BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with
Unicode Times font
Cứ mỗi năm Vu Lan về lòng người con Phật lại rộn ràng, xao xuyến. Vu Lan là ngày kỹ niệm lớn nhắc về tình Mẹ qua tích chuyện xưa có thật của Ngài Mục Kiền Liên. Người con đại từ, đại hiếu đó đã cứu Mẹ ra khỏi ách khổ trầm luân trong địa ngục A Tỳ.
Lòng hiếu thảo của Ngài đã được nhắc nhở, truyền tụng cách đây hơn hai ngàn năm trăm năm, mà bây giờ vẫn còn mãi, và có lẽ sẽ mãi mãi mà thôi. Bởi hình ảnh hiếu hạnh cao đẹp như vậy, nên người Phật tử nào cũng đều ít nhiều nghĩ về Vu Lan trong mùa tháng bảy. Và hễ nghĩ về Vu Lan hẳn phải nghĩ về Mẹ. Nghĩ về Mẹ để được uống lại mật ngọt tình thương; nghĩ về Mẹ để được no đầy dòng sữa thương cảm.
Em bé, trẻ nhỏ thương Mẹ, yêu Mẹ đã đành, mà người lớn, trưởng thành cũng thương Mẹ không kém em bé. Em nhỏ thương Mẹ để được gần Mẹ đòi quà, đòi bánh. Người lớn thương Mẹ, gần Mẹ để được ngắm, được nhìn. Tình thương của em nhỏ bộc lộ rõ ràng. Tình thương của người lớn đối với Mẹ thì âm thầm, sâu kín. Em nhỏ giận Mẹ thì khóc. Người lớn giận Mẹ bỏ đi. Nhưng em nhỏ sẽ không khóc mãi và người lớn cũng phải quay về thăm Mẹ.
Tình Mẹ là một thứ tình thương thật bình thường, mộc mạc không khó hiểu, sâu xa, khúc mắc. Vì tất cả mọi người ai cũng có Mẹ. Ai cũng thấy Mẹ mỗi ngày có gì đâu là lạ. Nhưng có một điều không phải bình thường dễ hiểu là mỗi người chỉ có mỗi một Mẹ mà thôi ! Nếu chẳng may có gì xãy ra với Mẹ, thì không ai có thể thay thế cho Mẹ được, cho dù có đi hết cả vòng trái đất để tìm.
Do vậy tình thương Mẹ nghe thật đơn sơ nhưng không đơn sơ, nghe thật bình thường nhưng không bình thường, mà phải nói tình thương về Mẹ là huyền diệu, cao cả nhất trên thế gian nầy.
Trong Kinh Tương Ưng Bộ, đức Phật có nhắc nhở, dạy cho các vị Tỳ Kheo về công lao to lớn của Mẹ, ví qua những hình ảnh không thể nghĩ bàn: "Này các Tỳ Kheo, sữa Mẹ mà các thầy đã uống trong suốt quá trình cuộc sống luân hồi nhiều hơn nước trong đại dương".(1)
Nghe qua lời dạy của đức Phật, có thể nói không bút mực nào tả được hết tình Mẹ.
Ðã biết về Mẹ, nhưng còn tình Cha thì sao? Tình Cha cũng lại vô cùng. Có ai mất Cha mà đã không buồn khóc chăng? Có ai đã dằn được xúc động khi bất chợt thoáng nhìn nét nhăn lo lắng hằn trên mặt của Cha vì buồn lo cho vợ con chăng? Và có ai lại không sung sướng khi được Cha xoa đầu thương nựng chăng?
"Công Cha như núi Thái Sơn, nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chãy ra ..."
Vậy thì tình Mẹ càng sâu thì tình Cha càng rộng. Nhắc đến hai đấng sanh thành đức Phật lại dạy thêm, theo Kinh Tăng Chi:
"Này các Tỳ Kheo, Như Lai nói có hai hạng người khó thể trả ơn được là Mẹ và Cha. Này các Tỳ Kheo nếu để Cha Mẹ trên đôi vai suốt cả năm, đấm bóp, thoa xức, tắm rữa và dù Cha Mẹ có phóng uế trên người cũng không nhòm gớm, làm như vậy cũng chưa gọi là đền ơn tròn đủ..."(2)
Thế thì còn hạnh phúc nào hơn khi được cả Cha Mẹ còn sống trên cõi đời!
Vu Lan trong ý nghĩa hiếu hạnh trọn vẹn không riêng nhắc về Mẹ, mà còn có Cha bên cạnh nữa. Cầu chúc tất cả mọi người may mắn còn Cha Mẹ, cũng như những ai sớm vắng Cha Mẹ sẽ luôn luôn nhận hưởng dòng suối tình thương ngọt dịu trong ngày Ðại Lễ Vu Lan.
-oOo-
(1) Trích lại từ sách Tình Mẹ của Hòa Thượng Hộ Giác, Học viện Buddhadhama xb, trang 82
(2) Tình Mẹ của Hòa Thượng Hộ Giác, Học viện Buddhadhama xb, tr 83Vu Lan 1997
Thích Phổ Huân
Chùa Pháp Bảo,
Sydney, Australia