BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Sa môn sợ rừng vắng

Nhựt Chiếu


 

Sợ hãi, khiếp đảm là một nỗi khổ lớn của loài hữu tình. Riêng con người cũng có rất nhiều sự lo sợ: Trẻ con sợ bóng tối, sợ roi vọt,..., người lớn sợ thất bại, sợ mất mát, sợ cô đơn,... Chỉ có bậc Thánh nhân là được tự tại, vô ưu, vô úy trước mọi hoàn cảnh. Ðọc thiền sử chúng ta thấy nhiều vị thiền sư sống một mình trong rừng sâu vẫn an nhàn vô sự, vẫn điềm tĩnh vô ngại trước cảnh núi rừng hùng vĩ thâm u, cọp gầm vượn hú, nhất là những đêm tối tăm dầy đặc, khí núi lạnh lùng, rừng thiêng linh dị,...

Trong thời đức Phật, các vị Tỳ kheo thường sống trong cảnh vắng. Có nhiều vị tu tập theo hạnh đầu đà thường ở gốc cây, gò mả, hang động, rừng núi một mình. Như vậy nhờ đâu mà họ sống đời tịnh lạc không sợ hãi, khiếp đảm trước cảnh vắng vẻ hoang vu?

Bà la môn Janussoni đã nêu lên vấn đề này khi người đến chiêm ngưỡng đức Phật: "Tôn giả Gotama, thật khó kham những nhân trú xứ xa vắng trong rừng núi hoang vu! Thật khó khăn đời sống viễn ly! Thật khó thưởng thức đời sống độc cư. Con nghĩ rằng núi làm rối loạn tâm trí vị Tỳ Kheo chưa chứng thiền định" [Trung Bộ, kinh số 4].

Ðức Phật xác nhận lời phát biểu của bà la môn Janussoni là đúng. Sau đó Ngài giải thích vì sao sự sợ hãi, khiếp đảm và bất thiện khởi lên nơi một Tỳ Kheo, khi sống tại xứ trú xa vắng, đồng thời trình bày kinh nghiệm của Ngài, khi còn là Bồ tát, về cách diệt trừ sợ hãi và các pháp bất thiện để chứng đắc thiền định, thành tựu trí tuệ và hoàn toàn giải thoát.

Ðức Phật bảo bà la môn Janussoni rằng: những sa môn hay bà la môn nào mà thân, khẩu, ý nghiệp vọng động, mạng sống không thanh tịnh, bị tham dục, sầu hận, hôn trầm, trão cử nghi ngờ chi phối, lại khen mình chê người, nhu nhược run rấy, tham muốn danh lợi, thích người cung kính, mong cầu danh vọng, biến nhác, thất niệm, vọng động, đần độn, khi sống tại những nơi xa vắng, vì bị nhiễm trước các nghiệp bất thiện nói trên, chắc chắn sự sợ hãi, khiếp đảm và bất thiện khởi lên.

Còn Ngài, khi còn hành đạo Bồ tát, Ngài tự quán sát thấy mình thanh tịnh, không bị các phiền não chi phối, là một trong những bậc thánh, nên cảm thấy lòng tự tin được xác chứng hơn, khi sống trong rừng núi.

Tỳ kheo thường phải sống ở những nơi hoang vắng đã tu tập thiền quán, được xem như một nhu cầu thiết yếu, nhưng sự sợ hãi khiếp đảm và các ác pháp có thể phát sinh bất cứ lúc nào, gây trở ngại hay phá vỡ công phu tu tập, khi sự thể nhập thiền định chưa sâu. Ðó là một chướng ngại trên đường giải thoát.

Ðể khắc phục trở ngại này đức Phật đã trình bày kinh nghiệm của mình trong quá khứ, hầu giúp các vị Tỳ kheo học tập, ứng dụng trong đời sống tu hành. Ðức Phật cho rằng muốn trở thành một người vô úy trước cảnh hoang vu kinh hãi không gì khác hơn là trang bị cho mình một lý tưởng vị tha, yêu thương muôn vật, với tất cả sự hiểu biết và quyết tâm thực hiện con đường đã vạch, thì dù sợ hãi có đến với mình cũng được hóa giải kịp thời Ðức Phật đã kể lại kinh nghiệm chinh phục sợ hải này bằng cách ban đêm vào ngày 14, 15 hay mùng 8, Ngài đến các trú xứ hãi hùng, lông tóc dựng ngược, như đến những tự miếu tại các thảo viên hay trong rừng núi. Tại những nơi ấy khi có tiếng động phát ra chỉ có một con thú, một con chim hay một cơn gió làm rơi cành lá, cũng làm cho Ngài khởi lên ý nghĩ: "Nay sự sợ hãi khiếp đảm đã đến". Ðể chặt đứt ý nghĩ này, Ngài tự suy nghĩ: "Sao ta ở đây, chỉ để mong đợi sự sợ hãi, khiếp đảm chớ không gì khác?". Nói lên điều đó là lập lại mục đích và lý tưởng cao cả của mình, nhắc nhở mình luôn luôn phải chiến thắng mọi chướng nạn để đạt đến sự thanh tịnh nội tâm, vì đó là con đường duy nhất để đưa đến giác ngộ. Lập tức Ngài kiên quyết diệt trừ ,sự sợ hãi dù xảy ra đến bất cứ trường hợp nào một cách trực tiếp bằng ý chí và sự minh triết của mình. Ngài bảo: "Này bà la môn, trong khi ta đi kinh thành qua lại, sợ hãi khiếp đảm ấy đến. Này bà la môn, ta không đứng. Ta không ngồi, ta không nằm, nhưng ta trừ diệt sự sợ hãi khiếp đảm ấy trong khi ta đi kinh hành qua lại...".

Có người triết phục sợ hãi bằng tự kỷ ám thị, không dám nhận chân thật, như nghĩ rằng ngày giống như đêm, đêm giống như ngày. Ðức Phật không chấp nhận điều này, Ngài bảo những người ấy sống trong si ám. Trái lại phải chân chính nghĩ rằng ngày là ngày, đêm là đêm và phải tự tìm nơi mình với tư cách là "vị hữu tình không có si ám, sinh ra ở đời vì hạnh phúc cho muôn loài, vì an lạc cho muôn loài, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho loài Trời và loài người". Với niềm xác tin ấy, Bồ tát Sĩ Ðạt Ta nhiếp phục sợ hãi, khiếp đảm và bất thiện ngay khi chúng mới bắt đấu manh nha.

Kết quả tất nhiên là sự sợ hãi và phiền não chấm dứt thì niềm an lạc tự hiện ra. Với sự tinh cần tỉnh giác, thân được khinh an, tâm được định tĩnh chuyên nhứt, Bồ tát lần lượt chứng và trú từ sơ thiền đến tứ thiền. Sau đó tiếp tục dẫn tâm, hướng tâm đến các loại trí và sau cùng chứng được lậu tận thông. Bấy giờ, cánh cửa giải thoát hoàn toàn mở ra, mọi sợ hãi và phiền não được chấm dứt.

Bài kinh này giới hạn sự sợ hãi ở vị Tỳ kheo khi cư trú nơi hoang vắng. Thật ra một vị Tỳ kheo còn nhiều sợ hãi khác nữa. Nhưng nhìn chung sự sợ hãi phát xuất từ nơi khiếm khuyết của chính mình. Nếu ba nghiệp thân, khẩu, ý thanh tịnh, mang sống chơn chánh, năm món che đậy không còn, các tính ha liệt vị kỷ đần độn chấm dứt, nhất là chúng ta ban rải tình thương đến muôn loài vật thì không còn ai là đối tượng thù nghịch của chúng ta. Một vị Tỳ kheo đã sẵn sàng như thế đi vào rừng với lý tưởng bẽ gãy phiền não, tịnh hóa thân tâm hầu đạt được sự giác ngộ hoàn toàn, thì cảnh núi rừng không còn làm rối loạn tâm trí của vị Tỳ kheo nữa.

Nhìn lại sự sợ hãi của con người, chúng ta thấy có nhiều nguyên nhân, nhưng cách giáo dục và môi trường sống là quyết định hơn cả. Ỏ Ðông phương nền giáo dục năng về trừng phạt, đe dọa với mục đích gây cho người được dạy dỗ sự kinh sợ để họ cố gắng và phục tùng. Khi còn bé ở trong gia đình cha mẹ anh chị thường nhác "mèo cồ", "ông kẹ"... làm cho đứa trẻ khiếp sợ mà thôi đòi hỏi khóc la. Lớn lên nó biết những đối tượng đó là gì, nhưng "dấu ấn sợ" vẫn in sâu trong tâm thức. Ngày nay ở nhà trường của ta không còn áp dụng lối trừng phạt như xưa, song sự thay đổi quá nhanh, trẻ con chưa chuẩn bị kịp cũng gây sự xáo trộn tương phản giữa gia đình và nhà trường. Nguy cơ trong một gia đình mà cha và mẹ có lối dạy bảo khác nhau cũng gây những phản ứng tâm lý trái ngược cho đứa trẻ, mà hiệu quả giáo dục cũng không đạt được yêu cầu. Môi trường sống bất lợi, yếu kém, thua thiệt, nghèo nàn, dốt nát... cũng góp một phần lớn hình thành "tánh sợ" của con người.

Tóm lại, sợ hãi, khiếp đảm là một "tánh yếu" làm cho con người mất sự an lạc, mất sự điềm đạm bình tĩnh, nó gây trở ngại rất nhiều trong đời sống của chúng ta. Muốn vượt qua nhược diểm này, cá nhân không những phải tự gỡ bỏ những "dấu án sợ", tự rèn luyện tịnh hóa thân tâm mà gia đình, xã hội cũng phải hạn chế những nguyên nhân đưa đến sợ hãi cho con người.

Nhựt Chiếu


Source: LotusNet Production, http://www.lotuspro.net


[Trở về trang Thư Mục]