Buddhasasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font
Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni còn được tôn xưng với nhiều danh hiệu khác nhau. Một trong những danh hiệu mà tôi ưa thích mỗi khi chiêm ngưỡng Ngài, nhớ đến Ngài, đó là danh hiệu: đấng Ðại Từ Bi. Ðại Từ Bi là một tình yêu thương rộng lớn, bao trùm khắp mọi loài, không phân biệt lớn nhỏ, từ cỏ cây, đất đá cho đến con người, vạn vật trên trái đất này. Chính vì đời sống của đức Phật đã thể hiện được tình yêu thương rộng lớn đó nên nhân loại tôn xưng Ngài là đấng Ðại Từ Bi, và con đường mà Ngài đã chỉ bày, hướng dẫn cho mọi người sống an lạc, hạnh phúc được gọi là "đạo Từ Bi". Vì vậy, đạo Phật từ lâu đã được gọi là đạo Từ Bi. Từ bi chính là chất liệu sống linh động làm nên đạo Phật mà chúng ta cần học hỏi và áp dụng vào trong đời sống hàng ngày.
Có một bài kinh ngắn thôi nhưng mỗi lần đọc đến, lòng tôi thấy rung động sâu xa, nhắc tôi nhìn lại mình, nhắc tôi tỉnh thức trong đời sống và trong cư xử. Bài kinh thật đơn giản nhưng trầm lắng và sâu thẳm vô cùng, như cả một kho tàng triết lý đồ sộ của đạo Phật - kinh Từ Bi. Tôi xin được trích ra đây toàn bài kinh để tất cả chúng ta cùng thưởng thức, cùng chiêm nghiệm.
Kinh Từ Bi (Metta Sutta)
"Bất cứ những ai muốn đạt tới an lạc, thường nên học hạnh thẳng thắn, khiêm cung, biết sử dụng ngôn ngữ từ ái; những kẻ ấy biết sống đơn giản mà hạnh phúc, nếp sống từ hòa, điềm đạm, ít ham muốn, không đua đòi theo đám đông. Những kẻ ấy sẽ không làm bất cứ một điều gì mà các bậc thức giả có thể chê cười. Và đây là những điều mà họ luôn luôn tâm niệm: Nguyện cho mọi người và mọi loài được sống trong an toàn và hạnh phúc, tâm tư hiền hậu và thảnh thơi. Nguyện cho tất cả mọi loài trên trái đất đều được sống an lành: những loài yếu, những loài mạnh, những loài cao, những loài thấp, những loài lớn, những loài nhỏ, những loài ta có thể nhìn thấy, những loài ta không thể nhìn thấy, những loài ở gần, những loài ở xa, những loài đã sanh và những loài sắp sanh. Nguyện cho đừng loài nào sát hại loài nào, đừng coi nhẹ tính mạng của ai, đừng ai vì giận hờn hoặc ác tâm mà mong cho ai bị đau khổ và khốn đốn. Như một bà mẹ đang đem thân mạng mình che chở cho đứa con duy nhất, chúng ta hãy đem lòng từ bi mà đối xử với tất cả mọi loài. Ta hãy đem lòng từ bi không giới hạn của ta mà bao trùm cả thế gian và muôn loài, từ trên xuống dưới, từ trái sang phải, lòng từ bi không bị bất cứ một cái gì làm cho ta bị ngăn cách, tâm ta không còn vương vấn một chút hờn oán hoặc căm thù. Bất cứ lúc nào, khi đi, khi đứng, khi ngồi, khi nằm, miễn là còn thức, ta nguyện duy trì trong ta chánh niệm từ bi. Nếp sống từ bi là nếp sống cao đẹp nhất. Không lạc vào tà kiến, loại dần ham muốn, sống nếp sống lành mạnh và đạt thành trí giác, hành giả sẽ chắc chắn đạt được an lạc và vượt khỏi tử sinh". (Sutta Nipata).
Bài kinh này quả thật là một bức thông điệp sống động về tình yêu thương chung sống hòa bình mà đức Phật đã gởi đến cho nhân loại hơn hai ngàn năm nay. Mỗi chữ, mỗi lời trong kinh đều chứa đựng nghĩa lý sâu xa và thiết thực cho những ai muốn có một đời sống an lạc, hạnh phúc thật sự.
Tôi tin tưởng rằng bất cứ người nào, gia đình nào và một quốc gia, xã hội nào, nếu biết ứng dụng, thực hành và sống theo những điều trong bài kinh chỉ dạy thì chắc chắn cá nhân, gia đình và quốc gia đó sẽ có được an lạc, hạnh phúc và thái bình ngay trong cuộc sống hiện tại. Nếu mọi người sống được theo những điều mà đức Phật đã dạy thì chắc chắn thế giới sẽ không có cảnh chiến tranh, chém giết lẫn nhau, con người sẽ thương yêu nhau hơn, sống hòa hợp và hiểu biết lẫn nhau nhiều hơn.
Trong viễn cảnh nhân loại đang bước vào ngưỡng cửa của thế kỷ 21, để tạo dựng một thế giới thật sự có an ninh và hạnh phúc cho mọi người và mọi loài trên khắp hoàn cầu, thiết nghĩ không có con đường nào khác hơn là con đường giáo dục, mở rộng tình yêu thương đến khắp voói mọi người và mọi quốc gia trên thế giới. Ðây quả thật là một nền giáo dục cấp thiết và căn bản để đem đến an lạc cho mọi người - được gọi là giáo dục sống an lạc - Peace Education. Ở đây, những ranh giới làm chia cách con người cần phải xóa bỏ. Mọi người sống có nhiều thì giờ hơn để chăm sóc bản thân mình và người thân yêu. Tất cả mọi người và mọi loài sống trên trái đất cần phải được tôn trọng, bảo vệ và cư xử với nhau trong tình thương yêu chân thật, không kỳ thị, không phân biệt.
Trong tình thần và ý nghĩa trên cho chúng ta thấy kinh Từ Bi quả là ánh sáng soi đường chỉ lối cho nhân loại trong thế kỷ 21. Nên chăng kinh Từ Bi cần được phổ biến rộng rãi khắp nơi, từ mỗi gia đình đến các chùa, các tu viện, thiền viện, các học đường, giáo đường, các trụ sở, các nơi công cộng cần khắc ghi thật đẹp, thật lớn, thật trang trọng và được đọc lên mỗi ngày để mọi người thường luôn được nhắc nhở, thực hành theo, sống theo.
Ðạo Phật - đạo của Từ Bi, của nếp sống thương yêu chân thật vì con người, vì nhân loại cần phải được đi vào cuộc đời, đi vào trong lòng nhân loại của thế kỷ 21. Từ bi chính là hoa trái của thiền tập, của một nếp sống cao đẹp mà con người hôm nay cần phải được thừa hưởng và làm hiển bày ra với tất cả sự diệu kỳ của nó.
Thích Nhuận Hải
Chân thành cám ơn anh Nguyễn Quang Trung đã có thiện tâm giúp đánh máy lại bài viết nầy (01/98).