Buddhasasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Bát Phong Xuy Bất Ðộng

Sư cô Như Thủy


 

Sau đây là bài thuyết pháp "Bát Phong Xuy Bất Ðộng" của Sư cô Như Thủy. Ðạo hữu Lưu Minh Quyền đã chép lại từ băng ghi âm, đạo hữu Châu Ngọc đã đánh máy lại, và đạo hữu Minh Quang (BuddhistI@aol.com) gửi đăng trên diễn đàn truyền thông vn-buddhism@saigon.com ngày 14-06-1998

-oOo-

Hôm nay tôi xin nói với quý vị một đề-tài mà khi còn là một cư-sĩ tôi thắc mắc; đó là khi tôi đọc về kinh-điển của Nam Phương -- cũng như của Bắc Phương Phật-giáo -- trong đó có nói về Ðức Phật sơ-sinh, tức là Ðức Phật ngồi ở tượng chúng ta thờ đây (Ðức Phật Thích Ca).

Theo như trong sử nói, lúc Ngài mới sinh ra thì từ ở trên hư-không có hai dòng nước, một nóng, một lạnh, xối xuống và Ðức Phật sơ-sinh tắm, đó là một truyền-thuyết; truyền-thuyết thứ hai là Long Vương Bát Hải, tức là tám biển, đến và xịt cái vòi rồng cho Ðức Phật sơ-sinh của mình tắm.

Tôi nhớ, tôi học được chuyện đó từ năm chưa tới mười tuổi. Lần đầu tiên, khi học chuyện đó tôi đưa tay lên thắc-mắc với vị giảng-sư; tôi nói:

"Con nghĩ một đứa con nít mới sinh ra là bà mẹ phải tắm trong cái thau, và nước rất là ấm hoặc là nhẹ nhàng; mà hai dòng nước của hai ông rồng từ trên hư-không dội xuống, hoặc là tám con rồng phun xuống, giống như là tám cái máy bơm vậy đó, thì làm sao chịu cho nổi! Thành ra, con không tin sự-kiện đó."

Tôi nhớ vị giảng-sư đó, ngài cười, ngài nói như thế này:

"Bởi vậy mới gọi là Phật con; qua được mấy dòng nước đó mà còn sống mói gọi là Phật con, qua không nổi thì coi như phàm-phu".

Từ đó tôi mới hiểu ý-nghĩa này. Hóa ra trong kinh có nói những cái nghĩa đen, những cái nghĩa bóng. Có nghĩa là khi một người được sinh ra trên thế-gian này, dù người đó là Phật, là phàm-phu, là thánh-nhân đi nữa, ít nhất đầu tiên chúng ta cũng bị tắm bởi hai dòng nước, lạnh và nóng, tức là Nghịch và Thuận; nếu qua được thì được gọi là người giác-ngộ, là thánh-nhân, là Phật; còn nếu không qua nổi thì thuộc về phàm-phu. Và nói về tám dòng nước tức là "Bát Phong". Bây giờ chúng tôi đã được Thầy dạy cho cách qua được, cách tắm hai dòng nước, hay là cách tắm giữa tám dòng nước.

Hôm nay, tôi xin nói chuyện cùng quý vị về đề-tài đó; để làm sao khi sinh ra ở thế-gian này, giữa những cảnh Nghịch và Thuận - người ta chia ra làm bốn cặp là Ðược Mất, Khổ Vui, Khen Chê, và Tiếng Tốt Tiếng Xấu -- giữa những cái đó mà chúng ta vẫn tự-tại được, thì chúng ta được gọi là một người Phật- tử, còn tự-tại không được gọi là phàm-phu.

Do đó, ở trong lớp học của chúng tôi, khi học trò đến mừng tuổi, vào tuổi hạ hoặc vào tuổi đời, tôi hay bắt học trò trả bài; mà trả bài bằng cách định-nghĩa chữ Phật-tử.

Quý vị hiểu Phật-tử là cái gì? Thường ta nói Phật- tử là con Phật, nhưng tôi không bằng lòng với lời giải-thích Phật- tử là con Phật; vì nếu mình dịch Khổng-tử là Ðức Khổng, thầy Khổng, Mạnh-tử dịch là thầy Mạnh, thiện-nam-tử là ông thiện-nam, thì Phật-tử là vị Phật hay ông Phật. Ðó là cách tôi dạy học trò; có nghĩa là bắt trả bài: Phật-tử có nghĩa là vị Phật.

Như vậy, sự khác nhau giữa Phật-giáo và các tôn-giáo khác là khi chúng ta mới bước chân vào chùa quy-y và nhận cái pháp-danh thì chúng ta được gọi là Phật-tử, có nghĩa là một vị Phật. Nhà Thiền nhấn mạnh cái ý nghĩa Phật-tử là chúng ta làm sao tự-tại giữa bát-phong hay là tắm giữa hai dòng nước Thuận và Nghịch mà chúng ta vẫn không đau khổ. Hiểu được điều đó thì gọi là một vị Phật, qua không được điều này thì được gọi là phàm-phu.

1. Ðược và Mất

Trước hết, chúng ta coi hai dòng nước đầu tiên là Ðược và Mất. Thường thường nếu chúng ta Ðược là mừng, Mất thì mình buồn; chúng ta cho Ðược là may mắn, là hạnh-phúc, và Mất là thất-bại, là đau khổ. Tôi xin kể một câu chuyện để quý vị thấy cái Ðược cái Mất rất là phù-du, và không thể nào hiểu được Ðược và Mất., cái nào là hạnh-phúc, cái nào là đau khổ hết.

Hồi trước, khi mình còn đi học, khoảng cấp một, cấp hai, thì ông thầy thường cho đọc những câu truyện trong Cổ-học Tinh-hoa, trong đó có câu chuyện thế này:

Có một ông họ Tái, cho nên người ta gọi là Tái-ông; một hôm con ngựa yêu quý và tốt nhất trong nhà ông nó lạc đi đâu mất, tức là bị mất. Vậy hàng xóm mới đến chia buồn và nói:

"Tội nghiệp ông cụ quá, người nhân-từ phúc-hậu như vậy có con ngựa quý mà mất", thì Tái-ông mỉm cười và nói:

"Cũng chưa chắc, biết đâu trong cái rủi, có cái may:; mà may thiệt, là vài bữa sau con ngựa đi lạc đi trở về và dắt theo con ngựa còn đẹp hơn nữa, là ngựa bạn của nó. Khi đó hàng xóm đến chia mừng, và nói:

"Ðúng là người có phước, tưởng đâu là mất hóa ra còn được con ngựa khác"; thì ông cụ cười và nói:

"Cũng chưa chắc, biết đâu trong cái may có cái rủi!" Và rủi thiệt, là người con trai độc-nhất của ông thấy con ngựa mới về hay quá, tốt quá, cho nên cậu mới leo lên cưỡi và té xuống bị gẫy chân. Khi đó, hàng xóm mới đến chia buồn, nói:

"Tội-nghiệp ông cụ quá, có một người con trai mà bây giờ bị gẫy chân, có tật; như vậy là rủi phải không?" Thì ông cụ nói:

"Chưa chắc, biết đâu trong cái rủi có cái may!" Mà may thiệt; khi đó, nhà vua bắt thanh-niên đi lính thú, thì cậu con trai này nhờ bị gẫy chân cho nên được ở nhà và sống với cha già trọn vẹn.

Chuyện đó còn kéo rất dài. Có nghĩa là trong cái Ðược có cái Mất, trong cái Mất có cái Ðược; và thường thường chúng ta mừng khi Ðược, và chúng ta buồn khi Mất. Cho nên theo luân-lý của Ðông-phương là khoan mừng và khoan buồn đã, tại vì trong cái may có cái rủi, trong cái rủi có cái may.

Riêng trong nhà Thiền, Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma có dạy là khi chúng ta gặp chuyện bất như-ý thì ngay khi đó, chúng ta nên tu hạnh báo-oán, tức là nghĩ rằng chuyện đó không phải khi không, mà do cái duyên xấu của mình. Thì thôi, hồi trước mình gieo nhân xấu, bây giờ mình chịu quả xấu, cho nên gặp khổ không buồn, hay là gặp những điều bất như-ý, chúng ta không buồn; còn khi chúng ta gặp cái may mắn thì cũng khoan mừng, tại vì cái này là do phước-báo của mình, còn phước thì mình hưởng, hết phước thì thôi. Thành ra được may mắn cũng không tự-tôn, hay tự-kiêu, đó gọi là tùy-duyên hạnh. Hiểu được điều này thì ứng dựa cái Ðược cái Mất, chúng ta sẽ tự-tại.

Ðến cái Ðược và Mất. nữa mà chúng ta thấy đau khổ nhất, là giả sử trong gia-đình mình mà sinh ra một đứa con, hay một đứa cháu thì chúng ta ăn mừng; khi một người già mà mất đi thì chúng ta làm đám và bà con đến chia buồn; như vậy thì sống là Ðược, sinh là Ðược, mà tử là Mất, phải không?

Nhưng mà bây giờ mình thử hỏi, giả sử như thế-gian này, người ta sống hoài, sống mãi mà không chết thì điều đó có hạnh-phúc hay không? Tôi xin kể một câu chuyện để quý vị thấy hạnh-phúc và đau khổ rất là bấp bênh. Chuyện này của dân tộc Lào. Chuyện kể thế này:

Một hôm có một cụ già ngoài bảy mươi tuổi vào rừng đốn củi. Trong lúc đi trên đường đi lối về quen thuộc, đột nhiên cụ khám-phá ra có một mùi hương thơm ngào ngạt. Khi cụ đi theo mùi hương đó thì thấy một trái đào treo lắc lẻo ở trên một cành cây; cụ rất ngạc-nhiên tại vì khu rừng này cụ rất quen thuộc mà bữa nay có trái đào sao cụ không haỵ Vậy cụ đưa tay lên vừa hái trái đào, thì có một thanh-niên tuấn-tú hiện ra, và thanh-niên nói thế này:

"Tôi là thần Trường-sinh, một trăm năm tôi mới hiện xuống thế-gian này để treo cái trái đào mơ ước này, người nào ăn trái đào này thì người đó sẽ sống hoài không chết!"

Khi đó ông cụ mừng quá, cụ nói:

"Như vậy thì xin cho con đi, 'Tam sinh hữu hạnh' con mới gặp được trái đào này, xin Thần cho con!"

Thần Trường-sinh mới nói rằng:

"Trái đào này đã đi bao nhiêu lần, ta xuống dưới cõi đời này mà những người gặp nó đều không được như ý lắm; sống lâu chưa chắc là điều hạnh-phúc, thành ra ta khuyên cụ thôi đừng ăn".

Ông cụ cứ nhất định đòi ăn; thần Trường Sinh cuối cùng nói:

"Thôi thì bây giờ coi như cái định-mệnh của ông gặp trái đào này, thì ông cứ ăn đi; nhưng mà ta cho ông một lối thoát cuối cùng, là khi nào ông chán đời muốn chết thì đến đây gặp ta!"

Ông cụ liền ăn trái đào vô; và từ bảy mươi tuổi, ông cụ trẻ lại còn hai mươi lăm tuổi, và chàng thanh-niên này mới vác búa đi về.

Khi đi về, bà vợ đã ngoài bảy mươi tuổi, con trai đã ngoài năm mươi, còn cháu nội bằng trang lứa với cụ này; thành ra trong gia-đình cũng có nhiều trục trặc dữ lắm. Ngoài những chuyện trục trặc đó ra, ông cụ sống bình thường, có sức khỏe, trẻ trung xinh đẹp như thuở trước; thành ra phải kiếm một người vợ đồng trang lứa. Từ đó gia-đình sinh ra xào xáo và mất hạnh-phúc.

Cái điều kinh-khủng nhất là cụ lần lượt chôn vợ, con, chôn cháu, chôn chắt, chôn hết thế-hệ này qua thế-hệ khác mà vẫn còn sống nhăn. Thêm đó, cụ phải chứng-kiến những triều vua chúa thay đổi, rồi bị đi lính nữa, vì cụ cứ ở nơi hai mươi lăm tuổi hoài; mà hồi xưa, người ta đâu có giấy thuế thân, người ta thấy ổng còn trẻ, người ta bắt đi lính hết đợt này tới đợt kia. Ra chiến-trường bị bao nhiêu vết thương mà không chết, là tại vì ăn thuốc trường-sinh mà! Ðến khi chôn đứa cháu đời thứ chín rồi thì ông cụ này ổng mệt mỏi quá, ổng nói:

"Tưởng sống lâu để làm gì, hoá ra để làm đám ma và cúng giỗ hết người này tới người kia. Ðáng lẽ mình là ông thì tụi nó cúng giỗ làm đám mình; còn bây giờ mình cúng tới đám chít của mình nữa mà cứ đi làm quần quật để làm đám ma và đám giỗ, rồi còn gả cưới nữa".

Thành ra ổng mệt quá, ổng muốn chết đi cho rảnh, mà chết không được, là tại vì đã uống thuốc trường-sinh rồi. Khi đó, nhớ lời giao-ước của thần Trường-sinh, cụ mới đi vô trong rừng và đi đến chỗ cành cây mà hồi xưa cụ nhận được trái đào trường-sinh đó, cụ khấn vái và thần Trường-sinh hiện lên; thần Trường-sinh mới đưa cho cụ một con dao; cụ cắt mạch máu xong, máu trong người cụ nó chảy ra hết và cụ gục xuống chết.

Ðó là mơ ước cuối cùng của cụ, là cho con "xin được chết như bao nhiêu người khác"; như vậy, máu của cụ mới thấm ra, tất cả dây leo, hoa bờ, cỏ bụi chung quanh nó thấm được máu đó cho nên nó sống hoài. Bây giờ quý vị thấy mấy dây trầu bà hoặc cành cây sâm này đó, nghe nói uống máu của ông già đó thành ra nó sống tới bây giờ, nghĩa là không bao giờ chết hết.

Nhưng mà cây cỏ trường-sinh được bởi vì cây cỏ không có trái tim, còn con người mà trường-sinh được thì khổ dữ lắm. Do đó, hạnh-phúc có nghĩa là được chết bình thường. Như vậy mình thấy rằng, một mình mình sống hoài thì coi như cũng khổ, thành ra mình phải làm sao? Giả sử như bây giờ được trường-sinh, cha mẹ, ông bà nội ngoại hai bên được sống hết, thì điều đó có nghĩa là hạnh-phúc chớ gì? Chứ sống một mình như ông già này thì thiệt đau khổ!

Nhân đây tôi đưa ra một câu chuyện của một nhà khoa- học giả-tưởng Nga, ông viết và tôi thấy rất là có lý thú. Ông kể chuyện thế này:

Ðến năm hai, ba ngàn chẳng hạn -- khoa-học giả-tưởng mà, tức là phải nói về tương-lai -- khi đó con người của mình chế ra được một quả đất, và trên trái đất đó đầu tiên họ cho hai mươi lăm cặp vợ chồng lên đó sống, và có lương-thực đầy đủ để cho một số người khoảng chừng năm trăm người sống trên đó.

Người nào đến năm mươi tuổi, người đó tự-động đi vô một cái nhà, nhà đó gọi là nhà ướp xác; khi đi vô nhà đó rồi, tự-động người đó chết, nhưng không chết vĩnh- viễn, mà đến một thời-gian nào đó, con cháu mình sẽ tiêm thuốc và mình sẽ sống trở lại, nghĩa là chỉ tạm ngừng thôi; tại vì hành-tinh hay là trái đất nhân-tạo không có đủ sức chứa một số người đông (thứ 1), hơn nữa không có đủ lương-thực để nuôi một số người quá đông (thứ 2), cho nên số người trên đó chỉ được năm trăm người là tối-đa.

Thành ra hết cặp vợ chồng này sinh-sản qua đến cặp vợ chồng khác, thì đến đúng năm mươi tuổi, họ phải đi vô cái nhà mồ tập-thể đó, đợi cho đến bao giờ trở về trái đất mẹ, thì hành-tinh con cháu của họ sẽ tiêm thuốc hồi-sinh cho họ; cho nên trên hành-tinh đó vẫn có nhà cửa, bệnh viện, trường học và có tất cả y như trái đất của mình vậy, tức là một cái làng thu nhỏ.

Khi đó mọi việc đều tuần-tự và rất là hạnh-phúc; tức là hoa quả, dưỡng-khí, trái cây, vật-thực chỉ đủ cung cấp cho năm trăm người, cho nên cứ khoảng năm mươi năm phải có năm trăm đi vô nhà xác, để sau đó khi nào họ trở về trái đất họ mới trở lại hồi-sinh. Trật-tự được duy-trì bằng cách đó; tức là chết giả thôi chứ không phải chết thiệt.

Một hôm, có một nhà bác học trên hành-tinh đó khám-phá ra rằng ai mà vô nhà xác đó thì vĩnh-viễn chết, không thế nào sống lại; và người ta nói người ta sống trở lại, chỉ là một cách nói an ủi. Khi khám-phá ra điều đó, ông ta mất ăn mất ngủ, bởi vì còn khoảng một tháng nữa là ông ta phải đi vô nhà xác đó rồi; cho nên ổng về thẫn thờ.

Bà vợ của ổng mới ngạc-nhiên, hỏi nguyên-do vì sao mà ông như vậy, ông nhất-định không nói, thì bà vợ í ó, làm mình làm mẩy, cuối cùng ông phải tiết-lộ. Khi bà vợ nghe tin đó rồi, bả nhất-định không chịu vô nhà xác và bả sống ở ngoài. Ông bác học đã có bà vợ không chịu vô nhà xác, mà bà vợ còn nói, phải làm sao tiết-lộ cái tin nầy cho đám con gồm một đứa con trai và một đứa con gái của bả, chớ để tới hồi nó không biết nó vô nhà xác cái nó chết luôn.

Do đó, bà mẹ mới tiết-lộ cho con trai, con gái; đám con trai con gái mới tiết-lộ cho đám tình-nhân của nó và bạn bè quen thuộc; cho đến chỉ có một ngày thôi mà hành-tinh đó ai nấy cũng đều hay biết "ai vô nhà xác là chết vĩnh-viễn, không trở lại nữa" thành ra trên hành-tinh đó bắt đầu xảy ra chiến-tranh, tức là người nào cũng muốn cướp dưỡng-khí để thở, cướp thực- vật để ăn, tìm tất cả nhu-cầu để cho mình sống.

Nghĩa là từ khi người ta từ chối không chịu vô cái nhà xác đó thì bắt đầu có nội-loạn, và chỉ trong vòng có một tháng thôi mà cả hành-tinh đó không còn một ai sống hết. Người nào cũng muốn sống dai, do đó ăn cướp sự sống của thế-hệ sau, và do đó mà họ dành giựt cho họ, cho bà con họ, cho thân-quyến họ, rốt cuộc họ tàn-sát lẫn nhau và không một ai còn sống.

Chuyện đó nhà khoa-học Nga viết, đưa ra giống như một loại khoa-học giả-tưởng, để chúng ta thấy chính cái chết đem lại hạnh-phúc cho thế-gian này, có nghĩa là nó vãn-hồi trật-tự một cách điều-hòa; tức là sau khi chúng ta sống hết tuổi thọ của mình rồi, chúng ta trở về với cát bụi để nhường lại nhà cửa, nhường lại làng xóm, nhường lại thức ăn, nhường lại những tiện-nghi cho thế-hệ sau; và nếu những người già từ chối không chết thì đám nhỏ sau này không có gì để xài, tức là con người sẽ nhân-mãn. Thành ra vị khoa-học đó viết để ngụ ý rằng, chết là một cái điều hạnh-phúc cho nhân-loại, miễn là chúng ta đừng có chết yểu.

Hiểu được điều này rồi thì chúng ta mới hiểu được tại sao có một vị Thiền-sư vào ngày đầu năm, khi có một Phật-tử đem đến một câu đối nhờ thầy viết giùm (tức là đem cái liễn đến nhờ Thầy viết giùm để treo), để cho được may mắn hạnh-phúc suốt năm, thì Thiền-sư mới hạ bút viết thế này:

"Ông chết, Cha chết, Con chết, Cháu chết, Chắt chết, Chít chết"; khi đó, vị Phật-tử sợ quá, bẩm:

"Bạch thầy, bữa nay là ngày đầu năm mà thầy hạ một lượt chục chữ Tử thì chết con rồi". Liền đó, vị Thiền-sư mới nói:

"Nhưng mà ngươi đến, ngươi yêu cầu ta cho ngươi câu đối về để cho sống được hạnh-phúc mà". Người đó mới bẩm:

"Con muốn được hạnh-phúc chớ con đâu có muốn chết!" thì Thiền sư mới nói:

"ậy, cái thế-gian này hạnh-phúc là nhờ chết có trật- tự đó", tức là ông già rồi thì ông chết, cha già cha chết, con già rồi con chết, rồi đến cháu, chắt, chít... tức là chết có trật-tự, được gọi là hạnh-phúc, còn bất-hạnh nghĩa là ông còn sống mà cháu hay chắt chết trước. Thế-gian này sở dĩ đau khổ là do vô-thường, hạnh-phúc cũng nhờ duy-trì sự vô-thường này.

Như vậy, chúng ta thấy giữa cái Ðược và Mất., theo cái nhìn của thế-gian thì Ðược chúng ta mừng, Mất chúng ta buồn, Ðược cho là hạnh-phúc, Mất cho là bất-hạnh; còn theo cái nhìn của những nhà có trí-huệ, các vị khoa-học, các vị thánh-nhân, các vị Thiền-sư, thì Ðược-Mất chưa phải chắc là hạnh-phúc, điều quan-trọng là làm sao sống giữa thế-gian này, người xuất-gia hay người tu theo Phật là giải-quyết vấn đề sinh-tử, có nghĩa là sinh thì chúng ta sinh ra rồi, chết thì chúng ta sẽ chết, giữa cái sinh-tử này có một quãng đời sống, thì làm sao sống giữa cái sinh-tử này cho đáng sống, còn chừng nào chết hẵng hay, chớ khoan lo ra.

2. Khen và Chê

Thường thường, nghe lời khen chúng ta mừng lắm, mà nghe lời chê là chúng ta buồn.

Tôi nhớ, lúc tôi còn nhỏ, mỗi lần lên mâm cơm, có món khổ-qua là các anh chị tôi xúm lại chọc, và khen thế này:

"Nó giỏi dữ lắm, nó ăn khổ-qua một cây vậỵ đó! Nó ăn toàn là khổ-qua, không ăn một miếng thịt nào hết!"

Tôi nghe thì hôm đó tôi bấm bụng ăn toàn khổ-qua không. Nó đắng muốn chết, đâu phải là ngon. Tôi nhớ đó là lần thứ nhất.

Lần thứ hai, là mỗi khi mẹ tôi mua về một cây mía, thì ông anh tôi ổng xướng lên trước: "Ăn khúc gốc trọc đầu", cái là tôi không dám ăn khúc gốc; rồi bà chị tôi nói câu thứ hai: "Ăn khúc giữa có chửa đười ươi", thế là tôi né khúc giữa. Và cuối cùng tôi ăn khúc ngọn.

Quý vị biết cây mía ngon nhất ở mấy khúc gốc và khúc giữa chớ, nhưng mà vì ham lời khen cho nên mình né những cái ngon, mình ăn cái dở nhất, thành ra chúng ta sống nô-lệ vào lời khen chê là như vậy. Rồi đến khi lớn lên, một hôm, tôi không có dịp chung đụng ngoài đời như quý vị, nhưng có một vị Phật-tử miền Tây lên kể cho tôi một câu chuyện cũng na ná như ăn khổ-qua và ăn mía của tôi hồi nhỏ. Vị này nói:

"Con là một người có bằng cấp, có nhan-sắc, có tiền tài, tức là có mọi thứ phụ-tùng để khỏi nương-tựa vào một người đàn ông khác, và nhất là con có nghề-nghiệp; khi con chọn nghề thầy giáo, hồi trước, là con muốn sống tự-lập, để phụng-dưỡng ba má rồi thôi, sau này rảnh rang tu hành", tức là cô này có tất cả lợi-khí mà một người thiếu-nữ mơ ước, và cô không lập gia-đình, chỉ muốn sống độc-thân, tự-lực cánh-sinh, rồi phụng-dưỡng ba má thôi. Cô ấy nói:

"Con sống như vậy đến hai mươi lăm tuổi thì con bắt đầu nghe hàng xóm họ xầm xì, họ nói cái bà ấy vô-duyên thành ra không ai dám rước, rồi cái thứ hai nữa là họ phê-bình, ba má ăn ở không có đức thành ra con ế".

Sau khi nghe bị chê như vậy, cô ấy tức quá, cổ nói:

"Con lấy chồng liền để chứng-minh cho họ biết rằng mình không ế và nhà mình không phải người vô-phước".

Sau khi cô ấy lập gia-đình xong thì cô nghĩ rằng thời đó là thời chinh-chiến, ông chồng thì đi lính đi tráng, mà mình ở nhà vừa cưu-mang cha mẹ chồng, vừa cưu-mang cha mẹ mình, nếu có con cái nữa thì khổ dữ lắm; hơi sức đâu và công sức khỏe ở đâu mà bỏ ra để lo cho con cái nữa, thành ra cô ấy không dám sinh con. Cô ấy nói cô ấy sống đến năm ba mươi tuổi thì bắt đầu nghe họ xầm xì, họ nói là:

"Chị thấy không, cây độc không trái, gái độc không con đó", tức là cô ấy không sinh con, người ta nói là cô ấy độc ác thành ra không có con. Thành ra cô ta tức quá, chịu cho đến năm ba mươi tuổi, cô ta sinh một hơi năm đứa con, cứ mỗi năm một đứa vậy. Lúc đó cô vừa đi dạy, vừa lo nuôi năm đứa con; ông chồng thì đi lính đóng miền xa, còn cổ lo cưu-mang gia- đình bên chồng, gia-đình bên mình, thành ra nhan-sắc tàn-phai, đầu bù tóc rối, lúc đó mệt quá không còn nghĩ gì hết... thì bây giờ ông chồng bắt đầu "vườn mới thêm hoa", có nghĩa là có bà vợ bé. Khi đó cổ nói niệm đầu tiên của cổ là còn khỏe hơn nữa:

"Mình bao nhiêu đây đủ mệt rồi, ai rinh ổng đi tôi còn bù lỗ thêm nữa".

Nhưng không ngờ lúc đó người ta xúm chung quanh, người ta xúi cổ:

"Sao chị ngu quá vậy, chị để cho nó đập nát gia-đình chị! Chị làm tới đi, tụi tui phụ, chị phải đi rạch mặt con nhỏ đó, con mẻ đó, giựt ổng về đây chớ!" tức là xúi, xúi riết, từ từ cho đến năm băm bảy, băm tám tuổi gì đó, cổ cầm lòng không đậu, cổ thấy mình ngu thiệt, cho nên cổ cùng một nhóm bạn gái đi đánh ghen.

Cạo được cái đầu của tình-địch, đổ lên đầu nó một bình mực rồi giựt được ông chồng về. Khi đó đám bạn bè của cổ xúi cổ:

"Bây giờ chị chạy đi, kiếm tiền chạy cho ổng về gần nhà đi thì ổng không có lẹo tẹo với ai hết!"

Giựt được ổng về rồi, chạy được cái giấy hoãn- dịch cho ổng về sum-họp gia-đình rồi, thì bây giờ thêm cái nợ nữa là hầu chồng. Mà ổng về ổng còn làm eo, ổng không làm gì nữa, ổng đi ra đi vô, rồi ăn hàng hút thuốc, nghĩa là đi chơi không, hoàn-toàn giao cả bầy con, gia-đình chồng, gia-đình cổ cho cổ lo nuôi, còn thêm cưu-mang một ông chồng nữa. Cô nói cô giữ vững hạnh- phúc gia-đình được cho tới bây giờ, hơn sáu mươi tuổi rồi; con cái gả hết rồi, và ổng mất rồi, coi như cổ khoẻ; thì bây giờ người ta đến chia buồn:

"Tội nghiệp chị quá, sao ở có một mình!"

Cổ nói: "Nếu con còn son trẻ chắc con bước thêm bước nữa quá, vì họ xúi".

Quý vị thấy không? Như vậy chúng ta thấy những lời khen, tiếng chê đó có giá-trị thật hay không? Vậy mà nếu chúng ta nghe khen, cũng như đứa con nít nghe khen đắng cách mấy cũng ăn khổ-qua, cay cách mấy cũng ráng cắn ớt để biểu-diễn cho mình xứng đáng với lời khen đó; còn bị chê, chúng ta né, dù cái chê đó chúng ta biết không có căn-cứ; không có ai ăn khúc mía gốc mà trọc đầu, không có ai ăn khúc mía giữa có chửa đười ươi hết; nhưng mà người ta chê cho nên mình né chỗ đó!

Hóa ra khi còn con nít chúng ta quá ngây-thơ khờ dại, lớn lên chúng ta vẫn ngây-thơ khờ dại! Quý vị thấy rõ chỗ này chớ! Thành ra vị nữ Phật-tử đó sau khi kể cho tôi nghe câu chuyện của bà, bà nói: "Bây giờ đi chùa, con mới thấy con ngu, là mình cứ sống theo mình chứ mắc mớ gì sống theo lời khen chê của người khác; vì lời khen chê của người ta mà suốt đời con khổ, đến bây giờ hoàn-toàn tay trắng. Biết được cảnh này, thời con gái thà rằng con sống phòng không gối chiếc còn khỏe hơn".

Bây giờ, những hành-động chúng ta làm, sẽ có người khen, cũng có người chê, và không có ai được khen hoặc bị chê hoàn-toàn hết. Quý vị có còn nhớ trong "Cổ-học Tinh-hoa" có kể câu chuyện thế này:

Có ông già nọ cùng cậu con trai, hai cha con dắt nhau lên chợ phiên để mua lừa, hay ngựa gì đó. Mua được con ngựa vừa ý, hai cha con mới dắt ngựa về; mừng quá cho nên mới dắt ngựa đi bô. Ði một khúc gặp người bộ-hành, họ nói:

"Thiệt là dốt thì thôi, mua ngựa làm gì mà không chịu cỡi, lại dắt đi bộ".

Khi đó hai cha con mới bàn: "à phải rồi, mua ngựa là để cỡi chứ ai lại dắt đi bộ!" Cho nên hai cha con đồng thượng lên con ngựa; đi một khúc gặp người ta phê-bình:

"Ðúng là ác-nhơn thất-đức, hai cha con mà thượng lên con ngựa, nó chịu gì nổi; hai người mà bắt con ngựa nó chở thì có phải ác độc hay không?"

Nghe nói như vậy, người con lật đật tụt xuống để người cha cỡi. Người cha cỡi đi một đoạn gặp người phê-bình, nói là:

"Ðúng là cha thời nay đó, đáng lẽ phải nhường cho con cỡi ngựa, chứ ai là cha mà dành phần sướng, để cho con cái phần cực bao giờ!"

Ông cha nghe cũng có lý, ông tụt xuống, để người con leo lên cỡi. Ði một đoạn nữa gặp người ta nói:

"Ðúng là cái thời-đại đảo-điên, con bất-hiếu, cỡi ngựa, để cha đi bộ".

Bây giờ, thưa quý vị, phải làm sao đây? Không cỡi thì người ta chửi ngu, lên cỡi hai người thì bị nói là độc ác, mà cỡi một mìmh cha thì người ta nói cha bất-nhơn, mà cỡi một mình con họ nói con bất-hiếu. Mình phải làm sao cho vừa ý đây? Quý vị thấy không? Thành ra vì nghe một lời chê của người ta mà chúng ta sửa đổi, nghe một lời khen của người ta mà chúng ta hành- động, thì điều này chúng ta cũng giống hai cha con ông già mua ngựa đó. Tức là người khen, người chê, họ đứng ở ngoài lâu lâu họ buộc một tiếng, mình không biết đường đâu mà đỡ.

Nói về khen và chê, tôi đọc trong kinh thấy chưa ai mà bị chê như Ðức Phật hết, và trong Trường-bộ kinh có ghi một câu chuyện:

Một hôm Ðức Phật đi trước, có một đám sa-môn ngoại- đạo đi theo phía sau; những vị sa-môn trẻ mới khen Ðức Phật là một vị có trí-huệ, biết bỏ cung vàng, điện ngọc, vợ đẹp, con xinh, để đi tu, và là một vị giáo-chủ xứng đáng nhất của thời đó. Khi nghe như vậy, các vị tỳ-kheo tùy-tùng Ðức Phật rất là khoái chí, tại vì người ta khen ông thầy mình, mình cũng được thơm lây.

Rồi lát sau gặp một người nói rằng:

"Ðức Phật là người phá-hoại sự sống; trên đời này có những niềm vui là tài, là sắc, là ăn, là ngủ, thì ổng đã phủ-nhận rồi; mà những người đi theo ổng, ổng cũng cấm không cho xài những thứ đó nữa, đó là điều thứ nhất. Ðiều thứ hai, Ðức Phật là người phá-hoại gia-cang của người ta; ổng đi tới đâu thì vợ mất chồng, con mất cha, tại vì người ta bỏ đi tu theo ổng hết; và nhà tan, cửa nát, là cũng một tay ổng".

Như vậy, mình thấy khen cũng có, chê cũng có. Nghe như thế đó, Ðức Phật ngài vẫn bình-tĩnh, trong khi đó các vị tỳ-kheo rất là bực bội. Lúc đó Ðức Phật mới dẫn các môn-đệ ngồi xuống rồi Ðức Phật mới thuyết một bài pháp như thế này, "Khi nghe lời khen tụi con khoan mừng, vì mừng thì sẽ mất bình-tĩnh, mà hễ mất bình-tĩnh thì không biết người ta khen đúng hay khen sai; và khi nghe người ta chê thì con đừng có buồn, vì buồn thì sẽ mất bình-tĩnh, mà mất bình-tĩnh thì không biết lời chê đó đúng hay sai".

Thành ra chúng ta sống trên thế-gian này, phải nghe lời khen tiếng chê để chúng ta biết mà sửa mình, nhưng phải bình-tĩnh, nghĩa là khoan mừng, khoan buồn, khoan giận, khoan ghét, thì chúng ta mới sáng suốt để nhận-thức được điều đó đúng hay sai, và chúng ta sẽ chỉnh những cái sai thành những cái đúng.

Bây giờ tôi hỏi quý vị: "Tôi đẹp hay xấu?" Không thể nào nói đẹp hay xấu. Tôi nhớ lúc tôi mới vô chùa, khi ông thân dắt tôi đến các chùa thì không có chùa nào nhận tôi hết; tại vì họ coi tướng, họ nói tôi tu không quá ba ngày, và họ nói tướng này dưới địa-ngục mới chui lên, thành ra ba tôi mới dắt tôi đi lang thang từ chùa này đến chùa khác đến hai năm trời không ai chịu nhận hết, là vì họ coi tôi tướng quá xấu đi nên họ không nhận; mà bây giờ tôi đi đâu họ cũng khen là tướng này tu mấy chục kiếp. Tôi không biết từ đâu mà ra, quý vị thấy không? Như vậy cái khen, cái chê mình thấy rất khó biết. Thành ra lúc trước sở-dĩ tôi tu đến bây giờ là tại những lời nói của họ, họ nói tôi ở dưới địa-ngục mới lên, và tu chỉ ba ngày; có người còn nói: "Cô này mà tu được một năm há, tôi đi cái đầu xuống đất!" Thành ra tôi tức quá, tôi tu cho bả đi cái đầu xuống đất!

Như vậy mình thấy ngay, lời khen, tiếng chê hoàn-toàn không đúng; mà chúng ta nghe theo đó thì chúng ta đã đặt cuộc đời theo cái dư-luận rất là bấp bênh. Quý vị hiểu được điều này, tức là mới hiểu được sự phân-tách cái khen cái chê thôi; sau này chúng ta sẽ tìm cách chống chỏi lời khen tiếng chê đó, tức là phần thực-hành.

3. Khổ và Vui

Thế nào là khổ và thế nào là vui? Thường thường phân-biệt hai cái khổ: cái khổ tâm-lý và cái khổ sinh-lý.

1- Khổ Sinh-lý.

Cái khổ sinh-lý ở đây là cái khổ lệ-thuộc vào thân. Chẳng hạn chúng ta khổ vì chúng ta bị bệnh, khổ vì chúng ta bị gìa, khổ vì chúng ta bị bệnh-hoạn bức bách, hoặc đói bụng, thế này thế khác, thì những cái khổ này chúng ta có thể thoát khỏi được. Bệnh thì chữa bệnh cho hết, đói bụng ăn cơm cho no thì hết đói. Chúng ta có thể chỉnh cái khổ sinh-lý này, tức là thuộc về thân.

Nhưng để ý ta thấy cái khổ tâm-lý là cái khổ rất kỳ cục. Vị nào có đi qua Tuệ-Tĩnh-đường ở đằng này, quý vị ngồi coi một chút xíu thì sẽ thấy có những hiện-tượng lạ lắm. Kỳ đó tôi đi qua Tuệ-Tĩnh-đường, tôi ngồi tôi trị bịnh, tôi để ý có một bà già, bữa nào bả cũng vô năn nỉ mấy cô trực-dược kinh - tức là châm huyệt bằng mấy cái đũa điện - là: "Cô châm giùm cho con, châm mạnh mạnh cho nó mau hết bịnh"; khi người ta vừa đặt hai đũa vào huyệt của cô ấy, thì cô ta bắt đầu la, cô rên đau rồi niệm Nam Mô Phật, Nam Mô Phật... lát đau quá, cô ta niệm Nam Mô đủ thứ Phật... Sau khi niệm Phật rồi mà chưa hết, cô ta bắt đầu chửi, chửi cái cô châm làm cho người ta ngừng; nhiều khi cô ta la quá, mấy cô y-sĩ mới tắt dòng điện đi. Tắt dòng điện rồi mà cô vẫn ngồi la khan vậy à, thành ra cô y-sĩ bảo: "Thôi, bà đừng la nữa, tôi tắt nẫy giờ rồi, được năm phút rồi!" Khi đó cô bịnh-nhân mới bẽn lẽn nói rằng: "Vậy sao nẫy giờ cô không nói, để tôi la khan kỳ quá vậy!"

Như vậy cái dòng điện này khi nó chích vô người mình thì nó đau, cái này là cái đau sinh-lý. Nhưng khi người ta rút dòng điện ra thì hết đau sinh-lý mà người đàn bà đó vẫn la khan, thì cái đau này là cái đau tâm-lý. Dòng điện bị cắt đứt thì cơ-thể hết đau, nhưng vẫn còn la thì mình thuộc loại nhõng nhẽo rồi; sau đó thì bẽn lẽn nói sao không nói tôi để tôi la khan kỳ quá vậy. Ðâu có ai bắt bà ấy la? Cái la sau khi tắt dòng điện là cái la không có đau, và cái đau này thuộc cái đau tâm-lý.

Phật có dạy mình thế này: "Khi con gặp chó điên, trâu điên, người điên thì con né đi, có quyền né; tại vì không ai khen người đưa chân cho chó điên cắn là can-đảm bao giờ". Ngay như Ðức Phật ngài cũng né. Chẳng hạn, một hôm đi đường, Ngài gặp ông già hay sanh sự, chửi bới và làm khó ngài, thì Ngài né qua một bên đi xuống đường hẻm; các thầy tỳ-kheo đằng sau mới nói: "Bạch Thế-tôn, Thế-tôn sợ sao, có con đây. Thế-tôn cứ đi đi, có gì con bênh-vực"; Phật mới nói là: "Không phải sợ, nhưng ở đây không ai khen một người đưa chân, đưa đầu vô hoàn-cảnh trái ý, là can-đảm bao giờ".

Chẳng hạn như mình đi mình gặp một bụi tre gai, mà mình đút đầu vô bụi tre gai, thì mình sẽ bị người ta chửi là ngu chớ không phải là khôn. Không thể nào tôi nói tôi đút đầu vô bụi tre gai, bụi tre gai nó quào tôi nhức nhối mà tôi nhẫn được, cái này không phải là nhẫn mà là biểu-diễn, và còn là ngu nữa. Thành ra, khi gặp bụi tre gai chúng ta né qua một bên để khỏi vướng.

Cũng vậy, gặp nguy-hiểm tánh-mạng, tài-sản, và làm cho chúng ta đau đớn thân-tâm thì chúng ta né đi; còn trong trường-hợp né không được, nên nhớ "đau thân thì có, mà cái đau tâm thì không".

Tôi nhớ khi thầy dạy về bộ kinh Kim-Cang, tôi có đưa thí-dụ: "Bạch thầy, có lẽ các vị Bồ-tát cũng như chư Phật hồi xưa không có biết đau, cho nên ai chặt tay chặt chân, móc đầu móc mắt, các Ngài vẫn để, còn con đau quá thành ra con phải giận. Giả sử con không biết đau như các Ngài thì ai xin cái gì con cho cái nấy, nhưng mà vì đau cho nên con cho không nổi", là tại vì trong kinh Kim-Cang có kể một câu chuyện về tiền-thân của Ðức Phật Thích-ca, khi Ngài còn là tu-nhân, có ông vua tới hỏi, chớ ngài tu hạnh gì, Ngài nói là Nhẫn. Khi đó ông vua mới chặt Ngài một cái tay, hỏi: "Nhẫn được không?" Ngài trả lời: "Nhẫn được". Chặt thêm cái tay nữa, Ngài vẫn nói: "Nhẫn được". Rồi chặt hai chân, thẻo mắt, thẻo lỗ tai mà Ngài vẫn nhẫn được.

Khi nghe tới đó tôi nghĩ: "Con người của Ngài không biết đau cho nên Ngài nhẫn được, còn ai nhéo mình một cái là mình la làng rồi, làm sao nhẫn cho được". Thành ra tôi mới nói: "Con mà thân con không biết đau, không còn cảm-giác, con sẽ làm Bồ-tát. Còn bây giờ, hãy còn đau, nên con không làm Bồ-tát đâu; ai lại xin thịt da con, thì biết con!". Thầy đưa thí-dụ:

"Giả sử như bây giờ, một đứa con nít năm tuổi bị bệnh, má nó đi đến mời ông y-tá chích thuốc; khi ông y-tá chích thuốc, cây kim găm vô thịt của nó thì đứa bé đau, nó la khóc, rồi sau đó nó hận, nó không thèm nhìn mặt ông y-tá nữa. Ðó là thái-độ của con nít. Nhưng đến khi mà một người lớn bị bịnh thì người lớn tự-động đi tìm bác-sĩ và năn nỉ bác-sĩ tiêm thuốc cho mình. Cây kim tiêm vô da thịt người lớn có đau không? Ðau chớ! Con nít đau, người lớn cũng đau chớ! Nhưng mà người lớn có trí thông-minh, biết là đằng sau mũi kim tiêm này chúng ta hết bịnh cho nên cám ơn, trả tiền ông y-tá, và bữa sau gặp ổng còn tay bắt mặt mừng nữa; còn đứa con nít thì nó ghét đi, nó hận ổng tới lớn. Như vậy, bị đau thì người lớn đau, con nít cũng đau; nhưng người lớn có trí-huệ cho nên chịu cơn đau đó mà mang ơn cái người làm cho mình đau; đứa con nít trái lại, sau khi rút mũi kim ra rồi, từ đó về sau nó gặp ông y-tá nó sợ và nó oán ổng là bởi vì nó chưa có trí-huệ. Ở đây cũng vậy, các vị Bồ-tát hay Phật khi mang thân phàm-phu như con, các Ngài vẫn đau, tức là vẫn đói, vẫn bệnh, vẫn khổ, nhưng mà các Ngài có trí-huệ, biết cái thân này là hư-giả, là vì trí-huệ của các Ngài mạnh, thắng lướt được cơn đau thể xác".

Lúc đó, tôi không tin; nhưng có lần tôi đưa người bạn vô nằm bệnh-viện Nguyễn-văn-Học, tôi có chứng-kiến một vị bác-sĩ, ông này bây giờ mất rồi, là bác-sĩ Nguyễn-Anh-Tài đó, lúc đó ổng bị tĩnh-mạch giãn, cần phải mổ và cắt bớt những tĩnh-mạch nó giãn ở chân ổng. Khi đó, da chân mình, như quý vị biết, mình mổ ra và kéo gân lên, nó đau kinh khủng lắm. Người ta đòi chụp thuốc mê cho ổng, ổng không chịu, ổng nói để đó, tự ổng, ổng leo lên giường mổ, ổng đưa chân ổng ra, ổng lấy dao ổng xẻ thịt ổng mà không đánh thuốc tê, thuốc mê gì hết; rồi ổng may, ổng vá bình thường mà mặt không biến sắc. Tại sao ông bác-sĩ này làm được như vậy? Là vì ổng hiểu được sự cấu-tạo của bắp thịt của ổng, sự cấu-tạo của gân; và những cái đau đó chỉ là cảm-giác nhất thời, cho nên ổng mổ mà không cần thuốc tê, thuốc mê gì hết. Chuyện đó mình thấy rõ, các vị Bồ-bát cũng vậy; chỉ cần hiểu rõ thân mình, có một chút xíu trí-huệ, biết rõ cách sử-dụng về thân, thì người đó vẫn có cái đau như mình, nhưng mà đau về thân thì có, còn đau về tâm thì không.

2- Khổ Tâm-lý.

Bây giờ bước qua cái đau tâm. Giả sử bây giờ là chín giờ ba mươi; lúc bảy giờ đã có một người đến chửi bới mình, và người đó tát mình một bợp tai, đó là cái đau của thân, đau sinh-lý. Nhưng nếu người này không tát mình, người này lại chửi mình "đồ vô-duyên, đồ vô-học" gì đó, thì chúng ta cũng cảm thấy đau. Tuy cái đau này không có tổn-thương đến thể-xác mình, nhưng chúng ta vẫn thấy đau, và đây là cái đau về tâm-thần.

Chúng ta thấy đau vì người đó nhục-mạ mình, coi mình không ra gì. Giả sử lúc bảy giờ họ chửi, tiếng chửi là "đồ giả dối, đồ vô-học" tới cùng năm người, nó đến lỗ tai năm người cùng lúc, nhưng chỉ có một người bị trúng tên thôi, thì người đó là người chấp ngã.

Chẳng hạn như bây giờ tôi nói với quý vị: "Ðồ vô-học!" sau khi tôi nói như vậy, quý vị không biết là tôi nói ai, thành ra chửi bông lông như vậy, cả một trăm cái lỗ tai ở đây đều nghe hết, nhưng mà chưa thấy đau. Nhưng nếu bây giờ tôi nói rằng tôi nói là tôi nhắm đến một bà, bà đó ở Châu- Ðốc mới lên, thì bây giờ, mấy người ở Châu-Ðốc đều rúng động hết. Nếu tôi nói bà đó bả bán đồ chay, bả tên là cô Út chẳng hạn, thì một người này bị thôi, mấy người kia trắng án, quý vị thấy không? Như vậy mình thấy, âm-thanh là những làn sóng đến lỗ tai mình bình-đẳng, nhưng mà người nào chấp cái chữ cô Út là tên mình, thì người đó thấy đau khổ, còn những người không thấy chữ cô Út là mình, thì người này thấy khoẻ dữ lắm.

Bây giờ để cho cô Út buồn bã đã đời rồi tôi mới nói: "Quý vị chưa hiểu chữ vô-học đó; ở trong nhà thiền, ở trong nhà Phật đó, hữu-học là những người còn tham sân si, còn phải học tu mới đạt đến bậc vô-học; vô-học là người đã hết trơn phiền- não, đã chứng A-la-hán rồi. Thành ra ở trong này chỉ có cô Út là người vô-học". Nghe như vậy, tức thì cô Út khoái chí quá, tự-nhiên cơn đau đó nó mất.

Như vậy cái đau, cái buồn về tâm-lý nó phát-xuất từ đâu? Trong kinh, chúng ta có câu chuyện về Phá-Táo-Ðọa:

Có một vị Thiền-tăng nọ, không biết tên gì, chỉ ghi là ông đi qua một thôn xóm kia, thấy người ta đang giết heo để cúng thần Táo. Ông mới hỏi là:

"Thần Táo ở đâu, ra sao?"

Dân địa-phương mới nói:

"Ông thần Táo ổng linh dữ lắm, người nào qua đây mà giở nón, cúi đầu chào, và giết thú vật cúng ổng thì cầu gì được nấy. Còn người nào qua miếu ổng mà không tụt xuống bái lễ thì ổng sẽ bắt bịnh, có khi ổng giật cho hộc máu nữa, thành ra ổng rất là linh".

Vị Thiền-tăng nghe nói mới tò mò đi vô miếu thờ ông Táo; vô trong đó chỉ thấy ba ông đầu gạo, tức là ba cục gạch bắt thành cái bếp, còn ngoài ra không thấy gì hết. Vị Thiền-tăng mới đứng mà nói thế này:

"Ủa, nghe nói linh-thiêng lắm mà sao chỉ có ba cục gạch hà; ba cục gạch này mà thiếu một cục thì không thành cái bếp được. Mà phải ba cục bắt trong tư-thế này mới thành cái bếp. Hóa ra nhờ bắt tình-cờ mà thành cái bếp, không biết linh-thiêng chỗ nào?"

Ông vừa nói tới đó, thì ba cục gạch rã ra thành bụi hết. Ông sợ bị người ta bắt lỗi là cái miệng ăn nói tầm bậy tầm bạ, làm sập đồ của người ta, cho nên ông lật đật bỏ đi. Khi ra đi được một dặm đường, ông thấy có một cụ già mặc áo sậm quỳ bên vệ đường và nói:

"Con xin đảnh lễ thầy ba lạy, cám ơn thầy vì con mà thuyết-pháp vô-sinh".

Vị Thiền-tăng này rất đỗi ngạc-nhiên:

"Ủa, mà tôi có gặp cụ lần nào đâu?"

Khi đó ông già mới nói:

"Con nguyên là một vị quỷ thần đi ngang qua vùng này, con vào trú mưa trong cái miếu, và thấy ba cục gạch bắt như vậy, thì con chấp vào ba cục gạch và cái miếu này, con cho là thân con; cho nên khi ai đi ngang mà cúi đầu, thì con cho là kính-trọng con, và cúng-dường thì con ban phúc; còn người nào đi ngang mà không cúi đầu, con cho là khi dễ, con sẽ giáng họa. Vì ba cục gạch chấp là thân mình cho nên con tạo không biết bao nhiêu là nghiệp ác và nghiệp thiện trong thời-gian qua. Hồi nãy trong lúc con đang chứng-kiến cuộc tế-lễ thì nghe thầy nói: "Ba cục gạch bắt thiếu một cục không thành, linh-thiêng ở chỗ nào?" thì con mới khám-phá ra rằng, trong thời-gian vừa qua, con ngu quá thành ra con bị cột vào cái miếu này không đi đâu được hết; nhờ thầy nói, cảnh-tỉnh cho con biết ba cục gạch đó không phải là thân con, cho nên ngày hôm nay con là một vị thần tự-do, đi đâu tùy ý, không cần phải cột vào đây để làm mọi cho cư-dân vùng này bằng cái lời khen chê nữa".

Câu chuyện đó mình không biết là thiệt hay hư; nhưng ông thần Táo này là một người tự-do, mà vì chấp ba cục gạch là của mình cho nên ổng ban phúc, giáng họa và tạo không biết bao nhiêu nghiệp thiện và nghiệp ác để làm vừa lòng cư-dân chung quanh mà mua lấy những lời khen chê; bây giờ, khi khám-phá ra ba cục gạch không phải là của mình thì ổng giải-thoát.

Ở đây, chúng ta thấy rằng, chúng ta khi sinh ra đời, thân mượn tinh cha, mượn huyết mẹ, mượn đồ ăn, mượn sữa, mượn cơm, mượn gạo và đấp đổi để nuôi thành cái thân này. Và chúng ta cũng chấp vào thân này là mình cho nên ai đi qua mà giở nón, cúi đầu, ai mà cúng-dường, tôn-trọng cái thân này thì chúng ta ban phúc, còn người nào khi dễ, chê bai, không giở nón, cúi đầu thì chúng ta giáng họa. Cho nên, khi chúng ta chấp vào thân này là mình, thì chúng ta bị đọa đầy vào cái thân này; còn không chấp thân này là mình, thì chúng ta vẫn có thể sử-dụng thân này mà giải-thoát.

Cái tu đầu tiên của người Phật-tử trong chùa là phá ngã, tức là phải nhìn cho đúng vào cái ngã của mình, thực-chất nó là cái gì? Quý vị nhớ khi chúng ta được sinh ra đời, một tấm tã cũng không có, bây giờ ít nhất đồ phụ-tùng cũng rất nhiều; khi chết đi, chúng ta cũng đem theo ít nhất là một rương. Nhưng rồi tất cả cũng đều trở về cho cát bụi hết. Chúng ta còn là cái gì? Như một người cỡi chiếc xe Honda, khi phải đi đây đi đó, thì chúng ta phải sử-dụng cái xe; mà cái xe đó phải đổ xăng đổ nhớt, phải bảo-trì để chúng ta đi. Nhưng mà nhớ là xe không phải là mình! Giả sử họ chê cái xe này xấu quá, cổ-lỗ-sĩ quá thì mình cũng đừng buồn; chê là chê cái xe chứ không phải là chê mình.

Chẳng hạn tôi nhớ hồi đó, đầu năm tôi may được bộ đồ mới, tôi bận đi tới đi lui trong tu-viện, tôi mới hỏi mấy cô em tôi:

"Ðẹp không, đẹp không?" mấy cô em mới hỏi lại:

"Cô hỏi cái gì? Người hay là áo?"

Nghĩa là mình bận quần áo đẹp, mình hỏi đẹp không, đẹp không, nếu người ta nói đẹp thì mình mừng, hóa tưởng mình, thiệt ra là bộ đồ. Như vậy là người đẹp hay áo đẹp? Người cũng là người ngày hôm qua, bộ đồ thì bộ đồ mới; người ta khen là khen bộ đồ chứ có khen mình đâu. Quý vị thấy rõ chuyện này không nào? Khi mình chấp vào bộ đồ cho là mình thì người ta khen bộ đồ, mình mừng quá, tưởng người ta khen mình; người ta chê bộ đồ, tưởng đâu người ta chê mình. Thiệt ra bộ đồ chỉ là một vật-dụng để mình bận che thân, thay đổi hàng ngày. Bao giờ chúng ta thấy cái thân này giống hệt bộ đồ, như những đồ phụ-tùng, khen chê hoàn toàn không dính dáng gì, thì lúc đó chúng ta mới thoát được cái đau tâm-lý.

Trong kinh Phật có kể câu chuyện như thế này:

Có anh chàng nông-phu nọ; ảnh đi ra ngoài ruộng, ngồi cày bừa xong một lát, có người khách bộ-hành đi ngang, người khách bộ-hành mới hỏi đường đi. Anh nông-phu hỏi lại người khách làm nghề gì. Người khách trả lời ổng làm nghề hát xiệc (ảo- thuật đó). Anh nông-phu liền nói:

"ảo-thuật sao anh không biến ra tiền đi?" Ông khách nói:

"Biến ra tiền tôi biến được, nhưng xài không được vì tiền đó là tiền giả".

Sau đó, hai người mới kết bạn tâm-tình với nhau; nhà ảo-thuật đó liền trổ tài cho anh nông-phu coi, và ổng nói trước thế này:

"Trong khi mà tôi trổ tài thì sẽ có những nhân-vật, những người, những cảnh, những lời lẽ hiện ra như thiệt, anh phải nhớ rằng đây là huyễn, tức là không thiệt. Anh mà nói thiệt là nguy-hiểm dữ lắm!"

Anh nông-phu nói rằng:

"Anh khỏi dặn tôi, mình là người lớn chứ phải con nít đâu, biết đây là một nghệ-thuật để thưởng ngoạn thôi, chứ hoàn toàn không có thiệt".

Khi đó anh ảo-thuật mới trổ tài, ảnh ngáp một cái, từ miệng ảnh phun ra một người nhỏ xíu, bắt đầu người đó lớn dần thành một người đàn bà. Anh mới giới thiệu "Ðây là vợ tôi". Người đàn bà mới chào anh nông-phu rồi ngồi kế bên đó. Khi đó anh nông-phu mới thấy người đàn bà đó y như một người thiệt không có khác gì hết. Anh ảo-thuật nói tiếp:

"Thôi, bây giờ anh ngồi đây tiếp chuyện với vợ tôi, tôi nghỉ một chút".

Anh ảo-thuật liền nằm xuống và ngủ khò. Khi đó bà vợ hả miệng, bả phun ra một chàng thanh-niên và bả giới-thiệu:

"Ðây là tình-nhân của tôi. Tôi và anh này ăn ở đã có năm mặt con rồi, nhưng mà tôi dấu ông chồng tôi; bữa nay tôi mới dẫn ra giới-thiệu với anh đây". Anh nông phu mới hỏi:

"Ủa, mấy đứa con nít đâu sao tôi không thấy?" thì bà vợ ông ảo-thuật mới bắt đầu phun ra con trai, con gái, đám con nít gần chục đứa và nói đây là đám con của tôi và với ông tình-nhân.

Khi đó, đám con nít bắt đầu chửi anh nông-phu. Ban đầu, chửi tiếng đầu tiên, ảnh còn nghĩ đây là ảo-thuật. Chửi một hồi, ảnh sùng quá ảnh lấy cuốc ảnh quơ, đánh đám con nít đó, thì lúc đó tất cả người lớn nhỏ đều biến hết; ông ảo-thuật thức dậy, và đầu ổng u mấy cục. Ổng mới nói:

"Tôi đã dặn trước rồi, cái này là ảo-thuật, và anh nói anh không phải là con nít mà anh làm vậy; anh thấy anh quơ bầy con nít mà tôi u cái đầu đây hay không?"

Trong kinh Bách-dụ, Phật chỉ kể câu chuyện như vậy thôi.

Bây giờ, quý vị thấy, chúng ta hay bị gạt bởi trò ảo-thuật này! Giả sử như bây giờ tôi ngồi đây và tôi nói là:

"Cách đây mấy ngày, có một bà đó tên là bà Ba, bà Ba đó từ Saigon ra đây kể chuyện cho tôi nghe; bà Ba đó bả nghe bà bạn của bả là bà Tư nói rằng: "Cô Út ở dưới Châu-Ðốc đó, cô này cổ cầu danh, cầu lợi dữ lắm; tu không có trí-huệ gì hết, mà bị vướng ngũ-dục, thế này, thế khác..." Khi nghe tôi nói như vậy thì cô Út cổ nổi sùng lên.

Quý vị thấy không? Từ miệng tôi, tôi phun ra bà Ba; từ miệng bà Ba phun ra bà Tư; bà Tư mới kể chuyện ai nói đâu đó, mà hoàn toàn không biết gì hết, chỉ nghe kể lại. Như vậy, đây là trò ảo-thuật của tâm-thức chớ gì?

Quý vị thấy rằng, ngoài tôi ra không có ai hiện-diện ở đây, mà tôi phun ra từ miệng bà Ba, bà Tư, bà Năm... Rồi quý vị nghe xong nổi sùng, quý vị có giống anh chàng nông-phu khi nãy không? Tức là từ ông ảo-thuật, phun ra bà vợ, từ bà vợ phun ra ông tình-nhân, rồi phun ra một đám con, đám cái, rồi ông nông- phu quên hết lời dặn, quơ gậy đập đám con nít. Cũng vậy, từ miệng tôi, tôi nói ra, là nhân-vật này tên Ba, tên Tư, tên Năm, tên Sáu, và nói bao nhiêu chuyện đó từ một miệng tôi thôi. Mà chúng ta bị gạt, chúng ta đau khổ vì những lời này.

Ðây là một trong những cái khổ mà mấy bà hay mắc phải. Cứ hai người ráp lại với nhau là bắt đầu chơi trò ảo- thuật: "Chỗ chị em, tôi nói chị nghe, con mẹ kia nói chị thế nào đó..." một lát là phải đi đôi chối, một lát là giận hờn, một lát là gây gổ khổ sầu, mà đây là trò ảo-thuật của tâm-thức. Vì thế các Thiền-sư nói mình thế này: "Sống sai, chết mộng" và một vị Thiền-sư khác nói:

"Ngày lo những chuyện đêm mơ,
Ðêm mơ những chuyện ngày tơ tưởng hoài,
Ngày xưa cho tới ngày nay,
Chưa từng tỉnh-thức một giây phút nào".

Có nghĩa là ban ngày chúng ta bàn những chuyện mộng, còn ban đêm mơ lại những chuyện ban ngày bàn; cho nên từ ban ngày cho đến ban đêm, chưa bao giờ chúng ta tỉnh mộng; vì thế các ngài hay nói "cuộc đời như huyễn mộng". Như vậy, bao nhiêu người hiện-diện trước mắt mình đây, những người này nói là không có thiệt, thì đó là nói sai, tức là quý vị đó.

Ngay bây giờ, quý vị chửi, tôi có quyền giận; quý vị đánh, tôi có quyền chạy; tại vì đây là một hiện-tượng ngay trước mặt. Một lát, tôi về trong chùa, tôi ngồi, và tưởng-tượng lại, tôi nói: "Chèn ơi, hồi sớm mai có bà Phật-tử gặp tôi, bả khen tôi đẹp, tốt tướng!" Tôi ngồi tôi cười một mình. Ðó là bắt đầu nằm mơ, quý vị thấy không? Thí-dụ khác, tôi ngồi, tôi nói: "Có bà Phật-tử bả đối với tôi vô-lễ hết sức, bả ngó tôi không bằng nửa con mắt!" Tôi nghĩ tới đó xong, tự-nhiên tôi thấy buồn. Ở đây có phải là "mắc thằng bố" không?

Quý vị có biết chuyện "mắc thằng bố" không? Người ta kể có những cô thiếu-nữ cứ tơ-tưởng có một vị tình-nhân nào đó, mà người ta gọi là người cõi âm. Cô này cứ ngồi nói chuyện tâm-tình, giận hờn làm nũng, rồi cười duyên với người yêu đó, mà người chung quanh không thấy gì hết, chỉ thấy một mình cô ta thôi. Có nghĩa là tự cô ta, cô ta cầm cái tay này, cô nói: "Lâu quá không thấy tới, để người ta đợi muốn chết", mà cô ta cầm cái tay cổ thôi. Và cô ta cũng tự đối-đáp như thế này: "Tới trễ một chút là giận à, sao giận vậy, giận cái mặt có duyên quá!" rồi cô ta cũng rờ cái tay cổ. Hai người tự đối-đáp nhau mà chỉ có một. Với những người này, người ta gọi là "mắc đàng dưới" hay "mắc thằng bố".

Chúng ta cũng "mắc cả một trăm thằng bố" chứ gì! Quý vị thấy không, giả sử ngồi đây nhớ, nhớ thằng Hai, thằng Ba, thằng Tư, thằng Năm, rồi nhớ người này người kia, người thương người ghét; nhớ tới đâu thì chúng ta cũng có những lời đối-đáp âm thầm trong tâm của mình, rồi chúng ta cũng giận hờn thương ghét, thì đó không phải là "thằng bố" chớ là gì? Ðây những cái khổ của mình bắt nguồn từ cái mộng này.

Giả sử ngay tại đây mà người ta chửi mình, đánh mình, thì chúng ta có quyền thấy đây là thiệt; còn ngồi đây như vậy rồi tưởng-tượng một lát là giận hờn, rồi thương ghét, thì rõ ràng... Với cô mà tôi nói "mắc thằng bố" quý vị cười, là tại vì cô ta qua tâm-thần, nghĩ làm sao, cổ nói ra như vậy; còn chúng ta, chúng ta cũng ngồi nói lầm thầm vậy, có bao giờ mà tâm quý vị được yên một phút không, hay là lúc nào cũng đối-thoại hết người này tới người kia? Mà bao nhiêu những người bà con, cô bác, xóm làng, những người quen mình đều không có trước mặt, mà mình cứ nghĩ đến, cứ nói, rồi giận, rồi hờn, thì cũng là loại "mắc thằng bố" chứ gì?

3- Làm sao hết khổ?

Chuyện này không phải chỉ thời mình mới có, mà thời Ðức Phật còn tại-thế, có một ông sa-di, tên là ông Tăng-Hộ. Lúc ông mới bảy tuổi, bữa đó chú sa-di này đi ra đường, chú được người ta cúng cho hai sấp vải thiệt đẹp, cho nên chú mừng lắm, chú nhẩy cà tưng, đi từ ngoài chợ về đến tịnh-xá. Về tới nơi, chú gặp ông thầy của chú, chú mừng, chú khoe:

"Con có được hai sấp vải, con cho thầy một sấp nè".

Chú cứ nghĩ là ông thầy của chú nhận được sấp vải này, thế nào cũng mừng nhảy tưng tưng như chú. Nhưng mà không ngờ ông thầy rất điềm-tĩnh. Ổng nói:

"Thôi thầy có đủ rồi, thầy không cần nữa. Con đi đâu sớm mai giờ, bỏ công việc không ai lo, thôi bây giờ vô đây cầm cái quạt hầu cho thầy, để thầy ngồi thiền".

Ông thầy leo lên bồ-đoàn ngồi nhắm mắt, bắt chú tiểu ngồi một bên quạt. Khi đó chú tiểu thất-vọng, chú nghĩ rằng khi mình đem sấp vải này về thầy rất mừng, và thầy còn thương mình hơn nữa, ai dè thầy còn lạnh lùng rầy mình; cho nên chú đứng, chú quạt cho ông thầy, vừa quạt vừa nghĩ:

"Thầy mình không thương mình nữa, cho vải không mừng mà còn rầy; bây giờ mình đi về nhà cho rồi, đi về nhà cho khuất mắt ổng chắc là ổng mừng lắm. Mà bây giờ mình đi về nhà mình làm cái gì đây, ba má không có tứ cố vô thân, làm nghề gì? Mà không có tiền lấy gì sống?

Thôi thì mình bán hai sấp vải này. Bán hai sấp vải này rồi mình mua cái gì? Mình mua một con dê mình chăn, vừa lấy sữa uống vừa có lời nữa. Ðến khi mà dê nó sinh ra một bầy, mình mới đổi ra mình nuôi bò; rồi sau đó mình sẽ sắm ruộng, sắm vườn, và đến năm hai mươi tuổi mình cưới vợ.

Khi đẻ thằng con trai đầu tiên mình sẽ đặt tên là Tăng-Hộ, rồi mình mới dẫn vợ con đến gặp thầy mình quy-y, tại vì mình thấy Phật-tử hay dắt con nít tới quy-y. Khi mình dẫn nó đến tịnh-xá, mình mới chỉ chỗ này: "Hồi đó ba tu chỗ này nè, ba đứng ba hầu thầy chỗ này nè..."

Tức là ổng tưởng-tượng, ổng nghĩ như vậy. Trong lúc đi như thế, ổng ẵm thằng con chạy trước đặng khoe với thầy, thì bà vợ không chịu; hai người dành tới dành lui, đứa con nít rớt xuống đất. Khi đó chú Tăng-Hộ nghĩ: "Ðàn bà mà không dạy, thế nào cũng lấn lướt quyền, thành ra phải đánh nó mới được!" Chú mới trở cán quạt, chú gõ lên đầu bà vợ một cái cốc!

Ngay khi gõ bà vợ cái cốc như vậy, thì ông thầy đang ngồi thiền, tự-nhiên ổng bị gõ lên đầu, ổng mới giựt mình, ổng xả thiền, ổng mới nói thế này:

"Ngươi đánh không có trúng cái mụ đàn bà mất nết đó mà trúng ngay cái đầu trọc của thầy kêu cái cốc đây nè".

Lúc đó, chú Tăng-Hộ giựt mình; thì ra chú còn là đứa con nít bảy tuổi, nãy giờ chú tưởng-tượng thôi, mà bị phăng ra hết trơn. Chú hoảng hồn, chú nói:

"Chết cha mình nghĩ cái gì là ông thầy ổng biết hết trọi rồi, nãy giờ cưới vợ ổng đâu có hay, mà bây giờ đánh bà vợ ổng nói là ngay chóc. Ðánh không trúng bà đó mà trúng ông đây. Thành ra bây giờ làm sao?"

Con nít khi phản-ứng nó quýnh, chú phát chú chạy. Mấy đứa con nít và mấy ông điệu đứng chung quanh hầu mấy ông thầy đang ngồi thiền thấy Tăng-Hộ chạy cũng phát chạy theo, chạy rần rần hết. Ðức Phật mới bước ra nói:

"Trưa người lớn ngồi thiền, tụi con hoặc ngủ hoặc đuổi ruồi, hoặc quạt hầu, chứ tại sao chạy rần rần như vậy?" Thì đám con nít mới nói: "Dạ, con thấy Tăng-Hộ chạy thành ra con chạy theo". Phật mới nói:

"Tăng-Hộ vô đây! Tại sao trưa không chịu ngủ nghê hoặc là hầu người lớn mà chạy?" thì Tăng Hộ mới kể chuyện của mình bán dê, nuôi bò, cất nhà, cưới vợ, đánh vợ mà trúng ông thầy. Khi đó Phật mới dạy chú cách chăn trâu. Phật nói thế này: "Tâm phàm-phu thường lén lút đi rất xa, vô hình vô dạng, đi tới đi lui, đi tận hang sâu luôn, thành ra người thiện-trí phải sắm một sợi dây, xỏ mũi con trâu đó, cột một chỗ đừng cho nó đi xa".

Sự-tích này có ghi trong kinh Bách-Dụ. Quý vị có giống chú Tăng-Hộ này không? Tôi bảo-đảm tôi còn giống thì quý vị sao khác được? Quý vị thấy rõ ràng chứ gì?

Như vậy mình thấy, cái đau sinh-lý, cái đau thân xác, chúng ta có đau. Các vị Bồ-tát cũng có. Cái đau tâm-lý này là những lo lắng, những cái nghĩ tưởng, thường thường mình hay rời sự thật này, cho nên mình hay lâm vào cái cảnh thân một nơi, tâm một nẻo. Chẳng hạn như quý vị từ Châu-Ðốc lên đây, sực nhớ hồi đi chưa kịp đóng cửa, hồi đi chưa kịp dặn con Hai, thằng Ba cái gì đó, bắt đầu len lén về Châu-Ðốc một mình. Ðây là một ông Tăng-Hộ đó. Trong nhà thiền, người ta gọi là mình "sống mơ" là như vậy.

Giả sử mình ngồi ở đây mà ngủ gục một cái là chúng ta thấy một cảnh đời chiêm-bao thành lập, cái đó gọi là "nhắm mắt chiêm-bao".

"Mở mắt chiêm-bao" là chú Tăng-Hộ, mới bảy tuổi, mà rồi cưới vợ, sanh con, đánh vợ; rõ ràng đây là chiêm-bao rồi chứ gì?

Chẳng hạn quý vị ngồi đây mà tưởng-tượng đến người thân, người giận, người hờn, lúc đó mới có những phiền-não phụ-tùng, thì cái này là chiêm-bao. Làm sao để thoát khỏi cái khổ chiêm-bao này? Tức là thức dậy.

Giả sử như mình nằm chiêm-bao thấy mình bị giựt hụi mất năm triệu, lúc đó mình khổ sở quá; ngay lúc đó mình làm sao thoát khỏi khổ? Không phải đi mượn tiền, không phải đi vay, mà là chúng ta thức dậy. Thức dậy là chúng ta hoàn toàn thoát khỏi cảnh khổ ấy là bị giựt hụi trong mơ.

Giả sử mình ngồi đây mà có nghe văng vẳng tiếng người nào đó nói xấu mình, thì làm sao để mình thoát được cái khổ này? Không phải là mình viết thơ gởi bưu-điện thanh-minh là mình không có xấu như vậy, mà mình chỉ cần biết rằng cái tiếng văng vẳng đó là do mình tưởng tượng mà ra. Thành ra pháp của thầy dạy đây là tri-vọng là như vậy. Biết những cái gì không thiệt là không thiệt thì khi đó mình hết khổ?

"Biết thiệt" nó khác với "mình nói nó là thiệt", là "giả" mà mình tưởng là "thiệt". Có rất nhiều vị Phật-tử đến hỏi tôi như thế này: "Con cũng biết đó là hư-vọng mà tại sao con vẫn theo? Có nghĩa là con biết đó là hư-vọng, là giả, là không thiệt mà sao nó cũng ám ảnh con?" Có khi nào quý vị lâm vào hoàn-cảnh này không?

Ở đây tôi đưa thí-dụ. Năm 1980, tôi đi làm ruộng ở Huệ-Chiếu, ruộng ở đó đỉa kinh khủng lắm, có nghĩa là thò tay xuống nước cỡ hai phút thôi thì đã có năm con đỉa nó đeo mình rồi. Và thường thường lúc đó tôi sợ lắm, cho nên tôi đi qua băng rẫy, còn lâu lâu mới đi ra thăm mấy cô băng ruộng. Mấy cô băng ruộng rất là gan; khi nào đỉa đeo thì họ bốc cục đất sét đặt lên con đỉa, họ vo tròn, rồi họ vụt con đỉa đi qua ruộng khác. Thành ra ở trên đường đi, mình thấy mấy cục đất sét tròn tròn là có đỉa ở trong ấy.

Tôi không biết được kiểu làm của mấy cô này, cho nên tôi ra đơm xôi cho mấy cô ăn xong, tôi ngồi tôi mới bốc mấy cục tròn tròn đó chơi; tôi vò lại thành một cục bự, rồi tôi nắn cái nồi, cái chén... đủ thứ hết. Vừa ngồi, vừa nói chuyện, vừa nắn như thế đó. Ngay trong lúc tưởng nó là cục đất sét, mình ngồi mình nắn đủ kiểu; đang lúc nắn như vậy, tự nhiên tôi nghe nhột nhột, vừa nhình xuống tôi chỉ thấy và la lên "con đỉa" một cái là cục đất nó bay mất; nghĩa là cái tay mình nó tự-động vụt mất cục đất hồi nào mà mình không hay. Thành ra khi nào chúng ta thấy cục đất sét đó là cục đất sét thì chúng ta còn cầm, còn nắm, còn nhồi, còn bóp, chớ khi thấy nó có con đỉa trong đó thì bạn bè tôi chỉ nghe "oái" một tiếng là cục đất đó bay mất, nghĩa là vụt không kịp nữa.

Như vậy thì, có bao giờ người đó cầm cục đất sét rồi hỏi người khác rằng: "Tôi biết đây là con đỉa, làm sao để vụt không?" Hoàn toàn không có chuyện này! Có khi nào quý vị biết là mình nằm mơ, và có bao giờ lại nói rằng: "Tôi biết cảnh tôi đang nằm đây là mơ, làm sao để thức dậy" hay không? Thật ra, lúc nào chúng ta biết mình nằm mơ là lúc đó mình đã thức. Giả sử, tôi có người bạn, cô ta nói cô ta đi tới nhà người quen, được người ta cho một ly nước đá nhận, ngay lúc đó cô sực nhớ đây là mơ, cổ quýnh quá cổ nói "ăn cho lẹ kẻo thức dậy hết ăn", cổ vừa ăn xong là thức dậy và ly nước đá đó cũng hết.

Như vậy, phương-cách để thoát khỏi cái khổ ở đây là chỉ cần biết nó không thiệt; muốn cho con đỉa không còn nằm ở trong tay mình, chỉ cần biết nó là con đỉa là tự-nhiên chúng ta liệng đi; nhưng mà vì chúng ta coi nó là cục đất, là đồ chơi, chưa biết là con đỉa cho nên chúng ta còn cầm. Vậy thì những cái gì còn bám víu vô mình, mà mình biết nó là không thiệt, biết nó là hư-huyễn, biết nó là độc-hại, mà tại sao mình vẫn nắm giữ? Là tại mình bắt chước người khác, nói là huyễn, là mộng, là không thiệt, nhưng đối với mình là rất quý! Thành ra lối tu của thầy dạy ở đây là "biết vọng", tức là ngay lúc mình biết là con đỉa thì con đỉa đã lìa rồi. "Biết vọng liền lìa" tức là "giác", không cần một phương-tiện nào khác.

Giả sử bây giờ mình ngồi ở đây, mà tự-nhiên nhớ người bạn nào ở Châu-Ðốc, người bạn đó nói những gì đó làm mình buồn; bây giờ làm sao thoát được cái buồn này? Chỉ cần biết người bạn đó không có ở đây, và những lời nói đó do mình tưởng-tượng mà ra. Quý vị thấy chỗ này: Ngay khi biết đó là vọng, thì vọng liền lìa. Thành ra những cái gì ám-ảnh tâm-trí, mình chỉ biết nó là không thiệt; ngay lúc biết là không thiệt đó thì khi đó chúng ta đã lìa được cái vọng đó rồi!

4- Các Pháp Tu

Ba tôi có một người bạn, người bạn này già, và ông thường ngồi thiền một mình trong tịnh-thất. Một hôm ông ấy đến hỏi ba tôi như thế này:

"Cứ khoảng chạng vạng tối, hoặc mờ mờ sáng, tôi thấy có một ông hòa-thượng đắp y, aó chỉnh-tề, mặt mũi hồng hào quỳ trước mặt tôi và hỏi tôi cách tu. Bây giờ tôi có nên dạy ổng hay không?"

Ba tôi mới gạn hỏi:

"Trong những giờ khác có hiện không, hay chỉ lúc tờ mờ sáng và chạng vạng tối, tức là chỉ trong lúc tranh tối tranh sáng ông này mới hiện?"

Người bạn xác-định là chỉ thấy khi chạng vạng tối mà thôi! Lúc đó, ba tôi cầm cái ly uống nước đưa lên hỏi:

"Cái này là cái gì?" ông bạn già nói:

"Ðó là cái ly!"

Ðương hiện-diện tại đó có mười người, ba tôi lại cầm cái ly lên hỏi:

"Cái này là cái gì?" thì ai cũng gọi là cái ly. Ba tôi mới nói:

"Ai cũng biết, sờ, mó, tên, danh, tướng, rờ, rẫm, và ai cũng đồng-ý đây là cái ly. Như vậy mà Phật còn nói: "Duyên hợp giả có, duyên hết hoàn không". Còn cái ông hòa-thượng của anh chỉ tờ mờ tối, chạng vạng sáng mới có hiện ra, hễ ánh nắng mà tỏ một chút xíu là ổng không có, và chỉ một mình anh thấy chứ không có ai thấy hết, thì nhân-vật này thiệt hay hư?"

Từ đó ông hòa-thượng không hiện ra trong lúc vị cư-sĩ này ngồi thiền nữa. Quý vị để ý, chẳng hạn như người Phật-tử này đang ngồi đây mà nhớ con, nhớ vợ, nhớ bà con quyến-thuộc thì người chung quanh không ai thấy những hình bóng đó, chỉ một mình mình thấy thôi!

Một mình mình thấy người chung quanh không ai thấy những hình bóng đó, thì cái bóng này thiệt hay hư? Bóng này không có thiệt! Chỉ cần biết những cái bóng đương ám-ảnh trong tâm mình không thiệt, lúc đó chúng ta được gọi là "người tỉnh giác", ra khỏi những khổ sầu vì những cái ám-ảnh đó.

Như vậy về cái đau thân xác, các vị Bồ-tát, các vị chứng đạo vẫn đau như mình, nhưng mà cái đau tâm-thức thì Ðức Phật thí-dụ thế này:

Có anh chàng kia bị người ta bắn mũi tên độc; khi mũi tên độc cắm vào ngực anh, thì anh ta mới rút mũi tên ra, băng bó vết thương cho lành đi rồi thôi.

Có anh thứ hai cũng bị trúng mũi tên độc; anh ta rút tên ra, coi ai bắn mình bằng chất độc gì, rồi anh ta mới đâm liên tiếp lên ngực mình cho nó nát bấy ra. Người thân của anh nghe anh bị trúng tên đến thăm, anh mới rút hết toàn hơi của mình đâm liên tiếp những người thân của mình bằng mũi tên đó.

Phật mới ví anh chàng trúng tên mà rút tên ra băng bó đàng hoàng đó là người trí, còn người lấy tên kẻ thù bắn cho mình, rồi đâm liên tiếp trên người mình cho đến bao giờ không còn chỗ đâm nữa, thì chúng đem đâm người thân mình, người này Ðức Phật gọi là người ngu.

Mũi tên này ví cái gì?

Ðây muốn nói là Bát Phong, là hoàn-cảnh nghịch, là thuận, là khổ, là vui, là khen, là chê, là được, là mất... thì những cái đó đến đồng đều cho người trí, cũng như người ngu.

Khi người Trí gặp cảnh trái ý khổ lòng đó, người đó sẽ bình-tĩnh rút mũi tên ra, băng bó cho vết thương lành trở lại. Ðó là theo lời Phật dạy: "Khi nghe lời chê con đừng buồn, khi nghe lời khen con đừng mừng, mà chỉ bình-tĩnh để coi đúng hay sai rồi thôi bỏ qua đi; đó là người trí". Giống như mũi tên, rút ra rồi băng bó lại, đợi cho lên da non rồi ngừng lại thôi.

Còn người Ngu là thế nào? Ðúng bảy giờ có người đến nhục-mạ, chửi mình; sau rồi người đó đi, thì từ bảy giờ sáng đến bảy giờ chiều mình cứ ngồi nhớ hoài lời người ta nói, lòng ray rứt khổ sầu với lời nói đó. Quý vị như có một máy thu băng. Ðúng bảy giờ có người đến chửi mình, mình mở máy thu băng ra thu lại hết. Ðến bảy giờ mười lăm người đó về rồi. Lúc bảy giờ ba mươi mình mở máy thu băng ra để mà nghe trở lại tiếng chửi của người đó; người đó trong máy thu băng chửi, ngoài này mình tấm tức khóc. Quay hết cuộn băng mười lăm phút, mình vặn trở lại để nghe từ đầu, quay tới quay lui, nghe suốt ngày; thay vì người ta chửi mình có mười lăm phút, suốt hai mươi bốn giờ đồng hồ hôm đó cứ quay tới quay lui nghe hoài. Có người còn nói thế này: "Tôi á, cuốn băng này sống để dạ, chết mang theo, nghe cho đến ngày tắt hơi thở cuối cùng!" Người này là người Ngu hay người Trí? Quý vị bảo người này Trí hay Ngu?

Chưa hết nữa, vừa nghe vừa khóc, rồi chồng về kể lại cho chồng nghe, con trai về kể lại cho con trai nghe, con gái về cũng kể lại... Kể sáng ngày tối đêm, như vậy cho nội ngoại hai bên nghe. Người ta chửi mình mười lăm phút, mình lập lại, tức là chửi cho bà con thân-quyến mình nghe. Có phải là anh chàng rút tên ra đâm vào ngực mình tưới sượi, rồi đâm vào người thân mình không? Phật ví dụ có đúng không? Bây giờ mình mới than: "Cây muốn lặng gió chẳng ngừng. Tôi muốn tu mà tại vì bà đó bả phá không muốn cho tôi tu!" Ai phá? Ðành rằng người ta phá mười lăm phút xong họ đi mất rồi, mà mình ngồi cứ ôn tới ôn lui, tức là mình xài cái máy thu băng của mình đó.

Nếu trong nhà mình có bà mẹ cỡ này, mình phải giựt cái máy thu băng của bả đi. Giả sử cái máy thu băng đó là lời thuyết-pháp, là tuồng cải-lương, là nhạc hay, thì mình còn mở cho bà con thân-quyến; đằng này chỉ có bản chửi tới chửi lui mà cứ nghe hoài, ai chịu cho nổi? Do đó mà gặp người xài máy thu băng kiểu này, mình phải cúp điện đi, cho nó đỡ khổ lỗ tai của người chung quanh. Cho nên Ðức Phật mới dạy mình "Chuyện qua rồi đừng nhớ" có nghĩa là trong trường-hợp nhớ mà buồn mà phiền thì thôi đừng nhớ nữa, và "chuyện chưa đến khoan lo", trong lúc mình dự-tưởng, mong ngóng tưởng tượng đến tương- lai thì khoan lo, vì lo lắng như vậy có hại cho sức khỏe dữ lắm.

Quý vị có để ý chuyện chưa đến khoan, lo mà tại sao không lo? Tôi kể thí-dụ cho quý vị biết lo nó khổ dữ lắm. Thí dụ này tôi đọc trong báo.

Có một ông già ở trong một chung-cư. Tầng lầu trên có một chàng thanh-niên, anh này bữa nào đi làm về cũng thường quăng hai chiếc giày xuống sàn nhà rầm rầm. Mà hễ tầng trên liệng xuống rầm rầm như vậy thì tầng dưới lãnh đủ.

Một bữa, chịu hết nổi, ông già mới đi đến xin với anh thanh-niên:

"Cậu ơi, tôi mắc bệnh đau tim, bữa nào cậu về cậu cũng vụt rầm rầm hai chiếc giày, coi chừng có bữa cậu mắc đền nhân-mạng!" Chàng thanh-niên nghe nói vậy, thấy mình cũng bất lịch-sự, cho nên ảnh nói:

"Con xin lỗi cụ, từ đây về sau con sẽ cẩn-thận và để rất nhẹ nhàng!"

Anh hứa vậy rồi; trưa hôm đó ảnh về nhà, rồi theo thói quen, ảnh quăng một chiếc giày xuống cái rầm; nhưng tới chiếc giày thứ hai, ảnh sực nhớ cho nên ảnh để thiệt nhẹ xuống. Chừng một tiếng đồng hồ sau, anh thấy ông già xanh mặt, ôm ngực thở hổn hển chạy lên, nói:

"Cậu ơi, cậu quăng luôn chiếc kia xuống giùm, chứ nãy giờ tôi đợi, tôi chịu không nổi! Thà rằng tôi nghe hai tiếng rầm liên tiếp, chớ mà nó kéo dài thế này tôi đứng tim!"

Giả sử khi mình bị đứt tay, con dao nó xắn đi thiệt ngọt vô tay mình, thì chúng ta chỉ thấy đau rồi thôi, nhưng mà khi tưởng-tượng cảnh đứt tay, chúng ta thấy ghê lắm.

Chẳng hạn mình bị đỉa đeo, nó đeo hồi nào mình không hay, tới lúc mình khám-phá ra mình mới hay thì lúc đó mình mới sợ, chớ lúc đỉa đeo mình không thấy sợ. Tôi có anh bạn kể chuyện thế này:

Anh dắt một cô bạn về Ðồng-Tháp, đi ra lội ruộng; một lát sau, cô bạn kéo ống quần lên, nói: "Anh ơi, anh ơi, dưới mắt cá em có con gì nó đeo, mầu nó đen đen, nhớt nhớt, mà giựt nó không ra?" thì anh chàng này mới nói: "Ðó là con đỉa!" nói xong cô bạn xỉu cái rầm! Thành ra anh chàng này mới nói: "Tôi biết bả xỉu vậy, tôi để về nhà mới nói, báo hại tôi vác bả từ ruộng vô tới nhà".

Quý vị thấy, con đỉa đeo trên mình cô này, cổ nhìn, cổ dòm, cổ thấy, cổ biết, mà chưa biết tên, thành ra cổ không biết sợ. Khi vừa biết tên con đỉa, cổ té xỉu xuống, vì cổ sợ. Như vậy giả sử con đỉa này hại cổ, ngay lúc nó đeo cổ, cổ đã bị nó hại rồi, cổ đã xỉu rồi; đàng này còn xách lên khoe nữa, còn khen là nó dễ thương nữa, khi biết tên là con đỉa liền nhào xuống xỉu. Như vậy tại con đỉa cổ xỉu hay tại tưởng tượng của cổ?

Quý vị để ý điều này không? Nếu con sâu đeo mình, con trùng làm cho mình sợ, thì ngay cái lúc nó bám vô mình, thì mình đã xỉu rồi. Ðằng này chưa, khi khám-phá mới xỉu. Như vậy, cái xỉu này do chúng ta tưởng-tượng thêm. Ðó là cái tưởng- tượng của quá-khứ, nó làm cho hình-ảnh của hiện-tại thêm ghê sợ ra.

Bây giờ qua đến tương-lai. Ông già đó ngày nào cũng chịu hai chiếc giày quăng xuống, mà ông ta chịu nổi, bằng cớ là ổng chưa chết. Nhưng khi nghe tiếng một chiếc giày, ổng đoán thế nào có tiếng thứ nhất cũng có tiếng thứ hai, song tiếng thứ hai không có, trong thời-gian chờ đợi đó, tim ổng căng thẳng quá.

Giả sử như bây giờ, từ đây đến già, thế nào mình cũng chết, chừng nào chết mình lăn ra chết một cách khoẻ re. Còn quý vị đi coi bói trước; thí-dụ năm nay tháng bảy, tháng chín, tháng mười hai có hạn chẳng hạn, là quý vị ôm trái tim mà đợi mấy tháng đó. Thành ra lo trước cho tương-lai, nó làm cho mình còn mệt hơn nữa. Ở đây, nhà Thiền dạy mình "chuyện chưa đến khoan lo!" nghĩa là chừng nào người ta quăng chiếc giày thì mình giựt mình một cái rồi thôi, còn hơn ngồi ôm trái tim để chờ đợi tiếng giày thứ hai. Biết trước tương-lai không phải là điều may mắn đâu. Ngồi dự-phóng tương-lai càng làm cho mình mệt.

4. Tiếng Tốt và Tiếng Xấu

Tôi đang trình-bày những cặp Ðược - Mất, Khen - Chê, Tiếng Tốt - Tiếng Xấu, Khổ - Vui, tất cả đều là tương-đối thôi, không biết cái nào là khổ, không biết cái nào là vui. Và thường thường chúng-sinh ưa cái vui, ghét cái khổ, ưa cái khen, ghét cái chê, ưa tiếng tốt, ghét tiếng xấu, và ưa cái được, ghét cái mất; trong khi đó trong nhà Thiền, người ta sử-dụng nghịch-cảnh để tu.

Nói như vậy, để quý vị thấy, giả sử quý vị được thuận-cảnh thì nên cảm ơn mình có phước-báu được thuận-cảnh; giả sử gặp nghịch-cảnh thì mình cũng mừng đi vì mình sắp đại-ngộ đến nơi rồi. Trong nhà thiền có nói thế này: "Chỗ mà phàm-phu sợ bắt chết là chỗ thánh-nhân đại-ngộ", thành ra khi gặp những cảnh làm mất, khi bị chê, khi bị tiếng xấu, và khi gặp cảnh khổ, chúng ta khéo một chút xíu thì đây là chân trời mới được mở ra.

Như vậy ngày hôm nay, tôi trình-bày về Bát-Phong là khi quý vị gặp thuận, thì điều đó đáng mừng, phước-báu dữ lắm mới xuôi chèo mát mái giữa thế-gian này; nếu quý vị rủi ro gặp nghịch, thì cũng nên mừng đi, sắp ngộ-đạo tới nơi. Chuyện kể:

Có một vị hòa-thượng có năm trăm đồ-đệ, tuổi già, bệnh hoạn mà chưa có đồ-đệ nào giác-ngộ để nối pháp; bữa đó, ổng lập ra một cái mưu để chọn nhân-tài kế-thế cho ông.

Ông cứ lâu lâu lén dấu một món đồ trong chùa, rồi ông phao tin là mất, thiệt ra là ông dấu, cho nên tăng-chúng rất là hỗn-loạn, vì cứ thấy mất tiền, mất đồ hoài, và ai cũng bực muốn tìm cho ra tên ăn trộm dấu mặt trong chúng này.

Một bữa ông đang ngủ, ông la lên:

"Ăn trộm, ăn trộm!"

Tên đệ-tử cưng nhứt và mạnh dạn nhứt của ông đang kích bên ngoài, nghe như vậy chạy vô thiệt lẹ. Ông thộp ngay cổ áo và nói bắt được rồi. Khi đó tên đệ-tử nói: "Không, con nghe la ăn trộm, con chạy vô phụ thầy bắt ăn trộm".

Ổng nói không, ổng bắt được rồi! Và khi đó mọi người lục tục kéo tới. Giả sử quý vị tới đây, thấy thầy nắm áo tôi, thầy nói bắt nó ăn trộm, quý vị tin lời thầy chứ đâu có tin lời tôi. Cho nên vị đệ-tử này bị khai-trừ ra khỏi chùa; và ông thầy còn viết giấy truyền cho các chùa xung quanh không được chứa, vì nó là cái tên mà bữa nay cháy nhà mới ra mặt chuột, lâu nay trong chùa mất không biết bao nhiêu đồ đạc, mà bữa nay mới bắt được quả-tang.

Tên đệ-tử, ngày hôm qua còn là thượng-thủ trong chùa, còn là người mô-phạm dạy dỗ em út, bữa nay bị mang tên là ăn trộm và bị đích-thân thầy mình viết bảng và khai-trừ. Nó đau khổ kinh khủng. Suốt ba ngày đau khổ như vậy, đi đứng nằm ngồi không yên gì hết, bao nhiêu kinh-điển mình học, mà bây giờ gặp nghịch-cảnh mình qua không được.

Cho nên tên này mất ăn mất ngủ, đến bữa thứ ba, chạy đến phòng thầy gõ cửa. Ông thầy hỏi cái gì, nó nói con ngộ rồi. Khi đó hòa-thượng mới truyền y bát cho đệ-tử này; và ổng mới nói, chuyện ăn trộm là tạo-lập ra để đưa người đệ-tử vô cái khổ cùng cực.

Như vậy, nếu không có gặp cái khổ kinh khủng này, người đệ-tử không ngộ đạo. Mà giả sử người nào yếu, khi bị vu oan như vầy, dám đi đến chỗ tự-vận. Còn người nào mạnh, bắt buộc phải đem tất cả vốn liếng kinh-điển, bao nhiêu công-lực của mình để chống đối với cái khổ. Ngày hôm qua cái ngã mình được khen, được danh thơm, được vui sướng, được hạnh-phúc; chỉ một lời nói của ông thầy là bị đảo lộn qua cái mất, qua cái thất-bại, qua tiếng xấu và qua cái khổ đau. Nếu mà đi qua được cái này, thì gọi là tối- thượng-thừa, cho nên sau ba ngày, người đệ-tử ngộ ở chỗ này,^ng thầy truyền Y Bát lại.

Cảnh khổ là nấc thang cho bậc anh tài, một kho tàng cho người hiểu biết, và một vực thẳm cho người yếu đuối. Ông thầy biết rõ người đệ-tử qua được cảnh huống này, và phải tạo cho nó cái khổ cùng cực nó mới qua được. Như vậy gặp nghịch-cảnh người này qua được, qua được rồi thì thành một vị Phật chớ gì, thành ra được Tổ truyền y.

Trường hợp thứ hai, chuyện Tôn-giả A-Nan.

Tôn-giả A-Nan là người thị-giả của Ðức Phật. Tôn-giả người đẹp trai, nhà giàu, học giỏi, và được có điều mình thấy rất đặc-biệt là không một ai trong tăng-đoàn ngỏ lời chê Tôn-giả hết. Ðến Phật khen, trong tăng-đoàn có người khen, có người chê, có người được vừa lòng, có người không được vừa lòng. Mà Tôn-giả A-Nan là người được tất cả mọi người vừa lòng. Nơi nào Tôn-giả hiện-diện nơi đó Phật-tử rất mừng, Tăng cũng mừng, Ni cũng mừng, bạn bè đều thương mến. Như vậy, đây là người thị-giả hầu cận của Phật được bao nhiêu người thương mến, nhưng kẹt một điều là Tôn-giả chưa chứng quả, nghĩa là trong thuận-cảnh như vậy mà chưa chứng quả gì hết. Cho đến khi Phật niết-bàn, Tôn- giả khóc đến nỗi đứng dậy không nổi, là vì điểm tựa của mình không còn nữa.

Bấy giờ, ngài Ca-Diếp mới triệu-tập đại-hội gồm năm trăm vị thánh-tăng và đại-hội đó đề-nghị đưa Tôn-giả A-Nan trùng-tuyên Tạng Kinh. Tôn-giả Ca-Diếp mới nói:

"Khoan! A-Nan đâu lên đây, cử ra năm tội", mà năm tội này hồi Phật còn tại-thế ngài không cử gì hết.

"Tội thứ nhất là tại sao Ðức Thế-tôn không cho mấy bà ni đi vô tu trong chùa, mà ông ỉ eo xin Phật cho mấy bà ni vô, để bây giờ Phật nhập Niết-bàn rồi, mấy bà ni đó là gánh nặng cho tụi tôi? Ðây có phải là cái tội không?"

Ngài A-Nan mới đứng ra mếu máo thưa:

"Dạ phải". Và bảo sám hối; đó là một tội.

"Tội thứ hai là Ðức Phật có nói thế này, "một vị Phật có thể sống đến muôn kiếp", mà khi nói như vậy ông phải đứng ra thỉnh Phật trụ-thế; đằng này ông làm lơ, không nói gì hết, để khi ma-vương nó vô nó thỉnh Phật nhập Niết- bàn, Phật nhận lời, ông mới đứng ra thỉnh. Do đó Ðức Phật mới nhập-diệt, ông là người gián-tiếp giết Phật. Làm Thị-giả có bổn-phận thỉnh Phật trụ-thế; không thỉnh gì hết, để ma-vương nó thỉnh, Phật nhập Niết-bàn là vì ông không thỉnh, như vậy A-Nan là người giết Phật. Là hai tội; có không?"

Ngài A-Nan đáp:

"Dạ có".

"Tội thứ ba nữa là trong một lần ta thấy ông giặt y, sóng gió trong suối nhiều quá, ông leo lên cái y của Phật ông đứng, có nghĩa là ông phạm-thượng đối với Ðức Thế-tôn. Là tội thứ ba."

"Tội thứ tư, Ðức Phật có nói thế này, là sau khi Phật nhập-diệt rồi, có thể bỏ bớt một số điều-luật. Lúc đó ông cứ đứng khóc mùi mẫn, không hỏi là bỏ cái gì, để bây giờ Phật nhập Niết-bàn rồi, không có ai để hỏi là nên bỏ điều-luật nào. Cắt đặt Thị-giả là để nhờ những chuyện đó, mà ông cứ lo khóc không. Ðó là tội thứ tư, có không?"

Ông A-Nan nói có.

"Tội thứ năm, khi Phật đi qua cái làng nọ, có bà già đi ra ôm chân Phật khóc, tại sao ông là người Thị-giả phải ngăn, đằng này để cho người đàn bà đó ôm chân Phật như vậy, để cho người ngoại-đạo họ cười Phật, là để cho phụ-nữ tiếp-xúc cơ-thể mình. Tại sao ông lơ là trong chuyện?"

Ngài A-Nan xin sám-hối năm tội này. Sau đó, ngài Ca-Diếp mới giữ cửa hang kết-tập kinh-điển, nói:

"Chỉ người nào sạch hết trơn hoặc chứng A-la-hán mới được vô trong hang. Ông chứng chưa?"

Ngài A-Nan:

"Dạ chưa chứng!" tức thì bị đuổi ra ngoài.

Mình thấy đây là cái đòn rất nặng dành cho ngài A-Nan. Ðức Thế-tôn vừa nhập-diệt; Ðức Thế-tôn vừa là người Thầy, vừa là người anh, vừa là nơi điểm tựa, mà người đó không còn nữa, bây giờ biểu đi theo ngài Ca-diếp, thì tại sao hồi còn Phật không đưa ra mấy tội đó đi, để bây giờ Phật mất rồi mới đưa ra? Thành ra đánh cho mấy roi như vậy, ngài A-Nan tự dưng ngài xửng vửng. Rồi bây giờ, xin đi vô trùng-tuyên Kinh, ổng khóa hết, ổng biểu có thần-thông đi, tu chứng đạo rồi chun lỗ khoá vô, cho nên ngài A-Nan bị khổ đau đến cùng cực.

Ðêm hôm đó ngài đứng không được, ngồi không được, nằm không yên, tức là đi tới đi lui trong lòng rất hỗn-loạn. Ðến lúc mệt mỏi quá ngài nghiêng mình nằm xuống, thì lúc sắp sửa nghiêng mình nằm xuống ngài thoát nhiên đại ngộ. Ngài chạy thiệt lẹ đến chỗ cửa hang đá, ngài nói:

"Sư-huynh mở cửa em vô, em chứng A-la-hán rồi!"

Ngài Ca-Diếp nói:

"Chứng A-la-hán rồi thì có thần-thông, khỏi mở cửa, chun lỗ khóa vô!"

Ngài A-Nan chun lỗ khóa vô.

Ở đây quý vị thấy, bốn mươi mấy năm trời di theo Phật, nghe không biết bao nhiêu kinh-điển, gặp biết bao nhiêu trường-hợp mà không ngộ; cho nên đỗi mình thấy bà Ma-Ðăng- Già, vì mê ngài A-Nan mà phát-tâm đi tu, tức là thất-tình mà đi tu, đi vô bị cấm không được gặp ngài A-Nan, bà khổ quá; trong lúc khổ, bà bắt buộc chống-cự với cái khổ của bà bằng cách đem giáo-lý ra để chống-cự và đắc quả trước ngài A-Nan; bà chứng quả A-la-hán trước. Rồi ngài Châu Lợi Bàn Ðặc, không thuộc một chữ kinh, không biết một câu kệ, mà đắc quả trước. Rồi cùng hung, cực ác, giết cả ngàn mạng người như Ưng Quật Ba La cũng đắc quả trước ngài A-Nan.

Nguyên-do khiến ngài A-Nan lâu đắc quả là thuận-cảnh quá nhiều. Thành ra mình thấy, khi chúng ta nằm mơ thấy giấc mơ đẹp, chúng ta ngủ hoài, mà nằm mơ thấy cọp rượt, thấy chó cắn, thấy rắn quấn là ngay lúc đó thức dậy liền. Chính cảnh khổ là chỗ kích-thích để chúng ta giác-ngộ.

5. Làm Sao Ðạt Ðược "Bát Phong Bất Ðộng"?

Cuối cùng tôi xin kể một câu chuyện để truyền kinh- nghiệm chống chỏi với Bát-Phong. Chuyện kể thế này:

Có một chàng chiến-sĩ nọ, con của một kiếm-sĩ lừng danh, nhưng mà cha không truyền nghề, tại vì nói anh không có cái thiên-tài, cái khả-năng để học nghề cung kiếm. Anh buồn quá vì thấy bao nhiêu người đến học và thành tài, trong khi mình là con cưng mà cha không truyền, cho nên anh đến một vùng khác, tìm một ông kiếm-sư khác cũng nổi danh như ba mình để xin học. Anh đến nói với ông kiếm-sư đó thế này:

"Con còn cha già, mẹ già, và bổn-phận phải phụng-dưỡng ba má, xin ngài dạy cho con biết hết kỹ-xả của nghề kiếm. Con học bao lâu mới thành tài?"

Ông thầy nói:

"Bộ vó của ngươi cỡ mười năm!"

Anh ấy nói:

"Mười năm lâu quá đi, là tại vì con phải phụng-dưỡng ba má, và có biết là bao nhiêu bổn-phận chờ đợi. Bây giờ con xin thầy, con sẽ làm một người ở đợ không công, gánh nước, nấu ăn, và làm tất cả những việc như một người ở mà xin thầy đem hết tất cả tài-nghệ truyền cho con. Con trả giá học và chuyên-cần như vậy, học suốt ngày đêm không quản-ngại điều gì hết, thì thầy nhắm con bao lâu?"

Ông Thầy nói:

"Cả cuộc đời còn lại của ngươi đó!"

Khi đó, người đệ-tử mới nhận ra cái khuyết-điểm của mình là quá nôn nóng đi; và nôn nóng thì không thể học được gì hết, cho nên anh ta không đòi nữa. Anh mới đến anh làm những chuyện rất bình thường, như quét nhà, nấu ăn, bửa củi, đi chợ, ẵm con cho ông thầy. Ba năm như thế trôi qua, ông thầy không nói chuyện gì về cung với kiếm hết. Biết bao nhiêu chàng thanh-niên đến học, tốt-nghiệp ra đi, mà anh chàng này chưa bao giờ được rờ tới thanh kiếm.

Một hôm anh buồn bã, đang ngồi chẻ củi thì ông thầy núp đằng sau lưng và phóng cho anh một thanh kiếm gỗ. Thanh kiếm đó dù bằng gỗ nhưng rất đau. Từ đó, bất cứ lúc nào, ngủ hay là thức, ở bên vườn rau, ở ao cá, ở ngoài chợ, trong bếp nấu ăn, bất cứ ở đâu, ông thầy cũng lén đánh anh bằng thanh kiếm gỗ hết; cho nên anh bắt buộc đặt mình trong trạng-thái đề-phòng, để né thanh kiếm gỗ của ông thầỵ

Ông thầy đánh lén như vậy được ba năm, thì anh chàng này cũng phát-triển khả-năng tránh né đường kiếm bất cứ từ đâu, dù trong bóng tối, ánh sáng, trước mặt hay sau lưng. Khi đó ông thầy tổ-chức một buổi lễ và tuyên-bố người đệ-tử đã thành nghề. Ðây là người đệ-tử tuyệt-luân, ưng ý nhất mà ông tìm kiếm.

Có nghĩa là khi chúng ta né tránh được những đường kiếm đánh lén thì sẽ né được những đường kiếm đánh trước mặt. Ông thầy truyền nghề đánh kiếm lại cho anh chàng này bằng kiểu đó. Học kiếm mà không có học về lý-thuyết mà cũng không có thực-hành gì hết, chỉ né những đường kiếm đánh lén mà người này thành nghề; nghệ-thuật đó gọi là kiếm-đạo trong nhà thiền của Nhật-bản.

Chúng ta học Phật cũng vậy, có những người học Phật bằng kinh chữ nho, chữ Pali, rồi chúng ta ngồi thiền, lễ Phật, tụng kinh... đủ thứ, đó là học theo công-thức. Nhưng có một cách học Phật ngoài công-thức đó giúp chúng ta tránh được những đường kiếm của thế-gian này là Bát-Phong.

Tức là khi gặp những cảnh Khổ Vui, Khen Chê, Ðược Mất... những cái đó là những nghịch-cảnh, thuận-cảnh, mà chúng ta giữ được tâm mình bình-tĩnh và sáng suốt thì người đó sẽ đạt được nghệ thuật Thiền.

Chúng ta thấy các Phật-học-viện, khi các vị tăng-sĩ đi vô thì sẽ học kinh, từ bộ này sang bộ khác, còn các Thiền- viện là học để chơi thôi, cho nó đúng quy-ước vậy, chứ thiệt ra người thiền-sinh mới vô sẽ học nấu cơm, học xách nước, học trồng rau, học trồng tiêu, học trồng nho, học tất cả mọi việc bình thường, không dính dáng gì đến thiền hết. Nhưng trong những cảnh đó, chúng ta thấy cuộc đời này là ông thầy rất tận-tâm, luôn luôn đánh chúng ta bằng những thanh kiếm gỗ; có nghĩa là khi chúng ta bị chê, bị mất, bị khổ, bị tiếng xấu, bị những niềm đau ray rứt mà chúng ta vẫn giữ được sự bình-tĩnh sáng suốt, thì khi đó người này được gọi là Bát-Phong Bất-Ðộng.

Và Bát-Phong Bất-Ðộng là một nghệ-thuật mà các vị Thiền-sư muốn truyền cho người đệ-tử của mình. Ở trong nhà Thiền, thầy chúng tôi dạy thế này:

"Tụi con tu không cốt để có thần-thông, không cốt để thuyết-pháp hay, không cốt để viết văn làm thơ giỏi, mà chỉ làm sao đạt được cái mức giữa thuận và nghịch, giữa Bát- Phong mà vẫn bình-tĩnh, thì đó là điều mà thầy muốn truyền cho bọn con".

Những điều này chúng tôi học trong chùa, quý vị cũng có thể học ở nhà; tức là ở giữa chợ, ở gia-đình, làm dâu, làm vợ, làm cha, làm mẹ, làm tất cả mọi việc bình thường của một thế-nhân, nhưng mà lúc nào chúng ta cũng bị ông thầy đánh bằng thanh kiếm gỗ mà nãy giờ tôi đã nói.

Khi bị đánh đầu tiên chúng ta bị đau, sau đó chúng ta tìm cách chống chỏi với cái đau đó, và làm sao giữ được sự bình-tĩnh và sáng suốt thì đó là nghệ-thuật đánh kiếm, nghệ-thuật sống, nghệ-thuật Thiền.

Người Nhật-Bản còn kể câu chuyện thế này: khi họ làm ngọc trai, họ bắt con trai dưới biển lên, họ lấy dao xẻ thịt con trai ra, nhét vô đó một hột cát, xong họ bỏ xuống biển trở lại; những con trai nào yếu đuối sẽ chết đi về vết thương, con nào mạnh bắt buộc phải tiết ra một chất gì đó để bao hột cát và làm lành vết thương, đang làm xốn xang da thịt nó. Và một viên ngọc trai được bắt đầu như vậy. Như vậy một hột cát vô bụng con trai, con nào yếu sẽ chết, con nào mạnh phải tiết ra một chất bao hột cát và viên ngọc trai được hình-thành.

Ở đây cũng vậy, giữa cảnh đời chúng ta đang sống, chúng ta gặp cảnh trái ý thì giống như con trai bị mổ bụng, người nào yếu đuối quá sẽ bỏ cuộc, sẽ tự-tử, nhưng mà người nào biết cố gắng bình-tĩnh một chút thì chúng ta sẽ có thể chống chọi được sự đau khổ này, và một vị Phật được bắt đầu như vậy.

Nếu quý vị được hạnh-phúc, được khen, được gặp thuận-cảnh, điều này nên cám ơn nhân-duyên tốt là mình có phước-báu vô cùng mới được những hoàn-cảnh như ý này, giả sử như chúng ta bị những điều trái ý làm khổ lòng, rối trí thì nhớ rằng cơ-duyên giác-ngộ rất gần, nếu chúng ta biết một điều là nên bình-tĩnh. Giống như Ðức Phật dạy:

"Khi gặp cảnh thuận con nên khoan mừng, là vì nếu mừng sẽ mất bình-tĩnh. Khi gặp cảnh nghịch con khoan buồn tại vì buồn sẽ mất bình-tĩnh."

Chỉ bình-tĩnh thôi. Cái bình-tĩnh này trong Thiền gọi là Ðịnh. Do bình-tĩnh cho nên chúng ta duy-trì được sự sáng suốt, và duy-trì được sự sáng suốt đó trong nhà Thiền gọi là Huệ. Như vậy chúng ta chỉ sử-dụng được có hai cái để tu thôi. Là bình-tĩnh thì sẽ sáng suốt, nhờ sáng suốt nên duy- trì sự bình-tĩnh, và do đó chúng ta sống trên thế-gian này có thể tắm được những giòng nước nóng lạnh, gọi là tắm nước của Bát Hải Long Vương mà vẫn không bị sứt mẻ gì.

Một vị Phật được ra đời là như vậy!

Sư cô Như Thủy
(Lưu Minh Quyền và Châu Ngọc ghi lại
từ băng cassette "Bát Phong Xuy Bất Ðộng")


Source: Posted by Minh Quang (BuddhistI@aol.com) to vn-buddhism@saigon.com mailing list, on Sunday, 14 June 1998.


[Trở về trang Thư Mục]