BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Ðiểm sách:

Ðộng tu trong tuyết - Cuộc đời của Ni sư Tenzin Palmo
(Cave in the snow)

Tâm Diệu


 

Năm 1976 Diane Perry, tức ni sư Tenzin Palmo đã ẩn tu trong một hang động hẻo lánh ở độ cao 13.000 bộ trên rặng núi Hy Mã lạp Sơn, cách biệt với thế giới bên ngoài bởi những rặng núi tuyết phủ. Ni sư đã vào động vào lúc 33 tuổi và rời khỏi nơi đây lúc 45 tuổi; ở đó ni sư đã phải chiến đấu với cái lạnh không thể nào tưởng tượng được, với những thú hoang dã, với sự khan hiếm thực phẩm và tuyết lở. Ni sư đã tự trồng hoa mầu để làm thực phẩm và đã ngủ ngồi trong hộp thiền bằng gỗ có kích thước một mét vuông (three-feet square). Ni sư không bao giờ nằm. Mục tiêu của ni sư là đạt được giác ngộ trong thân xác của một phụ nữ.

Năm 1988 ni sư ra khỏi động tu với quyết tâm xây dựng một tu viện Phật giáo cho phụ nữ muốn đi theo con đường giác ngộ giải thoát của đức Phật tại vùng Bắc Ấn Ðộ. Từ cuộc sống một nhà tu hành với chi phí $80 một năm, ni sư đã trở nên một nhà lạc quyên quán quân trên thế giới, nói chuyện với hàng ngàn dân chúng từ suối nguồn sâu thẳm của tâm hồn ni sư. Dưới đây là cuộc đời và công trình tu tập của ni sư do Vicki Mackenzie kể trong quyển sách "Cave In The Snow" do Bloomsbury London, Anh Quốc xuất bản tháng 10 năm 1998. (Lời người viết)

Diane Perry sinh ngày 30 tháng 6 năm 1943, con gái một người bán cá, đã lớn lên ở khu vực cận Ðông thành phố Luân Ðôn. Từ khi còn trẻ tuổi cô đã bận tâm về những điều mà Thái Tử Tất Ðạt Ða bên Ấn Ðộ (560 TCN) bận tâm, khi Thái Tử ra khỏi cung thành thấy cảnh sanh già bệnh chết. Cô muốn biết, làm thế nào để trở nên một con người toàn hảo, làm thế nào để khám phá ra cái chân thật tự nhiên của mỗi chúng ta (true nature). Cô đã tìm câu trả lời qua các vị giáo sĩ Anh giáo nhưng không được thỏa mãn. Lên 13 tuổi cô cố gắng đọc kinh Thánh Koran, tìm hiểu kinh Thánh Thiên Chúa Giáo, nhưng vẫn không hiểu được mục đích tối hậu của cuộc đời. Lên 15 tuổi cô học yoga và được giới thiệu học Ấn Ðộ giáo (Hinduism). Cô vẫn không thỏa mãn hoàn toàn, vì các tôn giáo này vẫn đặt trên nền tảng nhất thần, tức là có một đấng tạo hóa toàn năng sáng tạo ra muôn loài, ngược lại với cái điều cô tin là không có thượng đế "No God".

Năm 18 tuổi, cô tình cờ đọc một cuốn sách Phật giáo "The Mind Unshaken" khi làm thư ký cho một thư viện địa phương, và đã vô cùng thích thú khi thấy rằng những trang sách đã mô tả những ưu tư của Thái tử Tất Ðạt Ða giống như những câu hỏi hóc búa mà cô đã thắc mắc khi quán sát dân chúng đông đảo chen chúc trên một chiếc xe bus - vấn đề sanh, già, bệnh và tử. Cô đã tìm ra hướng đi cho cuộc đời và nghĩ rằng cái điểm chính của đạo Phật là "không tham dục" (no desire), tức không khát khao, thèm muốn, không mơ ước hay mong cầu bất cứ một thứ gì. Cô bắt đầu cho đi quần áo, không trang điểm và không đi chơi với bạn trai. Ðến tháng 2 năm 1964 cô để dành được 90 Anh kim, đủ cho chuyến đi Ấn Ðộ bằng tầu thủy nên quyết định bỏ việc làm thư ký thư viện, xuống tầu thủy làm một cuộc hành trình về phương Ðông vào lúc cô vừa được 20 tuổi.

Thế là sau một thời kỳ dài tầm sư học đạo từ khi còn ở Anh Quốc, cô đã chính thức xuống tóc thành một nữ tu Phật giáo, mang pháp hiệu Tenzin Palmo và nhập vào tu viện Tashi Jong, một tu viện Phật giáo Tây Tạng, ở phía Bắc Ấn Ðộ. Cô là phụ nữ Tây phương thứ nhì xuống tóc trong hệ thống Phật giáo Tây Tạng, và là phụ nữ duy nhất trong tu viện với hàng trăm nam tu sĩ, và từ nơi đây cô đã nẩy mạnh ý chí quyết tâm phá vỡ định kiến không cho phụ nữ gia nhập vào hàng tăng lữ tìm đường giác ngộ giải thoát trong nhiều thiên niên kỷ đã qua.

Mặc dầu là thành viên của tu viện nhưng vì là phụ nữ, nên cô không được tham gia vào các hoạt động hàng ngày của tu viện, cô được giao nhiệm vụ thư ký cho văn phòng tu viện, làm việc ban ngày và tới tối phải rời tu viện về ngủ một mình tại nhà trọ ngoài phố. Cảm giác ngăn cách và kỳ thị luôn luôn bủa vây trong tâm hồn cô. "Sau này dân chúng hỏi tôi có cảm thấy cô đơn trong khi ở hang động không. Tôi chẳng bao giờ cô đơn cả. Có chăng là khi tôi ở trong tu viện," cô nói vậy. Cái kỳ thị làm cô khó chịu nhất là họ từ chối không dạy cô pháp bí truyền (esoteric teachings) và những nghi thức lễ lạy thiêng liêng (sacred rituals) - pháp cơ bản của Phật giáo Tây Tạng, bao gồm những phương thức hướng dẫn trực tiếp hành giả đến giác ngộ, cái mà cô muốn biết và muốn học hỏi.

Trong những buổi lễ thần bí cô không được tham dự mà chỉ được phép ngồi ở ngoài nhìn vào. Và khi cô yêu cầu cho được học về những kinh mật tạng, họ đã khước từ. Các tu viện Phật giáo Tây Tạng đều như thế, đều là các tu viện dành riêng cho nam giới (exclusively male club). Các nữ tu sĩ người Tây Tạng thường không biết đọc và biết viết, hầu như chỉ làm việc tại nhà bếp để phục dịch cho các nam tu sĩ. Ðiều này cũng dễ hiểu là tại sao không có nữ Ðạt Lai Lạt Ma, không có nữ Sư Trưởng. Lời nguyện cầu chính của người phụ nữ Tây Tạng là muốn tái sinh thành thân nam. "Chính một vị lạt ma cao cấp đã giảng dạy là phụ nữ thì bất tịnh và có cơ thể thấp kém (inferior body)".

Sự đối xử kỳ thị đã thúc đẩy cô tìm hiểu nguyên nhân nào đưa đến sự ghê tởm xác thân phụ nữ. Ðức Phật chưa bao giờ phủ nhận khả năng thành Phật của phụ nữ. Chính Ngài nói là tất cả chúng sinh đều có Phật tánh và sẽ trở thành Phật. Theo Tenzin Palmo thì ý niệm cho rằng phụ nữ là nguy hiểm, là bất tịnh không đúng. Không phải và không do đàn bà tạo ra những vấn đề mà là do tư tưởng ô nhiễm vẩn đục (defilement) của đàn ông. Nếu đàn ông không có lòng thèm muốn và đam mê, thì đàn bà làm sao tạo nên những vấn đề được. "Một lần một vị lạt ma đã chỉ trích tôi có sức cám dỗ (seductive) và tạo nên khó khăn cho ông ta. Tôi đã trả lời ngay vị ấy là "Tôi đã không làm gì ông cả, chính tâm ông đó thôi, " Tenzin Palmo kể như vậy.

Chính trong thời kỳ này ni sư Tenzin Palmo đã đôi lần tự hỏi, liệu có điều huyền bí gì để đưa một người phụ nữ Tây phương, không phải sinh ra trong một gia đình Phật giáo, đến nơi hẻo lánh này. Phải chăng có một sứ mạng nào đó khiến cho cô đến đấy để làm những việc thay đổi hoàn cảnh tu hành cho những nữ tu sĩ Phật giáo như cô?

Do sự đối xử kỳ thị và ước muốn những người nữ tu được thực hành Phật pháp như nam tu sĩ nên cô đã phát thệ nguyện thành Phật trong thân xác phụ nữ dù phải trải qua bao nhiêu kiếp, để có bằng chứng cụ thể.

Giai đoạn tập sự sáu năm đầy thử thách đã trôi qua. Tenzin Palmo quyết định rời tu viện đi Lahoul, một vùng núi ở tận cực Bắc rặng Hy Mã lạp Sơn, sát biên giới Ấn Ðộ-Tây Tạng. Ở đó có một tu viện Phật giáo lập nên bởi một đệ tử tái sanh thứ sáu của Khamtrul Rinpoche. Lúc đó là năm 1970 Tenzin Palmo vừa đúng 27 tuổi, và một hành trình mới của đời cô đang bắt đầu.

Giống như bất cứ một cuộc hành trình tầm đạo nào, đường đến tu viện Tayul ở thung lũng Lahoul thật là khó khăn và nguy hiểm. Nơi đây hoàn toàn cách biệt với thế giới bên ngoài mỗi năm 8 tháng bởi mùa Ðông tuyết phủ. Chỉ có mùa hè ngắn ngủi mà Tenzin Palmo phải tính toán cho chính xác để đến nơi trước khi mùa tuyết bắt đầu rơi.

Ðiểm đến là Tayul, một tòa buiding 300 tuổi làm trú sở cho tu viện, nằm cách thủ phủ Keylong thuộc địa hạt thung lũng Lahoul khoảng vài dặm. Sau sáu năm di động thuê phòng, bây giờ Tenzin Palmo mới được tu viện sở tại trao cho ở nguyên một căn nhà nhỏ làm bằng đá và bùn khô nằm ở phía sau chùa, vì cô không được phép ở chung trong tu viện với các nam và nữ tu sĩ. Tuy thế cô cũng cảm thấy thoải mái khi nghĩ rằng từ nay sẽ có cơ hội ở riêng một mình để tu hành, và mỗi mùa Ðông dài là thời kỳ tốt đẹp nhất để an cư. Nhưng đó là tư tưởng riêng của cô chứ không phải của những người láng giềng. Ở đây có tập quán là vào mùa Ðông, mọi người cùng quây quần bữa ăn chiều lần lượt từng nhà một, rồi chơi đùa và bàn tán về những chuyện không tên trong cộng đồng.

Ðã tưởng là được yên ổn tu hành và an cư mỗi mùa Ðông, nhưng thực tế không diễn ra như vậy, cô vẫn không được sinh hoạt tu hành tại tu viện suốt sáu năm ở đó. Cô chỉ thực hành việc lễ lạy và tọa thiền riêng theo lời sư phụ của cô dạy. Cô rất thất vọng với nếp sống phí phạn thời giờ vào những công việc vui chơi hiếu hỷ hằng ngày như vậy. Mộng ước đầu tiên đã khiến cô dấn thân vào con đường gian nan ở một xứ hoàn toàn xa lạ này là tích cực thanh lọc tâm, để có thể giải thoát khỏi mọi dục vọng tham sân si, càng sớm càng tốt.

Trong suốt mùa Hè và mùa Thu, Tenzin Palmo nghỉ ngơi và làm những công việc sửa soạn cho mùa Ðông kế như lo dự trữ thực phẩm và củi lửa. Theo truyền thống ở đây, trong mùa thu, sau mùa gặt hái là thời kỳ đặc biệt để mọi người đến từng nhà dân chúng nói những lời chúc tụng và cầu nguyện, xong nhận phẩm vật cúng dường mà thường là thực phẩm rau đậu.

Ðời sống như thế kéo dài tới sáu năm. Mỗi năm vào mùa Hè cô cũng trở về tu viện Tashi Jong để thăm viếng và báo cáo lên sư phụ của cô. Trong một dịp về thăm mẹ tại Anh Quốc, trên đường trở lại Lahoul cô ghé thăm một Phật tử hộ đạo tại Thái Lan và vị này cúng dường cô một số tiền để đi Hồng Kông tham dự lễ thọ giới Tỳ kheo ni. Cô không thể chối từ mà phải đi thọ giới, mặc dầu cô cho rằng không có nghĩa gì với cô. Ðược thọ giới Tỳ kheo ni là một vinh dự lớn lao mà các nữ tu Phật giáo mong ước, không một quốc gia Phật giáo nào ngoài Trung Hoa và Việt Nam cho phép người phụ nữ xuất gia được lên cấp Tỳ kheo. Một lần nữa cô đã là người phụ nữ Tây phương đầu tiên thọ giới Tỳ kheo tại Hong Kong.

Khi trở lại Lahoul, cô nghĩ rằng sáu năm tại nơi đây đã quá đủ. "Tôi đến Lahoul để tham thiền nhập định, chứ đâu phải đến đây để cùng tập hợp bạn bè giải trí!" cô nói và quyết định rời bỏ đây, đi tìm một chỗ nào yên tĩnh hơn. Vì thế cô đã leo lên núi cao phía trên tu viện để kiếm chỗ xây một căn nhà nhỏ và đã tìm được một chỗ thích hợp để an cư, nhưng khi trở về tu viện ngỏ ý với các đồng tu, thì họ cho biết không thể xây căn nhà nhỏ trên núi ấy được vì tu viện không có ngân khoản và đề nghị Tenzin Palmo nên kiếm tìm hang động mà ở.

Sáng hôm sau, cùng với vị lạt ma tu viện trưởng và một số tu sĩ, cô đã lên núi trở lại kiếm tìm hang động làm nơi ẩn tu.

Rốt cuộc cô và đoàn tùy tùng đã tìm được một hang động trên núi cao hơn 1000 feet nằm phía trên tu viện Gompa, tức có cao độ tổng cộng là 13.200 feet trên mặt biển. Bề rộng khoảng 10 feet và sâu khoảng 6 feet. Bây giờ là mùa hè, chỉ trên ngọn núi còn tuyết phủ, nhưng tám tháng mùa Ðông sẽ là tuyết phủ dầy đặc xung quanh đây. Cảnh vật thật yên tịnh, điều này rất quan trọng cho cô để tìm sự yên lặng nội tâm.

Vì hang động cheo leo và hiểm trở nên việc ở cũng như việc di chuyển rất nguy hiểm và khó khăn, do đó không một ai dám giúp cô vì làm như vậy sẽ gián tiếp đẩy cô vào cõi chết. Cô bèn xin phép sư phụ cô và được sư phụ cho phép sau một vài tranh luận ngắn ngủi, nên mọi người mới đồng ý giúp cô.

Thế là Tenzin Palmo đã lật đổ được cái gọi là truyền thống phụ nữ không có khả năng thực hiện sự ẩn tu có từ nhiều thế kỷ qua. Ðể thực hiện điều đó, Tenzin Palmo cũng trở nên người phụ nữ Tây Phương đầu tiên theo những bước chân các đạo sĩ vào hang động Tuyết Sơn mưu tìm giác ngộ.

Sau công tác tu bổ thêm để ngăn hơi lạnh và gió thổi bằng gạch và đất bùn, Tenzin Palmo đã đến ở và bắt đầu một lối sống cực kỳ lạ thường. Cô đã 33 tuổi và đây là căn nhà của cô cho đến khi cô 45 tuổi.

Quả thật phải nói rằng, cuộc sống nơi đây cực kỳ khó khăn. Mùa hè tương đối dễ dàng, đi bộ ra suối lấy nước gần đó, mùa Ðông, không ra ngoài hang được, phải nấu tuyết làm nước. Về thực phẩm, cô phải thu xếp để nhận các thực phẩm khô, dầu đốt, dầu ăn, muối đường và củi khô ở dưới núi đem lên vào mỗi mùa Hè. Thêm vào đó trồng trọt thêm hoa mầu ở một cái vườn nhỏ trước động. Cô trồng rau cải và đậu peas nhưng chuột núi ăn mất chỉ chừa cho cô loại cải turnip và khoai tây mà thôi. Cô đã khám phá ra là loại cải turnip này rất tốt và bổ dưỡng. Cô thu hoạch nhiều để phơi khô dành cho mùa Ðông.

Nói về ăn uống, cô cho biết ăn một bữa vào giữa trưa mỗi ngày như truyền thống của các tu sĩ Phật giáo từ xưa đến nay. Cô vẫn ăn chay từ ngày gia nhập vào hàng ngũ tăng lữ Phật giáo. Thực đơn hàng ngày rất đơn giản, có thể nói ngày nào cũng như ngày nào trong suốt 12 năm. Mỗi bữa ăn gồm cơm, đậu lentil và rau cải turnip khô hay tươi, đôi khi thêm khoai tây. Tất cả ba thứ trộn chung vào nồi áp xuất. "Nồi nấu áp suất là món vật dụng xa hoa nhất của tôi. Trên một độ cao hơn 13 ngàn bộ như thế này phải nấu nhiều giờ mới chín đậu lentil được." cô nói. Thức uống hằng ngày là sữa bột pha với trà và ăn tráng miệng bằng bánh trái cây khô hay tươi. "Mỗi ngày tôi ăn nửa trái táo và đôi khi thêm một ít trái mơ khô (dried apricot)."

Mười hai năm ăn uống như thế, không có gì thay đổi, không có những thứ xa xỉ như bánh ngọt, chocolats hay cà rem. "Khi tôi rời hang động xuống núi, dân chúng cười khi thấy tôi ăn uống quá ít ỏi, chỉ một nửa trái táo, nửa miếng bánh mì lát mỏng và một ít mứt." cô nói như thế.

Vào mỗi mùa Ðông đến, thời tiết cực kỳ lạnh, nhiệt độ dưới thung lũng là 35 độ dưới 0 độ, còn ở đây lạnh hơn rất nhiều. Tuyết phủ dầy đặc bao quanh hang động, tuy thế trong hang lại ấm hơn là căn nhà cô ở sáu năm dưới thung lũng, bằng chứng là cốc nước trên bàn thờ ở đây không đông thành đá trong khi ở dưới kia lại đông đá.

Cô chỉ châm lửa một lần vào mỗi trưa để nấu ăn. Ðiều này có nghĩa là khi mặt trời lặn, trong hang hoàn toàn không có một chút hơi ấm, thế mà cô vẫn sống như thường. "Khi bạn thực sự hành thiền, tự nhiên cơ thể bạn phát nhiệt và trở nên ấm áp."

Trong động tu của cô, không có TV, không radio, không máy nghe nhạc, không sách báo tiểu thuyết ngoại trừ kinh sách Phật giáo, ngay cả đến giường nằm êm ái cũng không có nốt. Ðược hỏi tại sao không có giường, cô cho biết không phải vì động tu quá chật hẹp mà chỉ vì cô muốn đơn giản, càng đơn giản chừng nào càng tốt chừng nấy. Cô đã tập ngồi thiền, không cần ngủ, cô nghĩ rằng theo các nhà hiền triết thì ngủ chỉ là phung phí thời gian quý báu. Nếu chúng ta ngủ 8 tiếng mỗi ngày tức là chúng ta mất đi một phần ba quãng đời. Dùng thời gian này vào những việc tu hành để làm lợi cho chúng sinh thì hay biết bao nhiêu. Những thiền giả cho rằng trạng thái yên tịnh và cô quạnh trong hang động là nơi hoàn hảo nhất để thực hành tu tập.
(Cô là người quyết chí tu hành, cho nên những suy nghĩ của cô đều thật là tích cực, tuy nhiên ở trên độ cao 13 ngàn bộ không khí hoàn toàn trong sạch cùng với sự thiền định là một cách để thân và tâm được an nghỉ hoàn toàn. Do đó đã có nhiều thiền sư đã dùng thiền định gần như để thay thế cho sự ngủ nghỉ mà vẫn đủ để hồi phục sức khỏe - Lời người viết)

Sống trong hang động hoàn toàn cách biệt với thế gian là một điều kỳ bí và thích thú đối với cô. "Tôi không bao giờ cảm thấy cô đơn dù chỉ trong một giây phút. Nếu có người đến thăm, lẽ dĩ nhiên vào mùa Hạ, thì tốt, nhưng tôi hoàn toàn hạnh phúc khi không có người nào. Trong hang động tôi cảm thấy hoàn toàn an ổn. Ðó là cảm giác tuyệt vời đối với một phụ nữ. Tôi đã chẳng bao giờ gài khóa cửa. Ðó là điều không cần thiết ở đây".

Phụ nữ thường hay nhút nhát sợ hãi và mất bình tĩnh khi thấy những con thú đi lảng vảng xung quanh. Nhưng Tenzin Palmo chẳng bao giờ sợ bất cứ con thú nào, ngược lại, chúng cũng không sợ hãi cô. Ðó cũng là một khía cạnh không bình thường của người đàn bà không bình thường. Với thú vật, thông thường có sự hấp dẫn lực hỗ tương, nhưng Tenzin Palmo thì hoàn toàn không như thế, cô hoàn toàn vô tư, không dính mắc vào những điều ấy.

Trong suốt 12 năm sống trong hang động Tenzin Palmo cảm thấy rất là yên bình hạnh phúc, tuy rằng cũng có đôi lúc phải đối diện với sự chết vì những trận bão tuyết, tuyết lở và thiếu thực phẩm, chẳng hạn như trận bão tuyết và tuyết lở kinh hoàng vào tháng ba năm 1979 kéo dài liên tục bẩy ngày bẩy đêm làm 200 người dân Lahoul chết. Cô nhớ lại giây phút đó và nói rằng: "trận tuyết đó gần như chôn sống tôi" cô phải sống trong bóng tối vì tuyết phủ kín và vì không dám đốt đèn sợ không còn oxygen thở. Cô đã đối diện với cái chết, "tôi tin chắc là tôi sẽ chết, tuy vậy tôi không cảm thấy sợ hãi. Trong giây phút đó tôi đã kiểm điểm lại cuộc đời, những việc làm tốt và không tốt, nhưng có một điều thật trong sáng là tôi rất hạnh phúc khi nghĩ rằng tôi vẫn còn là một tu sĩ Phật giáo."

Ðó là những gì bên trong và ngoài hang động, thế còn trong tâm của Tenzin Palmo trong suốt 12 năm ở đây thì sao? Cuộc hành trình đi về nội tâm của cô như thế nào và kết quả ra sao? Cô đã chứng ngộ được cái gì? Ðã được tắm mình trong suối nguồn hạnh phúc vô bờ hay trong những ánh sáng vàng rực của bình minh giác ngộ?

Sẽ không một ai biết chắc cái gì mà cô đã kinh qua trong suốt 12 năm ẩn tu, ngoài chính cô. Cô nói: "Thực mà nói, tôi không muốn thảo luận về những điều ấy. Nó như là kinh nghiệm tình dục. Một số người thích nói đến, một số khác thì không. Cá nhân tôi, tôi thấy đó là chuyện riêng tư, chuyện không cần thiết để nói tới."

Khi bị ép hỏi, cô nói thêm: "Lẽ dĩ nhiên khi bạn trải qua quá trình ẩn tu lâu dài bạn sẽ có những kinh nghiệm lớn lao và mãnh liệt khi mà thân của bạn rã ra hay bay bổng lên trời cao. Bạn đạt được trạng thái tỉnh thức kỳ lạ và khả năng trí tuệ sáng ngời." Ðược đề cập đến cái gọi là thấy xa, thấy như trong giấc mơ (vision), Tenzin Palmo nói rằng: "Cái điểm quan trọng không phải là đạt được cái gọi là thấy xa mà là thấy rõ, (realization). Sự thấy rõ phải như thấy trơ trụi hay thấy trần truồng (bare) chứ không phải cái thấy được kèm theo với ánh sáng hay âm thanh. Chúng ta cố gắng nhìn sự vật như thực (to see things as they really are). Cái nhìn như thực không phải là sản phẩm của tiến trình suy tưởng hay xúc cảm."
(Trong đạo Phật: "thấy được sự thật đúng như nó là" là mục tiêu chính của người tu. Ðiều này chỉ những người tu hành khi đạt được tới mức độ tâm thức thanh tịnh nào đó mới thấy được (kiến tánh). Tuy nhiên trong quá trình tu hành, tâm càng thanh tịnh thì tự ngã tham sân si càng giảm bớt. Cho nên mới ví như lột vỏ củ hành. Ðến khi hoàn toàn giác ngộ như Ðức Phật và các thiền sư kiến tánh thì ngay trong sát na giác ngộ, bừng tỉnh, nhận ra rằng đời sống tương đối đều chỉ xuất hiện qua ảo giác. Từ đó, tất cả quan niệm sống cũ đều được thay đổi hoàn toàn. Người đã giác ngộ nhìn chúng sinh bình đẳng và có nhiệm vụ giúp đỡ chúng sinh. - Lời người viết)

Cô cũng cho biết trạng thái an lạc kỳ lạ (bliss) không có gì là lạ, cô xác nhận và nói thêm niềm cực lạc chính là nhiên liệu cho sự tu hành. Bạn không thể kéo dài ẩn tu lâu nếu không có niềm an lạc bên trong. Ðó chính là thiền duyệt mà chúng ta thường nghe nói.

Cuối cùng khi được gạn hỏi sau 12 năm nỗ lực kịch liệt tu hành trong đó có ba năm sau cùng không ra khỏi động, cô đã đạt được thành quả gì? Tenzin Palmo đã nhanh chóng trả lời:

"Không phải được cái gì mà là mất đi cái gì. Nó giống như lột từng lớp một củ hành, cái mà bạn phải làm. Cái truy tìm của tôi là tìm hiểu ý nghĩa của sự toàn hảo."

Ðáng lẽ ra Tenzin Palmo ở trong động tu vô hạn định, nhưng vì một trục trặc nhỏ về giấy tờ di trú nên cô bị bắt buộc phải xuất động trở về với thế giới bên ngoài bởi chính quyền sở tại. Khi được tin cô ra khỏi động tu sau 12 năm dài ẩn tu, nhiều người đã đến tìm xem thân xác cô ra sao, kết quả tu hành thế nào? Cô thành Phật chưa? Một người bạn Ðức quen biết cô nhiều năm tên là Lia đang sinh sống ở Dharamsala cũng đến tìm gặp. Lia kể về Tenzin Palmo như sau: "Khi tôi hỏi nhiều lần về sự chứng ngộ, Tenzin Palmo chỉ trả lời: 'Một điều tôi có thể nói với bạn là - Tôi đã chẳng bao giờ nhàm chán.'"

Thế là Tenzin Palmo ra khỏi động tu. Theo như người ta kể, cô giã từ động tu Cực Lạc, nơi mà đã ấp ủ cô suốt quãng tuổi thanh xuân trong đời, một cách bình thản không tiếc, không thương, không buồn. Chính cô nói: "Chẳng có gì cả, phần lớn những gì đối mặt tôi ở đây đã qua đi. Thời gian ngưng lại, đặc biệt là ba năm cuối cùng qua đi như là mấy tháng." Lúc ấy vào năm 1988 và cô được 45 tuổi.

Sau 24 năm ở Ấn Ðộ, trong đầu cô lúc này hoàn toàn không có ý niệm đi đâu. Nhiều người quen ở rải rác khắp nơi trên thế giới đều biên thư hay đánh điện ngỏ ý mời cô đến quốc gia họ. Cuối cùng cô chọn về với gia đình một người bạn Hoa Kỳ ở Italy, thị trấn Assissi, tỉnh hạt Umbria.

Cô ở Assissi năm năm. Trong thời gian này nhiều nơi ở Âu Châu và Á Châu, cả Phật giáo lẫn Thiên Chúa giáo mời cô đến diễn thuyết và dạy thiền. Vì thấy các nữ tu sĩ Phật giáo không có chốn tu hành, họ thường phải di chuyển từ trung tâm này đến trung tâm khác, không mấy tốt cho việc tu tập phát triển tâm linh, nên cô quyết định bắt tay vào việc thiết lập một nữ tu viện Phật giáo tại miền Bắc Ấn Ðộ. Cô đi diễn thuyết và cổ võ khắp mọi nơi cho dự án này. Cô gặp đức Ðạt Lai Lạt Ma thứ 14 và đức Giáo Hoàng. Cô cũng đã tham dự hội nghị Phật giáo do lời mời của đức Ðạt Lai Lạt Ma tại Dharamsala và giúp tổ chức các hội nghị về nữ tu Phật giáo thế giới hàng năm tại Bồ Ðề Ðạo Tràng, Ấn Ðộ và Lâm Tỳ Ni, Nepal.

Hiện nay sư bà đã 56 tuổi, vẫn đang tiến hành dự án xây dựng nữ tu viện Phật giáo, vẫn nhiệt thành đi diễn thuyết xin tiền ủng hộ. Sư bà làm việc không mệt mỏi. Tài sản của sư bà chỉ vỏn vẹn gồm một cái túi ngủ, một vài quyển sách Phật giáo, một ít dụng cụ cá nhân, và ba bộ áo nhà tu. Sư bà từ chối không dùng tới số tiền quyên góp dành xây tu viện, ngay cả dùng vào chi phí di chuyển. Sư bà không ngần ngại đi khắp mọi nơi, đi xe, đi bộ, đi máy bay, chờ đợi nhiều giờ, có khi nhiều ngày để chuyển tiếp phương tiện, nhưng không bao giờ cau có, than phiền, ngoại trừ khi đụng tới vấn đề ăn mặn, sư bà nói mạnh và thẳng thừng lý do tại sao không nên ăn thịt chúng sinh.

Cuộc đời của sư bà là một hiện thực, thế nhưng đã trở nên một huyền thoại thần kỳ. Sư bà trở thành thần tượng (icon) cho các nữ tu sĩ phương Tây, cả Phật giáo và các tôn giáo khác. Khi hoàn tất dự án xây dựng nữ tu viện Phật giáo cho những phụ nữ quyết tâm theo con đường giác ngộ trong thân xác phụ nữ như bà, sư bà sẽ trở lại động tu. Sư bà sẽ không trở lại động tu cũ. Cơ thể của sư bà đã già, không thể chịu nổi trong điều kiện sinh sống ở độ cao trên 13 ngàn bộ nữa. Ðối với sư bà, động tu tới mang nhiều nghĩa ẩn dụ (metaphorical) hơn là hiện thực, cũng có thể là một túp lều tranh ở một nơi yên tĩnh, không hẳn là ở thật xa. Nơi đó có thể là bất cứ đâu, có thể là phương Ðông nơi sư bà có cảm nghĩ là sẽ viên tịch ở đó. Tất cả đều không quan trọng, bất cứ đâu sư bà đi hay sư bà ở đều là nhà. Sư bà chỉ có mục đích trong tâm là tiếp tục theo đuổi con đường giác ngộ giải thoát toàn hảo trong thân xác một người phụ nữ.

Phân Tích

Trên đây là tóm lược nội dung quyển sách dầy 213 trang nói về cuộc đời và công trình tu hành của một ni sư Phật giáo trong suốt 24 năm tu tập. Một quyển sách dầy như thế mà chỉ tóm lược lại vài trang giấy, chắc chắn không đầy đủ. Người viết biết như vậy nên đã cố gắng trình bầy những nét chính và quan trọng. Phần chi tiết, mong quý độc giả đọc thêm trong nguyên bản tiếng Anh, vừa biết rõ để học hỏi vừa giúp sư bà Tenzin sớm hoàn thành dự án xây cất tu viện Phật giáo dành cho ni giới tại Bắc Ấn Ðộ.

Qua quyển sách này, hay nói một cách khác, qua tiến trình tu chứng của sư bà chúng ta thấy rằng mục tiêu thiết yếu của cuộc đời chúng ta là giác ngộ giải thoát hoàn toàn. Sự giác ngộ này có thể đạt được trong thân xác mọi người, bất kể là nam hay nữ. Sư bà đã quyết tâm thệ nguyện thành Phật trong thân xác phụ nữ dù phải trải qua bao nhiêu kiếp, không cần phải tái sanh làm thân nam rồi mới tu thành Phật. (trang 5)

Do quyết tâm như vậy, người tu mới hạ thủ công phu mà việc trước tiên và trên hết là không tham dục, tức không khát khao, không thèm muốn, không mơ ước, không mong cầu hay đòi hỏi bất cứ cái gì, điều gì. Như sư bà khi nhận biết được cái đó là điểm chính của đạo Phật, sư bà bắt đầu xả bỏ, từ vật chất đến tinh thần, từ thân đến tâm, bằng cách cho đi quần áo, không trang điểm, không đi chơi với bạn trai từ lúc 18 tuổi và cho đến nay 56 tuổi vẫn tiếp tục xả bỏ. Khi lập xong tu viện, sư bà cho biết sẽ không làm tu viện trưởng mà sẽ trở về một mình nơi động tu hẻo lánh nào đó. Tài sản hiện nay chỉ gồm có cái túi ngủ, cái nải xách tay, một ít dụng cụ cá nhân như bàn chải đánh răng, một vài quyển sách Phật giáo và ba bộ quần áo nhà tu. (trang 203)

Ðiều thứ ba là phải nỗ lực kịch liệt và kiên trì tu tập. Trong việc tu tập, không màng tới kết quả và thời gian mà chỉ xem chúng như là một tiến trình. Sư bà Tenzin nỗ lực kịch liệt không ngừng nghỉ trong suốt 24 năm tu tập tại Ấn Ðộ và vẫn còn tiếp tục đến bây giờ. Trong suốt 12 năm ở động tu trong tuyết, sư bà ngồi thiền mỗi ngày 4 lần mỗi lần 3 tiếng, bắt đầu từ 3 giờ sáng và chấm dứt lúc 10 giờ đêm và ăn một bữa duy nhất vào buổi trưa. Sư bà cho biết không phải chỉ có ngồi thiền như vậy mới là tu. Thực hành thiền phải được nỗ lực trong mọi lúc, mọi ngày, không phải một ngày, một tháng, một năm hay một đời mà liên tục mãi mãi. Sư bà cũng cho biết lý do chúng ta không giác ngộ được vì chúng ta lười biếng (trang 171), không có lý do nào khác hơn.

Ngoài các điều trên, việc tu tập cần phải được thực hiện liên tục, ví như gà ấp trứng hay mèo rình chuột. Không thể nay tu, mai đi chơi, rồi mốt lại tu hay vừa làm ăn tính toán lời lỗ trong đầu lại vừa tham thiền. Sư bà ví như nấu ăn, cần phải đốt lửa liên tục ở một nhiệt độ không thay đổi mới chín được. Nếu cứ mở lửa lên một chút rồi lại tắt thì chẳng bao giờ thành (trang 198). Và cũng vì vậy các khóa tu hay an cư định kỳ hay toàn kỳ tại nơi tĩnh mịch là điều cần thiết.

Nhận Ðịnh

Cho một cuộc hành trình tâm linh, sự giản dị và chân thật của câu chuyện thuật lại đã làm rung động người đọc từ chủ đề cho đến nhân vật chính của quyển sách. Quả thực quyển sách, qua ngòi bút tài tình của nữ ký giả Vicki Mackenzi đã đưa người đọc đi từ quán bán cá nhỏ nằm góc một khu phố phía Ðông Luân Ðôn đến tận chân trời Hy Mã Lạp Sơn hùng vĩ trong một khoảng thời gian khá dài, bắt đầu từ khi nhân vật chánh của câu chuyện 13 tuổi cho đến khi ra khỏi động tu lúc 45 tuổi.

Nhân vật chánh, như bạn đọc biết là Diana Perry rồi là sư bà Tenzin Palmo bây giờ. Sư bà tình cờ biết đến đạo Phật từ khi còn rất trẻ và khao khát muốn biết về một sự gì toàn hảo của con người, một cái gì chân thật trong sáng vô cùng tận của mỗi chúng ta. Sư bà đã lên đường tìm về nội tâm và sau khi trải qua một quá trình tu tập kịch liệt với 24 năm liên tục trong đó có 12 năm ẩn tu tại một động trong tuyết, ai cũng hỏi sư bà đã đạt được cái gì, đã chứng ngộ chưa, sư bà cũng chỉ nói bâng quơ và có một lần vì được hỏi vặn quá, sư bà đã nói rằng: "Không phải được cái gì mà là mất đi cái gì" hay "Không phải đạt được cái thấy xa (vision) mà là thấy rõ, thấy như thực". Cũng như một vị tổ nói tu hành chỉ cốt ra khỏi vũng lầy, ra khỏi chậu phẩn, thế thôi.

Quả là tuyệt diệu, suốt cả quyển sách những lời nói của sư bà giản dị và chân thật như thế đấy, không mầu mè, không uốn nắn, không bay bướm văn hoa. Như Lục Tổ Huệ Năng có nói nếu bạn biết tâm mình thanh tịnh là bạn đã không thanh tịnh rồi. Biết mình ngộ tất là mình chưa ngộ. Mà thật ra có gì để mà đạt, có gì để mà ngộ. Vốn dĩ đã có sẵn, như vàng ròng có sẵn trong quặng than đen, chỉ cần gột rửa sàng lọc cáu bẩn là vàng ròng hiện ra (Kinh Viên Giác).

Những lời nói của sư bà sau quá trình 24 năm tu tập đều là những kinh nghiệm. Qua lối văn bình dị của Vicki Mackenzie chúng ta không thấy có cảm giác đó là những lời giảng dạy của sư bà. Thế mới hay, mới tuyệt diệu. Không một lời thuyết pháp nào hay hơn thế vì nó đã gói trọn, nó đã thể hiện bằng thân-khẩu-ý. Thân khẩu ý nhất như: Thân thuyết pháp, Khẩu thuyết pháp và Ý thuyết pháp đồng bộ. Xin cảm tạ sư bà Tenzin và các nỗ lực của Vicki. Người đọc quyển sách và viết những lời này với mục đích để mọi người biết, tìm mua sách để đọc, để gối đầu giường làm cẩm nang tu hành và cũng là để sách bán chạy cho có tiền xây dựng tu viện Phật giáo dành cho phụ nữ.

Lời Kết

Cả một cuộc đời khổ hạnh tu hành, gối tuyết nằm sương của sư bà chỉ để thực hành lời Phật dạy: "giải thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử", đạt tới hoàn toàn giác ngộ, điều mà Ðức Phật cũng đã trải bao gian khổ mới thân chứng được. Ðồng thời, sư bà còn tranh đấu cho nữ tu sĩ tại những phần đất còn phải gánh chịu sự đối xử bất công, tủi nhục, được quyền hưởng sự giảng dạy Phật pháp thậm thâm vi diệu, được theo những đường lối hành trì đặc biệt để thanh lọc tâm, ngõ hầu cũng như nam giới. Với lý tưởng cao đẹp ấy trên vai, sư bà đi khắp nơi xin tiền để xây một nhà tu cho nữ tu sĩ, nơi mà họ sẽ được học những phần thâm diệu của Phật pháp mà trước kia chỉ dành cho nam giới.

Nếu quý độc giả có cảm thông với lý tưởng cao đẹp của bà, trong tâm khởi lên một niềm tùy hỷ, hoặc một niệm quảng tu cúng dường thì xin quí vị liên theo địa chỉ sau đây:

Tenzin Palmo
c/o Vicki Mackenzie,
Bloomsbury Publishing Plc,
38 Soho Square,
London WV 5DF
United Kingdom

Tâm Diệu

Tên Sách: Cave in the Snow
Tên Tác Giả: Vicke Mackenzi
Nhà xuất Bản: Bloomsbury, http://www.bloomsbury.com
On Line Book Store: Amazon, http://www.amazon.com
Người Ðiểm Sách: Tâm Diệu, Hoa-Sen web page, http://www.jps.net/hoasen


Source: Hoa-Sen web page, http://www.jps.net/hoasen


[Trở về trang Thư Mục]