BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times
font
Giải thoát
Thích Phổ Huân
Ðời sống con người luôn nằm trong sự trói buộc. Sự trói buộc quây quần khó có thể tháo gỡ ra được. Nếu hiểu theo nghĩa trói buộc là liên hệ, tương quan xây dựng để tồn tại, thì nghĩa này là nghĩa đẹp hướng đến sự tạo dựng sống còn. Nhưng hiểu theo nghĩa của nhân duyên, duyên sanh trong đạo Phật thì đây là một vòng tròn trong sanh tử, mang tính chất phiền não khổ đau. Cái nhìn theo nhân duyên sinh tử ở đây là một sự thật, không liên hệ đến nghĩa bi quan hay lạc quan. Bởi vì đã có bốn chân lý - Tứ Diệu Ðế (*) - chứng minh rồi. Tuy nhiên cũng từ bốn chân lý này vòng trói buộc cũa đời sống có thể phá vỡ. Hiểu một cách gẩy gọn của phá vỡ vòng sanh tử là tháo gỡ hay mở trói. Tháo gỡ nói theo nghĩa tôn giáo là giải thoát. Nhưng quan niệm giải thoát của mỗi tôn giáo có thể khác nhau. Với đạo Phật giải thoát không có nghĩa là giải thoát ở đây để đến chỗ kia, giải thoát cõi người về cõi trời, giải thoát cõi trời về cõi Bồ Tát v.v. Mà giải thoát ở nghĩa rốt ráo theo nhà Phật là không có gì để giải thoát, nghĩa là giải thoát luôn cả ý niệm muốn giải thoát. Vì còn nghĩ đến cảnh đây cảnh kia, là còn sự ham thích với các cảnh đó, mà còn ham thích là còn ràng buộc, vậy thì vẫn còn trói buộc. Hiểu như vậy mới thấy Giải Thoát của nhà Phật là siêu việt và người hành được như thế mới thật là Bồ Tát.
Bây giờ thử tìm hiểu giải thoát thực tế của người sơ cơ học Phật như đa số chúng ta ngày nay trong thời mạt pháp.
Nói đến giải thoát là nói đến sự có mặt của trói buộc, phiền não v.v. Vì không có phiền não con người đâu có lo việc trừ khữ, tiêu diệt. Và như thế không cần gì giải thoát.
Như vậy trong đời sống con người quả có nhiều trói buộc, cho nên ta mới muốn tháo gỡ. Sự trói buộc trong thân tộc họ hàng trong tình thương cha mẹ, trong tình cảm anh chị em và đậm đà nhất trong tình yêu chồng vợ. Những tình yêu thương này đã trói buộc chúng ta từ vô thỉ kiếp và sẽ còn mãi mãi nếu ta không tìm cách tháo gỡ.
Ngày Phật còn tại thế, Phật cũng đã dạy các đệ tử của Ngài một cách cụ thể rõ ràng sự trói buộc này nhân trong chuyến du hành hoằng pháp. Trên đường đi hôm đó, một cảnh tượng tội hình xãy ra trước mắt Ngài và đệ tử. Một vị đệ tử thưa: "-- Bạch Thế Tôn, hãy trông kìa một người thật đáng thương hại đang bị nhiều dây xích trói buộc trong người...". Phật dạy: "-- Người ấy cũng chẳng gọi là đáng thương lắm và sự trói buộc kia cũng chẳng gì ghê gớm nếu so với sự trói buộc thương yêu của cảnh vợ chồng....với nhau. (lược trích trong tạp chí Từ Quang, trước 1975)".
Lời Phật dạy ở đây không có nghĩa phải tuyệt dứt mọi yêu thương, mà có nghĩa phải thăng hoa sự yêu thương. Vì tình thương yêu chân thật tự nó không phải là trói buộc, nhưng bởi chúng ta đã không thể biến tình thương đó được cao đẹp hơn và vượt lên cái yêu thương vị kỷ, hạn hẹp trong cái tự ngã hẹp hòi, nên nó đã trở thành thấp kém và ràng buộc. Ðiều này được chứng minh trong thời Phật tại thế, các đệ tử tại gia (cư sĩ) của Phật có rất nhiều và các vị này vẫn giữ địa vị của một cư sĩ như vậy đến trọn đời.
Ðó là phần trói buộc đối với ngoại cảnh tác động vào thân tâm. Riêng bản gốc trói buộc bên trong chính là điều đáng tháo gỡ nhất. Nếu tháo gỡ được bên trong này, thì trói buộc ngoại cảnh không còn tác dụng nguy hiểm nữa. Bên trong chính là ba nghiệp Tham, Sân, Si. Khi ba sợi dây độc trong người bị đứt lìa thì con người trở nên nhẹ nhàng thanh thoát.
Người ta không thể nào nhẹ nhàng thoải mái khi còn tham muốn, và không bao giờ được an lạc, ôn hòa khi còn sân hận; lại chắc chắn không bao giờ sáng suốt trước sự cám dỗ dục lạc khi còn say mê. Do vậy giải thoát căn bản là giải thoát Tham, giải thoát Sân, giải thoát Si. Trong ba điều giải thoát đó có một điều đáng lo ngại, nếu không khéo vẫn chưa ra khỏi trói buộc, mà hể đã bị trói buộc, thì đối với cái gì đi nữa cũng là trói buộc. Cũng như bị trói bằng sợi dây xích bằng sắt hay sợi dây xích bằng vàng cũng đều gọi là bị trói cả. Sự lo ngại này là sợi dây Tham. Chúng ta đã cố gắng bỏ đi việc tham điều bất thiện, để thay vào việc tham thiện làm lành, nhưng vì quá tham làm lành, diệt điều ác mà trở thành Tham chấp. Ðể rồi bị trói buộc vào cái Ngã chấp (tự cho có mình làm việc thiện, để từ đó sinh ra phân biệt người khác...), Pháp chấp ( tự cho việc mình làm là đúng, rồi phân biệt việc người khác làm ...). Với tư tưởng, quan niệm như thế hai chữ giải thoát vẫn còn vướng lại, và đã còn vướng lại thì cái gì trói buộc vẫn còn đó.
Như thế giải thoát là sự giải thoát hoàn toàn mà không dính mắc vào đâu. Và người hành đạo giải thoát phải dè dặt tháo gở từng sợi dây một. Trước hết là những sợi dây bên ngoài, bằng cách bớt tạo duyên với ngoại cảnh, nhờ không tạo duyên với ngoại cảnh, gút mắc bên trong mới lõng dần. Bấy giờ mới yên tâm lần dò tháo gỡ bên trong. Khi ba dây độc Tham Sân Si bên trong đã đứt lìa, lúc này mới hoàn toàn an lạc, chừng ấy gặp ngoại cảnh không còn bị trói buộc nữa.
Tóm lại giải thoát là một sự tháo gỡ để được nhẹ nhàng thân tâm. Và sự tháo gỡ này không có nghĩa chối bỏ, dứt trừ tất cả. Vì người giải thoát vẫn có đầy đủ những đối tượng (gia đình và sở hữu vật chất) trong cuộc sống nhưng không còn bị lệ thuộc vào đối tượng nào. Và như vậy nếu người nào sống ngay thời đại này có đầy đủ vật chất, có tình thương tròn đầy mà vẫn không bị nô lệ để bị ba sợi dây (tham, sân, si ) trói buộc thì người đó xem như đang đi trên đường giải thoát.
* Tứ Diệu Ðế: Khổ, Tập (nguyên nhân khổ), Diệt (trạng thái an lạc khi chấm dứt khổ), Ðạo (con đường hướng dẫn diệt khổ -Bát chánh đạo)
Vu Lan 1998
Thích Phổ Huân
Chùa Pháp Bảo,
Sydney, Australia