This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font

Pháp - Dharma

Joseph Goldstein

Nguyễn Duy Nhiên dịch


"Ðã hoàn tất rồi những gì cần phải được hoàn tất." Lời này, trong các kinh điển Phật giáo, bao giờ cũng gây cho Tôi một sự phấn khởi. Câu ấy xuất hiện trong những "bài ca giác ngộ." Ðó là những lời mà các tu sĩ đã cảm tác thốt lên trong giây phút giải thoát. Những lời cảm tác ấy đã đem lại cho tôi một niềm vui. Vì chúng nhắc cho tôi nhớ rằng, chúng ta thật sự có thể đi trọn hết được con đường tu tập của mình. Giây phút ấy chắc là sẽ nhiệm mầu lắm, khi ta có thể cất tiếng hát lên lời ca ấy, "Ðã hoàn tất rồi những gì cần phải được hoàn tất."

Nhưng chúng ta lúc nào cũng vẫn còn bị ám ảnh bởi sự nghi ngờ: "Ta có thể đạt được sự giác ngộ không? Ðức Phật thì ngài có thể thực hiện được việc ấy, chứ còn tôi? Tôi thực sự có thể làm được chuyện ấy không?" Tôi nói với bạn điều này, chúng ta ai cũng có thể làm được chuyện ấy hết nếu ta biết phương pháp.

Ta tu Phật là để khám phá ra phương pháp ấy, để ta có thể được tự tại và giải thoát. Trọng tâm của việc tu tập là để thực hiện bấy nhiêu thôi. Sự tự tại ấy sẽ đem lại cho ta những đức tính như từ bi, an lạc, một tuệ giác thấy được rằng tất cả mọi vật đều có liên hệ mật thiết với nhau. Chữ Dharma trong Phạn ngữ, hay Dhamma trong Pali, là một danh từ rất rộng nghĩa, nó bao trùm chứa đựng hết tất cả. Một trong những nghĩa của Dharma là Chân lý, là Pháp, tự tánh của vạn vật. Nó cũng có nghĩa là những yếu tố đặc biệt của một hiện tượng và những luật tự nhiên điều khiển hiện tượng ấy. Dharma cũng có nghĩa là những lời dạy của đức Phật và con đường tu tập đưa đến giác ngộ. Vì thế cho nên danh từ Dharma bao trùm hết tất cả. Mọi vật trên cuộc đời này đều có thể là Dharma, vì mọi vật phải tuân theo định luật tự nhiên của chính nó.

Ðức Phật đã nhìn thấy thật rõ rằng, những trạng thái khác nhau của tâm và những hành động khác nhau của tâm và những hành động khác nhau của thân, sẽ đưa đến những hậu quả hoàn toàn khác biệt. Tâm bất thiện sẽ tạo nên một số ảnh hưởng đặc biệt. Và tâm tốt lành sẽ có những quả trái riêng của nó. Khi hiểu được sự thật này rồi, ta sẽ có khả năng thấy được những gì trên đời này tạo nên khổ đau cho ta và những gì có thể đem lại tự do và hạnh phúc.

Trên con đường tu tập chân chánh không có vấn đề cưỡng bách hay ép buộc. Ðức Phật đã vạch vẽ rõ ràng cho ta thấy một họa đồ tổng quát của thực tại. Khi chúng ta hiểu được họa đồ ấy cặn kẽ, ta có thể tự do chọn lựa con đường nào mình muốn theo. Ðơn giản lắm! Nếu chúng ta muốn được hạnh phúc, và nếu chúng ta biết được những hạt giống của hạnh phúc, thì cứ tiếp tục tưới tẩm chúng đi, rồi một ngày hạnh phúc sẽ đơm bông kết trái.

Sở dĩ chúng ta có được một sự chọn lựa vì Dharma là một thực tại của định luật tự nhiên, nó là đường lối chuyển vận biến hành của vạn vật. Vì nếu cuộc sống của ta chỉ là một tập hợp của những sự việc xảy ra theo may rủi, không theo một định luật vật lý hay luân lý nào hết, thì ta sẽ không bao giờ có thể quyết định được đường hướng của đời mình. Chúng ta sẽ chỉ là những chiếc lá vàng rơi rụng lả tả, bị lôi cuốn theo cơn gió xoáy của cuộc sống. Trong sự tu tập, ở giai đoạn đầu, mặc dầu chúng ta có thể cảm thấy tâm mình như là một con trốt sinh hoạt quay cuồng, nhưng dần dần sự nhiệm mầu của thiền tập sẽ giúp ta phân định, sắp đặt lại tất cả. Theo thời gian chúng ta sẽ trở nên an ổn và vững vàng, có thể định tâm để nhìn thấy được yếu tố nào sẽ đem lại cho ta an lạc hoặc khổ đau. Tất cả mọi sự trên cuộc đời này - hạnh phúc hay khổ đau - đều xảy ra đúng theo luật định của nó. Sự tự tại của ta nằm ở sự minh triết của mình trong vấn đề chọn lựa.

Khi đi theo con đường tỉnh thức, ta sẽ nhận thấy rằng mục tiêu tối hậu của sự tu tập là làm sao để phát triển được những thiện tính trong tâm mình. Con đường tu tập là để chuyển hóa tâm thức của mình, thanh lọc hết những tham, sân, si, sợ hãi, mọi ganh tỵ, hiềm khích - các năng lực đã từng gây nên khổ đau cho chính ta và thế giới chung quanh.

Tất cả chúng ta đều cùng chia xẻ chung một mục tiêu giải thoát vô cùng cơ bản. Mà tiềm năng đó bao giờ cũng có sẵn trong tâm của mỗi người chúng ta. Trong những năm đầu tu tập ở Ấn độ, tôi theo học với ngài Munindra-ji, một trong những vị thầy của tôi tại Bồ Ðề Ðạo Tràng, nơi đức Phật đã thành đạo. Bồ Ðề Ðạo Tràng là một ngôi làng nhỏ với nhiều ngôi chùa thật đẹp. Và những khi tôi và ngài Munindra có dịp đi bộ với nhau ngang qua làng, ngài thường chỉ cho tôi thấy những người dân làng mộc mạc từng là học trò của ngài. Ða số các người ấy đều đã đạt đến một số trình độ giác ngộ nào đó.

Thấy được những người ấy là một niềm khích lệ lớn cho tôi, vì nhìn bề ngoài của họ thì không cách nào ta có thể đoán rằng họ có một trình độ tâm linh cao. Trông họ như những dân làng hiền hòa, đang sống một cuộc đời bình thường như mọi người khác. Ðó cũng là lần đầu tiên tôi chứng ngộ được chân lý, mà ta thường hay nói, là giác ngộ không tùy thuộc vào giai cấp xã hội hay trình độ học vấn của ta. Tất cả mọi người, ai cũng đều có chung những điều căn bản này, là ta đang sống, chúng ta ai cũng có tâm và thân. Phận sự của ta là tỉnh thức dậy và thanh lọc lại bản tâm của mình, vì ích lợi của mọi loài chúng sinh.

Và ý thức ấy là một khuôn vàng thước ngọc có thể dùng để làm sự đo lường, mẫu mực cho mỗi hành động của ta. Việc mà ta sắp sửa làm đây - bất cứ là một hành động gì - sẽ giúp ta trên con đường giác ngộ hay sẽ làm cản trở ta? Cho dù trong hoàn cảnh nào, trường hợp nào của cuộc sống ta cũng đều có thể tu tập được. Khi chúng ta ý thức được con đường giải thoát và thật tâm tu tập, thì dầu cho bất cứ chuyện gì xảy ra, đoan chắc rằng rồi một ngày ta sẽ hát lên bài ca giác ngộ của chính mình: "Hoàn tất rồi những gì cần phải được hoàn tất."


From Phat Hoc Magazine, http://www.win.net/phathoc/