BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with
Unicode Times font
Trong nếp sống tình cảm đầy đạo đức của con người Ðông phương, đặc biệt là Việt Nam và Trung Hoa; nếu nhắc nhở đến một thứ Ân sâu, Nghĩa nặng, cao cả, bao la, thì đó là Ân Nghĩa Sanh Thành. Ca dao, tục ngữ thường nhắc nhở:Ðã làm người ở trong trời đất,
Ai là không Cha Mẹ sanh thành.
Có Cha Mẹ, mới có mình,
Ở sao trọn hiếu, trọn tình làm con.Trong một xã hội trãi qua quá nhiều tang tóc, đau thương như Việt Nam chúng ta, khi bao nhiêu đứa con yêu tổ quốc ra đi vì hoàn cảnh, xa lìa đấng Sanh thành, thì thấy sự mất mác và trống vắng trong tâm khảm của chúng ta vô cùng to lớn như trời đất, biển cả. Ðó là một thứ Ân đức đầy tha thiết và đậm đà làm sao. Bởi vì:
Công Cha như núi Thái sơn,
Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ Mẹ, kính Cha,
Cho tròn chữ Hiếu, mới là đạo con.Và cứ thế, tình yêu thương của Cha mẹ cứ lớn dần lên mãi khi Người (cha mẹ) đã chịu trăm đắng nghìn cay để tạo ra chúng ta và lo cho chúng ta nên người. Ân đức ấy cứ tỏa ra và tỏa ra mãi cho đến khi Người buông xả, nhắm mắt vĩnh viễn để xa hẵn chúng ta.
Tình sâu nghĩa nặng dường ấy, thử hỏi: Chúng ta đã báo đáp được những gì? Hay chỉ là: những lời khóc mướn thương vay, chúng ta nuôi Cha mẹ tính ngày tính tháng?
Hay chỉ là: thuộc vào những phường vô ơn, bạc nghĩa? Những kẻ chỉ biết đam mê vào mồi vinh hoa phú quý, bã lợi danh, để đánh mất hết nhân tính của chính chúng ta?
Và, cho dù lòng người có đảo điên, điên đảo đến mức độ nào chăng nữa, Ân đức Sanh thành vẫn một mực khoang dung độ lượng như hải hà. Ân đức của đấng sanh thành mà ngàn đời ấy, chỉ biết đem hết sức lực, và máu huyết của mình để nuôi dưỡng đàn con mà không một lời than thở và không bao giờ nghĩa đến chuyện đáp đền.
Vì vậy, thân phận của chúng ta hôm nay, dù ở đâu trên quả địa cầu nầy, đặc biệt là con dân nước Việt xa xứ, tạm dung nơi xứ lạ quê người, thì Ân sâu Nghĩa nặng ấy đã trở thành hai phương trời cách biệt; đó là niềm đau xót tận tâm can của chúng ta. Trong nỗi đảo điên của vận nước, trong lối điêu ngoa của thế thái nhân tình, thì hình ảnh sanh thành dưỡng dục lại hiện về như đôi bàn tay hòa ái, như nụ cười đôn hậu, khoan dung.
Ôi! Cao cả làm sao! Cả một bầu trời thánh thiện đang che chở cho chúng ta. Dù cho non nước đổi dời, dù biển cạn núi mòn, nhưng, Ân nghĩa sanh thành vẫn muôn đời bất diệt. Dù xuất gia hay tại gia cũng đều là Phật tử cả. Bởi vì Phật tử tức là: "Tùng Phật khẩu sanh, tùng Pháp hóa sanh, đắc Pháp phần Phật, cố danh Phật tử", đúng mức, thì phải là người con chí hiếu rồi; có nghĩa là không thể và không bao giờ quên hay làm ngơ đi cái ân thiêng liêng mà cha mẹ, ông bà tổ tiên đã tạo dựng cho chúng ta thành thân, nên người.
Trong kinh Vu lan, đức Phật răn dạy cho hàng đệ tử của ngài phải: "...đền đáp ân đức sanh thành dưỡng dục...", Phật pháp cảnh giác rằng thân người khó được mà dễ mất. Khó được mà được là nhờ có Cha mẹ sanh ta ra tức là nhờ có ân sanh thành, dễ mất mà còn là nhờ có Cha mẹ nuôi nấng khôn lớn tức là nhờ có ân dưỡng dục.
Cho nên, là Phật tử là con của Phật thì phải biết và vâng lời theo đoạn kinh được rút ra trong Tăng Nhất A Hàm, Ðại tập, tập hai, trang 601 có đoạn nói về ơn Cha, nghĩa Mẹ như sau:
"Có hai việc làm cho hàng phàm phu được đại công đức thành đại quả báo, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, đó là phụng sự cha mẹ được đại công đức, thành đại quả báo khi cúng dường vị Bồ tát chỉ còn một đời nữa là làm Phật. Vì vậy, các thầy Tỳ kheo, hãy luôn luôn nhớ và hiếu thuận với cha mẹ".
"Các thầy Tỳ kheo, có hai người mà các thầy hướng dẫn làm điều thiện đi nữa cũng vẫn chưa trả ơn được, đó là Cha mẹ. Nếu có kẻ vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ đến ngàn vạn năm, cung phụng đủ cả đồ ăn, đồ mặc, đồ nằm và thuốc thang, để cha mẹ tiểu tiện đại tiện ngay trên vai mình đi nữa, cũng chưa trả hết ơn cha mẹ. Các thầy phải hiểu rằng ơn cha mẹ nặng lắm, bồng bế nuôi nấng, dưỡng dục đúng lúc, không để lỡ cơ hội, làm cho ta thấy được nhật nguyệt, vì thế mà biết ơn ấy rất khó trả. Do đó, các thầy phải phụng dưỡng cha mẹ, luôn luôn hiếu thuận cho đúng lúc; không lỡ mất cơ hội.".
Ðoạn kinh nầy, nhân mùa an cư kết hạ, đức Phật trực tiếp răn dạy cho hàng xuất gia. Bởi vì, đức Phật nhận thấy ơn cha, nghĩa mẹ sâu dày như thế, người xuất gia không phải vì nại cớ chỉ lo làm lành lánh dữ, hướng dẫn tu niệm vẫn chưa đủ. Một khi cha mẹ cần đến mình, nếu mình không đáp ứng thì đừng xuất gia còn hơn. Dưới đây là một đoạn nhỏ rút ra từ kinh Trung A Hàm, Ðại tập, tập một, trang 500.
Chính ngài Trí Húc cũng dẫn giải theo lời dạy của Phật được rút ra từ trong Tục tạng, tập 35, trang 154b với ý như: "...Có hai vị Phật sống ở trong nhà các người, đó là Cha và Mẹ...".
Bởi vì theo trong Tục tạng, tập 59, trang 201à, phần kinh Bảo tạng có dạy:
"...Hiếu sự cha mẹ là vua trời Ðế Thích ở trong nhà các người, thực hành Hiếu là chúa trời Ðại Phạm ở trong nhà các người, hiếu tận lực thì đức Thích Ca ở trong nhà các người...".
Và, cũng trong Tục tạng, tập 59, trang 213a, đứng về cửa Giới luật, đức phật dạy: "...Bởi vì ngay giới luật Thanh Văn đi nữa, nếu thấy cha mẹ bị bắt, không cố chuộc ra, là phạm đệ thất tụ..".
Cho nên, là đệ tử Phật dù xuất gia hay tại gia đều phải phụng dưỡng cha mẹ.
Hàng tại gia thì lo làm lụng, phụng dưỡng cha mẹ vật chất có được theo khả năng của mình. Song song với sự phụng dưỡng vật chất, còn phải hướng dẫn cha mẹ theo con đường thiện, tức là hướng về Phật pháp. Hướng dẫn cha mẹ quy y Tam bảo, biết ăn chay niệm Phật, hướng dẫn cho Người (cha mẹ) sống trong chánh pháp...
Hàng xuất gia không những chỉ phụng dưỡng cha mẹ bằng cách hướng dẫn song thân tu niệm theo Phật pháp mà còn phải phụng dưỡng cha mẹ theo như kinh Vu lan Bồn, trong Tạp A hàm, ở Ðại tập, tập hai, trang 22 có đoạn hướng dẫn như sau: "...Như pháp khất thực mà phụng dưỡng cha mẹ, thì phước đức rất lớn...".
Ngày đức Phật còn tại thế, chính ngài đã trực tiếp dạy cho vua Ba Tư Nặc về hiếu hạnh của ngài. Ngài nhấn mạnh cho nhà vua biết qua lời kinh Tăng Nhất A Hàm, trong Ðại tập, tập hai, trang 637 rằng: Chính ngài cũng là thành phần của loài người, cha là Chân Tịnh, mẹ là Ma Gia. Ân đức của cha mẹ vô cùng trọng yếu, nên khi ngài trở về hoàng cung vấn an phụ vương cũng như dẫn dắt phụ vương và hoàng thân quốc thích tại Ca Tỳ La Vệ theo chánh pháp. Khi ngài về gần đến kinh đô, ngài nghĩ: Ân cha mẹ rất nặng, tình dưỡng dục cao dày, ngài không thể để cho phụ hoàng nghênh tiếp; gần giáp mặt, mà ngài phải phi thân lên bảy bước. Theo ý của ngài Tông Mật, là đức Phật không để cho phụ vương lạy trực tiếp với đức Phật.
Tương truyền rằng: Khi đức Phật và Tăng đoàn theo đức Phật về thăm phụ vương và hoàng cung, đức Phật cho Tăng đoàn đi trước. Phái đoàn vừa vào hoàng cung thì tất cả quần thần đều ra nghênh đón và đảnh lễ chư Tăng trong đó có phụ vương. Chư Tăng dừng bước trước đền rồng, phụ hoàng ngơ ngác nhìn quanh quất chẳng thấy con của mình (đức Phật) đâu, Tịnh Phạn Vương đang còn phân vân, tức thì đức Phật đã dùng thần thông đứng sau lưng phụ hoàng, với hai tay choàng chặt thân phụ hoàng không cho vua cha chấp tay đưa lên vái đức Phật. Với ý nầy, chúng tay thấy ngay đức Phật đã thể hiện trọn vẹn một người con chí hiếu đối với phụ thân đúng mức.
Ðức Phật nhận ra công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ rất cao thâm, nên trong kinh Tăng Nhất A hàm, Ðại tập, tập hai, trang 749 có nói: Khi đức Phật nhập Niết bàn, ngài vẫn đề cao Phụ Mẫu Lực, mà không xử dụng Thần Túc Lực và Trí Huệ Lực.
Gương hiếu hạnh của ngài đã thể hiện qua hình ảnh ở trong kinh Tăng Nhất A hàm, Ðại tập, tập hai, trang 822 và 823, có đoạn nói như sau:
"...Khi ngài nghiên vai gánh quan tài của kế mẫu là bà Ðại Ái Nhạo Tỳ Kheo, lúc bà nhập diệt. Chính đức Phật đã từ chối sự làm thay của chư Thiên. Ngài dạy: Cha mẹ sanh thành, làm con lợi ích rất nhiều, ân nuôi dưỡng không thể báo đáp. Ngài nghiên vai gánh một góc, ba góc kia ngài bảo các em là tôn giả Nan Ðà, tôn giả An Nan và tôn giả La Vân cùng khiêng đến tận chỗ hỏa táng. Chính ngài đích thân hỏa táng kế mẫu...".
Cùng với việc mà trong Tăng Nhất A Hàm và Tạp A hàm ở trong Ðại tập, tập hai, trang 703 và trang 704, cùng với trong kinh Ðịa Tạng đều ghi đức Phật lên cung trời Ðao lợi thuyết pháp cho thân mẫu nghe.
Ðức Phật dạy: Dù xuất gia hay tại gia, ai có hiếu tức là đã giữ giới. Ngài thường dạy: Hiếu là Giới. Vì, Lục đạo chúng sanh là Cha Mẹ. Chính điều nầy đã chỉ dẫn cho chúng ta thấy: Hiếu hạnh là Luật vậy.
Hàng xuất gia, đức Phật dạy kỷ từng ly từng tí như vậy.
Hàng tại gia đức Phật dạy phải biết phụng dưỡng cha mẹ ngoài vấn đề vật chất, khi hai đấng sanh thành còn tại thế. Khi cha mẹ và ông bà tổ tiên đã khuất bóng cùng với lục thân quyến thuộc thì phải làm sao, một khi mùa Vu lan Báo hiếu lại trở về?
Trước tiên là sắm lễ vật theo khả năng và hạnh nguyện để dâng cúng Thập Phương Chúng Tăng nhân mùa Tự tứ. Trước là nhờ Ân đức của Ðại chúng sau ba tháng an cư kết hạ để chú nguyện. Nhờ oai lực của Tăng chúng mà sự cúng dường của chúng ta có được phước báo vô cùng. Trong kinh Vu Lan Bồn có dạy rằng:
"... Ai được hiến cúng liệt vị Thánh Tăng tự tứ như vậy, thì cả cha mẹ cùng với bà con, được tiêu trừ các thống khổ ở trong ba đường dữ, tức thời giải thoát, cơm áo tự nhiên. Cha mẹ hiện tại thì được hạnh phúc, sống lâu trăm tuổi, cha mẹ bảy đời thì được sanh lên chư thiên, tự tại hóa sanh vào trong thiên giới, phước lạc vô cùng."
Chúng ta cúng Phật, chư Tăng chú nguyện, cha mẹ hiện tại cũng như nhiều đời đều được phước lạc vô biên.
Tóm lại, Phật tử là người con chí hiếu. Như trên đã nói: Cái đức Từ Hiếu nghĩa là Từ là Hiếu. Phật giáo quan niệm tất cả chúng sanh trong lục đạo thay phiên nhau làm cha, làm mẹ, làm anh, làm em và làm vợ, làm chồng, làm thân bằng quyến thuộc của nhau. Ðiều nầy trong kinh Duyên mệnh Ðịa tạng Bồ tát có đoạn nói: "...chuyển hồi lục thú, sanh sanh phụ mẫu, thế thế huynh đệ...". Nghĩa là: Quanh quẩn lục thú, kiếp kiếp làm cha mẹ lẫn nhau, đời đời làm anh em quyến thuộc...
Như vậy, chắc chắn rằng theo nghiệp dẫn thì có người lên, kẻ xuống; do đó, chúng ta phải cầu nguyện. Không phải chỉ có cầu nguyện trong mùa Vu lan, mà phải thường cầu nguyện cho đều.
Mặc dầu trong kinh chỉ dạy là thoát nạn đau khổ trong ngạ quỹ là do vì hình ảnh mẹ của ngài Mục Kiền Liên đã làm Ngạ quỹ. Thật ra, cha mẹ, thân bằng, lục thân quyến thuộc của chúng ta sẽ bị đọa khắp cả trong ba đường dữ chứ không riêng gì cảnh ngạ quỹ.
Trong kinh Tăng Nhất A Hàm, Ðại tập, tập hai, trang 600, đức Phật đã dạy:
"... Ai biết trả ơn thì người ấy đáng kính. Người ấy ơn nhỏ còn không quên huống chi ơn lớn. Người ấy dẫu ở cách ta ngàn dặm hay trăm ngàn dặm mà vẫn không xa ta. Vì lẽ, các thầy Tỳ kheo, ta luôn luôn ca tụng người biết trả ơn. Kẻ nào không biết trả ơn thì ơn lớn cũng quên, huống chi ơn nhỏ. Kẻ ấy sẽ không gần ta, ta không gần kẻ ấy. Kẻ ấy dù mặc pháp y và ở ngay bên trái hay bên phải của ta đi nữa, cũng vẫn xa ta...".
Những lời dạy thống thiết của đức Phật đối với hàng đệ tử của ngài, cho dù cha mẹ không nghèo khổ, chúng ta cũng phải có bổn phận lo nghĩ đến ân đức sanh thành, huống nữa cha mẹ đang cơn nghèo đói. Hàng Phật tử phải đúng pháp mà cúng dường và phụng dưỡng. Người cúng dường có phước báo mà người thọ vật thực cũng được an lạc.
Người học Phật muốn có một đời sống mà phẩm hạnh được cao khiết tức là phải biết đền trả bốn ân nặng (tứ trọng ân). Ðó là ân Tam bảo, ân cha mẹ, ân quốc gia xã hội và ân chúng sanh. Hàng Phật tử nói riêng và con người nói chung mà không biết, không nghĩ tới bốn ân nầy thì không còn là Phật tử, không còn là con người nữa; cũng từ đó, cộng đồng xã hội cũng khó phát triển được trong sự tin yêu và hỗ trợ cho nhau. Là con người sống trong cộng đồng xã hội mà vong ân, bội nghĩa thì chẳng khác nào chúng ta là một loài thú sống nơi hoang dã, cắn xé nhau, ăn thịt nhau. Con người sống để tìm những kiến thức mưu hại lẫn nhau, đề lừa đão với nhau thì chẳng khác nào như hoàn cảnh kiến ăn cá và cá ăn kiến; nghĩa là chỉ chờ cơ hội sa chân thất thế là làm hại lẫn nhau, chẳng đem lợi lạc gì cho ai. Ðối với hạng người nầy, người đời có thơ rằng:
Những người bất hiếu tử,
Nhung nhúc sống bằng thừa,
Không nghĩ ơn cha mẹ,
Khác nào trùng, cây khô...Ðể tránh sự gieo rắc khổ hãi cho nhau, con người phải có một tâm niệm biết ơn; nhất là đệ tử Phật. Làm sao chúng ta xem người bên cạnh mình là một người bạn tốt, hiền lành và đôn hậu được trong khi họ lại là kẻ bất hiếu, bất mục với hai đấng sanh thành của họ. Cha mẹ đã không thương tưởng, không biết chăm sóc, cung phụng thì còn nói gì về vấn đề phụng sự quốc gia dân tộc, phục vụ đồng bào xứ sở. Cái ân lớn nhất và gần nhất là cha mẹ mà đã không đáp đền thì trong xã hội sẽ không bao giờ có chuyện hy sinh cho người, hy sinh cho đại cuộc, hy sinh cho từ thiện với tinh thần vô vị lợi.
Muốn yêu ai, muốn thương nước nhớ nòi, muốn nói đến cội nguồn, muốn nói đến tình đồng bào, nghĩa dân tộc thì không ngoài mấy chữ hiếu đễ, hiếu hạnh,... phải thuộc nằm lòng. Thiếu những cái đó, bản thân không ra gì, gia đình sẽ bất ổn, đất nước sẽ đau thương, khổ lụy, nhân loại mất đi hạnh phúc của cuộc sống.
Xã hội an bình là nhờ con người biết nhớ ơn. Từ đó bông hoa ái quốc sẽ nở rộ, hoa từ bi sẽ ngát hương; thế giới hòa bình, hùng mạnh là nhờ ở lòng người biết thương yêu nhau, biết nhớ ơn nhau chứ không phải là nhờ sức mạnh vũ khí tối tân. Cho dù một dân tộc nào đó có yếu kém về canh tân khoa học chăng nữa, nhưng biết giữ gìn nếp sống đạo đức, thuần lương thì quốc gia ấy vẫn hòa bình và an lạc như thường.
Kẻ nào không biết ơn đều thuộc loại bất hiếu. Ðã bất hiếu rồi thì bất trung, bất nghĩa, bất nhơn, vô liêm sỉ và suốt đời sẽ đem lại nỗi bất hạnh cho cha mẹ, cho thân bằng quyến thuộc và cho cả nhân loại nữa.
Ðể kết thúc bài nầy, chúng tôi xin nhắc lại một lần nữa là: Ngày Vu lan là ngày Báo hiếu, là ngày đề cao: Hiếu là Giới. Ngài Trí Húc đã dẫn giải rõ ràng theo kinh Ma Ý, cho thấy đức Phật dạy, được rút ra từ Tục tạng, tập 35, trang 252b như sau: "Giữ Giới chính là để hiếu thuận báo ơn cha mẹ".
Ngay trong Bồ tát Giới kinh cũng đã dạy rõ: "Quả báo của tội phá giới nặng nhất, đến nỗi trong hai hay ba kiếp không còn nghe được danh từ Cha Mẹ hay Tam Bảo.".
Con người bất hiếu thì luôn luôn ở trong ba đường dữ: địa ngục, ngạ quỹ và súc sanh. Chúng ta có cha mẹ, chúng ta phải làm gì khi song thân còn tại thế hay đã qua đời. Hiếu thuận, biết ơn cha mẹ tức là giữ giới. Ðã giữ giới tức là hiếu sanh chứ không hiếu sát. Ðó là đệ tử Phật.
Thượng tọa Thích Tín Nghĩa