BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Tứ Diệu Ðế.

Phỏng viết theo bài Pháp của Ðại Ðức Nàrada Maha Thera
Kỳ Viên Tự, Saigon, 1960


Chủ trương hướng dẫn chúng sanh trên đường tự-giác, giác-tha, Phật Giáo không đặt nền tảng giáo-lý trên sự sợ sệt một oai lực huyền bí siêu thế nào, cũng không dạy hàng tín đồ phải mong nhờ sự giúp đỡ nào từ bên ngoài hay trông cậy nơi sự cứu rỗi nào từ trên ban xuống.

Muốn tự độ phải hướng vào nội tâm.

Ðức Phật đạt được đạo quả vô thượng chánh giác cũng nhờ tìm chân lý chính nơi bản thân Ngài mà thôi. Một mình giữa rừng già, ngày đêm trầm-tư mặc-niệm, gôm tam quan-sát từng yếu tố vật chất và tinh thần của bản thân mà Ðức Phật tìm ra Ánh Sáng. Vì thế Ngài hằng dạy rằng tất cả chân lý của vũ trụ đều nằm vỏn vẹn trong tấm thân một trượng này.

Phật Giáo xuất phát từ nhân sinh, lấy nhân sinh để phụng sự nhân sinh. Ðức Phật luôn luôn đề cập đến các vấn đề có liên quan đến đời sống con người và những lời dạy quí báu của Ngài luôn luôn căn cứ trên những sự kiện và những chân lý thực tế mà mọi người đều có thể quan sát, chứng nghiệm và kiểm soát. Phật Giáo không đòi hỏi một đức tin mù quáng, không đặt ra những tín điều để ép tín đồ phải nhắm mắt tuân theo. Người Phật tử không bị bắt buộc phải chấp nhận một điều nào nếu chưa am hiểu thấu đáo. Ðối với những ai muốn tìm chân lý, Ðức Phật thưòng khuyên chẳng nên vội tin một điều nào chỉ vì điều ấy do một nhân vật quan trọng hoặc có uy quyền đề xướng mà phải luôn luôn dùng lý trí xét đoán, phân biệt đâu là lẽ phải rồi mới quyết định phải tin cùng không. Phật Giáo là một tôn giáo căn cứ trên trí tuệ. Phật Giáo đặt nền tảng trên bốn chân lý gọi là Tứ Diệu Ðế; tiếng Phạn là Ariya Sacca.

Ariya là người hoàn toàn trong sạch, người ta gột rửa mọi bợn nhơ, mọi phiền não, mọi tham vọng, tức là người đã đạt đạo quả tứ thánh. Ðạo quả Phật là cao thượng hơn tất cả các thánh quả.

Sacca là chân lý, tức là cái gì thực sự có, tiếng bắc phạn (Sanscrif) là SATYA, có nghĩa là một sự kiện không còn tranh luận nữa. Chân lý là những sự thật hiển nhiên, tuyệt đối, vĩnh cửu, bất di bất dịch. Chân lý không thể bị hoàn cảnh, thời gian, sự vật chi phối. Chân lý không thể biến đổi.

Ariya Sacca, Tứ Diệu Ðế là những chân lý mà bậc thánh hoàn toàn trong sạch nhất là Ðức Phật đã tìm ra. Ariya Sacca, Tứ Diệu Ðế, cũng có nghĩa là những chân lý khả dĩ dẫn dắt chúng sanh đến nơi hoàn toàn trong sạch của hàng tứ thánh.

Tứ Diệu Ðế là những chân lý sẵn có chớ không phải là do Ðức Phật tạo ra. Dầu có Ðức Phật hay không những chân lý ấy vẫn có, Ðức Phật chỉ là người đã trực nhận những chân lý ấy và truyền dạy lại cho người, thế gian còn bị màn vô minh che ám mà thôi.

Tứ Diệu Ðế là:

- Khổ Ðế (Dukkha Ariya Sacca)
- Tập Ðế (Samudaya Ariya Sacca)
- Diệt Ðế (Nirodha Ariya Sacca)
- Ðạo Ðế (Magga Ariya Sacca)

Trong trường hợp nào Ðức Phật giảng Tứ Diệu Ðế lần đầu tiên?

Ngày cuối cùng trong tuần lễ thứ bảy, sau khi vẻ vang chiến thắng mọi chướng ngại vật để chứng đạo quả Chánh Ðẳng Chánh Giác, trong lúc ngồi một mình dưới cội bồ đề tại Uruvela, Ðức Phật nghĩ:

"Như-Lai đã mất nhiều công phu mới thấu triệt được các pháp siêu việt. Rất khó mà truyền bá các pháp ấy trong nhân gian, Nhân loại còn nặng mang lòng tham dục và sân hận, sẽ không dễ gì lãnh hội được các pháp mầu nhiệm ấy. Bị vướng mắc trong tham dục, bị tham dục bao phủ như một đám mây đen tối, con người sẽ không nhận định được chân lý sâu-sắc, tế-nhị, khó am tường và không thích hợp với lòng tham dục".

Nhưng, sau khi dùng tuệ nhãn soi khắp thế gian, Ðức Phật thấy có những chúng sanh bị vướng nhiều hoặc ít bụi cát trong mắt, có hạng thông minh sáng suốt, có kẻ mờ mịt tối tăm, có người tốt kẻ xấu có người có thể lãnh hội nhanh chóng pháp bảo, có người sẽ khó am tường và cũng có một số ít chúng sanh đã nhận ra mối nguy cơ của tội lỗi và ghê sợ luân hồi sanh tử. Ngài quyết định hoằng dương Ðạo Pháp.

Ðức Phật tuyên bố: "Từ nay cửa vô sanh bất diệt đã rộng mở cho tất cả chúng sanh. Những ai có tai muốn nghe cứ đặt niềm tin tưởng".

Những người đầu tiên được Ðức Phật truyền giáo là năm vị đạo sĩ đã cùng Ngài tu khổ hạnh, lúc ấy đang tu trong vườn Lộc-Giả Isipatana gần Ba La Nại (Benares).

Khi thấy Ðức Phật từ xa đến, năm vị đạo sĩ bảo nhau rằng; "Ðạo sĩ Cổ Ðàm không bền chí cố gắng và đã thay đổi lối tu, vậy chúng ta không nên đảnh lễ". Nhưng khi Ðức Phật lại gần, cốt cách oai nghi của Ngài tự nhiên cảm hóa được năm vị đạo sĩ và, không ai bảo ai, cả năm đều quỳ xuống khấu đầu đảnh lễ. Mặc dầu vậy, năm đạo sĩ vẫn gọi Ngài với danh hiệu "Avuso" (đạo hữu). Ðức Phật khuyên các thầy không nên xưng hô với Ngài như vậy vì Ngài đã đắc quả Phật. Nhưng năm đạo sĩ vẫn chưa tin. Ðức Phật lập lại lời khuyên lần thứ nhì rồi lần thứ ba, nhưng vô hiệu quả. Sau cùng Ðức Phật dạy: Này chư đạo sĩ, các Thầy có thấy lần nào Như Lai nói với các Thầy như thế ấy không?"

- Quả thật là không.

- Nầy chư đạo sĩ, Như Lai không sống sung sướng, không hề ngừng cố gắng và không hề chấp nhận đời sống lợi dưỡng. Nầy chư đạo sĩ, Như Lai là bậc siêu thế, là bậc Chánh Ðẳng, Chánh giác, hãy lắng nghe này ác Thầy, quả vô sanh bất diệt đã được thành tựu. Như Lai sẽ truyền bá Giáo Pháp, nếu các Thầy thực hành đúng lời dạy thì không bao lâu chính các Thầy cũng sẽ thành tựu tuệ giác và tiếp tục đạt những cứu cánh của đời sống cao thượng trong kiếp này. Cũng vì muốn đi tìm đời sống cao thượng ấy mà bao nhiêu vương tôn công tử trong các gia đình quý phái sẽ cất bước ra đi, rời bỏ cung vàng điện ngọc để làm người không nhà không cửa, không tiền của, không sự nghiệp.

Ðó là những lời nói chân thật do bậc thành nhân thốt ra. Năm đạo sĩ là hạng trí thức thông minh, mặc dầu đã có thành kiến không tốt đối với Ðức Phật, khi nghe vậy, thì nhận định chắc chắn rằng đạo sĩ Cồ Ðàm đã chứng đạo quả vô thượng và có đầy đủ khả năng để hướng dẫn mình trên đường giải thoát.

Kinh "Chuyển Pháp Luân" (Dhammacak-kappavatana Sutta) là bài pháp đầu tiên mà Ðức Phật giảng cho năm vị đạo sĩ. Bài pháp ấy đã ghi lại như sau:

"Ta có nghe như vầy, thưở nọ Ðức Thế Tôn ngự tại vường Lộc Uyển, xứ Isipatana, gần thành Ba-La-Nại (Benares), lúc ấy Ðức Thế Tôn dạy năm anh em thầy Kiều-Trần-Như như sau:

- Có hai cực đoan (Anta) mà hàng xuất gia nên xa lánh.

Sự luyến ái dính mắc theo ngủ uẩn nhục dục (Kamasukhallikanuyoga) là thấp hèn, thô-bỉ, đê-tiện và vô ích; và sự gắn bó khắng khít trong lối tu khổ hạnh (Attakilamathanuyoga) là đau khổ, thấp hèn và vô ích. Này hỡi các thầy, khi lánh xa hai cực đoan ấy, Như-Lai đã tìm ra con đường Trung-Ðạo (Majjhima Patipada) là con đường đem lại Ánh Sáng Chân Lý, sự hiểu biết, sự an-lạc, trí tuệ cao siêu, sự giác ngộ và Niết Bàn. Ðó là Bát Chánh Ðạo...

Tứ Diệu Ðế

1. - Hỡi này các Thầy, đây là chân-lý cao thượng về sự khổ (Khổ Ðế).

Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, tử là khổ, sống chung với người mà không ưa thích là khổ, xa lìa những người thân yêu là khổ, mong muốn mà không được là khổ, tóm tắt thân ngũ uẩn là khổ.

II. - Hỡi này các Thầy, đây là chân lý cao thượng về nguồn gốc của sự khổ (Tập đế)

Ái dục là nguyên nhân của sự tái sanh. Vì bám bíu, vui thích trong đời sống mà chúng sanh phải tái sanh. Ái dục có ba:

- Ái dục trong ngũ trần (Kamatanha: ái dục trong dục giới).

- Ái dục trong ý tưởng cho rằng vạn vật là trường tồn, vĩnh cửu (Bhavatanha) và Ái dục trong ý tưởng cho rằng sau cái chết là hư vô (Vibhavatanha).

III.- Hỡi nầy các Thầy, đây là chân lý cao thượng về sự chấm dứt sự khổ (Diệt đế).

Ðó là sự xa lánh hoàn toàn và sự tận diệt mọi Ái-dục. Ðó là sự rời bỏ, sự từ khước, sự thoát ly và sự tách rời ra khỏi mọi hình thức Ái-dục.

IV.- Hỡi này các Thầy, đây là Chân-Lý cao-thượng về con đường dẫn đến nơi chấm dứt sự khổ (Bát Chánh Ðạo). Ðó là con đường tám chánh tên là: Chánh Kiến, Chánh Tư-Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Ðịnh.

1. Khổ Ðế

Chân lý cao thượng và thâm diệu thứ nhất là Khổ Ðế (Dukkha Ariya Sacca), sự khổ, tinh thần cũng như vật chất.

Ðứng về phương diện cảm giác (Thọ, Vedana), "Du" là khó, "Kha" là chịu đựng. Dukkha là cái gì mà làm cho ta khó chịu đựng.

Hiểu như một chân lý trừu tượng, "Du" là cái gì đáng khinh miệt, không đáng bám bíu. "Kha" là hư vô, trống rỗng. Thế gian nằm trong biển khổ, và như vậy là đáng khinh miệt, không đáng cho ta bám bíu. Thế gian là một ảo ảnh, không có chi là thực tế. Do đó thế gian là trống rỗng, hư vô. Vậy Dukkha là sự hư vô không đáng cho ta bám bíu.

Thọ (Vedana), tức là cảm giác, có năm:

- Somanassa là cảm giác vui thích về tinh thần, hạnh phúc, như khi nhận được một tin lành, nghe một bài Pháp hay v.v...

- Domanassa là cảm giác đau khổ về tinh thần, như khi nhận được tin dữ, hay nghe những lời nói hung tợn v.v...

- Sukha là cảm giác vui thích về thể xác, như khi dùng một bữa cơm ngon, ngủ trong phòng lạnh có nệm êm v.v...

- Dukkha là cảm giác đau đớn, thiếu tiện nghi, như ngồi chật hẹp trên một chiếc xe cũ, đi ngoài nắng, uống thuốc đắng v.v...

- Upekkha là cảm giác vô ký, không vui, không khổ.

Trong thực tế, khi tinh thần được hạnh phúc thì vật chất cũng được vui thích và trái lại khi thể xác được vui thích thì tinh thần cũng khoan khoái. Vậy ta có thể gồm hai cảm giác vui thích, tinh thần và vật chất làm một, gọi là Sukha.

Cùng một thể ấy, ta gồm hai cảm giác đau khổ, về tinh thần và vật chất làm một, gọi là Dukkha.

Vậy, Thọ (Vedana) còn ba: Sukha (cảm giác vui thích, tinh thần và vật chất), Dukkha (cảm giác đau khổ, tinh thần và vật chất) và Upekkha (cảm giác vô ký).

Trong ba cảm giác này, vô ký rất yếu ớt, hầu như không có, nên bị hai cảm giác kia lấn áp. Ta có thể coi như không có cảm giác vô ký. Vậy còn hai cảm giác, vui thích và đau khổ, tinh thần cũng như vật chất.

Nhưng trong trạng thái luôn luôn biến đổi của vạn vật, không thể có hạnh phúc vững chắc, tức là không có hạnh phúc thật sự.

Vậy, rốt cùng chỉ còn sự đau khổ, tinh thần và vật chất (Dukkha).

Phật Giáo chủ trương đời sống là đau khổ vì khổ là một sự kiện dĩ nhiên trong thực tế.

Hạng người thường chỉ thấy lớp ngoài, các bậc Thánh Nhân mới thấy được thực tướng của sự vật. Các Ngài nhận thấy rằng không thể có hạnh phúc thật sự, hoàn toàn bền vững, trong một thế gian huyền ảo, tạm bợ và vô thường. Không thể có hạnh phúc trường tồn vĩnh cửu trong một thế gian luôn luôn biến đổi. Hạnh phúc vật chất chỉ thỏa mãn một vài ước vọng. Nhưng, khi ta vừa hưởng được là nó đã vội vã lìa ta. Lòng khaoo khát vật chất không khi nào ngừng. Sự thèm muốn vật chất không khi nào thỏa mãn. Vừa được việc này lại muốn điều khác. Không bao giờ ta cho là đủ. Vì thế mà ta khổ.

Vậy, bản chất của đời sống là đau khổ, vì đặc tính của thế gian là luôn luôn đổi. Trong sự sanh đã có mầm hoại và diệt, trong sự kết hợp đã có ý niệm chia ly. Trong tam giới (dục, sắc, và vô sắc giới), sự đau khổ chỉ khác ở chỗ nơi nhiều nơi ít mà thôi vì đâu đâu cũng là vô thường, đâu đâu cũng có sanh, có tử, có hợp, có tan.

Mọi người đều phải chịu cảnh sanh, lão, bệnh, tử, là những nguyên nhân làm cho ta khổ. Chúng ta không muốn sống chung với người không ưa thích mà cũng không muốn xa lìa những người thân yêu. Những điều ta thiết tha mong mỏi thường không được thành tựu, trái lại những cảnh ngộ nghịch lòng lắm khi đến với ta một cách đột ngột làm cho ta vô cùng đau khổ.

Phật Giáo chia sự đau khổ làm tám loại, hay, một cách khác, làm 12 loại, Tám loại khổ là:

- Khổ vì sanh.
- Khổ vì già.
- Khổ vì bệnh.
- Khổ vì chết.

- Khổ vì sống chung với người không ưa.
- Khổ vì xa lìa người thân yêu.
- Khổ vì muốn mà không được.
- Khổ vì sự chấp trước ngũ uẩn.

Khổ vì Sanh

Theo Phật Giáo có 4 lối sanh.

1) Noãn sanh (Andaja): là sanh trong trứng trước rồi trứng mới nở thành con vật như gà, vịt, chim, thằn lằn, rắn v.v... Trong trứng đã có đủ yếu tố, vật chất và tinh thần, để thành con vật. Vì lẽ ấy ta nói trong trứng có sự sống, đập trứng là sát sanh và người ăn chay không dùng trứng.

2) Thai sanh (Jalabuja): là sanh vào bào thai mẹ như người và những loài thú như bò, trâu chó heo v.v...

Lúc thọ thai trong bụng mẹ, chúng ta là một tế bào sinh-hòa vật-lý hết sức nhỏ (1/30.000.000 phân Anh) (1) Tế bào ấy là nền tảng vật chất của con người.

3) Thấp sanh: là do nơi ẩm thấp mà sanh ra như vài loại côn trùng.

4) Hóa sanh: là đột nhiên sanh ra nguyên vẹn như ma quỷ, Chư Thiên, Phạm Thiên.

Phần đông những chúng sanh hóa sanh là vô hình đối với người. Do nơi tiền nghiệp tạo điều kiện, cảnh hóa sanh bỗng nhiên xuất hiện, không cần phải vào một hình thức bào thai nào.

Trong ba giới (dục, sắc, và vô sắc) mỗi chúng sanh đều phải trải qua một trong bốn lối sanh kể trên.

Ðúng ra, sanh (jati) tự nó không phải là một đau khổ. Nhưng sanh là bắt đầu khổ, là nguồn gốc của sự khổ vì sanh là duyên khởi luân hồi, là chỗ nương tựa của sự đau khổ. Nếu không sanh ắt không bịnh, không già, v.v... tức nhiên sự đau khổ không còn chỗ để bám vào.

Khổ vì Già.

Con người đến lúc già, thân thể hao mòn tinh thần suy kém nên khổ cả thể xác lẫn tinh thần. Có hai hình thức già:

- Một biểu hiện ra ngoài như răng long, tóc bạc, má cóp da nhăn, mắt mờ tai điếc, trí não suy mờ, quên trước lộn sau v.v...

- Ngoài ra còn một hình thức già mà mắt phàm không thể thấy được. Chỉ các bậc Thánh Nhân mới thấy được rằng từng giây từng phút, bao nhiêu triệu tế bào trong thân xác ta đã sanh, trụ rồi diệt. Chúng ta chỉ sống từng chập tư tưởng, và mỗi chập tư tưởng vừa phát sanh liền trôi vào quá khứ. Trong mỗi chập tư tưởng có ba giai đoạn: sanh, trụ diệt. Phát sanh ra rồi tiêu diệt và giữa hai giai đoạn này là một giai đoạn "tĩnh" (trụ).

Chính ta sống trong giai đoạn ấy, và mỗi lần giai đoạn "trụ" của một chập tư tưởng trôi qua là ta già thêm một mức. Ðó là cái già mà phàm nhân không trông thấy.

Sự già đến với ta từng giây, từng phút và thâu ngắn đời sống của ta từng chập tư tưởng. Vậy ta hãy cố gắng tận dụng thời gian ngắn ngủi ấy để làm cho đời sống trở nên hữu ích cho ta và cho người khác.

Khổ vì Bệnh

Tấm thân ô trược nầy chỉ là nơi nương tựa của bao nhiêu bệnh hoạn và tật nguyền. Có sanh có sống là có bệnh. Bệnh hoạn là việc dĩ nhiên trong đời sống. Không ai có thể tránh. Ðức Phật dạy:

"Thật vậy, thật vậy, tấm thân yếu đuối này chỉ là vật làm mồi cho bệnh tật và chỉ tạo chướng ngại. Kẻ nào tự cho rằng mình hoàn toàn khỏe mạnh - dầu trong chốc lát - là kẻ điên rồ".

Và Ðức Phật tiếp theo:

"... Con phải tự nói như thế này: Thân này dù đau ốm, tâm ta phải luôn luôn khỏe mạnh. Con hãy cố gắng tu tập".

Thật vậy, có những bệnh của thể xác, cũng có những bệnh tinh thần. Những người loạn trí, những người hung bạo tàn ác, hạng người phóng đãng tội lỗi v.v... là những người bệnh hoạn về tinh thần. Ta không nên khinh rẽ hay bài xích hạng người yếu đuối đó vì họ đã bị lầm đường lạc nẽo. Trái lại, ta nên thương xót, dìu dắt họ trở lại đường phải. Cha mẹ thương con đồng đều, nhưng đặc biệc chăm sóc những đứa ốm yếu hoặc kém sút. Cũng đường thế ấy, tấm lòng bác ái của ta phải bao trùm tất cả chúng sanh đau khổ, nhưng riêng đối với hạng người bệnh hoạn tinh thần, sút kém đạo đức, ta nên hết lòng thương xót và đặc biệt giúp đỡ, dẫn dắt họ trở lại đường lành.

Như Ðức Phật xưa kia, hết lòng thương hại và cứu độ cô Ambapali, một phụ nữ lạc bước giang hồ và tận tâm tế độ Angulimala tên sát nhân tàn ác, toan ám hại Ngài. Về sau cả hai đều về với Ngài và hoàn toàn đổi tánh.

Bên trong mỗi người, dầu là xấu xa thế nào đều có ngũ ngầm những đức tánh tốt đẹp. Ðôi khi, chỉ một lời nói phải, đúng lúc, cũng có thể đổi hẳn con người từ dữ là lành. Như vua Asoka trước kia tàn bạo đến nỗi người đời bấy giờ gọi là: "Asoka con người tội lỗi" thế mà khi nghe được lời nói phải của một thầy sa-di trẻ tuổi, Ngài đổi hẳn tánh tình, mạnh tiến trên đường tự giác và trở nên "Asoka con người hiền đức".

Ðức Phật khuyên ta nên xa lánh hạng người "si cuồng". Như vậy không có nghĩa là ta không thể đến gần để cảm hóa cùng khuyến thiện họ. Có những bệnh nhân mắc phải chứng bệnh truyền nhiễm ngặg nghèo. Mọi người đều sợ và xa lánh. Nhưng cũng có nhiều vị lương y hết lòng thương hại, đến gần săn sóc và chữa cho họ khỏi bệnh. Nếu không có các vị lương y giàu lòng bác ái kia, bệnh nhân ắt phải bỏ mạng. Cùng một thế ấy, hạng người xấu xa bệnh hoạn về tinh thần ắt phải bị chìm đắm mãi mãi trong đêm tối của tội lỗi nếu không một ai có lòng quảng đại thương xót ra tay tế độ họ.

Thường, những bậc đạo đức trong sạch tìm đến Ðức Phật nhưng chính Ðức Phật tìm đến hạng xấu xa hư hèn để cảm hóa. Và Ngài hằng dạy rằng kẻ nào săn sóc bệnh nhân tức là săn sóc Ngài.

Ta nên hiểu rằng ở đây bệnh nhân là người đau ốm về vật chất mà cũng là những người bệnh hoạn về tinh thần.

Khổ vì Chết.

Sanh, trụ, diệt, là định luật chung cho tất cả muôn loài vạn vật. Cứng rắn như sắt đá, to lớn như các hành tinh, khôn ngoan như loài người, hung dữ như cọp beo, tất cả đều phải hoại diệt một ngày nào. Già chết, trẻ chết, sơ sinh chết, giàu sang chết, quyền quí chết, bần hàn chết. Cái chết không dành riêng cho một hạng người nào.

Một bà lão vừa bỏ một đứa con yêu quý. Nhưng bà không khóc. Có người hỏi tại sao? Bà trả lời: "Trước khi đứa trẻ đến làm con tôi, nó nào có hỏi tôi đâu, tôi không mời mà không ngờ nó đến. Nó đến tự nhiên rồi nó cũng tự nhiên ra đi. Nó không hỏi tôi, mà tôi nào có đuổi nó. Ðến lẻ loi, nó ra đi cũng lẻ loi, một thân một mình. Ðến với hai bàn tay trắng, ra đi cũng hai bàn tay không".

Ai kia lâm vào cảnh ngộ tương tự cũng nên nghĩ như vậy. Ðời là một ảo ảnh. Tất cả những gì ta ý thức và lãnh hội như chân thật chỉ là ảo giác, có rồi mất, vì có đã là mất, sinh là biệt, biến đổi luôn luôn. Vậy sự còn mất, tử sanh trong đời chỉ là những giai đoạn trong sự luân lưu không ngừng.

Có sanh là có già, có bệnh, có chết, chỉ đến Ðức Phật cũng không tránh khỏi.

Khổ vì Sống Chung với Người Không Ưa.

Phải sống chung chạ với những người mình ghét là một điều khổ. Chung sống với một người điên thật là đáng sợ. Chung sống với một người sát nhân, một tên trộm cướp tàn bạo, sống với người giả dối, người say sưa, người hư hèn mất nết, đều là nguy hiểm, là khổ.

Khổ vì Xa Lìa Người Thân Yêu.

Phải xa lìa người thân yêu là một nguyên do khác của sự đau khổ. Con xa cha mẹ, cha mẹ xa con, chồng lìa vợ, vợ lìa chồng, bạn bè xa cách, là khổ. Nhưng trong vũ trụ này có hợp là có tan, đó là lẽ tự nhiên. Cảnh sum họp trên thế gián là tạm bợ và đời sống của chúng ta... gặp gỡ nhau trên thế gian cũng chỉ là tạm thời. Chúng ta đến một mình rồi cũng sẽ ra đi một mình, tất cả những mối liên hệ trong gia đình, trong xã hội như cha mẹ anh em, vợ chồng, bạn bè tất cả đều là tạm bợ. Là người Việt Nam trong kiếp sống này ta có còn là người Việt Nam trong kiếp sống khác không?

Khổ vì Cầu Không Ðược.

Mong ước mà không thành cũng là nguyên nhân của sự khổ.

Khổ vì Ngũ Uẩn.

Tóm tắt: sắc, thọ, tưởng, hành, thức là nguồn gốc của sự khổ.

Mọi người đều quý trọng đời sống của mình. Thế mà lắm khi, trong những cảnh ngộ khó khăn, sống là một cực hình làm cho một vài người yếu tánh phải nghĩ đến việc quyên sinh cuộc đời, tưởng chừng như chết là giải quyết được mọi vấn đề đau khổ.

Chúng ta ai cũng thương yêu và hết sức cố gắng chăm nom săn sóc thân thể như vật rất quý. Nhưng chính tấm thân đôi khi là diễm lệ yêu kiều và khả ái này là nguồn gốc của bao nhiêu đau khổ. Ðến lúc bị thời gian và bệnh tật làm hao mòn và tiều tụy đi rồi thì thể xác này là một gánh nặng vô cùng khả ố.

Sau đây là một chuyện tích lý thú ngụ ý rằng đời và những thú vui của đời chỉ là tạm bợ.

"Một chàng nọ lầm lũi đi giữa một khu rừng mênh mông đầy chông gai và những gành đá ngổn ngang. Bỗng nhiên anh ta thấy sau lưng có một thớt tượng to tướng rão bước đi về phía anh. Sợ hãi, anh bỏ chạy. Voi rượt theo. Ðến trước một cái giếng cạn, anh định nhảy xuống để tránh voi. Nhưng nhìn xuống, anh thấy một con rắn độc nằm dưới đáy giếng. Không còn cách nào khác nữa anh đành đeo một sợi giây đầy chông gai, lòng thòng trên miệng giếng. Tạm thoát khỏi nạn anh ngửa mặt nhìn lên thì thấy hai con chuột, một đen và một trắng, đang cặm cụi gặp sợi giây. Lúc anh ngửa mặt lên thì từ một tổ ong ở phía trên, vài giọt mật nhểu ngay vào miệng.

Anh chàng lấy làm vui mừng, lãng quên rằng mình đang sống trong một tình trạng nguy hiểm và bấp bênh, yên trí tận hưởng hương vị ngọt ngào của mật. Vừa lúc ấy có một người giàu lòng bác ái gọi anh và chỉ đường cho anh thoát nạn. Nhưng anh lễ độ xin người kia cảm phiền chờ một chút để anh hưởng hết giọt mật.

Khu rừng mênh mông và đầy chông gai là vòng luân hồi, trầm luân bể khổ. Ðời sống của chúng sanh không phải là một vườn hoa hồng tươi đẹp mà đầy dẫy những cảnh cam go khổ não. Chúng ta phải cố gắng vượt qua bao nhiêu chướng ngại, chịu đựng bao nhiêu lời chỉ trích bất công, những hành vi chống đối, khiêu khích, những cuộc tấn công, những câu nguyền rủa. Ðó là con đường chông gai của đời sống.

Thớt voi là tử thần. Con rắn độc là tuổi già. Sợi giây đầy gai là sanh. Hai con chuột là ngày và đêm. Những giọt mật ngọt ngào là những thú vui cuả đời sống và người giàu lòng bác ái sẵn sàng chỉ lối thoát là Ðức Phật.

Cái mà chúng ta gọi là hạnh phúc trong đời sống chỉ là sự thỏa mãn của một vài điều mong mỏi. Khi thỏa mãn được mọi việc ta lại muốn việc khác, tham vọng không khi nào dứt, không khi nào ta cho là vừa đủ.

Vậy, phiền não và đau khổ là bản chất của đời sống.

Phật Giáo chủ trương rằng đời là bể khổ. Nước mắt chúng sanh đem chứa tích lại còn nhiều hơn nữa trong bốn biển. Phật giáo đặt nền tảng trên sự đau khổ của chúng sanh và thấy đâu đâu cũng toàn là đau khổ.

Vậy Phật Giáo có bi quan yếm thế không?

Ðể giải thích thế nào là bi quan và thế nào là lạc quan có một câu chuyện kể ra như sau:

Một hôm có khách đến nhà thăm, chủ nhà gọi người làm đem rượu ra đãi. Thấy chai rượu chủ nhà thất vọng than: "Còn chỉ có nửa chai" trong lúc khách vui vẻ reo lên: "Còn đến nửa chai rượu".

Cùng đứng trước một sự kiện, chủ và khách mỗi người có một thái độ. Chủ thì bi quan, khách lại lạc quan.

Thật ra, không ai phủ nhận sự đau khổ của chúng sanh, nhưng trước cái khổ, mỗi người, mỗi giới, có một thái độ riêng. Có hạng người lý trí hóa sự khổ. Dùng lý trí phân tách, suy luận, giải thích cái khổ.

Có người khác lại thần thánh hóa sự khổ, cho rằng khổ là điều kiện tất yếu để con người vươn mình lên như những đóa sen từ bùn non nước đục vượt lên đến chỗ thanh khi an lành và nở tung ra rực rỡ trong ánh nắng ban mai.

Có người, tuy cũng nhận định rằng đời là khổ, nhưng cố tình lãng quên để yên tâm tận hưởng chút ít lạc thú nào của đời sống.

Cũng có người nhận thấy cái khổ lại ủ dột âu sầu, sanh ra yếm thế bi quan.

Phật giáo nhận cái khổ như một sự kiện sẵn có và dính liền với đời sống. Nhưng Ðức Phật không ngừng tại đây để buồn rầu hay cầu nguyện cho chúng sanh. Như vị lương y, khi nhận thấy chứng bệnh thì tìm nguyên nhân cho một phương thuốc thích hợp để chữa bệnh, sau khi xác nhận sự đau khổ của chúng sanh thì Ðức Phật tìm nguồn gốc của sự khổ và vạch một con đường để thoát ra khỏi đời sống, vượt ra ngoài vòng đau khổ. Vậy Phật Giáo không bi quan yếm thế.

Phật Giáo cũng không lạc quan. Người Phật Tử không tự dối mình mà cho rằng thế gian này quả thật là cảnh giới mong mỏi và hạnh phúc vẫn phảng phất đâu đây ở qnanh mình. Phật Giáo không hề khuyên bảo chúng sanh phải tin rằng mọi việc trên đời đều tốt đẹp, trong kiếp sống này hay kiếp tới. Phật Giáo không chủ trương nhắm mắt tin càng một vị thần linh nào để cầu được cứu rỗi. Phật Giáo không mê hoặc con người bằng những liều thuốc ngủ: "con hãy uống viên thuốc này, khi tử thần đến, liều thuốc này sẽ cứu con tỉnh dậy, và con sẽ sống vĩnh viễn mãi mãi, đẹp đẽ và vẻ vang."

Không bi quan, không lạc quan, Phật Giáo chỉ thực tế. Người Phật Tử có thái độ của người thấy con rắn bò dưới chân rồi tự nói đây là một con vật nguy hiểm, phải tìm cách bỏ đi nơi khác. Thấy rắn rồi âu sầu ủ dột ngồi yên một chỗ để than khóc vái van là bi quan. Tự dối mình, không lưu tâm đến rắn để mải mê vui chơi việc khác là lạc quan. Biết nguy cơ tìm đường tẩu thoát là thực tế vậy.

Hành động như vậy cũng không phải là đào tẩu vi đào tẩu là lẫn trốn, không dám ứng phó với những điều bất hạnh của đời. Ðào tẩu khác hẳn với thái độ của người biết suy luận đang cố chạy thoát ra khỏi cảnh hiểm nguy, khỏi vòng đau khổ. Ở trong một căn nhà đang cháy, nếu ta lấy mạnh ra uống cho say rồi chui vào giường yeôn giấc, tin tưởng rằng khi tỉnh dậy đâu đấy sẽ tươi đẹp an lành như thường mới là đào tẩu, là không dám đương đầu với thực tế. Thấy nhà cháy lật đật chạy ra khỏi nhà trước khi quá trễ chắc chắn không phải là đào tẩu.

Hằng ngày ta có thể nhận định tánh cách vô thường của vạn vật. Hoa nở rồi tàn, con người sanh ra, trưởng thành rồi chết. Mọi vật đều luôn luôn biến đổi. Không có cái chi tồn tại vững chắc trong hai khoảnh khắc kế tiếp. Do lý vô thường lý khổ não nối tiếp. Ðau khổ là một sự kiện dĩ nhiên, một thực tế trong đời sống.

Phật Giáo dạy chúng ta tận dụng năng lực để quan sát, suy luận, và đối phó với thực tế.

2. Tập Ðế

Chân lý cao thượng thứ nhì là Tập Ðế (Dukkha Samudaya Ariya Sacca), nguồn gốc của sự khổ.

Liền sau khi đắc quả Chánh Ðẳng Chánh Giác dưới cội Bồ Ðề, tại Uruvela, Ðức Phật cảm thấy vô cùng an lạc và thốt ra bài kệ khải hoàn như sau:

"Xuyên qua nhiều kiếp sống trong vòng luân hồi, Như Lai đi mãi, đi mãi.
Như Lai đi tìm mãi mà không gặp, Như Lai đi tìm người thợ cất cái nhà này.
Ðời sống quả thật là phiền muộn.
Này hỡi người thợ làm nhà! Như Lai đã tìm được người,
Từ đây người không còn cất nhà cho Như Lai nữa.
Tất cả sườn nhà đều gẫy, cây đòn dong của ngươi dựng lên cũng bị phá tan.
Như Lai đã chứng quả Vô Sanh Bất Diệt và Như Lai đã tận diệt mọi Ái Dục".

Trong bài kệ này cái nhà ám chỉ thân ngũ uẩn. Người thợ cất nhà là Ái Dục. Vì không tìm được người thợ cất nhà, tức là Ái Dục, nguyên nhân của sự khổ, nên chúng sanh mãi mãi lặn hụp trong vòng luân hồi, sanh rồi tử, tử rồi sanh, triền miên vô tận. Mà đời sống quả thật là phiền muộn, đau khổ, như đã giải thích trong phần Khổ Ðế.

Nhưng nay thì Ðức Phật đã tìm ra tên thợ cất nhà. Ngài đã nhận thấy nguyên nhân của sự đau khổ.

Ðức Phật đã phá hủy cái sườn nhà, tức là những sự say mê làm chúng sanh đắm đuối trong lục trần, và cây đòn dong, tức là lớp vô minh, luôn luôn bao phủ chúng sanh như đám mây mù.

Khi Ðức Phật đã tìm ra được nguyên nhân của sự đau khổ, tức là Ái Dục, và đã tận diệt các loài Ái Dục là Ngài đã đắc quả Niết Bàn, Vô Sanh Bất Diệt.

Vậy, nguồn gốc của sự đau khổ là Ái Dục (Tanha)

Kinh Pháp Cú có ghi: "Do Ái Dục phát sanh phiền não. Do Ái Dục phát sanh sự lo âu sợ sệt".

Ái Dục là một năng lực tinh thần hết sức hùng hậu luôn luôn ngủ ngầm trong tất cả chúng sanh. Ái Dục là nguồn cội của bao niêu điều bất hạnh trong đời.

Có ba loại Ái Dục:

- Kama Tanhã: Ái Dục trong cảnh dục giới. Luyến ái theo lục trần và vọng móng tái sanh trong dục giới.

- Bhãva Tanhã: Ái Dục trong cảnh trời sắc, Ái Dục mê chầp rằng vạn vật là trường tồn vĩnh cửu (thường kiến). Sự mê chấp ấy ấy sẽ dẫn dắt chúng sanh đến sự tái sanh trong sắc giới.

- Vibhãva Tanhã: Ái Dục trong cảnh trời vô sắc, Ái Dục mê chấp rằng sau đời sống này là hư vô (đoạn kiến). Sự mê chấp ấy mở đường tái sanh trong cảnh vô sắc giới.

Có sáu loại Ái Dục phát sanh do lục căn (nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn, ý căn).

Loại Ái Dục đầu tiên phát sanh do nhãn căn. Ðức Phật dạy rằng trên đời không có chi làm cho tâm một người đàn ông rung động bằng hình dáng của một người đàn bà. Và không có chi làm cho tâm một người phụ nữ rung động bằng hình dáng một người đàn ông.

Rất khó mà kiểm soát và thu thúc được nhẵn căn vi bao nhiêu hình sắc đẹp đẽ của ngoại cảnh luôn luôn sẵn sàng làm cho ta xao xuyến. Lịch sử nhân loại đã chứng tỏ rằng bao nhiêu cơ đồ đã sụp đổ và bao nhiêu công nghiệp đã phải suy tàn chỉ vì sắc đẹp. Kinh sách có ghi lại chuyện tích một vị Bồ Tát đã đắc được nhiều phép thần thông, chỉ vì không tự kềm chế được, để tâm rung động trước hình dáng một người phụ nữ mà bao nhiêu công đức tu tập phải tiêu tan như bọt nước. Chuyện kể ra như sau:

Một vị Bồ Tát kia đã đắc được nhiều phép thần thông, thường ngày được vua thỉnh vào cung điện để dâng cúng vật thực. Một hôm từ xa đằng vân tới hoàng thành, vừa hạ xuống hậu cung, Bồ Tát chợt thấy Hoàng Hậu từ phòng tắm bước ra, chỉ khoát một tấm choàng mỏng, Bất hạnh cho Bồ Tát, trong một phút xúc động đã mất hết các phép thần thông.

Ta nên ghi nhớ rằng đây là một câu chuyện xảy đến, không phải cho một người thường, mà cho vị Bồ Tát là người đã trong sạch phát tâm tự nguyện cố gắng trở thành một vị Phật, Ðã là Bồ Tát và có nhiều phép thần thông. Ngài hẳn đã vượt qua năm chướng ngại tinh thần (Nivarana), mà còn phải bị sa ngã trước hình dáng yêu kiều của một người phụ nữ. Vậy, chúng ta, còn phàm phu, phải hết sức cố gắng kềm chế nhãn căn.

Cũng vì lẽ ấy mà Ðức Phật hằng khuyên nhủ hàng tín đồ nên luôn luôn thận trọng từng ly từng tý trong việc kiểm soát nhãn quan, như người lính gác cửa thành, từng giây từng phút canh chừng quân địch. Một khoảng khắc lơ đễnh có thể ảnh hưởng rất tai hại. Bởi thế, ai là cha mẹ, thầy cô, những người có trách nhiệm dạy dỗ trẻ em, phải hết sức chú trọng đến vấn đề nam nữ và luôn luôn ngăn ngừa hậu quả của sự thân cận giữa đôi bên, Người Phật Tử thuần thành cũng phải thận trọng kiểm soát mọi Ái Dục phát sanh do nhãn quan.

Tuy nhiên, Ðức Phật không khi nào có ý khuyên tất cả chúng ta từ khước mọi lạc thú vật chất để vào rừng tìm nơi thanh vắng tu hành.

Chúng ta không tìm cách xa lánh những hạnh phúc vật chất tuy là tạm bợ, nhưng cũng không làm nô lệ cho thể xác. Ta cảm thấy có hạnh phúc khi một điều mong mỏi được thỏa mãn. Nhưng bản chất của chúng sanh là không khi nào biết là đủ. Ðược thỏa mãn một điều là mong muốn điều khác, không khi nào hoàn toàn mãn nguyện. Bởi thế ta cần phải cố gắng luôn luôn giữ tâm trong sạch và thận trọng thu thúc dục vọng.

Một tích chuyện ghi rằng một ni cô đang hành thiền trong rừng. Một người đàn ông đi ngang qua, thấy ni cô phải lòng, mãi theo vẻ vẫn để dụ dỗ. Ni cô hỏi: "Tại sao ông lại thương tôi?".

- "Vì ni cô có cặp mắt hết sức đẹp". Người đàn ông trả lời.

Ni cô liền thò tay móc tròng móc ra, đặt trong lòng bàn tay, đưa cho người đàn ông và nói: "Ðây là con mắt của tôi, ông còn thấy đẹp nữa không?".

Muốn giảm bớt bám bíu vào hình sắc chúng ta nên niệm về sự ô trược của thể xác là một phương pháp rất hiệu nghiệm. Quán tưởng thấy xác thân cấu hợp bởi một bộ xương nhiều bắp thịt đắp bên ngoài, tất cả bao bọc trong một lớp da mỏng. Thật không đáng cho ta quý mến chút nào. Vào thời Ðức Phật có nhiều vị Tỳ-Khưu đã đắc quả A-La-Hán nhờ tham thiền với đề mục này.

Một hôm có vị Tỳ Khưu vừa đi bên đàng vừa quán tưởng đề mục xương. Một người phụ nữ mới giận chồng đi ngược chiều, gặp vị Tỳ-Khưu lại hả miệng cười. Một chập sau chồng của cô chạy theo tìm cô thấy vị Tỳ Khưu đi bên đàng thì dừng lại lễ phép hỏi có thấy một người đàn bà đi trên đường này không. Vị Tỳ-Khưu thản nhiên trả lời: "Bần tăng không đặng rõ là đàn bà hay đàn ông, bần tăng chỉ thấy có một đống xương vừa đi qua". Vị Tỳ-Khưu trả lời như vậy vì trong lúc quán tưởng đề mục xương, mắt vừa thấy hàm răng thì ấn tượng của toàn thể bộ xương của người phụ nữ phát sanh ra trong nhãn thức ngay.

Mắt bị rung động vì hình sắc, thì tai bị cảm xúc vì âm thanh, mũi bị kích thích vì hương, lưỡi vì vị. Về điểm nà ta cũng nên hết sức thận trọng vì mùi ngon ngọt của những vật thực có chất độc, chất say như rượu mạnh, thuốc phiện v.v... Một vài hớp rượu mạnh không phải là một trọng tội, tuy nhiên đó là một khởi điểm nhỏ nhen sẽ đưa ta đến thói quên chấm chút có chừng mực và cuối cùng tha hồ say sưa vô độ. Một câu chuyện ngụ ngôn thuật lại như sau:

Một chàng kia, sau khi ăn học thành tài từ phương xa trở về quê nhà, đi ngang qua một thành phố nọ, nghe tiếng đồn có một đền đài vô cùng đẹp đẽ, bên trong lại có nhạc kịch mê ly. Anh lần mò tìm đến và xin vào. Ở một cửa nọ người ta bảo anh rằng muốn vào chỉ cần phải giết một con vật sẵn có phía trong. Anh nghĩ thầm: "Xem cung điện và nghe âm nhạc thì rất là thích thú, nhưng phải giết một sinh mạng để mua vui thì anh không đành". Anh tìm đến cửa khác thì được biết rằng muốn vào cửa này thì phải phạm vào tội trộm cắp. Anh không chịu. Qua cửa thứ ba, người ta buộc anh phải làm điều tà dâm, cửa thứ tư là nói dối. Anh cũng từ chối luôn. Cửa thứ năm, nhỏ hơn các cửa kia, anh được biết muốn vào phải uống rượu. Anh không chịu. Nhưng người gác cửa nài nỉ rằng uống chút rượu thì cũng không hại gì mà được xem cung điện và nghe âm nhạc thì thật là thú vị và mời anh nếm một giọt thôi. Anh nghĩ thầm "Uống rượu là một tật xấu, nhưng nếm thử một giọt nghĩ cũng không đến đỗi là một lỗi lầm trọng đại. Ta hãy thử chút xem sao". Anh chàng liền bằng lòng nếm thử. Thấy ngon và không có chi hại, anh liền nhắm một hợp, rồi một hớp nữa. Ngon miệng anh uống một hơi quá chén, và đến lúc bấy giờ thì, mất bình tĩnh, kém sáng suốt, không tự kềm chế được, anh hăng hái lần lượt làm những điều xấu xa mà trước kia anh đã can đảm quyết tâm từ chối. Anh phạm bao nhiêu lỗi lầm chỉ vì xem thường một giọt rượu.

Thân của ta cũng là một nhịp cầu để cho ngoại trần thâm nhâạp và làm cho ta say mê, sa đoạ. Tâm cũng bị ảnh hưởng của những tư tưởng xấu xa.

Vậy, lục căn (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý) bị lục trần (sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp) lôi cuốn làm cho ta sa ngã. Ðó là sáu loại Ái Dục thuộc về sắc (rupa).

Ái Dục luôn luôn ngủ ngầm trong ta và có những năng lực nguy hiểm. Chính Ái Dục, thô kịch hay vi tế, làm cho ta bám bíu vào sự sống dưới mọi hình thức và do đó dẫn dắt ta phiêu mãi mãi trong vòng luôn hồi.

Ái Dục trong dục giới được giảm bớt khi ta đắc quả Tư-đà-Hàm, ngôi thứ nhì trong Tứ-Thánh và được tận diệt khi đắc quả A-Na-Hàm. Ðến khi đắc quả A-La-Hán ta mới hoàn toàn dục tắt mọi Ái Dục trong sắc giới và vô sắc giới.

3. Diệt Ðế

Diệt Ðế (Nirodha Ariya Sacca) là Chân Lý cao thượng thứ ba. Nirodha là sự dập tắt, sự chấm dứt, sự tiêu diệt. Dập tắt và chấm dứt mọi phiền não, tiêu diệt mọi đau khổ là Niết Bàn.

Danh từ Nirodha cũng có nghĩa là thoát ra khỏi sự giam cầm. Trong phạn ngữ, căn nguyên "Ni" là ra khỏi, "Rhodha" là ngục từ. Tất cả chúng sanh đều bị giam hãm trong ngục tù rộng lớn là ba cảnh giới dục, sắc và vô sắc. Nirodha là thoát ra khỏi tam giới, tức là thành tựu đạo quả Niết Bàn, mục tiêu cứu cánh của người tu Phật.

Niết Bàn là gì? Niết Bàn là cái gì không thể miêu tả được, cũng không thể nhận thức được bằng lý trí, vì Niết Bàn là siêu thế, chỉ chứng nghiệm được bằng trực giác mà thôi. Niết Bàn vượt ra ngoài mọi phạm vi luân lý. Tuy nhiên, suy luận về mọi phương diện tiêu cực và tích cực của đời sống, ta thấy rằng có trắng là có đen, có sáng là có tối, có mau là có chậm, có cao là có thấp, có trong sạch là có bợn nhơ v.v... như vậy, có đau khổ tất phải có hạnh phúc, có sanh có tử tất phải có không sanh không tử. Nói một cách khác, có hiện tượng biến đổi tất phả có cái không biến đổi, có vật hữu lậu tất phải có vật vô lậu.

Phạn ngữ Nibbana (Niết Bàn) do hai căn nguyên "Ni' và "Vana", ráp chung với Ni thì "Vana" trở thành "Bana". "Ni" hàm ý niệm phủ định, không. "Vana" là tiêu diệt hoặc ái dục. Ái Dục tác động như một sợi dây nối liền các kiếp sống.

Trong quyển Triết Học Trích Yếu (Compendium of Philosophy) của Ðại Ðức Annurudha, danh từ Nibbana được định nghĩa như sau: "Gọi là Niết Bàn vì Niết Bàn là sự thoát ly hay sự dứt bỏ (Ni) Ái Dục (Vana)". Ngày nào còn bị ái dục chi phối là ta còn tạo nghiệp mới và nghiệp này phải trổ sanh dưới một hình thức nào trong vòng luân hồi vô tận. Ðến khi chấm dứt mọi hình thức ái dục, tức nhiên không còn tạo nghiệp, là ta đã thoát ra khỏi vòng sanh tử tử sanh và đắc quả Niết Bàn. Quan niệm cứu rỗi trong Phật Giáo chính là sự giải thoát ra khỏi vòng sanh tử triền miên vô tận.

Cũng có chỗ giải thích Niết Bàn là sự dập tắt lửa tham, sân, si.

Ðức Phật dạy rằng: "Toàn thể thế gian nằm trên ngọn lửa". Lửa ấy là gì? Chính là lửa tham, sân, si, lửa sanh, lửa già, lửa bệnh, lửa chết, lửa phiền não, lửa âu sầu, lửa thất vọng v.v... Nhận định theo một lối sống, Niết Bàn là sự dập tắt các ngọn lửa ấy. Ðể trả lời một câu hỏi của đạo sĩ Jambukhadaka (kinh Abhidhamma và Tara) Ðại Ðức Xá Lợi Phất (Sariputta) dạy: "Niết Bàn là sự dập tắt tham, sân, si" nhưng chúng ta nên hiểu rằng Niết Bàn không phải chỉ là sự dập tắt tham, sân, si. Niết Bàn không phải chỉ là một sự dập tắt. Sở dĩ Ðại Ðức Xá Lợi Phất dạy như trên là vì Ngài chỉ nhắm vào các phương pháp để thành tựu Niết Bàn.

Cũng có người ức đoán cho Niết Bàn là hư vô, vì ngũ quan không tri giác được. Sự sai lầm ấy không khác nào sự sai lầm của người mù cho rằng không có ánh sáng trong đời vì không bao giờ anh tri giác được ánh sáng.

Trong bài ngụ ngôn "Cá và Rùa" cá cũng cho là không có đất liền vì cá không bao giờ thấy đất liền và rùa không thể giải thích cho cá hiểu được thế nào là đất liền. Câu chuyện kể lại như sau:

Thưở xưa kia có một con cá. Cá chỉ sống trong nước và không biết gì ngoài nước. Một hôm mải mê vởn vơ bơi lội trong ao đầm quen thuộc như mọi bữa thì gặp lại chị rùa. Hỏi ra thì (hèn?) từ lâu rùa đi dạo trên đất biển.

Cá lấy làm ngạc nhiên hỏi dồn: Ðất liền à? Ðất liền là gì? Cái gì mà lạ vậy? Tôi chưa từng biết đất liền bao giờ. Có phải đất liền là không không, không có gì hết không?.

Bẩm tính ôn hòa, rùa chẩm rải đáp: "Cũng được, tức nhiên là nếu chị nghĩ như thế cũng không hại. Nhưng không phải vì vậy?.

- Ðâu chị thuật lại cho tôi nghe rành rẽ coi, đất liền của chị là thế nào? Ðất liền có ẩm ướt không?

- Không, đất liền không ẩm ướt.

- Ðất liền có mát mẻ và êm dịu lắm không?

- Không, đất liền không mát mẻ và không êm dịu.

- Có phải đất liền trong suốt và ánh sáng rọi xuyên qua được không?

- Không, đất liền không trong suốt. Ánh sáng không rọi xuyên qua được.

- Ðất liền có mềm mại và dịu dàng không? Có thể bơi lội trong đất liền được không?.

- Không, đất liền không mềm mại dịu dàng, không thể bơi lội trong đất được.

- Ðất có chảy thành dòng không?

- Không, đất không chảy từng dòng.

- Ðất có nổi sóng và tan ra thành bọt không?

- Không, đất liền không nổi sóng và không tan ra thành bọt.

Cá đang bực mình với những câu trả lời "không" của rùa bỗng nhiên lộ vẻ hân hoan của người đắc thắng vang lên:

- Thì y như tôi đã nói chớ gì, đất liền của chị không phải là gì hết, vậy quả thật là tôi đã nói đúng rồi, chị đã xác nhận rằng đất liền của chị không ẩm ướt, không mát mẻ, không trong suốt, không mềm mại, không dịu dàng, không chảy thành dòng, không nổi sóng, như vậy là hư vô chớ gì, xin chị đừng lừa dối tôi.

- Ðược lắm, rùa nói. Hay lắm, này chị cá, nếu chị quả quyết đất liền là hư vô, không có gì hết thì chị nên tiếp tục nghĩ như thế, chớ thật ra, người nào đã biết nước và đất liền rồi sẽ nói rằng chị chỉ là một con cá dại dột vì chị quyết định phủ nhận một việc mà chị không bao giờ biết.

Nói đến đây rùa quay đầu bỏ đi, để cá ở lại một mình trong ao, suy tưởng cuộc viễn du lên đất liền, nghĩa là lên chỗ hư vô.

Câu chuyện trên ngụ ý rằng mặc dầu đã có sống trong nước và trên đất liền, rùa không thể giải thích cho cá bản chất thật sự của đất liền. Cá cũng không thể nhận thức được đất liền như thế nào vì chỉ biết có nước mà thôi. Cùng một thế ấy, một vị A-La-Hán không giải thích bằng ngôn ngữ của thế gian thế nào là Niết Bàn tuy Ngài đã từng biết thế nào là thế gian và thế nào là siêu thế.

Nếu nhận định rằng Niết Bàn là hư vô thì Niết Bàn và không gian hẳn là một, không có gì khác nhau. Trong Kinh Tăng Nhất A Hàm, (Anquitara Nikaya) Ðức Phật dạy rằng có hai Pháp (Dhamma) thường tồn vĩnh cửu là không gian Niết Bàn.

Không gian là vĩnh cửu vì tự nó là hư vô. Niết Bàn ngoài không gian và thời gian.

Không gian và Niết Bàn khác biệt nhau ở điểm không gian là hư vô, tức là không có, Niết Bàn là có.

Niết Bàn là đạo quả. Sự kiện này chứng tỏ rằng Niết Bàn không phải là một trạng thái hư vô. Nếu Niết Bàn là hư vô thì Ðức Phật không miêu tả bằng những danh từ vô tận (Ananta), vô lậu (Asankhata), vô song (Anupameya), tối thượng (Anuttara), tối cao (Para), chỗ nương tựa tối thượng (Parayana), châu toàn (Tana), hạnh phúc (Siva), bỉ ngạn (Para), duy nhất (Kevala), phi nhận (Analaya), bất khả diệt (Akkhara), hoàn toàn thanh tịnh (khena), vĩnh cửu (Amata), giải thoát (Muti), vắng lặng (Santi) v.v...

Vậy, Niết Bàn không phải là trạng thái hư vô, cũng không phải hoàn toàn chỉ là một sự chấm dứt.

Ta có thể quả quyết rằng Niết Bàn không phải là thế nào. Nhưng nếu Niết Bàn phải như thế nào thì ngôn ngữ của thế gian không thể miêu tả được. Niết Bàn là tuyệt đối.

Hữu Dư Niết Bàn và Vô Dư Niết Bàn (Sopadisesa và Anupppadisesa Nibbana Dhatu)

Kinh sách thường đề cập đến Hữu Dư Niết Bàn (Sopadisesa Nibbana Dhatu) và Vô Dư Niết Bàn (Anupadisesa Nibbana Dhatu). Sự kiện ấy không chứng tỏ rằng có hai Niết Bàn mà chỉ là có hai hình thức chứng nghiệm đạo quả Niết Bàn.

Ðạo quả Niết Bàn có thể thành tựu trong kiếp sống. Phật Giáo không hề chủ trương rằng mục tiêu cứu cánh của người Phật Tử chỉ thành tựu được sau khi chết.

Khi đạo quả Niết Bàn được thành tựu trong kiếp sống hiện tiền, nghĩa là trong lúc còn mang thân ngũ uẩn thì gọi là "Hữu Dư Niết Bàn". Lúc bỏ xác thân mới gọi là "Vô Dư Niết Bàn".

Một vị A La Hán hay một vị Phật lúc còn tại tiền gọi là đắc Hữu Dư Niết Bàn. Từ đó không còn tạo nghiệp mới nữa, nhưng những nhân lành hay dữ đã tạo trong dĩ vãng vẫn còn trổ quả đến lúc danh và sắc tan rã.

Khi một vị A La Hán nhập Vô Dư Niết Bàn, nếu còn nghiệp cũ thì nghiệp ấy hết hiệu lực vì không còn biểu hiện nơi đâu được nữa.

Ba Ðặc Tính của Niết Bàn.

Trái ngược với cảnh giới hữu tình trong đây tất cả đều là những hiện tượng luôn luôn biến đổi, sanh diệt, diệt sanh, Niết Bàn là vĩnh cửu, đáng được ham muốn và hạnh phúc.

Theo Phật Giáo, các pháp, tại thế và siêu thế, đều được sắp vào hai loại: Những pháp hữu lậu, thuộc thế gian pháp, có một hay nhiều nguyên nhân tạo điều kiện để phát sanh. Những pháp vô lậu, không cần nhân nào tạo điều kiện để có.

Vật hữu lậu luân chuyển trong ba giai đoạn Sanh, Diệt và biến đổi trạng thái. Phát sanh hay là trở thành là đặc tính chánh yếu của những sự vật do một hay nhiều nguyên nhân tạo điều kiện để có. Vật nào phát sanh hay trở thành tức nhiên phải biến đổi và phân tán. Pháp hữu lậu luôn luôn trở thành và luôn luôn biến đổi. Vô thường biến đổi là một định luật bao quát, phổ thông cho mọi sự vật - vật chất lẫn tinh thần - nằm trong vũ trụ, từ tế bào hết sức vi tế đến những chúng sanh to lớn hay những hình thể khổng lồ. Tâm, tuy vô hình biến đổi lại càng nhanh chóng hơn vật chất.

Kinh sách chép rằng Niết Bàn, phát sanh tự nhiên, không do nguyên nhân nào. Vì lẽ ấy không trở thành, không biến đổi, không bị phân tán. Niết Bàn là vô sanh, trường tồn bất diệt. Nói cho đúng Niết Bàn không phải là quả mà cũng không phải nhận, Niết Bàn là tuyệt đối.

Hạnh phúc Niết Bàn không giống như hạnh phúc thế gian.

Hạnh phúc Niết Bàn không nhàm chán, không phai lạt và không bao giờ chấm dứt.

Hạnh phúc tạm bợ ở thế gian là sự thỏa mãn ước vọng. Trái lại hạnh phúc Niết Bàn chính là sự giải thoát hoàn toàn ra khỏi mọi kỳ vọng, phiền não, đau khổ.

Trong Kinh Bahuvadaniya Ðức Phật kể ra mười loại hạnh phúc sắp xếp theo thứ tự, từ những khoái lạc thô kịch do sự thỏa mãn nhục dục đến những hạnh phúc cực kỳ vi tế đến đổi người phàm khó tưởng tượng được rằng đó thật sự là hạnh phúc. Một thí-dụ:

Ðối với đời, thỏa mãn nhục dục là hạnh phúc. Trái lại khi đắc được nhất thiền, hành giả chứng nghiệm những cảm giác lạ thường không mảy may liên hệ đến ngũ quan. Ðó là kết quả gặt hái khi hành giả hoàn toàn tận diệt những ước vọng thuộc về nhục dục.

Tuy nhiên, khi đắc được tứ thiền hành giả nhận thấy rằng hạnh phúc ấy vẫn còn thô kịch, tâm Xả mới thật là hạnh phúc.

Nhưng khi có tâm Xả cũng chưa phải là đạt được hạnh phúc tối thượng vì trong mười loại hạnh phúc mà Ðức Phật đã kể, hạnh phúc tối thượng là Pháp Siêu Việt (Nirodha Samapatti) hoàn toàn đoạn tuyệt mọi cảm giác và tri giác tức là chứng quả Niết Bàn.

Ta có thể hỏi: "Ðã chấm dứt mọi cảm giác và tri giác thì làm sao ý thức được hạnh phúc mà cho rằng đó là hạnh phúc tối thượng".

Ðức Phật giải đáp: "Không, nầy hỡi các đệ tử. Như Lai không bao giờ chấp nhận một hạnh phúc nếu hạnh phúc ấy chỉ là một cảm giác. Nhưng này các đệ tử, nơi đâu phát sanh ra chân hạnh phúc, chỉ ở nơi đó Như Lai mới nhận là hạnh phúc (Trung A Hàm,  số 59, Bahu-Vedaniya Sutta).

Và Ðức Phật dạy: "Như Lai tuyên bố rằng tất cả những cảm giác do ngũ quan thâu nhận đều là khổ".

Tại sao? Bởi người trong cảnh khổ ước mong được hạnh phúc nhưng khi cái được gọi là hạnh phúc đến thì ước mong được hạnh phúc hơn nữa. Lòng tham của thế gian không cùng.

Nói một cách phỏng định cho dễ hiểu, Ðức Phật dạy: "Nibbanan paramain Sukhan" Niết Bàn là hạnh phúc tối thượng vì Niết Bàn không phải là một thứ hạnh phúc phát sanh do ngũ quan. Niết Bàn chính là pháp chân lạc tuyệt đối, phát sanh do sự giải thoát ra khỏi sự khổ đau của đời sống. Ðoạn tuyệt cái khổ chính là hạnh phúc tối thượng, cực lạc, mặc dầu danh từ tối thượng hay cực lạc không miêu tả được Niết Bàn tuyệt đối.

Niết Bàn ở Ðâu?

Ðể trả lời câu hỏi này Ðại Ðức Nagasena dạy: "Không có một nơi nào ở Tây, Nam, Ðông, Bắc, trên, dưới hay ở bên ngoài mà có thể nói đó là Niết Bàn.

"Tuy nhiên vẫn có Niết Bàn. Người nào sinh sống chính đáng, giới hạnh trang nghiêm và luôn luôn chú tâm minh sát thì dầu ở Trung Hoa, Ai Cập hay ở Ấn Ðộ đều có thể thành tựu đạo quả Niết Bàn".

Ta không thể nói lửa nằm ở trong cây trong gió hay một nơi nào, nhưng khi có đủ điều kiện thì lửa phát sanh. Cũng dường thế ấy, ta không thể nói Niết Bàn ở đâu, nhưng khi đạo đủ duyên đầy thì quả Niết Bàn được thành tựu.

Trong kinh Rohitassa Sutta Ðức Phật dạy:

"Như Lai tuyên bố rằng thế gian, nguồn gốc thế gian, sự tiêu diệt thế gian và con đường dẫn đến sự tiêu diệt thế gian đều nằm trong tấm thân một trượng này cùng với tri giác và tư tưởng" (Tăng Nhất A Hàm Anguttara Nikaya IV V).

Trong đoạn kinh này thế gian có nghĩa là sự đau khổ, sự tiêu diệt thế gian là Niết Bàn vậy.

Mặc dầu không biết Niết Bàn ở đâu, ta có thể nói Niết Bàn tùy thuộc nơi ta. Nên ghi rằng Niết Bàn không nằm trong tâm ma tuỳ thuộc nơi tâm. Niết Bàn không phải là một cảnh giới đã tạo nên hay cần phải tạo ra.

Ðất (Pathavi), Nước (Apo), Lửa (Tejo) và Gió (Vayo) là 4 nguyên tố cấu thành vật chất (rupa = sắc) có đặc tính kết hợp, duỗi ra, nóng (hay lạnh) và di động, không thể có Niết Bàn.

Ðề cập đến Niết Bàn kinh Tạp A Hàm (Sanyutta Nikaya) có ghi:

"Nơi mà bốn nguyên tố cấu thành vật chất có đặc tính dính liền, duỗi ra, đốt cháy và di động không còn chân đứng..."

"Nước từ sông ngòi kinh rạch và các trận mưa to chảy dồn về biển cả, nhưng không vì thế mà mực nước biển dâng lên quá cao hay xuống quá thấp (không làm cho Niết Bàn quá đông đúc hay quá thưa thớt).

Lời dạy trên ngụ ý rằng Niết Bàn bao la vô cùng tận, không phải là một cảnh trời đặc biệt, dành riêng cho một nhân vật xuất chúng nào. Niết Bàn là một Pháp (Dhamma), một đạo quả mà mọi chúng sinh có thể tiến đạt được.

Chấp thuận rằng không có nơi nào gọi là Niết Bàn vua Milinda hỏi Ðại Ðức Nagasena căn cứ trên nền tảng nào ta có thể sửa dọn đời sống cho được xứng đáng thành tựu đạo quả Niết Bàn.

- Tâu Bệ hạ, có Giới hạnh là căn bản. Nếu đặt nền tảng trên giới hạnh và thận trọng nhiếp tâm quán tưởng thì dầu ở nơi nào, dầu là dân tộc nào, trên một đỉnh núi cao hay trong một cảnh trời xa xôi nào, người có đời sống chánh đáng sẽ đắc quả Niết Bàn.

4. Ðạo Ðế

Chân lý cao thượng thứ tư là Ðạo Ðế (Magga Ariya Sacca), con đường duy nhất dẫn đến Niết Bàn, mục tiêu cứu cánh của người tu Phật. Con đường ấy là Bát Chánh Ðạo, chia làm tám chánh, cũng gọi là Trung Ðạo (Majjhima Patipada), vì tránh xa hai cực đoan là khổ hạnh và lợi dưỡng. Khổ hạnh làm yếu kém cả thể xác lẫn tinh thần. Lợi dưỡng là một trở ngại cho sự tiến bộ trên đường đạo hạnh.

Tám yếu tố của Bát Chánh Ðạo là:

Chánh Kiến (Samma Ditthi)
Chánh Tư Duy (Samma Sankappa).
Chánh Ngữ (Samma Vacca)
Chánh Nghiệp (Samma Kammanta)
Chánh Mạng (Samma Ajiva)
Chánh Tinh Tấn (Samma Vayama)
Chánh Niệm (Samma Sati)
Chánh Ðịnh (Samma Samadhi).

Chánh Kiến là hiểu biết đúng đắn, tức là am hiểu tận tường Tứ Diệt Ðế. Nói một cách khác, Chánh Kiến là thấu triệt thực tướng của bản thân mình. Kinh Rohitassa Sutta đã dạy: "Tất cả chân lý trong vũ trụ đều nằm vỏn vẹn trong tấm thân một trượng này". Theo Phật Giáo, Chánh Kiến là yếu tố tối quan trọng, là điều kiện tất yếu để thành tựu mục tiêu cứu cánh.

Do sự hiểu biết đúng, có những tư tưởng đúng. Chánh Tư Duy là yếu tố thứ nhì của Bát Chánh Ðạo. Nhận định rằng Chánh Tư Duy là "Quyết định đúng" hay "Có nguyện vọng chánh đáng" không đúng hẳn với ý nghĩa của phạn ngữ Samma Sankappa. "Suy niệm đúng" hay "Quán tươủng đúng" có phần đúng hơn. "Có những tư tưởng đúng" được coi là xác nghĩa hơn hết.

Trong Bát Chánh Ðạo "Sankappa" đồng nghĩa với "Vitaka", "Tầm" là một tâm sở rất quan trọng giúp ta gạt bỏ những ý tưởng và những khái niệm sai lầm, đồng thời tạo những tâm sở thiện.

Tâm làm cho con người nhơ bẩn hay trong sạch. Tâm xây đắp bản tánh và gầy dựng số mạng của con người. Tư tưởng thấp hèn làm cho con người trở nên bần tiện. Trái lại tư tưởng trong sạch nâng đỡ con người đến chỗ thanh cao thanh thoát. Lắm khi chỉ một tư tưởng cũng đủ tiêu diệt cả một thế gian. Chánh Tư Duy gồm có 3 phần:

1) Nekkhama, sự xuất gia, sự từ khước những khoái lạc vật chất, sự trau dồi những tư tưởng vị tha. Nghịch nghĩa của Nekkhama là luyến ái, vị kỷ, bám bíu tư sản.

2) Avyapada, lòng từ thiện, thiện chí, hảo tâm nghịch nghĩa với thù hận, ác ý, ganh ghét.

3) Avihimsa, lòng bác ái, tính hiền lương, nghịch nghĩa với tính hung tợn, tàn ác.

Những đức tín và những tật xấu kể trên luôn luôn ngủ ngầm trong mọi người. Ngày nào mà chúng ta còn là phàm nhân thì các đức tính và tật xấu ấy có thể đột ngột bộc phát và biểu hiện ra ngoài với một sức trổi dậy khó lường trước được.

Ðến khi tận diệt mọi bợn nhơ và đắc quả A La Hán rồi tâm mới hoàn toàn trong sạch.

Trong thế gian vô minh này, tham, sân, si, là nguồn cội của tất cả tội lỗi. Kẻ thù độc hiểm nhất của nhân loại là lòng tham hay là sự luyến ái, bám bíu vào cái được gọi là "Ta" hay là "Của Ta". Tất cả nghiệp dữ đều là do lòng tham gây nên. Ðến khi bị trở ngại, lòng tham ấy trở nên thù hận.

Do sự cố chấp bản ngã chúng ta luôn luôn lựa chọn. Chúng ta luôn luôn hoặc vui thích với những gì vừa ý hoặc ghét bỏ cái gì phật lòng. Vừa ý thì ta luyến ái, bám bíu. Trái lòng thì ta xô đuổi, bất thỏa mãn, sân hận, oán ghét. Lòng tham thường thúc dục ta bám bíu vào những khoái lạc vật chất và tìm mọi phương cách để thỏa mãn nhục dục. Tâm sân làm cho ta tức giận, lắm khi đến nỗi cố gắng tiêu diệt điều không ưa thích. Ðến ngày ta nhận thức được rằng tất cả đều là những sự kết hợp tạm bợ và tất cả đều bị luật vô thường chi phối thì tham và sân tự nhiên tiêu tan không còn nữa.

"Những đứa con này của ta, tài sản kia cuả ta.
"Người thiển trí khăng khăng cố chấp nhưng thế nên phải đi đến chỗ bại vong.
"Trong khi chính bản thân này còn không phải là của ta...
"Thì con nào là của ta? Tài sản nào là của ta?". (Pháp Cú Kinh 62.)

Ðức Phật cũng dạy:

"Hạnh phúc thay trên thế gian này chúng sanh nào đã diệt được lòng tham".

Và Kinh Pháp Cú cũng có câu:

"Không có lửa nào như lửa tham
"Không có ngục tù nào như lòng sân
"Không có lưới nào như lưới vô minh
"Và không có giòng sông nào như Ái Dục"

Trong khi lần bước trên từng thang tiến hóa tinh thần chúng ta lần hồi từ bỏ mọi luyến ái, thô kệch và vi tế, mọi hình thức bám bíu vào vật chất, tựa như em bé kia, càng lớn lên em lần hồi từ bỏ những món đồ chơi yêu quí một thời nào. Nếu lúc còn trẻ thơ mà có người nào đến giải thích cho em rằng các món đồ chơi kia là vô ích, nên bỏ đi thì chắc chắn em sẽ không bằng lòng. Nhưng đến lúc trưởng thành, hiểu biết rộng hơn, em bé tự nhiên rời bỏ không chút luyến tiếc những vật mà trước kiam em tưởng không thể rời được. Cùng một thế ấy, khách lữ hành trên đường tiến bộ tinh thần để đến chỗ tuyệt đỉnh cao thượng, nhờ chuyên chú suy niệm và tinh tấn thiền định, một ngày kia sẽ nhận thức rằng những thích thú khoái lạc mà thưở nào tưởng chừng là những điều kiện tất yếu của đời sống chỉ là những giọt mật hiếm hoi thỉnh thoảng rơi vào miệng lúc ta sống giữa khu rừng mênh mông đầy gai góc và gian lao nguy khốn. Ðến chừng đó hành giả tự nhiên xem thường những lạc thú vật chất, lần hồi chấm dứt mọi hình thức luyến ái và một ngày tươi đẹp kia, hoàn toàn dập tắt lửa tham.

"Trên thế gian này, không tham là hạnh phúc và vượt hẳn lên trên mọi nhục dục là hạnh phúc". Ðức Phật nhiều lần nhắn nhủ hàng đệ tử như thế.

Sân hận là một bẩn tính khác, cũng rất là khó trị. Phạn ngữ Vyapada gồm những ý nghĩa tức giận, ác ý, bất thỏa mãn, thù hận. Tâm sân làm hao mòn con người có tâm ấy và những người ở xung quanh. Vyampada là không có tình thân hữu.

Nghịch nghĩa của sân hận là Avyapada, từ ái, có thiện chí, một phạn ngữ đồng nghĩa với tâm Từ Metta) hiền lành, hảo tâm, đối với tất cả chúng sanh, không có bất luận một sự phân biệt nào. Người có tâm Từ không thể sân hận thù oán, không khác nào một bà từ mẫu sẵn sàng nâng đỡ và bao bọc đứa con duy nhất dầu có phải hy sinh tánh mạng củng cam. Một hành giả noi theo đường Trung Ðạo cũng rải tâm Từ đến chúng sanh, không mảy may thấy sự khác biệt nào giữa mình và chúng sanh khác, dầu đó là một con vật câm điếc, người bạn xấu số của chúng ta.

Hành gỉa hòa đồng với tất cả, tự mình chan hòa trong toàn thể, thấy vạn vật và mình là một. Trong tâm không còn một điểm vị kỷ, hành giả vượt lên khỏi mọi hình thức chia rẽ, riêng tư. Không bị giam hãm trong những tư tưởng hẹp hòi, không chịu ảnh hưởng của tinh thần đấu tranh giai cấp, quốc gia, chủng tộc, tôn giáo, hành giả nhìn tất cả thế gian là quê hương của mình và mọi người, mọi chúng sanh là bạn đồng hành trong đại trùng dương mà ta gọi là đời sống cuả muôn loài vạn vật.

Avihimasa hay Karuna, lòng bác ái, tâm Bi là yếu tố thứ ba của Chánh Tư Duy.

Tâm Bi hay lòng bác ái là một đức độ êm dịu có đặc tính làm rung động những tâm hồn trắc ẩn cao thượng trước cảnh khổ của người khác. Cũng như tâm Từ, tâm Bi không bị hạn định trong một quốc gia, một tôn giáo, một giai cấp hay một loại chúng sanh nào. Tình thương xót người mà có hạn định là không phải tâm Bi.

Người có tâm Bi mềm dịu như một tai họa nhưng lắm khi ý chí muốn giúp người khác thoát ra một cảnh khổ cũng làm cho tâm Bi cứng rắn như một tảng đá. Ngày nào chưa cứu giúp được người đau khổ tâm Bi không hề thỏa mãn. Lắm khi, để làm êm dịu sự đau khổ của kẻ khác người có tâm Bi không ngần ngại hy sinh đến cả thân mạng mình. Trong Túc Sanh Truyện (Jataka) mỗi chuyện tình đều chỉ cho ta thấy Bồ Tát luôn luôn hết sức cố gắng giúp đỡ mọi người bất hạnh và sẵn sàng tạo hạnh phúc cho mọi chúng sanh.

Tâm Bi giống như tình thâm cuả một từ mẫu thương xót đưá con bệnh. Bao nhiêu tâm trí, lời nói và hành động đều gom lại, chuyên chú tìm đủ phương thế làm cho con đỡ khổ. Người có tâm Bi không hề hành hung và làm hại ai. Hành tâm Bi đúng mức ta có thể tiêu diệt hoàn toàn mọi hình thức hung bạo, tàn ác.

Kẻ thù trực tiếp của tâm Bi là sự độc ác, hung tợn, tàn bạo. Kẻ thù gián tiếp của tâm Bi là sự âu sầu, ủ dột, phiền não. Tâm Bi của Phật Giáo không phải là những giọt nước mắt suông trước sự đau khổ của ngưòi khác.

Tâm Từ bao trùm tất cả càn khôn vạn vật, nghèo cũng như giàu, tốt như xấu, thân cũng như sơ, thù như bạn. Tâm Bi trái lại chỉ nhắm vào hạng chúng sanh xấu số, chuyên lo nâng đỡ người thấp hèn, nghèo đói, cô thân, tuyệt vọng, chăm nom săn sóc ngưòi bệnh hoạn, khuyên nhủ dỗ dành người thất bại, dẫn dắt và cứu vớt người tội l lỗi và soi sáng người tối tăm.

Tâm Bi là nguyên tắc căn bản của người tu Phật, xuất gia cũng như tại gia.

Ðề cập đến tình bác ái trong Phật Giáo Aldous Huxley viết như sau:

"Tính chất ôn hòa của dân tộc Ấn Ðô biểu hiện trọn vẹn giáo lý của Ðức Phật. Phật Giáo truyền bá tinh thần bất bạo động (ahimsa) tức là tính bác ái đối với tất cả chúng sanh. Ðối với người cư sĩ Phật Giáo, chế tạo và buôn bán súng đạn, chất độc, chất say, giết hại cầm thú đều là những giới cấm".

Ðức Phật khuyên hàng đệ tử như sau:

"Này hỡi Tỳ Khưu, dầu ở một nơi nào, người ta có bình phẩm đến các thầy, đúng hay sai, hợp thời hay không, lễ độ hay thô bỉ, hợp lý hay điên rồ, ngay thẳng hay gian xảo các thầy hãy cố gắng tu luyện tâm tánh, phải giữ tâm hồn luôn luôn trong sạch, không khi nào thốt ra một lời xấu, luôn luôn niềm nở và bác ái, đối với những người ấy. Các thầy nên mở rộng tấm lòng để tâm Từ cuồn cuộn chảy đến họ như một giòng suối trường lưu bất tức. Các thầy nên rải tâm Từ bao trùm cả càn khôn vạn vật, dồi dào phong phú, vô lượng vô biên. Không bao giờ thù oán. Không sân hận, các thầy hãy cố gắng tự trau dồi".

Người đã tẩy sạch mọi tham vọng ích kỷ, thù hận, mọi tư tưởng hung ác, tàn bạo và đượm nhuần tinh thần vị tha từ ái và ôn hòa sẽ thấy đời sống mình được an lành vui vẻ.

Chánh Tư Duy dẫn đến Chánh Ngữ, yếu tố thứ ba của Bát Chánh Ðạo, Chánh Ngữ là không nói dối, không nói đâm thọc làm cho người này giận người kia, không nói lời thô bỉ và không nói lời nhảm nhí.

Người đã tận diệt tham vọng tất nhiên không thể có lời nói giả dối, phỉ báng, thô bỉ và nhảm nhí vì một mục đích ích kỷ nào luôn luôn thành thật, trung tín, luôn luôn tìm cái đẹp cái tốt nơi người khác hơn là lừa dối vu oan, sĩ nhục, chia rẽ những người bạn đồng cảnh ngộ với mình. Một nhân vật hòa nhã và đượm thuần tâm Từ không thể có lời nói thô lỗ cộc cằn để làm giảm giá trị mình và tổn hại người khác. Lời lẽ của người giàu lòng bác ái không những thành thực dịu dàng mà còn hữu ích và luôn luôn đem lợi lộc cho kẻ khác.

Sau Chánh Ngữ là Chánh Nghiệp, hành động chánh đáng, khả dĩ tạo thiện nghiệp. Hành động chánh đáng là không sát sanh, không trộm cắp và không tà dâm.

Nguồn gốc của sự luyến ái, lòng thù hận và tính hung tợn là Tham, Sân, Si. Một hành giả đã tẩy sạch tham, sân, si và giữ tâm hoàn toàn thanh tịnh thì những xu hướng xấu xa không phát sanh lên được. Tâm thanh ý tịnh thì đời sống cũng trong sạch. Người không tham, không sân, không si ắt cũng không thể sát sanh, trộm cắp, tà dâm.

Yếu tố thứ năm của Bát Chánh Ðạo là Chánh Mạng, sinh sống chánh đáng. Giữ thân, khẩu, ý trong sạch, hành giả cố gắng sống một đời sống cũng trong sạch, tránh xa năm nghề khả dĩ tạo nghiệp xấu là buôn bán khí giới, buôn bán nô bộc, nuôi thú vật để bán cho người ăn thịt hoặc làm nghề đồ tể, bán vật thực có chất say và buôn bán độc dược.

Ðối với hàng xuất gia, đạo đức giả không phải là chánh mạng.

Chánh Tinh Tấn, cố gắng chánh đáng, chi thứ sáu của Bát Chánh Ðạo chia làm bốn.

1) Cố gắng tiêu trừ các ác pháp đã phát sanh.
2) Cố gắng ngăn ngừa các ác pháp đang hoặc chưa phát sanh.
3) Cố gắng làm cho thiện pháp phát sanh.
4) Cố gắng trau dồi thiện pháp đã phát sanh.

Chánh Tinh Tấn rất quan trọng. Theo Phật Giáo, chính sự cố gắng liên tục là yếu tố cần thiết để giải thoát chớ không phải nương nhờ hay van vái ai mà thực hiện được mục tiêu. Bên trong mỗi người đều có một kho tàng đức hạnh cao thượng và một nơi chứa đựng tật xấu đê hèn. Chánh Tinh Tấn là đè nén, tuyệt trừ là tật xấu và cố gắng vun xới đắp hồi tánh tốt. Tóm tắt, Chánh Tinh Tấn là cố gắng chăm chú kiểm soát thân, khẩu ý.

Chánh Tinh Tấn liên quan mật thiết với Chánh Niệm hay là liên tục chú tâm quán tưởng đến thân, thọ, tâm và pháp.

Trong đời thường có bốn quan niệm sai lầm là:

- Ưa thích (subha) cái không ưa thích (Asubha).
- Cái đau khổ (Dukkha) lại coi là hạnh phúc.
- Xem là thường tồn (Nicca), cái vô thường (Anicca).
- Vô ngã (Anatta) lại cho là hữu ngã (Atta)

Chánh Tin Tấn và Chánh niệm dẫn đến Chánh Ðịnh, nhiếp tâm vào một điểm. Chánh Ðịnh là điều kiện tốt cần nhờ đó mà tâm mình xác nhận chân được thực tướng của sự vật.

Trong tám yếu tố này Chánh Kiến và Chánh Tư Duy thuộc về Trí Tuệ (Panna); Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, và Chánh Mạng thuộc về Trì Giới (Sila), Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, và Chánh Ðịnh thuộc về Ðịnh (Samadhi).

Nói một cách chính xác, tám chi Bát Chánh Ðạo là tám tâm sở (cetasika) luôn luôn nằm chung trong bốn loại tâm siêu thế (Lokuttara citta). Ðối tượng cuả bốn loại tâm ấy là Niết Bàn.

Theo thứ tự, Giới, Ðịnh, Tuệ là ba giai đoạn của "Con đường" dẫn dắt đến Niết Bàn. Ba giai đoạn này được tóm tắt trong câu:

"Chấm dứt mọi hành động ác.
Làm các điều thiện,
Gội rửa tâm cho trong sạch,
Ðó là lời dạy của chư Phật". (Pháp Cú)

Chúng ta gặt những gì đã gieo. Nếu gieo điều ác chúng ta phải gặt sự đau khổ, nếu gieo điều lành chúng ta sẽ gặt hạnh phúc. Ðau khổ và hạnh phúc là hậu quả phải có của những hành động ác hay thiện.

Chính đó là luật "Nhân Quả".

[Hết]


[Trở về trang Thư Mục]