Xướng ngôn viên đài BBC:
Ðây là đài BBC, trong chốc lát chương trình tiếng Việt chiều nay của chúng tôi sẽ được truyền đi từ Luân Ðôn, qua vệ tinh viễn thông trên các làn sóng điện 19, 25 và 31 thước. Trước hết chuông đồng hồ Big Ben từ trụ sở quốc hội Anh điểm 11:30 trưa quốc tế GMT, tức là 6:30 chiều tại Việt Nam. (Tiếng chuông đồng hồ và nhạc hiệu).
Ðây là đài BBC, kính chào quý vị. Chương trình chiều nay của chúng tôi gồm có: phần tin tức, sau đó là Tạp Chí Tuổi Trẻ, và cuối cùng là bài học Anh ngữ giao dịch thương mại...(lược)
Tạp Chí Tuổi Trẻ:
BBC: Thân chào các bạn. Tạp Chí Tuổi Trẻ hôm nay xin dành trọn thì giờ cho cuộc mạn đàm với Thầy Nhất Hạnh. Có những cuộc gặp gỡ mà trong đó người đi gặp cảm thấy nhỏ bé đi trước người mà mình sẽ gặp. Như là trong buổi sáng tuần rồi khi tôi đến gặp Thầy Nhất Hạnh ở một căn nhà ngoại ô phía Nam của Luân Ðôn, trước khi Thầy Nhất Hạnh lại lên đường đi phụng sự giới trẻ. Phải giới thiệu Thầy Nhất Hạnh sao đây? Một nhà văn? Một nhà thơ? Một nhà văn hóa? Một nhà nhân bản? Thật khó quá! Khó hơn nhất là khi Thầy Nhất Hạnh lại là một nhà Sư, có trước tác nhiều bài thơ và nhiều cuốn sách bàn tới những vấn đề văn hóa và nhân bản, mà tiêu biểu nhất là cuốn "Nói Với Tuổi Hai Mươi", xuất bản đầu tiên năm 1965 và đã được tái bản tới 12 lần. Từ năm 1966, Thầy Nhất Hạnh đã rời quê hương, và hiện đang cư trú tại một ngôi Làng mà Thầy đặt tên là "Làng Hồng" ở miền nam nước Pháp. Thầy cho biết từ dạo đó đến nay, Thầy đã làm gì?
TNH: Trong những năm tháng ở lại ngoại quốc, tôi vẫn tiếp tục làm việc, tiếp tục sáng tác, viết sách, dạy học và phục vụ cho người Phật tử Việt Nam. Tôi cũng đã đi giảng dạy đạo Thiền cho thanh niên Tây Phương. Tôi cũng đã có hàng chục ngàn người học trò trong giới thanh niên Âu và Mỹ.
BBC: Nhân dịp này xin giới thiệu cùng các bạn cuốn "Ðường Xưa Mây Trắng", gồm ba tập mới vừa xuất bản của Thầy Nhất Hạnh. Thế trong khi đi dạy Thiền cho thanh niên Âu Mỹ, Thầy thấy họ ra sao?
TNH: Trong khi đi dạy Thiền Việt Nam cho thanh niên Âu Mỹ, tôi thấy họ rất khát khao và quý chuộng nền Ðạo học Ðông phương của chúng ta. Nền văn hóa Tây phương đang đi đến ngõ bí. Giới trí thức và thanh niên Tây phương đang đi tìm một con đường có thể đáp ứng lại được cho những thao thức và ước mơ sâu sắc của họ.
BBC: Thầy Nhất Hạnh cũng còn tiếp xúc với nhiều tầng lớp đồng bào hiện sống ở nước ngoài. Vậy thì quan niệm của họ về tương lai đất nước ra sao? Thầy Nhất Hạnh cho biết:
TNH: Có thể là ở trong nước cũng như ở ngoài nước có một số đồng bào nghĩ rằng chúng ta phải hướng theo con đường của những nước phát triển như nước Mỹ, nước Anh, nước Pháp, hay nước Nhật. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, tuy rằng đời sống vật chất ở trong các nước đó có khá hơn ở Việt Nam, nhưng con người ở các nước đó cũng đau khổ, có khi đau khổ cùng cực. Và tôi rất không muốn là Việt Nam sẽ đi theo hướng của nước Nhật hay là nước Mỹ. Chính tại những nước đó, tình trạng bế tắc rất lớn.
BBC: Nếu gặp tình trạng bế tắc như vậy thì liệu có phương cách nào để khai thông hay là không? Sau đây là ý kiến của Thầy Nhất Hạnh:
TNH: Tôi thấy trong nền văn hóa dân tộc của chúng ta, có những viên ngọc rất quý. Nếu chúng ta biết trở về và sử dụng những kinh nghiệm của cha ông chúng ta thì chúng ta có thể mở một con đường mới cho đất nước. Cố nhiên là chúng ta phải có kỹ thuật để có thể xây dựng lại nền kinh tế, nhưng có kỹ thuật không đủ, chúng ta cần phải có một con đường văn hóa, một con đường đạo đức. Những yếu tố này chúng ta có thể tìm ngay trong kho tàng văn hóa của chúng ta.
BBC: Lúc Thầy nói như thế, thì có phải là Thầy đã định ra được căn bệnh chính rồi sao?
TNH: Tôi thấy người Việt có dư thông minh và tài năng. Nếu phối hợp được những tài năng trong nước và những tài năng của người Việt ở ngoại quốc, chúng ta sẽ có đủ vốn liếng để làm việc đó. Nhưng tôi nghĩ rằng, nếu chúng ta không tìm tới với nhau được và không kết hợp với nhau được thì chúng ta sẽ không làm được gì cả. Nếu so sánh một cá nhân người Việt với một cá nhân người Nhật, thì có thể có cơ hội là một cá nhân người Việt giỏi hơn, tháo vát hơn. Nhưng nếu mà so sánh một nhóm người Nhật với một nhóm người Việt, ta sẽ thấy rằng nhóm người Nhật giỏi hơn. Tại vì họ có tinh thần đồng đội nhiều hơn. Trong khi đó, người Việt vẫn còn giữ tính cách anh hùng cá nhân nhiều quá. Khi mà trong chúng ta ai cũng muốn làm lãnh tụ và anh hùng hết, thì chúng ta sẽ có quá nhiều lãnh tụ và quá nhiều anh hùng. Do đó ta lâm vào tình trạng chia rẽ trầm trọng. Chứng bệnh trầm trọng nhất của người Việt chúng ta là sự chia rẽ. Và vì vậy chúng ta cần tu tập. Tu tập để chúng ta có thể mở mắt ra, chấp nhận được nhau và có thể học làm việc với nhau trong tinh thần đồng đội.
BBC: Vậy thì Thầy quan niệm chỗ đứng của Thầy như thế nào?
TNH: Tôi là con người của văn hóa, và vì vậy tôi không thích bị cưỡng ép bởi những tư tưởng chính trị. Ngày xưa ở tại trong nước, tôi đã từng giảng dạy đạo Thiền, và thanh niên theo học khá đông. Chính tôi đã thành lập Viện Ðại Học Vạn Hạnh và Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội để phục vụ đồng bào theo tinh thần bất bạo động của Phật giáo. Bây giờ, sau mấy chục năm hoạt động, kinh nghiệm của tôi đã trở nên giàu có hơn. Tôi nghĩ rằng, nếu tôi có cơ hội để về nước, thì công việc mà tôi muốn làm là tiếp xúc với tuổi trẻ và với đồng bào, để tổ chức những ngày tu học, những khóa tu học, để người ta có dịp nhìn lại bản thân, tu tỉnh lại, chuyển hóa, hàn gắn những vết thương trong lòng mình, gây lại hạnh phúc trong gia đình mình. Tôi nghĩ công việc tu tập này là một công việc căn bản. Dầu chúng ta có tài năng cách mấy hoặc có kỹ thuật cao cách mấy mà nếu chúng ta vẫn còn là những con người đầy dẫy những vết thương trong lòng, những con người đầy dẫy những tị hiềm chia rẽ, giận hờn và thù hận thì chúng ta vẫn không có thể nào phục vụ cho đất nước một cách có hiệu quả. Tuy hiện tại ở ngoại quốc chúng ta có rất nhiều thanh niên và thiếu nữ Việt Nam đã tốt nghiệp đại học, nắm trong tay những kỹ thuật thật là quý hóa, nhưng nếu những người đó về mà không có cơ hội, không có tự do, không có sự thương yêu đùm bọc, thì họ cũng sẽ không thành công, sẽ không làm được gì. Cho nên tổ chức tu tập để giúp làm lại con người Việt Nam cho lành lặn hơn và đẹp đẽ hơn, theo tôi đó là một công tác yêu nước căn bản. Và tôi muốn đem những năm tháng còn lại của tôi để phục vụ về phương diện đó.
BBC: Là một con người nhân bản, tất nhiên Thầy Nhất Hạnh không khỏi không nói tới tình trạng của xã hội Việt Nam. Tôi đã hỏi Thầy Nhất Hạnh rằng: "Nếu như ngày nay Thầy phải nói với những người lớn tuổi ở trong nước, thì Thầy sẽ nói những gì?"
TNH: Tôi nghĩ rằng thế hệ của những người lớn tuổi ở Việt Nam phải nhìn nhận những cái sai lầm của mình. Phải nhìn nhận rằng trong những năm qua, mình đã đưa đất nước vào một giai đoạn quá u tối. Mình đã đem vào trong nước những chủ thuyết mà không thích hợp với dân tộc và với truyền thống. Và vì vậy mình phải tìm cách chấm dứt tình trạng đó càng sớm càng tốt. Những người ấy phải giật mình tỉnh thức, phải thấy rằng thế giới đã bắt đầu chuyển hóa một cách triệt để. Ðừng nên tiếp tục tham quyền cố vị và bám víu vào những quyền lợi cá nhân. Phải để cho thế hệ những người trẻ có cơ hội đứng dậy, làm lại cuộc đời của họ và xây dựng lại đất nước của họ.
BBC: Cách đây 25 năm, Thầy Nhất Hạnh có viết một cuốn sách nhan đề là: "Nói Với Tuổi Hai Mươi", để cố giải đáp thắc mắc và những ưu tư của thanh niên thời đó. Nếu bây giờ Thầy phải nói với lứa tuổi mà ngày hôm nay mới vừa lên 20, thì Thầy sẽ nói những gì?
TNH: Thanh niên ngày nay phải có tự do, phải được có cơ hội sử dụng tự do nhận thức, phải được có cơ hội đứng dậy nắm lấy chủ quyền của cuộc đời mình, của xã hội mình và của đất nước mình. Ðiều đó là điều trông chờ của tất cả đồng bào trong nước, cũng như ở ngoài nước. Thế giới đã thay đổi. Tôi thấy người Việt có đủ thông minh, can đảm và khả năng để đưa đất nước tới một giai đoạn rực rỡ. Chúng ta đừng để mất cơ hội này, rất uổng.
BBC: Vì thì giờ có hạn, chúng tôi xin kết thúc cuộc mạn đàm nơi đây với bản nhạc "Bông Hồng Cài Áo", thơ của Thầy Nhất Hạnh, do Phạm Thế Mỹ phổ nhạc và do Phương Thanh trình bày. Bản nhạc cũng kết thúc chương trình Tạp Chí Tuổi Trẻ hôm nay. Xin mời quý vị thưởng thức trong tinh thần mùa Vu Lan.
(Trích "Kiều và văn nghệ đứt ruột", NXB Lá Bối, 1994)
Chân thành cám ơn Chị Dương Kim Nguyệt đã có thiện tâm giúp đánh máy lại bài viết nầy (06/96).