Em thương yêu,
Em nói rằng nếu em có một chút cương vị nào đó, em sẽ xin được gắn một huy hiệu bằng trái tim cho những người sống đến tám, chín mươi tuổi mà vẫn giữ được cho mình sự trong sáng, trung thực, nhân hậu, công bằng (những đức tính dành nói về những người tốt) bởi vì em chỉ mới 22 tuổi mà em đã cảm thấy quá mệt mỏi với những bon chen, cơ hội, giả dối trổ trải làm mặt, bạo lực, v.v... không phải chỉ nơi môi trường em hiện diện mà còn rộng ra, (em muốn nói những bản tin thế giới nhận được qua thông tin vệ tinh toàn cầu).
Ðúng như em nói, nếu nhìn mọi sự việc từ góc độ của trái tim thì quả cuộc sống là một "bãi chiến trường trước và sau khi tan hồi trống trận..." Ở đó, chúng ta thấy vua quan công hầu khanh tướng, thứ dân, mọi tầng lớp; nhà cửa, lâu đài, chuồng trại, góc núi, khe sâu, ghềnh, thác, suối, sông, hồ, ao, mương, biển v.v... mọi sinh vật trên cũng như dưới mặt đất; thắng thua được mất, hoặc phơi thây hoặc hùng hổ đi dưới nắng mưa sương tuyết đêm ngày, nặng nề âm u đôi vầng nhật nguyệt; đổ nát hoang tàn núi xương, sông máu...
Sự sống vốn thật trăm chiều, vui buồn, tối sáng, cười khóc, có không; và niềm vui khiến con người sảng khoái yêu đời, yêu người muốn làm nhiều việc hữu ích cho cuộc sống. Nhưng điều này chỉ xuất hiện ở những con người chân chính. Không có nỗi buồn, không biết buồn, chưa từng buồn thật, thì làm sao có những câu thơ viết lên bằng lệ máu nhỏ từ trái tim vẽ nên thân phận nàng Kiều? Nếu chỉ có tối không hoặc sáng không, thì con người và vạn vật làm thế nào giữ được dòng thở sinh học để tồn tại, phát triển theo từng chu kỳ tiến hóa. Và khi tiếng cười (như y học phân tích) làm cho con người trẻ lâu thì tiếng khóc vừa làm vệ sinh đôi tròng mắt vừa giúp cho con người vơi nhẹ nỗi lòng. Trong biến hóa từng phút giây sinh diệt của đất trời, có ai chưa từng biết có là để trở về không và không để bắt đầu cái có.
Bằng cả trái tim và bộ não khi em nhận ra lẽ chân thật nhất của đời, em sẽ nhẹ bước thênh thang trong cái "chiến trường kinh hoàng" nhưng vô cùng quí giá đáng trân trọng, đáng gìn giữ, đáng thương yêu này. Bao tấm lòng hy sinh vô bờ bến mà không ai hay biết, chẳng ai ghi công, không được ai thừa nhận...
Con và người, trái tim và bộ não, hình thức, nhân dạng nhận diện theo sắc tướng có khác, nhưng chức năng hành xử, tư duy nào có lạ lẫm gì đâu. Bao nhiêu nhân vật được mô tả trong bi kịch cổ đại như Ơđíp, như Mác-bét, như Otenlo và hàng trăm ngàn những nhân vật có thật trong lịch sử.
Bất cứ ở đâu, là ai, làm gì, thời đại nào, nếu chỉ dùng trái tim để tư duy, hành động thì không tránh khỏi bi kịch, hại mình hại người thân. Ngược lại, nếu đơn phương dựa vào lý trí mà quyết định mọi chuyện thì sẽ dẫn đến điều tệ hại hơn, di họa đến triệu triệu sinh linh mà điển hình là những nhà độc tài trong quá khứ đã từng để lại từng khoảng đỏ nhuộm bằng máu người trong lịch sử nhân loại. Như Néron, như Hitler..., biết bao bi kịch thời trung cổ mà chúng ta được đọc...
Ðạo Phật luôn nhắc nhở chúng ta tâm bình thường là đạo. Vậy làm thế nào để có được tâm bình thường. Chúng ta nhìn cuộc đời từ nhiều góc cạnh, đi trong đời, sống với đời. Thấy, nghe, nhận biết mà không bối rối, tham dự chân thành, làm việc chu đáo nhưng không khẩn trương, không kể công, nhận sự khó nhọc để làm hành trang tự mình tu, tự mình sửa mình cho vừa với cái "chỗ" của mình, chứ không nuôi ảo vọng sửa cái "chỗ" cho vừa với mình. Nhìn mình, quan sát mình, thấy lỗi mình cố gắng sửa mình.
Nếu mình đã từng có ý nghĩ tốt trong đầu, thì hãy biến ý nghĩ thành hành động, nếu chưa thì hãy cố gắng học, cố gắng tập cho mình có bằng những tấm gương tốt của bao người trong quá khứ, hoặc ngay trong hiện tại, trong sách, trên báo, ngay nơi cuộc đời. Nếu đã từng có được những cử chỉ, những ý nghĩ, những hành động tốt đẹp thể hiện trong quá trình sống thì hãy tiếp tục vun đắp, nuôi dưỡng lòng từ và tri thức của mình bằng những giọt sương trong.
Ngược lại, ai trong chúng ta ngăn được lòng xúc động cảm thương khi đọc những câu Kiều, những lời bình văn Kiều của các vị giáo sư, bậc thiện tri thức đáng tôn kính. Ai trong chúng ta không cảm thấy sảng khoái tự hào với danh nhân Nguyễn Trãi ở "Bình Ngô đại cáo", "Ðem nhân nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo". Hai tác phẩm lớn lao quí báu "Kiều" và "Bình Ngô đại cáo" chính là pháp thân của Nguyễn Du và Nguyễn Trãi. Hai ông để lại cho đời cái có thật nhưng không bị hạn định bởi sắc tướng thành hoại diệt.
Chúng ta thường nói với nhau hãy noi gương người xưa nhưng ít có dịp trao đổi cặn kẽ hoặc hiếm có dịp được chỉ bảo, hướng dẫn, gợi ý... sẽ bắt đầu từ đâu với hành trang của mỗi người.
Em và tôi và chúng ta hiện đang thở, đang sống trong những phương tiện hiện đại nhiều mặt của những ngày cuối thế kỷ 20. Muốn làm điều tốt, chúng ta còn nhiều cơ hội; muốn làm điều xấu, cơ hội quyến rũ còn nhiều hơn. Em sẽ gắn những huy hiệu lên ngực áo các bậc tiền bối một cách biết ơn, xúc động lẫn tự hào bằng những hành động khởi lên từ ý nghĩ tốt đẹp thiết thực nhất cho những người đang ở chung quanh em, chung quanh chúng ta -- bằng suy nghĩ ta mãi mãi mang ơn đời.
Chân thành cám ơn anh Nguyễn Quang Trung đã có thiện tâm giúp đánh máy lại bài viết nầy (12/1997)