BuddhaSasana
Home Page
This document is
written in Vietnamese, with Unicode Times font
Sống trong Phật Pháp
Ajahn Chah
Thích Hải Tâm trích dịch
Không ít người vẫn còn chưa biết bản chất của sự thực tập thiền định là gì. Họ nghĩ rằng thiền hành, ngồi thiền và nghe pháp là thực tập. Ðiều này không sai, nhưng đây chỉ mới là cái vỏ của sự thực tập. Thực tập thực sự là những lúc tâm đối với cảnh. Khi nói rằng tôi thích cái này hoặc không thích cái kia nghĩa là chúng ta đang sống với những cảm thọ bằng lòng, thỏa mãn (lạc thọ) hay bực bội (khổ thọ). Chính lúc này là lúc phải thực tập. Ta sẽ phải làm như thế nào với chúng? Ðây là điều hết sức quan trọng. Nếu chúng ta cứ chạy lòng vòng rêu rao về những hạnh phúc suốt đời thì thật là phí, vì nó không có ý nghĩa gì cả.
Khi gặp một điều bất như ý, con người thường bực bội. Ta phải làm gì khi bị người khác chỉ trích? Trước hết, hãy bình tĩnh để lắng nghe xem họ nói những gì, có đúng không? Có thể những lời nói đó bắt nguồn từ một cái cớ nào đó, và có thể nó đúng hoặc không. Nếu đó là khuyết điểm, ta nên cố gắng trừ bỏ để hoàn thiện chính mình. Ðây là cách mà những người thông minh sẽ thực tập.
Nơi nào có sự rối rắm là nơi ấy an lạc có thể nảy sinh. Vì thiếu sự hiểu biết, người ta thường không chấp nhận những lời phê bình. Họ tảng lờ hoặc tranh cãi gay gắt. Ví dụ về cách cư xử của người lớn đối với trẻ con. Trẻ con đôi khi có những lời nói rất thông minh nhưng nhiều bậc cha mẹ lại không chấp nhận, bởi đơn giản một điều vì họ là người lớn (và hẳn nhiên là phải hơn trẻ con)! Ðây là những suy nghĩ không đúng.
Vào thời kỳ đức Phật tại thế, Ngài có một vị đệ tử rất thông minh và khéo léo. Một hôm, đức Phật đang thuyết pháp bỗng Ngài đứng dậy rồi quay sang một vị Tỳ kheo và hỏi :"Này Xá Lợi Phất, con tin điều này chăng?" -- Tôn giả Xá Lợi Phất đáp rằng :"Không, bạch đức Thế Tôn, con chưa tin điều này". Và lúc đó đức Phật liền khen ngợi :"Thật là tốt, này Xá Lợi Phất, con là người có thiên tư rất thông minh. Một người thông minh thì không bao giờ sẵn sàng tin vào mọi điều, anh ta sẽ lắng nghe bằng tinh thần cởi mở, rồi cân nhắc sự thật của vấn đề trước khi quyết định tin hay là không tin".
Ðức Phật là một tấm gương sáng về mẫu mực của một người thầy. Những gì mà Tôn giả Xá Lợi Phất nói là đúng, Ngài chỉ đơn giản nói lên những cảm nghĩ thật của mình. Một vài người có suy nghĩ rằng, khi ta nói lên những điểm mà ta không tin đối với lời dạy của bậc thầy, điều đó như là một sự xúc phạm với thầy, nên họ ngại nói những điều như thế. Họ chỉ im lặng và đồng tình. Qua câu chuyện trên, đức Phật đã gửi đến cho chúng ta một bức thông điệp rằng, Phật tử phải là người có trí tuệ, phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi tin vào bất kỳ một điều gì. Ðừng có bảo thủ, cố chấp vị trí xã hội của mình, ta có thể học hỏi bất cứ ở đối tượng nào, ngay cả ở những em bé nhỏ.
Hãy nhìn vào những cảm thọ của mình, ta sẽ thấy những duyên cớ nổi lên ý nghĩ thích hay không thích thật là trớ trêu. Con người trong xã hội thường nói và suy nghĩ theo trí nhớ, Phật pháp đòi hỏi con người phải nhìn nhận đúng sự thật. Và như thế, để giải thích sự thật cho mọi người chấp nhận không phải là chuyện dễ. Do đó, hiểu được Phật pháp là khó khăn. Nếu ta hiểu được Phật pháp, ta sẽ thực tập mà không cần phải đợi trở thành một tu sĩ, mặc dầu cuộc sống của người tu sĩ rất thuận lợi để thực tập.
Nhưng nếu chúng ta đang bị ràng buộc bởi gia đình và những trách nhiệm khác thì làm sao có thể thực tập? Không ít người nghĩ rằng, hình thức cư sĩ thì không thể thực tập Phật pháp. Ðó là ý tưởng hoàn toàn sai lầm. Dù với cương vị nào, nghề nghiệp nào, là giáo viên, bác sĩ, người giúp việc... ta cũng có thể thực tập ngay trong mỗi giây phút của cuộc sống, nó như hơi thở của mỗi người. Ta ý thức những điều mà mắt, tai, mũi... của ta cảm thọ được. Tâm nảy ý tưởng thích thú, ta biết đó là ý tưởng thích thú; khi khổ thọ nảy sinh, ta nhận diện chúng ngay...
Ta có thể tìm thấy hạnh phúc ở đâu trong thế giới này? Không lẽ ta trông chờ mọi người cư xử tốt đẹp với ta suốt cả đời sao? Ðiều đó là không thể có. Nên biết rằng, cuộc sống là đơn giản, ta phải biết được sự thật của nó. Ðức Phật đã từng sống trong thế giới này chứ không ở đâu khác. Ngài đã từng có gia đình nhưng Ngài đã nhận ra những giới hạn và ràng buộc của nó. Thế tại sao ta còn nghi ngờ về khả năng thực tập của người cư sĩ?
Không ít người đi giảng chỉ để nghe mà thôi, nghĩa là họ không thực sự lắng nghe, người thì tán gẫu những chuyện đâu đâu, người thì phì phèo thuốc lá... Nghe pháp trong tâm trạng" khi nào thì thầy giảng xong nhỉ?..." thì làm sao mà có kết quả?
Giá trị của Phật pháp không phải ở trong sách vở mà ở trong đời sống kinh nghiệm của mỗi cá nhân. Nếu ta nhận biết Phật pháp ngay trong ta, ta mới thấy được chân lý.
Hạnh phúc và an lạc hiện hữu ngay trong cuộc đời này. Phải kiếm tìm bằng cách thực tập không ngừng trong từng phút giây hiện tại, ở bất cứ vị trí xã hội nào, chắc chắn bạn sẽ cảm nhận hương vị ngọt ngào của chánh pháp -- sự sống.
Ajahn Chah ("Living Dhamma")
Thích Hải Tâm trích dịch
Source: Nhóm Phật tử Vạn Hạnh sưu tập, LotusNet Production, http://www.lotuspro.net