Buddhasasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font

Ðạo và Ðời

Thảo Trang


Một điểm chung mà giới trẻ chúng ta hiện nay thường hay mắc phải: đó là sự bế tắc trước những ngã rẽ của cuộc sống.

Ðiều này không phải là khó hiểu, sự chuyển mình của đất nước, hội nhập nhiều cái mới mẻ, ảnh hưởng của nền văn hóa phương Tây hiện đại và truyền thống bản sắc của người Việt Nam với những quan niệm đạo đức, những điều học trong sách vở của nhà trường. Bước ra cuộc sống mới hay là quá nhiều điều phức tạp rắm rối mà mình không ngờ tới, không nghĩ tới.

Qua rồi cái thời những phong tục tập quán cổ điển cừ đè nặng lên đầu con người. Có một giới trẻ đang chuyển mình, thoáng hơn, năng độn hơn và lầm lỗi cũng nhiều hơn. Họ có nghĩ gì không, so sánh gì không giữa Ðạo và Ðời?

Có chứ, nhiều nữa là đằng khác. Nhưng quan điểm thời đại ngày nay dĩ nhiên phải khác xưa rất nhiều.

Nếu bạn là người theo một tôn giáo, thì đạo ở đây tức là tôn giáo mà bạn tin, bạn tín ngưỡng. Ðạo Phật hay bất cứ đạo nào khác cũng khuyên con người ta sống nhân ái, từ bi, yêu thương nhau, luôn làm điều thiện và tránh xa những điều ác. Nếu bạn không theo một tôn giáo nào thì đạo ở đây tức là thờ ông bà, tổ tiên. Nói chung đạo là đạo đức, là quan điểm truyền thống, thể hiện bản sắc văn hóa của một dân tộc. Suy cho cùng đó chính là đạo làm người.

Nhưng con người thì phải sống trong đời. Mà đời thì dài lắm, rộng lắm, nói làm sao cho hết muôn mặt của nó. Trong đời có điều ác điều thiện, có kẻ tốt kẻ xấu, có bất hạnh có hạnh phúc, người sung sướng kẻ cơ cực. Ðạo luôn luôn chi phối trong đời. Nhưng đời sống có quy luật tồn tại và phát triển riêng của nó, mà không có bất cứ cái gì có thể áp đặt lên được. Thì đức Phật cũng nói đấy thôi: "Ðời là bể khổ". Ngài đi tìm đạo để giải thoát cho chúng sanh mà nào chúng sanh có hết khổ đâu! Chính con người tự làm khổ mình với những ham muốn, tham vọng không có đích cùng, chứ đâu phải lỗi tại cuộc đời. Những con đường đầy hào quang của đạo thì đẹp, và bản thân cuộc đời cũng đẹp, còn chúng ta có thấy hay không là do con mắt nhìn của ta thôi.

Ðừng nghĩ là chỉ có các bác, các ông lớn tuổi mới đàm đạo về Ðạo và Ðời. Thanh niên chúng ta cũng băn khoăn, trăn trở về vấn đề đó nhiều lắm chứ. Sống theo quan điểm đạo đức và tôn giáo truyền thống hay sống gấp gáp vội vã theo guồng quay cho bắt kịp với hơi thở của thời đại, đó là cả một vấn đề. Bế tắc cũng dừng lại ở đó.

Những năm tháng là sinh viên của tôi có biết bao nhiêu buổi tranh luận cùng bạn bè về cách sống, lối sống, bao nhiêu buổi mạn đàm về thời cuộc. Có đêm cả nhóm cùng thức tới sáng để bộc bạch suy nghĩ tình cảm của mình khi đứng trong cuộc đời. Người nghiêng về đạo đức của một người Á Ðông thuần chất và truyền thống, kẻ chê bai có những điều ấu trĩ mà cần phải văn minh hơn, hiện đại hơn. Một số thì lao vào công tác xã hội, đi lạc quyên, xây nhà tình nghĩa, đi xóa mù chữ ở vùng sâu vùng xa, số khác thì cho là "hâm", là không hợp thời và hoang phí thời giờ nhàn rỗi của mình vào những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng. Một bộ phận thanh niên lên rừng xuống biển, tình nguyện xây dựng đất nước ở nơi xa xôi, bộ phận khác lao vào làm giàu, bằng mọi cách để tìm cho mình địa vị danh vọng. Ðạo đấy và đời đấy.

Những điều tôi đưa ra không mới, nhưng cũng không cũ. Bởi đó là thực tế, và quy luật. Tôi không thiên về phía nào, bởi mọi thứ đều có lý lẽ riêng nó; và con người toàn quyền xử sự cho cuộc đời của mình. Ðúng sai, đã có tòa án pháp luật và lương tâm xét xử. Mà đã làm người thì sao không có lúc chông chênh, không cân bằng. Không ai mà không lầm lỗi. Người ta lầm lỗi trong đời, và vì đạo mà người ta sám hối.

Một anh bạn của tôi tâm sự: "Tôi hoàn toàn bế tắc. Tôi không biết quyết định gì cho cuộc sống của mình. Tất cả đều tù mù. Dù suy cho cùng, tôi chưa gặp bất hạnh gì lớn cả". Một tâm lý chung của tuổi trẻ quá nhiều ảo tưởng và không biết nhìn nhận cuộc sống bằng con mắt thực của mình. Một ngày nào đó, anh ta và những người như anh ta, sẽ tự tìm ra lối đi cho mình. Tôi có thể kể ra đây chăng cái chết của một cô sinh viên đi xóa mù chữ vì cứu bạn mà chết đuối, hay những tấm gương lao mình vào đám cháy cứu người và đồ đạc của bạn trẻ mà ta vẫn thường đọc trên báo. Tôi có thể kể ra đây chăng những người bạn áo xanh (công tác xã hội), hoặc áo lam (Gia đình Phật tử)... hay những đồng phục khác đi bán vé số, lạc quyên, giáo dục trẻ em đường phố, tuyên truyền vận động... Những người bạn đang mài đũng quần trên ghế nhà trường hay những bạn sớm lao vào cuộc sống để tự nuôi thân, nuôi gia đình. Hay những bạn trẻ đang tự giết chết đời mình với ma túy, với những cuộc chơi thác loạn. Anh sẽ tìm ra mình là ai trong số đấy, và tôi cũng vậy. Ðạo là kim chỉ nam, còn đời là một đại dương mênh mông để ta tập chèo, tập lái con thuyền của mình. Bến trong, bến đục, bão táp hay bình yên, thuyền về tới đích hay bị đắm, câu trả lời là chính ta thôi. Mà để tìm ra đáp số cho cuộc đời mình, e rằng cả một quãng đường dài, rất dài cho ta mày mò, ta đi, thành công hay thất bại.

Người ta phải mất rất lâu để chiêm nghiệm về cuộc đời. Còn tuổi trẻ thì bất an bởi nhiều lý tưởng và lầm lỗi. Ta sám hối và ta tiếp tục lầm lỗi. Khi sám hối, tức là ta đang hướng về đạo. Khi lầm lỗi, dễ hiểu vì ta đang sống trong đời. Mà có khi, phải lầm lỗi để được sám hối đó chứ.

Người viết bài này cũng vẫn còn đang "tầm sư học đạo". Học để sống trong đời được vững chãi, trong sạch hơn và bớt đi những điều lầm lỗi. Nếu một ngày bạn cảm thấy mình đang bế tắc, hãy sám hối đi những lỗi lầm của mình, để thanh thản và tin yêu cuộc đời thêm chút nữa. Học đạo và học đời, chân lý của tuổi trẻ là ở nơi đó đấy bạn.


Chân thành cám ơn anh Nguyễn Quang Trung đã có thiện tâm giúp đánh máy lại bài viết nầy