BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with
Unicode Times font
Lễ Phật Ðản là ngày vui của Phật tử trên toàn thế giới. Chúng ta đón mừng ngày Phật Ðản để tưởng niệm đến Ðấng Cha Lành. Với lòng từ bi vô hạn, Ngài đã hành đạo nhiều vô số kiếp hầu tìm ra con đường giải thoát cho Ngài và chúng sanh. Từ khi Ðức Phật ra đời, loài người và chư thiên được hưởng rất nhiều phước báu trong thế gian lẫn xuất thế gian. Giáo Pháp của Ngài là món linh dược mà bất cứ ai thực hành theo đều đạt được hạnh phúc và đi đến nơi giải thoát bình yên. Hôm nay, nhân ngày Lễ Phật Ðản, chúng ta ôn lại vài điểm chính trong đời sống của Ngài.
Khởi thủy
Một vị bồ tát từ ngàn xưa với tâm từ bi muốn cứu độ chúng sanh thoát khỏi chốn đau khổ mê lầm, đã dày công thực hành mười pháp ba-la-mật trong vô lượng kiếp. Ngài nguyện chứng đắc đạo quả Chánh Ðẳng Chánh Giác để đem lại con đường giải thoát cho chúng sanh.
Giáng sanh
Thấy duyên chứng ngộ đạo quả Bồ-đề đã đầy đủ, Ðức Bồ-tát giáng sanh xuống cõi Ấn Ðộ, vào bào thai của Hoàng Hậu Maya, vợ Vua Tịnh Phạn thuộc dòng Thích Ca. Lúc bấy giờ, Ấn Ðộ là một nước rất văn minh, có Tịnh Phạn Vương là bậc hiền nhân và Hoàng Hậu Maya là người tài sắc, đức hạnh vẹn toàn.
Ðản sanh
Gần mười tháng sau, một buổi sáng khi Hoàng Hậu đang cùng người hầu trên đường về quê mẹ để chuẩn bị cho kỳ sinh nở, nàng vào nghĩ chân ở vườn Lâm Tỳ Ni. Cảnh vườn tuyệt đẹp. Cây cao, bóng mát, chim xanh ríu rít, hoa nở khắp nơi. Khi nàng đến vịn vào cây sala, Ðức Bồ-tát liền nhẹ nhàng đản sanh. Ngài vững vàng bước đi bảy bước, tuyên bố:
"Trên thiên giới, dưới người trần thế,
Chỉ có ta cao quí phi thường.
Thân này kiếp chót Pháp Vương,
Không còn trở lại con đường tử sanh."Ðất trời hoà nhạc, muôn hoa đón chào. Ánh quang minh tỏa rực khắp nơi nơi, mọi chúng sanh nghe lòng hoan lạc. Quả đất động lòng rung chuyển. Chư thiên rãi hoa kính mừng. Ðức Bồ-tát đã đản sanh! Ấy nhằm ngày rằm tháng tư, âm lịch, cách đây 2543 năm.
Ba mươi hai tướng tốt và tám mươi tướng phụ trên thân Ngài chứng tỏ Ngài là bậc Ðại Nhân sau này sẽ chứng đắc Phật quả chẳng sai. Cõi nhân thiên đang sắp hưởng hạnh phúc tuyệt vời. Không bao lâu Ngài sẽ đắc đạo quả Vô Thượng Cháng Ðẳng Cháng Giác và truyền bá con đường hạnh phúc Ngài tìm thấy được cho chúng sanh. Ðó là con đường giải thoát đưa chúng sanh ra khỏi chốn khổ não mê lầm.
Trưởng thành
Lớn lên, Ngài là một vị Hoàng Tử đẹp trai, văn võ toàn tài, thông minh xuất chúng. Vua cha cưng chìu hết mực. Ngài cho xây ba tòa cung điện thật đẹp để Hoàng Tử ở theo ba mùa nóng, lạnh và mưa. Lại còn thêm ba hồ sen xanh, đỏ, trắng tỏa ngát sắc hương. Vườn hoa xinh đẹp luôn được chăm sóc cẩn thận với muôn ngàn hoa thơm cỏ lạ. Trầm hương Ngài dùng đều được chọn lựa cẩn thận. Y phục Ngài mặc đều là lụa thượng hảo xứ Kasi. Ðội vũ nhạc xinh đẹp luôn luôn đem niềm vui cho Hoàng Tử. Bao vây Ngài toàn là những thứ thích ý vừa lòng. Tất cả những gì xấu xa, khổ đau, già úa đều bị cấm diễn ra trước mắt Ngài. Nhưng Ngài không say đắm trong những xa hoa này. Trong tâm Ngài, lòng từ bi lúc nào cũng ngút ngàn và trí tuệ luôn sáng tỏ.
Xuất gia
Nhân duyên đưa đến. Một hôm khi cùng người hầu ngự xe ngựa đi dạo phố, tình cờ Ngài gặp cảnh già, bệnh, chết. Nhận thức rằng cuộc đời này thật không bền vững, nó bị sự chi phối của vô thường và khổ não mà sự vinh hoa chẳng qua chỉ là một chút hạnh phúc ảo huyền, nên từ đó Ngài hằng suy tư tìm cách thoát khổ. Rồi Ngài gặp một vị sa môn trong chiếc y vàng đang an tịnh tỉnh lặng đi ngoài đường. Ðến gần đón hỏi, vị sa môn bảo rằng:
"Cuộc đời thống khổ ưu phiền,
Nên tu để thoát con đường tử sanh."Nghe chữ xuất gia tầm đạo giải thoát, tâm Hoàng Tử bừng sáng liền nhận định rõ con đường. Một đường theo ái dục đi về tử sanh bệnh lão. Một đường xả ly đi về giải thoát bình an. Lòng Ngài hớn hở. Chí Ngài đã quyết xuất gia.
Cùng lúc ấy, Ngài được tin vợ Ngài, Công Chúa Gia-Du-Ðà-La, đã hạ sanh được một Hoàng Nam. Một người cha bình thường khi nghe tin đứa con đầu lòng ra đời thì vui mừng khấp khởi. Nhưng Ðức Bồ-tát thì ngược lại. Ngài than rằng: "Dây trói buộc đã sanh ra!" Vì vậy, Ngài đặt tên con mình là Rahula, có nghĩa là "Dây Trói Buộc".
Chí xuất gia vẫn không giảm sụt trong tâm ý Ngài. Vào lúc nữa đêm, Ngài yên lặng đến nhìn vợ con lần cuối trước khi giã từ. Lòng từ của Ngài đối với họ thật nhiều. Nhưng tâm từ bi của Ngài đối với chúng sanh đau khổ còn nhiều hơn. Ngài muốn cho mọi người thật nhiều hạnh phúc. Và điều hạnh phúc ấy là hạnh phúc thoát khỏi vòng sanh tử, chấm dứt mọi khổ đau.
Hoàng cung đêm nay thật yên tĩnh. Mọi người đang ngủ say. Ðêm khuya trong vắt như pha lê. Trên trời lấp lánh muôn ngàn vì sao dẫn lối. Với ngọn đuốc thiêng rực sáng trong tim mình, Ngài thắng ngựa thẳng tiến vào màn đêm.
Tầm đạo
Ðức Bồ-tát xuất gia vào lúc hai mươi chín tuổi. Trên đường tầm đạo, đầu tiên Ngài đến học nơi đạo sĩ A-La-Ra. Với kỹ thuật hành thiền của đạo sĩ, không bao lâu Ngài đắc sở học tối cao của vị này, đó là chứng thiền vô sở hữu xứ. Ðây là cõi thiền vô sắc, rất hạnh phúc bình an. Nhưng Ngài biết rằng sự chứng đạt này vẫn còn nằm trong vòng sanh tử. Không thỏa mãn, Ngài đi tìm đường lối tu luyện cao siêu hơn.
Gặp đạo sĩ U-Ða-Ka, trong vài ngày hành thiền, Ngài cũng đạt sở học tối hậu của vị này, đó là chứng thiền phi-tưởng-phi-phi-tưởng. Ðây là mức chứng đạt cao nhất mà các đạo sĩ thời ấy có thể đạt được.
Xét lại tâm mình, Ngài thấy ô nhiễm não phiền vẫn chưa dứt bỏ. Ngài biết rằng mức độ chứng đạt này cũng vẫn còn nằm trong phạm vi sanh tử của thế gian. Ngài từ giã thầy U-Ða-Ka, quyết chí tự mình tìm đường đạo.
Gặp năm vị đạo sĩ đang chuyên cần tu theo phương pháp khổ hạnh, Ngài cũng thực hành theo. Sáu năm tinh tấn hành khổ hạnh, Ngài chịu nóng, chịu lạnh, thực hành nhiều cách khổ đau. Ăn uống quá ít oi, một hôm Ngài đuối sức té ngã gần như chết. Tỉnh lại, nhận thức rằng con đường khổ hạnh hành xác không phải là con đường giải thoát, Ngài tắm rửa rồi dùng thực phẩm trở lại. Từ đó Ngài chọn lối tu bằng con đường Trung Ðạo, là con đường không theo ái dục, cũng chẳng ngã về khổ hạnh hành hạ xác thân.
Thành đạo
Một hôm, khi đang ngồi tham thiền dưới gốc đại thọ, Ngài được nàng Sujata để cơm sữa đề hồ trong bát vàng dâng cúng. Dùng cơm xong, Ngài thả bát vàng xuống sông phát nguyện: "Nếu như ta chứng được đạo quả bồ-đề thì bát vàng hãy trôi ngược dòng sông!" Thật nhiệm mầu! Cái bát như có linh tính liền ngược dòng trôi trở lên.
Phấn khởi, Ðức Bồ-tát chọn ngồi tham thiền dưới một cội cây tỏa bóng râm rộng lớn. Ngài nguyện: "Cho dù thịt có khô và máu có cạn, nếu không giác ngộ ta quyết không rời nơi đây!".
Với lời nguyện vững chắc, Ngài tĩnh tọa tham thiền dưới cây đại thọ. Không bao lâu tâm Ngài đi vào các tầng thiền định mà lúc trước Ngài đã thành công. Trong đêm khuya yên lặng, với tâm định tỉnh, thanh tịnh, nhẹ nhàng, Ngài dùng chánh niệm quán chiếu sự sanh diệt trong nhiều kiếp trước. Ngài thấy một kiếp, hai kiếp, rồi mười kiếp, hai mươi kiếp, rồi hai ngàn kiếp, hai trăm ngàn kiếp. Ngài thấy vô số kiếp. Ngài thấy sự sanh diệt của thế giới, hết thế giới này đến thế giới khác, các thế giới nối tiếp nhau sanh diệt không cùng. Ðây là Túc Mạng Minh mà Ngài chứng được trong canh đầu.
Những gì không biết về quá khứ đã được tận diệt. Minh tuệ phát triển, Ngài hướng chánh niệm quán sát sự sanh diệt của chúng sanh. Với tuệ nhãn thanh tịnh, Ngài thấy chúng sanh chết chổ này tái sanh chổ kia. Ngài thấy chúng sanh trong các nẻo tử sanh thọ khổ thọ lạc tùy theo nghiệp báo. Người giàu sang quí phái, kẻ hạ tiện bần cùng, mỗi mỗi đều thọ nhận quả báo do nhân lành hoặc dữ mà họ đã tạo. Nghiệp tốt hay xấu đi theo họ như bóng theo hình. Những ai sống theo đường lối tà vạy, cướp của, giết hại chúng sanh, tà dâm vọng ngữ, uống rượu mê say phải bị đọa sanh vào ác đạo. Những ai có chánh kiến, biết hướng thượng, có bố thí, trì giới, tham thiền thì được tái sanh làm người giàu sang hay thành chư thiên hưởng hạnh phúc dài lâu. Ðây là Thiên Nhãn Minh mà Ngài đắc được vào canh hai.
Những gì không biết về tương lai đã được xóa tan. Trí tuệ Ngài càng sáng tỏ. Ngài hướng chánh niệm nhìn vào sự tận diệt của ô nhiễm trong tâm. Ngài thấy rõ rằng: "Ðây là khổ, đây là nguyên nhân sanh khổ, đây là sự chấm dứt đau khổ, và đây là con đường dẫn đến nơi tận diệt mọi khổ đau". Trí tuệ này là Lậu Tận Minh, biết rằng đã hoàn toàn diệt sạch ô nhiễm trong tâm. Ðạo quả Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác đã viên thành.
Lang thang bao kiếp luân hồi,
Tìm không gặp kẻ xây ngôi nhà này!
Ôi! Ðời sống thật buồn thay!
Bèo mây bến cũ vần xoay lối về.Hỡi này anh thợ nhà kia!
Rui, mè, kèo, cột gãy lìa nát tan.
Bao tham ái thảy tiêu tan
Tâm ta thắng đạt Niết-bàn thảnh thơi.(Pháp Cú câu 153-154 - Tâm Cao phổ thơ)
Sao mai vừa mọc. Ngày này cũng là ngày trăng tròn tháng tư âm lịch, đồng với ngày Ðức Bồ-tát đản sanh. Lúc này Ngài vừa tròn ba mươi lăm tuổi. Vầng dương quang hoan hỉ đón mừng vị Pháp Vương vừa thành đạo. Ðức Phật đã chứng đạt đạo quả Vô Thượng Bồ-đề. Tự thân Ngài hào quang sáu màu tỏa ra ngời sáng. Ngài sẽ đem lại con đường mà Ngài tìm ra cho chúng sanh.
Từ nay chúng sanh sẽ có duyên đi đến nơi dứt khổ như Ngài. Thật là hạnh phúc! Ðất trời trổi nhạc, muôn hoan đón mừng. Chư thiên từ muôn ngàn thế giới hội về rãi hoa đảnh lễ Ðức Phật. Họ hoan hô chúc mừng sự thành công của Ngài. Thành kính, chư thiên đảnh lễ Ngài: Namo tassa Bhagavato Arahato Samma-sambuddhassa. (Nghĩa: Con thành kính đảnh lễ Ðức Thế Tôn, Ngài là bậc cao thượng đã tận diệt ô nhiễm. Ngài đã tự tìm ra con đường giải thoát và đã được giác ngộ hoàn toàn).
Truyền đạo
Từ đó về sau, Ðức Phật không ngừng truyền bá giáo pháp của Ngài cho chúng sanh. Từ các hàng vua chúa thượng lưu đến những kẻ bần cùng trong ngõ hẹp, từ những dạ-xoa hung ác đến các vị chúa trời nhiều dục lạc và tà kiến phạm thiên, tùy theo căn duyên của chúng sanh mà Ngài hướng dẫn Con Ðường. Trong bốn mươi lăm năm hoằng pháp, Ngài đem lại hạnh phúc thoát khổ cho vô số chúng sanh. Ngài dạy chúng ta lý Tứ Diệu Ðế:
"Ðây là khổ
Ðây là nguyên nhân sanh khổ,
Ðây là sự dứt khổ,
Và đây là con đường đi đến nơi chấm dứt khổ đau."Nhập Niết-bàn
Bốn mươi lăm năm sau, khi Ðức Phật được tám mươi tuổi, Ngài nhập Niết-bàn trước sự chứng kiến của rất nhiều Thánh Nhân đệ tử của Ngài, loài người lẫn chư thiên. Ngày ấy cũng là ngày rằm tháng tư âm lịch, cùng ngày Ðức Phật đản sanh và ngày Ngài chứng quả Bồ-đề.
Trước khi Ðức Phật nhập Niết-bàn, Ngài dạy: "Này Ananda, hãy lấy chính con làm hải đảo của con. Chính con làm nơi nương tựa cho con. Không nên ỷ lại nơi ai khác để làm chổ nương tựa. Hãy bám sát giáo pháp như một hải đảo. Bất luận ai, này Ananda, dầu trong hiện tại hay sau khi Như Lai đã viên tịch, lấy chính mình làm hải đảo cho mình, không nương tựa nơi nào ở ngoại cảnh, chính những người ấy trong nhóm môn đệ của Như Lai, này Ananda, sẽ đạt đến mức cao tuyệt đỉnh. Nhưng những người ấy phải tận lực gia công để tiến hóa".
Cuối cùng, trước khi giã từ, Ngài dạy: "Này các đệ tử, đây là điều ta dạy các con: Các pháp hữu vi thật không bền vững. Hãy chuyên cần tinh tấn hành đạo, chớ có dễ duôi".
Chúng ta cần phải làm gì?
Ðể tưởng niệm đến công ơn của Ðức Thế Tôn, chúng ta đón mừng ngày Ðức Phật đản sanh (cũng là ngày Ðức Phật thành đạo và nhập Niết-bàn). Ðây là ngày quan trọng nhất cho các hàng phật tử trên toàn thế giới. Chúng ta cúng dường hương hoa đến Ðức Thế Tôn, nguyện rằng mỗi mỗi chúng ta đều cố gắng thực hành theo lời dạy của Ðức Phật. Người Phật tử tại gia thì siêng năng thực hành bố thí, trì giới, tham thiền. Tu sĩ thì chuyên cần giữ giới, tham thiền, hướng tâm đến trí tuệ giải thoát.
Ðiều quan trọng thực tế là chúng ta cần có chánh kiến, tin tưởng và biết rõ nghiệp quả, làm phước hưởng phước, làm ác chịu khổ. Tà kiến cần được loại bỏ. Trong bốn mươi lăm năm Ðức Phật dạy đạo, Ngài luôn khuyên chúng ta nên tự mình tinh tấn tu hành để đi đến nơi thoát khổ.
Bát-Chánh Ðạo, con đường thoát khổ Ngài dạy đã rõ ràng. Vậy, chúng ta cần phải đi theo hướng chỉ của Ngài để đem lại hạnh phúc cho mình và người. Khi thật sự có thực hành Phật Pháp thì không những chúng ta đạt được nhiều hạnh phúc mà còn làm cho Giáo Pháp của Ðức Phật được truyền bá dài lâu. Có làm vậy thì chúng ta mới xứng danh là người con của Ðức Phật.
Pháp Bảo của Ðức Phật vẫn mãi còn với chúng ta. Mỗi khi thực hành Pháp Bảo, có chánh niệm đưa tâm về với sự bình yên trong sạch là chúng ta sống với tỉnh thức, với giải thoát, với Phật Ðà.
Cuối cùng, chúng ta đồng cầu nguyện cho mình và tất cả đều đạt được đạo quả giải thoát.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Sadhu! Sadhu! Lành thay!
Tỳ kheo Na Tiên
Thiền thất Quán Minh
Falls Church, Virginia, USA
tháng 5-1999