họ dạ dạ, vâng vâng, mà sau lưng lại không chịu phục tùng, nghe theo. Vì thế, nhiều việc phải bị hư hỏng.

Tục ngữ có câu: "Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Thật thế, lời nói là một của báu mà mọi người đều có cả, không phân biệt giàu, nghèo, sang, hèn. Nhưng cũng lời nói ấy người nầy sử dụng thì nên công việc, còn người kia sử dụng thì lại tán gia bại sản. Sở dĩ như thế là vì một bên biết lựa lời ăn nói dịu dàng, dễ nghe, còn một bên cộc cằn, thô tục. Nhiều người, tự bào chữa, thường bảo: "Tánh tôi ngay thẳng và có hơi nóng, nên hay ăn to nói lớn, chứ thật ra tôi không có ác ý". Không có ác ý, nhưng làm cho người chung quanh phải đau khổ, khó chịu vì lời nói khiếm nhã, thô bạo của mình, thì có khác gì người ác?

Vậy Phật tử chúng ta muốn cảm hóa, dẫn dắt người chung quanh về con đường chánh, trước tiên phải áp dụng cho được phái ái ngữ, nghĩa là luôn luôn và trong mọi trường hợp, phải dùng lời dịu dàng, êm ái, thương yêu trong khi tiếp xúc với mọi người. Nhất là khi người ta đang ở trong cảnh khổ, thì những lời khuyên lơn, vỗ về lại càng vô cùng quí báu, vì có thể thoa dịu được vết thương lòng và làm cho người ta vô cùng cảm kích, khó mà có thể phai mờ được.

3. Lợi hành nhiếp: Lợi hành nhiếp là làm lợi ích cho người bằng ý nghĩ, lời nói hay hành động, khiến cho người ta sinh lòng thân mến mà theo ta học đạo.

Cái gương sáng nhất về phương diện lợi hành là cái gương Ngài Trì Ðịa Bồ Tát. Suốt đời, Ngài thường gánh đất đắp đường, ban cho bằng phẳng, hoặc bắc cầu để cho khách bộ hành đi lại được dễ dàng tiện lợi. Ngài thay người già gánh nặng, đẩy giúp cỗ xe lên dốc cao, chèo giúp cho người lái thuyền ngược nước... Tóm lại, bất luận việc lớn nhỏ, miễn giúp ích được cho người là Ngài không bao giờ từ nan. Xem thế, thì không cần phải đợi có dủ phương tiện mới làm lợi ích cho người được. Chỉ với một ít sức khỏe cũng có thể giúp được nhiều việc lợi ích cho người rồi.

Có khi chỉ cần một ý nghĩ tốt, một lời giới thiệu hay cũng có thể giúp cho người chung quanh có công ăn việc làm.

Ðối với người giàu có, nhiều phương tiện thì phạm vi hoạt động cho lời hành lại càng rộng rãi. Họ có thể xuất tiền của ra làm nhà dưỡng lão, nuôi người tuổi già sức yếu, để tuổi già của họ bớt đen tối, nguy nan; hay họ xây viện dục anh, nuôi trẻ mồ côi cha mẹ, cho chúng học hành và có nghề nghiệp, huấn luyện cho chúng thành những công dân hữu dụng. Hay dựng trại tế bần, cấp dưỡng cơm ăn áo mặc cho kẻ đói khó, hay dựng bệnh xá để cứu chữa những kẻ bệnh tật; hay xây trường học giúp con em có nơi học hành. Ðó là bao nhiêu công việc vô cùng lợi ích, vừa cho đời vừa cho đạo. Những công việc lành ấy sẽ cảm hóa lòng người và hướng họ trở về con đường giải thoát là con đường của đạo Phật.

4. Ðồng sự nhiếp: Ðồng sự nhiếp là tùy theo căn cơ, hoài bão, địa vị, nghề nghiệp của người mà lặn lội vào công việc của họ, cộng tác với họ, để một mặt giúp đỡ họ trong nghề nghiệp, một mặt nêu cao gương lành, làm cho họ cảm mến mà theo ta đến gần đạo cả.

Chẳng hạn như khi ta cùng làm việc trong một công sở, trong một xí nghiệp, trong thương trường hay trong nông nghiệp, mà từ việc lớn cho đến việc nhỏ, từ ý nghĩ cho đến câu nói, ta luôn luôn nêu gương đạo đức, tận tâm tận lực làm việc, sẵn sàng hy sinh quyền lợi mình, cho bạn đồng nghiệp, dần dần những người cộng sự, sẽ tiêm nhiễm những đức tánh tốt đẹp của ta, sẵn sàng nghe theo, làm theo những điều ta khuyên bảo.

Ðồng sự nghiệp, là một phương pháp có hiệu quả nhất để nhiếp hóa người chung quanh quay về con đường đạo. Bố thí nhiếp, ái ngữ nhiếp hay lợi hành nhiếp, mặc dù đều cảm hóa được người, nhưng không thường trực và không có ảnh hưởng sâu xa như đòng sự nhiếp. Chẳng hạn như người được ta bố thí, hay lợi hành, thì không phải lúc nào cũng ở bên cạnh ta, mà chỉ thỉnh thoảng mới được ân huệ ấy; còn ái ngữ thì chỉ hạn cuộc trong lời nói; mà lời nói dù có hay ho êm dịu bao nhiêu, cũng không thể biến thành cơm thành áo, thành những nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống đau khổ, thiếu thốn của người chung quanh được.

Nhưng với đồng sự nhiếp, ta có thể giúp đỡ một cách thiết thực và thường xuyên cho những người cùng sống trong một hoàn cảnh một nghề nghiệp với ta. Ta luôn luôn gần gũi chung đụng với họ, nên ta thấu rõ những hoài bão, tâm trạng, nhu cầu của họ; nhờ thế ta có thể giúp ích cho họ một cách có hiệu quả hơn. Ta trở thành một cột trụ chính cho họ nương tựa; vì thế ta có thể nhiếp hóa họ dễ dàng, sâu xa hơn. Một sự nhận xét thông thường là ở đâu, công sơ hay tư sở, nhà máy hay nông trường, hễ có một Phật tử chân chính, thuần thành, gương mẫu, thò ở đó số người theo Phật càng ngày càng đông, càng mạnh.

III.Lợi Ích Của Tứ Nhiếp Pháp

Nếu ta thực hành đúng theo tứ nhiếp Pháp ta sẽ thấy những kết quả đẹp đẽ sau đây:

1. Về phương diện cá nhân: Ta sẽ là một con người gương mẫu; mỗi ý nghĩ, mỗi lời nói, mỗi hành động của ta đều là một hạt giống thiện gieo vào ruộng phước mà sau nầy ta sẽ gặt được những kết quả quý báu, tốt lành. Những gì của ta nói ra, làm ra đều được thông cảm, tán thành, mến phục. Ta có thể thu hút nhân tâm một cách dễ dàng, rộng rãi, và mỗi khi đi đến đâu, ta đều được tiếp đón một cách chân thành, nồng nhiệt. Do đó, ta sẽ dễ dàng thành công trong mọi việc.

2. Về phương diện gia đình: Khi người ngoài, xa lạ mà còn mến phục, thương yêu ta, thì sao cha mẹ, vợ con, anh em là những người thân thuộc lại không quý mến ta được? Do ảnh hưởng tốt đẹp và uy tín của ta, mọi người trong gia đình đều trở thành thuần lương, đức độ cả. Và một gia đình gồm những phần tử như thế, thì thể nào cũng được trên thuận dưới hòa, trong ấm ngoài êm, nghĩa là có hạnh phúc.

3. Về phương diện xã hội: Một người tu hạnh tứ Nhiếp pháp cũng đã gây được ảnh hưởng tốt lành và hoán cải được một phần nào hoàn cảnh xa hội. Số người tu Tứ Nhiếp Pháp cành nhiều thì xã hội lại càng được cải tiến, và trở thành thuần lương, thiện mỹ.

Người ta thường trách đạo Phật là tiêu cực yếm thế. Những lời chỉ trích sai lầm ấy, chỉ đem một giáo lý Tứ Nhiếp Pháp nầy ra chứng minh, cũng đủ đánh đổ được ngay. Thật vậy, nếu áp dụng triệt để tứ Nhiếp Pháp vào cuộc đời thực tế, thì xã hội sẽ được cải tiến một cách vô cùng lợi lạc.

C.Kết Luận

Như trên đã nói, Tứ Nhiếp Pháp là một pháp môn để cải tiến xã hội một cách có hiệu quả nhất. Nó lấy lợi sanh làm căn bản, lấy hạnh phúc của chúng sanh làm mục đích. Ðây chúng ta hãy nhớ lại từng điểm một:

1) Hãy đem của cải giúp cho người túng thiếu, tật nguyền, đem Phật pháp giảng nói để chomọi người cải ác tùng thiện, đem dũng lực tinh thần hay vật chất để che chở cho người chung quanh khỏi lo sợ.

2) Hãy nói lời ôn hòa nhã nhặn, để cảm hóa người ta đi theo con đường lành.

3) Hãy làm lợi ích cho mọi người trong mọi trường hợp.

4) Hãy hòa mình trong cuộc sống, trong công việc của người chung quanh, để nhận rõ được người nhu cầu thiết tha của họ, hầu giúp đỡ họ một cách có hiệu quả, và đưa dần dần họ về con đường chính.

Vậy là Phật tử, chúng ta không thể dửng dưng trước những lời kêu gọi lợi tha ấy được.

Nếu chúng ta làm ngơ, chúng ta chưa phải là Phật tử chân chính, vì chúng ta đã thiếu hai yếu tố quan trọng nhất để tu hành: đó là lòng từ bi và lợi tha. Thiếu hai điểm ấy không bao giờ chúng ta có thể tiến triển trên đường đạo và thành Phật được.

Thích Thiện Hoa
(trích "Phật học Phổ thông")


Source: Hoa Sen, http://www.jps.net/hoasen/


[Trở về trang Thư Mục]