BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Phật Giáo tại Nhật Bản

Thích Nguyên Tạng


 

Nhật Bản (Japan) một quốc gia nằm phía đông châu Á. Diện tích 377.688 km2. Dân số 123.460.000 người. Mật độ dân cư: 331,7 người/km2. Dân số dưới 15 tuổi: 18,5%. Tuổi thọ trung bình: 78,5 tuổi. Trình độ văn hóa cấp ba: 30,1%. Thể chế chính trị: Quân chủ đại nghị (Constitutional Monarchy). Nguyên thủ quốc gia: Vua Akihito. Ngôn ngữ chính: tiếng Nhật. Ðơn vị tiền tệ: đồng yen. Thu nhập bình quân đầu người: 15.260 đô la.

Phật giáo (PG) và Thần Ðạo (Shinto) là hai tôn giáo chính ở Nhật. Những tôn giáo nhỏ khác là Ky Tô giáo, Tin Lành giáo và Chính Thống giáo.

Phật giáo Nhật, thời kỳ hình thành (538-794)

Theo biên niên sử của Nhật Bản, PG chính thức được truyền đến Nhật từ Triều Tiên (Korea) vào năm 552 Tây lịch (có chỗ ghi nhận là năm 538). Lúc bấy giờ vua nước Bách Tế (Triều Tiên) đã gởi một phái đoàn truyền giáo đến Nhật. Phái đoàn này đã được nhà vua Nhật Bản tiếp đón một cách nồng hậu và phái đoàn đã dâng lên cho đức vua một tượng Phật bằng vàng, một vài quyển Kinh, cờ lộng, chuông, mõẨ

Tuy nhiên, PG chỉ thực sự cắm rễ và lan tỏa tại Nhật là trong thời kỳ nhiếp chánh của Hoàng Thái Hậu Suiko. Người kế vị của bà, Thánh Ðức Thái Tử (Shotoku, 574-622) được xem là sơ tổ (First Real Founder) của PGNB . Thánh Ðức Thái Tử vâng lời mẫu hậu Suiko đã cất công nghiên cứu và tuyên giảng ba bộ Kinh Ðại Thừa cho dân chúng Nhật, về sau những bài giảng này được viết thành một bộ luận rất giá trị. Sau khi lên ngôi Thái tử Shotoku đã ban hành ngay một chiếu chỉ rằng : ''Toàn dân Nhật Bản phải kính ngưỡng và thọ trì Phật Pháp''. Ông đã cho xây chùa chiền trên khắp đất nước. Một trong những ngôi chùa nổi tiếng thời ấy, nay vẫn còn là Chùa Pháp Long (Horyji). Chùa này do chính Thái tử Shotoku đứng ra xây dựng vào năm 607 và được xem là ngôi chùa gỗ có tuổi thọ lâu nhất trên thế giới.

Phật giáo Nhật, thời kỳ phát triển (Heian - Bình An, 794-1184)

Trong triều đại Nại Lương (Nara, 710-794) qua sự ủng hộ Phật Pháp của Hoàng đế Thánh Võ (Shomu, 701-756, vị vua thứ bốn mươi lăm của Nhật) PG đã trở thành quốc giáo (State religion) của xứ sở này. Năm 741, vua Thánh Võ đã ban hành một quốc lệnh rằng mỗi làng và mỗi tỉnh phải xây dựng một ngôi chùa và dân chúng phải thành tâm thọ trì Phật Pháp. Ðể làm gương cho mọi người, chính vua Thánh Võ đã đích thân xây chùa Ðông Ðại (Todai) tại kinh đô vào cuối năm 741, đây là ngôi tổ đình của tông phái Hoa Nghiêm với pho tượng Phật Tỳ Lô Xá Na (Vairocana) khổng lồ được tôn thờ bên trong chánh điện. Cũng trong thời kỳ Nara này, có sáu tông phái PG được truyền đến Nhật từ Trung Hoa và phong trào nghiên cứu và tu Phật tại Nhật đã bắt đầu.

Bảy tông phái PG đến từ Trung Hoa trong thời đại Nại Lương (Nara, 710-794) :

1. Luật Tông (Ritsu): là một trong mười ba Tông Phái PG chính của Trung Hoa. Tông này theo khuynh hướng bảo thủ giống như truyền thống ở các nước ở Nam Á, được ngài Ðạo Tuyên (Tao-hsuan, 596-667) dựa vào bộ Ðại Thừa Luật (Mahayana Vinaya) mà thành lập vào thời đại nhà Ðường. Chủ trương của tông là nghiêm trì giới luật để tiến đến Phật quả. Tông này được ngài Giám Chân (Ganjin) giới thiệu đến Nhật vào năm 754.

2. Câu Xá Tông (Kusha): Cũng là một tông phái bảo thủ, lấy Luận A Tỳ Ðạt Ma (Abhidharma) làm chỗ nương tựa chính. Ðó là một bộ luận nổi tiếng của ngài Thế Thân (Vasubandu).

3. Thành Thật Tông (Jojitsu): Tông này dựa vào giáo lý tánh không (non-substantiality) của Luận Thành Thật (Satyasiddhi) mà thành lập.

4. Tam Luận Tông (Sanron): phát xuất từ phái Trung Quán ở Ấn Ðộ, một trường phái phát triển của Ðại sư Long Thọ (Nararjuna). Giáo lý tông này cũng nhấn mạnh đến tự tánh không của vạn pháp. Như tên gọi của tông này, Tam Luận, tức là dựa vào ba bộ luận chính, Trung Quán Luận (Madhyamika), Dvadasamuka Sastra của Ngài Long Thọ, và Sala của Ngài Aryadeva.

5. Pháp Tướng Tông (Hosso): bắt nguồn từ trường phái Yoga của Ấn Ðộ, một tông phái PG phát triển có mặt từ năm 167 TL tại Ấn.

6. Tướng Tông (Hosso): bắt nguồn từ trường phái Yoga của Ấn Ðộ, một tông phái PG phát triển có mặt từ năm 167 TL tại Ấn.

7. Hoa Nghiêm Tông (Kegon): dựa vào Kinh Hoa Nghiêm (Avatamsaka) để lập tông. Chủ trương của phái tôn thờ và thực hành pháp hạnh của đức Phật Tỳ Lô Xá Na.

Tất cả bảy tông phái trên đều có nhiều hành giả, học giả theo đuổi học hỏi và hành trì, nhưng tầm ảnh hưởng của nó chỉ giới hạn trong giới xuất gia mà không mở rộng ra bên ngoài.

Phật giáo Nhật, thời kỳ Kiếm Thương (Kamakura, 1185-1333)

Ðây là thời kỳ khủng hoảng, vì cả nước bị đe dọa trầm trọng bởi tàn phá khốc liệt từ sự phân hóa nội bộ và bạo lực dưới những tổ chức quân sự được thành lập năm 1185 của bộ tộc Minamoto, ngoại ô Kyoto. Bầu không khí mới này đã làm cho việc tu tập và nghiên cứu Phật Ðà bị khựng lại một lúc lâu. Tuy nhiên, cuối cùng mọi việc cũng đâu vào đấy và PG vẫn tiếp tục công việc của mình.

Nếu trong triều đại Bình An (Heian, 794-1185) hai tông phái khác được vào Nhật Bản là Thiên Thai Tông (Tendai) và Chân Ngôn Tông (Shingon). Hai tông phái này có một hệ thống giáo lý sâu nhiệm và độc đáo, lập tức chinh phục và được ủng hộ một cách nhiệt thành của quần chúng Nhật, nhất là tầng lớp quý tộc, thì đầu triều đại Kiếm Thương (Kamukura, 1185-1333), hai phái khác, Nhật Liên Tông (Nichiren) và Tịnh Ðộ Tông (Jodo) cũng lần lượt xuất hiện và được truyền bá rộng rãi trên toàn nước Nhật.

Như vậy, cho đến thế kỷ mười ba, tất cả những tông phái (sect/shù/tsung) chính đều có mặt tại Nhật, bao gồm Thiền Tông, Tịnh Ðộ Tông, Thiên Thai Tông, Chân Ngôn Tông, Nhật Liên Tông, v.v.

1- Thiền Tông (Zen Sect): là một tông phái đặc biệt của PG Nhật. Thiền bắt nguồn từ thời Phật Thích Ca, rồi được Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma (Bodhidharma), con của vua Chí Cương, thuộc dòng Sát Ðế Lợi, nước Quốc Hương, Nam Thiên Trúc, vùng Cao nguyên Dekkan, miền Nam Ấn Ðộ. Ngài là Tổ sư thiền tông đời thứ 28 của Ấn Ðộ. Năm 480 vâng lời Thầy, Ngài đến Trung Hoa để truyền bá pháp môn thiền. Ở Trung Hoa lúc đầu Thiền bị ảnh hưởng mạnh mẽ của đạo Lão và Khổng. Thiền chỉ độc lập và nổi tiếng từ thế kỷ thứ bảy và đã trở thành một tông phái chính cho tới ngày nay tại Trung Hoa.

Thiền được giới thiệu đến Nhật vào khoảng thế kỷ thứ 9 từ Trung Hoa qua hai Thiền phái Lâm tế và Tào Ðộng, cả hai phái này đều ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng cửa Lục Tổ Huệ Năng ở thế kỷ thứ 8. Hiện nay ở Nhật có ba Thiền phái như sau :

* Thiền Lâm Tế (Rinzai Sect): do công khai sáng của thiền sư người Nhật Vinh Tây (Eisai, 1141-1215). Ngài xuất gia từ năm mười ba tuổi ở chùa An Dưỡng (Annyo) ở Kibitsu. Ngài đã tìm đường đến Trung Hoa để học đạo trong hai lần, vào những năm 1168 và 1187. Lần sau cùng Ngài về đến Nhật vào năm 1991 và thành lập chùa Shofuku ở Hakata. Ngôi chùa này được xem là thiền viện đầu tiên trên đất nước này. Năm 1215, triều đình Nhật xây dựng Chùa Kiến Nhân (Kennin-ji) tại Kyoto, Ngài được thỉnh về làm chứng minh đạo sư cho ngôi già lam này. Ngài cũng được xem là người có công trong văn hóa uống trà của Nhật, Ngài đã mang giống trà từ Trung Hoa về trồng ở Nhật. Vị thiền sư nổi tiếng của Thiền phái này về sau là ngài Bạch Ẩn (Hakui Ekaku, 1685-1786) với những tác phẩm để đời. Ngày nay ở Nhật có 14 chi phái thuộc dòng Thiền này, tuy không hợp nhất về tổ chức, nhưng vẫn theo đuổi lý tưởng ban đầu của tổ sư Vinh Tây.

* Thiền Tào Ðộng (Soto/Tsao-tung): là một trong năm Thiền phái chính của Trung Hoa và là một trong mười ba Tông phái chính của PG Nhật Bản. Ðây là một Thiền phái kiểu mẫu như để so sánh với Thiền Lâm Tế, cuối cùng nó dường như phổ biến hơn những Thiền phái khác ở Nhật. Nếu Lâm tế thích ứng với giới thượng lưu trí thức, thì Tào Ðộng lại gần gũi với tầng lớp bình dân. Thiền Tào Ðộng được Thiền sư Ðạo Nguyên (Dogen, 1200-1253) khai sáng. Ðạo Nguyên vốn là đệ tử của Ngài Vinh Tây, sau đó ông sang Trung Hoa du học và trở về Nhật Bản xây dựng Thiền phái này. Người kế thừa và làm lớn mạnh dòng thiền này là thiền sư Suzuki Shosan (1579-1653). Hiện nay ngôi già lam chính của Thiền phái này là Chùa Tổng Trì (Soji-ji) ở Yokohama do thiền sư Hành Cơ (Gyogi, 666-749) tạo dựng năm 1321.

* Thiền Hoàng Bá (Obaku sect): đây là Thiền phái thứ ba của người Nhật, có tầm ảnh hưởng ít hơn hai Thiền phái trên, do thiền sư người Trung Hoa Ẩn Nguyên (Yin-Yuan, 1592-1673) khai sáng. Sau nhiều năm tu học tại quê nhà, ông đến Nhật Bản để hoằng Pháp vào năm 1654 và tiến hành thành lập Thiền phái này tại chùa Vạn Phước (Mampuku-ji) ở tỉnh Yamato. Ông đã được vua Nhật ban cho danh hiệu là Quốc sư (Daiko-Fusho-Kokushi), ông đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị. Hiện tại có hơn 600 ngôi chùa là chi nhánh của Thiền phái này.

Nhìn chung cả ba Thiền phái trên đã phát triển mạnh ở Nhật và có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống của người dân Nhật. Cả ba đều có nhiều trường đại học, nhà xuất bản kinh sách riêng, cơ quan từ thiện... Không những thế Thiền đã ăn sâu vào tiềm thức của người Nhật, thiền đã đi vào hoa, vào trà, vào nếp sống, nếp nghĩ của người dân và cuối cùng nó nâng lên thành Ðạo, trà đạo, hoa đạo... Bản chất khiêm hạ màụ sắc bén, từ ái mà quật cường của người Nhật được cả thế giới ngưỡng mộ đều là kết quả từ sự thực nghiệm Thiền định cả.

2- Tịnh Ðộ Tông (Jodo/Pureland Sect): đây là một tông phái rất phổ biến ở các quốc gia Bắc phương PG, có nguồn gốc từ thế kỷ thứ hai Tây lịch tại Ấn Ðộ. Tông này dựa vào giáo lý của Kinh Vô Lượng Thọ (Sukhavativyuha) và Kinh A Di Ðà ( Amitabha-sutra). Cả hai bộ Kinh này đều mô tả về một cõi giới ở phía Tây, nơi những hành giả tu tập theo tông này sẽ tái sinh sau khi bỏ báo thân ở cõi Ta Bà như là một kết quả từ niềm tín tâm nơi Ðức Phật Di Ðà và tu tập nhiều thiện nghiệp. Vị Tông chủ của phái này là Ðức Phật A Di Ðà hay Ðức Phật có ánh sáng vô lượng (unlimited light Buddha). Tịnh Ðộ Tông được truyền đến Nhật Bản vào khoảng thế kỷ thứ sáu với sự thiết lập của Ngài Pháp Nhiên (Honen, 1133-1212). Ngài Pháp Nhiên đã công khai hóa pháp môn Tịnh độ vào năm 1175 ở Kyoto. Sau đó nó đã phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng thích nghi với xã hội Nhật, kết quả là có năm chi phái Tịnh Ðộ xuất hiện từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ thứ 13, bao gồm Dung Thông Niệm Phật Tông (Yùzù-nembutsu) do Ngài Lương Nhẫn (Ryonin, 1073-1132) thành lập; Ngài Thân Loan (Shinran, 1173-1263) với Tịnh Ðộ Chân Tông (Jòdo Shin); Ngài Nhất Biến (Ippen, 1239-1289) với Thời Tông (Ji sect)... Ngày nay, ở Nhật chỉ còn hai trong năm chi phái trên còn thịnh hành. Những ngôi chùa chính của tông phái này là chùa Chion ở Kyoto và Chùa Zojo ở Tokyo. Vào năm 1993, các tông phái Tịnh Ðộ này đã kết hợp để xây dựng một pho tượng A Di Ðà cao 120m. Ðây là một trong công trình Phật sự vĩ đại của Phật giáo tại Nhật ở cuối thế kỷ hai mươi này.

3- Thiên Thai Tông (Tendai-shù): còn được gọi là Pháp Hoa Tông, được Ngài Trí Khải (Chih-i, 538-597, thường được gọi là Thiên Thai Ðại Sư) dựa vào giáo lý Pháp Hoa Kinh mà lập tông tại núi Thiên Thai. Trí Khải Ðại sư là tác giả của trên ba mươi luận bản nổi tiếng như Pháp Hoa Huyền Nghĩa (Fa-hua hsuan-tsan), Pháp Hoa Văn Cú (Fa-hua Wen Chu), Ma Ha Chỉ Quán (Mo-ho-chih-kuan)... Tông này được Ngài Tối Trừng (Saicho, 767-822), truyền đến Nhật năm 805. Ngài Tối Trừng sinh năm 767 tại Omi (Nhật Bản), xuất gia năm 12 tuổi. Năm 804, Ngài được triều đình Nhật gởi sang Trung Hoa để học Phật. Ngài đã tận dụng cơ hội này để học giáo nghĩa Thiên Thai dưới sự dẫn dắt của Dòsui, học thiền với Hsiao-jan... một năm sau Ngài hồi hương và tiến hành lập tông này. Ngài viên tịch năm 822 ở tuổi 56, để lại phía sau mình một công trình nghiên cứu đồ sộ với một trăm sáu mươi tác phẩm các loại.

4- Nhật Liên Tông (Nichiren-shù): còn được gọi là Pháp Hoa Tông (Hokke-Sect); hay Nhật Liên Pháp Hoa Tông (Nichiren Hokke) được Ngài Nhật Liên (Nichiren, 1222-1282) thành lập. Tông này lấy tư tưởng Kinh Pháp Hoa làm chỗ nương tựa chính. Ngài Nhật Liên sinh năm 1221, con của một gia đình lao động ở Kaminato. Ngài xuất gia vào thuở thiếu thời. Lúc đầu học theo Chân Ngôn Tông, rồi Thiên Thai Tông. Cuối cùng Ngài kết luận rằng chỉ Kinh Pháp Hoa (Saddharmapundarika-Sutra/The Lotus of the Good Law) mới là cứu cánh và đưa đất nước Nhật bản ra khỏi cảnh khốn cùng. Hành giả theo tông này thường thọ trì Kinh Pháp Hoa và niệm danh hiệu Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh. Tông này có bốn ngôi chùa chính là chùa Bản Môn (Hommon-ji) xây dựng ở Tokyo năm 1291; chùa Diệu Hiển (Myòken-ji) xây dựng năm 1326 và chùa Bản Quốc (Honkoku-ji) xây dựng năm 1263 ở Kamakura, đến năm 1345 thì được dời về Kyoto và chùa Pháp Hoa Kinh (Hokekyò-ji) xây dựng năm 1260 ở Nakayama. Sau thế chiến thứ nhất, Tông này đã phát triển thêm nhiều tổ chức như Soka Gakkai, Rissho Koseikai, Reiyukai... đều một lòng xiển dương giáo nghĩa của Pháp Hoa Kinh. Riêng tổ chức PG Rissho Koseikai được đạo hữu Nikkyo Niwano thành lập vào tháng 3 năm 1938, đến nay vẫn được xem là một trong những tổ chức PG rất mạnh tại Nhật với hơn 6 triệu hội viên trên khắp thế giới. Năm 1997, Hội này có mở một trang nhà để phổ biến giáo lý rất phong phú, địa chỉ vào xem là: http://www.mediagalxy.co.jp/kosei/index1.html.

5- Chân Ngôn Tông (Shingon Sect): còn gọi là Mật Tông (Esoteric Sect) là một trong những TPPG chính ở Nhật, được Hoằng Pháp Ðại Sư (Kobo Daishi, 774-835) thành lập ở Nhật vào năm 806. Ngài vốn có tên là Không Hải, sinh năm 774, năm 15 tuổi đến Nara để học chữ Hán, lịch sử, văn học và Kinh điển PG. Sau khi so sánh Phật, Lão và Khổng, ông chọn Phật để theo. Ông xuất gia năm 20 tuổi với Ðại sư Gònso. Năm 22 tuổi ông thọ cụ túc giới ở chùa Ðông Ðại. Năm 31 tuổi (804) ông được Thầy gởi đi Trung Hoa để học với sư Hui-Kuo (746-805). Năm 806 Ngài trở về Nhật và tu ở núi Mahinoo, trong thời gian này có rất nhiều người tới để cầu học, trong đó có cả Ngài Tối Trừng. Năm 816 Ngài khởi công xây dựng chùa Kim Cương (Kongò-ji) tại núi Koya thuộc tỉnh l Wakayama để hoằng dương pháp tu này. Vị tông chủ của giáo phái này là Ðức Ðại Nhật Như Lai (Mahavairocana/Dainichi-nyorai), hành giả của giáo phái tu theo lời dạy trong bộ Ðại Nhật Kinh Sớ (Dainichi-Kyò-sho). Hiện nay Chân Ngôn Tông vẫn phát triển đều đặn và có sáu chi phái nhỏ khác nhau tồn tại ở Nhật.

Phật Giáo Nhật Bản ngày nay

Theo thống kê gần đây cho thấy có khoảng 70% dân số là tín đồ Phật giáo. PGNB được chia thành mười ba tông phái chính, có 80.000 ngôi chùa, 200.000 tăng sĩ. Có trên 20 đại học, trung học và viện nghiên cứu PG ở khắp đất nước Nhật. PG tu học vẫn được duy trì mạnh mẽ nhưng có ý kiến phê bình rằng ngày nay PG chỉ còn ảnh hưởng trên mặt tri thức hơn là đi sâu vào mặt thực hành như thuở nào. Triết thuyết của PG đã trở nên khó hiểu đối với đại đa số quần chúng và chỉ có số ít quan tâm đến đời sống tôn giáo. Tăng sĩ tụng niệm nhiều hơn tăng sĩ thuyết giảng. PG lý tưởng và đời sống tâm linh dường như đang trên đà lãng quên, cho dù kinh sách PG vẫn ấn hành đều đặn và nhiều hơn trước.

Tương lai của PG Nhật thật khó mà tiên liệu được. Ngành khoa học nghiên cứu PG đã có dấu hiệu phát triển trong những năm gần đây, nhưng nó vẫn còn những khoảng cách nhất định với tầm hiểu biết của quần chúng Phật tử. Phần lớn những nhà nghiên cứu chỉ chú trọng vào chiều sâu của triết thuyết và ngôn từ chuyên môn hơn là những ý nghĩa thật sự của nó đối với đời sống của con người.

Tuy nhiên, có dấu hiệu lạc quan và hy vọng cho sự phục hưng và phát triển PG tại Nhật vì có nhiều tổ chức PG thành lập, đặc biệt là giới cư sĩ tại gia, đã mở rộng nhiều chương trình hướng dẫn quần chúng tu học Phật. Nhiều tổ chức tôn giáo xuất hiện sau Thế chiến thứ II (1945) đều mang theo sự ảnh hưởng sâu đậm của PG. Những hoạt động truyền giáo bên ngoài Nhật Bản cũng gia tăng đáng kể, nhiều phái đoàn hoằng pháp liên tục được gởi đi hải ngoại, đặc biệt là bắc Mỹ và châu Âu. Nhiều sách báo được ấn hành trong nhiều loại ngôn ngữ khác nhau của phương Tây, các học giả Nhật Bản đã hợp tác với các nhà nghiên cứu nước ngoài để biên soạn bộ Bách Khoa Từ Ðiển PG (Buddhist Encyclopedias, ấn hành vào năm 1980). Toàn bộ Kinh sách của PG Tây Tạng đã được chuyển ngữ và được xuất bản bởi một Viện Nghiên Cứu tại Nhật và một bộ sưu tập tất cả những bài nghiên cứu giáo lý Phật Ðà được in từ nhiều quốc gia khác nhau, đã được chuyển ngữ và in tại Nhật. PG Nhật cũng hỗ trợ cho nhiều học giả và nghiên cứu sinh từ bắc và nam Mỹ, châu Âu và châu Á, đặc biệt các nước Ấn Ðộ, Trung Hoa, Tích Lan, Việt Nam... đến Nhật để học Phật. Rất nhiều tổ chức từ thiện PG được thành lập để giúp người tị nạn và các quốc gia đang phát triển ở Á châu và Phi châu. Nhìn chung PG Nhật đang chuyển mình để hòa nhập với trào lưu mới để đem lại ánh sáng và bình yên cho mọi người./.

Thích Nguyên Tạng
Chùa Quảng Ðức
Melbourne, Australia

Tổng hợp từ các tài liệu :

Masaharu Anesaki (1930) History of Japanese Religion, Kyoto.
Charles Eliot (1959) Japanese Buddhism, Tokyo.
Yoshiro Tamura (1990) Tokugawa Period Buddhism and the Path to Modernization, Dharma World, Sep/Oct 1990.
Keiichi Yanagaw (1992), Religion in Japan Today, Foreign Press Center, Tokyo.
Kodansha (1990) Kodansha Encyclopedia of Japan, Kyoto.
Kazumasa Osaka (1990-1999), Dharma World magazine, Tokyo.

Chân thành cảm ơn đạo hữu Kazumasa Osaka (Tổng Biên Tập Tạp chí Dharma World, Japan) và cô Lydia Quảng Như (Khoa Luật, Ðại Học Monash, Australia) đã cung cấp cho chúng tôi nhiều tài liệu quý báu cho bài viết này.


[Trở về trang Thư Mục]