BuddhaSasana
Home Page
This document is
written in Vietnamese, with Unicode Times font
Xấu và tốt tùy thuộc vào cách giải thích của từng cá nhân, nhưng nhìn chung, một cuộc đời tốt được đánh giá qua việc tinh tấn tích lũy nhiều đức hạnh và giảm thiểu nghiệp xấu. Nửa cuộc đời của mỗi con người mà làm được như thế đã là đáng quý lắm rồi. Một ngày dành một phần tư thời gian cho những tư tưởng tốt và hành động thiện dĩ nhiên là tốt hơn cả ngày lao vào những việc làm bất thiện. Phát triển trong chiều hướng này, dù có sức cùng lực kiệt, thậm chí có thể mất đi sinh mạng này, nhưng hôm nay ta vẫn có một cuộc đời tích cực và hữu ích.
Xác định thế nào là thiện và bất thiện có ý nghĩa rất quan trọng; bởi không xác định được điều này, con người sẽ rất lúng túng khi hành động và tư duy; hay nếu nhận thức sai sẽ dẫn đến việc làm lầm lạc. Kết quả là đầu óc trống rỗng, không có an lạc trong tâm hồn.
Thông thường thiện và bất thiện - hay tốt và xấu được lý giải theo tinh thần khát ái và chấp thủ. Một cuộc sống tốt được đánh giá qua những thành đạt, sự giàu có, sở hữu nhiều thứ, con cháu đầy đàn, giao lưu rộng rãi...
Con người tự trong sâu thẳm luôn tìm kiếm một trạng thái bình an, thỏa mãn trong tâm thức, nhưng họ không biết phải làm sao để đạt đến đó. Những phương pháp trong đời sống chỉ mang tính chất nhất thời, bởi họ thiếu sự giáo dục về mặt tinh thần, mặc dù con người luôn thực sự tha thiết điều đó, song rốt cuộc vẫn là những ý tưởng thống thiết, như trong lời bài ca mà Rolling Stones đã từng hát: "Bình an ơi, sao tôi không có được".
Theo tôi, ngay cả khi bạn từ bỏ những cám dỗ thường tình cũng chưa hẳn đã có sự bình an. Thể xác bạn có thể đang "ẩn dật" trong rừng vắng hay thiền viện và đang tuân thủ những phép tắc đạo đức, từ bỏ mọi lạc thú, tiện nghi ở đời, ngõ hầu được sống trong một môi trường đạo đức thuần túy, nhưng tâm thì vẫn lang thang và vẫn còn khổ đau vì nó còn quyến luyến, bám víu, không thể xa rời những lạc thú trần thế. Không thể có sự tự tại khi tâm mình đang là "bạn tri kỷ" với ái dục và chấp thủ.
Bởi thế, mặc dù thể xác đang ở trong tu viện nhưng tâm thức thì không thể tìm được an lạc trong việc hành trì giới luật và thực tập thiền định. Không tự mình ý thức được điều này thì rất khó mà tu tập, trở thành tu sĩ hay thực hiện tinh thần vị tha.
Sở dĩ không có hạnh phúc bởi vì cách nhìn, quan niệm về hạnh phúc bị dính chặt bởi ái dục ở đời. Tâm được nuôi dưỡng bằng những chướng ngại, nhưng tới lúc con người đạt đến trạng thái bình an thực sự thì không còn chướng ngại nào có thể ngăn trở họ nữa. Song trước hết, tại bây giờ, mọi người hãy nỗ lực, bởi vì chúng ta đang thực tập Phật pháp. Ðiều này bình đẳng với tất cả mọi người. An lạc thực sự, dù chưa thường hằng nhưng vẫn đáng quý; dù tâm trí chưa cắt dứt hẳn với lòng ái dục và chấp thủ, nhưng dẫu sao đây cũng là một hạt giống tốt cho đời sống tương lai và ngay cả trong hiện tại của chính mình và tha nhân.
Ðiều này đòi hỏi thời gian. Bạn phải chuyên cần nỗ lực thực tập thiền định, đừng có tạo tác thêm nghiệp xấu để rồi phải rơi vào những cảnh giới thấp, nên biết rằng, thân người là điều kiện thuận lợi nhất để tu tập và phát triển tuệ giác, nếu để đánh mất thân người thì khó mà có lại được.
Có thể bạn sẽ có ý nghĩ ngược lại, rằng: " Sau bao nhiêu năm nghiên cứu và thực tập Phật pháp - triết lý Phật giáo, được hướng dẫn bởi những bậc Thầy khả kính, nhưng tôi chẳng thấy hạnh phúc tí nào. Những điều này không đem an lạc đến cho tôi, tôi nên thử làm một điều gì khác thì có lẽ tốt hơn". Và thế là bạn trở thành một người không chịu sự kiểm soát của một quy chế nào, không có kỷ cương - một gã hiện sinh tiêu cực.
Bạn trở về với những khoái cảm thể xác, phú quý, bè bạn... và tin tưởng nó sẽ mang sự dễ chịu đến cho bạn, nhưng thực tế chúng chỉ là những ảo giác vì động lực của nó không thể kiểm soát, điều khiển được. Khi ta không nghĩ về nghiệp quả ở tương lai, ta thấy đó là một cuộc sống thú vị; nhưng khi ta nghĩ về tương lai của chính mình, ta sẽ hiểu ra nó không phải là một cuộc sống hạnh phúc thực sự.
Sở dĩ tôi nói như vậy là vì như cách giải thích của tôi ở trước, một cuộc đời hạnh phúc, an lạc là kết quả của động cơ hướng thiện và những hành động thiện.
Ở phương Tây, người ta giải thích rằng, cuộc đời tốt có nghĩa là "Tôi hạnh phúc ngay tại bây giờ". Như thế, con người bị cuốn vào tâm lý tự chiêm ngưỡng, điều này làm cho con người bị ảo tưởng rằng mình là quan trọng. Thực tập Phật pháp không có nghĩa là chối bỏ bản thân; mà ngược lại, đó thực sự là cách tốt nhất để tự chăm sóc của mỗi người.
Thực tập hạnh xả ly giúp cho con người giải thoát khỏi vòng luân hồi luẩn quẩn, khỏi những nhu cầu và khổ đau không cùng tận. Quan sát, trầm tư và thực tập nguyên lý tánh không là phương pháp hay nhất để tự chăm sóc chính mình và nhổ tận gốc rễ những khổ đau. Còn do dự gì nữa! Còn gì tốt hơn, tích cực hơn và hữu lý hơn điều này?
Chúng ta phải vui mừng vì đã gặp được Phật pháp. Giáo lý của Ðức Phật có vô lượng pháp môn tu tập; mọi nghi ngờ, do dự đều được giải tỏa, chúng ta phải thực tập để sớm đạt đến sự tỉnh thức thường hằng trong tâm thức.
Song song với quá trình tự tu tập, người con Phật phải nên phát nguyện phụng sự chúng sinh. Không nói về thiền định như diễn viên trên sân khấu hay người lê mách bên đường, phải tích lũy công đức hành trì và thanh tịnh hóa nghiệp xấu, như thế con người sẽ có được niềm an lạc thực sự, hay nói một cách khác là có được một cuộc đời tốt đẹp ngay hiện tại và mai sau.
Nguyễn Ðức dịch
(Theo "Mandala", Jan - Feb 1998)