BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with
Unicode Times font
Thỉnh thoảng có người hỏi tôi rằng: 'bây giờ chị đã trở thành một người mẹ, chị còn tập thiền không?' Câu hỏi đó đã phủ nhận việc làm mẹ cũng là một phương pháp thiền định. Chúng ta cho rằng thiền tập chỉ xảy ra tại các trung tâm thiền, rằng chúng ta chỉ có thể tỉnh thức hoặc có chánh niệm khi ngồi trên tấm nệm thiền hoặc tại một nơi vắng lặng. Thiền định không chỉ là một phương pháp mang hình thức như thế. Sự thử thách lớn lao là không chỉ ngồi thiền trên nệm, mà là đem sự tỉnh thức hoàn toàn vào trong đời sống của chúng ta. Sự tỉnh thức hoàn toàn không có trạng thái phân chia và không mang một khái niệm về ngã. Thiền định không mang tính chất nhị nguyên; chỉ có giây phút hiện tại là hiện hữu.Chưa bao giờ tôi có ý định có đến hai con. Ý định của tôi là chỉ có một cháu, mang cháu sau lưng và tiếp tục bước tới. Nhưng dù sao đi nữa, tôi được biết rằng tôi sẽ cho chào đời một cặp sanh đôi.
Hai năm đầu tiên làm mẹ đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, như là một sự thực tập về thiền Rinzai rất khắt khe. Không phải chỉ cần mớm sữa cho một cháu, mà đến những hai cháu. Vào buổi sáng, tôi thật sự đã không có thời gian để tắm rửa hoặc làm vệ sinh cá nhân. Những tiếng khóc của các con tôi tựa như những tiếng chuông và việc thay tả là câu trả lời của tôi cho những câu thoại đầu. Chồng tôi và tôi đã thay mười hai ngàn tấm tả, tựa như những hột của một chiếc chuỗi (mala).
Tuần đầu tiên các con tôi được đưa về nhà, một người bạn đã lái xe tới và nói 'tôi đến đây để phục vụ cho chị'. Chị ấy đã ở lại một tuần nấu nướng, quét dọn và trông giữ hai cháu khi tôi đi bách bộ.
Ðây là công việc 'chăm sóc các bà mẹ' và là một trong nhiều công tác xã hội mà tôi muốn được giới thiệu đến các bạn. Các Phật tử đang làm rất nhiều công việc thật tuyệt vời: cho hòa bình, sự chết, quá trình chết, bệnh AIDS và sinh thái. Nhưng các Phật tử có giúp đỡ cho phụ nữ không? Có ai giúp đỡ các bà mẹ không? Có ai giúp đỡ việc trông coi trẻ em không? Các dịch vụ của Phật tử sẽ còn tuyệt vời hơn nữa nếu các công việc của họ liên quan đến lãnh vực này trong xã hội.
Trong bối cảnh của đạo Phật qua kinh điển, với trọng tâm là sự tu tập trong các tu viện, sự chọn lựa của tôi để trở thành một người mẹ là một sự việc đáng kể. Ðối với tôi, thực thi vai trò một người mẹ là một việc rất bổ dưỡng (nourishing). Có một sức mạĩnh to lớn nảy sinh giữa người mẹ và đứa con. Khi các con của tôi vừa mới chào đời, tôi đã biết rằng các cháu đều hướng thượng (spiritual), thông minh và mạnh khỏe. Tôi chỉ cần nuôi dưỡng các cháu bằng tình thương và lòng thành thật (love and honesty). Ðó là mục đích chính của tôi trong vai trò làm mẹ.
Thỉnh thoảng, khi chỉ ở trong nhà, tôi có cảm thấy vô vọng và chán nản. Tôi đã nghĩ như thế này: 'Tôi đang làm gì ở đây? Xã hội đâu có trả tiền cho chúng tôi (các bà mẹ), đâu có quí trọng chúng tôi?'. Nhưng mà bạn ạ, được học từ một trẻ nhỏ thật là một niềm hạnh phúc. Khi chúng ta trau dồi lòng từ bi với trẻ nhỏ, việc cho và nhận chính là sự thực hành của lòng từ bi này.
Một vài người bạn và tôi quyết định tổ chức một nhóm thiền cho các bà mẹ. Quyết tâm của chúng tôi là cùng ngồi thiền với các con của chúng tôi. Chúng tôi đã cần phải thực hành vài lần trước khi sự sắp đặt xảy ra như ý muốn, và mỗi lần chúng tôi gặp để thực hành đều khác nhau. Ðầu tiên chúng tôi thử ngồi thiền ở một phòng khác, nhưng các trẻ đều khóc, và vì thế chúng tôi biết cách này không ổn và đã thay đổi. Thỉnh thoảng sự việc hơi phức tạp một chút, vì chỉ có hai bà mẹ: một cháu đang chơi và tôi thì ngồi thiền với một cháu trên đùi của tôi. Một ngày nọ, một trong hai cô con gái của tôi đã sắp tất cả các con thú búp bê của cháu trong tư thế ngồi thiền.
Tôi cũng đã dạy các con tôi không giết hại, không hận thù và không hoang tưởng. Tôi đã dạy các con lòng từ bi trước khi các cháu biết nói. Chúng tôi sống trong một khu vực có nhiều thú như rết, bò cạp, nhện to, nhện đen và thỉnh thoảng rắn. Khi chúng tôi thấy các động vật nhỏ, chúng tôi bỏ chúng vào trong một cái tách và đem chúng ra ngoài. Khi chúng tôi thấy một con ong hoặc ruồi, chúng tôi cũng giúp nó tìm lối thoát ra ngoài. Mỗi khi các cháu thấy một con ruồi, các cháu liền gọi để tôi đem cái tách đến và mang con ruồi đến một nơi khác. Các cháu rất thương các loài sâu bọ, côn trùng và đã học để nhận diện chúng. Tôi tìm thấy một bức tranh của con rết trong cuốn sách có tựa đề 'Ðể Ðược Sống' (To Be Alive) và đã dặn các cháu rằng nếu các cháu thấy con rết, đừng đụng nó và hãy gọi tôi. Các cháu đã học được việc không giết hoặc hãm hại qua phương cách này. Các cháu không bao giờ hãm hại các loài động vật; ý nghĩ đó chưa bao giờ nằm trong tư tưởng của các cháu.
Tôi cũng đã dạy các cháu không tham lam. Trong cửa hàng bán đồ chơi, chúng tôi chơi với các món đồ, trả lại chúng và nói tạm biệt. Các cháu chưa học rằng người ta cần phải mua các vật dụng trong cửa hàng. Khi chúng tôi nói về việc mua sắm thì chỉ nói về thức ăn. Tôi dạy các cháu cách chọn lựa mà không tham đắm vào các vật, và chọn lựa một cách thông minh mà không sợ hãi.
Trước khi trở thành mẹ, tôi đã dạy thiền trong nhiều năm. Tôi nhớ rằng một trong những sư phụ của tôi, tên là Dipa Ma, đã sống trong một phòng ở Calcutta (Ấn Ðộ) và dạy thiền ở nhà. Và như thế một ngày nọ, tôi chợt nghĩ: 'Ðúng rồi. Mình sẽ dạy thiền ở tại nhà.' Chồng tôi dắt các con đi ra ngoài và tôi đã dọn phòng khách của chúng tôi để trở thành một phòng thiền sau một nghi lễ hương trầm. Các thiền sinh rất thích ngồi thiền trong môi trường rộng rãi này và tôi đã không cần phải tách bản thân tôi ra khỏi căn nhà và các con của tôi.
Thỉnh thoảng có người hỏi tôi rằng làm cách nào tôi quân bình được sự không luyến ái và việc làm mẹ? Tất cả những sự tập luyện của tôi đều là để phát triển lòng không tham luyến và sự ra đời của các con tôi cũng là một tiến trình để phát triển lòng không tham luyến. Chỉ vừa trước khi các cháu được hai tuổi, tôi bắt đầu mướn người trông em trong khi tôi dạy hai lớp thiền mỗi tuần. Rất may mắn là tôi đã tìm được một bà ngoại (grandmother) rất nồng hậu, từ bi và cảm thông để trông các cháu với tất cả sự thương yêu. Các cháu đã sống như là một thành phần của một gia đình khác, như trẻ con ở một số nước được chăm sóc một cách tự nhiên bởi những ông bà, dì dượng hoặc cậu mợ từ thuở nhỏ. Mỗi tháng tôi tự rời các con tôi trong một thời gian ngắn và năm ngoái, lần đầu tiên tôi đã dự một khoá tu học ở Dzogchen trong bốn đêm. Toàn bộ diễn tiến (để phát triển lòng không tham luyến) này đã liên quan đến nhau và được xếp thành hệ thống với nhau.
Tôi đã chần chừ khi phải xa các con trong lần đầu tiên, nhưng một vài người bạn đã khuyến khích tôi trở lại việc dạy thiền sau khi tôi làm mẹ. Dịp các cháu tập xa tôi cũng rất tốt cho các cháu vì từ đây các cháu sẽ có một nguồn tiếp dưỡng khác và vì tôi cũng đã bắt đầu cai sữa (mẹ) với các cháu. Tôi phát hiện ra rằng trẻ con cũng có những nghiệp lực riêng của chúng. Chúng ta không thể luôn luôn dẫn dắt các em và tạo dựng những trường hợp lý tưởng cho các em. Có những động lực của nghiệp tạo tác và các quyết định phải cần dựa trên những nghiệp lực này.
Thỉnh thoảng tôi dẫn các cháu đến gặp những vị Lạt ma Tây Tạng và các cháu ở lại nơi tôi dạy thiền trọn ngày. Các cháu nhận ra được tượng Ðức Phật và hỏi rằng các cháu có thể ăn chuối, táo và các vật cúng dường khác trên bàn thờ hay không. Các cháu có những nhận thức và liên kết (association) riêng của các cháu. Mỗi khi các cháu trông thấy tượng Phật, các cháu đều chắp tay đảnh lễ.
Khi tôi dạy và hướng dẫn các khoá thiền dài hạn tại các trung tâm thiền, tôi luôn luôn dành thời gian để trả lời các câu hỏi. Nhưng tôi bắt đầu nghi ngờ rằng một người luôn dành thời gian (để có mặt và trả lời câu hỏi) là một điều tốt hay không? Nếu các trẻ cảm thấy yên tâm và lòng tự tin cũng như tự trọng của các em đầy đủ, thì cả hai phía (cha mẹ và con cái) đều có thể bắt đầu 'buông xả' (let go). Mười tháng đầu tiên, các cháu đã ngủ chung với tôi trên chiếc giừơng gia đình. Tôi đã có mặt khi các cháu muốn được trông nom và những nhu cầu của các cháu đã được đáp ứng. Bây giờ các cháu đã hiểu mỗi khi tôi đi xa và chỉ vẫy tay chào tạm biệt tại phi trường.
Dĩ nhiên, mỗi người đều có cách làm cha mẹ riêng. Một vài người có thể ở nhà, một vài người thì không. Tôi nghiệm ra rằng công việc chánh của bậc làm cha mẹ là việc tạo sự tự tin, tự trọng và loại bỏ đi những ngờ vực hoặc sợ hãi của con cái để các cháu không bỏ phí cả cuộc đời còn lại của chúng, cố gắng thỏa mãn những nhu cầu thời niên thiếu. Có một câu nói thật tuyệt vời rằng: 'Trẻ con không thể nào rời nhà đến khi các em đã ở nhà.' (Children can't leave home until they've been home).
Tại trung tâm thiền Dzogchen mà tôi dạy có dịch vụ trẻ em cho mỗi khóa tu. Tôi đã rất do dự trong lần đầu tôi đem các cháu đến dự khóa tu. Nhưng tôi đã thật sự kinh ngạc khi thấy mọi người đều hoan hỷ khi thấy các con tôi đến. Mọi công việc đều xảy ra hết sức tốt đẹp. Khi tôi ở trong phòng thiền thì các cháu chạy giỡn ngoài sân. Trong buổi lễ tụng kinh, quán tưởng và đánh mõ (drumming) theo phương pháp Cho, một trong hai cô con gái của tôi đã nằm trên đùi tôi. Khi buổi lễ chấm dứt, cháu bắt đầu vỗ tay và bạn có thể nói rằng sinh lực của cháu đã được tăng trưởng sau buổi lễ. Người chồng tuyệt vời, đầy khuyến khích và thông cảm của tôi đã chịu trách nhiệm về việc trông coi trẻ em trong khóa tu.
Từ ngày làm mẹ, tôi đã phải kiểm nghiệm lại hầu hết mọi mảy may trong việc tu tập Phật Pháp của mình. Sự thay đổi chính yếu trong việc tu tập là sự nhấn mạnh vào sự tỉnh thức trong thư giãn (relaxed awareness) Ố thư giãn, nhưng nhận thức một cách rõ ràng, chính xác. Toàn bộ sự huấn luyện về Phật Pháp của tôi là về sự tỉnh thức (awareness) và chánh niệm (mindfulness) dựa trên chánh định (calm concentration).
Có được sự chánh định thật tuyệt vời, nhưng than ôi cảnh tượng này cũng không tồn tại mãi, vì nó vô thường. Con người sẽ bị dính mắc vì thích có cảm giác tuyệt vời này và trở nên thất vọng khi họ không đem được cảm giác này vào được đời sống hàng ngày. Hiện tại, tôi dạy các thiền sinh rằng họ hãy thư giãn, thay vì phải vượt qua, trong mỗi giây phút, và như thế sự chuyển tiếp sẽ trở nên dễ dàng hơn. Thông thường sau mỗi khoá tu, nơi mà chúng ta ăn và ngủ ít hơn, nhiều người lại đột ngột háu bánh kẹo và thức ăn. Họ hành động như là họ đã bị ở tù vậy, thay vì học một khóa tu. Nhưng gần đây, sau khi dạy về sự nhận thức trong thư giãn tại một khóa tu ở viện Lama, các thiền sinh đã ăn uống một cách vừa phải và nói chuyện rất khẽ. Những người thợ bếp đã phải rất đỗi kinh ngạc.
Hệ thống xã hội và kinh tế Tây Phương sanh ra nhiều sự căng thẳng trong đời sống. Ðời sống chúng ta luôn vội vã về phía trước và ngay cả trong khi tu học, chúng ta cũng phải cần gắng sức. Hầu hết tất cả các sự huấn luyện của tôi đều rất nghiêm khắc Ố một phương pháp dạy và học đòi hỏi nhiều sự nỗ lực và mệt 'gãy cỗ' (an effortful and breakneck approach). Tôi có một sư phụ, một người chưa từng đặt lưng nằm xuống trong ba-mươi-tám năm trời! Nhưng ngược lại, đối với phương pháp thiền Dzogchen, sự thư giãn và nhận thức trong an tĩnh được nhấn mạnh, cùng với sự chánh định.
Tôi cũng bắt đầu dạy về pháp duyên khởi và thập nhị nhân duyên. Tôi dạy sự tỉnh thức ngay trong mỗi sự tiếp xúc: sự tỉnh thức trong khi thấy, nghe, ngửi, nếm và tiếp xúc. Bằng cách không theo đuổi sự ham muốn, thù ghét, luyến ái và ảo tưởng, sự tỉnh thức này sẽ phá tan bức màn vô minh (defilements). Trong giữa khóa tu, có người đã hỏi không biết lần thứ mấy rồi, rằng 'làm sao chúng ta có thể đem sự thực tập này vào đời sống mỗi ngày?'. Câu hỏi này đã làm tôi nhớ lại lời dạy về thập nhị nhân duyên. Xúc (contact) dẫn đến thọ (feeling). Nếu cảm giác thích thú, nó sẽ dẫn đến lòng ham muốn. Nếu cảm giác trung dung, nó dẫn đến sự cách xa, tách lìa vì sự vô minh. Nếu cảm giác đau khổ, nó dẫn đến sự oán ghét và oán ghét dẫn đến lòng thù hận, đưa đến những hành động chúng ta sẽ hối tiếc. Việc tìm kiếm lạc thọ và chối bỏ khổ thọ chỉ dẫn chúng ta đến tình trạng nhị nguyên và đau khổ.
Một việc khác mà tôi đã học được là trong các khóa tu, thiền sinh thích ra ngoài, vì phong cảnh ở ngoài rất đẹp. Tôi đã thường nghĩ rằng khi thấy những vật ưa thích con người sẽ sanh tâm luyến ái. Nhưng giờ đây tôi đã nghiệm ra rằng có một cách nhìn những vật mình ưa thích mà không nuôi dưỡng sự tham lam và lòng luyến ái. Tôi phát hiện ra rằng tôi có thể nhìn một cây xanh thật đẹp trong lúc thiền hành. Tôi có thể dừng lại để ngắm cây, biết rằng cây đẹp và nhận thức cảm giác dễ chịu này trong giây phút hiện tại. Các cảm giác là một phần trong sự thiền định và không cần thiết mang một ý nghĩa xấu.
Giáo pháp cần phải thích ứng và bao gồm tất cả. Nếu Phật Pháp chỉ được áp dụng trong các tu viện, bởi những phụ nữ không có con, những người mẹ đã có con khôn lớn, những người mẹ có thể trả tiền cho dịch vụ trông coi con trẻ, hoặc các người vợ có các đấng phu quân cảm thông, thì chúng ta cần phải đặt vấn đề. Chúng ta sẽ chỉ có một tôn giáo ở bên lề, không bao trùm được mọi thành phần trong xã hội. Không cần biết có bao nhiêu phụ nữ đã giác ngộ trước chúng ta, không cần biết có bao nhiêu phụ nữ đã được nhắc nhở qua kinh điển, không cần biết có bao nhiêu phụ nữ giác ngộ được sùng kính, trừ khi giáo pháp được chuyển đến (transform) trong xã hội, giáo pháp sẽ không hữu dụng.
Gần đây tôi đã mơ một giấc mơ mang một thông điệp rõ ràng và tự nhiên (spontaneous). Giấc mơ về một người đàn bà đầu tiên (trong lịch sử loài người - lời diễn dịch của dịch giả), dáng rất thanh nhã, nhìn vào một cái trứng trước mặt bà. Một cách liên tiếp, bà nhìn ra tất cả những sự hủy diệt có thể làm vỡ cái trứng đó. Trứng có thể bị đập vỡ, ăn mất, thổi đi hoặc bị hư hoại qua nhiều cách. Và người đàn bà đầu tiên này, vì lòng từ bi với sự khốn khó của cái trứng, đã nhấc nó lên và đặt nó vào trong bụng mình, để trí tuệ của thời gian có thể được tiếp giữ một cách an toàn (the wisdom of ages could be safely carried through).
Giấc mơ này hoàn toàn trái ngược với khái niệm phổ thông trong Phật giáo rằng người phụ nữ mang nhiều nghiệp quả hơn (a woman is of lesser birth). Vì nghiệp xấu mà họ đã tạo trong các kiếp trước, người phụ nữ mang nặng đẻ đau và vì thế chịu nhiều khổ đau hơn. Giấc mơ về người đàn bà và người mẹ như là một vị bồ tát, một người luôn quan tâm và từ bi, một người bảo tồn sự sống, tích cực trong việc chuyển tiếp trí tuệ và sự sống của chính nó.
Sau giấc mơ này, có những dấu vết nào còn tồn lại trong sự suy nghĩ của tôi về phụ nữ đều hoàn toàn bị xóa bỏ. Khi tôi gặp các phụ nữ khác, các bà mẹ, sự tôn kính của tôi đối với họ rất sâu. Hiện tại, sự tôn trọng của tôi đối với cộng đồng cư sĩ rất phong phú (rich) và sâu sắc hơn lúc nào hết.
Khi tôi còn sống trong tu viện, tôi cảm thấy tự tôn. Khi các cư sĩ đặt câu hỏi về đời sống của họ, tôi đã trả lời về những điều mà không nằm trong kinh nghiệm của tôi. Hệ thống tu viện là một tặng phẩm vĩ đại đối với sự bảo tồn của Phật Pháp và chúng ta không bao giờ nên quên việc này. Nhưng cũng chính trong hệ thống này mang các thứ bậc, với các vị tăng ở bên trên, và các cư sĩ, các bà mẹ lảng vảng ở đâu đấy bên dưới. Qua sự chia xẻ của tôi về kinh nghiệm về đời sống của một tu sĩ và một người mẹ, tôi cố gắng đánh tan khái niệm nhị nguyên này.
Có nhiều vấn đề để suy xét trong việc làm mẹ và thiền tập. Các phụ nữ đang có mang có thể cảm thấy sự phân chia về bản sắc (identity) của họ trong lúc thiền tập và làm mẹ. Thỉnh thoảng sự thiền tập có thể trở nên căng thẳng và khuấy động nhiều sự việc lên. Ðây có thể là một vấn đề trong lúc mang thai.
Sự thiền tập mang nhiều phương diện: sự tập trung, nỗ lực và định tĩnh (concentration, effort and deep calm). Trong lúc mang thai, sự thực tập về chánh định mang nhiều lợi ích. Tâm trạng căng thẳng có thể ảnh hưởng xấu đối với sự sinh tồn và anh tĩnh của đứa trẻ trong bụng mẹ. Trong lúc đó, nếu người mẹ thực tập về khía cạnh chánh định, đứa trẻ sẽ trở nên quen dần với cảm giác an tĩnh. Khi một phụ nữ mang thai và tiếp dưỡng một mầm sống trong người, vị ấy sẽ mở rộng khoảng trống tâm linh của mình, sẽ dễ bị xúc cảm bởi những ảnh hưởng chung quanh, một cách có ý thức hay không ý thức. Vì thế, việc môi trường chung quanh người phụ nữ mang nhiều lòng từ bi, không mang thành kiến, sợ hãi hay tiêu cực nào là một điều rất quan trọng. Trong lúc mang thai, việc thực tập thiền không nên bỏ qua, nhưng sự thực tập cần phải được thực hành một cách cẩn trọng. Có một vài phương pháp thiền mà những phụ nữ trong lúc mang thai cần nên tránh.
Còn có một vấn đề khác là: Ai chăm sóc cho những bà mẹ có con nhỏ? Hoa Kỳ và Nam Phi nằm trong số ít các quốc gia trên thế giới không có dịch vụ chăm sóc các bà mẹ. Cũng như việc chúng ta chăm sóc cho Ðất Mẹ không thể đo lường được, vì Ðất Mẹ luôn cho mà không nhận, thì việc chúng ta cần phải chăm sóc cho các bà mẹ đã sinh ra cho chúng ta những đứa con cũng quan trọng như thế ấy.
Chúng ta cần phát triển lòng ao ước giúp đỡ đến những phụ nữ này. Chỉ cần đi vào nhà một người vừa mới trở thành mẹ, và quét sàn nhà của bà đã là một tặng phẩm tuyệt vời rồi. Các bà mẹ được trông đợi là phải bồi dưỡng những người khác, nhưng chính các bà mẹ cũng phải được bồi dưỡng nữa chứ ! Qua cách nhìn này, các Phật tử nữ có thể mang đến một sự giúp đỡ to lớn đến các bà mẹ.
Nếu có một nền tảng vững chắc trong việc tu thiền, nó sẽ giúp đỡ rất nhiều cho những đòi hỏi trong vai trò làm cha mẹ. Tôi đã có thể tập trung làm mẹ với tất cả sự nỗ lực của mình nhờ vào những năm thực tập nghiêm khắc tại Miến Ðiện, Thái Lan, Ấn Ðộ và Núi Baldy. Rất nhiều bà mẹ không thể đối phó với sự căng thẳng và đã lạm dụng các thứ thuốc để giảm thiểu sự căng thẳng này. Vì thế, tại Chicago chẳng hạn đã có đến ba-mươi-lăm phần trăm trẻ em sơ sinh bị nghiện thuốc.
Những hình ảnh được phóng chiếu (projected) lên phụ nữ có ảnh hưởng đến họ. Có những vai trò gương mẫu trong đạo Phật về những phụ nữ đã vừa làm mẹ vừa làm một người Thầy hoặc Cô. Trong sự thực tập về bồ tát hạnh, chúng ta có quán tưởng về tất cả các chúng sanh trong các kiếp quá khứ đã từng là mẹ của chúng ta, nhưng trong các tôn giáo khác ở Tây lẫn Ðông Phương, vẫn có những hình ảnh tiêu cực về phụ nữ đã được qui định từ bao lâu nay. Phụ nữ qua hình ảnh những người đàn bà khêu gợi trở thành một biểu tượng nổi bật. Chúng ta cần phải nhận ra những hình ảnh đã được phóng đại này, nhận dạng và bàn thảo về chúng, để chúng ta có thể thoát ra khỏi chúng. Thí dụ, ở Ấn Ðộ, các bà mẹ được sùng bái, tôn thờ trong khi phụ nữ thì không. Ðây là một vấn đề. Hơn thế nữa, các ngôn từ dùng để diễn tả về phụ nữ cũng quan trọng không kém. Thí dụ, nếu từ "phụ nữ" mang ý nghĩa 'hạ sanh' (lesser birth) và từ này đã được xử dụng qua hàng ngàn năm, nó sẽ mang một ảnh hưởng đối với con người. Không những chỉ trên mặt xã hội mà còn ở những mặt mà chúng ta đã đồng hóa một cách không có ý thức, chúng ta cần phá tan huyền thoại rằng nếu mang một thân nữ có nghĩa rằng là thấp hơn. Những thái độ làm giảm đi vai trò của người mẹ cũng sẽ hại các con trẻ. Những thái độ như thế phản ảnh sự thiếu hiểu biết và kinh nghiệm về bản chất của trẻ con.
Chúng ta thường mang những giả định phổ thông trong xã hội hoặc những chủ kiến về giới tính. Nó tựa như là khi các lá bài khi được phát ra, thì các lá mà phụ nữ nhận được đều mang các danh từ như 'thân hình', 'sanh con', 'cảm giác', 'tạo hóa' và còn nhiều nữa. Có những đức tính hoặc phẩm chất gắn liền với phụ nữ dù rằng họ không luôn luôn phù hợp với chúng. Khi chúng ta phóng chiếu những mẫu rập khuôn lên phụ nữ, hệ thống tin tưởng trở nên bất diệt và kéo dài mãi mãi. Nếu tất cả những đặc điểm về phụ nữ là tiêu cực hoặc làm mất giá trị, tất cả phụ nữ sẽ bị mất phẩm giá.
Mang một tấm lòng từ bi và ước nguyện có thể ngăn cản mọi sự hãm hại (with a compassionate attitude of wishing to prevent harm), chúng ta cần cô lập tất cả những khía cạnh của các vấn đề mà người phụ nữ đương đầu trong sự tu tập tâm linh. Chúng ta cần bàn thảo về những vấn đề này với một thái độ thích nghi để có thể giải thoát ra khỏi chúng. Chúng ta cần đương đầu với những vấn đề người ta nghĩ về phụ nữ và sự sanh sản. Thay vì nghĩ rằng đời sống và việc tạo ra một đời sống là một lời nguyền rủa (a curse) bởi vì có đời sống nào mà có thể tránh khỏi sự khổ đau và chết, thì chúng ta có thể nhìn vào cuộc sống như là một cơ hội để đạt đến sự giác ngộ. Qua lối nhìn này, chúng ta có thể trao truyền cho các con của chúng ta một cái nhìn kém phân chia hơn (a less dualistic approach).
Hiện tại, có rất nhiều phụ nữ và đấng mày râu thông minh và có học thức tu tập Phật Pháp. Ðây là một cơ hội và cũng là trách nhiệm to lớn để chúng ta có thể xem xét lại truyền thống và ảnh hưởng những sự thay đổi một cách sâu đậm. Ðây cũng là một thời điểm để phát huy những tiềm lực và khả năng một cách không có giới hạn.
Chúng ta cần nhìn lại toàn bộ hệ thống tư tưởng, đánh giá những lời dạy và học về những nguyên lý thật thụ (take the true essence), mà không chỉ suy nghĩ về những lời dạy đó. Chúng ta cần thu gồm những nguyên lý đích thực và quí báu trong hệ thống tư tưởng đó và loại đi những yếu tố chỉ tạo ra những lối suy nghĩ nhị nguyên. Ðó là cách mà Ðạo Phật sẽ được sửa đổi trong nền văn hóa của chúng ta. Chúng ta không làm giảm bớt giá trị hoặc chỉ trích hệ thống này Ố vì đó sẽ chỉ là một khuôn mẫu cũ rích đại diện cho sự vô minh của con người Ố nhưng những gì chúng ta giữ gìn sẽ được chuyển mang đến phía trước.
-oOo-
Phần đặt vấn đề và đóng góp
Furgu: Dạo trước, tôi đã rất chú tâm đến đời sống trong tu viện. Khi tôi đến tu viện Tassajara, họ đã thử chúng tôi về cách cư xử với trẻ em. Những người chưa từng có con trong chúng tôi đã rất lo lắng về việc này. Trong buổi lễ giao việc, tôi đã được giao phần lau chùi nhà tắm. Ðó là một ân huệ to lớn, bởi vì tôi sẽ có thể một mình ở trong nhà tắm lớn trọn ngày. Kế đến, một phụ nữ khác đã được giao công việc trông coi trẻ em và bà ta đã từ chối vì đã vừa nuôi xong hai đứa con trai song sinh. Việc người phụ nữ từ chối công việc được giao phó là một chuyện chưa từng được nghe đến.
Rốt cuộc, tôi là người đã được giao việc trông coi trẻ em trọn ngày. Tôi trông ba em, một em một tuổi, một em hai tuổi và một em ba tuổi. Lúc mới bắt đầu, tất cả chúng tôi đều không biết làm gì và chỉ nhìn lẫn nhau, nhưng sau cùng các em đã hoàn toàn thu hút tôi. Trong các buổi họp, các em đã phóng ra khỏi vòng tay cha mẹ và chạy đến tôi. Thật là một kinh nghiệm tuyệt vời. Bây giờ các em đã trở thành những thanh thiếu niên và đang học trung học.
Sau khi hỗ trợ các em trong lúc các em trưởng thành, giai đoạn bây giờ là giúp các em tìm một con đường tâm linh trong cuộc sống. Thật là một điều may mắn là chúng ta đã có một cái gì đó để tặng các em.
Ðóng góp: Thầy Nhất Hạnh, người mà đã đưa tôi đến Ðạo Phật, là người làm việc rất nhiều với trẻ em. Trong một khóa tu, tôi đã may mắn được tham dự chung việc chăm sóc các em nhỏ, và đây là một trong những kinh nghiệm quí báu nhất về khóa tu đối với tôi.
Tôi đã có cơ hội nói chuyện với các bậc cha mẹ về việc thiền tập với con trẻ. Thường thì chính các bà mẹ đã bỏ qua cơ hội nghe pháp để trông chừng con cái của họ. Việc chăm sóc trẻ con tại các khóa tu rất quan trọng và cần được mọi người lưu ý đến.
Ðóng góp: Với tư cách là một người mẹ của những người con đã trưởng thành, tôi muốn được khảo sát tỉ mỉ hơn về vấn đề luyến ái hay sự gắn bó. Trong tự truyện của Marpa (một vị cư sĩ nổi tiếng Tây Tạng vào thế kỷ 10 đến11), Ngài kể rằng Ngài đã khóc khi người con trai của Ngài qua đời. Các đệ tử của Ngài hỏi tại sao Ngài khóc khi tất cả chỉ là một ảo tưởng, thì Ngài đáp 'đó là một ảo tưởng thật buồn'.
Jacqueline: Không luyến ái không có nghĩa là không có cảm giác hoặc kiềm chế và chịu đựng. Chúng ta muốn có thể đương đầu với cuộc sống với một thái độ tích cực. Không luyến ái không có nghĩa là giữ thể diện hoặc phủ nhận, tỉ dụ nhu chế ngự cảm xúc tại các đám tang bằng cách giữ môi trên cứng lại (like bearing up at funerals with a stiff upper lip).
Không luyến ái có nghĩa là hiểu được rằng hóa trình kinh nghiệm tự nhiên của chúng ta là vô thường: sự khởi sanh, ở lại và trôi qua của các cảm giác. Không luyến ái có nghĩa là không bám víu vào các cảm giác. Ðối với trẻ con, đây có nghĩa là không tự hào khi các em ngoan hoặc giỏi và không thất vọng khi các em không nghe lời. Ðấy không có nghĩa là đẩy xa các em ra. Làm mẹ, đối với tôi, có nghĩa là hoàn toàn ở với các em, đầy đủ ngay trong hiện tại, thay vì muốn thay đổi hay điều khiển các em. Việc này tác động sự buông xả một cách tự nhiên. Nếu bạn là bậc cha mẹ và bạn nghĩ rằng: 'tôi từ bi vì tôi là một Phật tử, và tôi sẽ dạy các con tôi để trở thành những người con Phật', thì tôi xin bạn hãy suy nghĩ lại.
Ðóng góp: Một trong những lần rất ít mà tôi đã thực sự sống với giây phút hiện tại là khi đứa con trai của tôi chào đời. Mọi người đều đã nói với tôi trong lúc tôi mang thai rằng con trai tôi có lẽ khi sanh ra sẽ là một người không được bình thường. Chồng tôi, trong lúc đó, đã mang một niềm tin rất vững mạnh và mỗi tối đều tụng câu chú 'Om Mani Padme Hum'. Tôi đã cố gắng bác bỏ con đường tâm linh trong lúc đó và nghĩ rằng việc tụng chú cũng giống như một sự phủ nhận. Sau mười tháng trong bụng mẹ, đứa con trai tôi đã ra đời và tôi cũng đã gặp khó khăn khi sanh cháu ra.
Khi cháu vừa chào đời, cháu chỉ cân nặng năm pounds (khoảng 2.2 kg) và trông rất xanh xao. Cháu trông giống như sắp chết vậy. (He looked dead). Ngay trong giây phút đó, tôi nhận thức được rằng cháu có thể chỉ sống được trong vòng mười phút, và tôi cần phải vượt lên trên sự luyến ái. Tôi phải tạo một khoảng trống an bình cho cháu lúc đó, để cháu có thể đương đầu với cái chết. Tôi đã cảm nhận được sự liên kết giữa chúng tôi và đã không phóng chiếu một cái gì lên cháu. Ðây không phải là việc không khóc hoặc không cảm giác mà là biết nhìn vào sự việc một cách bình thản. Không luyến ái sẽ giúp chúng ta thật sự kinh nghiệm được giây phút hiện tại và cho phép chúng ta bắt gặp một sự thật to lớn hơn (touch a greater truth).
Ðóng góp: Trách nhiệm của những người học hỏi nơi các lời dạy từ kinh điển như chúng ta là gì? Chúng ta chấp nhận tất cả những gì viết ở trong kinh điển hay là có các mức độ phát triển tâm linh khác nhau, những giây phút nghiệm ra/khải huyền (moments of revelation), vượt ra khỏi các giáo điều?
Jacqueline: Chúng ta cần nhớ rằng các giá trị văn hóa ảnh hưởng đến các truyền thống tôn giáo và các bậc Ðạo Sư, ngay cả Ðức Phật. Chúng ta cũng cần thành thật với các giá trị văn hóa của chúng ta nữa. Nhưng sự làm giảm giá trị về vai trò phụ nữ và làm mẹ không phải đã được mang đến từ các nền văn hóa cổ xưa. Sự thờ ơ và bạo tàn (cruelty) đối với phụ nữ và trẻ con cũng được thường thấy trong nền văn hóa Hoa Kỳ. Trong vài nền văn hóa, các phụ nữ chính là những người tiếp tục việc gây ra sự đau đớn đến những phụ nữ khác, thí dụ như tập tục cắt bỏ âm vật.
Không đời sống nào trên thế giới toàn hảo cả và chúng ta sẽ gây ra lỗi lầm nếu chúng ta, một cách không thực tế, áp đặt các điều kiện lý tưởng lên các nền văn hóa khác. Tất cả các nền văn hóa đều có những bóng tối riêng của chúng. Khi Ðức Phật dạy về Tứ Diệu Ðế, về sự có mặt của khổ đau, Ngài đã nói về tất cả chúng ta.
Eko Susan: Ðạo Phật không phải là một mô hình hay một phương pháp độc quyền, nhưng là một con đường dẫn đến sự hiểu biết, lòng từ bi và trí tuệ cao hơn. Dù đôi khi chúng ta trải qua những thời gian đào luyện đầy nghiêm khắc, nhưng mục đích không phải là ngồi trên một đỉnh núi trong hết khoảng đời của chúng ta. Công việc của chúng ta là ở trong thế gian này. Lòng ao ước giúp mọi người là tặng phẩm vĩ đại nhất mà chúng ta có thể trao nhau.
Chúng ta không bao giờ nên đánh giá thấp những thay đổi sâu xa có thể xảy ra qua việc tu tập thân và tâm. Ðời sống độc thân được duy trì trong các giai đoạn huấn luyện nghiêm túc, bởi vì những sự huấn luyện này mang đến sự thay đổi mạnh mẽ trong thân và tâm. Lý do tại sao các phụ nữ không nên mang thai khi họ đang tu luyện một vài loại công phu, đặt biệt là về mật tông, là bởi vì những sự thay đổi trong cơ thể có thể xảy ra quá mau chóng để có thể nuôi dưỡng một mầm sống mới trong người. Lý do chánh trong việc duy trì đời sống độc thân là để bảo tồn các năng lượng khác nhau trong cơ thể. Những phương pháp thiền định khác không đòi hỏi một sự thọ trì như vậy. Thí dụ, một phụ nữ trong khi thực tập thiền Zen tại Tassajara, đã không gặp một trở ngại nào khi mang thai một cặp song sinh.
Chúng ta cần tất cả những kinh nghiệm khác nhau và những mẫu tin tức đều quan trọng, bởi vì các phụ nữ mang thai ngày càng tham dự các khóa tu, và chúng ta hiện không đủ kiến thức để hướng sự chú ý vào việc đó. Chúng ta cần đọc các sách, đàm luận với các thầy/cô và tìm hiểu tất cả những gì chúng ta có thể, để hiểu biết thêm về việc làm mẹ và tu tập.
Tsering: Theo truyền thống Phật giáo Ðại Thừa (Mahayana), vai trò làm mẹ được sùng kính rất cao. Tạo ra một mầm sống cho nhân loại là một hành động được đề cao. Sự đau khổ về sự 'tạo ra' này không được nghĩ là mất phẩm giá. Thay vào đó, chịu đựng sự đau đớn để tạo ra một mầm sống và sinh ra một đời sống quí báu để có cơ hội đạt đến sự giác ngộ, được nghĩ là đức hạnh.
Khi người cháu nội của Chakdud Rinpoche (một vị lạt ma tái sanh) ra đời, người mẹ của cháu đã dự một khóa tu. Rinpoche đã nói với người con dâu rằng: "không có một khóa tu nào hay hơn là việc con nuôi dưỡng đứa trẻ này". Người mẹ và chồng của chị đã tham gia khóa tu với đứa con. Chị vừa thực tập vừa nuôi dưỡng đứa con. Việc nuôi con trong môi trường giáo pháp, với những nguyên tắc Phật Pháp từ thuở nhỏ, là một phương pháp rất đáng được ngưỡng mộ.
Ðóng góp: Yvonne Rand đã từng hỏi: 'Nếu nuôi dưỡng con là một thực tập được tôn sùng, tại sao các tăng sĩ không được khuyến khích làm việc đó?'
Tsering: Có rất nhiều vị làm việc đó đấy chứ. Vị lạt ma tái sanh Chakpud Rinpoche (nay đã hơn 70 tuổi được nhiều tôn kính) đã được nuôi lớn bởi một vị tăng. Có nhiều trẻ em đã được nuôi dưỡng bởi các vị tăng trong tu viện. Thỉnh thoảng những điều các con tôi dạy tôi lại quí báu hơn những gì tôi học được từ các khóa tu. Tôi cố gắng nhắc nhở bản thân mình rằng sự học hỏi, bộc lộ và nhận thức của con tôi cũng chính là sự tỉnh thức của tôi. Tôi muốn cả cuộc đời tôi là một sự tu tập.
Mọi việc đều thay đổi trong lúc một em trẻ trưởng thành. Ðứa con trai tôi sống trong quỹ đạo riêng của cháu. Cháu quay trong quỹ đạo riêng của cháu nhưng luôn trở lại, và mỗi năm quỹ đạo của cháu lại lớn rộng hơn. Chúng ta được huấn luyện để thực hành các thời khóa tu tập hàng ngày, nhưng chúng ta không thiền định được khi một em bé đang khóc, như thế thì làm sao chúng ta có thể thiền định được khi chúng ta trực diện với cái chết?
Khi chúng ta thuần thục hơn trong việc tu tập, dần dần chúng ta sẽ chấm dứt sự phân biệt giữa việc tu thiền và đời sống thực thụ hàng ngày. Cuối cùng, chúng ta sẽ nghiệm ra rằng không có sự khác biệt giữa hai sự việc, thiền tập và đời sống. Không có ai bị gạt ra khỏi phòng thiêng liêng (shrine room) của chúng ta, bao gồm cả thú vật.
Eko Susan: Các trẻ em hiểu giáo Pháp qua trực giác của các em và không đưa ra những xét đoán giá trị (value judgements) nào hết. Các em chỉ ngắm nhìn. Trong truyền thống Shingon, chúng tôi dùng các pháp có hình tượng và màu sắc, âm thanh và tất cả mọi vật để dạy các em.
Có một lần nọ ở Vermont, có một vị Thầy dựng lên và đã trang hoàng một bàn thờ theo nghi lễ. Thầy đã rất bận rộn thi hành những nghi lễ, phát ra những cử chỉ và những đặc ân khác nhau. Trước mặt Thầy, cùng ngồi với mẹ em, là một em gái bốn tuổi nhìn rất lớn trước tuổi, giương mắt nhìn và đã thu nhận vào tất cả. Sau khi buổi lễ chấm dứt, chúng tôi tạm nghĩ và đến một phòng khác để dùng thức ăn. Bất thình lình, chúng tôi nghe một giọng nho nhỏ đang tụng kinh. Khi chúng tôi nhìn vào trong phòng, cô gái nhỏ đã ngồi sau bàn thờ, tự phát ra những cử chỉ, tự tụng chú của riêng em và phát ra những đặc ân với một cây nhỏ. Sự việc thật rõ ràng rằng em trẻ này đã hiểu biết về tất cả qua trực giác, và như thế chúng tôi yêu cầu em dạy cho chúng tôi. Chúng tôi ngồi xuống như là những học sinh của em và em đã vui như là một clam (?). Chúng ta có thể học những bài học rất có ý nghĩa từ trẻ con.
Michelle: Trong mười hai năm qua, tôi đã dự nhiều khóa tu nhưng chưa từng thấy một trẻ con nào trong khóa tu cả. Các khóa tu đã được tổ chức theo lối tu tập trong tu viện, hoàn toàn trong sự im lặng. Chỉ vài năm trước đây, vì có ý thích học cách tu thiền của Thầy Nhất Hạnh, tôi đã tham dự khóa tu đầu tiên của tôi với Thầy. Khi tôi đến nơi, tôi đã kinh ngạc và sửng sốt khi thấy có rất nhiều trẻ em đang chạy giỡn chung quanh. Tôi nghĩ: 'Không xong rồi. Cái gì đây? Làm sao chúng ta có thể thiền định được?' Nhưng Thầy Nhất Hạnh hoàn toàn không xem trẻ em là một cảnh tượng có thể làm phân tán sự chú ý một chút nào cả. Các em chính là những người quan trọng nhất ở khóa tu. Các em ngồi ở hàng đầu và có thể ngồi bao lâu tùy các em thích. Mười lăm phút đầu tiên của bài pháp thoại cũng là cho các em Ốvề sự tinh túy của Ðạo Phật mà ngay cả một trẻ con cũng có thể hiểu được.
Kế đến vào buổi trưa thì chúng tôi có buổi trà thiền, và các trẻ em là những vị chủ lễ của buổi thiền này. Thay vì chỉ là những người đứng hoặc ngồi nhìn, các em đã đứng chào các vị thiền sinh lớn tuổi hơn ở các cửa, đưa họ đến ghế ngồi và mời ăn bánh và quít. Cũng có một buổi trưa khác mà chúng tôi đã chia xẻ với các em nhỏ, chúng tôi đã hát, ngâm cho nhau nghe những bài thơ, kể chuyện hoặc chia xẻ những sự thấu hiểu sâu sắc với nhau. Những câu hỏi của các em đặt ra hoàn toàn đã đánh tan các định kiến của tôi về trẻ con. Sự hâm mộ của tôi đối với các em đã tăng vọt sau khóa tu học. Chúng tôi đã học nhìn thấy trí tuệ trong ánh mắt các em.
Một kinh nghiệm lý thú khác là lần tôi tiếp xúc với Maria, mẹ của em bé đã được nhận ra là vị tái sanh của Lạt Ma Yeshe, một vị Thầy Tây Tạng tuyệt vời đã qua đời vào năm 1984. Lạt Ma Yeshe đã tái sinh trở thành một người con trai của cặp vợ chồng người Tây Ban Nha, từng là học trò của Ngài. Cặp vợ chồng này có một trung tâm thiền ở Grenada.
Tôi nhớ tôi đã gặp lại Lạt Ma Yeshe qua hình hài của một đứa bé hai mươi mốt tháng. Dù Maria là một Phật tử, đạo gốc của chị là Thiên Chúa Giáo và vì thế chị không dùng phương pháp ngừa thai nào cả. Khi chị đã có bốn con, chị xin Lạt Ma Yeshe ban cho chị một đặc ân để chị không có con nữa, thì vị Lạt Ma đã nói rằng: 'Ồ, nhưng mà chị sẽ là một người mẹ tốt.' Chị đã rất buồn khi tạm biệt Ngài, nhưng Ngài đã nhìn chị một cách rất sâu và nói: 'Ðừng buồn việc tôi sắp ra đi. Chúng ta sẽ cùng dự một khóa tu học rất dài với nhau.'
Jacqueline: Chúng ta cần phải mở rộng hai cánh tay của chúng ta ra để có thể ôm hết những sự khác biệt về các phương pháp mà chúng ta thực tập, trong vai trò người phụ nữ và con người, đến từ những nguồn gốc, truyền thống và kinh nghiệm khác nhau. Chúng ta cần chọn mảnh đất mà giàu chất dinh dưỡng đối với chúng ta nhất.
Ðối với một số người, hoàn cảnh tu viện là môi trường mang nhiều lợi lạc nhất. Ðối với một số người khác thì con đường của họ là có con và đem mầm sống vào đời sống. Chúng ta cần rất du di, quân bình và hòa hợp với tất cả đời sống trong vũ trụ này. Mang một tinh thần chân thật và bao gồm hết tất cả, chúng ta có thể xua tan mọi xét đoán giá trị tầm thường vì chính chúng đã đẩy bánh xe luân hồi về phía trước. Chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ bởi sự đa dạng của chúng ta.
Khi một người Phật tử nữ có con, câu hỏi sâu sắc không nên là: 'bây giờ chị đã trở thành một người mẹ, chị còn tập thiền không?'. Thay vào đó, một câu hỏi khác tế nhị và tử tế hơn nên là 'bây giờ chị đã trở thành một người mẹ, tôi có thể giúp chị việc gì chăng để chị có thể tập thiền?'.
Diệu Anh Quỳnh-Trâm chuyển dịch
(Dịch theo Chương 4 'Mothering and Meditation' trong quyển 'Buddhism Through American Women's Eyes', chủ bút Karma Lekshe Tsomo, in năm 1995, Snow Lion Publications.)