Buddhasasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font
Nhiều người thường có suy nghĩ sai lầm rằng, cách sống hay nhất là trốn tránh khổ đau và kiếm tìm hạnh phúc. Tuy nhiên, để trốn tránh khổ đau và kiếm tìm được hạnh phúc là một viếc không phải đơn giản. Ðôi khi trong quá trình trốn tránh và kiếm tìm ấy, người ta thường tách xa thực tại và thậm chí đánh mất cả những nguồn hạnh phúc sẵn có của chính mình.
Có một cách sống thú vị có thể đưa ra tiếp cận được với sự sống hơn, đó là sự phát triển lòng Từ (Maitri) và tính hiếu kỳ của chúng ta đối với chính thân tâm của chúng ta, đối với vạn vật, dù cho đối tượng của lòng Từ và tính hiếu kỳ ấy mang tính chất cay đắng hay dịu ngọt. Ðể có một cuộc sống gần gũi thực tại hơn, vượt khỏi những nhỏ nhen, những định kiến; để có một cuộc sống vui vẻ và đầy đủ ý nghĩa hơn, chúng ta cần nhận thức rằng khổ đau là một sự thật, và chúng ta sẵn sàng tiếp cận, khám phá cả khổ đau lẫn hạnh phúc, chúng ta luôn luôn sẵn sàng để tìm hiểu chúng ta là ai, thế giới là gì, thế giới tồn tại ra sao, và bản chất của vạn vật là gì? Nếu chúng ta cố hết sức để tránh né khi chúng ta vừa chạm tới bờ mé của khổ đau thì chúng ta thực sự đang trốn chạy khỏi thực tại và chúng ta sẽ không bao giờ hiểu được bản chất của khổ đau là gì, bản chất của vạn hữu là gì!
Khi chúng ta bắt đầu thiền hay thực tập một phương pháp đào luyện tâm linh nào đó, chúng ta thường nghĩ rằng bằng cách nào đó chúng ta đang tự cải thiện chính chúng ta, sự cảu thiện này có vẻ hơi trái với con người thật đang là của chúng ta. Ðiều đó cũng tương tự như suy nghĩ rằng: "Nếu tôi siêng chạy bộ thì tôi sẽ là một người tốt hơn; nếu tôi có một căn nhà đẹp hay một chiếc xe hơi thật tốt thì tôi sẽ là một con người tốt hơn", hay "Nếu tôi có thể học thiền và tiến bộ thì tôi sẽ là một con người hoàn hào...". Hoặc trong một hoàn cảnh khác, khi chúng ta tìm thấy lỗi lầm của người khác, chúng ta thường than rằng: "Nếu không vì chồng tôi không tồi tệ như vậy thì tôi đã có một đời sống gia đình hạnh phúc", hay "Nếu không vì ông chủ của tôi thì công việc của tôi đã tiến bộ hơn nhiều"...
Tuy nhiên, khi chúng ta phát triển lòng Từ (Maitri) thì chúng ta sẽ không còn đổ lỗi cho ai cả; chúng ta sẽ không còn muốn trốn chạy hoàn cảnh và muốn vứt bỏ mọi thứ. Lòng Từ sẽ giúp chúng ta trở nên dịu dàng với chính những cảm xúc của chúng ta khi giận dữ, ghen ghét, đố kỵ... hay những cảm giác không hài lòng nào đó, và nó cũng giúp chúng ta trở nên cởi mở rộng lượng đối với tất cả mọi người. Ðiếu quan trọng là chúng ta đừng cố gắng thay đổi chính bản thân mình. Thực tập thiền không phải là cố gắng ném chính chúng ta đi và trở nên một cái gì tốt hơn. Thực hành thiền chính là để làm bạn với chính con người thật có của mỗi chúng ta. Cơ sở của sự thực tập này là bạn hay tôi, hay bất kỳ ai khác ngay bây giờ đã là chính mình rồi, đúng như bản chất của bạn rồi. Ðó là điều mà chúng ta cần nhận thức và học hỏi với niềm với niềm say mê thích thú và với tính hiếu kỳ to lớn.
Trong số các Phật tử, đôi khi từ bản ngã được hiểu khá lầm lẫn. Có các Phật tử thường nói rằng: "Bản ngã của tôi đã tạo cho tôi quá nhiều rắc rối, tôi sẽ vứt bò nó đi rồi sẽ không còn vấn đề gì nữa". Tuy nhiên, nếu vứt đi bản ngã của bạn thì bạn sẽ tìm đâu ra tự tánh trong sáng của tâm trí bạn? Ðiều quan trọng không phải là sự vứt bỏ bản ngã đi, mà là sự bắt đầu quan tâm đến tự ngã của mình, trở nên hiếu kỳ với tự ngã của mình để tìm hiểu chính thân tâm mình bằng phương pháp "thiền nội quán". Cơ sở của thực hành thiềnlà chính con người đang là của chúng ta, chúng ta tồn tại để tìm hiểu chính bản thân mình và để nhận ra con người thật đang là của chúng ta. Có người thường nói rằng với tôi rằng: "Tôi rất muốn trò chuyện với bạn, tôi rất muốn viết thư cho bạn hay gọi điện thoại cho bạn, nhưng tôi thường e ngại là chúng ta không có những điểm gần gũi với nhau". Tôi đã nói với người ấy rằng "Nều bạn chờ đợi những điểm gần gũi giữa tôi và bạn thì bạn sẽ phải chờ đợi mãi hoài". Vì vậy hãy đến với nhau như bạn đang là. Ðiều kỳ diệu là mỗi người nên sẵn lòng cởi mở với người khác và mọi người sẽ tiếp cận với nhau và hòa vui cùng nhau. Một trong những đặc điểm quan trọng của đạo Phật là sực phát triển từ tâm đối với mọi người và mọi loài.
Phát triển lòng Từ và tính hiếu kỳ cũng liên quan rất nhiều với các yếu tố khác như sự dịu dàng, sáng suốt, cởi mở. Bạn hãy để cho mọi ý nghĩ hay sự việc diễn biến một cách tự nhiên, và bạn quan sát nhìn nhận chúng một cách khách quan và cởi mở. Dịu dàng có nghĩa là phải đối sử tử tế với cả những tâm tư của chúng ta. Sáng suốt tức là quan sát một cách rõ ràng mọi ý nghĩ trong tâm trí chúng ta cũng như mọi việc xảy ra trong cuộc sống, tương tợ như nhà khoa học nhìn vào viễn vọng kính vậy. Cởi mở có nghĩa là không định kiến, không cố chấp, không phê phán và không ngăn cản các ý nghĩ cũng như các sự việc nảy sinh.
Diễn biến của sư thực tập mà chúng ta đang khởi sự ở đây giống như vào một hôm nào đó, có một ai đó chiếu một cuốn phim về cuộc đời từ nhỏ đến lớn của bạn, và bạn có thể thường xuyên chớp mắt va thốt lên "ôi dào!" khi có những cảnh mà bạn đang chỉ trích hay phê phán một ai đó vì bạn không thích họ. Nhìn chung, việc làm bạn với chính những ý nghĩ của mình cũng giống như việc làm bạn với những người mà bạn không thích. Khi bạn đã thực sự có từ tâm, sự chân thật dịu dàng và cởi mở, kết hợp với cái nhìn sáng suốt những suy nghĩ, những tâm tư của chính bạn thì lúc đó sẽ không còn rào cản nào để ngăn bạn yêu thương một người, dù cho đó là những người mà bạn thường không thích.
Như vậy, cơ sở để phát triển lòng Từ chính là thân tâm này. Chúng ta ở đây để tìm hiểu con người năm uẩn của chúng ta. Con đường hay phương pháp thực hiện việc tìm hiểu đó là sự thực hành đó là sự thực hành phương pháp Thiền nội quán, bao gồm cả tính chân thành, cởi mở, dịu dàng và sáng suốt đối với ngay cả những tâm lý, tình cảm và ý nghĩ của chúng ta. Có phát triển từ tâm đối với chính mình thì chúng ta sẽ dễ dàng tiếp cận và cảm thông với mọi người. Ðiều đó làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên ý nghĩa hơn, xua tan đi những nét mặt khắc khổ, nghiêm trang và lạnh lùng giữa người với người.
* Ghi chú: Maitri (Sanskrit) = Metta (Pali) = Lòng từ mẫn (Loving-kindness)
Nguyên Hạnh dịch
Chân thành cám ơn anh Nguyễn Thanh Trang đã có thiện tâm giúp đánh máy lại bài viết nầy (01/98)