Dịch:
Nguyên là, tứ đại vốn không, ngũ ấm chẳng có. Do không khởi vọng, vọng thành sắc, sắc tự chân không. Vọng ấy từ không, không hiện vọng, vọng sanh các sắc. Ðã trái không sanh không hóa, mải làm có hóa có sanh. Không sanh hóa thì không hóa không sanh, có hóa có sanh nên có sanh có hóa. Hoặc sanh Thánh hiền ngu trí, hoặc hóa vảy cánh lông sừng. Luôn luôn chìm đắm nơi biển mê, mãi mãi trôi lăn trong biển khổ. Mờ mờ mịt mịt nào biết nào hay, rối rắm lăng xăng chẳng tỉnh chẳng ngộ. Trọn là buông tâm chạy đi, đều không nắm mũi kéo về. Khiến đến lại qua sáu đường, xuống lên bốn núi. Bốn núi là: Sanh, già, bệnh, chết. Nay lần lượt trình bày bốn núi để lại đời sau.
Kệ Bốn Núi
Bốn núi cheo leo vạn khóm tùng,
Ngộ xong chẳng có, muôn vật không.
Mừng được ba chân lừa có sẵn,
Cỡi lên thúc mạnh vượt cao phong.
Núi Thứ Nhất:
NÚI TH NHẤT L TƯNG SANH. Vì sai một niệm nên hiện đa đoan. Gá hình hài nơi tinh huyết mẹ cha, nương khí âm dương dưỡng nuôi thai nghén. Trong tam tài người đứng giữa, lại là hàng chí linh của muôn vật. Chẳng luận kẻ trí người ngu, đều thuộc bào thai bao bọc; hỏi chi một người, trăm họ đều trong lò bễ mà ra. Hoặc mặt trời biểu hiện, vua thánh giáng sanh, hoặc các sao ứng điềm, tôi hiền xuất hiện. Văn chương quét sạch ngàn quân, võ lược chiến thắng trăm trận. Trai cậy phong tư ném quả, gái khoe sắc đẹp nghiêng thành. Một trận cười nghiêng nước, hai trận cười đổ thành. Ðua danh khoe đẹp, tranh lạ đấu trân, xem thảy đều luân hồi, đáo để khó trốn sanh hóa.
Tướng sanh của người là mùa xuân của năm. Hanh thông đang độ tam dương, muôn vật rực màu tươi tốt. Một trời trong sáng, nơi nơi liễu thắm hoa hồng; muôn dặm phong quang, chốn chốn oanh kêu bướm lượn.
Kệ rằng:
Trời đất nấu nung vạn tượng thành,
Xưa nay không mống cũng không manh.
Chỉ sai hữu niệm quên vô niệm,
Liền trái không sanh nhận có sanh.
Mũi đắm các hương, lưỡi tham vị,
Mắt mờ chúng sắc, tiếng mê tai.
Lang thang làm khách phong trần mãi,
Ngày cách quê hương muôn dặm trình.
Núi Thứ Hai:
NÚI TH HAI L TƯNG GI. Hình dung thay đổi, khí huyết đã suy, dáng gầy tuổi cao, ăn uống hay sặc thường nghẹn. Tóc xanh má đỏ đổi thành tóc bạc da gà, ngựa trúc áo hoa lại thành gậy cưu xe cói. Dẫu rằng mắt sáng như Ly Lâu cũng khó phân rành màu sắc; dù cho tai thính như Sư Khoáng cũng khôn nhận rõ âm thanh. Tiều tụy như cây liễu lúc thu về, điêu linh như đóa hoa khi xuân hết. Bóng chiều vừa ngã non Tây, dòng nước sắp chảy về biển Ðông. Tướng già của người là mùa hạ của năm. Trời nóng đá chảy muôn vật đều khô, nắng nóng sôi vàng trăm sông sắp cạn. Hoa tàn liễu úa, bờ lạch trong vườn há còn lưu giữ. Bướm lượn oanh bay, dưới lá đầu cành già sắp tới.
Kệ rằng:
Con người kiếp sống tợ phù âu,
Thọ yểu người trời chớ vọng cầu.
Bóng ngã nương dâu chiều sắp đến,
Thân như bồ liễu tạm qua thu.
Phan Lang thuở nọ còn xanh tóc,
Lữ Vọng ngày nay đã bạc đầu.
Cuồn cuộn việc đời trôi chẳng đoái,
Vầng ô gác núi, nước trôi xuôi.
Núi Thứ Ba:
NÚI TH BA L TƯNG BNH. Tuổi đã già khọm, bệnh đến cao hoang. Chân tay mỏi mệt, mạch lạc khó thông, trăm lóng rã rời, nóng lạnh chẳng thuận. Tan mất tánh chân thường, sai lệch nguồn điều sướng. Ngồi đứng khó khăn, co duỗi đau đớn. Mạng dường ngọn đèn trước gió, thân như hòn bọt trên sông. Tâm sanh bóng quỉ lô nhô, mắt thấy không hoa lốm đốm. Hình hài gầy yếu, ai là Biển Thước thuốc thang; thân thể hao mòn, nào kẻ Lư Nhân cứu chữa. Bạn bè luống nhọc viếng thăm, anh em uổng sức nâng đỡ. Bệnh nặng nhiều tháng chẳng lành, nằm liệt nhiều tuần chưa khỏi.
Tướng bệnh của người là mùa thu trong năm. Khi gặp sương lạnh mới rơi, đến lúc cỏ cây đều héo. Rừng rậm sum sê một trận gió vàng đã lơ thơ; núi biếc non xanh, móc ngọc mới sa liền trơ trọi.
Kệ rằng:
Âm dương trái vận vốn xoay vần,
Gieo rắc tai ương đến thế nhân.
Ðại để có thân thì có bệnh,
Ví bằng không bệnh cũng không thân.
Linh đơn chớ cậy trường sanh thuật,
Lương dược khó mong được sống bền.
Sớm nguyện xa lìa ma cảnh giới,
Xoay tâm về đạo, dưỡng thiên chân.
Núi Thứ Tư:
NÚI TH TƯ L TƯNG CHT. Bệnh càng trầm trọng mạng sắp cáo chung. Tuổi thọ mong hưởng trăm năm, thân thế trở thành giấc mộng. Thông minh trí tuệ khó trốn ngày đại hạn sắp sang. Sức mạnh oai hùng đâu chống được khi vô thường đã đến. Thiếp thuận vợ trinh trở thành đau thương đứt ruột; anh nhường em kính vội nên ly biệt suốt đời. Vật mình lăn đất, vỗ trán kêu trời. Tường hoa nhà rộng có làm chi, ngọc đụn vàng kho rồi cũng bỏ. Dạ đài mù tối, luống nghe gió bấc vi vu, tuyền hộ then gài, chỉ thấy mây sầu ảm đạm.
Tướng chết của con người là mùa đông trong năm. Càn khôn ứng Thái Tuế tròn vòng, nhật nguyệt hướng Huyền hiều hội tụ. Âm tinh cực thịnh, khắp trời mưa tuyết bời bời, dương khí tan dần, nước tám đức đóng băng càng lạnh buốt.
Kệ rằng:
Cào đất đùng đùng trận gió hanh,
Lão ngư say tít, chiếc thuyền chành.
Bốn bề mù mịt mây sầm bóng,
Một dãy lô xô sóng cuộn ghềnh.
Theo lớp hạt mưa bay phất phới,
Dồn nhau tiếng sét nổ đì đoàng.
Giây lâu tan bụi, bên trời tạnh,
Trăng lặn lòng sông, đêm mấy canh?
Ngô Tất Tố dịch:
Bảo táp cuồng phong đất bụi bay,
Lão ngư say tít, chiếc thuyền lay.
Bốn bề mây phủ màu đen kịt,
Một dãy sóng gầm tiếng vang tai.
Sầm sập trận mưa ào ạt đổ,
Ì ầm xe sấm nổ vần xoay.
Tạm thời bụi lắng, chân trời sáng,
Trăng lặn lòng sông, canh mấy ai?
Giảng:
Bốn Núi
Bốn núi này là y cứ trong kinh, Ngài Trần Thái Tông diễn tả cho chúng ta dễ hiểu. Trong Hán tạng, kinh Tạp A Hàm bài 1147 có nói về bốn núi. Tạng Pali Kinh Tương Ưng Bộ, bài 136 (Hòa Thượng Minh Châu dịch) cũng nói về bốn núi. Một hôm vua Ba Tư Nặc đi chinh phạt loạn quân ngoài biên giới, đánh thắng kéo quân về đến gần tinh xá của Phật ông dừng quân lại, đích thân đến lễ Phật. Phật hỏi: Ðại Vương đi đâu về xem có vẻ nhọc nhằn? Vua bạch: Con đi chinh phạt ngoại xâm vừa chiến thắng trở về. Khi nói nhà vua hiện ra kiêu khí của người thắng trận. Ðức Phật hỏi: Này Ðại Vương, nếu có người ở phương Ðông đến thưa thế này: Tôi thấy một ngọn núi từ phương Ðông lăn lần lần về đây, lăn đến đâu nghiền nát cỏ cây người vật ở đó. Lại có người phương Nam tới cũng tâu: Ðại Vương có một ngọn núi ở phương Nam đang lăn về đây, tới đâu nó đều nghiền nát cây cỏ người vật. Lại phương Tây, phương Bắc mỗi phương có một ngọn núi lăn về, lăn đến đâu cây cỏ người vật đều bị nghiền nát. Nếu có người báo bốn ngọn núi đang lăn về, tàn sát cây cỏ, người, vật thì Ðại Vương sẽ cử đội quân nào để đi chinh phục chúng? Nhà vua bạch: Dầu đội quân có tài trăm trận trăm thắng đi nữa cũng không thể nào chinh phục được bốn núi đó. Phật bảo: Bốn núi đó là sanh, già, bệnh, chết; dầu cho ai tài giỏi đến đâu, dũng mãnh đến đâu cũng không thắng được, không chinh phục được sanh, già, bệnh, chết mà đều bị chúng nghiền nát. Nghe như thế kiêu khí của nhà vua không còn nữa. Ðó là ý nghĩa bốn núi.
Trong chúng ai cũng không khỏi bị bốn núi nghiền nát, chúng ta đang thấy nó lăn từ từ gần đến mình. Như hiện nay ba núi sanh, già, bệnh lăn tới tôi rồi, chỉ còn núi thứ tư, núi tử nữa là kết cuộc. Như vậy ai cũng bị bốn núi nghiền nát mà không hay và cũng không ai chống lại được chúng. Thế nên người tu là muốn thoát bốn núi đó, không để chúng nghiền nát. Còn người thế gian bị nó nghiền mãi, sanh ra rồi lại bị nghiền nát, cứ như thế mà muôn đời muôn kiếp không biết bao nhiêu lần khổ đau. Từ ý nghĩa đó Ngài Trần Thái Tông làm bài bốn núi.
"Nguyên là, tứ đại vốn không, ngũ ấm chẳng có. Do không khởi vọng, vọng thành sắc, sắc tự chân không. Vọng ấy từ không, không hiện vọng, vọng sanh các sắc. Ðã trái không sanh không hóa, mải làm có hóa có sanh. Không sanh hóa thì không hóa không sanh, có hóa có sanh nên có sanh có hóa. Hoặc sanh Thánh hiền ngu trí, hoặc hóa vảy cánh lông sừng. Luôn luôn chìm đắm nơi biển mê, mãi mãi trôi lăn trong biển khổ. Mờ mờ mịt mịt nào biết nào hay, rối rắm lăng xăng chẳng tỉnh chẳng ngộ. Trọn là buông tâm chạy đi, đều không nắm mũi kéo về. Khiến đến lại qua sáu đường, xuống lên bốn núi. Bốn núi là: Sanh, già, bệnh, chết. Nay lần lượt trình bày bốn núi để lại đời sau".
Mở đầu Ngài diễn tả: "Nguyên là tứ đại vốn không, ngũ ấm chẳng có". Ðọc kinh Bát Nhã chúng ta thấy rõ tứ đại không thật, năm ấm cũng không thật, nên nói tứ đại vốn không, ngũ ấm chẳng có.
"Do không khởi vọng, vọng thành sắc, sắc tự chân không". Tức là do thể không dấy niệm khởi vọng, từ vọng biến thành sắc chất, nên nói sắc chất gốc tự chân không, chứ không phải riêng có. Ðiều này những nhà khoa học hiện đại dễ tin, vì khi phân chất tột cùng sắc chất, họ thấy là chân không chớ sắc chất không có cái thể riêng. Tóm lại Ngài nói do không khởi sắc, tức là từ không rồi dấy vọng thành sắc, sắc do vọng dấy từ chân không, nên không rời chân không.
"Vọng ấy từ không, không hiện vọng, vọng sanh các sắc". Vọng đó là từ không, không hiện ra vọng, vọng sanh các sắc. Nay nói về tâm người tu, trong lúc chúng ta ngồi thiền, nếu không nghĩ gì, lúc đó là không hay là có? Không nghĩ gì thì thấy như không. Vừa dấy niệm là vọng, vọng cấu kết với hình sắc nên nhớ hình này hình kia, nội tâm chúng ta rõ ràng như vậy. Bên ngoài cũng thế, từ vọng hiện ra các hình sắc, nên:
"Ðã trái không sanh không hóa", lý đáng là chân không là không sanh không hóa, nhưng vì trái với nó nên "mải làm có hóa có sanh", nghĩa là sanh hóa liên tục.
"Không sanh hóa thì không hóa không sanh, có hóa có sanh nên có sanh có hóa". Nếu đứng về mặt không sanh không hóa thì đó là thể, không có hóa sanh gì cả. Lục Tổ thấy được thể đó Ngài mới nói "Bản lai vô nhất vật", không sanh không hóa thì có vật gì? Nay vì theo có hóa có sanh, nên mọi việc đều thành có sanh có hóa.
"Hoặc sanh Thánh hiền ngu trí, hoặc hóa vảy cánh lông sừng". Sanh hóa là sanh ra người Thánh bậc Hiền, hoặc kẻ trí người ngu sai biệt; hoặc hóa làm chim chóc, tôm cá, trâu bò các loại.
"Luôn luôn chìm đắm nơi biển mê, mãi mãi trôi lăn trong biển khổ". Vì sanh hóa nên cứ chìm đắm mãi nơi bến mê, lăn lộn trong biển khổ không ra khỏi.
"Mờ mờ mịt mịt nào biết nào hay, rối rắm lăng xăng chẳng tỉnh chẳng ngộ". Như vậy chúng ta sống trong mờ mịt lăng xăng, không một phút giây thức tỉnh.
"Trọn là buông tâm chạy đi, đều không nắm mũi kéo về". Buông tâm chạy đi là phóng tâm chạy theo ngoại cảnh, vì phóng tâm chạy đi nên hóa hóa sanh sanh liên miên không dừng. Trái lại nếu biết nắm mũi kéo về thì không sanh không hóa. Chúng ta bắt đầu nắm mũi kéo về được chưa? Cố nắm nhưng nó còn giẫy quá. Nếu kéo được thì trở về không sanh không hóa.
"Khiến đến lại qua sáu đường", khi đã sanh hóa thì lăn lộn trong sáu đường, "xuống lên bốn núi". Sanh, già, bệnh, chết. Sở dĩ có bốn núi, là vì chúng ta bỏ chân không, chạy theo vọng tưởng, từ vọng tưởng tạo thành sắc thân, rồi lăn lộn trầm luân trong biển khổ.
Ngài nói tổng quát kệ bốn núi:
Bốn núi cheo leo vạn khóm tùng,
Ngộ xong chẳng có, muôn vật không.
Mừng được ba chân lừa có sẵn,
Cỡi lên thúc mạnh vượt cao phong.Bài kệ nghe như khó hiểu. "Bốn núi cheo leo vạn khóm tùng" là diễn tả sanh, già, bệnh, chết cheo leo như ngọn núi cao. Tuy thế nếu "Ngộ xong chẳng có, muôn vật không". Nếu ngộ được lý chân không, mới thấy muôn vật là không thật, chỉ từ vọng sanh.
"Mừng được ba chân lừa có sẵn" tức là mừng được có sẵn con lừa ba chân.
"Cỡi lên thúc mạnh vượt cao phong". Cỡi lừa ba chân chạy thẳng lên ngọn núi cao tuyệt. Có vô lý không? Cỡi lừa bốn chân không biết có chạy nổi lên ngọn núi không, chứ lừa ba chân làm sao chạy được? Vì thế bài kệ này mỗi người hiểu mỗi cách.
Con lừa ba chân xuất xứ từ câu chuyện của Ngài Dương Kỳ Phương Hội, đệ tử Ngài Từ Minh. Sử Trung Hoa ghi rõ: Có người tới hỏi Ngài Dương Kỳ: Thế nào là Phật? Ngài đáp: Con lừa ba chân chạy tứ tung. Ngài Trần Thái Tông mượn câu chuyện đó, nói có sẵn lừa ba chân cỡi chạy thẳng lên ngọn núi cao phong. Trong nhà thiền, nói đến chỗ cứu cánh, đó là chỗ vô lý hay phi lý. Tại sao? Vì tất cả lý lẽ chúng ta bàn luận ở thế gian đều tương đối, có phải có quấy. Nếu ai nói phải thì cho là hợp lý, nói quấy cho là phi lý. Nhưng cứu cánh tuyệt đối là cái phi lý, tức là cái không suy lường được. Thường người ta nói tu là làm lành, là giúp kẻ khổ, nhưng đối với chỗ cứu cánh, tu lại là buông, là bỏ, buông những niệm tưởng lành dữ, bỏ những tâm thiện ác. Lành dữ thiện ác đều buông sạch thì có lý hay phi lý? Từ cái phi lý mới đi đến chỗ cứu cánh. Con lừa ba chân là chỉ cái phi lý. Ðạt được cái phi lý mới lên tận ngọn núi cao phong. Trái lại nếu chưa đạt thì chưa lên được. Ðó là ý nghĩa thâm sâu trong nhà Thiền.
Núi Thứ Nhất:
Ngài diễn tả núi thứ nhất, tức là tướng sanh. "Vì sai một niệm nên hiện đa đoan". Sai một niệm là từ thể chân không dấy động, có niệm phát ra thì sanh muôn mối. Thế nên chúng ta tu đến chỗ không còn một niệm mới là hết mầm sanh tử. Nếu còn một niệm là hiện đa đoan, tức là hiện đủ tất cả việc.
Từ hiện đa đoan mới lôi thần thức "Gá hình hài nơi tinh huyết mẹ cha, nương khí âm dương dưỡng nuôi thai nghén". Do hợp khí âm dương từ đó thai nghén thành hình.
"Trong tam tài người đứng giữa". Trong tam tài thiên địa nhân, người (nhân) ở giữa rất là quan trọng.
"Lại là hàng chí linh của muôn vật", lại người là hàng chí linh của muôn vật.
"Chẳng luận kẻ trí người ngu, đều thuộc bào thai bao bọc". Dù người ngu hay kẻ trí cũng từ trong bào thai ra.
"Hỏi chi một người, trăm họ đều trong lò bễ mà ra". Lò bể là của thợ trời, trăm họ cùng ở trong đó ra, không ai ở ngoài được.
"Hoặc mặt trời biểu hiện, vua thánh giáng sanh, hoặc các sao ứng điềm, tôi hiền xuất hiện". Người xưa hay nói: Mẹ nằm mộng thấy nuốt mặt trời, đó là điềm sanh con làm vua, hoặc thấy có vì sao rơi vào bụng thì sau sanh con là hiền thần.
"Văn chương quét sạch ngàn quân, võ lược chiến thắng trăm trận". Dầu cho người văn chương hay quét sạch cả ngàn quân, hoặc vỏ giỏi đánh thắng trăm trận, cũng không thoát được cuộc sống chết của thế gian.
"Trai cậy phong tư ném quả". Người nam cậy nét đẹp của mình làm thiên hạ say mê. Ðây là dẫn câu chuyện xưa ở Trung Hoa, sách Tấn thư nói: ông Phan Nhạc lúc còn trẻ là người đẹp trai nhất ở thành Lạc Dương. Mỗi khi ra đường các cô gái cầm trái cây ném vào xe ông, đi một vòng về thì xe đầy trái. Như vậy sắc đẹp được tán thưởng nhiều, gọi là trai cậy phong tư ném quả.
"Gái khoe sắc đẹp nghiêng thành". Nguyên ông Lý Diên Niên làm một bài ca trong đó có câu: "Nhất cố khuynh nhân thành, tái cố khuynh nhân quốc", nghĩa là một lần ngoảnh lại làm nghiêng thành, hai lần ngoảnh lại làm nghiêng nước. Ðây là tả sắc đẹp tuyệt trần của người nữ.
"Ðua danh khoe đẹp, tranh lạ đấu trân". Ðấu trân là đem của báu mà so đấu nhau.
"Xem thảy đều luân hồi, đáo để khó trốn sanh hóa". Dù đẹp dù tài thế mấy, rốt cuộc cũng luân hồi sanh hóa.
"Tướng sanh của người là mùa xuân của năm". Tướng sanh tương tợ như mùa xuân. Mùa xuân rất đẹp, tướng sanh cũng vậy.
"Hanh thông đang độ tam dương, muôn vật rực màu tươi tốt". Tam dương là chỉ mùa xuân có ba tháng thuộc về dương, nên gọi là dương xuân hay tam dương. Mùa xuân muôn vật đều đẹp đẻ tươi tốt, đó là nói theo các nước có bốn mùa, theo miền nam chúng ta thì không phải vậy. "Một trời trong sáng, nơi nơi liễu thắm hoa hồng; muôn dặm phong quang, chốn chốn oanh kêu bướm lượn". Ðó là diễn tả cảnh mùa xuân.
Kệ rằng:
Trời đất nấu nung vạn tượng thành,
Xưa nay không mống cũng không manh.
Chỉ sai hữu niệm quên vô niệm,
Liền trái không sanh nhận có sanh.
Mũi đắm các hương, lưỡi tham vị,
Mắt mờ chúng sắc, tiếng mê tai.
Lang thang làm khách phong trần mãi,
Ngày cách quê hương muôn dặm trình.Bài kệ này rất hay, vừa nói giáo lý, vừa nhắc nhở chúng ta kiếp luân hồi.
Trời đất nấu nung vạn tượng thành,
Xưa nay không mống cũng không manh.Muôn hình tượng trong thế gian do âm dương trời đất mà hiện, trước đó không có manh mối gì.
Chỉ sai hữu niệm quên vô niệm,
Liền trái không sanh nhận có sanh.Con người từ vô niệm dấy lên thành hữu niệm, đó là sai lầm, vừa có niệm liền quên mất vô niệm. Vô niệm là không sanh, dấy thành hữu niệm nên nhận có sanh. Vì thế khi chúng ta nhắm mắt vừa có niệm giận liền đi trên đường đau khổ của sân, có niệm tham thì đi đường khổ của tham, nếu niệm tịnh được sanh về cõi tịnh. Trái lại vô niệm thì hết sanh, tức vô sanh, thật là rõ ràng.
Mũi đắm các hương, lưỡi tham vị,
Mắt mờ chúng sắc, tiếng mê tai.Mũi, lưỡi, mắt, tai, bị các trần lôi kéo, nói đủ là sáu trần lôi kéo sáu căn làm chúng ta say mê suốt cả cuộc đời. Vì say mê nên:
Lang thang làm khách phong trần mãi,
Ngày cách quê hương muôn dặm trình.Buồn làm sao! Cứ làm khách phong trần lang thang trong vòng luân hồi, càng đi càng xa quê hương, đi một đời là xa một dặm, đi trăm ngàn muôn kiếp thì xa trăm ngàn muôn dặm. Nếu chạy theo sáu trần là chấp nhận lang thang làm khách phong trần. Trái lại không dính mắc sáu trần là kẻ xuất trần thượng sĩ. Trong nhà Phật thường tán thán kẻ xuất gia là bậc xuất trần thượng sĩ. Thử hỏi hiện nay chúng ta là kẻ xuất trần hay là khách phong trần? Tùy chúng ta lựa chọn, nhưng chọn rồi là phải thực hành. Hai câu kết này tôi thích nhất:
Lang thang làm khách phong trần mãi,
Ngày cách quê hương muôn dặm trình.Ði ra là mỗi ngày một xa quê hương. Hình ảnh thật rõ ràng. Tỉ dụ quê hương chúng ta ở Ðà Lạt, chỉ đi bộ thôi, mỗi ngày đi bộ xuống miền đông, dù đi dở cũng khoảng mấy mươi cây số. Ði năm này qua năm khác càng đi càng xa tít, quên cả đường về. Trái lại nếu đi chừng năm, ba cây số, giựt mình tỉnh lại, quay trở về thì rất gần. Nếu nhớ quê hương phải trở về sớm, đừng đi nữa!
Núi Thứ Hai:
Núi thứ hai là diễn tả tướng già.
Ðọc bài này nghe thật buồn. "Hình dung thay đổi", rất dễ thấy.
"Khí huyết đã suy, dáng gầy tuổi cao, ăn uống hay sặc thường nghẹn". Ðó là diễn tả cảnh già rất cụ thể, nhất là tôi đây chứng minh điều này rất rõ.
"Tóc xanh má đỏ đổi thành tóc bac da gà". Ngày trước tóc xanh má đỏ nay đổi thành tóc bạc da gà.
"Ngựa trúc áo hoa lại thành gậy cưu xe cói". Ngựa trúc áo hoa là theo sự tích xưa những đứa bé lấy cành tre làm ngựa chạy giỡn, gọi là ngựa trúc, chúng mặc áo bông gọi là áo hoa. Mặc áo hoa, cỡi ngựa trúc là những trò vui của trẻ con. Nay lại thành gậy cưu xe cói. Ngày xưa ai sống đến tám mươi tuổi được nhà vua tặng cho cây gậy có hình chim cưu vì chim cưu ăn không mắc nghẹn. Ðể chúc người già ăn không nghẹn. Xe cói là dùng rơm hay cỏ lác buộc dưới bánh xe chạy cho êm để người già đi. Gậy cưu xe cói là chỉ người già.
"Dẫu rằng mắt sáng như Ly Lâu cũng khó phân rành màu sắc". Ngày xưa ông Ly Lâu mắt rất sáng, nhìn xa trăm bước vẫn thấy được cây kim hay một hạt nhỏ. Thuở trẻ mắt sáng như sao băng, nhưng khi già nhìn thấy lờ mờ.
"Dù cho tai thính như Sư Khoáng cũng khôn nhận rõ âm thanh". Sư Khoáng ở xa nghe tiếng âm nhạc có thể phân biệt được tai họa hay điềm lành sẽ xảy đến cho người chơi nhạc. Tai thính như Sư Khoáng nhưng đến tuổi già cũng khó phân rành được âm thanh.
"Tiều tụy như cây liễu lúc thu về, điêu linh như đóa hoa khi xuân hết". Khi xuân hết, liễu rũ hoa tàn rơi từng cánh.
"Bóng chiều vừa ngã non Tây, dòng nước sắp chảy về biển Ðông". Mặt trời sắp gác núi, nước chảy ra biển đông không trở lại.
"Tướng già của người là mùa hạ của năm". Tướng già dụ như mùa hạ trong năm. Mùa hạ thì:
"Trời nóng đá chảy muôn vật đều khô, nắng nóng sôi vàng trăm sông sắp cạn". Chỉ sự nóng bức của mùa hạ.
"Hoa tàn liễu úa, bờ lạch trong vườn há còn lưu giữ. Bướm lượn oanh bay, dưới lá đầu cành già sắp tới". Những gì vui thích tới đây sắp tàn không còn nữa.
Kệ rằng:
Con người kiếp sống tợ phù âu,
Thọ yểu người trời chớ vọng cầu.
Bóng ngã nương dâu chiều sắp đến,
Thân như bồ liễu tạm qua thu.
Phan Lang thuở nọ còn xanh tóc,
Lữ Vọng ngày nay đã bạc đầu.
Cuồn cuộn việc đời trôi chẳng đoái,
Vầng ô gác núi, nước trôi xuôi.Phù âu là bọt nước, kiếp sống của con người như bọt nước. Thọ là sống lâu, yểu là chết sớm, thọ yểu ở cõi người cõi trời cũng đừng mong cầu. Dầu sanh cõi trời được sống lâu nhưng rồi cũng chết chớ không tránh khỏi.
"Bóng ngã nương dâu chiều sắp đến", bóng mặt trời đã nghiêng về những bờ dâu, chiều sắp đến.
"Thân như bồ liễu tạm qua thu". Thân như cây bồ, cây liễu qua thu thì xơ xác.
"Phan Lang thuở nọ còn xanh tóc, Lữ Vọng ngày nay đã bạc đầu". Phan Lang là Phan Nhạc. Thuở nào tóc xanh đẹp như Phan Nhạc, nay nhìn lại đầu đã bạc như Lữ Vọng tức Khương Tử Nha, cũng gọi là Thái Công Vọng, hay Lã Thượng hay Lữ Thượng. Lúc chưa gặp Văn Vương ông ngồi câu ở bến Bàn Khê, đầu tóc bạc phơ, sau Văn Vương mời ông ra giúp nước. Con người thuở trẻ đầu xanh khỏe mạnh bao nhiêu, nay đầu bạc yếu đuối bấy nhiêu!
Hai câu cuối nghe rất buồn:
"Cuồn cuộn việc đời trôi chẳng đoái". Ðoái tức là nhìn lại, nghĩa là mọi việc trên đời cứ trôi qua không nhìn lại, cuối cùng không còn gì nữa.
"Vầng ô gác núi, nước trôi xuôi". Mặt trời lặn sau núi, không còn thấy nữa, nước ra biển đông, không biết bao giờ trở lại. Như vậy để thấy việc đời luôn trôi qua, thuở trẻ phô trương sắc tài, tuổi già đến dần dần, tất cả rồi sẽ mất.
Núi Thứ Ba:
Núi thứ ba là tướng bệnh. "Tuổi đã già khọm, bệnh đến cao hoang". Ðoạn này diễn tả cảnh già rồi bệnh. Cao hoang là trong hông, trong lồng ngực của mình. Bệnh đến hông ngực thì khó trị, gọi là bệnh nan y.
"Chân tay mỏi mệt, mạch lạc khó thông, trăm lóng rã rời, nóng lạnh chẳng thuận". Khi bệnh thì trong thân phần nào cũng chống trái nhau không an ổn điều hòa.
"Tan mất tánh chân thường, sai lệch nguồn điều sướng". Tâm tánh người bệnh rối loạn không còn bình thường nữa. Nguồn điều hòa trong cơ thể không còn thông suốt, mà sai lệch đi rồi.
"Ngồi đứng khó khăn, co duỗi đau đớn". Ngồi đứng đều thấy khó, co duỗi nghe đau đớn vì mang thân bệnh.
"Mạng dường ngọn đèn trước gió, thân như hòn bọt trên sông". Mạng sống lúc bệnh giống như ngọn đèn trước gió, cơn gió mạnh thổi đến đèn tắt ngay (đây chỉ đèn dầu không phải đèn điện). Thân bệnh như hòn bọt nỗi, chỉ cần một lượn sóng dập vào thì bể nát. Ðoạn này diễn tả tướng bệnh của thân.
Ðây nói về tâm bệnh:
"Tâm sanh bóng quỉ lô nhô, mắt thấy không hoa lốm đốm". Khi bệnh trầm trọng thì tâm thấy những chuyện lăng xăng ma quái. Cho nên người già khi sắp chết, con cháu phải trông ngó chăm nom luôn luôn, nếu không thì nói nhảm, mắt thấy hoa đốm trong hư không.
"Hình hài gầy yếu, ai là Biển Thước thuốc thang; thân thể hao mòn, nào kẻ Lư Nhân cứu chữa". Thân hình đã gầy yếu có thầy thuốc nào đại tài như Biển Thước để cứu trị hay không? Theo sách Trung Hoa, Biển Thước là thầy thuốc giỏi nhất thời Chiến Quốc, tên là Tần Việt Nhân. Ông học được phương bí truyền của Trường Tang Quân, đem ứng dụng và hốt thuốc giỏi nhất vào thời đó; vì vậy nói đến thầy thuốc giỏi ở Trung Hoa ai cũng chỉ biết có Biển Thước. Lư Nhân là tên khác của Biển Thước.
"Bạn bè luống nhọc viếng thăm, anh em uổng sức nâng đỡ". Vì đau nặng nên bạn bè chống gậy đến thăm, anh em ra sức bồng đở.
"Bệnh nặng nhiều tháng chẳng lành, nằm liệt nhiều tuần chưa khỏi". Bệnh lâu ngày không lành, người bệnh nằm chờ chết, cảnh tượng rất là buồn!
"Tướng bệnh của người là mùa thu trong năm. Khi gặp sương lạnh mới rơi, đến lúc cỏ cây đều héo". Tướng bệnh được ví như mùa thu trong năm. Thu đến sương lạnh rơi, cỏ cây bắt đầu héo vàng.
"Rừng rậm sum sê một trận gió vàng đã lơ thơ; núi biếc non xanh, móc ngọc mới sa liền trơ trọi". Mùa thu gió Tây thổi, lá cây trong rừng đều rụng hết. Mới khi vào núi biếc non sanh, giờ đây sương móc vừa sa, lá cây rơi rụng, cành cây chơ vơ, hòn núi trở thành trơ trọi.
Kệ rằng:
Âm dương trái vận vốn xoay vần,
Gieo rắc tai ương đến thế nhân.
Ðại để có thân thì có bệnh,
Ví bằng không bệnh cũng không thân.
Linh đơn chớ cậy trường sanh thuật,
Lương dược khó mong được sống bền.
Sớm nguyện xa lìa ma cảnh giới,
Xoay tâm về đạo, dưỡng thiên chân."Âm dương trái vận vốn xoay vần". Khí âm dương không đúng thời tiết nên khiến có sự xoay vần bất thường.
"Gieo rắc tai ương đến thế nhân." Vì âm dương không điều hòa nên con người phải bệnh hoạn.
"Ðại để có thân thì có bệnh". Tất cả người đời có thân đều có bệnh, chớ không riêng ai.
"Ví bằng không bệnh cũng không thân". Chi bằng đừng có bệnh cũng đừng có thân, nghĩa là không có thân thì không có bệnh. Chỉ có thân không tướng tức là pháp thân mới không bệnh. Còn nhục thân do tứ đại hòa hợp nhất định phải bệnh. Thế nên người tu muốn bỏ nhục thân để sống với pháp thân không tướng.
"Linh đơn chớ cậy trường sanh thuật, Lương dược khó mong được sống bền". Dù có thuật trường sinh cũng không còn, dù có thuốc hay bao nhiêu cũng không sống mãi. Như các vị tiên ngày xưa luyện linh đơn và các thứ thuốc trường sanh, đâu có vị nào sống mãi đến ngày nay, sống dai lắm chỉ đến vài trăm tuổi là nhiều!
"Sớm nguyện xa lìa ma cảnh giới". Nếu biết không thoát được cái chết, thì mỗi người chúng ta phải sớm nguyện xa lìa cảnh giới ma, tức là cảnh giới sáu trần đang lôi kéo chúng ta.
"Xoay tâm về đạo, dưỡng thiên chân". Là xoay tâm trở về với đạo để nuôi dưỡng thiên chân. Thiên chân là cái chân thật không còn sanh diệt, cái đó sẵn có muôn đời, không phải mới tạo nên. Nếu biết xoay tâm về đạo thì thiên chân hiện tiền.
Núi Thứ Tư:
Núi thứ tư là tướng chết.
"Bệnh càng trầm trọng mạng sắp cáo chung. Tuổi thọ mong hưởng trăm năm, thân thế trở thành giấc mộng". Bệnh trầm trọng đến giờ sắp ra đi. Khi còn mạnh, ai cũng mong sống đến trăm tuổi, nên thường chúc nhau: Sống lâu trăm tuổi, nhưng làm sao được. Cơn chết sắp đến, ôn lại cuộc đời, giống như giấc mộng, tất cả những gì mình tạo dựng được, nay chỉ là giấc mộng thôi.
"Thông minh trí tuệ khó trốn ngày đại hạn sắp sang. Sức mạnh oai hùng đâu chống được khi vô thường đã đến". Dù thông minh trí tuệ đến đâu, tới ngày chết cũng không ai trốn khỏi. Dù anh hùng võ tướng, khi vô thường đến cũng phải bó tay không làm gì hơn.
"Thiếp thuận vợ trinh trở thành đau thương đứt ruột; anh nhường em kính vội nên ly biệt suốt đời". Ở thế gian khi có thê thiếp trinh thuận, đến lúc ra đi lại càng đứt ruột, vì càng thương càng khổ. Nếu vợ chồng bất hòa khi đi, lại ít khổ hơn. Còn anh em hòa thuận kính yêu, khi sắp đi lại càng đau đớn vì ly biệt suốt đời. Người chết đi rồi, người sống ở lại thì sao?
"Vật mình lăn đất, vỗ trán kêu trời. Tường hoa nhà rộng có làm chi, ngọc đụn vàng kho rồi cũng bỏ". Người ở lại thì than khóc, đau khổ vô cùng, không sao tả xiết. Người ra đi thì tường hoa nhà rộng, ngọc đụn vàng kho đều bỏ lại, đâu có mang theo vật gì!
"Dạ đài mù tối, luống nghe gió bấc vi vu, tuyền hộ then gài, chỉ thấy mây sầu ảm đạm". Một mình ra đi vào chốn dạ đài, là nơi mù tối, gọi là âm ti, chỉ nghe gió bấc thổi vi vu. Tuyền hộ then gài tức là cửa huỳnh tuyền then gài đóng chặt, không cho trở lên nữa, không ai bênh vực tiếp cứu. Lúc đó nhìn đâu cũng thấy cũng chỉ thấy mây sầu ảm đạm, buồn bả làm sao! Vậy mà thế nhân không lo, chỉ nghĩ chuyện sống, không bao giờ nghĩ đến cái chết...
"Tướng chết của con người là mùa đông trong năm". Tướng chết ví như mùa đông mây sầu ảm đạm.
"Càn khôn ứng Thái Tuế tròn vòng". Càn khôn vũ trụ ứng với sao Thái Tuế, đây là chỉ sao Mộc, xoay quanh mặt trời mười hai năm mới hết một vòng gọi là Thái Tuế. Cũng như con người sống mấy mươi năm rồi tử là một vòng, tử rồi lại sanh giống như sao đi một vòng rồi trở lại vậy.
"Nhật nguyệt hướng Huyền hiều hội tụ". Huyền hiều cũng gọi là sao Huyền hào, ở phương Bắc, gồm một chòm sao như: sao Hư, sao Ngụy, sao Nữ, sao Tú. Sao Hư ở chính Bắc, phương Bắc màu huyền nên gọi là Huyền hiều, hiều còn gọi là hào có nghĩa là hư hao, tức là nói ngôi sao xấu. Thế nên nói: Mặt trời mặt trăng ứng hiện, ngôi sao xấu Huyền hiều trở về chung hợp. Vì vậy:
"Âm tinh cực thịnh, khắp trời mưa tuyết bời bời, dương khí tan dần, nước tám đức đóng băng càng lạnh buốt". Nước tám đức là bát công đức thủy, tám đức gồm có: Một là đức trong sạch, hai là đức sanh mát, ba là đức ngọt ngào, bốn là đức mềm nhẹ, năm là đức thấm nhuần, sáu là đức an hòa, bảy là đức trừ đói khát, tám là đức nuôi lớn các căn. Câu này nói: Phần âm cực thịnh nên khắp trời mưa tuyết, khí dương tan dần nên nước tám đức bị đóng băng lạnh buốt.
Kệ rằng:
Cào đất đùng đùng trận gió hanh,
Lão ngư say tít, chiếc thuyền chành.
Bốn bề mù mịt mây sầm bóng,
Một dãy lô xô sóng cuộn ghềnh.
Theo lớp hạt mưa bay phất phới,
Dồn nhau tiếng sét nổ đì đoàng.
Giây lâu tan bụi, bên trời tạnh,
Trăng lặn lòng sông, đêm mấy canh?Ðây là bài dịch của Ngô Tất Tố rất hay, nhất là câu cuối: "Trăng lặn lòng sông, đêm mấy canh?". Trong bài kệ này chúng ta có thấy nói gì về cái chết đâu! Chỉ diễn tả hình ảnh tượng trưng một cách bóng bẩy thôi.
Cào đất đùng đùng trận gió hanh,
Lão ngư say tít, chiếc thuyền chành.Ðây nói người sắp chết giống như ngư phủ đang ở ngoài sông thả câu thả lưới xong, nằm ngủ say trên chiếc thuyền con. Bỗng một trận bảo to gió mạnh đùng đùng thổi tới, thuyền của ông lắc lư chòng chành. Khi đó lại còn:
Bốn bề mù mịt mây sầm bóng,
Một dãy lô xô sóng cuộn ghềnh.
Theo lớp hạt mưa bay phất phới,
Dồn nhau tiếng sét nổ đì đoàng.Vừa giông bảo, vừa sấm sét, mưa ầm ì dồn dập tới, ông ngư phủ một mình trên chiếc thuyền con cảm nhận bao nhiêu nỗi kinh hoàng khủng khiếp. Ðây mượn hình ảnh trận bảo tố để diễn tả nỗi đau khổ của người sắp chết, bao thứ hiểm nguy sợ sệt dồn dập tới, con cháu bên ngoài chỉ biết khóc thôi! Một mình mình chịu, không ai giúp được, không ai thế được cho mình! Giống như lão ngư phủ này một mình trên chiếc thuyền con chòng chành sắp lật úp, mà không ai cứu giúp, cuối cùng thì:
Giây lâu tan bụi, bên trời tạnh,
Trăng lặn lòng sông, đêm mấy canh?Khi trời tạnh nhìn lại chiếc thuyền ông câu đâu rồi? Nó chìm tận đáy sông, cũng như mặt trăng lặn xuống lòng sông. Hỏi chừng nào gặp lại ông câu? Ðêm mấy canh? Tức là bao giờ mới gặp lại? Ðây là câu hỏi làm cho mình đau đớn! Khi tắt thở để vào quan tài, khiêng ra đặt dưới mộ rồi, thì từ giả tất cả, không bao giờ gặp lại. Vì thế câu "Trăng lặn lòng sông đêm mấy canh?" làm cho chúng tôi rất đau xót mà thích thú.
Bài kệ này dịch rất hay, nhưng có đôi chữ tôi chưa bằng lòng, tôi dịch lại như sau:
Bảo táp cuồng phong đất bụi bay,
Lão ngư say tít, chiếc thuyền lay.
Bốn bề mây phủ màu đen kịt,
Một dãy sóng gầm tiếng vang tai.
Sầm sập trận mưa ào ạt đổ,
Ì ầm xe sấm nổ vần xoay.
Tạm thời bụi lắng, chân trời sáng,
Trăng lặn lòng sông, canh mấy ai?Canh mấy rồi, hỏi thử xem ai có thể trả lời giùm!
Ðể kết thúc chúng ta thấy lối diễn tả bốn núi của Ngài Trần Thái Tông rất hay, vừa khéo, vừa văn chương, người đọc không chán mà lại thấm nhuần giáo lý. Ngài là một ông vua cai trị muôn dân mà có thì giờ làm những bài nhắc nhở người sau như thế này, thật là một điều hiếm có, rất xứng đáng chúng ta bái phục. Hiện nay trong nhóm Phật tử, người nào làm việc nuôi bảy tám đứa con được no ấm đầy đủ là giỏi lắm rồi, đâu có thì giờ làm việc văn chương giảng dạy như vậy.
Qua cái nhìn của Ngài Trần Thái Tông về cuộc đời, chúng ta biết rằng không bao giờ ngai vàng và tất cả sự giàu sang sung sướng quyến rủ được Ngài. Nhìn lại chúng ta hiện giờ ở địa vị nghèo thiếu mà cái gì bỏ cũng không đành. Còn Ngài ở ngai vàng mà không nhiễm, thật là hai bên khác nhau biết bao nhiêu! Ngài là con người như chúng ta mà gan dạ, nhìn thấu lẽ sinh tử của cuộc đời. Chúng ta cũng là con người mà sao mê muội quá đỗi, không thấy thấu đáo như vậy. Thế nên chúng ta cố gắng bắt chước Ngài để sửa để tu, đó là điều rất cần thiết cho đời mình.
Thích Thanh Từ
(trích trong "Khoá Hư Lục Giảng Giải",
Thiền Viện Thường Chiếu ấn hành, 1996)