BuddhaSasana
Home Page
This document is
written in Vietnamese, with Unicode Times font
Xá Lợi Phất (Sàriputta)và Mục Kiều Liên (Moggallàna) là hai bạn tâm giao từ thuở nhỏ, lớn lên theo San-xa-dạ (Sanjaya) học đạo, nhưng không hài lòng với giáo thuyết hoài nghi, bất tín nhân quả của vị đạo sĩ này, do đó, cả hai quyết định giã từ đạo sĩ, tiếp tục lên đường tìm thầy tu học. Một hôm,thấy trưởng lão Át Bệ (Assaji) đang khất thực trong thành Vương xá với từng bước khoan thai, chánh tâm quán niệm, Xá Lợi Phất tự nhủ:
-- Ta chưa bao giờ thấy một tu sĩ nào hiền hòa uy nghi như thế. Ngài chắc là đã chứng quả A-la-hán hoặc trên đường tiến đến vị A-la-hán. Ước gì ta được thân cận bên Ngài, Ngài xuất gia với ai? Ai là thầy của Ngài? Ngài theo giáo thuyết nào?
Nhưng rồi Xá Lợi Phất liền nghĩ:
-- Bây giờ không phải lúc tham vấn vị tu sĩ này. Ngài đang khất thực. ta nên lặng lẽ theo sau Ngài. Những ai muốn làm môn đồ đều phải tình nguyện dõi theo từng bước chân đi của Thầy.
Khất thực xong,trưởng lão Át Bệ định ngồi dưới một tàng cây thọ thực. Xá Lợi Phất vội tiến ra phía trước, thi lễ và xin được phép trải tọa cụ hầu ngài. Xong bữa, Xá Lợi Phất dâng nước cho trưởng lão và sau đó bày tỏ niềm hân hoan tiếp chuyện với ngài. Xá Lợi Phất tán thán:
-- Thân tướng của sư huynh trông thanh tịnh trang nghiêm làm sao! Sắc diện của sư huynh sao mà hồng hào trong sáng thế! Sư huynh xuất gia với ai? Ai là thầy của sư huynh? Sư huynh theo giáo thuyết nào?
Trưởng lão Át Bệ tự nghĩ:
-- Các vị du sĩ thường không mấy thân thiện với đạo giáo của ta. Ta sẽ chứng tỏ cho vị du sĩ này nhận ra chỗ thâm diệu uyên áo của giáo Pháp Phật-đà.
Ngài tỏ vẻ khiêm tốn:
-- Thưa huynh, tôi mới xuất gia tu học, hãy còn là một sa di, chưa tiếp cận được mấy với giới luật kinh văn, do đó khó mà lý giải giáo pháp một cách tường tận.
-- Thưa sư huynh, bần đạo là Xá Lợi Phất, xin sư huynh giảng nói ít nhiều gì cũng được. Bần đạo có thể nhận ra yếu nghĩa bằng trăm ngàn cách.
Trưởng lão Át Bệ bèn đọc câu thứ nhất trong bài kệ bốn câu:
- Các pháp do duyên sanh.
Ðôi mắt của Xá Lợi Phất bỗng dưng sáng lên, miệng mĩm cười và trực nhận được lý duyên sanh của vạn hữu. Ðể nhấn mạnh ý nghĩa của giáo pháp, trưởng lão đọc hết bài kệ:
Các pháp do duyên sanh
Lại cũng có duyên diệt
Thầy ta là đức Phật,
Thường thuyết giảng như vậy.Không còn nghi ngờ gì nữa, Xá Lợi Phất hỏi:
-- Bạch trưởng lão, Thầy của sư huynh hiện giờ ở đâu?
-- Tại tu viện Veluvana, thưa huynh.
-- Thế thì mời thượng tọa về trước. Bần đạo còn một người bạn đã từng giao ước với nhau rằng nếu ai tìm ra chánh đạo, người ấy phải báo cho người kia biết. Bần đạo sẽ đưa người bạn đó đến xin quy y với đức Thế Tôn và xin được hân hạnh cùng tu tập với thượng tọa.
Nói xong Xá Lợi Phất sụp lạy dưới chân trưởng lão, đi 3 vòng quanh ngài theo chiều kim đồng hồ, rồi ngõ lời tạm biệt ngài để về gặp Mục Kiền Liên.
Thấy Xá Lợi Phất từ xa đi lại, Mục Kiền Liên lòng hân hoan phơi phới và tự nhủ:
-- Hôm nay nét mặt của bạn ta sao mà tươi sáng thế! Chắc là Xá Lợi Phất đã tìm ra chánh đạo. Mục Kiền Liên hỏi ngay và được Xá Lợi Phất đáp:
-- Vâng, thưa huynh, tôi đã tìm ra chánh đạo, tôi đã nhận ra diện mục của bất tử vô sanh. Xá Lợi Phất đọc lại bài kệ của trưởng lão Át Bệ và được Mục Kiền Liên hỏi:
-- Thế Thầy của chúng ta giờ ở đâu?
-- Tại tu viện Veluvana.
-- Vậy chúng ta cùng đến diện kiến Ngài.
Ðể tỏ lòng biết ơn Thầy cũ, Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên đến thăm đạo sĩ San-xa-dạ với dụng ý thuyết phục ông theo họ đến quy y Phật. Nhưng vưà thấy hai người, San-xa-dạ cất tiếng hỏi: -- Xin chào, hai bạn tu hành đắc đạo rồi chứ?
-- Vâng thưa Thầy! chúng tôi đã thấy đức Phật xuất hiện trên đời. Chánh pháp đã được thuyết giảng và giáo hội đã được thành lập. Thầy đang làm một cuộc hành trình phi chân, vô vọng. Hãy theo chúng tôi đến cầu đạo đức Thế Tôn. Chúng tôi khuyên Thầy với lòng chân thành cảm mến.
-- Các bạn đi đi, ta không thể đi đâu!
-- Vì sao?
-- Ta đã là đạo sư thuyết giảng trước bá quan vạn dân, nay bỗng dưng làm đồ đệ người khác, chuyện đó khôi hài và phi lý lắm! Ta không thể nào làm cái chuyện bê nước pha trà cho Thầy nữa.
-- Thưa Thầy, hiện nay biết bao vua chúa thần dân cung kính cúng dường đức Thế Tôn.
-- Các bạn nghĩ xem, trên thế gian này số người nào đông hơn, hạng ngu si hay giới thông thái?
-- Thưa Thầy, hạng ngu si thì nhiều, giới thông thái thì ít.
-- Vậy thì hãy để cho những ai thông thái đến với Gô-ta-ma, còn bọn ngu si thì hãy đến với kẻ đần độn này. Các bạn đi đi, ta không đi đâu cả!
-- Chúc Thầy sẽ trở thành một đạo sĩ danh tiếng!
Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên cáo lui, đồ chúng của San-xa-dạ liền tan rã. Thấy môn đệ ly tán, cảnh vật điêu tàn, San-xa-dạ uất ức ho lên mấy tiếng và máu trong miệng ông vọt ra xối xả. Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên hướng dẫn 250 du sĩ thẳng đến tu viện Veluvana. Bấy giờ đức Thế Tôn đang thuyết pháp giữa đại chúng, thấy hai du sĩ từ xa đi lại, Ngài dang tay, nói:
-- Này các thầy Tỳ kheo, hai bạn Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên đến kìa, hỡi hai đệ tử vĩ đại của ta!
Hai vị tu sĩ đảnh lễ đức Thế Tôn và thưa:
-- Bạch đức Thế Tôn, chúng con đến đây với mục đích duy nhất là xin được xuất gia tu học với đại chúng. Mong đức Thế Tôn từ bi chấp thuận cho chúng con.
Ðức Thế Tôn nói:
-- Hãy đến đây, này các thầy Tỳ kheo, chánh pháp đã được thuyết giảng một cách tốt đẹp. Hãy sống đời phạm hạnh thì hết sạch khổ đau.
Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên liền có y bát như hai vị trưởng lão đã tu hành cả trăm năm. Với sự hiện diện của hai vị đại đệ tử này, chánh pháp được thuyết giảng mỗi ngày một thêm lan rộng, mặc dù Mục Kiền Liên sau bảy ngày và Xá Lợi Phất sau mười bốn ngày quy y thọ giới mới chứng đạt thánh quả và thành tựu trí tuệ viên mãn.
Một hôm, nhân lúc thuyết giảng về lý vô thường, vô ngã và duyên sanh, đức Thế Tôn hỏi Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên vì sao từ giã giáo thuyết và phương pháp tu hành của San-xa-dạ. Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên thuật lại quá trình thao thức, kiếm tìm chân lý, đặc biệt là đụng phải tà kiến hoài nghi, bất tín nhân quả của San-xa-dạ. Sau đó, đức Thế Tôn đọc kệ:
Phi chân tưởng chân thực,
Chân thực thấy phi chân,
Ai ôm ấp tà vọng,
Không bao giờ đạt chân.Chân thực biết chân thực,
Phi chân biết phi chân,
Ai nuôi dưỡng chánh niệm,
¡t hẳn đạt được chân. (Pháp Cú, 11-12)Tịnh Minh dịch
Source: Nhóm Phật tử Vạn Hạnh sưu tập, LotusNet Production, http://www.lotuspro.net