BuddhaSasana
Home Page
This document is
written in Vietnamese, with Unicode Times font
Gương Soi
Dr. Akong Tulku Rinpoche
Dr. Akong Tulku Rinpoche là một Thiền Sư đạo hạnh của dòng Karma Kagyu, Phật Giáo Tây Tạng. Ngài đã đến phương Tây vào năm 1963, và cùng với Chogyam Trungpa Rinpoche, thành lập Trung Tâm Thiền Tây Tạng Kagyu Samye Ling ở Ái Nhĩ Lan, một trung tâm Thiền Tây Tạng lâu đời nhất ở phương Tây. Ngài cũng là một bác sì đã được huấn luyện về y học dân tộc Tây Tạng.
-o0o-
Khi chúng ta đi tìm hạnh phúc ở bên ngoài, đó là một sai lầm. Ta có thể tìm đến bao điều mới lạ để làm giàu thêm kinh nghiệm sống của mình, ngay cả đi du lịch khắp nơi trên quả địa cầu, nhưng rồi ta vẫn nhìn mọi việc bằng con mắt "cũ" của mình. Chính những tư duy và cảm thọ của chúng ta tạo nên cái nhìn về thế giới ta đang sống.
Khi ta cố gắng thay đổi thế giới theo cái nhìn hay sự mong mỏi của riêng mình, chắc chắn là ta sẽ thất bại. Nếu trời đang mưa, ta không thể bắt trời nắng chỉ bằng ao ước; nhưng điều ta có thể làm được là nhìn lại mình để xem cái gì trong ta làm ta thấy khó chịu vì mưa. Ðiều đó không có nghĩa là ta phải thay đổi cá tánh của mình -- chúng ta đã có cá tính rồi. Nói một cách thực tế, cái chúng ta cần là một tấm gương soi cho ta biết ta thực là ai, và ta có thể sửa đổi như thế nào để được tốt hơn.
Từ bấy lâu nay chúng ta có khuynh hướng tạo cho mình nhiều khuôn mặt (mặt nạ). Mỗi khuôn mặt cho một hoàn cảnh khác nhau, nhưng chúng ta chưa bao giờ tự soi gương mặt thật của mình, có thể vì chúng ta quá cận ảnh thì khó nhìn cho rõ. Ngược lại chúng ta hay nhìn người chung quanh, và khi nhìn thấy một gương mặt đẹp đẽ nào đó, ta hình dung ra mình cũng như thế.
Tuy nhiên, "mặt nạ" của ta cũng có lúc bị rơi xuống, hay ta quên không mang nó lên, lúc đó ta mới thoáng thấy hình dáng thực sự của nó ra sao. Thường thì sự thật quá đau lòng đến nỗi ta không chịu đựng được. Ta vội vã che đậy nó lại. Vì chúng ta đã quen thay đổi mọi thứ đến nỗi ta không thể chấp nhận chính chúng ta. Trong lúc đó, dưới tấm mặt nạ, gương mặt thật của ta đang thối rữa vì thiếu không khí, ánh sáng, vì chúng ta không bao giờ nghĩ đến việc lau chùi nó cho sạch sẽ.
Bề ngoài ta có vẻ như là một người tốt, nhưng chính con người bên dưới chiếc mặt nạ mới cần được thanh tịnh hóa. Nếu thật sự tâm ta trong sáng, thì ta rất hữu ích cho người ở chung quanh ta. Tuy nhiên, giả bộ tốt bên ngoài, mà bên trong xấu xa, thì không ích lợi gì cho chính ta và kẻ khác.
Ðàng sau tấm mặt nạ là cái Ngã ta cần phải hiểu và tu sửa. Tất cả chúng ta đều mang một tên gọi là "Tôi" nhưng thật ra ta không hiểu mình là ai. Khi ta ban cho ai một thứ gì, dầu là một miếng bánh mì nhỏ, là ta đã nghĩ mình quá tốt, quá hữu ích, đến nỗi ta cứ nhớ mãi đến hành động đó một thời gian dài. Ngược lại, nếu ta làm điều gì xấu, ích kỷ, ta cố gắng quên ngay lập tức. Chúng ta có khuynh hướng tạo nên một hình ảnh giả tạo về con người mình để tự an ủi bản thân. Hành động tự lừa dối mình rất khó để kiểm soát -- đó là lý do tại sao ta cần cái gương soi.
Ở Tây Tạng, có một vị Ðại sư rất nỗi tiếng, ngài Lodro Thaye Jamgon Kongtrul Ripoche, đã nói về vấn đề này như sau: "Khi tôi nhìn các vị truyền giáo, tôi thấy bên ngoài họ có thể ăn mặc lịch sự, nói năng hoạt bát, nhưng khi tôi nhìn vào tâm họ, họ giống như những con rắn độc. Mỗi khi họ gặp hoàn cảnh khó khăn, hay trở ngại, lúc đó tâm thực sự của họ mới hiện ra. Giống như các con rắn độc sẽ cắn, dầu bên ngoài thấy nó điềm tĩnh; họ cũng sẽ hành động nếu có điều gì đó cản trở, đe dọa họ".
Ðiều đó, dĩ nhiên không có nghĩa hễ rắn là xấu; rắn có khả năng để trở thành xấu hay tốt, nhưng vì lòng sợ hãi, ghen ghét hay u mê, nó có thể trở nên nguy hiểm khi nó cảm thấy bị đe dọa. Cũng thế, khi chúng ta nhìn thấy cái xấu trong ta, do u minh tạo nên, chúng ta có thể sửa đổi nó thành trí tuệ. Khi chúng ta có thể quay vào bên trong để tự soi tâm mình, và thanh tịnh hóa tâm, là ta đã tìm được con đường đạo, và tất cả mọi hoàn cảnh bên ngoài tự nhiên dễ dàng để ta ứng phó bằng những phương cách tích cực và hữu hiệu.
Ðiều quan trọng là ta phải có thái độ công bằng đối với những gì ta nhìn thấy trong gương. Chỉ nhìn thấy những mặt xấu thì cũng tai hại và vô ích như chỉ nhìn thấy những mặt tốt đẹp của chúng ta. Chỉ nghiêng về những mặt tiêu cực của cá tính có thể dẫn đến sự trầm cảm nặng nề và tuyệt vọng. Chúng ta có thể quan sát mình trong gương soi mà không kết án những gì ta thấy, hay muốn đập vỡ cả gương. Ngược lại, ngó lơ hay che giấu những mặt xấu của chúng ta, chỉ làm cho chúng thêm sức mạnh, dẫn đến những dồn nén bên trong, để rồi một ngày nào đó nó vỡ tung.
Ngày nay phần lớn nhân loại đều phẫn nộ trước vũ khí hạt nhân, trong khi đó có một loại vũ khí hạt nhân khác lúc nào cũng hiện hữu trong tâm ta. Mỗi ngày, cái Ngã tạo nên tự ái, ganh tỵ, sân hận, ham muốn và căm thù, dẫn đến sự sợ hãi và xung đột ở mọi mặt, làm hại cho chính chúng ta và cả tha nhân. Ðể vô hiệu hóa vũ khí hạt nhân hay các phản ứng của nó, không thể chỉ có việc đem chôn giấu nó và ước muốn nó sẽ biến mất đi. Cũng thế, để dập tắt những động lực xấu xa trong ta, ta phải tháo gỡ, làm tiêu chúng với sự cẩn trọng và khéo léo, bằng những phương tiện của lòng từ và tình thương. Công việc khó khăn này cần được làm với lòng kiên nhẫn và thái độ không bám víu.
Những gì chúng ta đã học được bằng cách nhìn vào "gương" có thể rất hữu ích trên con đường tu đạo, nhưng trước hết chúng ta phải biến chúng thành một phần của kinh nghiệm đời sống của ta, chứ không phải là một cái gì riêng rẽ. Vì nếu ta không thực sự hòa tan vào trí tuệ tình thương vừa được khơi dậy, thì cũng giống như chúng ta vừa mang một chiếc mặt nạ mới.
Và tất cả những khám phá của chúng ta phải được áp dụng vào thực tế. Không ích lợi chi nếu ta bỏ ra một tiếng đồng hồ ngồi suy gẫm về việc buông bỏ lòng ghen ghét, và khi hết giờ ngồi thiền, ta lại để bị lôi kéo vào những tình cảm ghen ghét thì thật hoài công. Những gì ta đã suy gẫm phải được áp dụng vào đời sống hàng ngày, vào những hoàn cảnh ta phải đối mặt trong cuộc đời.
Thêm nữa, cho dầu ta có thể học hỏi, sư tầm rất nhiều pháp, với tất cả lòng chân thành; nhưng nếu chúng không liên hệ hay có thể được ứng dụng trong hoàn cảnh của riêng ta thì cũng vô ích. Giáo dục trường lớp và các khả năng tri thức có thể phần nào giúp ta hiểu và đương đầu với nhiều hoàn cảnh trong đời; nhưng có được một tâm rộng mở thì quan trọng hơn.
Dầu trong mỗi chúng ta ai cũng đều có khả năng thông cảm và yêu thương, nhưng nếu ta không phát triển những đức tính này cũng như không đem chúng áp dụng vào cuộc đời, thì cũng bằng như không có. Một kẻ giàu mà không biết sử dụng đồng tiền của mình, cũng không bằng người nghèo mà biết cách dùng tiền một cách hữu ích.
Vì thế ta cần có chánh niệm, sử dụng những gì ta có một cách hữu hiệu. Thí dụ, chỉ biết đến tình cảm ghen ghét bên trong ta, chưa đủ. Ta còn cần phải có sự cố gắng và khéo léo để điều phục và hoán chuyển nó. Bằng cách đó lòng tự tin và sức mạnh của ta được tăng trưởng, cảm tưởng nghèo nàn và vô ích sẽ biến mất, nhường chỗ cho sự giàu sang của tâm hồn và lòng tự trọng. Nếu ta sử dụng chiếc gương soi, dần dần ta sẽ nhận rõ được những sự tiến bộ của mình, chứng tỏ có sự phát triển tâm linh, và sự đau khổ chúng ta phải chịu đựng trước đó sẽ dần dần biến mất.
Từng bước, từng bước một, ta sẽ có thể xác định và làm vô hiệu hóa những chất độc nội tâm, những trạng thái tiêu cực của tâm đã khiến cho cuộc đời càng thêm khó sống. Không có ai có thể làm chủ được thế giới bên ngoài, nhưng chúng ta có thể đánh bại sân hận, tự ái, ham muốn, lòng căm ghét và ganh tỵ... Những kẻ đã khiến chúng ta thêm cách xa cuộc đời. Lúc đó ta sẽ không còn cảm thấy cuộc sống đối nghịch với ta. Chúng ta sẽ thấy dễ chịu với chính mình, với thế giới quanh ta, và ta sẽ có thể giúp đỡ những người sống quanh ta. Tất cả mọi người, mọi việc đều trở nên thuận lợi, hữu ích đối với chúng ta, cũng như ngược lại.
Sống với một chiếc gương soi luôn ở trước mặt, không phải là chuyện dễ; nhưng để hiểu và giải quyết những vấn đề của chúng ta trong cuộc sống, ta cần phải chịu đựng một số khó chịu, bực bội. Sức mạnh của thói quen khiến chúng ta dễ phán đoán và cố sửa đổi người khác; vì thế phải đối mặt với chính lỗi của mình và sửa đổi chúng có thể làm cho chúng ta cảm thấy e sợ. Cũng là một điều tự nhiên khi ta sợ điều ta chưa biết; hướng giải quyết là phải tìm hiểu và làm bạn với chính mình, giống như người luyện tập thú, trước hết phải lấy được lòng tin của con vật.
Phương pháp để tu sửa bản thân này không phải là những lời nói dễ dãi đầu môi, nó phải được xuất phát từ trong lòng một cách chân thành, quyết liệt. Vậy chúng ta hãy bắt tay vào việc phân loại những vấn đề của mình. Chúng ta phải chế ngự tâm và rèn luyện chính mình. Nếu không ta sẽ tiếp tục thấy cuộc đời khó sống, đổ lỗi cho người và hoàn cảnh khi có việc làm chúng ta phiền hà, bực bội. Lúc đó ta lại phải phân loại hàng triệu người để đối phó, không phải một. Vì thế thay vì cố gắng thay đổi người khác, ta hãy "nhìn vào gương soi", và sửa đổi chính mình.
Huyền Quang dịch, 1998
(Lược dịch theo The Mirror, trích trong Taming The Tiger, NXB Inner Traditions)