BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Tư duy và Hành xử theo Tuệ giác Tam minh

HT. Thích Trí Quảng


 

Giáo pháp vi diệu của đức Phật trải qua hơn 25 thế kỷ vẫn còn là ngọn đuốc soi đường cho con người xây dựng nếp sống an bình, tịnh lạc. Mô hình kiểu mẫu của đức Phật đưa ra nhiều vô số, kinh gọi là 84.000 pháp tu. Tuy nhiên, tất cả pháp ấy đều chỉ rõ vấn đề đau khổ của kiếp sống con người và phương cách diệt khổ.

Thật vậy, sức sống Phật giáo trường tồn mãnh liệt và hiện hữu sáng ngời theo dòng thời gian biến chuyển, chính vì đạo Phật đặt trọn mục tiêu vào việc thăng hoa trí tuệ và đạo đức cho con người. Từ đó, đức Phật hiện thân người, biết rõ thực tại khổ đau của con người và tìm được lối thoát cho con người. Nói khác, đức Phật thành đạo, tìm ra chân lý, thể hiện chân lý trong suốt 49 năm hoằng hoá độ sanh, nên được tôn xưng là bậc Ðạo sư của trời người.

Sau khi đạt quả vị Vô thượng Chánh đẳng giác dưới cội bồ đề, điều gì đã hình thành trong tâm trí đức Phật để Ngài trở thành đấng sáng suốt, trí đức vẹn toàn? Tìm hiểu diễn biến của quá trình tư duy dẫn đến nguồn sống mới, siêu tuyệt trong cuộc đời đức Phật mà kinh điển gọi là Thành Ðạo, chúng ta cần quan sát lại cuộc đời tu hành của Ngài.

Ngược dòng thời gian, hơn 2500 trước, Thái tử xuất thân từ giai cấp vua chúa, nhưng hạnh phúc vật chất không lôi cuốn được tâm trí Ngài . Ngài thường suy tư về con người và thế giới của con người. Sinh hoạt nội tâm ấy mãnh liệt đến độ thôi thúc Ngài từ bỏ cung vàng điện ngọc, dấn thân tìm Thầy học đạo.

Trải qua 5 năm chung sống, tu học với các đạo sĩ danh tiếng và 6 năm thực hành khổ hạnh, Ngài nhận ra các pháp tu ấy làm cùng mằn trí tuệ, luẩn quẩn trong vòng vô minh, sanh tử, khổ đau.

Ngài từ bỏ con đường tư duy và cuộc sống bế tắc cuả ngoại đạo, đến cội bồ đề tham thiền nhập định. Trong 49 ngày, Ngài đạt đến sự toàn giác, thấy rõ và sử dụng được quy luật tạo nên con người và vũ trụ. Trạng thái giác ngộ ấy trải qua ba tầng : đầu đêm, Ngài chứng tuệ giác Túc Mạng Minh, giữa đêm chứng tuệ giác Thiên Nhãn Minh và cuối đêm chứng tuệ giác Lậu Tận Minh.

Tam Minh, tức quá trình tư duy của đức Phật trong đêm Thành đạo đánh dấu sự chuyển đổi quan trọng, từ sa môn Cù Ðàm dấn thân tìm chân lý trở thành bậc Như Lai, Ưng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ thế gian giải, Vô thượng sĩ, Ðiều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật, Thế Tôn.

Khởi điểm từ tư cách của đấng toàn giác, Ngài hoằng hoá độ sanh, tác động cho người sáng suốt, an lạc, giải thoát. Vì vậy, bước theo dấu chân Phật, hiểu rõ những tư duy và việc làm soi sáng bởi Tam Minh của Ngài là điều cần thiết cho chúng ta.

Túc Mạng Minh mà đức Phật chứng đắc không phải là một thứ thần thông huyền bí. Ðó là kiến thức thực tiễn kết tinh từ quá trình tu học, suy tư, ứng nghiệm trong cuộc sống của Ngài. Thật vậy, với bản chất thông minh, hiếu học, từ 16 tuổi Ngài đã tinh thông 4 bộ kinh Vệ Ðà. Lại thêm, trưởng thành trong bối cảnh xã hội Aán Ðộ phong phú các tư tưởng triết học, đạo học khác nhau, càng làm cho Ngài nỗ lực tham cứu. Ngoài ra, tình thương vô hạn với chúng sanh sẵn tràn đầy trong tâm, nên Ngài thường ưu tư về tình trạng bất công của xã hội đẳng cấp, về thân phận cực kỳ bi thảm của hạng người bị xếp vào loại hạ đẳng và nhất là nỗi khổ triền miên ngàn đời của con người trước cảnh sanh, già, bịnh, chết. Tất cả suy tư ấy đã nung nấu, thúc đẩy Ngài dấn thân tìm phương cách đưa người thoát khỏi khổ đau, trầm luân và an hưởng hạnh phúc chân thật, vĩnh hằng. Trên lộ trình học hỏi, tư duy, thiết thân kiểm nghiệm trong 5 năm tìm đạo, 6 năm khổ hạnh và 49 ngày thiền định , Sa môn Cù Ðàm đạt được hiểu biết xác thực đầu tiên: tuệ giác Túc Mạng Minh.

Dưới tuệ nhãn Túc Mạng Minh, Ngài thấy rõ con người và vạn vật đều vận động, biến chuyển không ngừng. Những sự biến đổi ấy không phải do bàn tay Thượng đế xếp đặt mà con người không thể nào biết được. Theo Ngài, con người và vũ trụ hiện hữu, biến đổi hay hoại diệt đều theo lý duyên sinh và định luật nhân quả. Vì vậy, đức Phật phủ nhận sự hiện diện của đấng Tạo hoá toàn năng siêu việt, bác bỏ lý luận siêu hình viễn vông.

Ngài khẳng định con người là chủ nhân của chính mình, là tối thắng vì khả năng tư duy, hiểu biết vô tận của con người có thể nắm bắt và sử dụng quy luật chi phối con người và vũ trụ. Chính đức Phật cũng đứng ở vị trí con người tu học, đắc đạo, giáo hoá độ sanh. Ngài đạt quả vị Vô thượng Ðẳng giác do quá trình học hỏi, tư duy, kế thừa chọn lọc, nói khác, do nỗ lực của trí tuệ tìm được phương cách điều chỉnh nội giới và ngoại giới. Nội giới thì dẹp trừ được tình cảm thấp hèn, tham vọng, tri thức phiền não của con người và phát huy đức tánh cao thượng, hiểu biết của Hiền Thánh. Ngoại giới thì không bị lệ thuộc vật chất và hoàn cảnh sống. Nhờ quá trình huân tu nhân lành như vậy, nên kết thành quả vị Phật là tất yếu; còn chúng sanh khổ đau, trôi lăn trong sanh tử vì quá khứ đã gieo trồng toàn hạt nhân tội lỗi, mê muội, xấu ác.

Ngoài ra, dưới kiến giải của Túc Mạng Minh, đức Phật xác định mọi người đều là Phật sẽ thành, đều có khả năng chuyển mê muội thành hiểu biết sáng suốt. Ðức Phật xuất hiện trên cuộc đời này chính là để hướng dẫn chúng ta phương cách sử dụng khả năng thành Phật của chính mình vậy.

Với tuệ giác Túc Mạng Minh, đức Phật thấy biết chuỗi hạt nhân kết thành thân mạng của Ngài và mọi người từ quá khứ, Ngài tiếp tục suy tư, chứng được tuệ giác Thiên Nhãn Minh, tức hiểu biết hiện tại, thấy được xã hội thực của con người đang sống, nói rộng ra là vũ trụ.

Dưới ánh sáng của Thiên Nhãn Minh, đức Phật khẳng định tất cả pháp đều theo nhân duyên sanh, không có cái gì tồn tại độc lập riêng biệt. "Do cái này có, cái kia có, do cái này sanh, cái kia sanh", đó là quy tắc giải thích hiện hữu các pháp theo lý duyên khởi.

Vì các pháp hiện hữu do nhân duyên hoà hợp, mà nhân duyên thì trùng trùng duyên khởi, nên thực tại khách quan cũng luôn luôn biến chuyển. Vì vậy, đức Phật dạy chúng ta không nên chấp chặt vào điều gì, coi là chân lý bất biến. Ngay như giáo lý của Ngài, đức Phật cũng thường nhắc nhở nên coi đó như chiếc bè để qua sông. Lời Phật dạy thể hiện tinh thần phóng khoáng cao tột, khuyến khích mọi người phát huy khả năng sáng tạo, nhạy bén của trí tuệ, kích thích cho nhận thức, tư duy phát triển. Ðồng thời giúp mọi người thấy biết đúng đắn, khách quan, tức như thị tri kiến. Có đạt đến như thị tri kiến, tức thấy biết các pháp theo biến chuyển của sự vật khách quan, từ đó hành động phù hợp với thực tại khách quan, không bị phiền não, vọng tưởng chi phối, mới có thể tạo thành an lạc, hài hoà với người, với thế giới chúng ta đang sống.

Do tuệ giác Túc Mạng Minh và Thiên Nhãn Minh hướng dẫn, tức hiểu biết quá khứ và nhận thức hiện tại đều chính xác, dẫn đến hướng đi trong tương lai tươi sáng, lợi lạc cho đời, gọi là Lậu Tận Minh.

Sau khi Thành đạo, trong suốt 49 năm hoằng hoá độ sánh, mọi việc làm của đức Phật đều bắt nguồn từ quá trình tu chứng Tam Minh. Những gì Ngài chỉ dạy người đều là thành quả sống thực của Phật. Với như thị tri kiến, Ngài hiểu rõ khả năng, hành nghiệp của người, nên lần lượt giáo hoá được mọi tầng lớp xã hội từ bậc vua chúa, trưởng giả, trí thức đến người cực ác, người cùng tột nghèo khổ, thất học.

Bằng tuệ giác thực chứng Tam Minh, đức Phật không những dạy chúng ta thấy và hiểu các pháp đúng như thật, mà điều quan trọng nhằm đưa ra phương cách hiểu và sống đúng như thật để chúng ta được an lạc cho bản thân và tác động lợi ích cho đời.

Ngày nay, tuy đức Phật vắng bóng trên cuộc đời, nhưng tinh hoa của Ngài vẫn ngời sáng trong lời vàng thước ngọc còn lưu lại, tức Pháp thân. Tinh thần Chân, Thiện, Mỹ của đức Thế Tôn được lưu truyền, triển khai theo bước chân hoằng hoá của hàng hàng lớp lớp đệ tử qua từng thế hệ, ở khắp năm châu.

Riêng tại Việt Nam, ánh sáng tuệ giác Tam Minh của đức Từ Tôn đã được các Thiền sư, cư sĩ Phật tử tiếp tục thắp sáng, tạo thành những trang sử vàng son cho Phật giáo Việt Nam. Tiêu biểu như ở thời Lý Trần, vua quan và Thiền sư đã khéo vận dụng tuệ giác và sống đúng như thật, qua những đóng góp quan trọng vào việc giữ gìn đất nước độc lập, xây dựng phát triển quốc gia. Những thành quả tốt đẹp, đáng kể, do Phật giáo tạo dựng, còn lưu lại dấu ấn ở nhiều lĩnh vực, vang danh trong lịch sử nước nhà.

Thiết nghĩ, trên lộ trình sinh mệnh tương tục của Bồ Tát đạo, an trú trong tư duy và hành xử theo tuệ giác Tam Minh của đức Thế Tôn là lộ trình tất yếu mà Tăng Ni Phật tử cần tinh tấn nỗ lực nương theo, phát huy để lợi lạc cho bản thân và chúng hữu tình, không cô phụ công ơn giáo dưỡng của đấng Từ phụ và các bậc Thầy Tổ.

HT. Thích Trí Quảng


Source: Dharma Lotus Home Page, http://members.aol.com/HungPham9/DharmaLotus.html


[Trở về trang Thư Mục]