BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Giáo lý Nguyên thủy Phật giáo

Hòa Thượng Thích Thanh Kiểm


LGT: Hòa Thượng Thích Thanh Kiểm du học ở Nhật Bản vào đầu thập niên 50, năm 1962 về nước, năm 1963 Ngài cho xuất bản Lịch Sử Phật Giáo Ấn Ðộ và Lịch Sử Phật Giáo Trung Quốc, hai quyển sách rất có giá trị về Giáo lý và lịch sử truyền bá đạo Phật. Hòa Thượng là Phó Ðại Diện Miền Vĩnh Nghiêm Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất kiêm trú trì Tổ Ðình Vĩnh Vĩnh Nghiêm Sàigòn. Ngài là bậc chân tu, uyên thâm giáo điển, tài cao, đức trọng.

Bài nầy trích từ quyển "Lịch sử Phật Giáo Ấn Ðộ", xin trân trọng giới thiệu với quý độc giả.

Nguyệt san Phật Học, tháng 5-1999

 

1. Giáo lý căn bản của Phật giáo

Ðức Thế Tôn, trong khoảng 45 năm, Ngài tuyên dương chánh pháp, mục đích duy nhất là để cứu vớt chúng sanh thoát khỏi bể sinh-tử trầm luân, tới chốn niết bàn, thường trụ, an-lạc. Nói tóm lại, tức là chuyển mê khai ngộ, nên giáo lý của Ngài một mặt chú trọng về phương diện trí tuệ, một mặt chú trọng pháp thực tiễn tu hành. Pháp thực tiễn tu hành tức là pháp môn Tứ Ðế: Khổ Ðế, Tập Ðế, Diệt Ðế, và Ðạo Ðế.

Pháp Tứ Ðế là kết quả của sự thực nghiệm tu hành mà Ðức Thế Tôn đã chứng ngộ được ở dưới cây Bồ Ðề. Vì mục đích lợi tha, nên sau khi thành đạo, trước hết Ngài khai-thị pháp Tứ Ðế ở vườn Lộc Dã để độ năm người đệ tử đầu tiên. Tiếp sau, đi các nơi thuyết pháp độ sinh, Ngài nương vào căn cơ của thính chúng nên giáo pháp của Ngài nói ra hoặc cao, hoặc thấp, hoặc nông, hay sâu khác nhau, nhưng tựu trung cũng đều bắt nguồn từ pháp môn Tứ Ðế.

2. Tứ đế

Tứ Ðế còn gọi là Tứ Thánh Ðế (Catvàri-árya-satyàni), hay Tứ-Chân-Ðế, gọi tắt là Tứ Ðế. Ðế nghĩa là chân thực nên Tứ Ðế được gọi là bốn chân-lý như thực.

1- Khổ Ðế (Dukka-satya) - Trong thế giới hiện-thực này, bất cứ loài hữu tình hay vô-tình, đều ở trong chân tướng khổ não. Căn cứ vào lời Phật dạy thì con người trước hết có bốn cái khổ lớn, tức là Sinh (Jàtir), Lão (Jarà), Bệnh (Vyàdihir), Tử (Marana); tiếp sau, người thân yêu bị xa cách, gọi là "Ái biệt ly khổ"; điều mong cầu lại không toại nguyện, gọi là "Cầu bất đắc khổ"; chấp trược vào năm yếu tố: Sắc, Thụ, Tưởng, Hành, Thức, bị nó nung nấu khổ sở, gọi là "Ngũ ấm thịnh khổ". Vì đầy rẫy sự khổ sở, không có một chút khoái lạc, xét cho cứu kính là cái thế giới khổ não. Hết thảy chúng sinh vì hôn mê không biết, chấp trược ham đắm vào dục lạc ở thế gian cho là sung sướng, nên cứ chìm đắm vào bể khổ, bị sinh tử luân hối mãi không có kỳ-hạn giải thoát. Ðức Thế Tôn, Ngài nhận chân thấy cuộc đời là khổ, thế giới thì sinh, trụ, dị, diệt, vô-thường, nên Ngài đã nói ra Khổ Ðế.

2- Tập- Ðế (Samudaya-satya) - Tập nghĩa là tập-hợp, chứa góp những chân tướng khổ não làm nguyên nhân cho hiện tại và tương lai. Căn cứ vào lời Ðức Thích Tôn giáo huấn, thì thế giới vạn hữu hết thảy đều y vào sự quan hệ giữa nguyên-nhân và kết-quả mà sinh hay diệt, ngay cả đến sự tượng nhỏ bé li ty chăng nữa cũng không tránh khỏi luật nhân-quả. Con người vì sinh trong thế giới vô-thường, nên tất cả mọi sinh-hoạt của con người thường gặp những điều không như ý, nhiều khổ não. Tất cả mọi hiện tượng khổ não, không phải là ngẫu nhiên, mà đều lệ thuộc vào Tập-nhân rồi theo luật nhân-quả chi phối. Tập-nhân tức là "vô-minh", vì y vào vô-minh nên sinh ra chấp-trược, sinh ra dục-vọng, tạo thành các nghiệp ác về Thân, Khẩu, Ý và các nghiệp khác, nên trở thành "Nghiệp". Nghiệp (Karma) tức là nghiệp-lực, nó có cái sức tích-tập, nên trở thành nghiệp-nhân, các nghiệp tương ứng với nghiệp nhân gọi là nghiệp quả, đưa đến khổ báo, gây thành khổ quả. Tóm lại, cận-nhân của quả khổ là nghiệp, và viễn-nhân của quả khổ là vô minh, hay là "hoặc". Vậy nên quả khổ của hiện-tại, là do hoặc và nghiệp ở quá khứ mà sinh, quả khổ vị-lai là do hoặc và nghiệp của hiện-tại mà có. Quả khổ được tồn tại là do hoặc và nghiệp cứ liên tiếp không ngừng. Vì thế, ba thứ "Hoặc", "Nghiệp", "Khổ" cứ làm nhân lẫn nhau, gây thành quả khổ vô-cùng vô-tận, nên gọi là Tập-Ðế.

3- Diệt-Ðế (Nirodha-satya) - Diệt-đế là giải-thoát-luận và cũng là lý-tưởng-luận của Phật-Giáo, Khổ đế và Tập-đế là nguyên-nhân và kết-quả của khổ não, Diệt-đế là phương-pháp diệt trừ khổ-quả và khổ nhân, đưa chúng sinh tới chỗ Niết-Bàn thường trụ. Căn cứ vào giáo lý của Ðức Phật, thì khổ quả của con người là do nghiệp làm cận-nhân, nghiệp nương vào hoặc mà sinh, hoặc lấy vô-minh làm nguyên nhân căn-bản. Từ vô-minh sinh ra ngã tưởng, y vào ngã tưởng sinh ra chấp trược, nhận thế-giới vô-thường là thực-tại, nên sinh ra vọng-tưởng, vọng-tưởng là cơ-bản để sinh ra mọi phiền não, gây ra mọi nghiệp nhân, tạo thành cái quả khổ sinh tử. Vì vậy, nếu muốn diệt khổ quả, trước hết phải đừng tạo nghiệp nhân, muốn không tạo nghiệp-nhân, trước hết cần phải diệt ngã-tưởng. Ngã tưởng đã đoạn, thì nhận được chân tướng của thế-giới là bản lai vô ngã. Biết được chân-tướng của thế-giới là Bản-lai vô-ngã, tức là ngã tưởng đoạn-diệt, cắt đứt được xiềng xích luân hồi, thoát mọi khổ não trong bể sinh tử, không bị luân-hồi trong lục-thú, tới chốn giải thoát Niết-Bàn, đó là Diệt-Ðế.

4- Ðạo-Ðế (Màrga-satya) - Giáo lý dùng làm nguyên-nhân để đạt tới quả Giải-thoát Niết-bàn, tức là những pháp môn thực-tiễn tu-hành, thuộc Ðạo-Ðức luận của Phật-Giáo. Căn cứ vào giáo-lý của Ðức Phật để đạt tới quả Niết-Bàn, thì không giống như Thuật-thế ngoại-đạo, thiên chấp về khổ-hạnh hay khoái lạc, mà là pháp môn Trung-đạo (madhya-pratipada). Pháp môn Trung-đạo này, Ðức Phật nương vào thời cơ mà nói ra, như khi sơ chuyển pháp luân, Ngài nói giáo lý bát chánh đạo, khi nhập niết bàn, Ngài nói "tam thập thất phẩm trợ đạo". Ðể quy định cách thức tu hành và hành vi hàng ngày cho các đệ-tử, nên Ngài lại nói ra giới luật hay thiền-định .v.v..

Vậy nên người tu hành trước hết phải giữ giới để thân tâm được thống nhất, không bị mọi vọng niệm khuấy động, do công phu đó mà trí-tuệ được phát-sinh, thấu suốt được chân tướng của thế giới, diệt trừ được mọi hoặc, nghiệp, khổ.

Trong Pháp-môn Tứ Ðế thì Khổ Ðế (quả) và Tập Ðế (nhân) là nhân quả thế gian; Diệt Ðế (quả) và Ðạo Ðế (nhân) là nhân quả xuất thế gian.

3. Mười hai nhân duyên

Mười hai nhân duyên là giáo lý nội-quán của Ðức Phật khi thành đạo. Sau khi thành đạo, Ngài căn cứ vào lẻ sinh khởi của khổ giới là Khổ Ðế và Tập Ðế mà lần lượt nói ra sự nhân quả quan hệ của nó cho 12 thứ, được gọi là duyên-khởi, hoặc 12 chi, hay 12 nhân duyên. Ðối với giáo lý của Phật giáo, 12 nhân duyên chiếm một vị trí rất quan-trọng.

Giải thích về 12 nhân-duyên có nhiều phương pháp khác nhau. Nay căn cứ vào phương pháp Tam Thế Phối Ðẳng để giải thích đại khái như sau:

Trước hết, chi "Lão-Tử" (Javà-marana) của vị-lai phải chịu, là từ chi "Sinh" (Jàti) ở vị-lai mà có; chi "Sinh" ở vị-lai là kết-quả về tích tập mọi nghiệp của hiện-tại là "Hữu" mà có; chi "Hữu" (Bhava) thì nương vào sự chấp trược của "Thủ" mà có; chi "Thủ" (Upàdàna) nương vào sự tham ái về sự vật của "Ái" mà có; "Ái" (Trsna) nương vào sự cảm giác khổ vui của "Thụ" mà có; chi "Thụ" (Vedanà) nương vào sự xúc tiếp với ngoại cảnh của "Xúc" mà có; chi "Xúc" (Sparsa) nương vào sự xúc tiếp về sáu cảm quan của "Lục nhập" mà có; "Lục nhập" (Sad-áyatana) nương vào sự kết hợp giữa thân và tâm của "Danh sắc' mà có; "Danh sắc" (Nàmarũpa) nương vào sự tác dụng nhận thức phân biệt của "Thức" (Vijnãna) mà có; nhưng thân thể của hiện tại thì đều do kết quả về nghiệp ở quá khứ đã tạo là "Hành" (Samskàra); "Hành" nương vào "Hoặc" tức là "Vô-minh" (Avidyà) mà sinh ra. Như vậy, nguyên nhân căn bản của mọi khổ não tức là "Vô-minh"; gọi là căn bản vô minh".

Trong 12 chi, Sinh và Lão-Tử là hai quả vị-lai, nguyên nhân trực tiếp của hai quả này là ba chi: Ái, Thủ, Hữu, gọi là ba nhân của hiện tại. Năm chi Thức, Danh sắc, Lục nhập, Xúc, và Thủ là nguyên nhân gián tiếp cho hai quả vị-lai, đồng thời cũng là kết quả về nghiệp của quá khứ, nên còn gọi là năm quả của hiện tại. Sau hết, Vô-minh và Hành là hai nhân ở quá khứ. Như vậy, ba đời quá khứ, hiện tại, và vị-lai trở thành mối quan hệ nhân quả lẫn cho nhau, gọi là tam thế lưỡng trùng nhân quả. Nếu phối đáng với ba thứ Hoặc, Nghiệp, Khổ, thì hai quả của vị-lai và năm quả của hiện tại là "Khổ", Hữu và Hành là "Nghiệp" của quá khứ và hiện tại; Thủ, Ái và Vô-minh là "Hoặc" của quá khứ và hiện tại. Khổ, Hoặc, và Nghiệp cũng quan-hệ lẫn nhau, nên tạo thành một vòng tròn tuần hoàn không ngừng, 12 nhân duyên cũng nương vào nhau để tạo nhân kết quả, chấp thành mối giây liên-lạc vô-cùng vô-tận.

Mười hai nhân duyên như trên đã thuật, là phép tư-duy nội quán của Ðức Phật ở dưới cây Bồ-Ðề. Ngài đã chứng ngộ, biết được nguyên nhân căn bản của mọi khổ là do Hoặc tức là Vô-minh, nên Ngài đã đoạn diệt hết vô-minh và chứng được đạo quả giải thoát. Vậy nên, nếu Vô-minh diệt tức là Hành diệt, Hành diệt tức là Thức diệt, Thức diệt tức Danh sắc diệt, Danh sắc diệt tức Lục nhập diệt, Lục nhập diệt tức Xúc diệt, Xúc diệt tức Thụ diệt, Thụ diệt tức Ái diệt, Ái diệt tức Thủ diệt, Thủ diệt tức Hữu diệt, Hữu diệt tức Sinh diệt, Sinh diệt tức Lão tử mọi khổ đều diệt, đạt tới cảnh giới Niết Bàn giải thoát.

4. Thế giới quan

Ðức Thích Tôn, Ngài quan sát thế gian theo hai dạng thức khác nhau, tức là hiện thực thế giới quan, và lý tưởng thế giới quan. Hiện thực thế giới quan là thế giới sinh tử, mê vọng, khổ não; lý-tưởng thế giới quan là thế giới Niết Bàn, thường trụ an lạc. Hai thế giới này được khu-phân là căn cứ vào sự chi phối của nhân duyên có hay không. Về hiện thực thế giới thì nương vào nhân duyên mà có, vì nương vào nhân duyên mà có, nên là thế giới vô-thường (Aniccatà), có sinh-diệt biến hóa, thuộc thế giới hữu-vi (Samskrta) ; lý-tưởng thế giới thì không bị nhân duyên chi phối, nên là thế giới thường trụ, không sinh diệt biến hóa, thuộc thế giới vô-vi (Asamskrta).

Về thành phần để thành lập thế giới thì có vật và tâm, và sự quan hệ giữa vật và tâm, hay là không phải vật và cũng không phải tâm, chia ra làm 5 yếu tố, gọi là ngũ uẩn (Pảnca-skandàh). Uẩn có nghĩa là tích tụ.

1- Sắc uẩn (Rùpa-skadha) - Tổng thể của vật chất, có tính cách chướng ngại, trước hết là bốn nguyên tố: Ðịa, Thủy, Hỏa, Phong, sau là do sự kết hợp của 4 nguyên tố đó thành ngũ quan là Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân và đối cảnh của ngũ quan là ngũ trần: Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc.

2- Thụ uẩn (Vedanà-skadha) - Sự cảm thụ của ngũ căn đối với ngũ uẩn, sinh ra mọi cảm giác như khổ sướng, vui buồn.

3- Tưởng uẩn (Samjnã-skadha) - Sự tưởng tượng và tư-duy về hình dáng của sự vật, sau tác dụng của căn đối với cảnh.

4- Hành uẩn (Samakàra-skadha) - Sự quan-hệ tác-dụng của tâm và tâm-bất-tương-ứng-hành, khởi ra mọi hành động thiện ác.

5- Thức uẩn (Vijgãna-skadha) - Thức-uẩn là tác-dụng của tinh-thần, để nhận thức và phân biệt mọi trạng thái của tâm đối với cảnh, tức là ý-thức, bản thể của tâm.

Năm uẩn đều có cái công-năng tạo-tác và kết-hợp đẻ thành-lập thế-giới. Vì nương vào sự kết hợp khác nhau, nên sinh ra thế giới hữu-tình và vô-tình, thiên hình vạn trạng sai khác nhau. Sự kết hợp của ngũ uẩn thì không nhất định, nương vào nhân duyên mà kết hợp, cũng lại nương vào nhân duyên mà ly tán. Vì lý do kết hợp, ly tán, nên ước vào thời gian thì không thường trụ, ước vào không gian lại không cố định. Tóm lại, về hiện tượng của thế giới hữu-vi là biến hóa vô-thường, nên gọi là chư-hành vô-thường.

Chư-hành vô-thường là chân tướng của thế giới hiện thực, là thế giới của sinh-diệt biến hóa, phủ nhận sự tồn tại của ngã, là chủ thể duy nhất. Ngã chẳng qua chỉ là cái quá trình của sinh diệt biến hóa, chỉ tạm thời tồn tại, ví như nước chảy, bọt nổi đều không có thực thể, mà tưởng tượng là thực thể, thực hữu, thì chỉ là sự mê vọng, cho nên gọi là "chư pháp vô-ngã".

Chúng sinh không biết, nhận thế giới là thường trụ, tưởng tượng là có ngã, chấp trược thành ngã-tưởng, sinh ra mọi thứ hoặc, tạo ra mọi thứ nghiệp, gây ra mọi sự Khổ, nên gọi là Nhất-thiết giai-khổ. Nếu biết được "chư hành vô-thường", "chư pháp vô-ngã", "nhất thiết giai-khổ", tức là đoạn diệt được mọi "Hoặc", "Nghiệp", "Khổ", tới chốn niết-bàn Tịch-tịnh.

Thế giới tuy chia ra hữu-vi và vô-vi, khổ và vui, vô-thường và thường trụ, sinh tử và niết bàn, nhưng chỉ là nương vào sự có Ngã tưởng, hay không có Ngã tưởng mà thành lập. Nếu khởi tâm có Ngã tưởng, thì đồng thời cũng sinh ra hiện tượng giới của nhân sinh diệt, gây thành thế giới hữu vi khổ não. Trái lại, nếu diệt được Ngã tưởng, thì đồng thời cũng giải thoát được cái quan hệ nhân duyên sinh diệt tới cõi vô vi an lạc. Vậy nên pháp Vô Ngã Quán chiếm một địa vị trọng yếu trong Phật giáo./.

Thích Thanh Kiểm
(trích "Lịch sử Phật giáo Ấn độ")


Source: Phật-Học Magazine, Kentucky, U.S.A., http://www.win.net/phathoc/


[Trở về trang Thư Mục]