BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times
font
Sau khi tìm hiểu khái lược về tôn giáo của đạo Phật,bây giờ chúng ta đi vào một lĩnh vực vô cùng quan trọng, đó là đời sống và kinh nghiệm tôn giáo của đạo Phật. Trước khi bàn về vấn đề này, cần lưu ý rằng có hai khía cạnh luôn luôn đi đôi với nhau trong mọi thể cách vận hành của đời sống cũng như của kinh nghiệm mà con người không thể bước ra,cho dù là người có tôn giáo hay là không tôn giáo; đấy là dòng vận hành của tâm thức tùy thuộc vào hoặc là tính đặc thù của nhân tính (personality), hoặc là cơ sở của ý thức hướng đến sự toàn thiện . Ở đây, tính chất đặc thù của nhân tính được xem như là cái trục nhân tính mà qua đó đời sống tình cảm của con người trổi dậy trong cái cơ cấu tương quan thường nghiệm,như sự hiểu biết, tình thương yêu, lòng kính trọng, sự tôn thờ v.v... Trái lại,cơ sở của ý thức hướng đến sự tòan thiện (giác ngộ) luôn có khuynh hướng đi ngược lại ngay từ niệm khởi đầu tiên khi mà một người đàn ông hay một người đàn bà thực thụ đắm mình vào dòng sông thể nghiệm của đời sống tôn giáo,một đời sống không còn vận hành lê thê trong tương quan logic,mà Ðức Phật gọi nó là trật tự của vòng nhân quả, luân hồi. Ðấy là lý do tại sao phải phân định rõ hai thể cách của đời sống và kinh nghiệm tôn giáo .
Ðời sống luân lý tự nhiên
Như tôi đã nói ở phần tâm lý xã hội học -tôn giáo, sẽ rất sai lầm nếu chúng ta đẫy tôn giáo ra khỏi đời sống tri thức luân lý của con người hoặc ngược lại.Vì lẽ, nhân tính vốn được xem như là một cái trục của sự sống mang tính cách bẩm sinh.Và từ cái trục nhân tính này, nó vẽ nên mọi giá trị cho lòng thương yêu, niềm tin, sự kính trọng,sự tôn thờ,lòng vị tha v.v... và điểm nối kết tất cả giá trị đó chính là cái tình cảm chân thành, chất phát của con người ngay từ lúc cất tiếng khóc chào đời. Ðấy quả thực không gì khác hơn là một phần thưởng quí giá độc nhất vô nhị dành để tặng cho con người. Do đó, nếu tôn giáo được xem là nơi lưu trữ và tôn vinh các đặc trưng của nhân tính- cái vốn làm nên trật tự của một nền luân lý tự nhiên- thì tôn giáo và đời sống luân lý tự nhiên của con người là một tổng thể bất khả phân ly. Ở đây, hoàn toàn không có cái phẩm chất đơn độc (Single quality) trong mọi giá trị hiện hữu của đời sống con người, mà chỉ có những nhóm phẩm chất (group of qualities) .Tỉ dụ như không thể có bất kỳ một tình thương yêu độc lập nào có thể tách rời khỏi sự kính trọng và lòng vị tha. Giá trị của tình thương yêu thực thụ cũng chính là giá trị của sự kính trọng và lòng vị tha; hay nói khác hơn, tình yêu chỉ xuất hiện trong tương quan của các gía trị tình cảm như lòng vị tha, sự kính trọng, sự độ lượng, sự nhân từ,sự hiểu biết vv... Ðiều này được Ðức Phật gọi là đạo lý Duyên Khởi.
Trên cơ sở này, đời sống tôn giáo được tập trung vào niềm tin về một trật tự luân lý thiện ác- nhân quả, cũng như sự phúc đáp tốt đẹp cho mọi thiện hạnh mà con người là kẻ duy nhất gieo và gặt mọi hậu quả; và sự hiện hữu Thánh linh nào đó xuất hiện ở đây chỉ được xem như là những chứng lý-hình thức cần có cho sự phán quyết nội tại mà thôi. Và như thế, không có gì là mâu thuẫn nếu cần phải tôn vinh một hiện hữu Thánh linh hay qui ngưỡng về một hiện hữu Thánh linh,lấy đó làm tâm cho mọi sự phân bày, cho dù đó là tự nhiên hay siêu nhiên. Từ đó,đời sống tôn giáo,một mặt nào đó gắn liền với các hình thức lễ nghi (cần được lâp đi lập lại nhiều lần) như là sự nhắc nhở trong mỗi niệm của con người hướng đến các tư duy, ứng xử, hành vi... mang giá trị tốt đẹp và lánh xa các việc xấu ác.
Tuy nhiên, những điều được nói trên đây chỉ là một đời sống tôn giáo được xây dựng trên căn bản của trục nhân tính mà thôi. Ðấy không phải là cốt tủy trong đời sống tôn giáo của Ðạo Phật.
Ðời sống và ý chí hướng thượng
Chúng ta biết rằng, cái nguyên động lực thúc đẫy con người tìm kiếm một đời sống tôn giáo thực thụ thì không gì khác hơn là mối quan tâm về đời sống cá thể trong cái số phận hạn cuộc của một đời người. Ðây là mấu chốt trong sự ra đời của các tôn giáo nói chung,cũng như là sự tồn tại hiện hành của tôn giáo. Như thế, một cách ngắn gọn có thể nói, tôn giáo là một chương tưởng niệm (Monumental chapter) - theo cách nói của W. James - về lịch sử qui kỷ của nhân loại (Human egotism). Tư tưởng tôn giáo là tư tưởng của con người, của nhân tính. Vì lẽ, Phật hay Chúa hay vân vân... đều xuất hiện từ tiếng gọi nội tại của con người, con người của Phật, con người của Chúa...Và rằng, những người được xem là đã đạt đến một sự kiến chiếu như thật đều không ngớt nói rằng họ gặp Phật hay Phật gặp họ ngay trong cái bản thể tự nội của chính họ chứ không phải là ở một nơi nào xa khác.
Từ đó cho thấy rằng, tôn giáo ra đời từ một ý chí hướng thượng cá nhân, và ngược lại,con đường dẫn của tôn giáo đối với các cá nhân là hoàn thiện trách nhiệm và đời sống của chính nó . Như thế, đời sống hướng thượng trong tôn giáo của đạo Phật trước hết được đặt ra là lý tưởng hòan thiện cá nhân mà Ðức Phật trình bày qua học thuyết Nghiệp (Karma), một học thuyết xây dựng trên cơ sở của trách nhiệm cá thể, nhằm giúp con người ý thức rõ về khả năng tự độ, hay nói khác hơn là khả năng thành Phật. Thông qua học thuyết này, mỗi người tự mình nỗ lực vượt qua mọi cảm nhiễm xấu ác, vượt qua con người tham dục, vượt qua mọi cơ đồ của cái trần tục trong thế giới tương quan và giơí hạn để đạt đến một sự tòan tri (giác ngộ) bằng con đường thể nghiệm chân lý . Trong suốt một tiến trình, từ bước đầu tuân thủ các trật tự luân lý cho đến sự vượt qua mọi trật tự trong tương quan của logic suy lý, cái tâm của chúng ta được xem như là điểm trung tâm của mọi sự vận hành. Và dòng ý thức của cái tâm đó luôn luôn xoay ngược chiều với đời sống luân lý tự nhiên. Một đằng thì nỗ lực tìm kiếm những phúc đáp tốt lành từ các việc thiện,điều này được xem như là nguyên nhân thúc đẫy con người làm các viêc lành và chấp hành mọi qui ước của luân lý đạo đức; trong khi một đằng khác thì nỗ lực vượt qua mọi tương quan trong thế giới thiện -ác,chấm dứt vòng luân hồi tái sinh mà Phật giáo goi là giải thoát sinh tử.
Do đó, đối với Phật giáo, cái cốt lõi của đời sống tôn giáo chính là sự vượt qua mọi đối đãi của thế gian (như thiện ác, tốt xấu, có không, sinh tử...) để làm cho tâm trở nên thanh tịnh (tự tịnh kỳ ý) nhưng vẫn không từ bỏ các thiện hạnh dù là nhỏ nhoi trong cuộc sống đời thường, mà ở đây có thể dùng khái niệm viễn ly để nói lên ý nghĩa của đời sống này.
Kinh nghiệm tôn giáo
Trước khi bàn đến kinh nghiệm trong tôn giáo,chúng ta có vài ghi nhận về vấn đề nhận thức . Ðây là một trong những vấn đề phức tạp thuộc ngành tâm lý học, mà ở đây là tâm lý học Phật giáo.
Thông thường chúng ta biết rằng, để có một nhận thức bao giờ cũng đòi hỏi có một chủ thể nhận thức và đối tượng được nhận thức xuất hiện trong tương quan. Nếu thiếu một trong hai thì sự nhận thức không thể hình thành. Và chính sự nối kết của những mẫu nhận thức nhỏ nhoi này mà chúng ta có một chuỗi dài của kinh nghiệm.Ðiều này được gọi là tri thức thường nghiệm, nó góp phần soi sáng trong mọi quan hệ của tư duy và thế giới thực tại - đối tượng của tư duy. Tuy nhiên,sẽ rất sai lầm khi dùng những mẫu tri thức như thế làm cơ sở cho kinh nghiệm của đời sống tôn giáo.
Vì lẽ, tri thức của chúng ta về một sự vật thì không phải là sự vật chính nó mà chỉ là ảnh tượng về sự vật đó mà thôi. Tất nhiên,trong tiến trình của biện chứng,con người thường nỗ lực gán ép một căn tính nào đó lên mỗi đối tượng hiện hành của nhận thức theo cái khuôn mẫu tri thức của con người, như -như thế này thì gọi là cái nhà, như thế kia thì gọi là chiếc xe... Và từ trong thâm tâm, người ta muốn đồng nhất hóa sự vật được nhận thức theo cái nhìn của chủ thể nhận thức. Từ đó mà mọi khái niệm phân biệt trỗi dậy và làm cho cái một (đối tượng) trở thành đa thù (biểu hiện) . Tỉ dụ như những chàng mù sờ voi, do không có khả năng lĩnh hội tòan diện về con voi nên khi tiếp xúc với nó, người sờ đụng cái tai voi thì cho rằng con voi giống cái quạt, người sờ đụng cái chân thì cho rằng con voi giống cái trụ, người sờ đụng cái bụng thì cho rằng con voi giống cái trống... Cứ như thế mà con voi được xuất hiện khác nhau trong tâm thức của những chàng mù. Ðấy là những giới hạn của tri thức con người trước thế giới thực tại. Học thuyết của Lotze bảo rằng: "Thông qua cái khuôn mẫu tri thức của chúng ta áp đặt lên sự vật (for itself) mà có thể lĩnh hội được sự vật như là chính nó (in itself) đây là ý nghĩa duy nhất của nhận thức".
Một điều khác nữa là tri thức của chúng ta thường không trung thực, nó bị chi phối bởi nhiều yếu tố chủ quan như vui, buồn, thương,ghét... Do đó,tùy theo trạng thái của sự tiếp xúc trong giao diện giữa chủ thể nhận thức và đối tượng được nhận thức mà đối tượng được đánh giá khác nhau. Như trước mắt chúng ta chỉ có một bông hoa, nhưng với người này nó là đẹp, với người kia nó là xấu... Có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu nhận thức khác nhau.
Bên cạnh đó, có một yếu tố quan trọng mà không thể không nói đến đó là con đường dẫn đến sự tiếp xúc hay lĩnh hội cái kỳ bí nhiệm mầu,tự nhiên hay siêu nhiên, chung quanh chúng ta; con đường thể nghiệm tâm linh trong tôn giáo; và con đường vượt qua mọi khát vọng,nhu cầu của cá nhân, như ăn uống, dục tính chẳng hạn... Trên mặt phân tích thì nói như thế, nhưng thật ra cái cốt tủy để đạt đến một sự thể nghiệm tôn giáo chính là sự vượt qua mọi đam mê, dục vọng và cuồng si của tự thân mà tri thức của chúng ta luôn luôn là nguyên nhân của mọi cuộc "nội chiến".Bởi lẽ, dầu biết rằng muốn đạt đến một đời sống thánh thiện, con người cần phải giữ dìn mọi phẩm chất của đức hạnh, nhưng từ trong chiều sâu của tâm thức, cái mà gọi là bản năng dục vọng luôn thiêu đốt và thúc giục con người đi tìm kiếm một sự thỏa mãn, dầu trong tư duy hay hành động.Ở lĩnh vực này, sự nỗ lực và nhiệt thành của ý chí đóng vai trò trung tâm.
Từ một vài trưng dẫn trên, có thể kết luận rằng, khả năng của nhận thức dù thế nào đi nữa vẫn không thể làm nhân cho những kinh nghiệm tôn giáo mà trái lại, nó đòi hỏi những yếu tố thể nghiệm, niềm tin và trực giác. Ðiều này giống như sự tri thức về nước và người uống nước thì hoàn toàn khác nhau.
Cái huyền ảo
Một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng đời sống tôn giáo tiến bộ cũng như để củng cố niềm tin, trau dồi đức hạnh... đó là kinh nghiệm về cái huyễn ảo. Chính từ kinh nghiệm này mà con người bắt đầu nhận thức sâu sắc về sự thật của cuộc đời.
Trong viễn kiến của tự nhiên, con người thường thấy rằng sự hiện hữu của ta cũng như thế giới chung quanh ta là những cái gì đó như thực,như bền vững, như vĩnh hằng... và xu hướng sở hữu hóa căn tính của sự vật sai biệt đa thù chung quanh ta là tính chất thông thường của tư duy, của nhận thức, của cảm tính. Ðiều đó là một chướng ngại lớn nhất của con người khi bước vào thực hành đời sống tôn giáo. Vì lẽ, mục tiêu lý tưởng của tôn giáo mà chúng ta đang bàn đến là sự thể nghiệm chân lý, vượt lên trên mọi giới hạn của đời sống trần tục này, đi từ cái hữu biên đến vô biên, từ cái sai biệt đa thù đến cái đồng nhất thể trong tương quan thống thiết giữa con người và vũ trụ bao la. Và như thế, khi còn bị buộc chặt hay bám víu vào thế giới phân biệt của tri thức luận lý thì sẽ không bao giờ thể nhập vào cái siêu luận lý- thực tại. Ðây là lý do tại sao Ðức Phật trình bày học thuyết về Ba dấu ấn (Khổ, Vô thường, Vô ngã) như là tính cách pháp định,bất biến của thế giới tương quan duyên khởi này.
Ở đây, cái huyễn ảo chính là cái đa tính của đối tượng, cái được sinh khởi từ trong tương quan giữa chủ thể nhận thức và đối tượng được nhận thức, như tri thức về cái bàn, cái ghế, cái nhà, xe cộ, tài sản vv ... trong khái niệm huyễn ảo, nó bao gồm các đặc tính như tên gọi (danh),hình thể (tướng); trong hình thể bao gồm hai yếu tố biểu hiện (sắc) và không biểu hiện (vô biểu sắc); trong cái không biểu hiện bao gồm cả các dạng năng lượng, trong năng lượng bao gồm hai tính chất vật lý và tâm lý. Ðấy chính là cái tổng thể của một sự hữu. Và, khi cái tổng thể này được phân tích cặn kẻ đến độ không còn phân tích được nữa thì cái huyễn ảo bắt đầu xuất hiện ra trước mắt chúng ta. Sự kiện này có thể thảo luận cụ thể hơn như sau.
Như tôi đã trình bày,tri thức của chúng ta về một sự thể nào đó thì không phải là sự thể chính nó. Cái mà chúng ta biết được về thế giới thực tại chung quanh ta đó chỉ là những phóng ảnh từ tâm thức,hay nói khác hơn chỉ là thế giới biểu tượng của thực tại, chứ không phải là thực tại bản nguyên. Và nên nhớ rằng, cho đến cái khả tính tối thượng của nhận thức vẫn không thể lĩnh hội được thực tại . Vì lẽ, tính chất của nhận thức là phân biệt thế giới thực tại qua khái niệm;mà giữa khái niệm và thực tại thì hòan toàn khác nhau. Do đó, bất luận một sự thể naò, hễ còn được xây dựng trên khái niệm thì đều là huyễn ảo- nghĩa là chúng luôn luôn vô thường .
Trái lại,tâm thức chúng ta ngay từ trong mỗi niệm mọi ảnh tượng đến rồi đi, sinh rồi diệt, trông có vẽ như nửa mộng,nửa thực; nhưng mọi diễn biến của nó,dù đến hay là đi, vẫn để lại dấu tích trong tàng thức (alaya),và một ngày nào đó,cái dấu tích cổ xưa ấy sẽ xuất hiện trở lại cùng với tập quán của tư duy. Ðấy là một loại ký ức -như một cuốn nhật ký-mà lúc nào và ở đâu con người cũng mang theo. Ðiều này được Ðức Phật gọi là chủng tử (các hạt giống) của nghiệp thức, Và trong các hạt giống đó bao gồmba loại : hạt giống sẳn có, hạt giống mới gieo vào và hạt giống hiện hành.
Từ một vài trưng dẫn trên,cho thấy rằng trong đời sống kinh nghiệm tôn giáo có một sự đảo lộn các giá trị của tự nhiên, và bản thân của giá trị đó được xem như là tương đương với giá trị đánh đổi trong các lý thuyết của nền kinh tế học hiện đại. Nó xuất hiện như một thứ nghịch lý hiển nhiên. Tất nhiên,ở đây hoàn toàn không hề có bất kỳ một sự thương lượng nào cả; có nghĩa là, đối diện trước đời sống của kinh nghiệm tôn giáo, hoặc là con người nỗ lực vượt qua mọi chướng ngại của cái huyễn ảo, hoặc là mãi mãi đắm chìm trong trong hải hồ tục lụy bởi sự bám chặt vào cái huyễn ảo mà thôi.
Nói tóm lại, con đường dẫn đến kinh nghiệm tôn giáo có một giá trị đặc biệt trong đời sống đạo đức của con người và xã hội. Vì lẽ, một tôn giáo nếu không có những kinh nghiệm nội chứng thì xem như đó là một tôn giáo hình thức, chẳng đưa con người đi đến đâu. Ðiều quan trọng hơn hết ở đây làchính kinh nghiệm tôn giáo thực thụ sẽ tạo nên một nền tảng bền vững nhất làm cơ sở cho các gía trị nhân bản của tình yêu, tình người, và cao xa hơn là niềm hạnh phúc vĩnh hằng.
Thích Tâm Thiện
Sài Gòn, 1999
http://members.xoom.com/khaithien/