BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with
Unicode Times font
Trong đời sống mỗi vật đều tương quan để tồn tại. Cái này tác động cái kia, cái kia tác động cái nọ, cái này có, cái kia có, cái này sinh, cái kia sinh và ngược lại. Cho dù vật đó có nhỏ như hạt bụi hay lớn như quả địa cầu cũng đều do nhân duyên sinh mà ra. Sự biến chuyển thay đổi, hấp thụ, phát sinh là điều kiện để thích nghi với môi trường của riêng từng vật. Ta còn thấy rõ hơn ở luật nhân quả, thí dụ có khói là do lửa, không lửa thì không khói; lửa phát sinh là do sự cọ xát của hai vật rắn chắc tạo thành... Trồng cam được quả cam, trồng xoài được quả xoài...
Trong sinh hoạt xã hội, thoạt nhìn vào ta thấy thật phức tạp không thể kiểm soát được, nào là nhà cửa, xe chạy, tàu bay... cho đến sinh hoạt của từng người, nhưng thật ra tất cả đều được đặt vào một vị trí nhất định. Vật nào cũng có chủ, xe chạy phải có luật và người ta ai ai cũng có bổn phận riêng biệt. Giả dụ nếu một người nào đó hành động bất lương không hợp pháp, thì không sớm muộn gì, cũng bị đưa ra ánh sáng, cho dù đương sự có trốn chạy đến đâu. Trường hợp đương sự quá tinh vi, xảo quyệt qua mặt cả luật pháp, lại không ai có thể bắt tội, chừng ấy tòa án lương tâm sẽ là nơi cuối cùng để hành tội hắn.
Từ cái nhìn vào sự việc hỗ tương này, giúp ta cãi hóa được thân tâm, tìm hiểu được sự liên hệ mật thiết giữa người người, vật vật với nhau. Lấy thêm một hình ảnh như một học sinh cắp sách đến trường phải hội đủ biết bao là nhân duyên. Trước tiên là gia đình của cậu dẫn dắt cậu đến trường. Xã hội nơi cậu ở tạo điều kiện trường lớp. Sách vở, Thầy cô giảng dạy và quan trọng hơn hết là những phương tiện giúp nuôi cậu ăn uống đầy đủ để đến trường, mà việc nuôi thân này lại liên quan đến biết bao người khác.
Một cậu bé được gọi là học sinh đơn giản như vậy, lại đòi hỏi nhiều hoàn cảnh, điều kiện như thế, thì nhìn xem bao sự việc đã hình thành chung quanh ta đã phải trải qua biết bao điều kiện. Do đó ta nhận ra bản thân của chúng ta hiện thời đã chịu ảnh hưởng rất nhiều trong hoàn cảnh sống. Ðồng thời cũng thấy rằng sự có mặt và tồn tại của chúng ta là một nhân duyên chằng chịt to lớn trong cái liên hệ tương quan tiếp nối nhau. Nhìn xa hơn nữa cả thế giới, vũ trụ vẫn không ra ngoài luật nhân duyên sanh mà có.
Hiểu được điều này, tâm hồn ta sẽ trở nên rộng rãi, độ lượng, nhìn người, nhìn vật đâu đâu cũng là sự dung hòa tươi mát. Thấy người thân, kẻ lạ đều chung mang một tâm hồn, một linh tánh, một thân xác vật chất. Tâm hồn mỗi người cho dù khác biệt thế nào, nhưng rồi cũng sẽ sớm muộn khát khao muốn trở về trạng thái tỉnh lặng, yên vui. Hình hài thể xác có sai khác ra sao, rồi cũng có ngày tan rã.
Rồi đến cây cỏ, bông hoa cũng đều chung hưởng sự sống trong vũ trụ, trời đất như ta. Ta lại thấy những hình ảnh mây nước, sống hồn, núi non, biển cả, toàn cảnh là vạn sự sống linh động. Tất cả đều tô đẹp và mang sức sống cho muôn loài. Biết thế ta sẽ thưởng thức được cái đẹp hiểu biết và sự thương yêu chân thật. Bao điều xinh đẹp, nhiệm mầu ấy chúng ta cần phải nuôi dưỡng và thụ hưởng, hầu tạo cho mình một ý sống đẹp, một hành động thiện phù hợp với tinh thần Chân -Thiện-Mỹ mà chúng ta may mắn có được.
Tóm lại nhận chân ra sự tương quan trong cuộc sống, giúp ta dễ hòa mình vào mọi hoàn cảnh, để có thể chuyển hóa được những gì thô xấu thành những hương hoa tươi đẹp trong suốt kiếp sống làm người.
Vu Lan 1995
Thích Phổ Huân
Chùa Pháp Bảo,
Sydney, Australia