Buddhasasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font

Ðạo Phật có thể đem lại những gì cho giáo dục ngày nay?

Bùi Mộng Hùng




Giáo dục căn bản là truyền đạt. Thế hệ này truyền lại cho thế hệ khác kinh nghiệm sống của một cộng đồng. Những lý thuyết, những thực hành, những thủ thuật trong các nghề nghiệp để sinh nhai kiếm sống, đó là một phần rất thực tiễn, không thể thiếu của giáo dục. Nhưng chỉ là một phần mà thôi. Vì sống chính là quan hệ mình với mình, mình với người, mình với vạn vật, với thiên nhiên. Chỉ một trong những quan hệ ấy không được hài hòa là cuộc sống mất an lành. Mình mà không yên được với chính mình thì có trốn tránh cách nào, bằng say sưa, bằng trác táng hay bằng hành động; có trốn đi đâu, và rừng sâu, ra hải ngoại, thì ngày đêm vẫn không khỏi đối mặt với chính mình. Kinh nghiệm sống làm sao cho yên vui, cũng thiết yếu chẳng kém gì cơm ăn, áo mặc. Cái đó cũng là giáo dục truyền lại.

Mà kinh nghiệm này, nhà Phật có trên hai ngàn năm bề dầy. Bài này không có tham vọng trình bày hệ thống giáo dục theo nhà Phật, mà chỉ nêu lên vài nét lớn có thể bổ ích cho chúng ta ngày hôm nay. Nói vậy có nghĩa là chỉ bàn đến những nét khác với cái giáo dục mà bạn, mà tôi, mà con em chúng ta được tiếp thu.

I. Quan hệ người với người: chữ hòa

Cạnh tranh là một nguyên tắc trong xã hội, ở khắp nơi ngày nay; trẻ con từ thuở thơ ngây đã tập tành tranh đua. Tranh đua, giành giựt, lấn át để qua mặt người. Khôn khéo ra, thì bàn tay có thể bọc nhung, nhưng mà bên trong thường là bàn tay sắt.

Nhà Phật khác thế, lấy chữ hòa làm nguyên tắc sống chung. Nói hòa là trước hết hàm ý khác biệt. Ðường không phải là nước thì mới hòa với nước. Giống y như nhau thì gọi là "đồng", rót nước lã vào nước lã thì đã chẳng dùng tới chữ hòa. Ý này ta thấy rất rõ trong câu "Hòa nhi bất đồng, đồng nhi bất hòa", hòa mà không giống nhau, giống mà không hòa với nhau.

Như vậy, nói hòa cũng là nói chấp nhận sự khác biệt của nhau. Chính vì tính cách khác biệt của các thành phần, cho nên hòa hợp lại có thể nảy sinh những đặc tính khác lạ, mà đơn thuần cộng đặc tính riêng của các đơn vị thành phần lại không sao có được. Hòa cácbon với sắt thì ra thép, độ bền chắc, độ sắc bén khác hẳn với cácbon, với sắt tinh chất.

Cái quí của hòa cũng chính là ở chỗ đó. Chẳng những nhân khả năng lên mà còn tạo nên những khả năng mới, nên sức mạnh mới, hệ quả của sự tổng hợp thành công.

Nhà Phật có xác định sáu nguyên tắc để sống trong hòa hợp. Vốn là để cho Tăng già, nhưng nới rộng ra, đối với bất cứ một nhóm người cùng chung sống nào, những điều này vẫn giữ nguyên giá trị:

Một là cùng ở một nơi, thân hòa đồng trú. Mới xem qua dường như là một ghi nhận thường tình, nhưng chính vì không lưu tâm đến điểm thường tình này mà các khu chung cư chuồng thỏ chỉ để về ngủ ban tối, ban ngày phải bôn ba đi kiếm sống ở những đâu đâu đã đưa vào thế bế tắc khó xử cho nhiều ngoại ô các tỉnh lớn khắp nơi trên thế giới, như Paris, Lyon ở Pháp ngày nay. Không nơi cùng nhau chia sẻ sinh hoạt thường ngày, làm lụng, ăn học, mua bán, nhậu nhẹt, tán gẫu, thể thao, giải trí, v.v... thì dù là đường phố, dinh ốc có quy hoạch đẹp đẽ như Brasilia trước đây, người nào có điều kiện đi nơi khác được cũng đều bỏ ra đi. Vì mãi mãi đó chỉ là những dãy nhà không hồn, không sao biến thành khu phố, thành thị xã, sinh động như những khu xóm cổ truyền bình thường. Ðã gọi là sống chung thì phải có nơi có chốn thích nghi cho sự chung sống.

Hai là không cãi cọ nhau, khẩu hòa vô tranh. Không cãi để mà cãi, nhưng cũng chẳng phải là cái tinh thần "ba phải". Chẳng phải là cái hòa cả làng của "dĩ hòa vi quí" sao cũng được, cũng cam chịu, chỉ có ngậm miệng cúi đàu, chẳng phải cái thái độ mà bề trên kẻ cả nhồi vào não cho đám thấp cổ bé miệng trong làng trong nước.

Vì ba là đã khác nhau thì cách nhìn -- "kiến"-- không giống nhau được. Không cách nào khác là bàn bạc thảo luận -- trong tinh thần hòa nhã -- nhưng phải đến nơi đến chốn mới cùng nhau "giải", nghĩa là vượt mâu thuẫn, đi tới một cái nhìn tổng hợp sự việc, đầy đủ hơn, phong phú hơn cái nhìn riêng của mỗi người. Ấy là nguyên tắc kiến hòa đồng giải.

Bốn là có lợi thì phải chia đều với nhau, lợi hòa đồng quân. Ðối với các nhà tu hành, nguyên tắc này đã là cần luôn luôn nhắc nhở, thì đối với người sống trong thế tục lại càng thiết yếu biết chừng nào.

Năm là cần có luật lệ, có những qui định cho các quan hệ, được mọi người đồng thuận theo và ai ai cũng phải tuân thủ. Ðối với người tu hành thì đó là giới luật chung cho Tăng già, câu chữ gọi là giới hòa đồng tu.

Sáu là luôn luôn ý thức vui vẻ với nhau, ý hòa đồng duyệt.

Chữ hòa nhà Phật với nội dung cụ thể của nó : chấp nhận khác biệt, bàn bạc thảo luận bình đẳng rốt ráo, công bằng phân chia quyền lợi, luật pháp công minh ai ai cũng phải tuân thủ, chữ hòa ấy đáng được đề nghị làm giá trị cho xã hội chúng ta ngày nay.

II. Quan hệ mình với mình

Xin bàn riêng về hai điểm độc đáo của nhà Phật; quan niệm về thân xác, về trí tuệ.

1. Với thân xác. Hơn bao giờ, ngày nay thân xác được trau chuốt. Thể thao được tôn vinh, cùng với các nhà vô địch mà truyền hình, mà quảng cáo nâng lên hàng thần tượng cho quần chúng. Lịch sử thể thao là hàng chuỗi những kỷ lục với những bảng phong thần tên tuổi đi vào truyền thuyết.

Ký ức chúng ta ghi nhớ những thân hình đẹp chẳng khác thiên thần trong những động tác tuyệt diệu, như thách thức, như siêu thăng các qui luật thiên nhiên gò trói thân xác mỗi người chúng ta.

Nhưng khi qua rồi cái khoảng khắc tuyệt vời và huy hoàng của thành tích, im đi cái hào nhoáng ồn ào của thông tin đại chúng, những thiên thần trong giây lát ấy về lâu dài thành ra những con người như thế nào?

Ngay trong Thế vận hội Atlanta 1996 vừa rồi, ta được thấy tận mắt hình hài của Mohamed Ali Cassius. Trong đầu nhiều người chúng ta còn nhớ như in một vô địchthế vận quyền Anh hạng nặng Cassius Clay dũng mãnh như bò tót, nhanh nhẹn như hổ báo, cú đánh sấm sét thôi sơn, di động uyển chuyển như bay trên võ đài tưởng rằng địch thủ không sao đánh trúng. Vị thiên thần Cassius Clay mới ngày nào ấy, hôm nay trên đài truyền hình là một Mohamed Ali già trước tuổi, thể xác đờ đẫn, hai bàn tay lẩy bẩy bệnh liệt rung Parkinson, hệ quả của những trận đấu những năm hào hùng.

Cái câu hỏi sau đỉnh cao của thành tích, những nhà vô địch, những nhà thể thao cừ khôi của các nước sống như thế nào, thể xác, tâm thần ra sao, chẳng bao giờ được thấy thông tin đại chúng đề cập một cách nghiêm túc. Một trong nhiều sự kiện tỏ cho ta thấy rằng sự phát triển hài hòa của thân thể và tâm thần, ít nhất là óc phê phán và trí xét đoán, chẳng phải là vấn đề quan tâm của quan niệm về thể dục thể thao hiện hành ngày nay.

Mà cho có thật tình lưu tâm thì cũng chẳng biết phải làm thế nào. Vì thể xác là một đàng, tâm thần là đàng khác, mỏi mắt trông tìm chẳng thấy đâu là nhịp cầu bắc ngang, một quan niệm mà thật ra thể thao chỉ rập theo triết học Tây phương. Nhưng là quan niệm chính thức hiện hành về thể dục và thể thao trên khắp toàn cầu.

Nhà Phật thì khác. Thể xác, tâm thần là một, trong lý thuyết, phương pháp, kỹ thuật giáo dục con người. Với những phương pháp giản dị của nhà Phật, bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể cảm nhận trong thân xác ảnh hưởng của tình cảm, của tư tưởng xuất hiện và biến đi trong tâm thần. Và từ thân xác tác động ngược lại vào tình cảm, vào tư tưởng. Tác động vòng tròn qua lại này là cơ sở cho một chương trình huấn luyện toàn diện thể xác, tình cảm tâm trí con người.

Xin không bàn vào chi tiết của phương pháp cùng cơ thể sinh học của nó đã được đề cập trong bài Thân xác trong đạo Phật (Diễn Ðàn số 50, 1/3/96 ; Hương Sen số 61, 2/6/96). Chỉ nói rằng với phương pháp nhà Phật, ai ai trong chúng ta, không cần một dụng cụ nào, chỉ mình với thân mình, bất cứ nơi nào, trong rừng sâu hay giữa đám đông thành thị, bất cứ lúc nào trong ngày, ở vào lứa tuổi nào, ai ai cũng có đầy đủ khả năng luyện cho thể xác, tâm thần tráng kiện, minh mẫn, thanh thản.

2. Trí tuệ. Trong một thời gian dài, xã hội cổ truyền Việt Nam trọng cái học từ chương. Cái gì đã in trong kinh sách thánh hiền thì là chân lý, không luận bàn, bài bác, đặt lại vấn đề. Thui chột mất đi cái khả năng suy luận.

Chúng ta đã bỏ cái lối giáo dục ấy. Dù rằng đâu đó đôi khi vẫn còn rơi rớt cái xu hướng tôn sùng lý lẽ của uy tín, nhưng chúng ta đã bỏ lối học từ chương, ít nhất là trên nguyên tắc.

Và cũng đã từ nhiều thế hệ, chúng ta học theo lối học của phương Tây. Phát huy suy luận, phát triển lý tính.

Ðó là một điều hay, nhất là cho chúng ta. Trọng lý trí là phải, điều đáng nói là cái giáo dục chúng ta học được theo khuôn mẫu Tây phương duy lý trí đến mức độ cực đoan, xem như sự thật chỉ có thể là kết quả cuối cùng của một quá trình tư duy. Quên rằng chỉ lạnh lùng lý trí là sẽ mù lòa trước sự kiện, nhất là trong quan hệ người với người, mà chỉ con mắt của tấm lòng mới thấu đáo được. Quên rằng ngoài lý trí, con người còn tiếp xúc sự vật, tiếp xúc đồng loại bằng tình cảm, bằng trực giác. Chương trình giáo dục hiện hành chỉ chuyên trau dồi lý luận, không chút ngó ngàng đến trực giác. Chẳng mấy ai mà cái hồn nhiên trực giác chẳng bị quên lãng, sứt mẻ đến thui chột sau những năm dài học theo các chương trình giáo dục ngày nay. Nhưng thử hỏi có sáng tạo nào mà không có phần của trực giác chăng. Dù là trong nghệ thuật hay trong khoa học. Hãy nghe nữ triết gia Hannah Arendt tâm tình với cô bạn Marx Mac Carthy: "Theo ý tôi, ảo tưởng lớn chính là chỗ nghĩ rằng Chân lý là kết quả cuối cùng của một quá trình tư duy. Trái lại, Chân lý luôn luôn là khởi thủy của Tư tưởng. Hành động tư duy bắt đầu sau khi một nghiệm sinh chân lý lóe sáng". (*)

(*) A mon avis, la principale illusion consiste à penser que la Vérité est le résultat ultime d'un processus de pensée. La Vérité, au contraire, est toujours le début de la Pensée. L'acte de pensée commence après qu'une expérience de vérité a fait mouche. (Correspondance 1949-71)

Nhận định phản ánh kinh nghiệm sống chân tình của nhà nữ triết gia xuất sắc. Và chúng ta tiếc cho giáo dục hiện hành không lưu tâm đến quan hệ trực giác và lý luận trong tiến trình đi tìm sự thật. Hầu như hoàn toàn bỏ qua một trong những phương tiện tri giác của sinh vật trong con người.

Nhà Phật trân trọng phân biệt lý luận. Ðọc Long Thọ Bồ Tát đủ thấy lý luận tinh tế tới mức nào. Tuy nhiên, cái tri thức thấu đáo đến gốc rễ vấn đề, nhà Phật gọi là tuệ chẳng phải là đơn thuần do lý luận.

Theo Trường Bộ kinh: "Tuệ nảy sinh do suy luận, do những gì nghe được, do trau dồi tâm thần" (D. III-219). Vậy, yếu tố thứ nhất của tuệ là trí năng phân biệt, lý luận. Yếu tố thứ nhì là tri thức do học hỏi. Nhưng chẳng phải là cái học kinh sách thuộc lòng chất đầy bụng: " Có những kẻ ngu xuẩn đi học thuộc lòng giáo lý...; họ chẳng tìm hiểu giáo lý bằng trí tuệ, và vì vậy chẳng bao giờ thấu hiểu giáo lý" (Trung Bộ kinh, M. I-133). Yếu tố thứ ba của tuệ là "trau dồi tâm thần" - tạm dịch từ bhavana - dùng cho các trường hợp tu luyện thiền quán. Ðó là phần trực giác được phát huy bởi các phương pháp ấy.

Tuệ, cái trí thức nhạy bén, thấu đáo quan hệ, quy luật che lấp sau hiện tượng của sự vật và kết tinh hài hòa của học hỏi, suy luận và trực giác. Và những phương pháp, kỹ thuật nuôi dưỡng, phát triển trực giác của nhà Phật là kinh nghiệm quí báu trong kho tàng văn hóa chung của loài người.

Tóm lại, với tiềm năng đem lại quan niệm, lý thuyết, phương pháp và kỹ thuật trong hai vấn đề: 1) Phát triển hài hòa thể xác và tâm thần; 2) Hài hòa lý trí với trực giác; chỉ riêng bấy nhiêu cũng đủ là những đóng góp đáng quý của nhà Phật cho giáo dục ngày nay.

III. Làm gì ?

Khi đặt vấn đề với hai chữ "có thể", căn bản là nói chuyện xem ra chưa có gì. Chỉ mới là suy đoán, nghĩa là nói nghe có hay đến đâu, trong thực tế còn gần với con số không.

Một kinh nghiệm sống cá nhân, một thể hiện cụ thể, dù là trong một nhóm nhỏ, trong một thời gian giới hạn, dù cho kết quả là một sự thất bại, những kinh nghiệm thực tế ấy còn có phần bổ ích hơn là những suy đoán dài dòng hào nhoáng. Vì chúng điểm ngón tay vào những chướng ngại thực tiễn. Ðương nhiên rằng bất cứ trong thực tế nào, trong điều kiện nào, nhà Phật cũng trung thành với tinh thần "thí pháp" cố hữu của mình. Một hình ảnh đẹp, hình ảnh tung rải khắp bốn phương lời Phật dạy, như những cánh hoa đến với mọi người. Nhưng cho dù là cánh hoa, đã nói là cho, là tặng, thì phải có người nhận, có cách rải. Mà điều kiện vật chất, tâm tư, đời sống của người nhận, mỗi thời mỗi khác, mỗi nơi mỗi khác, mỗi người mỗi khác. Vì vậy xin nêu lên một vài câu hỏi :

1. Con người ngày nay tìm đến giáo lý đức Phật vì những động cơ, những lý do, nhu cầu gì? Có gì là đặc trưng theo lứa tuổi, thành phần xã hội, trình độ học thức, truyền thống gia đình v.v...?

2. Ði vào thực tế, giáo dục Phật giáo ngày nay gặp những thuận lợi gì, những khó khăn nào? Những kinh nghiệm thu thập được qua sống thực tiễn hãy còn là dạng tản mạn vụn vặt hiểu biết cá nhân, hay đã được trao đổi, thu thập đúc kết thành kho kinh nghiệm chung giúp ích cho tất cả những ai quan tâm đến vấn đề đưa lời dạy của đức Phật đến với mọi người?

Dĩ nhiên vấn đề không thu hẹp và giới hạn trong đất nước Việt nam. Tại các nước xung quanh, đã có những thực hiện thích nghi Phật giáo với nhu cầu năng suất, hiệu năng vật chất của xã hội ngày nay như phong trào Won ở Cao ly, các phái Soka Gakkai, Rissho Koseikai, Nipponzan Myohojl ở Nhật. Ta có thể tìm hiểu chăng và biết được những gì về các phong trào này? Chúng ta có tìm hiểu chăng, trường phái Phật giáo mới ở Thái Lan phản ứng như thế nào trước xã hội đang hấp thụ lối sống Tây phương ngày nay; chúng ta có theo dõi chăng cách giải thích tam tạng kinh điển theo lý thuyết khoa học ngày nay của các vị danh tăng Budhadasa Bikkhu, Vichitr Ratna Dhiravamsa hay của phái Santi Asoke?

3. Một trong những truyền thống nhà Phật là lòng tin vô biên nơi tâm Phật ở mỗi người, ở mọi nơi, vào mọi thời đại. Ðó là căn bản của truyền thuyết cho rằng đức Phật từ đỉnh núi Linh Thứu mãi mãi vang vọng khắp thế gian. Nói như thế là có một câu hỏi cấp thiết: ngoài kinh điển lưu truyền, chúng ta cần học thêm những gì trong kho tri thức từ tâm Phật sinh ra, và không ngừng phát triển để thích ứng với thân phận không ngừng biến chuyển của con người?

Trong kho tri thức ấy, những gì là các "pháp môn không kể xiết" mà người Phật tử ngày nay hằng "thệ nguyện đều tu học"? Lý thuyết và phương pháp của xã hội học, của thông tin đại chúng có chỗ đứng như thế nào trong tri thức, trong phong cách thí pháp của nhà Phật ngày nay?

Ðó là một vài câu hỏi cụ thể liên quan đến giáo dục, xin nêu lên để chúng ta suy ngẫm.


Chân thành cám ơn anh chị Lưu - Thu đã có thiện tâm giúp đánh máy lại bài viết nầy