Xưa có câu chuyện: Một cháu bé 5 tuổi thấy ông nội đọc sách thường đeo kính, cũng bắt chước lấy kính đeo, nhưng chẳng đọc được chữ nào. Ông nội liền bảo: Cháu muốn biết đọc thì phải học, cặp kính chỉ giúp cho đôi mắt điều chỉnh thị giác chứ không giúp cho người không học mà đọc sách được đâu.
Câu chuyện này dạy cho chúng ta một bài học rất quý báu: Ðừng lầm phương tiện với cứu cánh, đừng lầm tùy duyên với ỷ lại. Chúng ta đi chùa lễ Phật, tụng kinh, gõ mõ là những phương tiện để giữ cho thân khẩu ý được thanh tịnh, nhờ thanh tịnh mà trí huệ phát sinh, được giác ngộ và giải thoát. Vậy đi chùa, lễ Phật, tụng kinh, gõ mõ là một trong nhiều phương tiện tùy duyên mà đức Phật đã chỉ dạy cho các đệ tử thực hành để đạt tới cứu cánh là giác ngộ, phát huy được cái trí huệ sẵn có từ xưa, phải có nhân duyên tu hành mới hưởng được quả giải thoát.
Nhưng phương tiện này chỉ thích hợp với một số người, còn những người khác lại dùng những phương tiện khác như: Tu Thiền, Niệm Chú và pháp môn thông dụng nhất hiện giờ là sáu chữ "Nam Mô A Di Ðà Phật" để cầu vãng sinh Tịnh Ðộ. Tại sao lại niệm Phật A Di Ðà mà không niệm Phật khác? Tất cả các Phật đều đồng nhau nhưng mỗi vị có hạnh nguyện và nhân duyên riêng, Ðức Phật A Di Ðà có nhân duyên lớn với chúng sinh cõi Ta Bà, ai nhất tâm niệm Phật sẽ được ngài tiếp dẫn về cõi Tây Phương Cực Lạc. Các Phật tử gặp nhau đều chào A Di Ðà Phật là có ý chúc nhau được vãng sinh Tịnh Ðộ, nhắc nhở nhau là trong mỗi người đều có Phật tánh, mỗi người đều bình đẳng có Phật ở Tâm, đừng tìm Phật ở ngoài.
Chúng ta hiện sống ở nước ngoài, mọi nếp sinh hoạt đều khác trước, dĩ nhiên việc tu hành cũng phải thay đổi tùy hoàn cảnh, có nơi có chùa, có Tăng Ni chân chính thì có đủ duyên mà tu, nhưng có chùa mà không có Tăng Ni hoặc gặp phải những vị tu hành đức hạnh kém, không giữ Lục Hòa, ham cầu danh lợi thì làm sao đây? Ðức Phật đã dự trù những việc này trước khi nhập Niết Bàn, ngài dạy ông A Nan: "Phải giữ giới luật làm thầy, phải theo Chánh Pháp mà tu, được vậy thì ta vắng mặt cũng không sao. Trái lại, nếu chẳng giữ giới luật, chẳng theo Chánh Pháp thì dù ta còn ở đời cũng chẳng giúp gì cho ai được cả. Hãy tự thắp đuốc mà đi, ta chỉ là người dẫn đường".
Người tu hành quy y Tam Bảo, không phải chỉ quy y với Phật Thích Ca, với kinh điển của ngài và với các vị Tăng mặc áo nâu hoặc áo vàng, mà nên hiểu theo lý Quy Y Tam Bảo là trở về nương tựa với Phật sẵn có của mình: Ðó là Từ Bi, Trí Tuệ, Giác Ngộ, Giải Thoát; trở về nương tựa với Chánh Pháp sẵn có của mình là tuân theo những luật thiên nhiên điều khiển vũ trụ: Ðó là lý Vô Thường, Vô Ngã, Luân Hồi, Nhân Quả; trở về nương tựa với vị Tăng sẵn có nơi mình: Ðó là sự Thanh Tịnh, Hòa Hợp.
Có người cho rằng: Chùa mà không có Tăng là không đủ Tam Bảo; đó là chỉ đúng về sự tướng mà quên đi cái lý ẩn tàng cao siêu huyền diệu. Vẫn biết có vị Tăng trụ trì thì tốt hơn, có người thay Phật để dạy dỗ chúng sinh, nhưng đó phải là những vị Tăng chân chính, đạo cao đức cả, nắm giữ luật Phật, thực hành đúng lời Phật dạy, sống đời thanh tịnh vị tha, giữ Lục Hòa làm căn bản. Nếu vị Tăng không được như vậy thì thà không có Thầy trụ trì còn hơn, vì người dẫn đường mà lầm lạc thì chắc chắn sẽ dẫn chúng sinh xuống hố sâu.
Chùa có Tăng chân chính thì dĩ nhiên rất tốt vì có người chỉ dạy các phương pháp tu hành, nhưng nếu vì hoàn cảnh khó khăn, không có Tăng thì tự mình tùy duyên phương tiện mà tu, chỉ cần các Phật tử hiểu luật Phật, tu đúng các pháp Phật, thực hành lời dạy của Phật, hướng dẫn lẫn nhau, đừng ỷ lại vào người khác, vì Phật còn chẳng cứu được ai, chư Tăng làm sao cứu giúp chúng ta giác ngộ, chỉ có chúng ta tự cứu mình mà thôi.
Ðó là chúng ta tùy hoàn cảnh, phong tục mà phương tiện mà tu học, nắm vững lý Vô Thường, Vô Ngã, Luật Nhân Quả Duyên Sinh, thực hành Từ Bi Hỷ Xả, phát huy Trí Tuệ, tự giác giác tha... thì dù sớm dù muộn, chúng ta cũng đạt được mục đích của sự tu hành: Ðó là giác ngộ và giải thoát.
Chùa nát mà có Phật vàng, bộ áo không tạo ra thầy tu chân chánh, chúng ta không cần phải có chùa to, Phật lớn, không cần nhất thiết phải có Tăng mới tu được, mà nên nhớ rằng: Tam Bảo sẵn có khắp nơi, sẵn có trong chúng ta.
Có chùa to, tượng đẹp, có chư Tăng chân chính trụ trì thì tốt, nhưng đừng vì vậy mà hao tốn tiền bạc, hoặc gặp thầy tà, bạn ác cũng lễ lạy cúng dường, mà chúng ta cần chú ý đến việc tự tu, tự học, tu học phải đi đôi, đừng thấy người ta tụng kinh gõ mõ mà mình cũng phải tụng kinh gõ mõ, ví như ông nội đeo kính mà cháu bé cũng đòi đeo kính hòng đọc được sách. Chúng ta nên lựa một pháp môn thích hợp với căn cơ của mình, rồi tinh tấn thực hành, đừng trông cậy vào người khác làm giùm, tu giùm.
Ðức Phật nói: Có hai hàng đệ tử Phật là đệ tử xuất gia và đệ tử tại gia. Ðệ tử xuất gia không bị gia duyên ràng buộc nên dễ bề tu hành, còn đệ tử tại gia thì có nhiều duyên sự ở đời nên khó tu, nhưng hai hàng đứng về Phật tánh thì đều bình đẳng như nhau, và thứ bậc cao thấp chỉ căn cứ vào quả vị tu chứng mà thôi.
Một bằng chứng rõ ràng là cư sĩ Duy Ma Cật đã được chư Phật ngợi khen, chư Bồ Tát kính trọng, và chư Tăng phục tòng chỉ vì cư sĩ đã chứng được Pháp môn Bất Nhị và được giải thoát.
Hoàn cảnh chúng ta hiện nay khó khăn, nhưng đó chỉ là thử thách, những ai sáng suốt nhận định và tuân theo đúng lời Phật dạy mà tu hành tinh tấn, chỉ những người đó mới hưởng lợi lạc thực sự của một đời sống thanh cao.
Minh Tâm
Trích "Tìm Phật ở đâu?" NXB Văn Nghệ, Hoa Kỳ.
Chân thành cám ơn anh Nguyễn Quang Trung đã có thiện tâm giúp đánh máy lại bài viết nầy