Hôm nay, tất cả các bạn tụ họp trong giảng đường này để hồi hướng công đức đến những thân nhân quá vãng, nhưng trước hết chúng ta phải biết sự chết là gì.
Theo nghĩa thông thường chết là chấm dứt cuộc sống. Và vì cuộc sống, bản thân nó, là giả tạm, nên sự chết cũng vậy. Những ai đã qua đời thì cũng đang sống đời sống mới của họ. Sự sống đi liền ngay sau sự chết. Người sống đời sống mới này cuối cùng sẽ gặp cái chết trở lại. Sau khi chết có tái sanh, rồi lại chết, lại tái sanh... cứ như thế tiếp diễn mãi. Ðó là điều mà chúng ta gọi là vòng tái sinh (Samsara, Ta bà) sinh, sinh, tử, tử... vô cùng vô tận.
Sự chết không phải là một điều lạ lùng bởi vì ai cũng phải chết. Nhiều người có thể nghĩ rằng chết là sự chấm dứt rốt ráo của cuộc sống. Là những người Phật tử, chúng ta không tin như vậy. Ðối với chúng ta chết chỉ là một hiện tượng tạm thời.
Khi chúng ta quá thương yêu một người nào đó trong gia đình, thì chúng ta khó có thể chấp nhận việc mất người đó, nhưng hãy nghĩ lại xem người đó đâu có mất đi vĩnh viễn đối với bạn. Ðức Phật dạy rằng: Vì chúng ta sống chung với nhau trong kiếp sống này, chúng ta sẽ sống chung với nhau trong các kiếp khác. Trong các chuyện Jataka, ta thấy Ðức Phật và các môn đồ của Ngài như Sariputta, Moggalana, Ananda, Rahula... đã gặp gỡ nhau nhiều lần trong nhiều kiếp sống khác nhau. Cái chết của người thế tục thực ra chẳng chấm dứt được gì cả, bởi vậy chúng ta sẽ gặp lại người chết trong kiếp sống tương lai.
ở Mandalay, Miến Ðiện có câu chuyện về một người đàn bà như sau: Một người đàn bà có chồng vừa mới chết. Bà thương tiếc ông vô cùng nên than khóc không dứt. Chư tăng được mời đến để làm lễ tại nghĩa trang để hồi hướng phước báu đến người đã chết, nhưng vì bà la khóc quá đổi nên không tụng kinh làm lễ được. Một lát sau vị sư trưởng lão trong số các sư đến làm lễ, đây là một nhà sư cao hạ và nổi tiếng về việc dạy đạo, nói với bà:
-- Bà khóc như thể bà không còn gặp lại ông nữa.
Nghe thế bà chợt ngộ và nín khóc. Sau đó Chư Tăng bắt đầu làm lễ.
Ðức Phật dạy rằng: trong thế gian này, khó tìm ra một người chưa từng là ông bà cha mẹ anh em vợ chồng con cháu của chúng ta.
Ðiều kế tiếp chúng ta cần hiểu là phải phản ứng hay đối phó thế nào trước sự mất mát lớn lao như vậy. Khi trong gia đình có một người ra đi, trước sự mất mát này tất cả chúng ta đều đau khổ. Chúng ta nên khóc lóc thương tiếc hay nên tự chủ kiểm soát mình, hiểu rõ sự kiện thực tế và suy niệm về sự chết ? Tôi không thể khuyên bạn và những người trong gia đình không nên thương tiếc sầu muộn. Khuyên như vậy thì hơi khắt khe và máy móc quá, chẳng phải lẽ chút nào; bởi vì than khóc, tiếc nuối trước sự ra đi của một người thân yêu là chuyện tự nhiên. Tôi chỉ muốn nhắc nhở các bạn nên làm chủ và kiểm soát sự đau thương phiền muộn của mình, đừng để sự tiếc thương chế ngự nặng nề khiến nhiều sự tai hại đáng tiếc có thể xảy đến cho bạn. Ðiều quan trọng là cần nhận ra rằng đây là cơ hội, đây là lúc thích hợp để bạn suy niệm về sự chết và để chấp nhận chúng với sự hiểu biết.
Có một chuyện tiền thân (Jataka) nói về sáu người đã có thái độ và phản ứng tốt đẹp và thích đáng trước cái chết của người thân. Thời bấy giờ, Bồ Tát là một nông phu sống với vợ cùng con trai và con gái. Người con trai có vợ, và người con dâu cùng sống với gia đình chồng. Trong nhà còn có thêm một người giúp việc.
Ngày nọ, người nông phu cùng con nhúm lửa để đốt rác trên rẩy. Chẳng may, chỗ nhóm lửa gần một ổ mối và một con rắn độc đang nằm trong đó. Giận dữ vì khói cay, con rắn bò ra cắn chết người con trai. Người nông phu bình tỉnh đặt xác con dưới cội cây, lấy áo đắp xác con rồi làm việc như thường. Thấy người cùng làng đang trên đường về làng, người nông phu nhờ ông ta nhắn với vợ mình: "Hôm nay chỉ đem một phần cơm thôi. Tất cả bốn người trong gia đình đều phải tắm rửa sạch sẽ xức dầu thơm, đeo tràng hoa và đi đến đây."
Người vợ hỏi người cùng làng rằng ai là người nhắn tin này. Người cùng làng cho biết người nhắn tin là người lớn tuổi. Vợ người nông phu hiểu ngay rằng con trai mình đã chết. Tất cả mọi người trong gia đình bình tỉnh làm theo lời nhắn nhủ và chẳng hề tỏ vẻ buồn thương chút nào.
Khi cơm đem đến, người nông dân yên lặng ngồi ăn trong khi những người khác trong gia đình đi gom củi để làm giàn hỏa. Họ làm việc trong yên lặng bình thản. Rất thán phục thái độ của những người này, và muốn giúp họ nên Trời Ðế Thích hiện thành một người đàn ông đến gặp họ:
-- Các bạn đang chuẩn bị để đốt cái gì đó ?
-- Ðể thiêu một người chết !
- Không thể là một người chết. Một con nai chết thì đúng hơn, bởi vì tôi thấy các bạn chẳng tỏ vẻ thương tiếc gì cả.
- Không, đúng là một người chết !
--Như vậy, người chết phải là kẻ thù của bạn?
- Không, nó là con trai của tôi !
- Như vậy, chắc nó không phải là đứa con mà bạn thương yêu nhiều ?
- Không, tôi rất thương yêu nó !
- Thế tại sao tôi chẳng thấy ông buồn bã chút nào cả ?
Người nông phu trả lời:
- Giống như con rắn lột vỏ bỏ đi, chẳng hề ngoáy nhìn chiếc vỏ củ để lại, con tôi bỏ xác thân này để đi đến một cảnh giới khác, chỉ có thế thôi. Khi một người chết đi, xác thân họ chẳng còn biết gì - chẳng cảm giác được sức nóng của ngọn lửa cũng chẳng hay biết sự khóc than của thân nhân. Họ đã đi theo lối đi của họ.
Trời Ðế Thích quay sang vợ người nông phu và hỏi cùng câu hỏi. Bà ta trả lời:
-- Khi nó đến cũng chẳng ai mời, và khi ra đi nó cũng chẳng cần hỏi ý kiến chúng tôi có bằng lòng không. Khi một người chết đi, xác thân họ chẳng còn biết gì - chẳng cảm giác được sức nóng của ngọn lửa cũng chẳng hay biết sự khóc than của thân nhân. Họ đã đi theo lối đi của họ.
Trời Ðế Thích bèn hỏi người em gái:
-- Anh trai là người rất thương yêu của cô, tại sao anh trai chết mà cô không tỏ chút thương tiếc nào cả ?
Cô em gái trả lời:
-- Nếu khóc thương anh trai, tôi sẽ gầy còm. Thân nhân và bạn bè tôi sẽ lo lắng buồn khổ vì tôi. Như vậy tôi làm họ càng đau khổ hơn nữa. Khi một người chết đi, xác thân họ chẳng còn biết gì - chẳng cảm giác được sức nóng của ngọn lửa cũng chẳng hay biết sự khóc than của thân nhân. Họ đã đi theo lối đi của họ.
Trời Ðế thích bèn hỏi vợ người chết, và cô ta trả lời:
-- Ðau buồn khóc thương cho người chết chẳng khác nào trẻ con khóc cho mặt trăng; điều này chẳng ích lợi gì cả vì vậy tôi chẳng khóc thương. Khi một người chết đi, xác thân họ chẳng còn biết gì - chẳng cảm giác được sức nóng của ngọn lửa cũng chẳng hay biết sự khóc than của thân nhân. Họ đã đi theo lối đi của họ.
Trời Ðế thích bèn hỏi người giúp việc:
-- Phải chăng người chết là một người chủ không tốt nên khi ông ta chết cô chẳng khóc thương tiếc nuối.
-- Không, cậu ta đối xử với tôi rất tử tế. Tôi thương cậu ta chẩng khác nào thương con trai mình.
-- Thế sao cô chẳng tỏ vẻ tiếc thương chút nào?
-- Bình đã vỡ thì chẳng thế nào đựng nước được nữa. Không thể nào làm cho người chết sống lại, dầu có phép thần thông đi nữa. Khi một người chết đi, xác thân họ chẳng còn biết gì - chẳng cảm giác được sức nóng của ngọn lửa cũng chẳng hay biết sự khóc than của thân nhân. Họ đã đi theo lối đi của họ.
Ðó là bài học chúng ta đã học được qua những câu trả lời của năm người về thái độ của họ trước cái chết của người thân. Những câu trả lời trên rất ý nghĩa và ích lợi cho chúng ta. Khi buồn đau trước sự ra đi của người thân, hãy cố gắng nhớ đến những câu trả lời và thái độ của những người trong câu chuyện này.
Tròi Ðế Thích lấy làm hoan hỉ trước những câu trả lời của năm người này bèn nói với họ:
-- Từ nay trở đi, các bạn không cần phải làm lụng quá khó nhọc để kiếm ăn hằng ngày nữa. Ta sẽ giúp các bạn đầy đủ của cải để sống hạnh phúc tu hành cho đến hết cuộc đời của các bạn.
Tại sao người nông phu, Bồ Tát, rất bình thản trước cái chết của con mình ?
Theo chú giải thì Bồ Tát luôn luôn dạy những người trong gia đình mình về sự chết, về bản chất của sự chết, và bản chất vô thường, hoại diệt của các sự vật trên thế gian. Chúng ta phải thực hành phương pháp suy niệm về sự chết này. "Suy Niệm Về Sự Chết", một trong "Bốn Ðiều Bảo Vệ Cho Việc Hành Thiền" là dụng cụ, là phương tiện hữu hiệu để chế ngự uất ức than khóc trước sự ra đi của người thân. "Suy Niệm Về Sự Chết" là một pháp suy niệm hỗ trợ đắc lực cho Thiền Minh Sát. Suy niệm về sự chết giúp chúng ta dễ dàng chấp nhận sự chết - sự chết của người khác cũng như sự chết của chính chúng ta.
Chuyện tiền thân trên được Ðức Phật kể ra để nhắc nhở và dạy dỗ cho một người đàn ông vừa mới mất con . Ông ta âu sầu than khóc mãi đến nỗi chẳng còn làm được việc gì hằng ngày nữa. Từ bài học này chúng ta hãy cố gắng kiểm soát sự lo âu phiền muộn, uất ức than khóc để giảm thiểu chúng. Tôi không bảo bạn đừng ưu sầu, nhưng tôi muốn khuyên các bạn hãy cố gắng giới hạn đừng để ưu sầu vượt quá lãnh vực của nó.
Một số người không thể dễ dàng bình thản trước sự ra đi của người thân, đặc biệt là trường hợp người thân mất đi trong một tai nạn thảm khốc, mất đi lúc còn trẻ tuổi hay bất đắc kỳ tử. Bạn phiền trách ai bây giờ ? Chẳng có ai để bạn phiền trách ngoại trừ cái nghiệp của mình. Chết là định luật chung của mọi người. Ðây là một định luật khắc nghiệt, không dành riêng ân huệ cho một người nào. Bạn không thể nào trả giá hay mặc cả với nghiệp, xin nghiệp cho bạn một đặc ân. Những gì đã làm trong quá khứ, chúng ta sẽ gặt hái kết quả trong hiện tại. Một cách làm giảm thiểu ưu buồn hữu hiệu là hãy suy tưởng như sau: "Người thân ta chết là do nghiệp của họ. Bây giờ ta khóc lóc thương tiếc. Sự khóc lóc thương tiếc này có đem lại chút lợi ích nào cho họ không ? Chúng ta ai cũng biết rằng sự uất ức than khóc chẳng đem lại lợi ích chi cho người chết cũng như người còn sống. Vậy đây là lúc chúng ta nên cố gắng kiểm soát mối ưu tư phiền muộn của mình."
Và chúng ta cần phải làm gì bây giờ ? Có hai điều cần phải xét đến.
Trước tiên, đối với người chết. Thứ đến, đối với chúng ta. Theo lời dạy của Ðức Phật chỉ có một cách duy nhất có thể giúp đỡ người quá vãng là hồi hướng phước báu đến họ. Và trước khi muốn hồi hướng phước báu chúng ta phải làm phước, bởi vì chúng ta chỉ có thể hồi hướng hay chia những gì chúng ta có. Tạo phước báu để hồi hướng đến người đã khuất là một bổn phận phải làm, một nghĩa vụ chúng ta cần phải hoàn mãn. Người đã khuất luôn luôn trông chờ phước báu hồi hướng của thân nhân và gia đình. Khi chúng ta hồi hướng phước báu đến người quá vãng, người quá vãng sẽ hoan hỉ với phước báu của chúng ta, và do đó họ có được phước báu. Và khác với trường hợp ở thế gian, phước báu này sẽ trả quả tức khắc đến họ. Trong thế giới của họ, họ hưởng phước báu ngay tức khắc dưới hình thức thực phẩm, áo quần, chỗ ở v.v... Như vậy, bổn phận chúng ta là hãy làm phước và hồi hướng phước báu đến người đã khuất.
Ðối với chúng ta, hãy biến hoàn cảnh xấu thành cơ hội tốt. Hãy suy tưởng đến sự chết. Người ấy chết và ta cũng sẽ chết một ngày nào đó, có thể hôm nay, ngày mai hay ba mươi năm nữa. Có ai biết được lúc nào chúng ta sẽ ra đi lúc nào. Ðời người ngắn ngủi làm sao! Bây giờ chúng ta còn có thì giờ thì hãy tạo những phước báu mà chúng ta có thể làm, bởi vì một ngày nào đó chúng ta sẽ già nua hay bệnh họan không còn làm được nữa. Chúng ta phải thực hành Giới, Ðịnh, Huệ. Chúng ta phải tạo nhiều phước báu để lúc rời bỏ thân thể này ra đi một cách nhẹ nhàng. (Dĩ nhiên không phải ra đi như một vị A-la-hán). Như vậy đối với chúng ta, chúng ta có thể rút được những bài học tốt đẹp khi có sự đau thương xảy ra. Chúng ta có thể học cách tạo nên những phước báu tốt đẹp cho chúng ta và tạo hướng đi tốt đẹp cho kiếp sống sau này.
Tóm lại hai việc chúng ta cần phải làm trong hiện tại là:
-- làm phước và
-- hồi hướng phước báu đến người quá vãng.
Chúng ta hãy rút ra những bài học tốt đẹp từ hoàn cảnh hiện tại. Chúng ta hãy nỗ lực tinh tấn, không nên lười biếng trì hoãn.
Như vậy, tang lễ trong Phật giáo được tổ chức nhằm đem lại lợi ích cho người đã khuất và cũng là dịp để cho người còn sống suy niệm về sự chết, suy niệm về sự vô thường.
Hòa Thượng Silananda
Tỳ Kheo Khánh Hỷ (Aggasami Trần Minh Tài) soạn dịch
Tháng 12-1997